Tổng cục Hải quan nỗ lực xây dựng, phát triển Hải quan
15/09/2023 - 09:26

BTĐKT - 78 năm qua, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Hải quan Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác hàng năm của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hải quan TP Hồ Chí Minh làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm trên 100 tỷ USD

Những năm gần đây, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột địa chính trị xảy ra, kéo dài đã ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và trong nước. Ngành Hải quan luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung hoàn thiện về thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích, kết quả công tác nổi bật trên các mặt công tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Tiêu biểu như: Duy trì tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu ngày càng được củng cố, phát huy; kết quả thu ngân sách nhà nước đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời, góp phần đảm bảo ổn định tiềm lực tài chính quốc gia; vai trò, vị trí, uy tín quốc tế của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao…

Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại được ngành Hải quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều năm.

Đặc biệt những năm gần đây, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường áp dụng trang thiết bị hiện đại như: Máy soi container, camera giám sát, seal định vị điện tử… để giảm thời gian thông quan, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam lần đầu tiên đạt được quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD vào năm 2022.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thời điểm hậu đại dịch, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tạo thuận lợi thương mại như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan trên tất cả các khâu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại…

Ngoài ra, với vai trò cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến ngày 15/8/2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64.700 doanh nghiệp. Về ASW, Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN và đang tích cực mở rộng kết nối với một số nước ngoài ASEAN.

Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại như: Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan…

Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp về mặt thể chế; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra là xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xác định vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt, vì vậy, ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại.

Để thực hiện nghiêm minh vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những năm qua, ngành Hải quan đã đề ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa phòng và chống.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2023, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng, chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan.

Song Linh