Nestlé Việt Nam chung tay hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung
TĐKT - Nhằm sẻ chia với người dân các tỉnh miền Trung, nơi đang liên tiếp gánh chịu những hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra cũng như những khó khăn, nguy hiểm mà các lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt, Công ty Nestlé Việt Nam đã ủng hộ các sản phẩm thực phẩm và thức uống dinh dưỡng trị giá 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tập thể nhân viên công ty cũng đã quyên góp được 700 triệu đồng tiền mặt, nâng tổng giá trị quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung lên 2,8 tỷ đồng. Chiều ngày 30/10/2020, tại Hà Nội, đại diện Công ty Nestlé Việt Nam đã chuyển số tiền quyên góp, thực phẩm và thức uống dinh dưỡng tới Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để chuyển tiếp đến người dân các địa phương vùng lũ ở tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hỗ trợ từ đại diện Công ty Nestlé Việt Nam Trước đó, thông qua Báo Lao động, Nestlé Việt Nam cũng đã trao các phần quà thực phẩm và thức uống dinh dưỡng đầu tiên bao gồm Thức uống ngũ cốc MILO Bữa sáng cân bằng, Sữa tươi Nestlé, ngũ cốc và các sản phẩm MAGGI, đến người dân và lực lượng cứu hộ ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt gồm Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Công ty La Vie, một thành viên của tập đoàn Nestlé, cũng đã hỗ trợ 100.000 lít nước khoáng với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng thông qua các đối tác tiếp nhận cứu trợ ở trung ương và địa phương. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ 8/10/2020 đến nay, bão chồng bão, lũ chồng lũ liên tiếp đã gây mưa to, ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây là trận mưa lũ lịch sử được xem là vượt qua mọi kỷ lục trước đó, sự khốc liệt của thiên tai, những đau thương, mất mát, hy sinh mà người dân phải gánh chịu. Với tinh thần tương thân, tương ái, khẩn cấp chung tay chia sẻ với “khúc ruột” miền Trung oằn mình trong gian khó, Hội phát động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hội viên, phụ nữ và nhân dân miền Trung và đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ cùng các đối tác chuyển những đóng góp này tận tay người dân bị ảnh hưởng. Thông qua Báo Lao Động, Nestlé Việt Nam trao quà hỗ trợ cho người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế Bà Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ: với mục tiêu dài hạn hỗ trợ và phát triển cộng đồng, bên cạnh sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng, công ty đã vận động nhân viên từ tất cả các địa bàn đóng góp hỗ trợ tổng số tiền mặt 700 triệu đồng, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để chung tay hỗ trợ sinh kế, khắc phụ hậu quả lũ lụt tại miền Trung, góp phần giúp người dân miền Trung sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Trong nỗ lực chung tay hỗ trợ Chính phủ, cộng đồng để vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, Nestlé Việt Nam cũng đóng góp gần 40 tỷ đồng bằng sản phẩm, tiền mặt và khẩu trang y tế cho hoạt động phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam vừa qua. Ghi nhận những thành tích và đóng góp phát triển kinh tế - xã hội và công tác xã hội từ thiện, tháng 8/2020, Công ty đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./. Hưng VũChính trị - Xã hội
Lần đầu tiên diễn ra Hội thảo khoa học y - dược cổ truyền toàn quốc
TĐKT - Ngày 30/10, tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo khoa học y - dược toàn quốc. Đây là hội thảo được tổ chức lần đầu tiên ở quy mô toàn quốc, với chủ đề: Kế thừa, phát huy, phát triển y - dược cổ truyền Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Y - Dược cổ truyền Việt Nam chủ trì hội thảo. Đến dự có: Lãnh đạo Bộ Y tế; lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo huyện đảo Phú Quốc; lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học đến từ các trường đại học y dược, viện nghiên cứu, bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) các tỉnh, thành phố; hội nghề nghiệp lĩnh vực y, dược cổ truyền thuộc các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực y, dược cổ truyền … Quang cảnh hội thảo Mục tiêu của hội thảo nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời tạo diễn đàn để các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y, dược cổ truyền công bố những kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, hội thảo cũng là dịp để công bố, trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y, dược cổ truyền để y dược cổ truyền phát triển. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 81 báo cáo tham luận, trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả trong nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả về nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận. Ngày thứ nhất, hội thảo đã trình bày 30 báo cáo thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong khuôn khổ các phiên báo cáo, ngoài các báo cáo kết quả nghiên cứu có phần giới thiệu về công nghệ và quá trình hoạt động nghiên cứu của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y, dược cổ truyền. Hội thảo khoa học y - dược cổ truyền toàn quốc với chủ đề: Kế thừa, phát huy, phát triển y - dược cổ truyền Việt Nam Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Y - Dược cổ truyền Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ: Hội thảo tập trung thảo luận và tìm các giải pháp: Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở cho đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập quốc tế. Thứ hai, chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Thứ ba, đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp ba nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Thứ tư, chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: Từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng. Thứ năm, tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống y, dược cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực. Cục trưởng mong muốn hội thảo sẽ là nơi để kết nối các doanh nghiệp, mang đến những sản phẩm an toàn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng cho người sử dụng. Chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần Dược liệu Gia Định cho biết, là đơn vị mạnh dạn đầu tư vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP – WHO tại Gia Lai, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là đi sâu, kết nối các nhà khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển vùng dược liệu quy mô lớn phục vụ trong nước tiến tới xuất khẩu. Trước mắt, các doanh nghiệp là mũi nhọn để phát triển vùng dược liệu cùng các hợp tác xã, các hộ dân. Về phía các viện nghiên cứu, trường đại học thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên ngành giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nắm bắt thêm các kiến thức khoa học về cây dược liệu. Hội thảo diễn ra gồm 4 phiên báo cáo: Phiên 1, phiên 2 mỗi phiên có 10 báo cáo được trình bày; phiên 3, phiên 4 mỗi phiên có 5 báo cáo được trình bày và sẽ kết thúc vào ngày 31/10. La GiangTuyên truyền tạo niềm tin, hứng khởi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
TĐKT – “Tích cực tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, để cổ vũ, tôn vinh, tạo động lực và niềm tin hứng khởi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bước vào giai đoạn mới.” – Đó là một trong những lưu ý của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Tập huấn cho phóng viên báo chí tuyên truyền nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức sáng ngày 30/10. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, là hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ những người làm báo về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XIII của Đảng và các dự thảo văn kiện của Đại hội. Hội nghị nhằm trang bị, cung cấp cho đội ngũ phóng viên báo chí về phương pháp, cách thức tuyên truyền các chủ trương đổi mới của Đảng nêu trong các dự thảo văn kiện Đại hội, nhất là các điểm mới. Từ đó, các cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm góp ý có chất lượng vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị tập huấn dành cho 150 cán bộ, phóng viên đại diện các cơ quan báo chí Tại Hội nghị, PGS. TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thông tin về các nội dung cốt lõi của dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. PGS. TS Phạm Văn Linh cho biết: Đại hội XIII được tiến hành theo phương châm: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển". Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII gồm 15 mục lớn với 15 vấn đề lớn. Cấu trúc này giúp trình bày một cách logic, thể hiện tính kế thừa giữa các phần với nhau. Đây là những vấn đề lớn, có tính trọng tâm và bao quát. Trong Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội XIII có đánh giá tình hình đất nước 5 năm qua và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới. Theo PGS. TS Phạm Văn Linh, nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. PGS. TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thông tin tại Hội nghị Đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô nền kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm từ 2016 - 2019 đạt tăng trưởng 6,8%. Quy mô nền kinh tế so với năm 2015 tăng 1,4 lần. Thu nhập bình quân GDP/người tăng, chỉ số lạm phát được kiểm soát. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực… “Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” - PGS. TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh. PGS. TS Phạm Văn Linh cho biết, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong việc hoàn thiện thể chế; đổi mới mô hình tăng trưởng; đổi mới giáo dục và đào tạo; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Những hạn chế, khuyết điểm này đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII... Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị Định hướng tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm báo chí, người phát ngôn báo chí của Đại hội XIII của Đảng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm tuyên truyền đến toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa sâu sắc của Đại hội XIII của Đảng. “Phát huy thế mạnh của từng cơ quan báo chí, phát huy trách nhiệm của nhà báo, trách nhiệm công dân; mỗi đơn vị báo chí chủ động xây dựng các tuyến tin bài tuyên truyền một cách sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, về đối ngoại, xây dựng đảng…Trong đó, tích cực tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, để cổ vũ, tôn vinh, tạo động lực và niềm tin hứng khởi cho toàn đảng, toàn dân và toàn quân bước vào giai đoạn mới.” – Đồng chí Lê Mạnh Hùng nêu rõ. Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tích cực đấu tranh phản bác các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng việc góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng để phát tán các thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, nhằm chống phá Đảng, nhà nước và chế độ ta; tuyên truyền những mặt trái, hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm, sửa đổi… Từ đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: Báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Mong rằng, bằng vai trò, trách nhiệm của mình, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí hãy góp phần tạo động lực, động viên các cấp, các ngành, các lực lượng trong xã hội đồng tâm hiệp lực, tạo được thế trận lòng dân, chung tay xây dựng đất nước phát triển hùng cường./. Mai ThảoTrao Quyết định bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
TĐKT - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định số: 3044/QĐ-BTL ký ngày 30/09/2020 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bổ nhiệm chức danh Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan cho đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương và chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan cho đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương. Tới dự buổi lễ, về phía Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) quận Ba Đình có Thượng tá Vương Đăng Ninh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS quận Ba Đình; Thiếu tá Hoàng Minh Thắng, trợ lý dân quân tự vệ. Về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Bí Thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các Vụ và đơn vị thuộc Ban. Thượng tá Vương Đăng Ninh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS quận Ba Đình trao Quyết định và chúc mừng đồng chí Phạm Huy Giang, Bí Thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Chính trị viên; đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự cơ quan. Thượng tá Vương Đăng Ninh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS quận Ba Đình phát biểu tại buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tá Vương Đăng Ninh ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc chấp hành các chương trình triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời gian vừa qua. Thượng tá mong muốn đồng chí Chính trị viên Ban CHQS Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương với cương vị là người chủ trì về chính trị trong lực lượng tự vệ của cơ quan sẽ tham mưu, đề xuất kiện toàn lực lượng tự vệ là cán bộ, người lao động thuộc Ban tham gia xây dựng lực lượng vũ trang tại địa bàn. Đồng chí Vương Đăng Ninh hy vọng, ngoài nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ hoàn thành nhiệm vụ quân sự, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện hội thi, hội thao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đóng tại địa bàn quận Ba Đình, xây dựng lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn và trụ sở của Ban để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu tại buổi lễ Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Phạm Huy Giang, Bí Thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hứa sẽ nỗ lực và hòa nhập với lực lượng BCHQS quận Ba Đình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Phạm Huy Giang cho biết, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng về lĩnh vực thi đua, khen thưởng cả nước và là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Mặc dù số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan không nhiều nhưng thời gian qua đã tham gia nhiều hoạt động trên địa bàn quận Ba Đình như: Công tác tuyên truyền, công tác hội thao dân quân tự vệ… Trong năm 2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ củng cố lực lượng, tham gia toàn diện, hiệu quả hơn nữa vào các nhiệm vụ chung trên địa bàn quận và hy vọng BCHQS quận Ba Đình hướng dẫn chỉ đạo và có sự kết nối và phối hợp hiệu quả với các đơn vị quân sự trên địa bàn quận. Gia LinhNgười dân và doanh nghiệp có thêm kênh tiện ích đóng, nộp BHXH, BHYT
TĐKT - BHXH Việt Nam và BIDV đã ký kết thỏa thuận kết nối thanh toán song phương và quản lý dòng tiền, đưa vào hoạt động chính thức chức năng đóng BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 15/10/2020, thông qua kênh tiện ích đóng BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu và thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng cho người lao động; người dân cũng có thể tự tra cứu và thực hiện gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện cho bản thân và cho cả người thân một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi nhất. Cụ thể, thông qua các tiện ích do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp (BIDV SmartBanking, BIDV Online, BIDV Business Online) hoặc thực hiện các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (htttps://dichvucong.gov.vn) cũng như đóng thu BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử BHXH (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) người dân có thể thực hiện đóng tiền gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, đóng tiếp tiền tham gia BHXH tự nguyện. Còn đối với tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng cho người lao động. Trước đó, việc kết nối và triển khai hệ thống thanh toán điện tử song phương đã được BHXH Việt Nam và BIDV thực hiện thành công trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/9/2019, phục vụ điện tử hóa công tác thu/chi BHXH, BHYT, BHTN mang lại tiện ích thanh toán hiện đại, đa kênh cho tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước. Như vậy, bên cạnh việc tạo thuận lợi tối đa cho người nộp BHXH, BHYT, BHTN việc mở rộng triển khai hệ thống thanh toán song phương giữa BHXH Việt Nam và BIDV tiếp tục góp phần tăng cường khả năng theo dõi, giám sát, tập trung các nguồn quỹ BHXH, BHYT, BHTN một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, giúp BHXH Việt Nam chủ động trong công tác thu, chi, quản lý dòng tiền. Đồng thời, đáp ứng chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và chính sách thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã phối hợp với BIDV và một số ngân hàng thương mại đưa các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các nền tảng giao dịch của ngân hàng (Internet banking, Mobile banking, Digibank...) đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Đây là một bước tiến quan trọng trong chương trình hợp tác giữa ngành BHXH Việt Nam với hệ thống BIDV nói riêng và các hệ thống ngân hàng thương mại nói chung trong tiến trình hiện đại hóa hoạt động thu - chi của BHXH Việt Nam, góp phần đem lại những tiện ích tốt nhất cho tổ chức và cá nhân khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. La GiangTĐKT - Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện”.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương phát biểu tại Lễ phát động
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006 - 2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), giúp giảm 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2006 - 2010 và 5,65% trong giai đoạn 2011 - 2015. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), hướng tới triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó, việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Gần đây nhất, ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 (Chỉ thị 20), trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Tại Chỉ thị 20, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện 5 giải pháp: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.
Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện” được tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp của Chỉ thị 20 tới mọi tầng lớp, mọi người dân trong toàn xã hội.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết: “Nhằm lan tỏa thông điệp của Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện với chủ đề “Chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững”. Thông qua cuộc thi, Bộ Công thương mong muốn sẽ lựa chọn được biểu tượng và khẩu hiệu thể hiện tầm quan trọng của việc thực hiện tiết kiệm điện đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”
Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo của cuộc thi tập hợp những chuyên gia cao cấp về thiết kế mỹ thuật, hội họa tới từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, các trường đại học chuyên ngành thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật, truyền thông và đặc biệt, có sự tham gia của các nhà chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng, để đảm bảo quá trình lựa chọn được công tâm, chuẩn xác theo đúng yêu cầu và mục tiêu đặt ra của cuộc thi.
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự cần thể hiện được xu hướng tiết kiệm điện, hướng đến tiêu chí bền vững và thân thiện. Đồng thời, đạt được những yêu cầu về thiết kế như: Thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được nét truyền thống kết hợp với xu thế hiện đại và hội nhập (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa...).
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm: 1 giải nhất (bao gồm cả logo và slogan) trị giá 50.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 10 giải khuyến khích trị giá 7.000.000 VNĐ/giải kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 1 giải thưởng dành cho tổ chức có số lượng tham gia nhiều nhất trị giá 10.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 1 giải thưởng khán giả bình chọn nhiều nhất (qua fanpage cuộc thi) trị giá 5.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi kể từ 12h00 ngày 21/10/2020 đến 17h00 ngày 5/12/2020. Dự kiến Lễ công bố trao giải sẽ diễn ra vào tháng 12/2020.
Phương Thanh
Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
TĐKT - Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), sáng 27/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Dự Hội nghị, có: Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Đức Toàn; lãnh đạo các vụ, đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ban TĐKT Trung ương. Toàn cảnh Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang nhấn mạnh: Công tác bảo vệ bí mật là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với Ban TĐKT Trung ương, thời gian qua, có thể nói đã triển khai khá tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TĐKT. Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu khai mạc Hội nghị Sau khi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thông qua và đi vào cuộc sống, trên cơ sở sáng kiến và đề xuất của Vụ Pháp chế - Thanh tra và Vụ 2, lãnh đạo và Đảng ủy Ban tổ chức Hội nghị tập huấn để công chức, viên chức và người lao động toàn cơ quan được nghe, quán triệt và nâng cao nhận thức về các nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng chí Phạm Huy Giang mong muốn thông qua Hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban TĐKT Trung ương sẽ hiểu rõ hơn, nắm chắc hơn và thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Thượng tá Đặng Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an trao đổi tại Hội nghị Tại Hội nghị, báo cáo viên, Thượng tá Đặng Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ bí mật nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu và toàn thể công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ bí mật nhà nước trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của các vụ, đơn vị. Hội nghị cũng dành thời gian để trao đổi, hỏi đáp các thông tin về việc tiếp tục thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thời gian tới; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống cụ thể và giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác. Phương ThanhTĐKT - Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Bệnh viện K tổ chức chương trình phát động “Ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai”.
TS. BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện K chia sẻ: “Cả nước đang hướng về miền Trung, chia sẻ, hỗ trợ cho đồng bào miền Trung thân yêu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Công đoàn ngành Y tế cùng các ban, ngành, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện hãy cùng đóng góp chia sẻ với đồng bào miền Trung thân yêu bằng những hành động thiết thực, đóng góp ít nhất 1 ngày lương để ủng hộ cho người dân miền Trung và ủng hộ, chia sẻ ngay với những người bệnh đang sinh sống tại các vùng bị thiệt hại do mưa lũ đang điều trị tại bệnh viện.”
Lễ phát động ủng hộ đồng bào miền Trung
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, gần 2000 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều tích cực tham gia. Trong tuần này, Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện sẽ tổng hợp số tiền quyên góp được và có kế hoạch cụ thể để ủng hộ đồng bào miền Trung.
Cả nước đang hướng về miền Trung, đó là sự chia sẻ đầy nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân và ngay tại bệnh viện K, Ban Giám đốc và cán bộ y tế cũng dành sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt với những người bệnh quê tại các vùng thiệt hại vẫn đang điều trị ung thư tại bệnh viện.
Theo thống kê, hiện đang có 110 người bệnh ung thư đang điều trị tại các khoa lâm sàng là người dân đang sinh sống tại các vùng bị thiệt hại, ngập lụt các tỉnh miền Trung và nhà, tài sản tại quê nhà đang bị ngập lụt hoặc cuốn trôi. Đặc biệt là hoàn cảnh của cô Đỗ Thị Oanh quê tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, gia đình thuộc hộ cận nghèo, hai vợ chồng bị ung thư tuyến nước bọt nhưng vì kinh tế khó khăn nên chồng phải bỏ dở điều trị, trong đợt lũ vừa qua phải đi sơ tán, nhà và toàn bộ tài sản bị ngập lụt nặng nề. Những hoàn cảnh ấy rất cần sự chung tay giúp đỡ của cán bộ y tế bệnh viện và cộng đồng.
Ban Giám đốc Bệnh viện K trao quà cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện
Ban Giám đốc Bệnh viện K đã đến trao trực tiếp tại giường bệnh hỗ trợ 15 triệu tiền mặt cho người bệnh Đỗ Thị Oanh và hỗ trợ trực tiếp cho gần 100 người bệnh ung thư sinh sống tại các vùng bị thiệt hại do mưa lũ với số tiền 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, 16 người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại chịu thiệt hại nặng nề về nhà cửa, vật chất bởi cơn bão vừa qua đã được hỗ trợ đặc biệt 5 triệu đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ là gần 200 triệu đồng.
Bằng hành động thiết thực, Bệnh viện K mong muốn các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trên cả nước dành sự quan tâm, chia sẻ, chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung thân yêu để cuộc sống của người dân nơi đây sớm trở lại yên bình.
Hồng Thiết
TĐKT - Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tổng kết và trao giải “Cuộc thi tác phẩm phóng sự phát thanh, truyền hình về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” (sau đây gọi tắt là cuộc thi).
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ
Cuộc thi được tổ chức nhằm phát hiện, lựa chọn, trao giải cho các phóng sự phát thanh, phóng sự truyền hình xuất sắc về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sau 6 tháng phát động, từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều tác giả, nhóm tác giả từ các cơ quan báo chí trung ương, đài phát thanh - truyền hình địa phương trên mọi miền đất nước, như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân, Trung tâm PT-TH Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Đài PT-TH Hà Nội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh... các Đài PT-TH Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cà Mau...
Đặc biệt, nhiều đơn vị chuyên môn trong ngành y tế đã tham gia, hưởng ứng tích cực như Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh: Lai Châu, Quảng Nam, Hà Tĩnh..., Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bình Phước, Bệnh viện Tâm thần Long An, Bệnh viện Phổi Trung ương...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho các tác giả.
Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 82 tác phẩm phóng sự truyền hình, 29 tác phẩm phóng sự phát thanh gửi về dự thi. Các tác phẩm đã phản ánh kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên tất cả các lĩnh vực hoạt động y tế, khắc họa hình ảnh người cán bộ y tế nỗ lực, tận tâm cống hiến, hết lòng vì người bệnh, sức khỏe người dân, cũng như thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, hình ảnh những cô đỡ thôn bản, cộng tác viên y tế vượt mọi khó khăn để chăm sóc sức khỏe cho người dân, những nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, trong đó có đại dịch COVID-19. Nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn cao, chất lượng chuyên môn xuất sắc, đạt hiệu quả truyền thông rất lớn đến người dân và dư luận.
Ban Giám khảo Cuộc thi bao gồm các chuyên gia truyền thông, chuyên gia y tế đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm qua hai vòng sơ khảo, chung khảo để quyết định lựa chọn trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất, bao gồm: Rrao giải cho 14 tác phẩm phóng sự phát thanh (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích, 3 giải nhân ái); trao giải cho 15 tác phẩm phóng sự truyền hình (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích, 3 giải nhân ái, 1 giải sáng tạo). Các giải thưởng của cuộc thi được tặng Giấy chứng nhận kèm theo tiền thưởng đối với mỗi giải thưởng.
Hồng Thiết
TĐKT - Sáng ngày 22/10, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ phát động chung tay ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Lễ phát động ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng do mưa lũ
Đến dự Lễ phát động, có các Phó Hiệu trưởng: TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực; GS. TS Đinh Văn Tiến; PGS. TS Hà Đức Trụ; GS. TS Nguyễn Công Nghiệp; ông Trần Đức Minh; đại diện các phòng, ban, các cán bộ, giảng viên trong toàn trường và đông đảo sinh viên.
Ngay trong lúc này, hàng ngàn người dân miền Trung đang sống trong cảnh mành trời chiếu đất, những đứa trẻ bơ vơ khi người thân mãi mãi ra đi. Vẫn còn đó những ước mơ được tới trường, nhưng trường ngập nước, sách bị cuốn trôi. Sự giúp đỡ của tất cả cộng đồng sẽ phần nào xoa dịu đi sự mất mát lớn lao cho mỗi gia đình và đó cũng là nguồn động lực lớn để động viên họ sớm có thể ổn định lại cuộc sống.
Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, Ban Thường vụ trường, Đoàn Thanh niên, Ban Thư ký Hội sinh viên trường đã kêu gọi tất cả sinh viên hướng về miền Trung bằng tất cả tấm lòng, chung tay góp sức, ủng hộ đồng bào bằng hành động thiết thực nhất với mức ủng hộ tối thiểu một ngày lương. Thời gian phát động từ ngày 22/10/2020 đến 31/10/2020.
Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “… Với tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, phát huy truyền thống của nhà trường, trong công tác xã hội. Thay mặt Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường mở rộng tấm lòng nhân ái, hưởng ứng ủng hộ đồng bào miền trung bằng những hành động thiết thực nhất: Đối với cán bộ giảng viên đóng góp một ngày lương, ngoài ra có thể ủng hộ các vật dụng khác như quần áo, chăn màn,… Sinh viên tùy theo điều kiện , khả năng có thể ủng hộ bằng tiền mặt và các vật dụng khác như sách, vở, quần áo…. Mọi sự đống góp dù nhỏ bé của các thầy cô và các em đều là nguồn an ủi, động viên rất lớn làm vơi bớt một phân khó khăn mất mát của đồng bào và trẻ em vùng bị thiệt hại do mưa lũ…”
Ngay tại Lễ phát động, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã quyên góp được 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ được Ban thường vụ Trường, Đoàn Thanh niên kịp thời chuyển đến đồng bào miền Trung trong thời gian sớm nhất. Đây là hành động thiết thực, kịp thời của đông đảo cán bộ nhân viên và người lao động thể hiện tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” để ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần sớm ổn định cuộc sống.
Nguyễn Đại Lâm
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 129
- 130
- 131
- 132
- 133
- …
- sau ›
- cuối cùng »