Chính trị - Xã hội
TĐKT - Ngày 20/10, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa tiếng Trung - Nhật kết hợp với Công ty Cổ phần ICHIKAWA Việt Nam – Trung tâm ngoại ngữ HAATO tổ chức buổi Lễ ra mắt Câu lạc bộ tiếng Nhật HUBT tại hội trường lớn nhà B. Buổi lễ đã thu hút đông đảo sinh viên của Khoa và sinh viên trong trường đến tham dự.
Thầy Nguyễn Đức Minh – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ
Câu lạc bộ được thành lập để giúp đỡ, đào tạo các bạn sinh viên của trường có cơ hội sang đất nước Nhật để học tập, rèn luyện và làm việc; tạo cơ hội cho các bạn được học hỏi kinh nghiệm làm việc trực tiếp từ người Nhật và trải nghiệm văn hóa của Nhật Bản. Quan trọng nhất là tạo cơ hội cho các bạn sinh viên tìm được việc làm sau khi ra trường tại các cơ sở trong nước cũng như tại Nhật Bản, hoặc có thể đăng ký học thạc sĩ và tiến sĩ ở Nhật.
Cô Trần Thị Tố Nga – Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Nhật cùng ông Bùi Văn Thanh – Chủ nhiệm khoa tiếng Trung – Nhật phát biểu chia sẻ cảm nghĩ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiếp nhận du học sinh và người lao động sang Nhật bị hạn chế nhưng với thời gian gần đây, dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ nên việc tiếp nhận này đã bắt đầu mở cửa trở lại. Chính vì vậy, đây sẽ là một cơ hội mới cho các bạn sinh viên có mong muốn được sang Nhật để học tập và làm việc.
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cùng giảng viên Khoa tiếng Trung – Nhật chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ
Cô Trần Thị Tố Nga – Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Nhật cho biết: Câu lạc bộ có 4 mục tiêu hoạt động chính: Giúp các bạn sinh viên có thể sử dụng được vốn tiếng Nhật thành thạo trong quá trình học tập và làm việc sau này; có thể tự tin tiếp xúc và giao tiếp với người Nhật khi đi làm; các thành viên trong câu lạc bộ giúp đỡ, giao lưu phát triển kiến thức; giúp các bạn sinh viên với học lực khá, giỏi có cơ hội nhận được nhiều loại học bổng như: Học bổng tư phí; học bổng 50% và học bổng toàn phần tùy theo trình độ tiếng Nhật từ N5-N1.
PV
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
TĐKT - Chiều 21/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. Dự Lễ quyên góp, có: Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Đức Toàn; Chủ tịch Công đoàn Ban TĐKT Trung ương Lê Văn Vũ; lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các vụ, đơn vị thuộc Ban. Lãnh đạo Ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương quyên góp ủng hộ Thời gian qua, các tỉnh thuộc khu vực miền Trung nước ta đã bị sự tàn phá nặng nề của thiên tai, lũ lụt, nhất là các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Mực nước đỉnh lũ ở nhiều nơi đã vượt mức lũ lịch sử, nhiều người chết, bị thương, mất tích; hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng và sập đổ; lúa, hoa màu, gia súc gia cầm bị vùi lấp, cuốn trôi; nhiều khu vực dân cư đang bị chia cắt, cô lập. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Công đoàn Ban TĐKT Trung ương Lê Văn Vũ cho biết: Đời sống của nhân dân các vùng thiên tai, bão lũ đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, rất cần có sự chung tay giúp đỡ của đồng bào cả nước. Với tinh thần cao nhất, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể đã tập trung các nguồn lực để cùng hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ. Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc ủng hộ người dân ở các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra, được sự đồng ý của lãnh đạo Ban, Ban Chấp hành Công đoàn Ban TĐKT Trung ương đề nghị mỗi đoàn viên công đoàn ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương. Số tiền thu được, Ban Chấp hành Công đoàn sẽ chuyển đến Công đoàn Bộ Nội vụ, thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển tới đồng bào miền Trung. Tại buổi lễ, bằng tình cảm, tấm lòng nhân ái và trách nhiệm của mình với cộng đồng, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban TĐKT Trung ương đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Nhân dịp này, Công đoàn Ban TĐKT Trung ương đã phát động chương trình hiến máu tình nguyện năm 2020. Phương ThanhTập đoàn Mavin ủng hộ 4.000 kg xúc xích cho đồng bào miền Trung bão lụt
TĐKT - Ngày 17 - 18/10/2020, hướng về miền Trung thân thương đang oằn mình trong bão lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 7, Tập đoàn Mavin đã thực hiện trao tặng 4.000 kg xúc xích cho bà con vùng “rốn lũ” các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Đại diện Tập đoàn Mavin trao tặng quà ủng hộ cho bà con bão lụt tỉnh Quảng Trị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị Ngay sau khi nắm được tình hình thiệt hại của các tỉnh miền Trung, Tập đoàn Mavin đã nhanh chóng phối hợp với các Nhà phân phối Mavin trên địa bàn và thông qua Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam xác định các khu vực thiệt hại nặng nề nhất, xem xét nhu cầu thực tế của người dân và quyết định trao tặng sản phẩm xúc xích Mavin - một thực phẩm tiện dụng giúp bà con bổ sung dinh dưỡng khắc phục điều kiện thiếu thốn do bão lũ. Toàn bộ 4.000 kg xúc xích ủng hộ đồng bào bão lụt được đích thân cán bộ Mavin phối hợp với một số nhà phân phối vận chuyển từ Nhà máy chế biến thực phẩm Mavin Foods (Duy Tiên, Hà Nam) vượt ngàn cây số đến trao cho đại diện các Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để phân phối cho bà con trên các địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất. Đoàn cứu trợ của Mavin cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi và trao tặng quà cho một số gia đình trong khu vực ngập lụt của các tỉnh trên lộ trình di chuyển. Đoàn cán bộ Mavin đi trao quà cho bà con vùng “rốn lũ” tại tỉnh Quảng Bình Ông Lê Minh Phương – Giám đốc Kinh doanh kênh GT Công ty Mavin Foods, Trưởng Đoàn cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung của Mavin cho biết, mặc dù việc di chuyển gặp nhiều khó khăn do mưa lớn nhưng với quyết tâm và cảm thông sâu sắc trước khó khăn của bà con miền Trung, Đoàn đã cố gắng đến các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ lũ lụt của các tỉnh theo kế hoạch để kịp thời chuyển quà cho bà con. Sau Chương trình cứu trợ đồng bào bão lụt, Tập đoàn Mavin sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp cùng các địa phương để khắc phục hậu quả sau thiên tai, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ sinh kế giúp bà con phục hồi hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Đây là những hoạt động trách nhiệm xã hội của Mavin, chung tay vì sự phát triển của cộng đồng, chung tay phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam. Phương ThanhTĐKT - Sáng 19/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chủ trì họp báo, có các đồng chí: Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Vũ Đức Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu tại họp báo
Với chủ đề "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới và nâng cao đạo đức cách mạng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 27/10 đến 29/10/2020 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội với sự tham dự của 300 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 8,2 vạn đảng viên ở gần 6.000 chi bộ của 61 đảng bộ trực thuộc.
Đại hội thực hiện 4 nội dung: Thảo luận đánh giá kết quả công tác của Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ Khối đi dự Đại hội XIII của Đảng.
Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tiền thân là Liên chi cơ quan Trung ương, do Trung ương Đảng thành lập tại Chiến khu Việt Bắc ngày 7 tháng 11 năm 1948. Từ một Liên chi với 6 chi bộ và vài chục đảng viên, đến nay Đảng bộ Khối đã phát triển lớn mạnh trở thành đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương với 61 đảng bộ trực thuộc, gần 6000 chi bộ, hơn 8,2 vạn đảng viên. Phát huy truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có vai trò, vị trí rất quan trọng, bao gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược, quản lý ở tầm vĩ mô của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các viện nghiên cứu khoa học nền tảng của đất nước, các cơ quan báo chí, xuất bản, các cơ sở đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt. Hoạt động của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối có tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và sự phát triển của đất nước.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, đan xen khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và hoàn thành cơ bản những mực tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu tại họp báo, đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ Khối, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quan tâm sâu sắc, nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đến dự Đại hội, một số đồng chí cũng là đại biểu chính thức của Đại hội.
Nhằm kịp thời thông tin tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối và nhân dân cả nước về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ Khối trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ XIII, đồng chí Sơn Minh Thắng đề nghị phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí quan tâm tuyên truyền những nội dung trọng tâm:
Từ nay đến trước khi diễn ra Đại hội XIII Đảng bộ Khối, tăng cường đưa tin tuyên truyền về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Khối qua các thời kỳ cách mạng; tuyên truyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương, nhiệm kỳ 2015 - 2020; về kết quả đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Khối tiến tới Đại hội XIII Đảng bộ Khối, Đại hội XIII của Đảng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, tăng cường tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; truyên truyền các tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền về kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá do Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ Khối đề ra.
Trong thời gian diễn ra Đại hội XIII Đảng bộ Khối, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XIII Đảng bộ Khối, về phương châm, chủ đề Đại hội, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Đảng bộ Khối; tuyên truyền về các hoạt động tại Đại hội, kết quả của Đại hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với Đại hội XIII Đảng bộ Khối; không khí phấn khởi, vui mừng, tin tưởng vào Đại hội của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối.
Sau khi bế mạc Đại hội XIII Đảng bộ Khối, tập trung tuyên truyền về các hoạt động chào mừng thành công của Đại hội; việc tổ chức thông báo nhanh kết quả Đại hội; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá được Đại hội thông qua; công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ Khối; tuyên truyền về Chương trình hành động của Đảng ủy Khối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối.
Phương Thanh
TĐKT - Tối 17/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020. Tại chương trình, đã có hơn 220 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và Chương trình An sinh xã hội với số tiền gần 2.400 tỷ đồng.
Dự Chương trình có Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Huỳnh Đảm, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình
Tại Chương trình, đồng chí Trần Thanh Mẫn Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chuyển lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi tới đồng bào trong và ngoài nước, nội dung như sau: "Những ngày vừa qua, ở một số tỉnh miền Trung đã xảy ra lũ, lụt nghiêm trọng, làm nhiều người chết, bị thương và mất tích, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ những mất mát, đau thương; gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thân bị nạn do lũ, lụt. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phòng, chống lụt, bão; khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả. Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân", hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra".
Tại Chương trình, thông qua những câu chuyện lay động và giàu xúc cảm của các nhân vật đặc biệt, đã làm toát lên một tinh thần đoàn kết, chung tay vì người nghèo của toàn xã hội. Đó là nhiếp ảnh gia U70 thầm lặng đi khắp nơi xây hơn 30 ngôi nhà tặng những hộ gia đình khó khăn; là cậu thanh niên “trí nhớ 5 phút”, đường về nhà còn quên, nhưng ngày ngày đều đặn chăm chỉ, không hề quên việc nhặt ve chai lấy tiền mua đồ ăn cho người nghèo; là những người nông dân bỏ công, bỏ sức, không lấy tiền công đi xây hơn 400 cây cầu trong hơn 10 năm qua ở Đồng bằng Sông Cửu Long; là những người nghị lực, tự vươn lên thoát nghèo để rồi lại tiếp tục giúp đỡ cho người khác, làm nên hành trình tiếp nối bất tận của tình người...
Khán giả theo dõi Chương trình truyền hình trực tiếp như vỡ òa khi những lão nông xây cầu bước lên sân khấu. Đó là những người đàn ông da rám nắng, với nụ cười hồn hậu đã mang tinh thần lạc quan của mình gửi tới tất cả những ai xem chương trình. Bởi với họ mỗi cây cầu có thể ngắn nhưng nó nối dài những con đường, mở mang dân trí, mang lại niềm vui hạnh phúc cho những người nông dân vùng sông nước.
“Điều chúng tôi mong mỏi là có thêm nhiều nhà hảo tâm đóng góp hoàn thành những cây cầu tốt hơn cho học sinh và bà con đi lại thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Khỏe, một thành viên Nhóm xây cầu ở miền Tây chia sẻ.
Có thể hàng ngày chúng ta thấy rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo, nhưng việc những người đàn ông xây cầu đã giúp chúng ta nhận ra dù bạn là ai, ở đâu, làm gì khi nghĩ về những người xung quanh đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, thôi thúc mỗi người có thêm quyết tâm để chia sẻ, đồng hành, không ai bị bỏ lại phía sau. Ý chí và thái độ ấy sẽ quyết định cuộc đời chúng ta chứ không phải ai khác.
Như lời ông Tư, một thành viên khác của nhóm giãi bày: “Còn sức thì còn làm, chừng nào không còn sức thì thôi”.
Như câu chuyện của bà Đặng Thị Nga, ở Hà Tĩnh. Xuất phát điểm là một hộ nghèo nhưng với sự tiếp sức của Mặt trận giờ đây gia đình bà đã có thu nhập ổn định, nuôi dạy con cái ăn học thành đạt.
Bà Nga chia sẻ, gia đình bà, không chỉ được Nhà nước, Mặt trận hỗ trợ làm nhà mà còn được hỗ trợ cây giống, nguồn vốn làm ăn. Từ sự tiếp sức đó, vợ chồng bà phấn đấu, cố gắng làm ăn, nuôi dạy các con ăn học với mong mỏi “không chỉ thoát nghèo cho bản thân mà còn làm giàu cho xã hội”.
Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững và cũng là một chương trình mang tầm quốc gia, thể hiện truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chủ trương hướng về người nghèo đã biến thành những hoạt động cụ thể được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, lan tỏa đến mọi miền của Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định: Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng, xã hội thời gian qua đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp công cuộc giảm nghèo đạt được những kết quả vượt bậc: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; trên 650 xã, 1200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Nhiều xã, thôn đã bứt phá, chuyển mình, vươn lên trở thành những xã, thôn nông thôn mới trù phú, khang trang... Những thành quả trên được nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Nhấn mạnh bão lũ lớn diễn ra ở miền Trung đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, Thủ tướng cho rằng, tình hình thiên tai sẽ làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ. Trên quy mô cả nước, Việt Nam còn gần 1,9 triệu người trong 500 nghìn hộ nghèo không đủ khả năng lao động để thoát nghèo. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển, vùng biên cương, hải đảo đang gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, khó khăn về kinh tế và an sinh xã hội. Hàng nghìn xã, thôn còn rất khó khăn.
"Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động bởi dịch bệnh và thiên tai, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đoàn kết, đồng lòng, phải có cách làm chủ động, sáng tạo và cần cố gắng huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả hơn nữa. Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Bên cạnh việc bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên và nghị lực thoát nghèo của mỗi người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các hoạt động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; đặc biệt quan tâm ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung thân yêu đang rất khổ cực, chịu thiệt hại nặng nề do bão lụt gây ra.
Tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã trực tiếp quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Mai Thảo
Phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”
TĐKT - Ngày 16/10, trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”. PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi lễ. Hoạt động nổi bật trong “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” bao gồm việc tuyên truyền trên 5.000 banner đường phố về thực trạng và phổ biến giải pháp ngăn ngừa tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể; tổ chức khám - tư vấn miễm phí về cholesterol cho hàng ngàn người dân tại các bệnh viện lớn trên cả nước như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ… PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ phát động Thực trạng người Việt Nam thừa cholesterol trong cơ thể đang ở mức cao: Theo ghi nhận gần đây nhất, trong kết quả điều tra Quốc gia, yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, tỷ lệ người Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cholesterol ở mức đáng báo động và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Cụ thể: Trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể; hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50 - 65 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol. Đây là thực trạng đáng báo động vì thừa cholesterol trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp… trong thời gian gần đây. Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong như các bệnh nói trên. Đáng nói, trong hai nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm), thì nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol. Quang cảnh Lễ phát động Có 5 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống và chế độ ăn uống. Thực phẩm chứa nhiều cholesterol được tìm thấy nhiều nhất ở những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật. Uống nhiều rượu, bia và các thức uống có ga: Rượu, bia và các loại thức uống có ga nếu sử dụng nhiều sẽ làm tăng cholesterol xấu và triglyceride. Lối sống không khoa học, bao gồm: Lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất; không kiểm soát cân nặng (béo phì); hút thuốc (một số hóa chất có hại trong thuốc lá làm tăng lượng cholesterol xấu gây ra tình trạng xơ vữa động mạch). Những người bị huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường. Có một số các yếu tố cố định gây ra mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử gia đình bị bệnh tim, có tình trạng cholesterol cao. Càng lớn tuổi thì khả năng bị hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) càng cao. Bên cạnh việc chỉ ra nguyên nhân, trong khuôn khổ của “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”, Bộ Y tế sẽ triển khai các chương trình hành động với quyết tâm khống chế tốc độ gia tăng và tiến tới làm giảm tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam. Trong các hoạt động này, Bộ Y tế ưu tiên việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol. Các biện pháp khuyến nghị để hạn chế tình trạng thừa cholesterol: - Hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol - Bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống: Nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... Đặc biệt, dưỡng chất Gamma-Oryzanol & Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm. - Thực hiện lối sống khoa học: + Khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất: Hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, cần tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội…). + Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.TĐKT - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản liên quan. Triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan. Đồng thời trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị
Được biết, căn cứ Hiến pháp năm 2013, ngày 19/6/2015 Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hai luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về Chính phủ và chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đó, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức là căn cứ pháp lý nhằm tăng cường quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Luật được thực thi trên thực tế đã đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, sau thời gian 9 năm triển khai áp dụng Luật cán bộ, công chức; 7 năm triển khai áp dụng Luật viên chức, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm chiến lược” đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, điểm mới của Luật sửa đổi, về tuyển dụng công chức sẽ bổ sung đối tượng xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng (ngoài đối tượng cam kết làm việc 5 năm trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 37)); bổ sung và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng cam kết làm việc 5 năm.
Tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn hoàn toàn nhất trí với những nội dung và điểm mới, cơ bản, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung về các Luật. Hội nghị đã thẳng thắn trao đổi, nêu được thực tiễn còn nhiều vấn đề cần bổ sung như: Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động ở cơ quan sự nghiệp công lập, công tác tuyển dụng, quản lý công chức ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vấn đề các đơn vị nêu ra và thắc mắc về vị trí việc làm, người làm việc trong đơn vị sự nghiệp xoay quanh các vấn đề: Cách sắp xếp, tổ chức, số lượng cấp phó sắp xếp ra sao? Trả lời câu hỏi này, thứ trưởng cho biết vẫn thực hiện theo quy định đúng số lượng, đúng yêu cầu, không nên vượt quá số lượng. Liên quan đến các vấn đề trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức biệt phái, chuyển từ đơn vị sự nghiệp này đến sự nghiệp khác: Cần triển khai theo hướng là chấm dứt hợp đồng từ đơn vị đó và đơn vị mới sẽ ký lại hợp đồng cũ. Vấn đề này cần phải làm đúng, đúng quy định của Luật. Nhiều đơn vị còn làm chưa đúng. Theo đó cần tạo ra cơ chế thống nhất về công vụ của đất nước và chế độ công vụ đưa ra để công tác tuyển dụng ngày một hiệu quả, tuyển đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Các câu hỏi đã được giải đáp cụ thể tại hội nghị cần được đưa ra hướng dẫn chi tiết, sửa lại Luật để làm sao thay đổi cơ chế hợp lý, sắp xếp bộ máy tinh gọn từ Trung ương tới địa phương hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
Hồng Thiết
Lấy lại dáng đứng thẳng cho người đàn ông gãy gập như con tôm suốt 22 năm
TĐKT – Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 vừa thông tin về thành công bước đầu của một ca phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù, giúp một nam bệnh nhân gãy gập như con tôm suốt 22 năm có cơ hội lấy lại dáng đứng thẳng. Căn bệnh gù rất nặng do viêm cột sống dính khớp, khiến thân hình anh N.V.T (36 tuổi, HN) gãy gập như một con tôm. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 phẫu thuật, người đàn ông này đang hồi hộp chờ giây phút được đứng thẳng người. Bệnh nhân nhập viện với thể trạng gầy (42kg), tình trạng gù nặng và tiến triển biến dạng nhanh trong 4 năm trở lại đây, tầm nhìn 1m trở lại bàn chân, không ngửa mặt lên được. Do biến dạng của cột sống, thành ngực của anh chạm sát đùi, khớp háng hai bên dính hoàn toàn, cột sống cổ hạn chế vận động nhiều, khớp vai trái cũng bị hạn chế biên độ vận động nhẹ do bắt đầu bị dính. Tình trạng của bệnh nhân trước khi phẫu thuật Sau một thời gian thăm khám và làm các xét nghiệm, ngày 29/9, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, Đại tá, Tiến sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết: Đây là ca phẫu thuật phức tạp và nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là tìm cách làm sao để có được bàn mổ phù hợp với người bệnh. Với người bệnh nhân siêu gù như anh N.V.T không có bàn mổ nào có thể sử dụng để mổ được và cũng không có tài liệu trong nước cũng như quốc tế để tham khảo về phương pháp gá đặt và cố định bệnh nhân trong quá trình mổ. Bên cạnh hội chẩn đánh giá biến dạng và các phương pháp phẫu thuật thì những khó khăn trong gây mê và phương án cấp cứu ngừng tim phổi khi gây mê bệnh nhân nếu có cũng được các bác sĩ bàn bạc chuẩn bị kỹ càng, chi tiết. Trải qua thời gian hơn 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần với các mô hình khác nhau, khoa Trang bị, Bệnh viện TWQĐ 108 đã thiết kế thành công bộ dụng cụ lắp đặt tương thích với bàn mổ sẵn có của bệnh viện. Với bộ phận chế tạo thêm này bệnh nhân được cố định chắc chắn vào bàn mổ. Bộ dụng cụ này đỡ toàn bộ nửa cơ thể phía dưới của người bệnh và có thể thay đổi linh hoạt từ 0 đến 180 độ để thực hiện nắn chỉnh biến dạng của cơ thể sau khi các đốt sống được cắt tạo hình chỉnh gù cột sống. Bệnh nhân sau ca mổ đang phục hồi tốt, ổn định Ngày 29/9/2020, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật và lần đầu tiên tại bệnh viện các kỹ sư cùng tham gia vào chuẩn bị tư thế bệnh nhân mổ. Ca phẫu thuật diễn ra trong 7 giờ với sự có mặt của các bác sĩ chuyên khoa về gây mê, chấn thương chỉnh hình cột sống. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chỉnh gù cột sống, cắt chêm xương qua đĩa đệm L3-4 nắn chỉnh gù, ghép xương. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, diễn biến tốt. Đại tá, Tiến sĩ Phan Trọng Hậu cho biết: “Đến giờ phút này có thể nói ca phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cho Thắng đã thành công, hiện Thắng đang được phục hồi chức năng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa có thể xuất viện về nhà. Chúng tôi sẽ hẹn anh trở lại để thực hiện các phẫu thuật thay khớp háng hai bên nắn chỉnh hết các biến dạng và hồi phục chức năng vận động”. Trường hợp của Thắng còn rất nhiều hy vọng, sau ca phẫu thuật anh Thắng sẽ cải thiện được hệ hô hấp, đi lại dễ dàng và có thể tự phục vụ bản thân cũng như lao động sản xuất nhẹ nhàng được. Mai ThảoNỗ lực triển khai có hiệu quả chính sách BHYT học sinh, sinh viên năm học 2020 - 2021
TĐKT - Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh, sinh viên (HSSV) đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. BHXH Lai Châu đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT học sinh, sinh viên đầu năm học mới Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng năm học 2019 - 2020, số HSSV tham gia BHYT trên cả nước đạt 18,16 triệu người (đã bao gồm tham gia theo nhóm đối tượng khác), ước đạt tỷ lệ 95,2% tổng số HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, tăng 1% so với năm học 2018 - 2019. Một số tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 100% là: Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang. Với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2020 - 2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan cùng các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này. Trong đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT HSSV năm học 2020 - 2021 để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Cùng với đó, BHXH Việt Nam đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí hỗ trợ tích cực truyền thông chính sách BHYT HSSV, đặc biệt chú trọng truyền thông về ý nghĩa, lợi ích của chính sách; công tác đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV tham gia BHYT nói riêng; có dẫn chứng những trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh (KCB) lớn; từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia BHYT của người dân trong đó có HSSV và các bậc phụ huynh. Các nội dung truyền thông cụ thể như sau: Thứ nhất, BHYT HSSV do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện là chính sách BHYT mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật BHYT và được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Thứ hai, tuyên truyền ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng. Trong đó, chú trọng lợi ích của HSSV khi tham gia BHYT. Thứ ba, tuyên truyền việc thực hiện BHYT là tuân thủ pháp luật, là trách nhiệm công dân của mỗi HSSV. Thứ tư, tuyên truyền biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT HSSV. Thứ năm, tuyên truyền việc quỹ BHYT hỗ trợ y tế trường học thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Thứ sáu, tuyên truyền việc quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 đối với người có thẻ BHYT, trong đó có đối tượng là HSSV. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trong ngành tăng cường truyền thông chính sách BHYT HSSV trên các kênh truyền thông, Cổng thông tin điện tử của ngành; đăng tải tin, bài, phóng sự, video, inforgraphic về BHYT HSSV trên mạng xã hội; xây dựng, phát hành các ấn phẩm truyền thông và phối hợp với các đơn vị ngoài ngành tích cực tuyên truyền về BHYT HSSV… Về mức đóng thì đối tượng HSSV tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Mức đóng BHYT HSSV được xác định theo tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở. Năm học 2020 - 2021 không có sự thay đổi về mức đóng BHYT của HSSV. Theo đó, HSSV vẫn đóng với mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở tương đương với 4,5% x 1.490.000 đồng = 67.050 đồng/tháng, trong đó được NSNN hỗ trợ 30% nên số tiền thực tế mà HSSV phải đóng hàng tháng là 46.935 đồng/tháng tương đương với 563.220 đồng/năm. Đi cùng với đó là quyền lợi của các em HSSV, trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ chế BHYT đã từng bước bảo đảm việc trích chuyển 5% từ nguồn thu BHYT để phục vụ công tác phát triển y tế học đường. Ngay khi bắt đầu tham gia BHYT, HSSV đã được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường như: Sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập. Về mức chi trả: Nếu đi khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến, HSSV được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy theo từng mã thẻ và trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT; theo đó, HSSV được hưởng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, vật tư y tế theo danh mục điều kiện, tỷ lệ quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, HSSV được miễn đồng chi trả chi phí KCB BHYT khi tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở và đi KCB đúng quy định. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp HSSV không may mắc bệnh nặng nhưng nhờ tham gia BHYT đã giảm đáng kể chi phí khi khám và điều trị bệnh. Thực hiện tốt chính sách BHYT, không chỉ đảm bảo cho các em HSSV được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao. Năm học mới 2020 - 2021 đã bắt đầu, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc vận động HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT HSSV. La GiangCa ghép thận thứ 1000 thành công: Bệnh viện Việt Đức xác lập kỷ lục mới
TĐKT - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật thay thận cho bệnh nhân Đ.X.T, 49 tuổi, ở Hà Nội. Đây là ca ghép thận cán mốc thứ 1000 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. PGS. TS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đ.X.T có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối độ II từ năm 2017, điều trị bảo tồn (dùng thuốc, lọc máu, chưa cần thay thế thận). Tuy nhiên, đến tháng 1/2020, bệnh nhân chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp... Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo lâu ngày cũng ảnh hưởng đến kinh tế cho người bệnh. Ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trên thực tế, do chi phí cao của các biện pháp điều trị thay thế thận nên điều trị thay thế thận chỉ áp dụng chủ yếu (80%) cho người bệnh tại các nước đã phát triển. Trong khi đó tại các nước đang phát triển thì tỷ lệ này chỉ là 10 - 20% và rất nhiều người bệnh không được ghép thận sẽ tử vong với các biến chứng của suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân Đ.X.T được ghép thận từ người cho sống. Đây là ca ghép thận thứ 1000 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trường hợp ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là vào năm 2002. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, có tới 122 ca ghép thận từ người cho chết não (12%). TS. BS Ninh Việt Khải – Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đứng đầu cả nước về ghép tạng từ người cho chết não. Người cho chết não cùng lúc có thể hiến 2 quả thận để ghép cho 1 bệnh nhân và có thể hiến nhiều tạng khác như: Tim, phổi, gân, giác mạc, mạch máu để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh. Kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não có nhiều ưu điểm hơn từ người cho sống bởi khi lấy tạng từ người hiến sống phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến. Phẫu thuật trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến. Bệnh nhân sau khi hồi phục Lấy tạng từ người cho chết não sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép. Đối với người hiến sống, chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn, do vậy để cuộc ghép thuận lợi, các bác sĩ đã có nhiều phương án giải quyết như: Chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô. Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành 100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. Ca ghép thận cho bệnh nhân Đ.X.T được tiến hành trong 3 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật, người bệnh được hồi sức tích cực theo dõi và điều trị. Hiện tại sau 10 ngày ghép thận, bệnh nhân Đ.X.T hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, sớm trở lại cuộc sống thường ngày. “Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tận tâm cứu chữa cho tôi. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người bệnh được hồi sinh sự sống như tôi…”. Trong niềm vui vô hạn, bệnh nhân Đ.X.T không ngừng cảm ơn các y, bác sĩ, cảm ơn người hiến thận đã trao cho anh thêm cơ hội sống. Với anh, một cuộc sống mới hạnh phúc lại bắt đầu. Hồng ThiếtTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 130
- 131
- 132
- 133
- 134
- …
- sau ›
- cuối cùng »