TĐKT – Với mong muốn truyền đi năng lượng tích cực đến cộng đồng xã hội sau những năm tháng dịch bệnh Covid -19 kéo dài, chiều 19/3, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), hai nữ họa sĩ ngoài 70 tuổi - Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đã chính thức cắt băng khai mạc, mở cửa triển lãm tranh “Tháng Ba”, giới thiệu đến công chúng hơn 70 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
70 tác phẩm nghệ thuật là 70 bức tranh, vẽ đa dạng chủ đề khác nhau, khi thì phong cảnh, tĩnh vật, khi thì vẽ chân dung những nhân vật nổi tiếng mà hai nữ họa sĩ từng gặp. Với bút pháp hiện thực, vẽ trực họa, hình khối màu sắc, biểu cảm chân thực, những bức tranh của hai nữ họa sĩ đã làm đắm say những người đến thưởng lãm.
Triển lãm Tháng Ba thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng lãm
“Mỗi bức tranh được hoàn thiện, lồng khung, đặt tên gọi và treo trang trọng tại căn phòng triển lãm, cho thấy một quá trình lao động miệt mài, hăng say của những nữ nghệ sĩ ngoài thất thập. Đặc biệt, những gam màu tươi sáng, những đường nét tinh tế, dịu dàng trong từng bức tranh, khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận rất rõ về sự an vui và tình yêu cuộc sống tha thiết.” – nhà văn Phạm Thu Yến chia sẻ những cảm nhận của mình khi ngắm nhìn những bức tranh.
Họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết: Đây là những tác phẩm chín muồi bởi được cả hai chúng tôi thực hiện sau khi đã đi qua một chặng đường dài của cuộc đời. Nên các bức tranh đều có điểm chung là rất nhẹ nhàng, nhu hòa, chỉn chu và đậm chất hiện thực. Đa phần các bức tranh trong triển lãm này đều được chúng tôi âm thầm sáng tác, một mình trước tấm toan và cây bút suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19.
Nữ họa sĩ Trần Thị Trường đang giới thiệu với khách thưởng lãm những bức tranh của mình
Còn nữ họa sĩ Trần Thị Trường thì cho rằng: “Tháng Ba” chính là cú lội ngược dòng của hai người đàn bà tri thức Thủ đô. Bởi dù có năng khiếu hội hoạ từ nhỏ nhưng thực tế cuộc sống đã đưa cả hai bà rẽ theo những ngành nghề khác nhau. Chỉ những năm tháng về hưu, sự đam mê ấy mới có cơ hội trỗi dậy và họa sĩ Hải Kiên – một người thầy tâm huyết, đã giúp họ biết cách để truyền đi những thông điệp tích cực trong cuộc sống.
Một tác phẩm hết sức tinh tế, nhẹ nhàng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân
Họa sĩ Lê Thiếu Ngân là con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng, bà từng học khoa tiếng Nga, trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội. Chồng bà là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Phú Bình, từng có các nhiệm kỳ Đại sứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong vai trò phu nhân Đại sứ, bà đã tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam, các hoạt động ngoại giao và các hoạt động của Phu nhân Ngoại giao tại nước sở tại. Dạy tiếng Việt cho Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc; tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; tổ chức cuộc Gặp gỡ mùa thu (Vietnam Autumn Cutural Meeting) cho Hội Phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại sứ quán.
Còn tác giả Trần Thị Trường đã có một cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi, với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực văn chương như Lời cuối cho em, Kẻ mắc chứng điên, Tình câm... Bà được coi là nhà văn tiêu biểu khi viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật nữ, những góc buồn khổ, khó nói.
Chân dung Phạm Trần Mỹ Phương do nữ họa sĩ Trần Thị Trường khắc họa một cách trân trọng được trưng bày tại triển lãm Tháng Ba
Từng học Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp khóa 1973 - 1978 nhưng không tốt nghiệp do hoàn cảnh gia đình, ở tuổi gần 70, nhà văn Trần Thị Trường mới quay trở lại với niềm đam mê hội họa. Năm 2019, bà gặp họa sĩ Hải Kiên và theo học từ đó tới nay. Chỉ sau 8 tháng, Trần Thị Trường đã có triển lãm lần I bày 48 bức tranh tại Ngô Quyền, một triển lãm để lại nhiều ấn tượng cho người thưởng thức và giới chuyên môn.
Trong 3 năm cầm bút trở lại, Trần Thị Trường mỗi ngày một "chín" thêm trong nghề. Rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ, nhà chính trị, ngoại giao, bác sĩ, luật sư… đã được Trần Thị Trường thể hiện thành công như: Nhà thơ Xuân Quỳnh, Đoàn Ngọc Thu, Trần Kim Hoa, ca sĩ Ngọc Tân, Cellist Ngô Hoàng Quân, nhạc trưởng Lê Phi Phi…
Mai Thảo