BTĐKT - Chiều 22/11, tại sự kiện Internet Day 2023, Câu lạc bộ Điện toán Đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam (VNCDC) đã công bố báo cáo VNCDC Report 2023.
Công bố Báo cáo Điện toán đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2023
Hạ tầng điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hạ tầng số ở Việt Nam, kết hợp với hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu ở Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cả trong nước và nước ngoài.
Đại diện Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (VNCDC) khẳng định: “Doanh nghiệp điện toán đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam đã làm chủ công nghệ, tốc độ tăng trưởng tốt, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty công nghệ lớn quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu "lên mây" của doanh nghiệp trên lộ trình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số quan trọng của ASEAN”.
Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và VNCDC đã thực hiện khảo sát thị trường trong nước, tập trung vào tốc độ phát triển về doanh thu và cơ cấu của từng loại hình dịch vụ. Điều này cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này và hướng dẫn những bước đi thích hợp để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Theo báo cáo VNCDC Report 2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng đột biến, đặc biệt là trong năm 2022, khi quy mô thị trường tăng lên 9.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, làm tăng doanh thu từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 lên 2362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như: VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới…
Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% vào năm 2030. Để kinh tế số chiếm 20% GDP, kinh tế của ngành ICT dự kiến chiếm khoảng 6 - 6,5%, trong đó doanh nghiệp điện toán đám mây dự kiến đóng góp 1% GDP. Để đạt được mục tiêu trên, cần các chính sách cụ thể và khả thi hơn trong lĩnh vực này tại Việt Nam, có tác động đủ mạnh để tạo sức bật cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, bắt kịp tốc độ tăng cao của thị trường và đủ sức cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn từ nước ngoài.
Phương Than