TĐKT - Với “Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030", Hải quan Việt Nam được định hướng xây dựng chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh ... Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC).
Hải quan đẩy mạnh Cải cách thể chế, thủ tục hành chính
Xác định được tầm quan trọng của công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã chủ động đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đối với đề án đã trình Chính phủ, thứ nhất, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Thứ hai, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (thay thế Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/2/2019 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện dự thảo: Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC; Thông tư thay thế các Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 05/9/2020 và Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 về xuất xứ hàng hóa;...
Theo đó, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật về hải quan theo định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, một số văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, phải lấy ý kiến các bộ, ngành nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ ban hành (như Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia). Một số đề án nghiên cứu các vấn đề mới nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực tế (như Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục KTCL và KTATTP đối với hàng hóa nhập khẩu).
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, đồng thời nghiêm túc triển khai các kế hoạch, chỉ thị tới các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục.
Kết quả, Hải quan đã hoàn thành việc cung cấp tài liệu kiểm chứng phục vụ chấm điểm chỉ số PAR INDEX năm 2021 của Bộ Tài chính; triển khai đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2021 của Tổng cục Hải quan theo yêu cầu của Văn phòng Bộ; tổ chức đánh giá và chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021 của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 5 thủ tục hành chính (TTHC); rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại 5 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; tiếp tục rà soát và cập nhật quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác CCHC nói chung và công tác kiểm soát TTHC nói riêng, qua đó góp phần tăng điểm số Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Bộ Tài chính. Công tác cải cách TTHC của Tổng cục Hải quan tiếp tục được đẩy mạnh thông qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng cơ chế đến nguồn nhân lực theo hướng tạo thuận lợi, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quy trình xử lý công việc của đơn vị và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, triển khai vận hành Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
La Giang