TĐKT - Ngày 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, tại điểm cầu Bộ Y tế và điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.
Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn tiêm chủng năm 2020
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS. TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Tại Quyết định 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 của Bộ Y tế, đã xác định định nghĩa, tiêu chuẩn chẩn đoán các trường hợp bệnh bạch hầu nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định để có các biện pháp xử lý, phòng, chống thích hợp. Lưu ý về định nghĩa các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu trong thời kỳ mắc bệnh (người bệnh và người lành mang trùng) để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch nghiêm ngặt.
Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vắc xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả. (Chi tiết tại Quyết định 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 của Bộ Y tế).
Đối với công tác tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ngay sau Hội nghị này, Sở Y tế báo cáo UBND xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 4 kế hoạch tiêm chủng vắc xin (Kế hoạch uống bổ sung OPV, Kế hoạch tiêm vắc xin MR, Kế hoạch đảm bảo dây chuyền lạnh cho vắc xin, Kế hoạch tiêm vắc xin Td cho trẻ em 7 tuổi).
Trong thời gian tới, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, không để dịch, bệnh lây lan.
Thứ nhất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch, lồng ghép trong phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông đến người dân các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học 2020 - 2021. Thực hiện vệ sinh lớp học thường xuyên, bố trí đủ xà phòng, nước sạch và các phương tiện rửa tay cho học sinh; hướng dẫn học sinh và người chăm sóc trẻ em cách rửa tay bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Thứ năm, tăng cường chỉ đạo triển khai hoạt động tiêm chủng tại các tỉnh trên địa bàn phụ trách, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô xã, phường. Thứ sáu, phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương và đơn vị liên quan trong việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch không để lây nhiễm sang người; phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Thứ bảy, chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Thứ tám, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc, các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng.
Hồng Thiết