Phong trào thi đua

Ngành Y tế Vĩnh Phúc đẩy mạnh văn hóa công sở

BTĐKT - Với phương châm “Hình ảnh là bạc - Lời nói là vàng - Sẵn sàng là kim cương”, thời gian qua, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua nâng cao trách nhiệm thực hiện các quy định văn hóa công vụ; không ngừng đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Theo đó, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng văn hóa công vụ với trọng tâm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ thầy thuốc tận tụy vì nhân dân, chuyên về tài năng, hồng về đạo đức; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong toàn ngành Y tế. Qua đó, đã góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến cho đội ngũ cán bộ. Tại mỗi đơn vị, quá trình xây dựng các chuẩn mực văn hóa công vụ, đạo đức công vụ được triển khai thực hiện phù hợp thực tiễn của hoạt động chuyên môn, không máy móc, rập khuôn. Cán bộ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc luôn ân cần, chu đáo trong giao tiếp với người bệnh Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 1.200 cán bộ, nhân viên y tế với 43 khoa, phòng chức năng. Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Ban Giám đốc bệnh viện luôn chú trọng tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về văn hóa, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho cán bộ, y, bác sĩ; xây dựng và ban hành quy chế về trang phục, tác phong, lề lối làm việc, chuẩn mực ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân theo phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”. Ông Nguyễn Tiến Giang, Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ, BVĐK tỉnh cho biết: Để nâng cao sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện luôn quán triệt tới đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động thực hiện khẩu hiệu của ngành Y tế Vĩnh Phúc: “Hình ảnh là bạc - Lời nói là vàng - Sẵn sàng là kim cương”, chấp hành nghiêm túc các quy định về tác phong, lề lối làm việc, giao tiếp ứng xử. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế 1 - 2 lần/năm; thường xuyên thanh, kiểm tra về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Tại bệnh viện, người dân khi đến đăng ký khám và thực hiện các dịch vụ y tế đều được nhân viên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện chỉ dẫn, hướng dẫn chu đáo. Trong quá trình khám, chữa bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn giữ thái độ niềm nở, ân cần, động viên tinh thần, cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh về quy trình khám bệnh, điều trị, thời gian chờ đợi thăm khám; giải thích rõ ràng về tình trạng sức khỏe của người bệnh, phương pháp điều trị phù hợp. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được các bác sĩ quan tâm động viên tinh thần và được cán bộ Phòng Công tác xã hội kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tài trợ quà và chi phí điều trị. Kết thúc quá trình thăm khám, điều trị, người bệnh và người nhà bệnh nhân đều được tư vấn phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp, hướng dẫn cách sử dụng thuốc điều trị tại nhà (nếu có). Cũng theo ông Nguyễn Tiến Giang cho biết, trên cơ sở các quy định của Bộ Y tế, BVĐK Vĩnh Phúc đã ban hành quy định trang phục riêng cho từng bộ phận chuyên môn để người bệnh dễ nhận biết. 100% cán bộ, nhân viên y tế thực hiện đúng quy định về trang phục trong giờ hành chính, trang phục khi trực chuyên môn, kỹ thuật; không mặc trang phục nhăn nhàu, không đảm bảo vệ sinh; tuân thủ việc đeo thẻ công vụ nhận diện tên, bộ phận làm việc. Về giờ giấc làm việc, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện luôn chấp hành nghiêm giờ giấc theo quy định; nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng cứu chữa, tận tâm điều trị cho người bệnh. “Bằng phong cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại, luôn lấy người bệnh làm trung tâm, BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín và niềm tin với nhân dân. Mỗi ngày, bệnh viện điều trị nội trú từ 1.200 - 1.300 lượt bệnh nhân, lượng bệnh nhân đến khám đạt hơn 1.000 lượt người/ngày.” - ông Nguyễn Tiến Giang chia sẻ. Tại Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, Ban Giám đốc Trung tâm thường xuyên rà soát, bổ sung và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đa dạng các dịch vụ y tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp - thân thiện - văn minh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên cho biết: Trung tâm thường xuyên thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế lịch sự, văn minh, sẵn sàng phục vụ người bệnh. Lãnh đạo đơn vị chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; luôn đúng mực, thận trọng, tận tụy vì người bệnh. Cùng với đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, nâng cao văn hóa công vụ, trung tâm yêu cầu cán bộ thực hiện tốt quy tắc “5S” với 5 nguyên tắc gồm: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng, từ đó, góp phần xây dựng môi trường y tế văn minh, hiện đại, tin cậy với người bệnh. Có thể thấy, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua đẩy mạnh văn hóa công sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Y tế, xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức ngành Y tế tỉnh tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện, vì người dân phục vụ, tất cả vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đinh Nhung  

Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển

BTĐKT - Bằng những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển”. Mô hình đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời, góp phần thiết thực xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, huy động cả hệ thống chính trị và người dân chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Khánh trao sinh kế cho một hộ nghèo ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát) Từ năm 2019 đến nay, ngoài các nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp người dân các xã biên giới biển đảo xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đại tá Phan Trường Sơn, Chính ủy BĐBP Bình Định cho biết, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định luôn gắn bó mật thiết với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể và nhân dân ở khu vực biên giới biển. Các phong trào, mô hình, chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội của BĐBP Bình Định luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. Cùng với các lực lượng chức năng, BĐBP Bình Định đã thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồn Biên phòng Cát Khánh là nơi đầu tiên triển khai mô hình “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển”, xuất phát từ ý tưởng của Trung úy Nguyễn Trung Tín, Phó Đội trưởng đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Cát Khánh. Trực tiếp tuần tra dọc tuyến biển dài 26,5 km, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào nơi đây, Trung úy Nguyễn Trung Tín nảy ra ý tưởng sẽ giúp họ bằng ngày công lao động và những sinh kế vừa tầm. Sau khi bàn bạc với Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Cát Khánh, tháng 4/2022, anh mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy – Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Cát Khánh về hình thức, cách làm của mô hình và đã nhận được ngay lời động viên, khuyến khích. Để làm tốt mô hình, Trung úy Nguyễn Trung Tín phối hợp với hội đoàn thể các xã, thị trấn dọc tuyến biển đến tận nhà dân nắm bắt hoàn cảnh sống của những hộ neo đơn, hộ nghèo, cận nghèo và những gia đình khó khăn đột xuất để chốt số lượng rồi xây dựng chương trình hành động xuyên suốt cả năm. Chương trình do anh xây dựng luôn sát thực tế: Gia đình khó khăn cấp bách, sẽ phối hợp giúp đỡ trước; gia đình khó khăn ở mức còn xoay xở được, sẽ được giúp đỡ vào tuần/ tháng kế tiếp hoặc sau. Các gia đình nghèo khó được giúp đỡ thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức. Có tiền giúp tiền, không có tiền giúp công lao động, đồng thời vận động mọi người chung tay giúp sức. Sau nửa năm hoạt động, mô hình “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển” do anh sáng lập và phụ trách đã trở thành điểm sáng mô hình dân vận khéo ở Đồn Biên phòng Cát Khánh. Mô hình đã gắn kết quân - dân thêm keo sơn, góp phần đưa nhanh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân vùng bãi ngang ven biển; tạo tiền đề vững chắc để hình thành mạng lưới biên phòng trong nhân dân, đẩy lùi hoạt động tội phạm trong khu vực biên giới biển. Tính đến nay, qua hai năm hoạt động, Đồn Biên phòng Cát Khánh đã giúp đỡ 186 ngày công lao động, sửa chữa nhà ở cho 14 hộ gia đình với chi phí 17 triệu đồng, trao 320 sinh kế trị giá hơn 140 triệu đồng. Nhiều gia đình trong số hộ được giúp nay đã thoát nghèo bền vững. Tính thiết thực và nhân văn của mô hình đã lan tỏa nhanh chóng trên tuyến biên phòng của tỉnh. Từ tháng 4/2022 đến nay, các đơn vị BĐBP Bình Định đã giúp đỡ 349 hộ/1.611 ngày công lao động xây dựng, sữa chữa nhà, thu hoạch hoa màu, nông sản...; tặng 15 sinh kế/67,5 triệu đồng; 302 suất quà/134 triệu đồng, 1.575 kg gạo và các loại nhu yếu phẩm khác trị giá 15 triệu đồng. Là 1 trong 6 hộ nghèo được giúp đỡ tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), bà Nguyễn Thị Quảng cho biết, bà sống một mình, con cái đều lập gia đình ở xa nên ít khi về thăm. Hơn 70 tuổi, bà không còn khả năng lao động nên chi tiêu dè sẻn từng bữa. Nhà ở từ lâu đã xuống cấp, bà cũng không đủ chi phí để sửa sang. Bà cảm thấy ấm lòng khi được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Châu cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nhơn Châu quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ thường xuyên. Để mô hình phát triển, lan tỏa bền vững trên khu vực biên giới biển của tỉnh, BĐBP Bình Định đang khảo sát, đánh giá để xây dựng mô hình trở thành Đề án “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo” ở khu vực biên giới biển. Khi đề án được triển khai thực hiện, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định sẽ có thêm nguồn lực để làm tốt vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện; tính lan tỏa của đề án sẽ mạnh mẽ, hiệu quả hơn, thu hút sự chung tay góp sức của cả cộng đồng hỗ trợ người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh việc giúp đỡ về cơ sở vật chất, động viên các hộ gia đình về mặt tinh thần, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định còn lồng ghép tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thúy Ngọc

Lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

BTĐKT - Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 1 hội khuyến học cấp huyện và 14 hội khuyến học xã, thị trấn, 5 hội khuyến học các trường THPT và 1 Hội Khuyến học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 121 chi hội khuyến học ấp, khóm, 55 chi hội trường học, 27 ban khuyến học cơ quan cấp xã, thị trấn, 29 ban khuyến học cơ quan ngành, huyện. Trao học bổng và tặng quà cho học sinh nghèo, hiếu học Trường THCS An Trường A, huyện Càng Long trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024 Theo bà Phương Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Càng Long, việc hình thành mạng lưới hội khuyến học các cấp không những góp phần củng cố tổ chức, mà còn có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp hội khuyến học trong huyện không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều sáng tạo trong công tác, cũng như linh hoạt, đa dạng hình thức vận động gây Quỹ Học bổng từ các nhà hảo tâm, các đơn vị. Bằng hình thức tài trợ Quỹ Khuyến học, hoặc tặng dụng cụ học tập cho học sinh… Qua đó, đã tiếp sức nhiều học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường và động viên các em nuôi ước mơ để học tập ngày càng tốt hơn. Các cơ sở hội cũng phối hợp với ngành giáo dục thực hiện hoạt động khuyến học trong nhà trường qua các phong trào 1 + 1, 1 + n, nuôi heo đất khuyến học… Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội ở địa phương vận động trẻ em đi học đúng độ tuổi. Mô hình “Công dân học tập” huyện Càng Long được Hội Khuyến học tỉnh chọn làm điểm triển khi từ năm 2021. Đến năm 2022 có 381 cá nhân và năm 2023 có 22.869 cá nhân được công nhận “Công dân học tập”, chiếm tỷ lệ 27,13% tổng số dân trong độ tuổi. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát huy, sử dụng ngày càng hiệu quả các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa ở cơ sở theo hướng chú trọng các hoạt động học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân. Đến nay, 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ngày càng được nâng cao. Huyện cũng quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động. 5 năm qua huyện đã phố hợp tổ chức đào tạo hơn 2.520 lao động nông thôn có việc làm. Cùng với đó, Hội Khuyến học đã phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, trường học, cơ sở thờ tự. Thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội vận động tiền mặt và hiện vật trên 31,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 10.000 học sinh và 38 sinh viên. Đặc biệt, theo bà Kim Anh, để xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài, các cấp Hội Khuyến học trong toàn huyện thường xuyên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học. Riêng trong quý I/2024, các cấp Hội Khuyến học đã vận động hiện vật quy thành tiền, tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng, gồm: 35.950 quyển tập, 105 xe đạp, trên 6,7 tấn gạo, 11 bộ sách giáo khoa, 12.557 phần quà... cấp cho 15.875 học sinh hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Bên cạnh đó, các cấp Hội cùng các ban, ngành, đoàn thể (cấp huyện và cấp cơ sở) đã trao 1.272 suất học bổng cho học sinh, sinh viên trị giá 607 triệu đồng; vận động 14 tập thể và 60 cá nhân đỡ đầu 149 học sinh, tổng trị giá gần 85 triệu đồng. Cùng với đó, nhằm góp phần đưa phong trào xã hội học tập ở địa phương phát triển, các cấp Hội Khuyến học huyện Càng Long còn thực hiện mô hình “Nuôi heo đất khuyến học” rộng khắp trong cán bộ, hội viên và nhân dân. Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện, xã, thị trấn và từng chi hội khuyến học hưởng ứng tích cực. Mỗi gia đình cán bộ, hội viên, mỗi chi hội khuyến học... đều nuôi ít nhất một con heo đất. Năm 2024, các cấp Hội Khuyến học trong huyện đã vận động nuôi 34.660 heo đất khuyến học (314 heo tập thể và 34.346 cá nhân). Nhờ triển khai có hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đến nay, huyện Càng Long có 15.847 “gia đình học tập”, 55 “dòng họ học tập”, 22.869 “công dân học tập”, 27 cơ quan, 55 trường học, 23 cơ sở thờ tự được công nhận “Đơn vị học tập”, 121 ấp, khóm được công nhận “Cộng đồng học tập”. Thời gian tới, Hội Khuyến học huyện Càng Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; tăng cường củng cố, xây dựng các chi hội, dòng họ hoạt động có hiệu quả; tích cực vận động các đoàn thể cùng mọi tầng lớp nhân dân tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần lan tỏa phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Lê Thị Hiền

Tạo động lực hỗ trợ bền vững cho người nghèo

BTĐKT - Những năm gần đây, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, vốn sản xuất... từng bước vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, công tác vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo của MTTQ các cấp được đẩy mạnh, phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Bên cạnh việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều ban hành văn bản về việc kiện toàn Ban vận động xây dựng, quản lý và sử dụng quỹ. Vì vậy, việc chi tiêu luôn minh bạch, sử dụng nguồn tiền đúng mục đích. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy trao quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn và gia đình người có công Trong quá trình triển khai thực hiện, các thành viên Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Thanh Hóa luôn tập trung tuyên truyền, phát huy trách nhiệm, huy động sự đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đăng ký hỗ trợ hộ nghèo bằng việc làm thiết thực, phù hợp như: Hỗ trợ sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà ở, các hoạt động an sinh xã hội; thông báo danh sách, số tiền ủng hộ của các đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, kết quả vận động nguồn Quỹ “Vì người nghèo” luôn hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2019 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đạt trên 184 tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, MTTQ các cấp đã vận động gia đình, dòng họ, khu dân cư hỗ trợ làm mới và sửa chữa 4.987 căn nhà đại đoàn kết; tặng 1.426.683 suất quà tết, trị giá trên 981 tỷ đồng; các hoạt động an sinh xã hội trị giá trên 635 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo vượt khó, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đồng thời, phối hợp với Tòa Giám mục Thanh Hóa, các địa phương vận động đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống; huy động các nguồn lực xã hội xây dựng 182 nhà đại đoàn kết cho đồng bào sinh sống trên sông với tổng giá trị trên 52,4 tỷ đồng... Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình gặp tai nạn rủi ro, đuối nước; vận động nhân dân ủng hộ các địa phương trong tỉnh (năm 2019) và nhân dân các tỉnh miền Trung (năm 2020) bị thiên tai, bão lũ với tổng số tiền hơn 135 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ, động viên nhân dân vùng bị thiên tai sớm vượt qua khó khăn. Riêng năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025 toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong 9 tháng đầu năm 2024, việc triển khai công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà đại đoàn kết, thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận được số tiền hơn 184 tỷ đồng, trong đó quỹ cấp tỉnh tiếp nhận hơn 55 tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân tham gia ủng hộ, hỗ trợ Chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Có thể nói, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Tháng cao điểm Vì người nghèo sẽ tiếp tục nối dài những hoạt động nhân ái của cộng đồng, huy động và phối hợp các nguồn lực để thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Đây sẽ là đợt cao điểm vận động toàn xã hội chung tay chăm lo, giúp đỡ các gia đình, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Thanh Hóa giữ vững trụ cột an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ “Vì người nghèo”, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đối tượng yếu thế. Lê Thị Loan

Thái Nguyên ra quân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024

BTĐKT - Sáng 14/10, tại xã Vũ Chấn, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với huyện Võ Nhai tổ chức Chương trình ra quân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024. Đây là hoạt động tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Ban Tổ chức trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Vũ Chấn Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Tiến nhấn mạnh, đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tuy đã được nâng lên nhưng nhiều nơi vẫn còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão số 3 và đợt mưa lũ lịch sử vừa qua làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo thêm nhiều khó khăn. Để các hoạt động Vì người nghèo, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” đạt kết quả cao, đồng chí Chủ tịch MTTQ tỉnh đề nghị: Ban Vận động Quỹ vì người nghèo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các nguồn lực ủng hộ, đóng góp cho Quỹ và các chương trình an sinh xã hội; Ủy ban MTTQ các cấp tích cực phối hợp với chính quyền, đoàn thể triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giải pháp hỗ trợ người nghèo… Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2024 được tổ chức đến hết ngày 18/11/2024, với các hoạt động hưởng ứng gồm: Chương trình ra quân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024; vận động ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; tổ chức các hoạt động “Vì người nghèo”, thực hiện chương trình an sinh xã hội. Đối tượng vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” bao gồm: Cá nhân, hộ gia đình, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước (trừ các đối tượng là người nghèo, hộ nghèo; người cận nghèo, hộ cận nghèo; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất; hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Mức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp: Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang ủng hộ 1 ngày lương trở lên (các đối tượng đã vận động đóng góp ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì không vận động đóng góp ở nơi cư trú). Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và các chương trình an sinh xã hội ở mức cao theo điều kiện thực tế. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, các nhà hảo tâm có thể tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” một lần hoặc nhiều lần trong năm. Các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được tổ chức nhằm phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; vận động các nguồn lực ủng hộ cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao hỗ trợ sinh kế, học tập cho các hộ nghèo, học sinh nghèo, cận nghèo, khuyết tật trên địa bàn xã Vũ Chấn gồm: 10 con bò cái sinh sản; 24 xe đạp; trao tiền mặt hỗ trợ cho 8 học sinh thuộc hộ nghèo, khuyết tật; hỗ trợ làm nhà cho 2 hộ nghèo, cận nghèo; tặng quà cho 31 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ… Cũng tại chương trình, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 200 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Võ Nhai; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tặng xã Vũ Chấn 1 bộ camera an ninh; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tặng 50 triệu đồng hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết và thực hiện khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã. Tổng trị giá các phần quà là trên 700 triệu đồng. Bình Nguyên

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 về việc đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước Công điện gửi: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện nêu: Thời gian qua, các Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 13 tháng 4 năm 2024 tại Hoà Bình, với những hành động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực; đặc biệt tại Chương trình phát động hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ngày 05 tháng 10 năm 2024, nhiều Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái", hỗ trợ số tiền hàng nghìn tỷ đồng để xoá nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương khó khăn. Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ và những nghĩa cử cao đẹp của các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tập thể, cá nhân và tin tưởng rằng với "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" sẽ tiếp tục tạo động lực lan toả mạnh mẽ, sâu rộng và đạt được mục tiêu đề ra. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa Phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" và triển khai kịp thời các kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ có liên quan, thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; trong đó tập trung một số nội dung sau: 1. Huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước. Đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ nghèo được hỗ trợ ..v..v.. gắn với việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. 2. Đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; đồng thời, phân nhóm các địa phương và có cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Vận động các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự đảm bảo một phần (kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực, công sức giúp đỡ lẫn nhau phù hợp). 3. Quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ", đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát, trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều", bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đến ngày 31 tháng 12 năm 2025 hoàn thành bằng được mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (bao gồm cả 3 chương trình: (1) Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; (2) Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và (3) Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; trong đó ưu tiên xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước). 4. Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà tạm, nhà dột nát nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hoá, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền để các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ. 5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: a) Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 10 năm 2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; trong đó, Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Các Thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Thủ trưởng một số cơ quan liên quan. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai cả 03 chương trình (như ở điểm 3). b) Chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu đề ra. 6. Đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp là Phó trưởng Ban chỉ đạo; thành viên Ban chỉ đạo là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, một số đồng chí Trưởng các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn, đoàn thể cùng cấp. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai cả 03 chương trình (như ở điểm 3). 7. Phân công các đồng chí Thành viên Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương theo phân công tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 và số 967/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. 8. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền./.  Theo baochinhphu.vn

Nam Định: Đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập

BTĐKT - Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài của Nam Định đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển toàn diện và chuyển trọng tâm sang xây dựng các mô hình học tập. Việc đẩy mạnh xây dựng mô hình học tập đã tạo sự chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Nam Định cho biết: Toàn tỉnh hiện có 9 HKH cấp huyện, 175 HKH cấp xã, 5.485 Chi hội Khuyến học, 6.080 Ban Khuyến học và 649.038 hội viên khuyến học, đạt 36,4% dân số. Cùng với phát triển tổ chức Hội, hội viên, các phong trào dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, gia đình học tập ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, kết quả xây dựng các mô hình học tập đều vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó, số gia đình học tập đạt 86%; dòng họ học tập đạt 78%; cộng đồng học tập đạt 90%; đơn vị học tập đạt 97%; 21.524 công dân đăng nhập phần mềm tự chấm điểm công dân học tập. 100% xã, phường, thị trấn đăng ký đạt danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã. Người dân xóm 6, xã Xuân Thượng (Xuân Trường, Nam Định) thường xuyên đọc sách, báo cập nhật kiến thức tại nhà văn hóa xóm Với mục tiêu đưa phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực, từ tháng 3/2021, tỉnh triển khai mô hình “Công dân học tập”. HKH tỉnh đã tổ chức tập huấn và chọn triển khai thí điểm tại 4 huyện: Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và thành phố Nam Định. Kết quả đã có 100% đơn vị tham gia đều đạt tiêu chuẩn; 156 công dân đạt từ 70 điểm đến 85 điểm, đạt 35,4%; 285 công dân đạt 85 điểm (xuất sắc), đạt 64,6%. Ông Trần Đình Tiếu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trực Cường (huyện Trực Ninh) chia sẻ: Trong những năm qua, xã đã triển khai thực hiện tốt các mô hình học tập, nhất là khi được chọn xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập”, 100% đảng viên của xã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc vận động con cháu đi học đúng độ tuổi và học lên cao. Bên cạnh đó, những đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên học tập những tri thức liên quan đến lĩnh vực mà bản thân phụ trách. Đảng viên trong độ tuổi lao động tích cực học tập để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Không chỉ thường xuyên tự học, tự rèn, nâng cao trình độ mà đảng viên còn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, các tầng lớp nhân dân ở địa phương tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực. Theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch HKH tỉnh Nam Định: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình trong các tầng lớp nhân dân nên nhận thức về việc học trong các gia đình đã tăng lên. Cán bộ và người dân quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo để tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để cập nhật, khai thác thông tin trong nước và quốc tế. Số lượng người dân tham gia các buổi tập huấn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã tăng lên so với trước, góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Công dân học tập” tại địa phương. Từ đó, hàng năm, HKH các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để mỗi công dân tự ý thức được tầm quan trọng và tham gia các mô hình “Công dân học tập”. HKH các cấp tích cực phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh, đáp ứng một phần nhu cầu “Cần gì học nấy”, học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi của nhân dân. Đối với Trung tâm học tập cộng đồng, các địa phương đã huy động sự tham gia phối hợp của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người sử dụng lao động… trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc một cách hiệu quả, thực chất, khoa học. Bên cạnh làm tốt việc xây dựng mô hình từ gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị, cộng đồng học tập, các gia đình, dòng họ cùng với trường học, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt trách nhiệm giáo dục, hình thành nhân cách, xây dựng con người mới với những chuẩn mực đạo đức công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, tỉnh chú trọng động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời những công dân còn hạn chế nhưng đang nỗ lực học tập hay những học sinh yếu có tiến bộ. Trong quá trình thực hiện mô hình, các cấp ủy và lãnh đạo UBND các cấp, các đơn vị, địa phương đều rất quan tâm ủng hộ, vào cuộc cùng với HKH. Thường trực HKH tỉnh luôn bám sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt để tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời vướng mắc trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội. HKH các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, Tháng Khuyến học và kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10; tặng quà, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm phát triển các dòng họ học tập… Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HKH trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các cấp HKH trong đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, xây dựng xã hội học tập để phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng lan tỏa sâu rộng. Quang Minh  

Quảng Trị nỗ lực đẩy nhanh xóa nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách

BTĐKT - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt các chương trình, dự án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn, hướng đến mục tiêu vào cuối 2025, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ. Khởi công xây dựng Nhà nhân ái tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 1.900 nhà đã được hỗ trợ theo Đề án 197/ĐA-UBND-UBMTTQVN “Vận động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2026” (gọi tắt là Đề án 197), trong đó có 369 nhà vùng đồng bằng, 1.531 nhà vùng miền núi, với tổng kinh phí hỗ trợ 95,17 tỉ đồng. Có 1.267 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo Dự án 5, Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xây mới 1.021 nhà và sửa chữa 246 nhà với tổng kinh phí trung ương cấp 45,76 tỉ đồng. Có 1.457 nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa theo Dự án 1, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trung ương cấp 58,28 tỉ đồng. Thông qua Quỹ đền ơn đáp nghĩa, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 849 nhà ở cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí thực hiện 58.762 tỉ đồng. Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân, phối hợp rà soát đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, hiện trạng nhà ở, nhu cầu của hộ dân, phát huy dân chủ, đúng quy trình hướng dẫn. Việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tiến độ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cấp xã, khu dân cư tích cực vào cuộc giúp đỡ các hộ nghèo trong quá trình xây dựng nhà ở; huy động thêm kinh phí, ngày công lao động, vật liệu xây dựng hỗ trợ người dân. Các hộ nghèo chủ động, tích cực trong việc đối ứng về kinh phí, nguyên vật liệu... để đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở. Ngoài ra, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho các hộ gia đình khó khăn, giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà, bà Hồ Thị Múa ở thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông cho biết, chồng bà mất sớm, bà lại già yếu, hay ốm đau, không có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ước mơ có một căn nhà mới của bà đã trở thành hiện thực. Có nhà rồi, bà sẽ động viên con cháu chăm lo làm ăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị khẳng định: Việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm, đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa” và “Thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế... Giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho người dân, giúp người dân thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững, trước hết là có chỗ “an cư” để “lạc nghiệp”. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là chủ trương, chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành địa phương rà soát nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong toàn tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện còn hơn 7.100 nhà cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa, trong đó xây mới hơn 2.500 nhà và sửa chữa trên 4.600 nhà. Cụ thể, hộ người có công 2.883 nhà, hộ nghèo 2.655 nhà, hộ cận nghèo 1.629 nhà. Để đẩy nhanh mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp triển khai Chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đề nghị, các sở, ngành, đơn vị và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVIII (tháng 10/2025). Trong quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan không để xảy ra bất cứ sai sót nào, tuyệt đối không được bỏ sót đối tượng cần được hỗ trợ. Đồng thời, các đơn vị sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát động chương trình chung tay xóa nhà tạm ở các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và cùng chia sẻ trách nhiệm. Anh Tuấn

Long Phú tích cực học tập và làm theo Bác

BTĐKT - Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong toàn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, việc học tập và làm theo Bác đã tạo những thay đổi rõ nét, góp phần thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đa dạng các mô hình Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được từng địa bàn cơ sở triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Hưng Lợi, xã Long Đức có những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo Bác, nhất là về tinh thần đoàn kết, cùng làm, cùng giúp nhau trong phát triển kinh tế. HTX Hưng Lợi được thành lập vào năm 2017, hiện có hơn 500 thành viên với tổng diện tích hơn 600 ha. Thời gian qua, HTX đã ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận; ký kết nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ, giá cao hơn thị trường từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận từ 3 triệu - 5 triệu đồng/ha. Năm 2022, HTX vinh dự là 1 trong 5 HTX ở tỉnh Sóc Trăng được chọn tham gia chương trình hoàn thiện HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ. Cánh đồng HTX nông nghiệp Hưng Lợi Một điển hình khác là ông Nguyễn Hữu Công ở xã Song Phụng, huyện Long Phú với mô hình trồng chanh dây ngọt cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Phát huy phẩm chất “Bội đội Cụ Hồ”, ông Công luôn gương mẫu học tập và làm theo Bác, luôn nghĩ cách vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Là người chịu khó học hỏi, ông Công luôn có ý thức tìm cái mới, ứng dụng khoa học, công nghệ vào canh tác. Đặc biệt, ông đã ghép thành công thân chanh dây với gốc cây lạc tiên để cho ra đời giống chanh dây ngọt. Hiện toàn bộ diện tích 1,5 ha trồng chanh dây của ông Sáu Công được chứng nhận VietGAP, đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng và là sản phẩm tiêu biểu để đi tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị khắp cả nước. Nhiều siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, An Giang và một vài doanh nghiệp đã đặt hàng, ký kết ghi nhớ hợp tác mua sản phẩm quả chanh ngọt của ông Công. Hiệu quả của sự lan tỏa Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, triển khai nội dung Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Long Phú đã cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai, nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề đến các chi bộ, đảng bộ trực thuộc và toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn huyện, bằng nhiều hình thức phù hợp. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu xây dựng hướng dẫn học tập, sinh hoạt, tuyên truyền và thực hiện chuyên đề cụ thể, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Tùy theo từng thời điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy mời một số đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, hoặc chỉ đạo, phân công báo cáo viên cấp huyện trực tiếp truyền đạt các chuyên đề cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của huyện. Nội dung của từng chuyên đề đều là những vấn đề cốt lõi gắn với công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã xây dựng được nhiều mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như: Mô hình “Họ đạo tự quản” thị trấn Đại Ngãi và xã Tân Thạnh; mô hình “Làm giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội”, “Không có ma túy” xã Hậu Thạnh; mô hình “Phụ nữ tiết kiệm làm theo lời Bác” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; mô hình “Hạt gạo sẻ chia” của Huyện đoàn… Với những cách làm hay, hình thức phong phú, đa dạng và mang tính thiết thực, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Long Phú đã ngày càng tạo sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ. Quán triệt tốt phương châm “Trên làm trước, dưới làm sau”, trong Đảng làm trước để nhân dân noi theo, từ kết quả hành động để đánh giá nhận thức; lấy các điển hình tiên tiến, mặt tích cực, tiến bộ để từng bước đẩy lùi và khắc phục mặt tiêu cực, yếu kém; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo Bác; đó là những bài học kinh nghiệm được Đảng bộ huyện Long Phú vận dụng để tiếp tục học Bác thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Ngọc Hà

Thủ tướng phát động cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc

Sáng 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tại Lễ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động. "Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh! Kính thưa các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng! Thưa các quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí! Hôm nay, trên vùng đất Đắk Lắk giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, cùng với 13 điểm cầu khác trên toàn quốc nơi có dự án đường cao tốc đang triển khai, tôi rất vui mừng cùng đồng chí Nguyễn Văn Nên, các đồng chí Phó Thủ tướng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các bộ, cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, đến dự lễ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Đây là sự kiện đầy ý nghĩa trong không khí cả nước sôi nổi thi đua hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đặc biệt, sự kiện càng có ý nghĩa khi Đắk Lắk là trung tâm kết nối của Tây Nguyên - vùng trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nhưng lại là "vùng trũng" về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, trong khi chúng ta cần hoàn thành mục tiêu 1.900 km đường cao tốc cho Tây Nguyên sau năm 2030 theo quy hoạch. Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí, Sau hơn 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), chúng ta đã có nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh nội sinh về vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ động viên Nhân dân cả nước, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động hiệu quả sức người, sức của, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Các phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", phong trào "3 sẵn sàng", "5 xung phong", "3 đảm đang"... được Nhân dân ủng hộ, tích cực hưởng cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, giải phóng dân tộc, xây dựng, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, các phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và gần đây là "Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và mới đây nhất là đợt thi đua "nước rút hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 đúng tiến độ"... đã tạo động lực, truyền cảm hứng, phát huy nội lực cho xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, một tài sản vô giá, một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Đảng, Nhà nước ta từng phát động: "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất". Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc (đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km). Triển khai Nghị quyết của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đạt kết quả quan trọng và nổi bật. Đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000 km đường cao tốc với thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng 500 ngày đêm. Để hoàn thành mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, thay mặt Chính phủ và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, tôi xin phát động Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí, Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai thành công, hiệu quả Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", tôi đề nghị các cấp ủy đảng phải quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời vận động người dân và doanh nghiệp trong cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng sau: Về tổng thể, các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường dự án. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Với các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, phát huy hơn nữa tính chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thu xếp nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA bảo đảm khẩn trương, kịp thời, đáp ứng tiến độ các dự án. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thu xếp vốn cho chủ đầu tư tham gia các dự án hợp tác công tư (PPP), đáp ứng tiến độ và chất lương đề ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm tốt việc bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá, cát, sỏi... phục vụ thi công công trình; bảo đảm công tác vệ sinh, môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và nghiệm thu công trình, dự án kịp thời, đúng tiến độ, bảo đảm giá cả phù hợp kinh tế thị trường. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm tốt công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế, cáp ngầm trong phạm vi dự án. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và hỗ trợ triển khai các dự án với các công việc trong phạm vi thẩm quyền. Bộ Nội vụ đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai: Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với nhân dân, "đi dân nhớ, ở dân thương", "sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công: Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "đã ra quân là chiến thắng", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành sạch, đẹp, khang trang hơn; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Các nhà thầu chính phải tạo điều kiện, hợp tác, hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương trưởng thành, lớn mạnh qua việc tham gia dự án; các nhà thầu phụ, các nhà thầu địa phương cần tích cực tham gia, huy động nhân lực, vật lực để hỗ trợ các nhà thầu chính khi có yêu cầu; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân: Tích cực tham gia, chung tay, đóng góp, hưởng ứng Phong trào thi đua hôm nay bằng nhiều cách khác nhau như tuyên truyền, vận động người dân trong giải phóng mặt bằng, di dời chỗ ở để nhường đất cho dự án... Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phát huy hết khả năng, tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt để phong trào phát triển sâu rộng, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Các cơ quan báo chí, truyền thông: Cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, biểu dương người tốt việc tốt trên công trường, các điển hình tiên tiến, tiêu biểu, cách làm hay, đổi mới, hiệu quả, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; thông tin truyền thông phải khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình, kết quả thực hiện của các địa phương, các công trình. Như hôm qua, trên công trường dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, một kỹ sư nói với tôi là "mưa nhỏ coi như không mưa, mưa to coi như mưa nhỏ, mưa to hơn nữa thì căng lều, căng bạt để làm những việc có thể làm được". Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí, Việc triển khai khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn là thách thức nhưng cũng là môi trường để thể hiện sự bản lĩnh, sự sáng tạo, năng lực quản lý của các bộ, ban, ngành và địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công. Đợt thi đua này cũng là dịp để đánh giá, lựa chọn các nhà thầu thi công tốt, có năng lực, có trách nhiệm, có tâm, có tầm để triển khai các dự án cao tốc cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác trong những năm tiếp theo. Ngay sau Lễ phát động này, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu giai đoạn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng; nêu cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với tập thể, vì danh dự của cá nhân, của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chúng ta sẽ tổ chức sơ kết phong trào thi đua đợt 1 vào tháng 12/2024; đợt 2 vào tháng 6/2025 và tổng kết phong trào thi đua vào cuối tháng 12/2025. Với thế và lực đã tích luỹ được sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có đội ngũ những nhà thầu, những người công nhân lao động đã được tôi luyện, thử thách qua các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thời gian qua; sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những thời cơ, thuận lợi mới, cơ hội mới, tôi tin rằng với sự quyết tâm, đồng lòng, chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi gửi tới các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công và thắng lợi mới trong giai đoạn cách mạng mới. Trân trọng cảm ơn!" Theo baochinhphu.vn

Trang