Kinh tế

Hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam

TĐKT - Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022, nhằm góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tiếp tục xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Căn cứ Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong tình hình mới; Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã ban hành Kế hoạch triển khai “Cuộc vận động năm 2022 với mục tiêu thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thích ứng linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tạo sự thống nhất đồng bộ từ trung ướng đến các địa phương về triển khai các nội dung Cuộc vận động; tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, nội dung trọng tâm của Cuộc vận động trong năm 2022 là tập trung vào công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, khảo sát. Tập trung vào các hoạt động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, khảo sát việc đăng ký nhãn hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất; hoạt động tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỉ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, về tỷ trọng hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Tổ chức giám sát đột xuất khi có các sự việc ảnh hưởng đến bình ổn giá, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp địa phương. Ngoài ra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt theo quy định của các cơ quan, tổ chức khi sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Một trong những hoạt động trọng tâm khác là tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Kế hoạch tập trung việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng. Vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam. Phương Thanh

Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc

TĐKT - Ngày 21/4, Bộ Tài chính long trọng tổ chức Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, góp phần cùng ngành Tài chính và Chính phủ đạt được các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh. Lễ công bố hệ thống HĐĐT toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 477 điểm cầu. Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, đến dự Lễ công bố có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định, đồng thời hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai HĐĐT trên cả nước, nhằm mục tiêu đến trước ngày 1/7/2022 đảm bảo bao phủ HĐĐT trên toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Để kịp thời triển khai hệ thống HĐĐT, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương, quyết liệt xây dựng kế hoạch, phương án triển khai; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT tại địa phương; tổ chức đào tạo, truyền thông, tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện HĐĐT, cũng như những nội dung mới để người dân, DN hiểu và tích cực tham gia thực hiện áp dụng HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng để triển khai HĐĐT tại 63 tỉnh, thành phố. Kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc Ngay sau thời điểm công bố, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt 6 Cục Thuế tập trung cao nhất các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ DN xử lý kịp thời các vướng mắc thông qua nhiều phương thức như: Hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot. Tổng cục Thuế cũng tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống HĐĐT 24/7, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế (NNT). Thực hiện kết nối với 25 tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT và đăng tải công khai thông tin của 25 tổ chức truyền nhận và 83 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT trên Cổng TTĐT Tổng cục Thuế. Thành lập Trung tâm điều hành và hỗ trợ triển khai HĐĐT tại Tổng cục và 6 Cục Thuế để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai. Với các giải pháp đồng bộ và được triển khai thực hiện thống nhất nên đến ngày 31/3/2022, toàn bộ các tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Đối với tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu kết nối gửi dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến cơ quan thuế: Tổng cục Thuế đã và đang tổ chức triển khai kết nối với các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty GAS Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex,... Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn trong đó có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn. Hồng Thiết

Hải quan xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

TĐKT - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, triển khai nghiêm túc, ban hành hiệu quả kế hoạch CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Hải quan xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên Chuyển biến tích cực trong xây dựng cơ chế, chính sách hải quan Thực hiện Quyết định số 2517/QĐ-BTC ngày 27/12/2021 của Bộ Tài chính về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong quý I/2022, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đối với đề án đã trình Chính phủ; đồng thời tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật hải quan. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Chú trọng công tác cải cách hành chính Bên cạnh việc chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hải quan, Tổng cục Hải quan đã thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, ban hành các kế hoạch CCHC gồm: Kế hoạch CCHC, Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, Chỉ thị về việc đẩy mạnh CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Nhằm phục vụ công tác đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc tập hợp và cung cấp tài liệu kiểm chứng, hoàn thành việc tích phiếu điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ nhằm phản ánh chính xác, khách quan kết quả CCHC của Bộ Tài chính, góp phần giữ vững vị trí tốp đầu của Bộ Tài chính trong chấm điểm chỉ số PAR INDEX. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang triển khai thực hiện đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2021 đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc. Về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Tổng cục Hải quan đã tham gia ý kiến dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC của Bộ Tài chính, theo đó rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại dự thảo Báo cáo và sẽ xây dựng phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các TTHC liên quan đến mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện số hóa mẫu kết quả giải quyết TTHC theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Kết quả trong quý I/2022: Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC toàn ngành là 3.867.726 hồ sơ, trong đó 3.862.612 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn và 5.114 hồ sơ đang giải quyết. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác CCHC theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính như đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình làm thủ tục hải quan, triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử, giám sát hải quan tự động, nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến qua đó tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao trình độ, nhận thức của đội ngũ công chức trong toàn ngành, quyết tâm thực hiện tốt công tác CCHC của cơ quan Hải quan giữ vững vị trí đứng đầu trong Ngành Tài chính. Hồng Thiết

Đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng Kho bạc số

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Chiến lược hướng đến phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT) là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức của Kho bạc Nhà nước để tạo động lực phát triển Kho bạc Nhà nước đồng bộ, toàn diện. Mục tiêu mà Chiến lược đặt ra là đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số. Cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện. Liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, Kho bạc Nhà nước tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 - 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công. Đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế. Đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 1 - 2 ngày. Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính – ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, thời gian lập và trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước hàng năm giảm từ 6 - 12 tháng so với năm 2020. Trước năm 2025, Kho bạc Nhà nước chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020. Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 cũng đề ra một loạt các giải pháp gồm: Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kết toán nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ… La Giang

Chắp cánh cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam bay cao hơn và xa hơn

TĐKT - Ngày 20/4/2022, tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và các đối tác trong nước và quốc tế đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”. Diễn đàn năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Tuần lễ được diễn ra từ ngày 18/4 – 24/04/2022 nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 cũng như tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) và quảng bá các sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã được Chính phủ công nhận. Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết: “Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Nâng tầm vị thế - Chắp cánh bay xa” được Bộ Công Thương tổ chức hôm nay trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bình thường hóa các hoạt động kinh tế, hướng tới phục hồi kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ sau hai năm bị đứt gãy do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Với các nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn, tôi rất mong các doanh nghiệp Việt Nam thấy được giá trị Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến việc quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu để nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế” Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng chia sẻ: “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vui mừng chứng kiến sự phát triển không ngừng của cộng đồng NVNONN và những đóng góp của cộng đồng cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới”. Diễn đàn tập trung vào các chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong khuôn khổ Diễn đàn, bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ có bài trình bày với chủ đề “Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp: Tiếp cận từ góc nhìn quốc tế” đã giúp các doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp trong sự phát triển và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp. Do vậy, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trưng bày sản phẩm bên lề Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 Cũng là câu chuyện liên quan đến xây dựng thương hiệu quốc gia, bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever đã có chia sẻ xung quanh việc các quốc gia đã duy trì được hình ảnh và vị thế của mình trong những năm vừa qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Từ đó, đã đưa ra một số đề xuất để nâng cao hơn nữa về thương hiệu quốc gia Việt Nam một cách toàn diện, trong đó bao gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống - giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cải thiện tính bền vững, khôi phục du lịch sau Covid và xây dựng các thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực. Nhận định về vấn đề này, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có phần chia sẻ về “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”. Những năm gần đây, thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu. Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 đã có phiên tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế để tập trung làm rõ hơn những ý tưởng để cộng đồng doanh nghiệp vận dụng trong câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt việc quảng bá thương hiệu thông qua hệ thống kiều bào và mạng lưới các trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ. Cũng tại tọa đàm, việc tận dụng những lợi thế của thương hiệu quốc gia đem lại trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng hiệu quả hơn, chắp cánh cho Thương hiệu Việt Nam bay cao hơn và xa hơn trên bản đồ thương hiệu thế giới. Phương Thanh

Tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại

TĐKT - Từ đầu năm đến nay, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng làm ăn phi pháp. Trước vấn nạn đó, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh. Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cùng với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán, Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2022. Giám sát trực tuyến là công cụ hữu hiệu để phát hiện hàng lậu  Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là mặt hàng pháo nổ đã giảm hơn so với năm trước. Cùng với đó, Tổng cục hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố triển khai thực hiện: Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/01/2019 của Quốc hội trong lĩnh vực điều tra hình sự; Kế hoạch chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ 2022; Chiến dịch IRENE III do RILO AP chủ trì; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, than; cảnh báo việc lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh. Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ, Canada và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông. Kết quả trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.706 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.282 tỷ 369 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 69 tỷ 916 triệu đồng, Cơ quan hải quan khởi tố 17 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin cực lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP Hồ Chí Minh, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển, đây là hiện tượng đáng báo động. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính phân công triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, đồng thời tham gia ý kiến với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an về dự thảo Nghị định quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất. Hồng Thiết

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế

TĐKT -  Trước tình hình mới hiện nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đã tiếp tục đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển kinh tế, để Thành phố luôn dẫn đầu về mọi mặt. Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn là đề tài nóng bỏng và có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định cho tăng trưởng bền vững và cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam. Đây là thông điệp đã được Chính phủ nhấn mạnh và quyết tâm thực hiện trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đã được khẳng định cụ thể qua các chương trình hành động quyết liệt trong thời gian qua, đặc biệt thông qua các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. “Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế”. Để tạo động lực cho đà cải cách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì yếu tố quan trọng nhất là luôn tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu Covid-19. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bằng các hành động cụ thể, nhanh chóng sửa đổi những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành nhằm tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới. Với nội dung “Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế” và “Logistics Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh”, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phối hợp, đồng hành cùng Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp với quyết tâm nỗ lực cao nhất, vượt qua những khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế, để Thành phố luôn là cánh chim đầu đàn về phát triển kinh tế, là trung tâm tài chính - kinh tế khu vực trong tương lai gần. Đồng thời, hoạt động logistics phát triển cũng góp phần giúp cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan Hải quan quản lý tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Theo thống kê của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, năm 2021, mặc dù bị tác động rất lớn bởi đại dịch nhưng sức phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của thành phố rất lớn. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tính đến 31/12/2021 Cục Hải quan thực hiện đạt 127,33 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 116,28 tỷ USD. Nếu không tính tác động của đại dịch, dự kiến đến năm 2025, tổng kim ngạch XNK hàng hóa thông qua thành phố dự kiến đạt khoảng 165 tỷ USD (xuất khẩu đạt 80 tỷ USD, nhập khẩu đạt 85 tỷ USD). Thu NSNN của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có thể đạt 130.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỷ đồng vào năm 2030. Mặc dù có tốc độ phát triển trên, nhưng chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại thành phố chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hóa. Hạ tầng giao thông chưa đạt quy hoạch tổng thể của Chính phủ khiến cho dịch vụ logistics chưa thể phát triển đúng tiềm năng. Với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của Đông Nam Bộ, logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của TP Hồ Chí Minh và đây cũng chính là cánh tay nối dài của ngành Hải quan để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Với tôn chỉ mục tiêu “Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển kinh tế”, từ nhiều năm nay, Hải quan thành phố đã luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thông qua việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan, thường xuyên tổ chức các hội nghị, tọa đàm,... để tuyên truyền về các chính sách, quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan cũng như lắng nghe, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và bình đẳng. Để logistics Thành phố phát triển là ngành có vị trí vững vàng, vươn ra khu vực và thế giới cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19,  Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác đối tác và luôn đồng hành giữa Cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển tốt đẹp và bền vững. Các cam kết của Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sẽ được cụ thể hóa bằng việc triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt, phản ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, chủ động tiếp nhận thông tin và đưa ra các hành động xử lý, giải quyết kịp thời nhanh chóng. Thứ hai, triển khai nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 439/CT-TCHQ của Tổng cục Hải quan về thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 và hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2022 là 116.500,0 tỷ đồng.  Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng đến hải quan phi giấy tờ theo tinh thần Chỉ thị 384/CT-TCHQ ngày 08/2/2022 của Tổng cục Hải quan. Thứ tư, triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp và các bên liên quan 2022 và Chương trình cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cam kết là đối tác tin cậy, chung tay phục hồi kinh tế 2022 bằng các hoạt động thiết thực. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội LOGISTICS để đẩy mạnh vai trò đại lý hải quan, thực sự là cánh tay nối dài của cơ quan hải quan, là cầu nối giữa hải quan và doanh nghiệp, hướng đến tính chuyên nghiệp, tự nguyện tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan, minh bạch hóa các khâu thủ tục; thường xuyên hiến kế cho UBND thành phố về kế sách phát triển dịch vụ logistics, cải thiện môi trường đầu tư, phối hợp công tác tạo thuận lợi thương mại trong phạm vi ngành Hải quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, đa dạng nội dung; thường xuyên tham vấn đối thoại doanh nghiệp để tiếp thu các ý kiến, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ năm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ, đặc biệt thực thi các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Hải quan. Cuối cùng là đảm bảo chặt chẽ, an toàn, an ninh thương mại qua biên giới trên địa bàn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chân chính sản xuất, kinh doanh và quyết liệt ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan xảy ra trên địa bàn. Hồng Thiết

Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2022 ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng

TĐKT - Tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ở nhiều địa phương; kết hợp với ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu và giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong quý I năm 2022 và những tháng tới. Tổng thu NSNN quý I/2022 ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) quí I ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: thu nội địa đạt 31,9% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô đạt 52,3% dự toán, tăng 67,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,5% dự toán, tăng 23,3%. Có 9/12 khoản thu nội địa đạt tiến độ khá (trên 25% dự toán), phản ánh hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế đã phát huy tác dụng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi; một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng trưởng khá (như: sản xuất thiết bị điện, trang phục, da, sản phẩm điện tử, máy tính...). Một số khoản thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thuế thu nhập cá nhân tăng 20,7%, chủ yếu nhờ tăng thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán...; thuế bảo vệ môi trường tăng 7,1% do tiêu thụ xăng dầu trong quý I tăng; lệ phí tăng 4,7% nhờ tăng thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhà đất; thu tiền cho thuê đất tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021... Tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021. Có 3 khoản thu tiến độ đạt thấp là thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 17,4% dự toán); thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 22,5%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 22,8% dự toán) chủ yếu do chưa phát sinh thu tiền bán vốn NSNN đầu tư tại các doanh nghiệp. Tổng chi NSNN quý I đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 28,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 23,4% dự toán. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao là 518,1 nghìn tỷ đồng, các địa phương đã giao tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…). Đến hết quý I, các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Do vốn của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chưa được giao kế hoạch và một số dự án khởi công mới đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng,... nên tiến độ giải ngân vốn quý I chậm, nhất là vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 1% kế hoạch. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/3/2022, đã thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm. Hồng Thiết

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, hiệu quả

TĐKT - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp "lách luật" trong phát hành trái phiếu Bộ Tài chính thường xuyên bám sát các diễn biến của thị trường để phân tích, đánh giá và điều chỉnh pháp luật cho phù hợp. Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được áp dụng từ 1/1/2021 và các Nghị định hướng dẫn đã quy định quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ với phát hành TPDN ra công chúng. Theo đó, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành. Doanh nghiệp phát hành phải thực hiện  công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán, đồng thời có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn; các văn bản pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch và tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm. Mới đây nhất, ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán nêu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo UBCKNN kiểm tra các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán của 3 công ty nêu trên, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý nghiêm minh. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Tài chính đã thường xuyên cảnh báo các rủi ro trên thị trường và đưa ra các khuyến nghị đối với từng đối tượng tham gia trên thị trường TPDN. Theo đó: Đối với các nhà đầu tư, cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cũng cần đặc biệt lưu ý, quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp huy động TPDN với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) chào mời, phân phối TPDN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh. Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới. Một số chính sách đang đề xuất bao gồm: Thứ nhất, thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; thứ hai, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu. Thứ ba, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn. Thứ tư, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến rộng rãi qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, cổng thông tin của Bộ Tài chính, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, ý kiến bằng văn bản và đối thoại trực tiếp với thành viên thị trường. Hiện nay, Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp. Hồng Thiết

Tổng cục Thuế thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thuế quý I/2022

TĐKT - Quý I/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ. Kết quả đạt được So với dự toán có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 25%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 27,5%; doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 30%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 34%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước đạt 43,3%; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ước đạt 25,9%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 30,3%; thu phí, lệ phí ước đạt 27,3%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 38%...   Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu So với cùng kỳ, có 11/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng đó là: Thuế TNCN ước tăng 20,6%; thuế BVMT ước tăng 7,1%; lệ phí trước bạ ước tăng 5,1%; phí - lệ phí ước tăng 4,2%; thu tiền cho thuê đất ước tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất ước tăng 21%. Thu ngân sách quý I/2022 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, các DN đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước (bình quân một tháng có 20 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động); tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%. Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%. Bên cạnh việc các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách thì có được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý. Tính đến ngày 14/3/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 4.890 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT) và kiểm tra được 90.503 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 113,32% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 4.255 tỷ đồng  trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.050,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 237,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.967,1 tỷ đồng.  Trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã thu được 7.250 tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 150 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; tiếp tục duy trì, triển khai khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; triển khai hóa đơn điện tử... Triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT ngày 27/09/2021 về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ và công bố triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và c6 Cục Thuế nêu trên. Hệ thống 7 Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế đã và đang vận hành, hoạt động thông suốt, được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính để đảm bảo trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến hết ngày 20/03/2022, đã có 437.453 DN đăng ký và sử dụng HĐĐT theo quy định. Triển khai tiếp HĐĐT giai đoạn 2, Bộ trưởng Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 26/02/2022 và có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực trực thuộc trung ương về việc triển khai phối hợp áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT ngày 14/03/2022 về kế hoạch chi tiết triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố. Đồng thời, gấp rút triển khai các công việc cụ thể như: Triển khai hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai mở rộng trên toàn quốc; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và chỉ đạo 57 Cục Thuế địa phương thành lập Ban chỉ đạo, Tổ triển khai, Trung tâm điều hành HĐĐT tại địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ HĐĐT; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho NTT và cơ quan thuế; giám sát thực hiện và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị để có thể triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh thu ngân sách quý I đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, các đơn vị cần tiếp tục rà soát kỹ nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế phương án điều hành ngân sách cho phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng. Đối với công tác quản lý nợ, cơ quan thuế các cấp cần chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để Tổng cục có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả. Bên cạnh đó, Vụ Quản lý nợ cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có, đẩy nhanh tiến độ xử nợ chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu, các Cục Thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề hoàn thuế GTGT đối với các DN rủi ro cao về thuế. Về triển khai đề án HĐĐT giai đoạn 2 trên phạm vi cả nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành trong quý II năm 2022. Để chuẩn bị triển khai chính thức Lễ công bố triển khai áp dụng HĐĐT trên cả nước dự kiến vào giữa tháng 4/2022 đề nghị các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế (57 cục còn lại thuộc giai đoạn 2) theo đúng tiến độ, thời gian quy định; đồng thời, các vụ, đơn vị cần gấp rút, khẩn trương chuẩn bị các nội dung công việc để tổ chức buổi Lễ sơ kết HĐĐT giai đoạn 1 và công bố triển khai giai đoạn 2 đảm bảo chu đáo, thành công. Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án máy tính tiền và đề án phát hành xổ số kiến thiết theo mã hóa đơn để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua bán hàng hóa. Qua đó góp phần giúp ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồng Thiết

Trang