Kinh tế

Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định

TĐKT - Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là một trong những nhận định nổi bật của Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố. Theo Báo cáo, trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trùng với đợt dịch thứ tư. Trong thời gian diễn ra hai làn sóng này toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Đồng thời, người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh và vững chắc hơn. Báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere) có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở nước ta, tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại mọi địa phương. Tuy nhiên, Báo cáo nhấn mạnh sự phát triển nhanh của thương mại điện tử nước ta phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo cáo năm nay đã phân tích kỹ hơn hai điều kiện cần này đối với thương mại điện tử giai đoạn tới. Đồng thời, VECOM tiếp tục đề xuất các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động hỗ trợ các địa phương thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa phương chịu phong toả nặng nề nhất để phòng chống Covid-19 nhưng tiếp tục dẫn đầu về thương mại điện tử. Trong khi đó, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước. Toàn văn Báo cáo EBI 2022: http://ebi.vecom.vn/Bao-Cao/Noi-dung-bao-cao/48/Bao-cao-Chi-so-Thuong-mai-dien-tu-Viet-nam-2022.aspx Phương Thanh

200 gian hàng tham gia Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3 tại Việt Nam

TĐKT - “Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3 tại Việt Nam - VIETNAM DAIRY 2022” diễn ra từ ngày 31/5 - 4/6/2022 tại Cung Văn hóa Hữu nghị - 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành Sữa Việt Nam. Triển lãm do Hiệp hội Sữa Việt Nam - VDA, Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam - VIETFAIR phối hợp tổ chức tổ chức, là dịp chào mừng “Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6” và Ngày Sữa Thế giới - World Milk Day 1/6. Ban Tổ chức thông tin về Triển lãm Triển lãm quy tụ 200 gian hàng của các đơn vị là những thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế trưng bày và giới thiệu thương hiệu sữa và các sản phẩm sữa; nguyên liệu phụ gia sử dụng trong ngành sữa; công nghệ, dây chuyền và bao bì phụ kiện trong chế biến sữa; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; các doanh nghiệp kinh doanh giống bò sữa; thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y; công nghệ xử lý môi trường, hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; tài chính, ngân hàng, dịch vụ tư vấn, du lịch, vận tải; tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng… Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức chức phối hợp với các cơ quan hữu quan, giới chuyên môn, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam và doanh nghiệp đồng hành, tổ chức các hội thảo chuyên ngành: Hội thảo “Ngành sữa Việt Nam phát triển trong điều kiện bình thường mới” từ 14h - 16h45 ngày 1/6/2022; Hội thảo “Sử dụng các công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi bò sữa” từ 08h30 - 11h30 ngày 2/6/2022; Hội thảo “Sữa, sản phẩm sữa với tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid -19 tại Việt Nam” từ 14h -16h45 ngày 2/6/2022; Hội thảo “Chuyển đổi số Công nghiệp 4.0 - Chiến lược triển khai và ứng dụng trong ngành Công nghiệp Sữa” từ 9h – 11h30 ngày 3/6/2022. Đồng thời Ban tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp đồng hành tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày Sữa thế giới” - Chương trình “Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6” với các chương trình văn nghệ chào mừng; khu vui chơi với các hoạt động rèn luyện thể chất dành cho thiếu nhi; chương trình “Trải nghiệm sản phẩm sữa”: Tặng sản phẩm, tư vấn sử dụng của các nhãn hàng; các hoạt động phổ biến kiến thức; tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; cách sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa… Tới gian hàng triển lãm, các cháu thiếu nhi sẽ được tham dự miễn phí nhiều trò chơi hấp dẫn PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - VDA cho biết: Tham dự “Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3 - VIETNAM DAIRY 2022” là các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế như Vinamilk, Friesland Campina, Nestle, Nutifood, Abbott, Vinasoy, Nutricare, Vitadairy, Aiwado… và một số các thương hiệu quốc tế đại diện cho ngành sữa của các quốc gia: Newzealand, Pháp, CH Séc,… Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 14h00 ngày 31/5 đến 12h00 04/6/2022; hàng ngày khách tham quan sẽ được trải nghiệm sản phẩm tại khu trải nghiệm của Ban tổ chức và các gian hàng triển lãm, các cháu thiếu nhi sẽ được tham dự miễn phí các trò chơi tại “Khu Nông trại vui vẻ” và các trò chơi nhà bóng, nhà phao, nặn sáp, tô tượng… Triển lãm các cháu sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ thiếu nhi trình diễn nghệ thuật, chú hề vui nhộn… Ban tổ chức tin tưởng rằng Triển lãm sẽ thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan đến từ các tỉnh thành, sinh viên các Trường Đại học có đào tạo ngành công nghệ thực phẩm, hợp tác xã, hộ chăn nuôi bò – bò sữa và đông đảo người dân; những người đang có nhu cầu sử dụng sữa, sản phẩm sữa, các tổ chức cá nhân muốn tìm hiểu cơ hội kinh doanh Sữa và sản phẩm Sữa tại Việt Nam,… Triển lãm VIETNAM DAIRY 2022 sẽ thực hiện tốt vai trò là cầu nối, giúp các doanh nghiệp tăng cường quan hệ trao đổi thương mại, khoa học kỹ thuật với các đối tác trong và ngoài nước góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành Sữa Việt Nam. Phương Thanh

Tiến tới xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số

TĐKT- Xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao là mục tiêu mà Tổng Cục Hải quan đang hướng tới. Tiến tới xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số Theo đó, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đưa ra những giải pháp về thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác giữa cơ quan Hải quan với các bên liên quan. Trong đó, về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi: Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu; tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao. Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Triển khai Hải quan xanh đó là, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, kịp thời ngăn chặn các vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái bảo vệ động vật hoang dã. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các Hải quan Vùng. Xây dựng, triển khai mô hình địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, Chiến lược đặt ra sẽ xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh. Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng Hải quan Vùng. Việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan theo hướng tập trung theo phương thức điện tử. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện. Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đội ngũ công chức cấp Chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp Tổng cục và Hải quan vùng. Hồng Thiết  

Triển lãm “Sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường 2022” trên nền tảng công nghệ thực tế ảo

TĐKT - Sáng 20/5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (gọi tắt là Ban Tổ chức 248) tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Đề án Hội chợ triển lãm "Sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường 2022". Ban Tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Đề án Hội chợ triển lãm Hội chợ triển lãm do Ban Tổ chức 248 phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức (Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần IEX Group phối hợp thực hiện). Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thể hiện được tính đặc thù so với các hội chợ triển lãm thông thường đó là gắn liền văn hóa doanh nghiệp với trách nhiệm với xã hội và môi trường. Qua đó, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm tiềm năng hợp tác và đầu tư mở rộng thị trường; giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm có uy tín và đạt chất lượng cao, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đây là một trong những sự kiện sẽ được diễn ra hàng năm trong khuôn khổ hoạt động của Ban Tổ chức 248. Các hoạt động chính của Triển lãm: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường; xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; tọa đàm với chủ đề: Vai trò doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội; trao chứng nhận cho các nhà tài trợ tích cực hưởng ứng sự kiện và có sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Điểm nổi bật nhất của sự kiện lần này đó là Hội chợ triển lãm sẽ được tổ chức trên nền tảng công nghệ thực tế ảo - hình thức triển lãm dựa vào nền tảng trực tuyến, cho phép người xem tham gia và tương tác như các sự kiện bình thường bằng các thiết bị thông minh như smartphone, PC, table, thiết bị VR... Các doanh nghiệp tham dự Hội chợ triển lãm sẽ được nhận diện thương hiệu, sản phẩm trong không gian showroom ảo với đa tính năng liên kết, là cơ hội được kết nối giao thương hiệu quả theo mô hình B2B và B2C. Việc tổ chức Hội chợ triển lãm ảo cũng là một trong những hoạt động tích cực để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Hội chợ triển lãm với chủ đề "Sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường 2022" dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 29/7 - 29/8/2022. Phương Thanh

Hội thảo “Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”

TĐKT - Ngày 19/5, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”. PGS. TS Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo Tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – chia sẻ: Nghị quyết số 43 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2022. Đây là Nghị quyết có tính đặc thù vì hầu hết các Nghị quyết của Quốc hội có chứa nội dung quy phạm pháp luật đều có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Điều này khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách của các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định tại phiên họp bất thường của Quốc hội. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, có một số ý kiến cho rằng thời điểm ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển là chậm so với yêu cầu hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, cuối năm 2020 đã nghiên cứu chuẩn bị khá kỹ lưỡng, Chính phủ đã phải chủ động trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định sớm hơn vào tháng 7, 8/2021, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa gắn với mục tiêu phục hồi sản xuất và kinh doanh. Thời điểm đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, không bị áp lực giá cả và lạm phát tăng lên, dư địa nới lỏng tiền tệ thuận lợi hơn để thực hiện mục tiêu chính sách. Thời điểm thực hiện Nghị quyết số 43 từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 có nhiều yếu tố không thuận như: Áp lực giá cả, lạm phát tăng cao hơn, việc nới lỏng tiền tệ gặp bất lợi, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng cao hơn so với dự đoán cũng tạo áp lực tăng lãi suất huy động. “Vấn đề đặt ra thời gian tới là, phải phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào để có môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi nhằm thực hiện Nghị quyết số 43 có hiệu quả.” - PGS.TS Đinh Văn Nhã nêu ý kiến. Kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện một số chính sách tài chính, TS Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội – nhìn nhận, đánh giá các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh đã được ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, đơn giản hoá quy trình, thủ tục. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã hỗ trợ các đối tượng bị tổn thương vì đại dịch Covid-19 tương đối sớm, đúng đối tượng, và kịp thời. Tuy nhiên thực tế thực thi chi NSNN cho thấy, các chính sách còn tương đối thận trọng, quá chặt chẽ và mang tính “nghe ngóng”, nhất là giai đoạn từ Quý III/2021 trở về trước; trong khi đó, còn nhiều lỗ hổng về giám sát mua sắm trang thiết bị, thuốc phòng, chống Covid-19 khiến tham nhũng xuất hiện trong hệ thống các trung tâm y tế kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa  phương. Việc quy định quá chặt chẽ trong hỗ trợ của Chính phủ khiến người thụ hưởng nhận sự hỗ trợ còn chậm so với dự kiến. Các liều hỗ trợ không tính đến đầy đủ trường hợp bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng nên khi những điều này xảy ra khiến mức hỗ trợ trở nên nhỏ giọt. Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023 được thiết kế để giúp hồi phục nhanh và vững chắc hơn nền kinh tế trên cơ sở đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn và thực hiện chủ trương từ bỏ Zero Covid. PV

Ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam

TĐKT - Sáng 17/5, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chính thức ra mắt. Theo Quyết định số 343/QĐ-BNV được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 27/4/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được cho phép thành lập, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội phát biểu tại Lễ ra mắt Đại hội lần thứ I của Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Blockchain Việt Nam được tổ chức vào sáng ngày 16/5/2022 tại Khách sạn Melia, Hà Nội đã đánh dấu sự thành lập của Hiệp hội, công bố ban chấp hành chính thức, tôn chỉ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội. Trong đó, trọng tâm là chuỗi chương trình hành động ứng dụng blockchain với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số, sớm đưa Việt Nam ngang tầm quốc tế về kinh tế số và sẽ bắt đầu từ chương trình hành động thiết thực: nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ blockchain trong mọi mặt đời sống kinh tế. Như vậy, Hiệp hội Blockchain Việt Nam trở thành cầu nối có tính pháp nhân duy nhất giữa Cộng đồng Blockchain Việt Nam với các cơ quan, ban ngành Nhà nước nhằm xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu quốc gia kỹ thuật số - kinh tế số. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam. Hiệp hội sẽ thực hiện những nhiệm vụ như: cùng với các thành viên mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, triển khai, kinh doanh công nghệ blockchain theo quy định của pháp luật Việt Nam; thu hút đầu tư cho hoạt động của ngành blockchain, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số. Công bố hợp tác toàn diện về thúc đẩy chiến lược ứng dụng blockchain trong kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự du nhập và phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain. Khi số doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và kỹ sư theo đuổi công nghệ blockchain ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ cũng ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, một tổ chức chính thức có đầy đủ pháp nhân để đáp ứng tốc độ mở rộng và mục tiêu phát triển vững mạnh của cộng đồng Blockchain Việt Nam là hết sức cần thiết. Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: "Hiệp hội Blockchain Việt Nam cam kết góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu tư vấn xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain. Trong thời gian tới đầy, Hiệp hội rất mong nhận được sự tham gia và đóng góp xây dựng nhiệt tình của các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam nhằm xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh hơn nữa cả về chất và lượng". Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chia sẻ tại Lễ ra mắt: Chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam có phối hợp, hỗ trợ Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Hiện Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được Chương trình này ưu tiên. Ra đời đúng dịp kỷ niệm 8 năm ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam (18/05/2022), Hiệp hội Blockchain Việt Nam được kỳ vọng là bước tiến tiếp theo của ngành khoa học – công nghệ trong nước, góp phần tích cực vào sự tăng tốc của nền kinh tế số, từ đó, tạo ra nhiều thành tựu hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Phương Thanh

Phổ biến “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”

TĐKT - Ngày 13/5, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia tổ chức Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính Trương Hùng Long Đến dự Hội nghị có đại diện của các tổ chức quốc tế ADB, IMF, WB, Ngân hàng Standard Chartered Bank - tổ chức tư vấn XHTN cho Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Quốc hội, các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Ngày 31 tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Đề án do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, đã đánh giá kết quả đạt được trong công tác XHTN quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 và đề xuất mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng XHTN của Việt Nam lên hạng Đầu tư.   Để đạt được các mục tiêu của Đề án, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm như sức mạnh kinh tế, tài khóa, đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế, khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu. Toàn cảnh Hội nghị Hiện theo đánh giá của 3 tổ chức XHTN Moody’s, S&P và Fitch, Việt Nam đạt mức BB (theo Fitch và S&P), mức Ba3 theo Moody’s; cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi. Việc tiếp tục cải thiện XHTN quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của Đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Việc củng cố các yếu tố cấu thành XHTN của một quốc gia là động lực chính để cải thiện XHTN quốc gia; ngược lại, việc thường xuyên duy trì đánh giá XHTN sẽ thúc đẩy tiếp tục cải cách sâu rộng các lĩnh vực này. Liên quan trực tiếp đến vay nợ, việc nâng bậc tín nhiệm góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ và doanh nghiệp vay vốn trong nước và quốc tế với chi phí hợp lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần. Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án, nhằm kịp thời phổ biến cho các cơ quan, tổ chức liên quan về Đề án. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần chung tay, nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các chiến lược ngành, lĩnh vực, triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu Đề án, góp phần phấn đấu nâng XHTN của Việt Nam lên hạng Đầu tư. Hồng Thiết

44 giải pháp tiêu biểu về tiếp thị và công nghệ số đạt Giải thưởng BEST SOLUTION AWARDS

TĐKT - Ngày 12/5, tại Hà Nội, Chi hội Tiếp thị & Công nghệ số (DTM) trực thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng BEST SOLUTION AWARDS. Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các giải pháp tiêu biểu về tiếp thị và công nghệ số Best Solution Awards 2021 (BSA 2021) được xem như “sân đấu tài năng” của các giải pháp tiếp thị số, thương mại điện tử xuất sắc và là bảng tham chiếu cho các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm giải pháp phù hợp. Điểm khác biệt so với các giải thưởng khác trong ngành, giải pháp được nhận giải thưởng Best Solutions Award 2021 (BSA 2021) được quyết định không chỉ từ Hội đồng Thẩm định mà còn dựa trên sự bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân đã sử dụng giải pháp tham gia đánh giá. Năm 2021 là năm đầu tiên BEST SOLUTION AWARDS được tổ chức, Lễ Họp báo công bố từ tháng 11/2021, Best Solution Awards đã nhận được đông đảo lượt đăng ký tham gia & quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp. Trải qua quá trình làm việc nghiêm túc và công tâm, Ban thẩm định đã chọn ra được 44 giải pháp được vinh danh đạt BEST SOLUTION AWARDS 2021. Thông qua việc đánh giá, bình chọn, ông Đỗ Hữu Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số nhận định rằng “Việt Nam đã có một hệ sinh thái giải pháp Ecom, Martech đầy đủ và chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng để các doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến nhỏ dễ dàng sử dụng để chuyển đổi số và kinh doanh online thành công”. Landscape các giải pháp Best Solutions - bảng tham chiếu cho các doanh nghiệp lựa chọn xem tại : https://bsa.vecom.vn Phương Thanh

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc

TĐKT - Ngày 12/5, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính". Diễn đàn nhằm kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ góc nhìn, bình luận, dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023 và triển vọng tăng trưởng của các ngành kinh tế chính. Đây là vấn đề được rất nhiều chủ thể quan tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết và xung đột Nga - Ukraine ngày một căng thẳng, đang tạo nên những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Toàn cảnh Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của Việt Nam. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tại Nghị quyết số 01, Chính phủ đặt ra các chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022. Theo đó: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5% ; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn Cùng với đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 với tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn... Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan. Điều đáng mừng là quý I/2022 , Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 44.591 doanh nghiệp. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018 - 2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022... Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam, nhưng Thứ trưởng cũng lưu ý về những thách thức mới và khó lường xuất hiện trong môi trường kinh doanh. Thứ trưởng chỉ rõ, đại dịch Covid-19 dù đã được khống chế ở nước ta, nhưng chưa kết thúc, trong khi bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn, đòi hỏi công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều. Thứ trưởng tin tưởng, những phân tích, dự báo được chia sẻ tại Diễn đàn sẽ có đóng góp tích cực không chỉ với công tác hoạch định chính sách, mà còn hữu ích đối với hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Bên cạnh bức tranh dự báo kinh tế vĩ mô, tại Diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận về triển vọng kinh tế ngành giai đoạn 2022 - 2023 và xa hơn dựa trên phương pháp phân tích dữ liệu khoa học, để đưa ra những góc nhìn đáng tin cậy cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang quan tâm đến câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (ban hành tại Nghị quyết số 11/NQ-CP) tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/năm giai đoạn 2021 – 2025. Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính: Thứ nhất, khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình. Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới. Đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của Covid, đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Ông Francois Painchaud kiến nghị, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Ông cũng kiến nghị Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dức quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính. Phương Thanh

Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch

(TĐKT) - Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF 2022) chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" được tổ chức tại hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh ngày 10/5 và Hà Nội ngày 12/5 đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, sau 6 năm tổ chức, VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM phát biểu khai mạc diễn đàn VOBF 2022. Ảnh: VOBF. Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử đã trở thành chương trình quy mô lớn và uy tín, địa điểm kết nối và quy tụ nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu tham gia giao lưu và chia sẻ. Sự kiện có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số Việt Nam từ VECOM, Meta, NielsenIQ, IM GROUP, Pencil Group, Tiktok, Lazada, Do Ventures, Haravan, Accesstrade, TSS, EZChain, GoSELL, ONUS, Droppii, Vietguys, VN Post, Leflair Group, Sapo,… với hơn 2.000 đại biểu, khách mời tham dự tại hai miền. Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.000 người tham dự, gồm đại diện các Sở Công thương phía Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham gia. VOBF 2022 mang đến chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp. VOBF 2022 thu hút đông đảo sự quan tâm của các doanh nghiệp, cộng đồng. Ảnh: VOBF. Dựa trên tinh thần cấp thiết, kịp thời, Diễn đàn được đánh giá là thực tế và hữu ích với các mô hình hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có góc nhìn chuyên sâu và đa chiều để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử, kịp thời cập nhật những xu hướng hiệu quả, đặc biệt là giải pháp chuyển đổi thông qua những nội dung chia sẻ, gợi ý từ các phiên toạ đàm của VOBF 2022. Sau đại dịch, môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi, công nghệ đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung. Sự kiện năm nay gồm bốn phiên thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch. Mở đầu diễn đàn, phiên một chia sẻ về "Tín hiệu phục hồi toàn cầu". Phiên đầu tiên đưa ra những báo cáo và phân tích sâu sắc về thị trường thương mại điện tử 2021, dự đoán xu hướng nổi bật 2022 cũng như những gợi ý để tăng trưởng sau đại dịch. Kế tiếp, phiên thứ hai với nội dung chính "Kết nối toàn cầu trở lại" trao đổi về chiến lược thương mại điện tử để phát triển doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phiên thứ hai chia sẻ về cơ hội đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu tại thị trường Đông Nam Á cũng như chiến lược phục hồi cho du lịch và nền tảng giải trí kết hợp mua sắm TikTok Shop. Phiên thứ ba chia sẻ "Lực đẩy", nội dung thảo luận xoay quanh giải pháp giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng và tăng trưởng doanh thu bền vững, đặc biệt là những công nghệ thúc đẩy tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các đại biểu, khách mời đến tham dự được lắng nghe về hành trình cán mốc 2 triệu người dùng trong 18 tháng của một nền tảng đầu tư được xây dựng và phát triển bởi người Việt. Sau cùng, phiên thứ tư với nội dung "Công nghệ tương lai của thương mại điện tử" trao đổi về những cơ hội, thách thức Blockchain Việt Nam trong năm 2022. Cũng như những lợi thế khác biệt từ việc ứng dụng Blockchain trong ngành thương mại điện tử. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được công bố tại Diễn đàn, năm 2021 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,6% so với năm trước thì ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai. Ba lĩnh vực có mối quan hệ qua lại khăng khít là bán lẻ trực tuyến (Online Retail), tài chính số (FinTech) và giao hàng chặng cuối (Last Mile Delivery) cùng tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh tương đối mới như giáo dục số (EdTech), bất động sản số (PropTech) hay chăm sóc sức khỏe số (HealthTech) có sự tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, dịch vụ tiếp thị số (Digital Marketing) gặp nhiều khó khăn và dịch vụ du lịch trực tuyến (Online Travel) suy giảm nghiêm trọng. Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD. Phương Thanh

Trang