Kinh tế

Tập đoàn Hoa Sen khánh thành thêm nhà máy và tiếp tục xuất khẩu nhiều ngàn tấn tôn ra nước ngoài

TĐKT - Ngày 19/4/2019, Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn II nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Đồng thời tiếp tục xuất khẩu lô hàng 5.000 tấn tôn thành phẩm vận chuyển bằng tàu container từ nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định đến Malaysia qua Cảng Quy Nhơn. Tháng 10/2017, Tập đoàn Hoa Sen đã khánh thành và đưa vào vận hành giai đoạn I nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định với tổng công suất đạt 180.000 tấn/năm, đồng thời khởi công xây dựng giai đoạn II nhà máy. Trong giai đoạn II, nhà máy đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất của SMS - Đức và Tenova – Áo, với 1 dây chuyền tẩy rỉ; 1 dây chuyền tái sinh axit; 1 dây chuyền cán nguội 2 giá; 1 dây chuyền mạ kẽm/ hợp kim nhôm kẽm; 1 dây chuyền mạ màu. Sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn II, tổng công suất nhà máy đạt 430.000 tấn/năm, cung ứng các dòng sản phẩm tôn thép chất lượng được sản xuất trên dây chuyền, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Với quy trình sản xuất khép kín, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra, sản phẩm nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định sản xuất đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu khắt khe nhất của thị trường trong và ngoài nước. Trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia đang là xu thế phổ biến hiện nay, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất cung ứng, Tập đoàn Hoa Sen còn chú trọng đến việc bảo vệ thị trường xuất khẩu và đạt được những kết quả rất tích cực tại các thị trường như Úc, Indonesia, Malaysia... Đáng chú ý tại thị trường Malaysia, Tập đoàn Hoa Sen được xác định không bán phá giá và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được miễn thuế chống bán phá giá đối với tôn kẽm nhập khẩu vào Malaysia. Ngoài ra, các sản phẩm tôn thép nhập khẩu vào Malaysia phải tuân thủ Tiêu chuẩn bắt buộc của Malaysia được chứng nhận bởi SIRIM QAS International. Để đạt được chứng nhận này, Hoa Sen đã phải trải qua một quá trình đánh giá gắt gao của các đại diện đến từ SIRIM QAS International từ việc xét hồ sơ đạt chuẩn, kiểm định nghiêm ngặt chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến cả dây chuyền sản xuất. Chứng nhận của SIRIM QAS International còn xét đến hệ thống quản lý chất lượng của Tập đoàn nhằm đảm bảo việc tuân thủ nhất quán và liên tục tiêu chuẩn của tổ chức này, cùng các chứng nhận chất lượng ISO, yếu tố vệ sinh môi trường và an toàn, bảo hộ lao động. Ngày 19/4/2019, lô hàng 5.000 tấn tôn Hoa Sen, giá trị hơn 4 triệu USD tiếp tục xuất khẩu đến Malaysia. Lô hàng được sản xuất tại Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định, vận chuyển bằng tàu container đến Malaysia qua Cảng Quy Nhơn. Ngày 22/4/2019, Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn, trị giá 12 triệu USD đi Mexico tại Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. Đây là lô hàng tôn mạ lớn nhất xuất khẩu vào thị trường Mexico sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) có hiệu lực, thể hiện nỗ lực to lớn của Tập đoàn Hoa Sen nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung trong bối cảnh cánh cửa xuất khẩu vào các thị trường lớn ngày càng khó khăn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ đầu năm 2019 đến nay, Tập đoàn Hoa Sen đã liên tiếp xuất khẩu những lô hàng lớn tới các thị trường tiềm năng trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu, Asean... Đây là những tín hiệu tích cực báo hiệu hoạt động xuất khẩu sôi động, hiệu quả và những đóng góp của Tập đoàn Hoa Sen đối với ngành thép Việt Nam. Với lợi thế sẵn có, cộng với kinh nghiệm, tầm nhìn và quyết tâm lớn từ tập thể Ban Lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, Tập đoàn Hoa Sen sẽ tiếp tục đạt tạo ra những bước phát triển đột phá và kết quả ấn tượng trong thời gian sắp tới. Thùy Dung – Trần Lê

Tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam

TĐKT - Sáng 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức đã chính thức diễn ra. Đây là lần đầu tiên một sự kiện bất động sản công nghiệp (BĐSCN) quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam. Toàn cảnh Diễn đàn Nội dung chính của Diễn đàn xoay quanh vấn đề những tác động của bối cảnh, chính sách đến BĐSCN và làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường BĐSCN Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: BĐSCN đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Thị trường BĐSCN Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. “Trong xu thế thị trường BĐS sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, phân khúc BĐSCN Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển… Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có” - ông Nam nhấn mạnh. Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết năm 2018, tại Việt Nam có 326 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%; 88% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐSCN Việt Nam như hiện tại là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; việc xúc tiến thành lập các KCN và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp. Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này đã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: Sức hấp dẫn của BĐSCN Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: Chi phí lao động thấp; giá thuê đất hợp lý; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi… Tuy nhiên, sự phát triển của BĐSCN Việt Nam cũng còn nhiều bất cập: Hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KCN, khu kinh tế và GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của Nhà nước đã có những chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển. Diễn đàn diễn ra với 2 phiên thảo luận theo chủ đề: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ - Cơ hội đầu tư kinh doanh và phát triển; làm thế nào để khơi dậy làn sóng đầu tư mới vào BĐSCN. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá, nhận định về phân khúc BĐSCN Việt Nam thời điểm hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị thực tiễn để làm cơ sở cho Chính phủ xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐSCN nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung một cách nhanh, bền vững và ổn định. Phương Thanh

Gắn kết cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao

TĐKT – Ngày 21/4, tại trụ sở trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”. Đây là diễn đàn nhằm kết nối các nhà quản lý của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, các nhà khoa học khối nông - lâm - ngư toàn quốc, các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư và khởi nghiệp từ nông nghiệp; các học sinh, sinh viên yêu nông nghiệp để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh.    Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Vấn đề kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp không phải là mới, các nước phát triển đã làm rất tốt. Đây là hoạt động thường xuyên, tất yếu trong đào tạo, kết nối cung - cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, nhà trường - doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm Việc kết nối nhà trường - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn ở nhiều phương diện khác như: Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra… Có như vậy mối gắn kết mới đi vào thực chất, hiệu quả…”. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện... Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Tọa đàm Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tại buổi tọa đàm, giới thiệu về mô hình gắn kết nhà trường và doanh nghiệp được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năm học 2017 - 2018, Học viện đã xây dựng 33 ngành đào tạo đại học với 77 chương trình đào tạo đại học, 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đa dạng ở trong nước và quốc tế. Các sinh viên tham gia ứng tuyển tại khu vực tuyển dụng của công ty Mavin Bên cạnh tiến hành đa dạng hóa chương trình đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, Học viện đã hợp tác với 150 doanh nghiệp trong nước và 30 doanh nghiệp nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hằng năm, có gần 500 sinh viên được cử đi Nhật Bản học tập. Học viện cũng đang tích cực xúc tiến việc cử sinh viên đi học tập, thực tập ngắn hạn (thời gian dưới 1 năm) ở nước ngoài. Hàng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội việc làm nhằm mang đến những cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên cũng như giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao mà không tốn kém nhiều chi phí. GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Do vậy, theo bà, Chính phủ cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp và phát triển nông thôn; cần coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.   Lễ cắt băng khai mạc Ngày hội việc làm năm 2019 Nhằm tăng cường tính gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, ngày 21/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với 70 doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm 2019. Trong đó, 5 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng không giới hạn nhân sự. Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm thứ 4 khoa Thú Y, trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ngày hội việc làm là một hoạt động được nhà trường tổ chức thường niên, rất thiết thực đối với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp như em trong tìm kiếm việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề đào tạo. Đây cũng là cơ hội tốt cho các sinh viên khóa sau chủ động kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng, có định hướng học tập và rèn luyện tốt để tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm tham gia Ngày hội việc làm, ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi Gia Công thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết: Dabaco là 1 trong những doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài nên yêu cầu nguồn nhân lực phải đáp ứng được, phục vụ được và đi theo dây chuyền công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi gà, lợn của Dabaco, việc sử dụng công nghệ tự động gần như hoàn toàn nên nguồn nhân lực yêu cầu phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn nhất định về kỹ thuật tự động, chuyên môn chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh trong vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất sản xuất. Qua ngày hội việc làm, công ty có điều kiện để tuyển chọn được nguồn nhân lực tốt, đáp ứng được nhu cầu đặt ra mà không tốn kém quá nhiều chi phí tuyển dụng, đào tạo.  Còn sinh viên, nhà trường thì nắm được những yêu cầu của doanh nghiệp để thay đổi định hướng học tập, hình thức đào tạo cho phù hợp. Đến với Ngày hội việc làm năm 2019, công ty đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng từ 200 - 300 nhân lực, phục vụ cho nhu cầu phát triển các dòng sản phẩm mới và phát triển thị trường trong tương lai. Mai Thảo  

Đạp xe Diễu hành Thương hiệu Quốc gia

TĐKT - Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam 2019, sáng 20/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Đạp xe Diễu hành THQG”. Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình Hoạt động đạp xe diễu hành năm nay có gần 300 xe đạp, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG. Chương trình là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định hình ảnh, đồng thời góp phần tôn vinh hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết: “Đạp xe diễu hành THQG là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá cho Chương trình THQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003. Đồng thời, hoạt động nhằm khích lệ, động viên các doanh nghiệp đã đạt THQG – là những doanh nghiệp được Nhà nước chứng thực cho uy tín của sản phẩm đại diện cho 3 giá trị trụ cột là: Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.” Ban tổ chức mong muốn khơi dậy tinh thần, ý chí quyết tâm quảng bá và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả và bền vững trong mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, tạo hiệu ứng lan toả, động viên cộng đồng doanh nghiệp hướng tới các giá trị của Chương trình THQG, khích lệ người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng sử dụng hàng Việt Nam. Đoàn xe diễu hành qua các tuyến phố của Thủ đô Từ hình ảnh mỗi chiếc xe đạp mang theo thương hiệu của doanh nghiệp thể hiện sự đóng góp của người lao động khi làm ra những sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ có chất lượng. Điều này khiến chúng ta có thể tự hào mỗi khi giới thiệu về thương hiệu của Việt Nam không chỉ trong nước mà trên thị trường nước ngoài. Thông qua chương trình, có thể khẳng định, việc xây dựng và phát huy giá trị “Thương hiệu Việt Nam” nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Đặc biệt, dưới sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Phương Thanh

Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử

TĐKT - Sáng 18/4, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”. Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết: Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% đến 30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử hơn 8 tỷ USD. Song hành với tốc độ phát triển của thương mại điện tử là sự phát sinh của nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử, hiện tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet. Hội thảo được tổ chức với một số nội dung chính: Chia sẻ và thảo luận về thực trạng phát triển thương mại điện tử và các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử đối với khách hàng; chia sẻ kinh nghiệm của một số sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam về giải pháp đẩy lùi hàng giả trên các sàn thương mại điện tử; định hướng công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới. Tâm điểm của Hội thảo là Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với sự tham gia của đại diện một số sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra về thương mại điện tử, chiều ngày 18/4, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì buổi tập huấn về “Thực thi pháp luật trong thương mại điện tử” cho đối tượng là các cán bộ thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, các Cục Quản lý thị trường địa phương… Phương Thanh

Xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút

TĐKT - Ngày 17/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề "Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam". Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019. Dự Diễn đàn có: Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Đỗ Thắng Hải; Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo. Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu Quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết." Diễn đàn là cơ hội tốt để các bên cùng nhìn nhận lại thực trạng Thương hiệu Quốc gia hiện nay, từ đó cùng đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gian Việt Nam. Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 chia ra 2 phiên chính, tập trung trao đổi về chiến lược và giải pháp phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Phiên thứ nhất trao đổi, thảo luận về "Định hướng Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu các quốc gia Đức, Pháp, Italy, Hàn Quốc. Phiên thứ hai thảo luận về cơ chế quản lý, phối hợp thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, tạo sức mạnh tổng thể từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong quá trình phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003, là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam được triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ (từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 97 doanh nghiệp năm 2018). Đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, Chương trình đã góp phần tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết: Bộ Công thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia. Nội dung của Chương trình trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đang cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này" - Ông Vũ Bá Phú cho biết.  Phương Thanh

Hợp tác Hải quan Hà Lan – Việt Nam

TĐKT - Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã tiếp xã giao ông Menno Snel - Quốc Vụ khanh Tài chính Hà Lan về việc trao đổi định hướng tăng cường hợp tác giữa hai bên nhằm thực hiện Hiệp định hợp tác cấp Nhà nước trong lĩnh vực hải quan; trao đổi về chiến lược và tầm nhìn của hai bên trong lĩnh vực hải quan. Đây là Hiệp định cấp nhà nước đầu tiên trong lĩnh vực hải quan, tạo cơ sở pháp lý chính thức cho hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hải quan, nhất là các hoạt động hỗ trợ hành chính lẫn nhau và hợp tác tạo thuận thương mại. Việc ký kết và thực hiện Hiệp định phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu (EU) nói chung và với Hà Lan nói riêng, góp phần mở rộng các lĩnh vực hợp tác, hình thành những cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu và thắt chặt thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hợp tác Hải quan Việt Nam – Hà Lan Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hà Lan đang có sự tăng trường nhanh chóng. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6,69 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 6,01 tỷ đô la Mỹ. Hà Lan trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam ở Châu Âu (vượt qua Đức và Anh) và thứ 6 trên thế giới. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 7,76 tỷ đô la Mỹ. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 7,8 tỷ đô la Mỹ và xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 7,07 tỷ đô la Mỹ. Với kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước ngày càng gia tăng, việc ký Hiệp định hợp tác hải quan song phương với Hà Lan sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước. Mặt khác, cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời có được theo Hiệp định giữa cơ quan hải quan của hai nước sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm hải quan giữa hai bên. Nội dung chính của Hiệp định gồm các vấn đề về hợp tác và trợ giúp hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa các bên trong phạm vi năng lực cũng như các nguồn lực sẵn có của cơ quan hải quan hai nước và phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi nước. Để triển khai hợp tác và hỗ trợ, hiệp định đề ra các trình tự, hình thức, cách thức, biện pháp để cơ quan hải quan của mỗi bên thực hiện. Hiệp định gồm 12 Chương với 23 điều. Việc thực hiện các nội dung của Hiệp định như phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin đảm bảo thực hiện pháp luật hải quan của mỗi bên, trao đổi yêu cầu hỗ trợ song phương, hiện diện của cán bộ ở lãnh thổ của mỗi bên phục vụ mục đích điều tra vi phạm pháp luật hải quan sẽ có những tác động tích cực, góp phần đảm bảo an ninh công cộng và an ninh quốc gia của mỗi bên. Về hợp tác hải quan song phương, thời gian qua hai bên đã phối hợp và triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các chương trình của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), cũng như diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU). Các chuyên gia của Hà Lan đã giới thiệu Hải quan Hà Lan là cơ quan hải quan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro, kiểm soát chống buôn lậu và sẵn sàng trợ giúp, hợp tác với Hải quan Việt Nam trong các lĩnh vực nghiệp vụ. Hai bên cũng đã trao đổi kinh nghiệm quản lý hải quan hiện đại, áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế về xác định trọng điểm, quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử. Thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các đại diện Hải quan của Hà Lan tại Đông Nam Á và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp cập nhật thông tin về các chính sách và thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Hà Lan thăm Việt Nam, ông Menno Snel, Quốc vụ khanh Tài chính Vương quốc Hà Lan và Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam sẽ thảo luận các biện pháp triển khai sau Hiệp định có hiệu lực nhằm mang lại lợi ích thực chất cho hai bên. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ trao đổi các lĩnh vực mà Hải quan Hà Lan có thể trợ giúp nâng cao năng lực, đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hải quan tại Việt Nam, đặc biệt là các nội dung về kiểm soát chống buôn lậu, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, chống gian lận thương mại và trốn thuế… Hồng Thiết

Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 29 - Vietnam Expo 2019

TĐKT - Sáng 10/4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại và Công ty Vinexad khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 29 (Vietnam Expo 2019) với chủ đề “Vietnam Expo - Gắn kết, chia sẻ cùng thành công”. Hội chợ thu hút sự tham gia của 500 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô 600 gian hàng. Có 500 doanh nghiệp tham gia Vietnam Expo 2019 Hướng theo chủ đề của Hội chợ là “Gắn kết - Chia sẻ” giữa các doanh nghiệp, địa phương nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và đầu tư, Ban tổ chức duy trì và phát huy triển khai khu gian hàng của Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc; khu gian hàng xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp Việt Nam và khu gian hàng tiêu biểu đến từ 20 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, khu gian hàng của các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia như Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội… giới thiệu những sản phẩm chất lượng cao với diện mạo mới hơn sau mỗi kỳ tham gia. Những thay đổi và cải tiến của mỗi sản phẩm sẽ góp phần tăng vị thế hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường trong nước và quốc tế. Các gian hàng thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan Để tạo điểm nhấn cho kỳ hội chợ năm nay, Ban tổ chức chú trọng xây dựng một số hoạt động cụ thể để tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và đầu tư. Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức vào sáng 12/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu được tổ chức thường niên như một mục tiêu song hành với Vietnam Expo trong việc phát huy năng lực sản xuất, tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại thế hệ mới giúp nâng tầm vị thế Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy và bền vững. Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam với chủ đề “Cơ hội tham gia chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu” được tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội. Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả sẽ làm rõ những thuận lợi và khó khăn trong xu thế toàn cầu hóa sản xuất và thương mại hiện nay. Để có thể xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc đưa sản phẩm trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu với sự tham gia của nhiều bên như cung ứng vật tư, giống, chế biến, các nhà xuất khẩu, vận chuyển, phân phối, nhà bán lẻ. Lễ khởi động Chương trình xuất khẩu thông qua thương mại điện tử sẽ được tổ chức vào chiều 11/4 với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Tại chương trình, Cục Xúc tiến thương mại sẽ công bố danh sách 100 doanh nghiệp được lựa chọn cũng như giới thiệu cụ thể hơn về quy trình đào tạo, hỗ trợ, tiếp cận với nền tảng thương mại điện tử Amazon.vn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động trong khuôn khổ của Hội chợ nhằm tăng cường hiệu ứng xúc tiến thương mại: Hội nghị bàn tròn, hội thảo chuyên ngành, hội nghị giao thương, tham quan các khu công nghiệp… được Ban tổ chức triển khai đồng bộ trong tất cả các ngày diễn ra. Hội chợ sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 10/4 - 13/4. Phương Thanh

Hợp tác nghiên cứu nâng cao chất lượng nguồn giống cá chép nuôi

TĐKT - Ngày 9/4, Tập đoàn Mavin đã tổ chức Lễ ký kết các Biên bản ghi nhớ với các viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Hungary nhằm nghiên cứu nâng cao chất lượng di truyền giống cá chép nuôi tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Mavin ký kết với Công ty Vitafort Agro Asia Mavin đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Vitafort Agro Asia (Hungary) – VAA. Theo đó hai bên sẽ phối hợp thành lập Trung tâm Chọn tạo và Phát triển giống cá chép chất lượng cao ở Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mavin và VAA cũng sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển và ứng dụng mô hình công nghệ nuôi trồng thủy sản bền vững CIE (Combine Intensive and Extensive) và hợp tác trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản (phát triển công thức, công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản). Mavin, VAA cũng đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ 4 bên với Viện Nuôi trồng thủy sản Hungary (HAKI), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Việt Nam (RIA1) nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển và mở rộng cơ hội kinh doanh trong khu vực. Theo nội dung hợp tác, HAKI và RIA1 dựa trên cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng di truyền cá chép, phát triển công nghệ nuôi trồng, cung cấp dịch vụ đào tạo và khuyến nông cho nông dân. Trong khi đó, Mavin và VAA chịu trách nhiệm trong khâu sản xuất ở quy mô lớn cung cấp giống cho nông dân, khai thác và phát triển các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. HAKI và RIA1 đã hợp tác trong dự án cải thiện nguồn gen cá chép từ năm 1960, đã và đang góp phần quan trọng trong việc tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện chất lượng cá ở cả hai nước Việt Nam và Hungary. Trong khi đó, Mavin và VAA đều là những Công ty có lợi thế về sở hữu chuỗi giá trị bền vững “Từ Nông trại tới Bàn ăn” trong lĩnh vực thủy sản và đều có liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực R&D với các tổ chức khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học nông nghiệp uy tín tại Việt Nam, Hungary và trên thế giới.  Đặc biệt VAA hiện đã xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại Lào, là một lợi thế để các bên có thể kết hợp chặt chẽ trong việc phát triển chuỗi giá trị bền vững tại khu vực Đông Nam Á. Cá chép là đối tượng nuôi phổ biến, có giá trị kinh tế cao đang được nuôi rộng rãi tại Việt Nam và các nước châu Á. Việc tham gia của các Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp các nguồn lực cần thiết để phát triển ngành sản xuất cá chép, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, cũng như sử dụng có trách nhiệm nguồn thủy sản nước ngọt và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hợp tác của Mavin, VAA, HAKI và RIA1 sẽ góp phần quan trọng cải thiện nguồn gien và phát triển bền vững ngành nuôi trồng cá chép giống chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Phương Thanh

Bộ Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách quý I

TĐKT - Chiều 5/4, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách quý I năm 2019. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng và lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng chủ trì buổi họp báo.  Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 3 ước đạt gần 127,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I đạt 381 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán năm, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng so với tháng 2; lũy kế thu quý I đạt 315,4 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ dầu thô thực hiện tháng 3 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ đồng so với tháng 2; lũy kế thu quý I đạt 12,28 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu thực hiện tháng 3 ước đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng so với tháng 2; lũy kế thu quý I đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27,8 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN đạt khoảng 53 nghìn tỷ đồng, bằng 28% dự toán năm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Quang cảnh họp báo Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 120,38 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi quý I đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán năm, tăng 32,4%; chi trả nợ lãi đạt 30,76 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán năm, giảm 3,6%; chi thường xuyên đạt gần 237,2 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong công tác quản lý tài sản công, 3 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 285/QĐ-BTC ngày 26/02/2019 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án “Nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công”. Đối với công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước Bộ Tài chính đã tích cực rà soát các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai cổ phần hóa theo quy định tại các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 để trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phương án xử lý. Đồng thời chủ động phối hợp, đôn đốc bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về công tác quản lý giá, thị trường, Bộ Tài chính đã tập trung quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Công thương ban hành 2 công văn điều hành giá xăng dầu… Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện tái cấu trúc thị trường. Trong quý I, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; tập trung phát triển sản phẩm phái sinh mới (warrant covered, future contracts), nâng cấp công nghệ fintech, cơ cấu lại các công ty chứng khoán, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được Bộ Tài chính đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Tính đến hết tháng 3/2019, toàn ngành tài chính đã thực hiện 34.638 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 2.861 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 180 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 811,3 tỷ đồng… Hồng Thiết

Trang