TĐKT - Sáng 15/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức Hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo bộ ngành.
Hội thảo của VFCA và VFS được tổ chức trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao kỷ lục trên thế giới và trở thành một vấn đề nóng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Cụ thể, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ở trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh con số này.
Chủ tịch VFCA Lê Long Giang cho biết: “Hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những tác động của các yếu tố lạm phát và lãi suất đến thị trường chứng khoán hiện nay”.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá. Thị trường chứng khoán và bất động sản đang được điều chỉnh, lành mạnh hóa. Cơ hội đầu tư thiên về hướng sàng lọc, đa dạng hóa, ít đòn bẩy và hướng về trung, dài hạn nhiều hơn. Tuy nhiên, tác động của việc USD tăng giá mạnh sẽ tạo rủi ro về tỷ giá. Lãi suất USD và ngoại tệ khác tăng, chi phí vay nợ, trả nợ bằng USD tăng dẫn tới những rủi ro vỡ nợ tăng.
Đánh giá về áp lực đối với lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Lực cho rằng giá hàng hóa thế giới còn tăng và Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Cùng với đó, lương tối thiểu vùng, phí giáo dục, giá dịch vụ y tế… tăng từ tháng 07/2022 và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, giá nguyên nhiên liệu tạo áp lực lạm phát. Đà hồi phục kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng tạo ra áp lực lạm phát do cầu kéo.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng “Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát, Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản.”
Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp, theo TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp nên áp dụng mô hình 6Rs, bao gồm: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng khả năng chống chịu các cú sốc)…
Phương Thanh