Kinh tế

Diễn đàn "Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023"

BTĐKT - Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngày 3/11, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại diễn đàn Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 300 khách mời là chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp. Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này; xây dựng khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi. Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng trong đó có quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. Những kết quả này là bước khởi đầu và cơ hội, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra các nhóm mục tiêu cơ bản: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh. Diễn đàn là hoạt động thiết thực góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp chính sách mang tính then chốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trường xanh và chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Đồng thời, diễn đàn cũng thảo luận những vấn đề hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ, đồng thời nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân sâu xa những hạn chế, bất cập hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp chính sách để khắc phục hạn chế và thách thức hiện nay, tận dụng cơ hội của bối cảnh mới để có những chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế đất nước. Minh Phương

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023

BTĐKT - Sáng 1/11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin về Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Theo đó, Festival sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phát biểu khai mạc họp báo Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp khẳng định: Làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn. Hiện cả nước ta có hơn 5000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 2.008, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng… Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Thông qua đó, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề. Khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”. Đặc biệt, có hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Festival do UBND thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 và tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm… Phương Thanh  

Tập đoàn Hoa Sen: Lợi nhuận sau thuế Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 đạt 438 tỷ đồng

BTĐKT - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4 niên độ tài chính niên độ tài chính năm 2022 - 2023 (từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/9/2023) và lũy kế niên độ tài chính năm 2022 - 2023 (từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/9/2023). Theo đó, Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023, doanh thu hợp nhất đạt 8.107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 438 tỷ đồng. STT Chỉ tiêu ĐVT Quý 4 NĐTC 2022-2023 Quý 4 NĐTC 2021-2022 Tăng so với cùng kỳ 1 Doanh thu thuần Tỷ đồng 8.107 7.939 168 2 Lợi nhuận gộp Tỷ đồng 1.072 (231) 1.303 3 Lợi nhuận trước thuế Tỷ đồng 504 (997) 1.501 4 Lợi nhuận sau thuế Tỷ đồng 438 (887) 1.325 Kết quả kinh doanh hợp nhất HSG Quý 4 niên độ tài chính năm 2022-2023 (tỷ đồng) Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 vừa công bố, HSG đã ghi nhận sự phục hồi ấn tượng so với Quý 4 niên độ tài chính năm 2021 - 2022 khi tất cả các chỉ số đều tốt hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, mặc dù nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, HSG vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu 2% so với cùng kỳ, kết hợp với mức tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu đạt 13% đã giúp HSG ghi nhận mức lãi gộp đạt 1.072 tỷ đồng, trái ngược với con số lãi gộp -231 tỷ đồng cùng kỳ. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chi phí cũng có sự ghi nhận đáng ấn tượng so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm 50 tỷ đồng, tương ứng giảm 45% trong đó chi phí lãi vay giảm 38 tỷ đồng (giảm 52%) và chi phí do chênh lệch tỷ giá giảm 12 tỷ đồng (giảm 31%). Chi phí bán hàng giảm 110 tỷ đồng tương ứng giảm 17%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 28 tỷ đồng tương ứng giảm 27%. Điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế và sau thuế Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 lần lượt đạt 498 tỷ đồng và 438 tỷ đồng, tăng rất nhiều so với kết quả cùng kỳ, tương ứng lần lượt là    -1.011 tỷ đồng và -887 tỷ đồng. Lũy kế niên độ tài chính năm 2022 - 2023, doanh thu hợp nhất của HSG đạt 31.651 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của HSG trong việc cải thiện doanh thu, lợi nhuận qua từng quý sau khi có một khởi đầu không suôn sẻ vào Quý 1 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 (từ ngày 1/10/2022 – ngày 31/12/2022). Sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen Biên lợi nhuận gộp của HSG đã phục hồi mạnh mẽ từ mức 2% tại Quý 1 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 lên mức 13,2% tại Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023, giúp cho mức lợi nhuận gộp của HSG tăng từ mức 160 tỷ đồng tại Quý 1 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 lên mức 1.072 tỷ đồng tại Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023. Biểu đồ diễn biến lợi nhuận gộp (tỷ đồng) và biên lợi nhuận gộp (%) của HSG trong niên độ tài chính năm 2022-2023 Để có được cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trên, HSG đã cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Đối với các khoản nợ vay ngân hàng, tại thời điểm 01/10/2022 tổng nợ vay ngân hàng của HSG là 4.187 tỷ đồng thì đến thời điểm 30/9/2023, con số này chỉ còn 2.936 tỷ đồng, giảm được 1.250 tỷ đồng. Điều này làm cho hệ số nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 38% về mức 27%. Bên cạnh việc giảm dư nợ vay, HSG còn nỗ lực hết sức trong việc đàm phán để có mức lãi suất tốt nhất cho hoạt động sản xuất. kinh doanh. Nhờ vào đó, chi phí lãi vay của HSG đã giảm hơn 65 tỷ đồng (giảm 25%), từ mức 260 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2021 - 2022 xuống còn 195 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2022 - 2023. Ngoài ra, như HSG đã từng công bố trong Quý 1 niên độ tài chính năm 2022 - 2023 về việc đã tất toán tất cả các khoản dư nợ USD từ sớm, nên dù tỷ giá VND/USD có những biến động phức tạp thì HSG cũng không chịu ảnh hưởng nặng lên chi phí chênh lệch tỷ giá. Kết quả, chi phí chênh lệch tỷ giá của HSG đã giảm 142 tỷ đồng (giảm 54%) từ mức 261 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2021 - 2022 xuống còn 119 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2022 - 2023. Có thể nói, việc quản lý chi phí tài chính là một điểm sáng đáng ghi nhận của HSG khi mà tổng chi phí tài chính đã được giảm được 207 tỷ đồng, tương đương giảm 40%, từ mức 521 tỷ trong niên độ tài chính năm 2021 - 2022 xuống còn 314 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2022 - 2023. Sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu đi châu Âu Các khoản chi phí hoạt động cũng được HSG quản lý hiệu quả. Cụ thể, so sánh với niên độ tài chính năm 2021 - 2022 thì trong niên độ tài chính năm 2022 - 2023, chi phí bán hàng của HSG giảm 1.356 tỷ đồng (giảm 35%) từ 3.833 tỷ đồng xuống còn 2.477 tỷ đồng chủ yếu do việc HSG quản lý và theo dõi sát sao, đàm phán giá cước vận chuyển tốt nhất, tối ưu hóa hoạt động mảng logistics để tiết giảm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, chi phí quản lý của HSG cũng giảm 124 tỷ đồng (giảm 24%) từ 522 tỷ đồng xuống còn 398 tỷ đồng. Biểu đồ diễn biến các khoản chi phí của HSG trong niên độ tài chính năm 2022-2023 (tỷ đồng) Nhờ vào tổng hợp các yếu tố trên, lợi nhuận sau thuế của HSG cũng cải thiện tích cực từ mức -680 tỷ đồng trong Quý 1 niên độ tài chính năm 2022 - 2023, lên mức 438 tỷ đồng trong Quý 4 niên độ tài chính năm 2022 - 2023, từ đó, cả niên độ tài chính năm 2022 - 2023, HSG đạt lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, lội ngược dòng thành công. HSG cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối, các tổng kho trên toàn quốc; duy trì và mở rộng kênh và danh mục sản phẩm xuất khẩu; tập trung củng cố nội lực, tích lũy nguồn lực để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường. Năm 2022 - 2023, HSG được vinh danh ở nhiều giải thưởng: - 6 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho cả 3 dòng sản phẩm tôn Hoa Sen, ống nhựa Hoa Sen, ống thép Hoa Sen. - 11 lần liên tiếp được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam – Phát triển bền vững. - Top 25 thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cá nhân và công nghiệp dẫn đầu Việt Nam 2023. Ngày 24/10/2023 vừa qua, HSG vừa nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 về kiểm kê khí nhà kính tại tại 3 nhà máy sản xuất tôn mạ lớn nhất của Hoa Sen tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Nghệ An và chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14067:2018 hoàn thành việc truy vết carbon trên gần 20 dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen. Đây là thành công bước đầu của HSG trong việc chủ động cập nhật và thực hiện các giải pháp để đáp ứng theo các yêu cầu mới, rộng đường xuất khẩu cho các sản phẩm Tôn Hoa Sen sang thị trường châu Âu trong tương lai. Xuân Phúc

Cơ hội cho các nhà khởi nghiệp Hàn Quốc khám phá thị trường Việt Nam

BTĐKT - Ngày 27/10, Quỹ đầu tư mạo hiểm VSV Capital phối hợp với tổ chức Chính phủ KISED (Viện Phát triển Khởi nghiệp và Doanh nhân Hàn Quốc)  tổ chức sự kiện Demo Day thuộc chương trình ươm tạo startup (nhà khởi nghiệp) “2023 K-Startup Center Program”. Toàn cảnh sự kiện Sự kiện quy tụ hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm, các đại diện từ các cơ quan nhà nước và các lãnh đạo từ khối doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Hàn Quốc, giới truyền thông. Chương trình K-Startup Center (KSC) là một sáng kiến của chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích thúc đẩy một nền tảng vững chắc cho các startup Hàn Quốc thâm nhập thị trường toàn cầu. Chương trình đã được triển khai nhiều năm qua tại các trung tâm khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới như Israel (Tel Aviv), Ấn Độ (New Delhi), Mỹ (New York), Singapore, Thụy Điển (Stockholm), Phần Lan (Helsinki) và Pháp (Paris), với một trung tâm chính thức được thành lập ở mỗi quốc gia. Năm 2023 đánh dấu sự ra mắt của Trung tâm K-Startup Center tại Hà Nội, Việt Nam, với VSV Capital được Chính phủ Hàn Quốc lựa chọn để tổ chức chương trình hỗ trợ đầu tiên cho các startup Hàn Quốc muốn khám phá thị trường Việt Nam và thiết lập mối quan hệ với các đối tác tại địa phương. Với Chương trình KSC 2023 tại Việt Nam, VSV Capital đã chọn ra 15 công ty trong số hơn 80 ứng viên nổi bật sau quá trình tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ và phỏng vấn nghiêm ngặt kéo dài 2 tháng. Những startup được chọn thuộc các giai đoạn từ Seed (vòng hạt giống) đến Series B, với các công ty đã nhận được những khoản đầu tư trong khoảng 100.000 USD đến 20 triệu USD. Các startup này đều có mục tiêu rõ ràng khi đến với chương trình là gọi vốn từ các nhà đầu tư và tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác để mở rộng thị trường tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhà sáng lập và thành viên chủ chốt của các startup này đều đến từ các tập đoàn lớn như: Samsung, Huyndai, LG, LOTTE, Abbott, BMW… với nhiều năm kinh nghiệm làm việc dày dặn và tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá trên thế giới như: UC Berkeley, Seoul National University, Yonsei University, The University of Chicago... Trong 3 tháng qua, VSV Capital đã làm việc không ngừng với những startup này để giúp họ có được các thông tin bên trong về thị trường, kết nối với các bên liên quan phù hợp và ký kết các hợp đồng đối tác quan trọng. Các startup tham dự chương trình được trải qua những buổi cố vấn 1:1 với các chuyên gia trong các ngành và lĩnh vực liên quan. Họ cũng được trải nghiệm, tiếp cận với các hoạt động văn hóa Việt để hiểu hơn về văn hóa, lối sống của con người trong thị trường mà họ đang hướng tới. Đặc biệt, startup còn được tham gia các sự kiện kết nối (networking event) mà VSV tổ chức hàng năm cho cộng đồng tại Việt Nam, mang lại cho họ những mối quan hệ và cơ hội hợp tác quan trọng. Trang Lê

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn TP Hà Nội

BTĐKT - Sáng 25/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường KHCN trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh mới”. PGS. TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khai mạc hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp thành phố "Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường KHCN trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh mới", hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy và xây dựng lộ trình phát triển thị trường KHCN trên địa bàn TP Hà Nội. Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung đánh giá tiềm năng, nhu cầu và các điều kiện phát triển thị trường KHCN trên địa bàn TP Hà Nội; thảo luận về các chính sách phát triển thị trường KHCN hiện nay, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; thực trạng vận hành, các bên tham gia và kết quả giao dịch ở thị trường KHCN trên địa bàn thành phố; các giải pháp thúc đẩy sự phát triển thị trường KHCN trên địa bàn thành phố Hà Nội; các kiến nghị chính sách cho UBND thành phố Hà Nội để KHCN trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô… Theo ThS. Phạm Đức Nghiệm, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN nhận định: Thời gian qua, hoạt động KHCN của TP Hà Nội nói chung và phát triển thị trường KHCN nói riêng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KHCN và đổi mới sáng tạo của cả nước. Thành phố đã quan tâm khai thác, phát triển tiềm lực KHCN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng "chất xám" của đội ngũ trí thức; đã bố trí nguồn lực cho việc phát triển thị trường KHCN. Thị trường KHCN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Việc khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp đã được quan tâm. Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Đức Nghiệm, hoạt động KHCN của TP Hà Nội chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Thị trường KHCN của Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt; chưa huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường KHCN. Ông Nghiệm kiến nghị TP Hà Nội triển khai Chương trình phát triển thị trường KHCN gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về KHCN và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế. Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ TP Hà Nội, tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối, liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của khu vực và thế giới. Tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn là chủ thể nghiên cứu mạnh... Nguyệt Hà

Cẩm nang giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược hình ảnh thương hiệu

BTĐKT – Cuốn sách mới nhất về thương hiệu của tác giả Richard Moore mang tên “Kiến tạo chiến lược hình ảnh thương hiệu” vừa được chính thức ra mắt ngày 25/10, tại Hà Nội. Cuốn sách đúc rút hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương hiệu và truyền thông marketing của Richard Moore. Ông là nhà sáng lập Công ty Tư vấn thương hiệu và Truyền thông thương hiệu mang tên Richard Moore Associates, đơn vị đã đồng hành xuyên suốt hơn ba thập kỷ cùng hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam trong các dự án tư vấn và xây dựng bản sắc nhận diện thương hiệu, như Vietinbank, Vietjet Air, Kangaroo, Napas…   Cuốn sách “Kiến tạo chiến lược hình ảnh thương hiệu” Cuốn sách được trình bày một cách logic và hệ thống những thông tin cơ bản về thương hiệu; giới thiệu góc nhìn về bản chất cốt lõi của thương hiệu và từng bước trong quy trình sáng tạo hệ thống nhận diện thương hiệu dựa trên nền tảng chiến lược, từ đó góp phần xây dựng nên hình ảnh thương hiệu mạnh. Ông Richard Moore chia sẻ về cuốn sách tại sự kiện Theo ông Richard Moore, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thích ứng và học hỏi rất nhanh và ngày nay, khi kiến thức về xây dựng thương hiệu đã được lan tỏa rộng rãi, việc trở nên khác biệt lại trở thành một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2020 tới nay, Richard Moore Associates đã bắt đầu phát triển một hệ thống cải tiến hơn để phát triển hình ảnh thương hiệu toàn diện nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng được hiệu quả ngân sách truyền thông của mình. Cuốn sách “Kiến tạo chiến lược hình ảnh thương hiệu” là cuốn đầu tiên trong bộ ba cuốn sách về tư duy thương hiệu tích hợp, cũng chính là một trong những nỗ lực mang đến nhiều thông tin hữu ích hơn nữa cho cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt, giúp họ nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế và góp phần phát triển Việt Nam, quê hương thứ hai mà ông đã gắn bó trong suốt 30 năm qua. Phương Thanh  

Diễn đàn “Triển vọng ngành Năng lượng Việt Nam”

BTĐKT – Sáng 12/10, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Triển vọng ngành Năng lượng Việt Nam”. Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam dự và phát biểu khai mạc. Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than. Theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì nước ta rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa với các tham vấn từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhằm thảo luận, trao đổi về hiện trạng, tiềm năng phát triển năng lượng tại Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, diễn đàn cũng bàn sâu các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới cũng như các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện theo hướng phù hợp, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phương Thanh  

“Phát huy truyền thống, sáng tạo vượt khó, phát triển bền vững”

BTĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành Cao su Việt Nam, ông Trần Công Kha, UV BTV Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã trao đổi với phóng viên về chặng đường 94 năm và định hướng của Tập đoàn trong thời gian tới. Ông Trần Công Kha, UV BTV Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ Phóng viên: Năm 2023, kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2023), đồng thời kỷ niệm 126 năm cây cao su di nhập vào Việt Nam (1897 – 2023). Những năm qua, dù liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng - an ninh, ổn định an sinh xã hội của đất nước. Xin ông cho biết đâu là nền tảng dẫn đến thành công đó? Ông Trần Công Kha: Sự phát triển của ngành Cao su Việt Nam nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói riêng được tạo dựng từ quá trình chiến đấu, hy sinh và lao động miệt mài của các thế hệ công nhân, người lao động trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua. Ngành Cao su Việt Nam tự hào có một truyền thống vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Truyền thống đó được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ. 94 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi, dòng nhựa trắng cao su – dòng chảy cuộc sống, vẫn luôn tuôn chảy, không ngừng được bồi đắp và kết tinh thành những giá trị truyền thống đặc sắc của ngành cao su, hòa vào dòng chảy của thời cuộc, của dân tộc, của đất nước, tạo thành sức mạnh trường tồn. Chào mừng kỷ niệm 94 năm truyền thống, VRG phối hợp cùng Công đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị trong toàn ngành tổ chức 21 sự kiện nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, giúp các thế hệ người lao động ngành cao su Việt Nam cùng ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành, qua đó thêm hiểu và tự hào hơn về truyền thống tốt đẹp; đồng thời cùng nhau chung tay góp sức giữ gìn, phát huy các giá trị quý báu của ngành Cao su trong thời gian tới. Công nhân khai thác mủ cao su Trong giai đoạn vừa qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn đã nỗ lực rất lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người lao động cùng với những giải pháp ứng phó linh hoạt, đồng bộ, Tập đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tiếp tục phát triển ổn định, bền vững. Thành quả có được ngày hôm nay của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước, tiếp tục kế thừa vượt qua khó khăn, phát huy thành quả và truyền thống tốt đẹp đó. Biết rằng phía trước còn nhiều thách thức, tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn gặp nhiều khó khăn ở phía trước, giá bán sản phẩm chính là mủ cao su ở mức thấp; thị trường và giá bán gỗ/sản phẩm từ gỗ cao su trầm lắng, chi phí tài chính tiếp tục tăng cao... Tuy nhiên, với truyền thống vượt khó, tin tưởng rằng người lao động toàn Tập đoàn tiếp tục năng động, sáng tạo, với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, sẽ cố gắng vượt qua khó khăn và tiếp tục góp phần đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành Cao su Việt Nam. Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, Ban lãnh đạo VRG đã xây dựng chiến lược giai đoạn tới cụ thể như thế nào, thưa ông? Ông Trần Công Kha: Phát huy kết quả đạt được và giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành Cao su Việt Nam, VRG tiếp tục nỗ lực vượt khó, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phát triển của VRG là khẳng định vị thế một tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng - an ninh trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn. VRG vừa ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Chiến lược được xây dựng nhằm đáp ứng xu thế phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, góp phần đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Trong quá trình xây dựng, chiến lược lấy con người làm trung tâm, cam kết thực hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân, đảm bảo rằng, người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận được hưởng lợi từ các dự án, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Chiến lược tập trung đẩy mạnh thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch và nâng cao chuẩn mực kinh doanh để hội nhập quốc tế. Tập đoàn cũng xác định rằng, chiến lược định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế. Công nhân chế biến mủ cao su Trong chiến lược, VRG đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm 2023; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu 60% diện tích cao su toàn Tập đoàn và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Đến năm 2050, toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. VRG cũng xanh hóa các quy trình sản xuất, với mục tiêu đến năm 2050: Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 – 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất. Đồng thời, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý hiệu quả rừng cây cao su theo độ tuổi, năng suất…; đánh giá trữ lượng các-bon của rừng cây cao su hướng tới thương mại hóa tín chỉ các-bon… VRG cũng hỗ trợ cao su tiểu điền công tác khoa học kỹ thuật, giống cao su hiệu quả cao, nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, thu mua với giá tốt và có thể truy xuất nguồn gốc. Theo đề án tái cơ cấu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thông qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm). Xác định phương hướng “Hiệu quả là nhiệm vụ chính của VRG”, Tập đoàn chủ động xây dựng nhiều phương án trên nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có nhằm đảm bảo tối đa nguồn thu, hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất. Bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu nhà nước và cổ đông, nhà đầu tư trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực của Tập đoàn bao gồm đất đai, lao động, khả năng luân chuyển nguồn vốn và thế mạnh của từng doanh nghiệp trong hệ thống. Nhân kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam, thay mặt Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tôi kêu gọi toàn thể người lao động ngành cao su tự hào kế thừa truyền thống hào hùng của ngành, phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm lao động sản xuất; vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch năm 2023, góp phần xây dựng ngành cao su phát triển ổn định và bền vững - xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ tiền bối và xứng danh Huân chương Sao vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn! TRẦN HUỲNH (thực hiện) “Hơn bao giờ hết, trong tình hình khó khăn và nhiều thách thức như hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể người lao động cần quyết tâm cao, đoàn kết, chung sức, đồng lòng và đặc biệt là mỗi cá nhân người lao động cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Với lịch sử vẻ vang, truyền thống hào hùng, kinh nghiệm vượt khó và nội lực vững vàng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, VRG sẽ vượt qua các khó khăn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Trần Công Kha, UV BTV Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG nhận định.        

Tập đoàn Hoa Sen 11 lần liên tiếp được vinh danh thương hiệu mạnh Việt Nam

BTĐKT - Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục được vinh danh “Top thương hiệu mạnh - phát triển bền vững 2022 - 2023” tại Lễ công bố và vinh danh “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 - 2023” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức. Đây là lần thứ 11 liên tiếp Tập đoàn Hoa Sen được vinh danh ở giải thưởng này. Chương trình “Thương hiệu mạnh Việt Nam” là sự kiện thường niên lớn nhất của Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times, được khởi xướng từ năm 2003 và duy trì liên tục tới nay. Trong suốt 20 năm, chương trình bình chọn “Thương hiệu mạnh Việt Nam” đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước tham gia và được cộng đồng đánh giá cao. Ông Đinh Ngọc Linh, Giám đốc hệ thống Hoa Sen Home miền Bắc (Tập đoàn Hoa Sen) nhận danh hiệu “TOP thương hiệu mạnh – phát triển bền vững 2022 – 2023” Với 11 lần liên tiếp đạt thương hiệu mạnh Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực không ngừng của Tập đoàn Hoa Sen khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xét duyệt về các thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng. Hơn 22 năm thành lập và phát triển, Tập đoàn Hoa Sen hiện là doanh nghiệp số 1 trong ngành sản xuất và kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam; đứng vị trí thứ 11 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2022; vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Sen đã tăng 205 lần từ 30 tỷ đồng lên hơn 6.159 tỷ đồng; số lượng nhân sự tăng 340 lần từ 22 nhân viên lê­n hơn 7.500 cán bộ, công nhân viên. Số lượng chi nhánh đã tăng lên 160 lần từ 3 chi nhánh đầu tiên đến nay đã có gần 500 chi nhánh – cửa hàng, hệ thống siêu thị Hoa Sen Home trải dài khắp 63 tỉnh thành; cùng hệ thống sản xuất 10 nhà máy lớn trên toàn quốc; mạng lưới kênh xuất khẩu đến hơn 87 quốc gia - vùng lãnh thổ. Thương hiệu tôn Hoa Sen, ống thép Hoa Sen, ống nhựa Hoa Sen đã trở thành thương hiệu quốc gia được hàng chục triệu người Việt Nam yêu mến và tin dùng. Tập đoàn Hoa Sen đã chọn cho mình con đường xây dựng thương hiệu khác biệt dựa trên triết lý kinh doanh cốt lõi "Trung thực - Cộng đồng - Phát triển". Hoa Sen khẳng định giá trị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh, dịch vụ hậu mãi tốt và thương hiệu gắn kết cộng đồng, luôn thực hiện nghiêm ngặt 4 cam kết vàng trong bán hàng: “Đúng giá, đúng tiêu chuẩn, đúng chất lượng, được bảo hành”. Toàn cảnh Lễ Công bố và vinh danh TOP 10 và TOP 50 thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 - 2023 Với những thành tích đạt được trong sản xuất, kinh doanh và những đóng góp tích cực cho cộng đồng, Tập đoàn Hoa Sen vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong và ngoài nước: Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước CNXHCN Việt Nam trao tặng; thương hiệu tôn Hoa Sen, ống thép Hoa Sen, ống nhựa Hoa Sen được vinh danh "Thương hiệu quốc gia" 6 lần liên tiếp, từ năm 2012 đến nay; tôn Hoa Sen và ống thép Hoa Sen được vinh danh giải Vàng chất lượng quốc gia năm 2019 - 2020; doanh nghiệp xuất khẩu uy tín nhiều năm liền,…. Giải thưởng “Top Thương hiệu mạnh - Phát triển bền vững 2022 - 2023” một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín và cam kết của một thương hiệu Việt luôn tạo ra giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội, hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực. Xuân Phúc  

Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về thang máy

BTĐKT - Sáng 5/10, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội thảo Thông tin thang máy quốc tế PALEA/VNEA - Quy tắc và an toàn trong thang máy" do Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn châu Á - Thái Bình Dương (PALEA) tổ chức; Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) là đơn vị chủ nhà đăng cai hội thảo. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đứng ra đăng cai tổ chức hội thảo quốc tế về thang máy. Toàn cảnh hội thảo Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh hy vọng hội thảo không chỉ là tiền đề để xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về thang máy mà còn thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực và quốc tế. Ông Eric Darmenia, Thư ký PALEA phát biểu chào mừng hội thảo Ông Eric Darmenia, Thư ký PALEA cho biết: Việc PALEA lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức và VNEA là đơn vị đăng cai sự kiện là một phần kết quả của những hoạt động xúc tiến giữa VNEA và PALEA trong thời gian gần đây, khẳng định những nỗ lực của VNEA trong việc thúc đẩy cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế cho ngành thang máy Việt Nam. Sự kiện mang tính toàn cầu này là dịp để các nhà lãnh đạo đầu ngành, các cơ quan quản lý cùng đề xuất phương hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thang máy cũng như những yêu cầu cấp thiết của ngành. Các chủ đề chính được chú trọng tại hội thảo bao gồm các sáng kiến nhằm đóng góp, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành thang máy tại khu vực cũng như quốc tế; các vấn đề cấp thiết liên quan tới làn sóng khủng hoảng thang máy cũ và giải pháp bảo trì, hiện đại hóa hệ thống thang máy, thang cuốn hiện có… Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao an toàn ngành thang máy; hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy toàn cầu hướng tới “thương mại không rào cản”, thúc đẩy thành công phát triển bền vững và mở khóa tăng trưởng xanh cho ngành thang máy. Sự kiện mong muốn đem đến những thay đổi tích cực và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho ngành thang máy khu vực và hơn thế nữa. Phương Thanh

Trang