Văn hóa - Thể thao

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

TĐKT - Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Triển lãm diễn ra từ ngày 16 - 27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 02, phố Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội và ngày 24/11/2021 tại tầng một Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội; triển lãm online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ ngày 16/11 - 31/12/2021. Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý với các nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Một số hình ảnh, tư liệu quý sẽ trưng bày tại Triển lãm Đáng chú ý là phần trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”. Triển lãm sẽ lựa chọn những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam để khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa. Thông qua các hình ảnh Bác tới thăm các di sản, di tích lịch sử: Đền Hùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… trưng bày tại Triển lãm, người xem sẽ thấy được quan tâm đặc biệt của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc. Bác cũng thường nhắc nhở mọi người cần biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc…. Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác, sự giản dị, thanh cao của Bác toát lên từ những việc nhỏ nhất, trở thành bài học quý giá cho mỗi chúng ta học tập, noi theo: Đó là bộ quần áo lụa nâu Bác mặc từ năm 1954 - 1964; đôi guốc mộc Bác thường sử dụng; gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hàng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn” tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960)… Thông qua những hình ảnh, tư liệu quý, triển lãm cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng giao lưu văn hóa quốc tế, Người luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong việc nâng cao vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế bởi văn hóa chính là cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã đi đến nhiều quốc gia, để lại nhiều dấu ấn về tình hữu nghị, đoàn kết, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại, những cống hiến và tư tưởng của Người được nhân dân Việt Nam và thế giới tôn vinh, kính trọng. Mai Thảo  

Thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

TĐKT - Ngày 26/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những tác phẩm, công trình có điều kiện và tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Ông Tạ Quang Đông - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phùng Xuân Nhạ - Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Huy Giang - Tiến sĩ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; ông Đoàn Thanh Nô - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam. Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Lương Hồng Quang - Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng - Tiến sĩ, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an; ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đặng Xuân Hải - Nghệ sĩ nhân dân, quyền điều hành Hội Điện ảnh Việt Nam; ông Phan Đăng Sơn - Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Đỗ Hồng Quân - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; ông Phạm Anh Phương - Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; bà Trịnh Thị Mùi (Thúy Mùi) - Nghệ sĩ nhân dân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Lê Hồng Lý - Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 1/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập và được sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải quyết công việc. Thành viên Hội đồng và Tổ Thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Minh Phương

Khai mạc Triển lãm chuyên đề “Vị tướng huyền thoại”

TĐKT - Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chiều 20/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân, Thư viện Quân đội và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Vị tướng huyền thoại”. Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu khai mạc Triển lãm Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đồng thời tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực học tập và noi theo tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển lãm gồm 4 phần chính: Phần 1 - Bên dòng Kiến Giang: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu về truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc tâm hồn, tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phần 2 - Đường đến Cách mạng: Giới thiệu nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh quá trình tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925 - 1939 của người thanh niên Võ Nguyên Giáp; quá trình bắt đầu sự nghiệp quân sự từ năm 1940 đến khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 và những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần 3 - Đại tướng huyền thoại: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh vai trò to lớn, những cống hiến đặc biệt của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phần 4 - Vị tướng của nhân dân: Trưng bày các hình ảnh, tài liệu, hiện vật khắc họa cuộc sống đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm của Đại tướng với nhân dân, đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế. Không gian trưng bày của Triển lãm Triển lãm trưng bày, giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như: Súng ngắn của đồng chí Võ Nguyên Giáp sử dụng chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh thắng trận đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần ngày 24 và 25/12/1944; Sắc lệnh số 110-SL ngày 20/01/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc phong cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; Huân chương Sao vàng (phần thưởng cao quý nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp); mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; bộ bàn ghế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng để làm việc và tiếp đón đồng bào, chiến sĩ, các vị khách quốc tế tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội… Phương Thanh

Triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), từ ngày 22/8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận. (Ảnh trong triển lãm). Triển lãm giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh gồm ba chủ đề: “Từ nhân dân mà ra”, “Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Trong số những tài liệu trưng bày có bức điện mật ngày 7/4/1975 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tay, ký tên "Văn,” lệnh cho các đơn vị "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.” Thông qua triển lãm, người xem sẽ có dịp nhìn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông khẳng định "Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó.” Triển lãm cũng làm nổi bật dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà và Hầm D67, di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1968 – 1975, tại Hoàng thành Thăng Long. Trong giai đoạn này, trên cơ sở sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, với cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên theo dõi những thay đổi, diễn biến của chiến trường miền Nam và đưa ra những chỉ đạo, mệnh lệnh góp phần làm nên những chiến thắng thay đổi cục diện chiến trường, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013) là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời binh nghiệp của ông khởi đầu từ năm 1944 với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch và đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, tại Tổng Hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chỉ đạo tư lệnh của các mặt trận và toàn quân, từng bước đánh bại âm mưu về chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần tiến hành thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phương Thanh

Khởi động Cuộc thi viết “Đọc sách để thay đổi”

TĐKT - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết “Đọc sách để thay đổi” nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; tạo sức lan tỏa văn hóa đọc và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy hình thành xã hội học tập. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” để triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” và chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2021). Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước; tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu phát sinh bất cứ vấn đề nào liên quan đến bản quyền của các yếu tố được đề cập trong tác phẩm dự thi; tính chính xác của các thông tin trong bài viết… Nội dung của bài viết xoay quanh tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với độc giả, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay; tác giả chia sẻ về những cuốn sách hay, có ý nghĩa làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của bản thân tác giả dự thi; các câu chuyện có thật của những những con người vươn lên trong cuộc sống thông qua việc đọc sách… Bài viết dự thi được đánh máy bằng phông Times New Roman, cỡ chữ 14; dài không quá 2000 từ. Các bài dự thi sẽ được đăng tải trên fanpage Cổng tri thức Thánh Gióng, fanpage Hội LHTN Việt Nam. Giải thưởng của Cuộc thi gồm: 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng tiền mặt; 1 giải Nhì trị giá 5 triệu đồng; 1 giải Ba trị giá 3 triệu đồng và 5 Giải Khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải cùng với Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 22/7 đến 15/9/2021. Lễ trao giải dự kiến vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (tháng 10/2021). Các tác giả gửi bài dự về địa chỉ Cổng tri thức Thánh Gióng, 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.62782663 trước ngày 15/9/2021 (ngoài bì thư ghi rõ Dự thi Cuộc thi viết “Đọc sách để thay đổi”); hoặc gửi qua email: congtrithucthanhgiong@gmail.com Thục Anh

“Hát để sẻ chia” kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

TĐKT - Tối qua (18/7), số thứ nhất của Chương trình “Sing for Life - Sing for Love” (Hát để sẻ chia) đã lên sóng, với thông điệp “more than music”, gửi gắm đến mỗi người rằng, hãy làm được nhiều hơn cả âm nhạc chúng ta dành cho nhau. Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 triệu đồng và quyên góp được 20.000 khẩu trang y tế N95 để trao cho lực lượng tuyến đầu và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. “Hát để sẻ chia” Sing for Life - Sing for Love là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần sáng tạo nghệ thuật và sự kiện Sun Bright tổ chức, mong muốn mang âm nhạc lan tỏa những giá trị tích cực, ý nghĩa đến với cộng đồng và cùng nhau quyên góp ủng hộ để nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được hỗ trợ và sớm vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống. Với chủ đề của tập 1 “Phía trước là bầu trời”, thông điệp của chương trình muốn gửi gắm đó là biến tiếng hát thành sức mạnh, cùng gắn kết trong bản hòa thanh ngợi ca cuộc sống, tôn vinh những việc làm có ích trong đời sống này. Giám đốc âm nhạc Dương Cầm chia sẻ: “Đã gần 1 năm rồi ban nhạc của chúng tôi chưa được bước lên sân khấu với hàng ngàn khán giả. Nhớ lắm, nhớ cảm giác được ngồi biểu diễn cho khán giả thưởng thức. Nên khi chương trình mời tham gia thì không có điều gì để mình từ chối cả, mình và anh em Background band rất vui được “hát để sẻ chia” và đây như là nghĩa vụ của một người nghệ sĩ vậy, phải đóng góp bằng cái tài năng của mình, cái chất của mình để mang tình yêu, niềm vui đến cho mọi người”. Diva Hồng Nhung và ekip cùng Background band đã mang đến sự kết nối âm nhạc mới mẻ đầy cảm xúc khi band nhạc thì chơi tại đầu cầu Hà Nội và ca sĩ hát tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh như một lời cảm ơn đến những người ở tuyến đầu và chia sẻ những giá trị tích cực đến khán giả xem chương trình. “Tất cả chúng ta dù ở thành phố nào của Việt Nam thì trong giai đoạn vừa qua đã phải làm quen với “bình thường mới” và hiện nay thì gia đình của Hồng Nhung cùng với bao nhiêu gia đình tại TP Hồ Chí Minh nơi được coi là điểm nóng nhất, đã dần quen với việc giãn cách xã hội. Tôi vẫn tiếp tục hát, thu âm và livestream. Đến với chương trình này, xin được gửi lời cảm ơn cảm ơn đến ê kíp thực hiện đã sáng tạo và xây dựng một chương trình mà ở đó kết nối Hà Nội với tất cả các thành phố và địa điểm khác thông qua các điểm cầu, để đúng như tên gọi của chương trình Sing for Life - Sing for Love, hát để sẻ chia, gửi gắm tình yêu”, Diva Hồng Nhung chia sẻ. Tham gia chương trình là 2 chân dung âm nhạc: Hoàng Dũng và Bảo Trâm những gương mặt trẻ tài năng và triển vọng đã thể hiện sức trẻ của mình và cá tính âm nhạc riêng để truyền đi những thông điệp tích cực trong âm nhạc: Sẻ chia cảm xúc - Kết nối yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch. “Sing for Life - Sing for Love”sẽ được diễn ra vào ngày thứ 5 của tuần thứ hai và tuần thứ tư mỗi tháng trong năm 2021 trên nền tảng trực tuyến. Toàn bộ số tiền gây quỹ được trong tập đầu tiên sẽ được gửi đến quỹ “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch" của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và công khai dùng để mua các gói quà (mỗi suất trị giá 250.000 đồng, bao gồm nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo/mì, đồ hộp, nước mắm, dầu ăn hoặc các nhu yếu phẩm phù hợp) trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Sing for Life - Sing for Love (S4L) là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, là dự án sáng tạo nghệ thuật của Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright với mong muốn mang âm nhạc lan tỏa những giá trị tích cực, ý nghĩa đến với cộng đồng. Tại chương trình có band nhạc chơi live ở trường quay, kết nối với các ca sĩ khắp mọi miền tổ quốc và nước ngoài. Không chỉ hát, những nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ góp phần kết nối, sẻ chia những điều tốt đẹp và kêu gọi đóng góp dành cho các hoạt động hướng tới cộng đồng. S4L sẽ được diễn ra vào ngày thứ 5 của tuần thứ hai và tuần thứ tư mỗi tháng trong năm 2021 trên nền tảng trực tuyến. Thông tin Ủng hộ Hát để sẻ chia Tài khoản: 1902.6637.1956.89 tại Ngân hàng Techcombank, CN Hà Thành. Tài khoản ngân hàng của TRUNG TÂM THÔNG TIN NGUỒN LỰC TÌNH NGUYỆN QUỐC GIA  Tiêu đề gửi: “Ủng hộ Hát để sẻ chia - số ĐT” Thông tin liên hệ với BTC Chương trình: Điện thoại: 098 487 7166 Email: singforlife.singforlove@gmail.com Mai Thảo

Khai mạc triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại"

TĐKT - Ngày 13/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học), Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, Quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup tổ chức khai mạc Triển lãm "Thảm hoạ da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại". Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thiết thực kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021); 60 thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021); hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8). Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật theo các chủ đề: Thảm hoạ và nỗi đau; khắc phục hậu quả; vòng tay nhân ái và hành trình đấu tranh đòi công lý; khát vọng vươn lên. Một số hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại triển lãm Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng, để đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các cơ quan, ban, bộ, ngành, đoàn thể. Triển lãm cũng thể hiện sự vào cuộc của toàn xã hội, sự chung tay góp sức của bạn bè quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; những nỗ lực vượt khó vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam để hòa nhập cộng đồng. Triển lãm tiếp tục kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, đoàn kết đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Triển lãm "Thảm hoạ da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại" được trưng bày trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam từ ngày 13/7 đến 12/8/2021. Triển lãm cũng được thực hiện trực tuyến từ ngày 13/7 đến 31/12/2021, trên website:trienlamdacam.vn; cổng thông tin điện tử của: Binh chủng Hóa học: http://binhchunghoahoc.vn; Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam: http://office701.gov.vn; Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam: http://ncd.btxh.gov.vn; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: http://vava.org.vn; Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học (Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam): http://icrtm.vast.vn; Quỹ đổi mới sáng tạo Vinif (Tập đoàn Vingroup): https://www.vinif.org. Phương Thanh

Trải nghiệm bài học cuộc sống từ “Seneca – Những bức thư đạo đức”

TĐKT - Dù được viết từ gần 2.000 năm trước nhưng những vấn đề mà cuốn sách "Seneca – Những bức thư đạo đức" đề cập được đánh giá vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và đặc biệt hữu ích đối với con người thời hiện đại. Cuốn sách triết học La Mã cổ đại này đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và lần đầu được dịch sang tiếng Việt. Bìa cuốn sách “Seneca – Những bức thư đạo đức” Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học cổ đại được sáng lập bởi nhà triết học Zeno xứ Citium vào đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Chủ nghĩa khắc kỷ được khai sinh với sứ mệnh trui rèn bản lĩnh và tinh thần của con người trước những áp lực và khổ đau trong cuộc sống. Sau đó, trường phái này được kế thừa bởi ba trụ cột thời La Mã là Seneca, hoàng đế Marcus Aurelius và Epictetus. Lucius Annaeus Seneca là một triết gia người La Mã thuộc trường phái triết học khắc kỷ, là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài đương thời và là một tên tuổi lớn của văn học La Mã. Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức khắc kỷ vào cuộc sống của mình để chữa lành những tổn thương tâm lý. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp. Các tác phẩm của ông chứa đầy những ví dụ sống động, những ẩn dụ ấn tượng, những câu nói hay và những hiệu ứng âm thanh dứt khoát. Ông biết cách thay đổi giọng điệu, từ cuộc trò chuyện bình thường đến lời cổ vũ mạnh mẽ và sự lên án quyết liệt. Lucius Annaeus Seneca đã sử dụng một định dạng văn bản triết học do chính ông sáng tạo ra là các bức thư gần gũi, thân thiện với nhiều đối tượng độc giả để nhằm trả lời cho câu hỏi “làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp”. Tính độc đáo của thể loại văn bản này đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của ông "Moral letters from Seneca to Lucilius”. Tác phẩm này đã được tác giả Andy Lương và đội ngũ Spiderum dịch lại dưới tên “Seneca: Những bức thư đạo đức – Chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống”. Cuốn sách dành cho những bạn trẻ đang tìm hiểu về triết học, đặc biệt là về chủ nghĩa khắc kỷ và phương pháp thực hành triết học trong cuộc sống thường ngày; những ai quan tâm tới văn học, lịch sử, nghệ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại để tìm về các tri thức trường tồn qua dòng thời gian của Seneca, Marcus Aurelius, Plato…; những ai đang gặp vấn đề với việc phát triển bản thân, các mối quan hệ, sự nghiệp, tình cảm và cần lời khuyên thực sự có ý nghĩa; những bạn trẻ muốn trang bị cho mình một tâm thức mạnh mẽ để sẵn sàng đương đầu với thời đại biến đổi khôn cùng… PT

Phát động cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất

TĐKT - Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được phát động vào cuối tháng 5 và dự kiến kết thúc vào tháng 11/2021 tại Hà Nội. Với chủ đề "Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam", cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất là hoạt động hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), nhằm tìm kiếm các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, tiêu biểu về các loại hình di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam (di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật và danh lam thắng cảnh). Đồng thời, thông qua hoạt động này còn góp phần khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam đến công chúng trong và ngoài nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Báo Văn hóa, Báo điện tử Tổ quốc, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Các tác phẩm tiêu biểu sẽ được lựa chọn cho cuộc triển lãm và sách ảnh với chủ đề "Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam", đăng tải trên phương tiện truyền thông và các tài liệu tuyên truyền về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết quả cuộc thi sẽ góp phần quảng bá giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử và thẩm mỹ của di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể nói riêng tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Lễ trao giải và triển lãm ảnh dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2021 tại Hà Nội. Hồng Thiết

Phát động tuần lễ “Tắm Phật online - Nhân hai công đức”, đóng góp quỹ phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử, hạn chế tập trung đông người trong mùa Phật đản Phật lịch 2565, dương lịch 2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Mạng xã hội Phật giáo Butta phát động tuần lễ “Tắm Phật online - Nhân hai công đức”, từ nay đến hết 24h ngày 26/5 (tức 15/4 âm lịch). Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo Tuần lễ “Tắm Phật online - Nhân hai công đức” là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, giúp phật tử vừa thể hiện tâm thành kính với Đức Phật thông qua hoạt động tắm Phật online, vừa thể hiện tinh thần từ bi, đoàn kết, chung tay cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc đẩy lùi đại dịch. Trong những ngày tháng 4 âm lịch, đồng bào phật tử và người dân Việt Nam nói riêng, phật tử trên khắp thế giới nói chung lại hân hoan đón mừng mùa Phật đản. Lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang nghiêm, trọng thể. Năm nay, trước tình hình dịch bệnh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản an toàn, đảm bảo trang nghiêm thành kính, trong đó có hướng dẫn phật tử kính mừng Khánh đản Đức Phật tại tư gia, tắm Phật online để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Đặc biệt, mỗi người thông qua mỗi lần tắm Phật online trên mạng xã hội Phật giáo Butta (hoàn toàn miễn phí) đồng nghĩa với việc mạng xã hội này đóng góp 10.000đ vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và số tiền công đức thu được sẽ trao tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch. Phương Thanh

Trang