Kinh tế

Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

TĐKT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ Tài chính; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trước đó ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Sau khi có Chỉ thị số 01/CT-BTC, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị nêu trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường TPDN, cụ thể như sau: Về việc rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-BTC và Thông báo số 396/TB-BTC ngày 12/7/2022 của Bộ Tài chính, rà soát khung pháp lý về phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ được quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết, đề xuất các giải pháp sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế và cơ chế quản lý, giám sát đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, an toàn. Về báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7/2022. Về việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Các đơn vị: Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm. Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành. Khi phát hiện vi phạm các quy định pháp luật thì theo mức độ vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, không đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá; đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. La Giang

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2022 và các rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý

TĐKT - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã phát triển để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường TPDN tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2022 Thủ tướng Chính phủ có 5 công điện chỉ đạo về tăng cường giám sát hoạt động thị trường TPDN. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các chỉ đạo về kiểm tra, siết chặt quản lý giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán thực hiện tư vấn phát hành, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản. Ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về TPDN phát hành riêng lẻ; trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý có vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, yêu cầu các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn chào bán rà soát các điều kiện, hồ sơ phát hành trước khi tổ chức phát hành trái phiếu. Sau những hoạt động tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu. Khối lượng phát hành cũng giảm dần từ tháng 2 đến tháng 4 và đã tăng trở lại trong thời gian gần đây. Theo đó về khối lượng phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4, cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48,8 nghìn tỷ đồng, tháng 4 là 30,6 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng. Trong Quý I/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, khối lượng mua lại trước hạn trong Quý II/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng TPDN. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều thông cáo báo chí và thông tin tuyên truyền để cung cấp tình hình thị trường và khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân. Qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư và lưu ý năm nội dung: Thứ nhất, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành, TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra. Khác với TPDN chào bán ra công chúng được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Với sự phát triển nhanh của thị trường TPDN trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua TPDN riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại). Khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này. Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Thứ ba, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành. Thứ tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại). Thứ năm, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Như vậy, trước khi tham gia mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đảm bảo mình đủ điều kiện được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ vay, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đặc biệt các nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư mua TPDN theo pháp luật dân sự cùng với các cá nhân, tổ chức nào khác vì rủi ro xảy ra là rủi ro của nhà đầu tư theo pháp luật dân sự. Để tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN, ngày 20/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính có công văn số 4078/BTC-VP chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị (Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, Thanh tra Bộ Tài chính và Sở GDCK Việt Nam) tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, UBCKNN sẽ công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các chủ thể trên thị trường được biết. La Giang

29 doanh nghiệp nhận “Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19”

TĐKT – Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch sẽ được đào tạo 1:1 trong 6 tháng và nhận 100 triệu đồng vốn hạt giống để thử nghiệm và hoàn thiện các mô hình kinh doanh sáng tạo, đồng thời nhân rộng những tác động xã hội tiềm năng. Ngày 26/7, tại Hà Nội, Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn Cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã công bố các doanh nghiệp nhận hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của “Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19”. Thành viên Ban Giám Khảo và 3 vườn ươm sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thích ứng với tình hình COVID-19. Các doanh nghiệp nhận gói hỗ trợ Mặc dù Việt Nam có một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đang phát triển nhanh chóng và sôi động, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững vừa cân bằng được yếu tố lợi nhuận vừa tạo ra nhiều tác động tích cực cho xã hội, đặc biệt trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tháng 4 năm 2022, dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 (Dự án ISEE-COVID)” đã khởi động “Gói hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SIB hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là các đơn vị do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ. Hơn 150 doanh nghiệp tạo tác động xã hội khắp Việt Nam đã gửi Thư bày tỏ quan tâm và 29 doanh nghiệp đã được chọn để nhận Gói hỗ trợ với 6 tháng đào tạo 1:1 cùng 100 triệu đồng vốn hạt giống để xây dựng và thử nghiệm mô hình kinh doanh mới. Trong số các doanh nghiệp được lựa chọn, có 20/29 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 4/29 doanh nghiệp do người khuyết tập làm chủ. “Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội nhận được hỗ trợ của dự án đều có những câu chuyện khởi nghiệp vô cùng truyền cảm hứng cùng những giải pháp kinh doanh hiệu quả để thuyết phục các thành viên Ban Giám khảo. Chúng tôi mong rằng, Gói hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19 sẽ cung cấp đủ những hỗ trợ cần thiết để họ thử nghiệm và triển khai các ý tưởng mới mẻ và sáng tạo của mình nhằm hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế” - Ông Brian Allemekinders, Trưởng ban Hợp tác phát triển - Đại sứ quán Canada cho biết. Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (hay còn gọi là SIB) là thành phần quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế trong xã hội. Gói hỗ trợ Doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19 rất có ý nghĩa và cần thiết, cấp bách và toàn diện về cả tài chính và kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp SIB tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tiếp theo, các doanh nghiệp SIB sẽ được hỗ trợ tài chính và hỗ trợ cố vấn 1-1 từ các tổ chức trung gian đã được Dự án sàng lọc và lựa chọn để đồng hành cùng từng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và phát triển sản phẩm của từng doanh nghiệp, thông qua đó góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp SIB phục hồi và phát triển.” “Thật là ấn tượng khi thấy thật nhiều những ý tưởng đa dạng và độc đáo từ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội do phụ nữ làm chủ, từ sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao đến các ý tưởng độc đáo sử dụng ấu trùng biến thức ăn thừa thành phân hữu cơ, hay phương pháp canh tác lúa mới giúp tiết kiệm chi phí, luân chuyển chất dinh dưỡng và giảm khí nhà kính” - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen chia sẻ. “Với sự mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam, tôi cũng hy vọng rằng các mô hình sáng tạo như “nhà hàng trong bóng tối”, du lịch cộng đồng sáng tạo, hoặc ứng dụng giảm thiểu chất thải trong lĩnh vực du lịch sẽ phát triển nhanh chóng. Dự án ISEE-COVID hiện hỗ trợ xây dựng một Hệ sinh thái vững mạnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội mở rộng quy mô và phát triển thành công.” Các doanh nghiệp được chọn nhận “Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19” sẽ tiếp tục làm việc cùng 3 vườn ươm - BizCare, Wise, và Angle4Us trong 6 tháng tiếp theo để: Xác định những thách thức chính tạo ra bởi Covid-19; thiết kế và chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc phát triển các sản phẩm/ dịch vụ mới để thích ứng với tình hình Covid-19; hỗ trợ Vốn hạt giống cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới. Với sự hỗ trợ của dự án, hy vọng rằng các sản phẩm và các mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm đủ sáng tạo, bền vững, có khả năng mở rộng và phù hợp để thích ứng với những thách thức của đại dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam. Phương Thanh

Sản phẩm, doanh nghiệp thăng hạng nhờ thương hiệu

TĐKT - Trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Theo báo cáo từ Brand Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới. Thương hiệu cá nhân là con đường tắt hình thành thương hiệu Nhắc đến mắm nêm, người tiêu dùng nhớ đến mắm nêm dì Cẩn; nhắc đến chè sầu sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu Liên; nhắc đến bánh cuốn sẽ nghĩ đến bà Hoành… đó là những thương hiệu được xây dựng từ thương hiệu cá nhân - nhân hiệu. Qua thời gian, việc xây dựng nhân hiệu đi từ vô tình đến hữu ý nhưng tựu chung nó vì một mục đích đó là quảng bá sản phẩm bằng cách tạo dựng niềm tin trong người tiêu dùng bằng uy tín cá nhân mà không có bất cứ một sự giao kèo, pháp lý nào. Niềm tin này được xây dựng trên sự nỗ lực của người cung cấp sản phẩm và sự tự nguyện tin tưởng của người tiêu dùng. Mắm nêm, mắm ruốc trở thành đặc sản địa phương của Đà Nẵng Ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và các nền tảng xã hội, những hình ảnh cá nhân được xây dựng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đóng vai trò trung gian trong xây dựng thương hiệu trong bối cảnh chuyển đổi số là các chủ doanh nghiệp, người truyền cảm hứng… mà mạng xã hội là một công cụ có sức mạnh và sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc khi xây dựng thương hiệu cá nhân. Facebook, LinkedIn, Youtube, Twitter, Instagram… là những nơi mà khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp có thể đang hiện diện. Chính vì vậy, sự xuất hiện của những sản phẩm trên các mạng xã hội với những nội dung chất lượng sẽ giúp mọi người nhìn thấy được giá trị của doanh nghiệp nhiều hơn. Các nhãn hàng liên quan sẽ thông qua các nhân hiệu này để quảng cáo sản phẩm của mình, gián tiếp đưa sản phẩm đến tay khách hàng thông qua người trải nghiệm là các hiện tượng mạng xã hội để mang lại hiệu quả tiêu thụ. Văn hóa hình thành thương hiệu Nhìn rộng hơn, thương hiệu cá nhân ngoài sức ảnh hưởng đến thị trường nó còn góp phần làm đặc sắc hơn cho văn hóa, sản vật vùng miền. Nhắc đến phấn nụ bà Tùng là nhắc đến những nét trang nhã của văn hóa cung đình Huế, bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển của người con gái Huế pha một chút sắc sen hồng với áo dài tím, nón lá nghiêng nghiêng. Nhắc đến mắm nêm dì Cẩn, chè sầu Liên chúng ta nhớ đến sự hào sảng của người Đà Nẵng. Nhắc đến gạo ngon trứ danh ta nhớ ngay đến thương hiệu gạo ST 25 cùng với sự rắn rỏi, chất phác của người dân sông nước miền Tây... Đó là chất văn hóa vùng miền được mang theo từng sản phẩm. Khó có thể định nghĩa, sản phẩm mang đặc trưng của văn hóa hay những nét văn hóa đã được cô đọng trên từng sản phẩm thông qua bàn tay nghệ nhân, người sản xuất, bởi nó như bài toán con gà, quả trứng. Nhưng giả như thứ gì có trước thì chúng cũng được thăng hoa thành thương hiệu. TH True Milk thành công tiếp cận thị trường tiềm năng của thế giới Bệ phóng từ thương hiệu quốc gia Việt Nam với những tên tuổi lớn như Viettel, Masan, Vietnamairlines, TH True Milk, Vin Group… đã tạo thành cộng đồng các thương hiệu lớn, trở thành các thương hiệu quốc gia nổi tiếng với 3 tiêu chí: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo và Năng lực tiên phong. Theo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện. Trong bài phát biểu khai mạc tại Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, duy trì ở hạng 33 thế giới. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. TH True Milk là một điển hình của thương hiệu quốc gia khi được nhiều nước chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu, nhờ đó doanh nghiệp này đã có những bước tiến dài, mở rộng dự án đầu tư ở nhiều nơi và trở thành thương hiệu uy tín được người tiêu dùng tin tưởng. Với giá trị cốt lõi của mình, chương trình Thương hiệu Quốc gia hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt trên trường quốc tế, đưa những thương hiệu cá nhân, thương hiệu vùng miền được thăng hạng và cất cánh cùng nền kinh tế Việt Nam. Khánh Huyền Ban Biên tập chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam Phát sóng 17h20 từ thứ 2 đến thứ 5 & thứ 7 hàng tuần trên VTV1 Email: thuonghieuviet@taj.vn Hotline: 0858.66.88.58 Website: http://www.vietrade.gov.vn/ Fanpage: https://www.facebook.com/ThuonghieuQuocgiaVN2021 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw

Hoàn thiện nội dung những chính sách về dầu khí

TĐKT - Sáng 26/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: Hoàn thiện nội dung những chính sách về dầu khí. Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Bộ Công Thương nêu rõ, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng; khắc phục những bất cập, chồng chéo với các quy định pháp luật có liên quan; bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Hội thảo được tổ chức nhằm đề xuất cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng, đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí, quy định tại dự thảo Luật còn chưa thật cụ thể, dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường. Do đó, đề xuất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần tập trung đánh giá trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí; sử dụng carbon dioxide bơm xuống các mỏ dầu nhằm tăng tỷ lệ thu hồi dầu mỏ… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị một số nội dung quy định về điều kiện tham gia, cơ chế ưu đãi trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; bổ sung quy định trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện. Phương Linh

Khởi động Hợp phần 3 Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ"

TĐKT - Từ ngày 25 - 26/6/2022 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương tổ chức Lễ khởi động Hợp phần 3 Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ” và công bố Mẫu đề xuất tài trợ - Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh - Đợt 1. Khởi động Hợp phần 3 của Dự án Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết: Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ” là chương trình hỗ trợ kỹ thuật về thương mại trong 4 năm (từ 2021 - 2024) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm tỷ lệ đói nghèo thông qua tăng cường hoạt động thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Dự án có 3 hợp phần chính. Trong khuôn khổ dự án này, Cục XTTM là cơ quan đầu mối được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai các hoạt động thuộc Hợp phần 3 của Dự án. Hợp phần 3 tập trung xây dựng và triển khai "Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh - gọi tắt là Chương trình ICG" với mục đích tăng cường năng lực dịch vụ xuất khẩu, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến xuất khẩu thông qua tài trợ cho các tiểu dự án của Tổ chức hỗ trợ thương mại (BSO) ở cả khu vực công và tư. Chương trình ICG dự kiến sẽ tài trợ từ 10 - 15 tiểu dự án, được lựa chọn thông qua một quy trình cạnh tranh và triển khai qua 3 đợt mời nộp đề xuất dự án. Quy mô tài trợ tối đa là 150.000 USD/tiểu dự án trong thời gian từ 12 - 24 tháng. Tại sự kiện, Cục XTTM chính thức công bố "Mẫu đề xuất tài trợ Chương trình hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh" và các tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục, tiêu chí của Chương trình. Trong đợt 1, Chương trình ICG sẽ nhận hồ sơ quan tâm và đề xuất sơ bộ của các BSO tiềm năng từ ngày 25/7/2022 đến 25/8/2022. Các sáng kiến đủ điều kiện qua vòng Đề xuất sơ bộ sẽ được hướng dẫn, tiếp tục phát triển thành các đề xuất chi tiết. Kết quả lựa chọn các tiểu dự án đủ điều kiện nhận tài trợ theo tiêu chí của Chương trình ICG dự kiến được công bố vào tháng 11/2022. Cục XTTM là đơn vị quản lý trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật cho các BSO triển khai các hoạt động của tiểu dự án. Ngoài việc tiếp nhận nguồn lực để thực hiện các tiểu dự án, các BSO sẽ được nâng cao năng lực để cải thiện hơn nữa dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm gia tăng xuất khẩu cả về quy mô và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giá trị bền vững trong công tác xúc tiến xuất khẩu tại Việt Nam. Phương Thanh

Định vị thương hiệu – góp phần đưa nông sản cất cánh

TĐKT - Chỉ 10 năm trước đây, Việt Nam thu hút đầu tư FDI bởi nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, 10 năm sau đó những lợi thế ấy đã đi qua, chúng ta buộc phải lựa chọn những thế mạnh khác để hội nhập và nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất. Một trong những hướng đi đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu càng mạnh, sản phẩm có giá trị càng lớn. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam nổi tiếng với thị phần xuất khẩu lúa gạo, cà phê, sắn… thuộc tốp đầu thế giới, tiếp đó là các mặt hàng có giá trị cao như các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, tiêu, hạt điều, rau quả, cao su… cũng có đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP nước ta. Gạo ST25 Năm 2019, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị gạo thế giới diễn ra tại Manila- Philippines. Nhờ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới mở đường, vừa qua, gạo ST25 đã vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản – một thị trường được đánh giá có yêu cầu cao bậc nhất khu vực châu Á. Việc chinh phục được thị trường “khó tính” này sẽ mở ra cơ hội mới cho gạo Việt Nam tiến xa hơn, đi rộng hơn trên bản đồ thế giới và vị thế gạo Việt Nam nói chung cũng được nâng cao. Cùng với gạo còn có hạt điều, cà phê, các sản phẩm từ gỗ, may mặc cũng từng bước tạo được vị thế riêng nhờ những nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia thông qua các cuộc xúc tiến thương mại của các bộ, ban, ngành, địa phương. Những vết “dằm” của thương hiệu Việt Năm 2021 đánh dấu những nỗ lực trong thành công đưa quả thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, quả xoài xuất khẩu vào Mỹ, vải thiều đi EU… Dù vậy, Việt Nam vẫn còn những vết “dằm” thương hiệu như phở, nước mắm, cà phê… đang được xuất khẩu vào thị trường quốc tế nhưng đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác. Phở Việt Nam được Thái Lan sản xuất, tiêu thụ tại Mỹ Điển hình là phở ăn liền có mặt trên kệ hàng ở siêu thị Mỹ, EU được sản xuất bởi doanh nghiệp Thái Lan, cùng lúc đó doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu riêng để rồi, món ăn được xem như “quốc hồn, quốc túy” của chúng ta đang được xuất khẩu dưới tên một quốc gia khác. Tương tự, thương hiệu nước mắm Phú Quốc và cà phê Buôn Mê Thuột rơi vào tay các công ty nước ngoài hay một số doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của Việt Nam là gạo ngon nhất thế giới 2019 tại Mỹ… Mới đây, trả lời phóng viên về thương hiệu nông sản Việt Nam, ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có sản phẩm nông sản đa dạng, rất ngon và khẳng định người Đức rất thích nó, song, “tôi chỉ thấy những sản phẩm nông sản của Việt Nam được nhập khẩu vào Đức dưới tên một quốc gia khác hoặc nhãn hiệu khác mà không phải Việt Nam”, ông Marko Walde nói. Thương hiệu là chìa khóa giúp sản phẩm cất cánh Thương hiệu không phải những điều viển vông, những thứ xa vời, thương hiệu chính là giá trị vô hình giúp mâm cơm của người nông dân thêm những cá, những thịt, giúp con trẻ thêm bộ quần áo mới. Lễ động thổ Nhà máy Chế biến thực phẩm sạch của Tập đoàn TH Trước đây và cả bây giờ, những chuyến xe chở dưa hấu, thanh long vẫn xếp hàng dài chờ thông quan cửa khẩu. Xe hàng quay đầu, ngập tràn các phố của Thủ đô la liệt những dưa hấu, thanh long giải cứu, bán chẳng kịp đành chặt bỏ cho trâu bò ăn hay để chín thối dưới các gốc cây. Trâu bò cười, người nông dân khóc. Thế nhưng chỉ đến vụ mùa sau lượng cung lại vượt số lượng cầu, lại những bài toán được mùa mất giá, giải cứu.... Nhưng ngược trở lại vấn đề nếu được xây dựng thương hiệu, được ký kết hợp đồng tiêu thụ, được quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất tập trung có thể những sản phẩm nông sản ấy sẽ được sản xuất có kế hoạch, bao tiêu đầu ra. Gần đây nhất, Tập đoàn TH đã đầu tư 620 tỷ đồng để sở hữu dây chuyền sản xuất tương ớt, tương cà, cháo tươi dinh dưỡng, cơm ăn liền từ nguyên liệu tươi hiện đại của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản … Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, dự án bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2020 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023 với mục tiêu góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Phần lớn các sản phẩm nước ta có nguồn gốc từ nông lâm thủy sản, việc xây dựng thương hiệu phải xuất phát từ chính người nông dân, tuyên truyền xây dựng thương hiệu phải mang tính đại chúng để người dân thấy được giá trị thương hiệu mang lại, qua đó từng bước mới thay đổi được thái độ, nhận thức của người dân với bài toán thương hiệu. Với sứ mệnh kết nối và chung tay xây dựng thương hiệu những năm qua, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần tạo dựng được uy tín, niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chương trình không chỉ lan tỏa và kết nối nét đẹp văn hóa con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế mà thông qua đó còn lan tỏa được các nét đẹp thương hiệu, khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất, nông dân theo đuổi giá trị sản phẩm bền vững. Khánh Huyền Ban Biên tập chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam Phát sóng 17h20 từ thứ 2 đến thứ 5 & thứ 7 hàng tuần trên VTV1 Email: thuonghieuviet@taj.vn Hotline: 0858.66.88.58 Website: http://www.vietrade.gov.vn/ Fanpage: https://www.facebook.com/ThuonghieuQuocgiaVN2021 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw

Hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

TĐKT - Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc Ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Hướng đến doanh nghiệp tuân thủ Theo đó, DN khi tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật hải quan sẽ được Cơ quan Hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ hướng dẫn miễn phí các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), quá cảnh. Trong quá trình xây dựng Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tuân thủ pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu chuẩn mực trụ cột Hải quan - DN (Khung tiêu chuẩn SAFE) và khuyến nghị của chuyên gia thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của Hải quan các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Ấn Độ... để áp dụng xây dựng thí điểm hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật. Hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan Theo mô hình tuân thủ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), việc đánh giá tuân thủ DN được phân làm 4 nhóm tương ứng với các cơ chế quản lý phù hợp mà cơ quan Hải quan được khuyến nghị áp dụng. Đó là, nhóm DN tuân thủ (áp dụng biện pháp khuyến khích tuân thủ); nhóm DN tuân thủ nếu được hỗ trợ (áp dụng biện pháp hỗ trợ tuân thủ); nhóm doanh nghiêp tuân thủ khi có cơ hội (áp dụng biện pháp giáo dục và kiểm soát) và nhóm DN không tuân thủ (áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ). Trên cơ sở nghiên cứu khuyến nghị của WCO, để DN tự nguyên tuân thủ pháp luật, tự nguyện phòng tránh vi phạm không mong muốn, cơ quan Hải quan các quốc gia đã xây dựng các Chương trình hỗ trợ, giúp DN đạt được và duy trì mức độ tuân thủ cao, từ đó được hưởng chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình phát triển của từng quốc gia, các chương trình này cũng hướng đến mục tiêu đưa DN trở thành đối tác, hợp tác tin cậy của cơ quan Hải quan, cũng như giúp cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động XNK và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn. Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ DN là cơ sở quan trọng cho cơ quan Hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan. Theo đó, Điều 10 Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Trong đó, ngoại trừ mức độ 1 (DN ưu tiên), đối với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ DN (tác động khoảng 80%). Như vậy, về cơ bản, nếu DN hoạt động XNK không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký thì mức độ tuân thủ của DN sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn và tiến đến mức độ DN tuân thủ (mức độ 3) và tuân thủ cao (mức độ 2). DN hưởng lợi gì? Ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm: Thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ khi ban hành, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết thí điểm để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế. Giai đoạn triển khai chính thức: Triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 5 năm Chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu Chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu, sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan thuộc Phụ lục VI Thông tư 81, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Đồng thời, các dữ liệu, chỉ tiêu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, theo dõi, báo cáo thực hiện Chương trình cũng như các hoạt động tương tác với DN tham gia Chương trình cơ bản được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành Hải quan (theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025 định hướng đến năm 2030). Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK. Trong khuôn khổ của Chương trình, DN tham gia sẽ được cơ quan Hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh. Cụ thể, DN tham gia được cơ quan Hải quan hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với DN khi có yêu cầu; được cơ quan Hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia trên hồ sơ DN và các hệ thống nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Đồng thời, DN cũng được cơ quan Hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của DN, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực XNK, các rủi ro nội bộ trong hoạt động XNK… Theo ông Khuất Thành Trung, đại diện Cục Quản lý rủi ro, trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình thí điểm, cơ quan Hải quan sẽ tập trung vào nhóm DN hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 Cục Hải quan gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng DN. Hồng Thiết

Central Retail giảm giá mạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhằm chung tay bình ổn thị trường

TĐKT - Ngày 25/7, tại TP Hồ Chí Minh hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: Thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây tiếp tục được hệ thống Đại siêu thị GO!, Big C của Central Retail áp dụng giảm giá 10% trong khuôn khổ chương trình “Chợ sớm giảm sung” – áp dụng từ khi mở cửa siêu thị tới 10h sáng hàng tuần.Trong đó, những sản phẩm như cánh gà,chân gà, cá hồi đông lạnh, cá basa, cá nục bông nhật… áp dụng giảm thêm 5% khi khách hàng mua từ 3kg trở lên. Người tiêu dùng mua bán tại siêu thị Đặc biệt, tại khu vực TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm thịt lợn như thịt vai, thịt cốt lết, thịt chân giò tiếp tục được bán giá bình ổn thị trường (thịt vai 136.000 đồng/kg; thịt cốt lết 135.000 đồng/kg; thịt chân giò 122.000 đồng/kg). Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: “Với sứ mệnh “giúp cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn”, từ cuối tháng 3 vừa qua, Central Retail đã chủ động tham gia chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022. Theo đó, các mặt hàng thịt lợn nằm trong chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của chúng tôi đảm bảo giữ giá ổn định. Chúng tôi cũng đang thảo luận với các nhà cung cấp để xem liệu chúng tôi có thể nhanh chóng điều chỉnh giá đối với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu hay không. Song song đó, chúng tôi đang có chương trình khuyến mãi tại Đại siêu thị GO!, Big C dành cho người tiêu dùng tất cả các mặt hàng thịt tươi, cá tươi, rau củ quả”. Trước đó, từ tháng 3/2022, tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã áp dụng chương trình “Siêu tiết kiệm” – mua nhiều giảm nhiều, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu do những tác động từ việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua (chương trình này áp dụng giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm: Thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang… tổng trung bình giá giảm của đợt này lên tới 41%). Đặc biệt, nhằm chia sẻ với người lao động đang chịu ảnh hưởng giảm thu nhập do đại dịch Covid-19, từ ngày 7/3/2022 tới nay, hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc nỗ lực duy trì chương trình “Chợ sớm giảm sung”. Áp dụng giảm giá 10% đối với phần lớn các mặt hàng tươi sống tại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc. Các chương trình giảm giá thịt lợn, và các mặt hàng thiết yếu của GO!, Big C mang tính thiết thực được áp dụng trong bối cảnh lạm phát tăng, đã nhận được sự quan tâm mua sắm của đông đảo người tiêu dùng trên cả nước. Hồng Thiết

Chỉ dẫn địa lý – bước đệm cho thương hiệu các sản vật địa phương

TĐKT - Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Đồng hành cùng nông dân trong phát triển thương hiệu Việt Nam được biết đến là quốc gia thuộc tốp đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và những biến động do dịch bệnh, địa chính trị thế giới đã đẩy vấn đề an ninh lương thực lên vị trí được quan tâm hàng đầu. Trong nước, Chính phủ Việt Nam khẳng định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ trong phát triển kinh tế quốc gia. Hằng năm, nông lâm thủy sản đóng vai trò chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu và là nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Ngoài các sản phẩm chủ lực như gạo, tiêu, hạt điều, cà phê… những năm gần đây các loại quả đang tạo nên vị thế mới trên thị trường quốc tế cho nông sản Việt như vải, xoài, nhãn, chôm chôm… Cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Để tạo động lực và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, mặt nước trong đầu tư nông nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ vay vốn… Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những quyết sách khác được Chính phủ triển khai giúp nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn qua các tiêu chí, từ đó thay đổi diện mạo những làng quê. Để nâng tầm thương hiệu của các sản vật làng quê Việt, chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP được hình thành và đồng hành cùng người nông dân trong phát triển thương hiệu. Đi đầu trong phát triển thương hiệu địa phương là Quảng Ninh, Đồng Nai… với sản phẩm chè hoa vàng Ba Chẽ, trứng gà Tân An, ca cao Trọng Đức… Theo đó, Ban chỉ đạo OCOP các địa phương đã tích cực phổ biến chính sách, tuyên truyền và hướng dẫn bà con quy cách đóng gói, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc… từng bước củng cố sức mạnh thương hiệu. Chương trình OCOP là quyết sách giúp thương hiệu làng quê được đầu tư bài bản, chỉn chu. Gắn nhãn địa lý – “giấy thông hành” cho sản phẩm Việt Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hòa Lộc…  nông sản Việt thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa để thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi. Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm bởi tâm lý chung của khách hàng khi quyết định mua sắm, lựa chọn một sản phẩm là dựa vào sự uy tín và mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó. Mà thực tế chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ sẽ mang đến cảm giác an toàn và hạn chế tối đa các tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng. Thêm vào đó, chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được sử dụng độc quyền vô thời hạn trước pháp luật. Các bên khác khi sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu được coi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ dẫn địa lý giúp vải Lục Ngạn dễ dàng tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao Năm 2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam được phía EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội hớn cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Hiện tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có 110 sản phẩm được gắn chỉ dẫn địa lý, trong khi đó, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế gồm 173 sản phẩm, cụ thể: Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) gồm 169 sản phẩm; chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) gồm 4 sản phẩm. Có thể đánh giá, chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục tốt thị trường nội địa với gần 10 triệu dân và cũng chính là “giấy thông hành” cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… Chung tay cùng các cấp ngành, và địa phương trong việc phát triển các thương hiệu, gắn nhãn địa lý, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đóng vai trò như sứ giả kết nối, truyền tải thông tin và khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý. Khánh Huyền Ban Biên tập chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam Phát sóng 17h20 từ thứ 2 đến thứ 5 & thứ 7 hàng tuần trên VTV1 Email: thuonghieuviet@taj.vn Hotline: 0858.66.88.58 Website: http://www.vietrade.gov.vn/ Fanpage: https://www.facebook.com/ThuonghieuQuocgiaVN2021 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw

Trang