Phong trào thi đua

Thanh niên xung kích trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Tháng Thanh niên năm 2020 diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song tuổi trẻ cả nước đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và sáng tạo, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ tại địa phương. Ðến từng nhà, từng ngõ Tất cả các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc trên cả nước đều thành lập các đội thanh niên xung kích phản ứng nhanh từ cấp tỉnh, thành đến cơ sở. Đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ tuyên truyền, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cũng như tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh mà địa phương, đơn vị yêu cầu. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện chủ trương của Đoàn cấp trên, đoàn cơ sở đã hạn chế hoạt động tập trung đông người. Đoàn cấp tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phòng, chống Covid-19. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tạm hoãn, hạn chế một số hoạt động hoặc chuyển sang hình thức triển khai trực tuyến, hạn chế tập trung đông người; triển khai nhiều công trình, phần việc thanh niên, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, khám chữa bệnh cho người dân… Đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền đến người dân về phòng, chống dịch Covid- 19 100% cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều thành lập đội phản ứng nhanh. Đội phản ứng nhanh đi vào từng khu phố, đến từng thôn bản, ra các khu chợ, gõ cửa từng nhà dân để tuyên truyền và hướng dẫn người dân khai báo y tế. Các huyện Đoàn như Tương Dương, Con Cuông, do đặc thù người dân ở vùng sâu, vùng xa, đội thanh niên xung kích phản ứng nhanh đã không quản ngại khó khăn đến tận nhà hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch bệnh. ĐVTN còn ra bến xe tuyên truyền hướng dẫn cho các nhà xe cũng như hành khách cách phòng tránh dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An phát hơn 40 nghìn khẩu trang miễn phí, gần 2 nghìn chai dung dịch nước rửa tay sát khuẩn…với tổng trị giá hơn 447 triệu đồng. Đại diện Tỉnh Đoàn Hà Giang cho biết, nhiều cơ sở đoàn ở vùng sâu, vùng xa như Huyện Đoàn Xín Mần, Quản Bạ đã gõ cửa từng nhà dân, đến các khu đông dân cư, đặc biệt là đến nhiều khu chợ phiên để tuyên truyền, phát tờ rơi, khẩu trang cho đồng bào dân tộc thiểu số phòng, chống dịch Covid-19. Đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Mông để đồng bào dân tộc thiểu số nắm được đầy đủ, chính xác nhất kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Tại các khu chợ phiên, thanh niên xung kích phản ứng nhanh phối hợp với y tế địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền, phát khẩu trang, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng đúng cách thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con dân tộc thiểu số. ĐVTN ở  nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Cần Thơ còn tự may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng người dân, học sinh phòng, chống dịch. Suốt 1 tuần nay, chị Nguyễn Thị Hằng, Bí thư Đoàn xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cùng ĐVTN ở Hà Tĩnh mượn máy may may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng miễn phí cho người dân. Chị Hằng chia sẻ: “Dịch Covid-19 nóng lên từng ngày, nhưng tôi ra ngoài đường, ra chợ thấy nhiều người dân chưa có ý thức phòng bệnh, không đeo khẩu trang. Trước thực tế mua khẩu trang khó khăn, tôi liên hệ mượn máy khâu cùng ĐVTN khác tự thiết kế may khẩu trang tặng người dân với mong muốn góp chút sức mình cùng nhân dân chống dịch”. Tiếp sức cho người dân bị cách ly Ngay trong ngày đầu tiên ngõ 165 Cầu Giấy (Hà Nội) bị cách ly vì dịch Covid - 19, anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội LHTN quận Cầu Giấy cùng đội phản ứng nhanh của quận Đoàn Cầu Giấy đã tình nguyện cùng với nhiều đơn vị mang nhu yếu phẩm tiếp sức cho người dân. Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định, mỗi ngày, đội tổ chức một chuyến mang đồ ăn, nhu yếu phẩm đến cho người dân. Tuy nhiên, thực tế có ngày đội đi đến khu cách ly nhiều lần, vì những nhu cầu phát sinh của người dân. Đội phản ứng nhanh của Quận Đoàn Cầu Giấy luôn trong tinh thần sẵn sàng. Trong buổi chiều 13/3, khi người dân ngõ 165 Cầu Giấy phản ánh thiếu khẩu trang, anh Tuấn Anh đã đi vận động xin được hàng trăm chiếc khẩu trang mang đến kịp thời. Phó Chủ tịch Hội LHTN quận Cầu Giấy cho biết thêm, tất cả các phường trên Quận Đoàn Cầu Giấy đều có đội xung kích phản ứng nhanh. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, ĐVTN quận đã phát khoảng 5.000 khẩu trang miễn phí và nước rửa tay; phối hợp tổ dân phố phát tờ rơi, tuyên truyền đến từng nhà dân về kiến thức phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, kêu gọi các bạn trẻ tránh tụ tập đông người. Tuần thứ 2 Tháng Thanh niên cũng là thời điểm Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới Covid-19. Vì thế, tuổi trẻ Thủ đô tập trung cao điểm cho hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân phòng,chống dịch bệnh. Tuổi trẻ Đông Anh tham gia trực chốt tại khu vực cách ly, đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe người dân, vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết đến tay những hộ dân đang cách ly; tổ chức phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí tại điểm xã và bệnh viện với mục tiêu cao nhất: Góp sức trẻ chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Quận Đoàn Hoàng Mai cũng tổ chức nhiều đoàn thanh niên tình nguyện đến hỗ trợ gia đình bị cách ly tại cộng đồng do dịch Covid -19.       Hưng Vũ  

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chung tay cải cách hành chính

TĐKT - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao Bằng khen cho Tổng cục đường bộ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp cung cấp dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia Công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: phát tờ rơi đến người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Tổng cục và của các đơn vị trực thuộc, trang duongbo.vn và một số báo, tạp chí trong và ngoài ngành. Đặc biệt, trong các cuộc họp giao ban hàng tháng về công tác chuyên môn, nội dung về CCHC luôn được chú trọng và được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Tổng cục. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện chủ động, tích cực. Việc nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản được chú trọng. Đến nay, Tổng cục đã trình 11/14 dự thảo văn bản theo chương trình xây dựng văn bản QPPL do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao, hoàn thành đúng tiến độ. Tổng cục đã hoàn thành rà soát, hệ thống hóa đầu kỳ các văn bản QPPL gồm: Văn bản về lĩnh vực đường bộ có 22 Nghị định, 65 Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đề nghị Bộ GTVT sửa đổi 15 Thông tư và trình Chính phủ sửa đổi 3 Nghị định. Rà soát hiệu lực của văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ tiếp tục được cải cách theo hướng bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tổng cục đã quán triệt Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; công khai, minh bạch các TTHC trong lĩnh vực GTVT đường bộ theo đúng quy định. Tính đến ngày 20/10/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận 19.211 hồ sơ; đã giải quyết 19.079 hồ sơ, đang giải quyết (chưa đến hạn) 132 hồ sơ; quá hạn 0 hồ sơ đối với các lĩnh vực. Tổng cục thường xuyên rà soát, hoặc rà soát theo chuyên đề 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường bộ, điều chỉnh các nội dung như thành phần hồ sơ, yêu cầu của thủ tục, thời gian thực hiện, quy trình thực hiện... để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Số thủ tục hành chính TTHC trong lĩnh vực đường bộ hiện đang thực hiện là 102 thủ tục, số TTHC hiện giải quyết tại Tổng cục là 66 thủ tục. Hiện nay số dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 của Tổng cục là 66 DVC trong lĩnh vực vận tải và quản lý phương tiện người lái; có 2 DVC trong quản lý phương tiện người lái kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Tổng cục hiện đang xây dựng 2 DVC trực tuyến mức độ 3 là 2 DVC mức độ 4 trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng để kết nối với Cổng DVCQG. Từ thời điểm khai trương Cổng DVCQG ngày 9/12/2019 đến ngày 5/1/2020 đã có 279 hồ sơ dịch vụ đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp và 622 hồ sơ dịch vụ cấp giấy phép lái xe quốc tế được thực hiện qua Cổng DVCQG. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 được quan tâm thực hiện. Nhiều năm trở lại đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị được xếp thứ hạng cao trong kết quả đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT. Tổng cục thường xuyên đôn đốc tập thể, cá nhân có liên quan duy trì việc cập nhật thông tin vào 22 phần mềm hiện đang quản lý, góp phần giảm tải công tác tổng hợp, theo dõi. Dữ liệu được quản lý tập trung nên việc khai thác được nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Để quản lý đồng bộ dữ liệu về tài sản nhà nước (bao gồm tài sản là ô tô, nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị có nguyên giá từ 500 triệu trở lên) và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, song song với việc sử dụng phần mềm quản lý, Tổng cục đã tích hợp và cập nhật cơ sở dữ liệu vào hệ thống dữ liệu tài sản quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Việc cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống dữ liệu quốc gia giúp quản lý, khai thác dữ liệu được thống nhất, đảm bảo thông tin thông suốt, tiết kiệm, tăng cường an toàn, an ninh thông tin, phù hợp với định hướng chính phủ điện tử của Chính phủ. Cùng với đó, Tổng cục thường xuyên rà soát để nâng cấp các dịch vụ hành chính công; đã triển khai thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia đối với dịch vụ cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải quốc tế bằng xe ô tô, biển hiệu, phù hiệu ở mức độ 4, cho phép người làm thủ tục gửi thông tin, chứng từ điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Qua đó, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm các chi phí liên quan. Công tác kiểm soát TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục bảo đảm đúng tiến độ quy định. Các TTHC giữa các cơ quan hành chính và nội bộ cơ quan được thực hiện thường xuyên, từng bước cải thiện với mục tiêu đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch. Đội ngũ công chức, viên chức của Tổng cục được sắp xếp, bố trí theo vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đã được Bộ GTVT phê duyệt giai đoạn 2015-2021, năm 2019, Tổng cục đã tinh giản biên chế 23 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp về hưu trước tuổi và 21 trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc. Chia sẻ về kinh nghiệm trong CCHC, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “chung tay để cải cách hành chính”, điều này đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Với tinh thần “vì dân phục vụ”, từng cán bộ, công chức, viên chức đã lấy sự phục vụ người dân, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo, đánh giá mọi cơ chế, mọi chính sách được ban hành và thực hiện dựa trên sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức Tổng cục đã thể hiện tốt vai trò là công bộc của dân, tận tụy phục vụ, hướng dẫn nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân. Đỗ Hồng  

Phụ nữ Yên Mô học Bác làm nhiều việc tốt

TĐKT - Với suy nghĩ học Bác ngay từ những việc làm giản dị trong cuộc sống hàng ngày, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Yên Mô (Ninh Bình) gắn kết nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các chuẩn mực phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thông qua nhiều hoạt động, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Hội viên phụ nữ được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu Để việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu và thiết thực, Hội LHPN huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện các nội dung phong trào thi đua: “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”  và các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên phụ nữ làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Xác định học và làm theo Bác từ những việc làm thường xuyên, cụ thể, Hội LHPN huyện đã lựa chọn và tích cực tuyên truyền vận động hội viên tự giác thực hiện mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; tiết kiệm điện, gas, nước; góp tiền xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, mua bảo hiểm y tế… Đồng thời, các cấp Hội cũng đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt hàng tháng, lồng ghép trong các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, Hội đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên như hỗ trợ vay vốn sản xuất. Ngoài nguồn Quỹ do hội viên đóng góp, Hội LHPN huyện đã cũng phối hợp, liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện duy trì 146 tổ vay vốn, với tổng số tiền quản lý hơn 600 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Hội đã hỗ trợ 10.939 gia đình hội viên vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế. Song song với đó, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, thu hút đông đảo hội viên tham gia; vận động cán bộ, hội viên xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng của từng vùng, miền. Thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”, đến nay đã có 7 hộ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh tế đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, học Bác thực hành tiết kiệm, các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng với 100% chi hội đã cụ thể hóa việc làm theo Bác thông qua mô hình nuôi lợn nhựa, vận động hội viên, phụ nữ tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để giúp đỡ phụ nữ nghèo. Hiện quỹ tiết kiệm của Hội có tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Nguồn quỹ này Hội đã sử dụng để hỗ trợ hàng trăm hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh vượt khó học giỏi... Nhờ vậy, phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm trở thành điểm nhấn trong việc học tập và làm theo Bác. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã chú trọng đến phụ nữ nghèo, thực hiện phong trào giúp phụ nữ nghèo đứng chủ. Để giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn sớm thoát nghèo, hội viên phụ nữ đã hỗ trợ nhau về con giống, ngày công, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp nhau vốn khi khó khăn. Không chỉ thực hiện tốt các phong trào thi đua và trong lao động sản xuất, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện còn tích cực học tập và làm theo Bác trong bảo vệ đất nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc... Hội đã triển khai và duy trì thực hiện hiệu quả 91 mô hình dân vận khéo. Điển hình như mô hình: “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông”, mô hình “Phân loại rác thải”, “Nồi cháo thiện nguyện”; “Dịch vụ đưa trẻ đến trường”… Có thể khẳng định, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã khơi dậy ý thức thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện. Từ đó thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái của hội viên; thúc đẩy các hoạt động, phong trào thi đua của Hội LHPN tỉnh trong mọi lĩnh vực; nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động hội. Tuệ Minh  

Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng tham gia phòng, chống dịch Covid - 19

TĐKT - Bám sát sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã kịp thời quán triệt triển khai các nhiệm vụ đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Sự chủ động, tích cực của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã góp phần phát huy sức mạnh của cả cộng đồng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng tuyên truyền phòng chống dịch  Với vai trò là Trưởng Khối thi đua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền đến các đơn vị thành viên thông qua các văn bản hướng dẫn và ứng dụng trên App MTTQ Việt Nam. Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức chính trị, xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam) đã chủ động, cùng với MTTQ Việt Nam triển khai tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nữ trí thức đồng hành cùng xã hội”, giới thiệu nhiều công nghệ và sản phẩm khoa học công nghệ cao phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu bắt buộc mọi người đến chùa phải đeo khẩu trang, kể cả khi tham gia thực hành các nghi lễ; tạm dừng tổ chức các lễ hội, khóa lễ, khóa tu tập trung tại các chùa. Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo, phát huy các thành viên, hội viên có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực y khoa tăng cường vận động và hỗ trợ cộng đồng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Hội Đông y Việt Nam giới thiệu một số phương pháp, cách phòng, chống bệnh và một số bài thuốc để các tỉnh, thành phố, các chi hội trực thuộc Trung ương nghiên cứu, phổ biến cho cán bộ, hội viên và nhân dân áp dụng… Đoàn viên, thanh niên phát tờ rơi, tặng nước rửa tay khô cho người dân, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Để kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh và chia sẻ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực, các tổ chức: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tạo các nhóm zalo, facebook để tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin… góp phần hạn chế các thông tin không chính thống trên mạng xã hội gây hoang mang trong nhân dân.  Các cơ quan báo chí của khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đồng loạt ưu tiên cho công tác tuyên truyền, đăng tải các hình ảnh, video cảnh báo, cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh để tuyên truyền sâu rộng đến với các tầng lớp nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan liên quan tuyên truyền đến từng địa bàn khu dân cư, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Điển hình như: MTTQ TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra” kết hợp với vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.    MTTQ TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai đến hệ thống từ quận huyện đến cơ sở, Ban công tác Mặt trận khu dân cư (có hơn 3.200 đại biểu tham dự); các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phân công các thành viên phối hợp với tổ dân phố phát tờ rơi tuyên truyền, tờ cam kết tuân thủ các biện pháp tự phòng hộ đối với cá nhân, khu vực nhà trọ, chung cư. MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh tuyên truyền, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng dịch; vận động nhân dân xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) thực hiện tốt các quy định cách ly để phòng, chống dịch. MTTQ tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch, kết hợp phát khẩu trang miễn phí tại các tụ điểm, khu vực có lễ hội. MTTQ tỉnh Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền tại Trung đoàn 123, thành phố Lạng Sơn (nơi cách ly 410 người nghi nhiễm bệnh) và Trường Quân sự địa phương tại huyện Chi Lăng. MTTQ TP Đà Nẵng tổ chức nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn thành phố về dịch bệnh và đề xuất, kiến nghị lãnh đạo thành phố có những giải pháp phòng chống dịch bệnh. MTTQ tỉnh Hậu Giang tổ chức tuyên truyền được 392 cuộc, có 19.885 lượt người tham dự. MTTQ tỉnh Bình Thuận phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn trao đổi thông tin và đề nghị phối hợp tuyên truyền trong các tín đồ, phật tử về dịch bệnh. MTTQ các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bắc Ninh, Hòa Bình tích cực phối hợp đấu tranh phản bác đối với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. Phụ nữ các cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân và hội viên Tích cực vận động, hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid – 19, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã vận động và tiếp nhận từ Tập đoàn TH True Milk và Quỹ Vì tầm vóc Việt 1 triệu ly sữa (tương đương 22.000 thùng) trao tặng tới các y, bác sĩ, cán bộ và những người thực hiện cách ly tại các khu vực cách ly tập trung trên cả nước. MTTQ các cấp cũng tích cực vận động các đơn vị doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ, cùng nhân dân chung tay phòng, chống dịch. MTTQ TP Hà Nội đã vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và nhận được sự ủng hộ trang bị 10.000 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 10.000 khẩu trang; vận động doanh nghiệp hỗ trợ đảm bảo 100% hộ nghèo trên địa bàn được hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay. MTTQ tỉnh Lào Cai phối hợp với các tổ chức thành viên phát khẩu trang miễn phí tại các phiên chợ. MTTQ tỉnh Phú Yên vận động các doanh nghiệp tài trợ 5.000 khẩu trang miễn phí; MTTQ tỉnh Thái Nguyên phối hợp vận động các doanh nghiệp tài trợ khẩu trang miễn phí cho nhân dân…. MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra”. Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã tích cực tổ chức vận động và trao tặng khẩu trang, nước rửa tay cho công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên. Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho 9 tỉnh, thành phố (Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn); ủng hộ kịp thời 40.000 khẩu trang y tế cho TP Vũ Hán, Trung Quốc với tổng trị giá 100.000 USD. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ sữa, nước rửa tay cho phục nữ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức trên 10.000 đội thanh niên tình nguyện ở xã phường hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh; vận động và cấp phát miễn phí trên 1,6 triệu khẩu trang. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát miễn phí 1.600 chai nước rửa tay sát khuẩn, 1600 khẩu trang y tế và 32.000 viên vitamin C. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn, vướng mắc thiệt hại sản xuất, kinh doanh để đề xuất giải pháp ứng phó chủ động, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nông dân gặp khó tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh…. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh mới tập trung nhiều ở khu vực thành phố và các địa phương có phát hiện dịch bệnh. Vẫn còn nhiều khu vực, địa bàn công tác tuyên truyền còn chưa được chú trọng, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, cho rằng khó có khả năng lây lan, ảnh hưởng đến khu vực, địa bàn sinh sống. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chỉ chị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành y tế, chủ động, tích cực cùng với các cấp, các ngành vận động toàn dân thực hiện đồng bộ các giải pháp tham gia phòng, chống dịch bệnh./. Mai Thảo       

Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong Tháng Thanh niên 2020

TĐKT - Tháng Thanh niên 2020 được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn đã tuân thủ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu ứng xã hội cao. Theo báo cáo, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tư vấn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vệ sinh an toàn thực phẩm cho 85.222 đoàn viên, thanh niên, học sinh và bà con nhân dân; tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên hiến 128,026 đơn vị máu; thăm hỏi, tặng quà cho 30.395 gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trị giá 29.472 triệu đồng; tập trung xây dựng 1.284 nhà nhân ái, trị giá 41.172 triệu đồng. Tuổi trẻ Lào Cai phát thuốc, nước rửa tay, khẩu trang miễn phí cho người dân xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương Với mô hình đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang, nước rửa tay, xà phòng, cây xanh, cấp huyện đoàn, thành đoàn Bắc Giang đã thành lập ít nhất 5 điểm, thu về 1,6 tấn rác thải nhựa; phát 18.600 khẩu trang; 7.000 chai nước rửa tay; 5.500 bánh xà phòng; 16.400 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Trong khi tuổi trẻ Long An đã tích cực xử lý thủ tục hành chính trực tuyến nhằm giảm tập trung đông người; Tỉnh đoàn Tây Ninh xây dựng 4 video tuyên truyền dịch bệnh bằng tiếng Khmer; Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phát động “Thử thách 12 tiếng” trong ngày 1/3 vận động đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, kênh rạch, đăng tải trên mạng xã hội kèm theo hashtag #CNX135 và #DAYLUIDICHBENH Cùng với các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, phong trào “Mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo” được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai có hiệu quả, đăng tải nhiều ý tưởng sáng tạo lên các kênh thông tin của Đoàn và trang website: ytuongsangtao.net. Theo báo cáo, trong tuần đầu tiên của Tháng Thanh niên năm 2020, đoàn viên thanh niên cả nước đã đề xuất được 276.285 ý tưởng sáng tạo, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế luôn được các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai. Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng và ra mắt 4 mô hình kinh tế thanh niên quy mô đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng; thẩm định và quyết định duyệt vay 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia việc làm cho 1 mô hình kinh tế thanh niên; Thanh Hóa hỗ trợ 20 bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp với số tiền vay vốn 1 tỷ đồng; Kon Tum hỗ trợ 1 mô hình phát triển cây dược liệu cho thanh niên; trao tặng và hỗ trợ hơn 300 giống cây ăn trái (bơ, sầu riêng,..) cho thanh niên phát triển kinh tế; Quảng Trị giải ngân cho 6 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ… Triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đồng loạt ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” thực hiện dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trụ sở cơ quan, xóa điểm đen rác thải tự phát thành vườn hoa, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương … Theo thống kê, trong tuần thứ nhất của Tháng Thanh niên, đã có trên 2,1 triệu cây xanh được trồng mới, tăng gấp 3 lần so với số cây được trồng trong tuần thứ nhất của Tháng Thanh niên năm 2019; tổ chức 1.295 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 97.159 người; hỗ trợ học bổng cho 41.809 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó với tổng giá trị là trên 29,5 tỷ đồng. Hưng Vũ

Đối thoại trực tuyến với đoàn viên thanh niên

TĐKT - Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên 2020 và kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 25/3 tới, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất Trung ương Ðoàn với đoàn viên, thanh niên với chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam”. Chương trình đối thoại sẽ tập trung lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc cũng như tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên; thông tin đến đoàn viên, thanh niên những nội dung cốt lõi của Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020 và Tháng Thanh niên 2020; kết quả triển khai đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng” kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, trao đổi về những đóng góp của tuổi trẻ đối với sự phát triển của đất nước; những khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc và những kỳ vọng của tuổi trẻ Việt Nam đối với Đảng trong năm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chương trình cũng sẻ thông tin về chuỗi các hoạt động của thanh niên trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; những chuẩn bị của thanh niên Việt Nam cho hành trang hội nhập quốc tế; cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ và phát huy đoàn viên, thanh niên. Thành phần tham dự của chương trình, có Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông… cùng một số Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Chương trình được tường thuật trực tuyến, phát video trực tiếp trên Fanpage Facebook và trên kênh Youtube của các đơn vị: Cổng thông tin Trung ương Đoàn, Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Trung tâm Truyền hình thanh niên; truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tại các tỉnh, thành phố, các cơ sở Đoàn tuỳ theo điều kiện thực tế tổ chức cho đoàn viên theo dõi trực tuyến và đặt câu hỏi qua đường link: doithoai.doanthanhnien.vn đối với đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ban tổ chức cũng lưu ý, các điểm tập trung đoàn viên, thanh niên theo dõi chương trình đối thoại không quá đông (dưới 20 người). Thục Anh

TP Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020

TĐKT - Sáng 7/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2019; phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Đến dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong… Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Ngô Thị Hoàng Các cho biết, năm 2019, các phong trào thi đua của các sở, ngành, các địa phương của thành phố đã bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua thực hiện chương trình “Giảm nghèo bền vững theo thang đo đa chiều”; phong trào “Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng thành phố đổi mới, phát triển”; “Thanh niên thành phố khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Cải cách hành chính”; “Đảm bảo vệ sinh môi trường” gắn với thực hiện Chỉ thị 19 của Ban thường vụ Thành ủy. Qua phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019, thành phố công nhận 694 công trình, sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực đã mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, thời gian và được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, làm lợi trên 28,774 tỷ đồng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Trong năm 2019, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng (đạt 412.474 tỷ đồng), vượt 3,34% chỉ tiêu được giao, chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước. GRDP của thành phố tăng 8,32% so với năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2018. Trong năm 2019, thành phố có 1.320 dự án FDI được cấp mới, số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 44.000, phản ánh sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng của nền kinh tế thành phố. Công tác khen thưởng đã kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị thành phố và nhiệm vụ các sở, ban, ngành, quận, huyện và doanh nghiệp. Trong năm 2019, tỷ lệ khen cấp thành phố cho đối tượng không là lãnh đạo quản lý, cá nhân không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quản lý đạt 61,5%, khen cấp Nhà nước đạt tỷ lệ 42,5%. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn tồn tại một số hạn chế. Phong trào thi đua của một số đơn vị, địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực và chưa trở thành động lực thúc đẩy việc phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ và các chương trình trọng tâm, trọng điểm và các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của từng cơ quan, đơn vị. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc, chưa nhiệt tình hưởng ứng. Công tác khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua, khen thưởng cho người lao động trực tiếp đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và chưa tạo sự chuyển biến từ cơ sở. Việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến mang nặng tính hình thức, thiếu tính thuyết phục. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và phát động phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các cụm, khối thi đua thuộc thành phố năm 2020 nhằm thực hiện phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thành phố tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tập trung về cơ sở, có chủ đề, nội dung thiết thực; trong đó tập trung vào phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đảm bảo các hoạt động thi đua phải đổi mới nội dung, phương thức, đi vào chiều sâu nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong phong trào thi đua của thành phố. Một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện công tác cải cách hành chính phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bằng các công trình, mô hình, giải pháp, sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết đã được HĐND thành phố thông qua, tạo động lực để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua theo chuyên đề do thành phố phát động; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gồm 21 chỉ tiêu và 9 nhóm giải pháp đã được UBND thành phố triển khai từ đầu năm 2020. Các đơn vị ký kết giao ước thi đua năm 2020 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2019, thành phố đã phát động các đợt thi đua; tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định sự sáng tạo, tiềm năng của thành phố; triển khai quyết liệt Chỉ thị 19; Chỉ thị 23 số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy. Thi đua nhằm làm cho thành phố tốt đẹp hơn. Trong thách thức cần phát huy sự sáng tạo của từng người lao động, sự cổ vũ của tập thể để vượt qua khó khăn. Càng gặp thách thức càng phải phát huy vai trò của thi đua. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể. Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phong trào thi đua vì mục đích xây dựng, phát triển thành phố thì kết quả sẽ tốt đẹp. Về phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng các cấp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nêu cao tinh thần, khẩu hiệu hành động "Đoàn kết - Sáng tạo, Hành động - Hiệu quả", vì hạnh phúc của nhân dân, vì thành phố và cả nước. Nhân dịp này, có 8 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 9 tập thể nhận Cờ thi đua của UBND thành phố; 100 tập thể nhận Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh. Xuân Phúc

Khối Thi đua các bộ, ngành tổng hợp tổng hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

TĐKT - Năm 2019, Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp đã xác định chủ đề hoạt động “Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ” với mục đích phối hợp tổ chức phong trào thi đua của Khối, góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019 của từng đơn vị thành viên và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) của đất nước. Trong đó, trọng tâm là tham mưu cho các cấp ủy đảng, lãnh đạo Bộ, ngành trong chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên và phong trào thi đua theo chuyên đề, triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước và đã thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh trưởng khối bộ, ngành tổng hợp và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của Khối năm 2019 Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, trưởng khối bộ, ngành tổng hợp năm 2019 cho biết, năm 2019, các đơn vị thành viên đã phát động nhiều phong trào thi đua với các chủ đề thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành; gắn phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, các điển hình tiên tiến…   Đặc biệt, các thành viên trong Khối cùng nhau trao đổi, thảo luận, bổ sung những điểm mới, cách làm hay vào kế hoạch, chương trình hành động năm 2020, tạo sự chuyển biến và đổi mới hơn nữa trong công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Cùng với đó, năm 2019, các đơn vị thành viên trong Khối đã ký kết giao ước thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ”, trong đó trọng tâm là tham mưu cho cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức phát động thi đua thường xuyên và phong trào thi đua chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Căn cứ vào phong trào thi đua chung của Khối và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị thành viên trong Khối, mỗi đơn vị đã phát động các phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, qua đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. 11 tập thể và 21 cá nhân thuộc 10 đơn vị thành viên trong Khối đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động chung của Khối năm 2019. Thực tiễn hoạt động năm 2019 cho thấy, các đơn vị đều thể hiện sự quyết tâm chính trị cao; chủ động tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách để chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị trong Khối luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khích lệ cán bộ, công chức và người lao động đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2019, tạo tiền đề phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020. Phong trào thi đua tại các đơn vị thành viên trong Khối được triển khai thực hiện kịp thời, có nhiều đổi mới, phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, không phô trương, hình thức. Công tác khen thưởng vẫn được duy trì thường xuyên, có nền nếp và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; các văn bản mới ban hành được cập nhật, phổ biến, quán triệt kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khen thưởng đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Các hoạt động chung của Khối được các thành viên hưởng ứng và tích cực tham gia. Công tác phối hợp, thông tin giữa các đơn vị trong Khối đã thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Bộ phận làm công tác thi đua - khen thưởng tại các đơn vị trong Khối chủ động tham mưu cho lãnh đạo tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, thực hiện công tác khen thưởng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy thành tích đã đặt được, năm năm 2020, trên cơ sở phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, các thành viên trong Khối xác định phương châm hành động của đơn vị cho phù hợp, phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Khối quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Thứ nhất, thi đua phải có nội dung rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, cải tiến hình thức, nội dung thi đua, khen thưởng phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân cụ thể. Thực hiện tốt văn hóa và đạo đức công vụ, thi đua lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Thường xuyên quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 26-CT/TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thứ hai, xác định rõ mục tiêu và động lực thi đua; thi đua phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; động lực thi đua là để phát triển; gắn kết chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Hướng các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2020. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Thứ ba, phát động các phong trào thi đua trong Khối không phải để cạnh tranh giữa các thành viên mà để phối hợp, cùng nhau phát triển, hỗ trợ, hợp tác hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền về thi đua, khen thưởng cần được thực hiện tập trung trên các hệ thống thông tin của cơ quan đơn vị thành viên và các phương tiện truyền thông khác. Thứ năm, tạo bứt phá, hiệu quả ở mỗi bộ, ngành trong công tác thi đua, khen thưởng và triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi Bộ, ngành trong năm 2020. Với những thành tích đã đạt được, 11 tập thể và 21 cá nhân thuộc 10 đơn vị thành viên trong Khối được trao tặng Bằng khen của trưởng khối vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động chung của Khối năm 2019. Hồng Thiết  

Bảo hiểm y tế phát triển hiện đại qua các thời kỳ

TĐKT - Trải qua các thời kỳ phát triển, Bảo hiểm y tế (BHYT) của Việt Nam luôn nỗ lực thi đua, đổi mới và ngày càng được hoàn thiện hơn qua các thời kỳ, thể hiện rõ nét qua tấm thẻ. Đây chính là nơi kết nối giữa người tham gia bảo hiểm, cơ sở y tế và cơ quan đại diện quản lý. Đơn cử, đầu những năm 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm BHYT, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đã trình Dự thảo Pháp lệnh BHYT lên Hội đồng Nhà nước. Sau khi cân nhắc thực tế điều kiện kinh tế - xã hội, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao HĐBT thí điểm BHYT trên diện rộng. Từ cơ sở đó, năm 1992, HĐBT đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 về việc ban hành điều lệ BHYT. Thẻ BHYT được thay đổi đáp ứng yêu cầu quản lý, tập trung, thống nhất trên toàn quốc Sau 2 năm thực hiện Nghị định, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây, hòa trộn 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia. Sau 1 năm, diện bao phủ BHYT tăng nhanh từ 28% lên 36%. Điểm nổi bật của giai đoạn này là nhà nước chuyển nhanh từ việc cấp ngân sách cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, hộ cận nghèo…). Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT càng tăng nhanh: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,3% (năm 2009) lên 66,8% vào năm 2012 và hết năm 2019 đã đạt 89,3% dân số. Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng. Giai đoạn năm 2003 - 2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp đảm bảo quyền lợi trên 1.628 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 101,7 triệu lượt người thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Thẻ BHYT thời kỳ này đã được thay đổi đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất, hướng tới BHYT toàn dân, khám, chữa bệnh trên cả nước. Mẫu thẻ được thiết kế nhỏ gọn, đầy đủ thông tin về danh tính, nhóm đối tượng, quyền lợi hưởng, giá trị sử dụng thẻ…; tích hợp nhận diện cá nhân và bước đầu có những nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. So với thời kỳ trước, người có thẻ BHYT không còn bị giới hạn về không gian khám, chữa bệnh ở một địa phương, có thể tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương với phạm vi và quyền lợi hưởng từng nhóm đối tượng từ 80 - 100% chi phí điều trị. Từ năm 2016, người có thẻ BHYT có thể khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc vẫn được hưởng 100% quyền lợi theo nhóm đối tượng. Từ năm 2021, áp dụng quy định này với tuyến tỉnh. Người tham gia BHYT không còn bị giới hạn về số lần khám, chữa bệnh và số tiền hưởng. Hiện với mức đóng 804.600 đồng/năm, từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách BHYT, người tham gia có thể hưởng số tiền khám, chữa bệnh vượt rất nhiều lần số tiền bỏ ra. Đơn cử, bệnh nhân Phan Hữu N. (Vũng Liêm, Vĩnh Long) mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền riêng năm 2018, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị hơn 6,2 tỷ đồng; từ đầu năm 2019 đến nay là gần 1,4 tỷ đồng. Bệnh nhân Lâm Cao L. (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền từ đầu năm 2019 đến nay được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị gần 1,7 tỷ đồng… Đây chỉ là 2 trong hàng trăm bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Hiện người được chi trả cao nhất là hơn 13 tỷ đồng. Nhằm tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho người tham gia, nâng cao hiệu quả quản lý, từ năm 2017, BHXH Việt Nam thu thập thông tin hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc, sau đó cấp mã số định danh tham gia BHXH, BHYT cho từng người dân. Mã số này là duy nhất với từng đối tượng và theo họ suốt cuộc đời. Hiện, mã số BHXH là 10 số cuối trong dãy 15 số in trên thẻ BHYT. Với việc cấp mã số BHXH giúp ngành BHXH loại bỏ được tình trạng trùng thẻ BHYT, phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT, tra cứu… của người tham gia ngày càng tốt hơn. Từ cơ sở dữ liệu này và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành BHXH, từ năm 2019, thẻ BHYT không còn ghi thời hạn sử dụng mà chỉ ghi ngày bắt đầu tham gia. Người dân có thẻ sử dụng thẻ BHYT lâu dài và giá trị thẻ sẽ được cộng nối trên cơ sở dữ liệu, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí in ấn, cấp đổi. Từ tháng 4/2019, BHXH cũng đã triển khai dịch vụ Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua Tổng đài 8079. Qua đó giúp người dân, người lao động chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách; từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia. Ngoài ra, trên thẻ BHYT hiện nay còn tích hợp mã vạch QR-Code phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và tra cứu online của người tham gia qua các phần mềm tích hợp trên điện thoại thông minh. Với những thay đổi đó, hiện nay, thẻ BHYT đã mang yếu tố điện tử, với thông tin chi tiết của thẻ BHYT được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành BHXH, các dữ liệu này sẽ được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHYT... Nhờ thế, người tham gia cũng tự quản lý được việc sử dụng thẻ BHYT khi sau mỗi lần khám chữa bệnh sẽ nhận được 1 tin nhắn thông báo từ cơ quan BHXH, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để đi khám, chữa bệnh nhằm trục lợi. Có thể thấy, qua các thời kỳ phát triển của chính sách BHYT ở nước ta, tấm thẻ BHYT luôn được thay đổi, phản chiếu những cải cách, ứng dụng mới nhất để tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người tham gia. Những thay đổi đó cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngành BHXH trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT để triển khai, thực hiện chính sách BHYT ngày càng tốt hơn. La Giang

Bảo hiểm xã hội Việt Nam 25 năm thi đua thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và an sinh xã hội

TĐKT - 25 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam  đã thi đua thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cả về độ bao phủ cũng như kết quả chăm lo đời sống người dân. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: “Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn tham gia cùng các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung để Luật BHXH và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đi vào cuộc sống. Chính sách BHXH, BHYT thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) hiện nay, là lưới an sinh đảm bảo giảm đói nghèo và bảo vệ người dân khi già cả, ốm đau...”. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh báo cáo tại Hội nghị Thống kê cho thấy, số người tham gia BHXH đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (kể từ năm 2008 đến 2018). Số người tham gia BH thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đây là thành tựu không dễ có được, kể cả xét trên bình diện hầu hết các quốc gia thực hiện chính sách BHYT trên thế giới”. Cùng với đó, toàn ngành cũng luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) được kịp thời, đúng quy định. Từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức - phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995). Từ năm 2003 đến 2019, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người, thì đến năm 2019 đã tăng lên trên 186 triệu lượt người… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh Xác định việc bảo đảm tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT là hết sức quan trọng, ngành BHXH đã luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần đưa số nợ BHXH năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành. 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo - đây là động lực quan trọng để ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. BHXH Việt Nam cũng đã bước đầu thành công trong việc xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin của ngành được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử. Đơn cử: Đã hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; đã cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về BH. Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc… Đặc biệt, trong năm 2019, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tư pháp chính thức khai trương CSDL chuyên ngành BHXH và kết nối Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT cũng ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2012 xuống còn 27 TTHC năm 2019). Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp (DN) thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet; thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các DN, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm)... Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng CNTT của ngành đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc của công chức, viên chức trong ngành với người dân và DN. Trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ TT&TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành có dịch vụ công. Đặc biệt, thông qua hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, BHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế và hình ảnh là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới... Trên tinh thần xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của DN và người dân, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cam kết sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 125/NQ-CP (theo các lộ trình đến năm 2020, 2021, 2025, 2030). “BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phát triển ngành BHXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nói. Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, toàn ngành cũng cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục cải cách TTHC; thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong giải quyết chế độ, chính sách. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên nâng cấp các phần mềm, CSDL tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thiện CSDL quốc gia về BH theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; hoàn thiện và triển khai Đề án “Nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo đối với công chức, viên chức ngành BHXH gắn với kết quả hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, độc lập với ngân sách Nhà nước”. Thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, DN, NLĐ và nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Để hoàn thiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tiếp tục giao dự toán chi KCB BHYT hằng năm cho các địa phương. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý khoản nợ đọng kéo dài của các DN không còn hoạt động, các DN đã giải thể, phá sản để đảm bảo cho NLĐ. Sớm ban hành và triển khai thí điểm thực hiện chính sách về gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia. Nghiên cứu bổ sung cho ngành BHXH chức năng thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm trình Chính phủ việc mở rộng danh mục đầu tư để tăng hiệu quả đầu tư quỹ BHXH. Với những nỗ lực không ngừng, BHXH Việt Nam đã được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Hồng Thiết  

Trang