Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp
26/04/2019 - 16:01

TĐKT - Ngày 25/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức họp báo chuyên đề “Thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2019 và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, Quý I, lực lượng Hải quan phát hiện, xử lý 101 vụ buôn lậu, trị giá 14,7 tỷ đồng; 42 vụ ma túy; 3.886 vụ xử lý vi phạm hành chính; 10 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, không hề suy giảm ngay từ đầu năm 2019. Quý I, nhất là trong tháng 3, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại luôn nóng.

Họp báo  chuyên đề

Tình hình bắt giữ của lực lượng chức năng đã nói lên mức độ phạm tội, mức độ vi phạm nghiêm trọng chưa từng thấy, nhất là phạm tội về ma túy và sản phẩm từ động vật hoang dã, thuốc lá… diễn ra trên quy mô lớn.

Đơn cử như ma túy, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng tấn ma túy. So với những năm trước, số lượng ma túy chỉ tính bằng đơn vị gram, đến nay lượng ma túy được tính bằng đơn vị tấn và diễn ra trên nhiều địa bàn.

Lực lượng Hải quan đã chung tay cùng lực lượng chức năng, cộng đồng xã hội làm tốt công tác nghiệp vụ, phát hiện và triệt phá nhiều vụ việc lớn.

Về bắt giữ sản phẩm từ động vật hoang dã, ngày 25/1, tại Hải Phòng, lực lượng Hải quan bắt giữ 2 vụ, thu giữ 1.500 vảy tê tê, 500kg ngà voi.      Ngày 30/1, tại Hải Phòng, lực lượng Hải quan đã phát hiện 1.300 kg vảy tê tê, 109 kg ngà voi.

Ngày 20/3, tại Đà Nẵng, lực lượng Hải quan đã phát hiện 11.548 kg ngà voi.

Gần đây nhất là gày 11/4, tại sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng Hải quan phát hiện 13 khúc sừng tê giác, có trọng lượng gần 15 kg.

Các đối tượng giấu hàng vi phạm trong những hàng hóa thông thường (gỗ). Phần lớn tang vật có nguồn gốc từ các nước châu Phi có cung đường vận chuyển về châu Á. Trong đó có Việt Nam là điểm đến, điểm trung chuyển đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, mong muốn phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Đai diện một số tổ chức quốc tế khi đến làm việc với Hải quan Việt Nam đã chia sẻ: Chưa bao giờ chứng kiến những vụ bắt giữ sản phẩm động vật hoang dã có trọng lượng lên đến hàng tấn như Hải quan Việt Nam bắt giữ. Với số lượng tang vật lớn như vậy, không thể tính toán được số lượng voi, tê tê, tê giác đã bị giết hại để lấy ngà, sừng, vảy.

Vấn đề này cũng đặt ra nhiệm vụ lớn cho lực lượng chức năng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn trong thời gian tới.

Có được kết quả bắt giữ ấn tượng như trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ tình hình buôn lậu gia tăng, còn thể hiện sự phối hợp của các lực lượng chức năng trong thời gian qua ngày càng đang đi vào thực chất, hiệu quả.

Trong hoạt động xuất, nhập khẩu, hầu hết các vụ việc phát sinh đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Hải quan với lực lượng Công an, Biên phòng…

Có thể thấy, nhờ sự chỉ đạo sâu sát từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng chức năng đã nhận thức rõ vai trò quan trọng trong công tác phối hợp, kết hợp trong đấu tranh chống buôn lậu.

La Giang