Kinh tế

Lễ ký thỏa thuận hợp tác thu ngân sách nhà nước

TĐKT- Ngày 23/10, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank và Techcombank) về việc thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đây là những ngân hàng đã thời gian dài phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc triển khai nộp thuế điện tử. Lễ ký kết thoả thuận hợp tác thu ngân sách nhà nước Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết: Đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7” được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế. Qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 theo yêu cầu của Chính phủ. Trên cơ sở mô hình nộp tiền thuế qua ngân hàng thương mại phối hợp thu, việc nâng cấp Cổng thanh toán điện tử Hải quan cho phép người nộp thuế được lập bảng kê nộp thuế trực tiếp trên Cổng thanh toán điện tử Hải quan mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối với internet và được ngân hàng xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế thành công ngay sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền nộp thuế và thực hiện thông quan ngay hàng hóa. Đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7” là đề án trọng tâm của Tổng cục Hải quan trong năm 2017 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nộp tiền trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử hải quan. Việc triển khai này sẽ là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế và thu khác, tạo thuận lợi và hỗ trợ người nộp thuế được nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Theo đó, từ ngày 23/10, Tổng cục Hải quan chính thức thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 với 5 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank; BIDV, MB và Techcombank.  Qua đây, người nộp thuế có thể thực hiện nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin của Tổng cục Hải quan tại Website của Tổng cục Hải quan https://epayment.customs.gov.vn/epaymentportal/login. Hồng Thiết

Ngày hội Lập trình Quốc tế Wecode 2017 – sân chơi khoa học bổ ích cho học sinh

TĐKT - Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo”, Ngày hội Lập trình Quốc tế Wecode 2017 (Digital Campus WeCode) vòng Quốc gia, diễn ra ngày 21/10 tại Hà Nội, đã thu hút 140 thí sinh đến từ Việt Nam. Ban tổ chức đã tìm ra 4 nhà vô địch vòng Quốc gia năm 2017. Công ty cổ phần DTT Eduspec – Học viện STEM là đơn vị độc quyền phối hợp tổ chức chương trình này tại Việt Nam. Ban tổ chức trao giải thưởng cho 4 nhà vô địch Ngày hội Lập trình Quốc tế Wecode 2017 vòng Quốc gia năm 2017 Digital Campus WeCode là sân chơi lập trình quốc tế giữa các nhóm hoặc cá nhân học sinh đại diện cho các trường tiểu học, trung học cơ sở tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngày hội được tổ chức nhằm thúc đẩy niềm đam mê với môn lập trình, trau dồi khả năng tư duy mức cao, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phát triển được kỹ năng tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Nhằm giúp học sinh các nước được dự thi thuận lợi nhất, năm 2017, Ban tổ chức đã quyết định cho phép thí sinh các nước đăng ký và dự thi tại nước sở tại. Bài thi của thí sinh sẽ được gửi dự thi qua hệ thống của Ban tổ chức Quốc tế ngay sau khi thời gian thi kết thúc. Tại vòng Quốc gia, Ban tổ chức đã lựa chọn được 4 nhà vô địch: em Nguyễn Huy Anh, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Vô địch hạng Sơ cấp); em Hoàng Trần Nam Khánh, trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart (Vô địch hạng Trung cấp); em Nguyễn Anh Quân, trường THCS Nguyễn Tất Thành (Vô địch hạng Cao cấp); em Nguyễn Ngọc Bảo, trường THCS Nguyễn Siêu (Vô địch hạng Chuyên nghiệp). Ngoài ra, Ban tổ chức trao 10 giải Nhất, 15 giải Nhì, 20 giải Ba và 24 giải Khuyến khích. Thầy Nguyễn Đức Anh, giảng viên Học viện STEM, đại diện Ban giám khảo nhận xét: "Bài thi năm nay khá độc đáo và và có nhiều ý tưởng đặc sắc, thể hiện rất rõ những hiểu biết, sáng kiến về Trí tuệ nhân tạo, một xu hướng rất phổ biến trong quãng thời gian hiện tại và tương lai sắp tới. Mặc dù thời gian làm bài không nhiều nhưng các con đã thể hiện được năng lực, hiểu biết của cá nhân mình về những ứng dụng khoa học, công nghệ của lĩnh vực này giúp ích cho cuộc sống." Những thí sinh bạn đạt giải tại vòng Quốc gia đã được gửi bài thi để tham dự Ngày hội Lập trình Wecode Quốc tế ngay trong ngày 21/10. Dự kiến, những bài dự thi đạt giải cấp Quốc tế sẽ được công bố vào ngày 6/11. Lễ trao thưởng tại Malaysia sẽ được diễn ra vào ngày 2/12. Phương Linh  

Xây dựng chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn, hướng đến xuất khẩu

TĐKT – Sáng 20/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam”. Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất, chăn nuôi, các đơn vị nhập khẩu nước ngoài, các bộ, ngành liên quan có cơ hội cùng nhau đánh giá cơ hội, thảo luận các biện pháp xúc tiến phát triển sản xuất, mở rộng tiềm năng xuất khẩu thịt lợn. Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam Tham dự diễn đàn có 300 đại biểu là các chuyên gia ngành chăn nuôi, thú y, đại diện lãnh đạo UBND và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Long An. Đặc biệt là sự có mặt của các Đại sứ quán và doanh nghiệp nước ngoài hiện đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam: Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Singapore. Bên cạnh đó là đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi và xuất khẩu, các chủ trang trại chăn nuôi lợn điển hình tại một số địa phương. Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực,  đạt giá trị xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60 kg thịt/người, bên cạnh mức bình quân 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu. Việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được, chủ yếu là xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con… Trong lúc đó, xuất khẩu lợn theo đường chính ngạch lại hạn chế, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kong và Malaysia khoảng 15-20 ngàn tấn (tương đương 200.000 con), trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016. Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất. Tại Diễn đàn, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus Châu Á đã chia sẻ về cơ hội xuất khẩu và cả những thách thức cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn Việt Nam. Ông cũng chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm xuất khẩu, cũng như những nỗ lực góp phần vào việc phát triển nguồn thực phẩm sạch và bền  vững. Tham gia vào phần tham luận, ông Vũ Trọng Nghĩa đại diện từ Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông và đối tác của mình – Công ty máy móc Daewon chia sẻ đánh giá về nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ Hàn Quốc, các cơ hội và thách thức cho sản phẩm thịt lợn Việt Nam. Từ phía cơ quan chức năng, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cũng có bài báo cáo về công tác thú y, chương trình và kế hoạch thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh, một trong những điều kiện tiên quyết làm nền tảng hỗ trợ và xúc tiến cho việc xuất khẩu thịt lợn. Ngoài ra, tại Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm bổ ích trong công tác chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn sạch, từ nhiều doanh nghiệp và các chủ trang trại chăn nuôi. Trong dịp này, Tập đoàn De Heus, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Công ty Cổ phần và Đầu tư Thương mại Biển Đông, Công ty máy móc Daewon đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. Sự tham gia ký kết này mở ra một hướng đi chung trong chiến lược phát triển của các bên với mục đích mang lại cho cộng đồng chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn, hướng đến xuất khẩu. Hưng Vũ

Tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới

TĐKT - Sáng 20/10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị triển khai Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được quán triệt tới lãnh đạo các doanh nghiệp của quân đội: Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và kế hoạch triển khai nghị quyết này; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thực hiện 5 đề án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay trong quân đội, số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn. Cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý. Công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp, qua thời gian dài hoạt động, để lại nhiều tồn đọng về tài chính, đến nay chưa giải quyết được. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ có hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính; cá biệt có những doanh nghiệp phải nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, nợ thuế... Ở một số đơn vị, nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong tình hình mới chưa đầy đủ. Việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 430CT/QUTW của nhiều cấp ủy, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm; dẫn đến việc tham mưu các hình thức sắp xếp khác để tránh cổ phần hóa; chần chừ thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Một số cán bộ chủ trì ở các doanh nghiệp có tư tưởng kéo dài thời gian thoái vốn, cổ phần hóa. Việc lập đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp chưa lường hết các khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: ngày 4/10/2017, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 80/TTg-ĐMDN phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.  Đề án này thể hiện rõ mục tiêu và quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước để làm cho doanh nghiệp quân đội mạnh lên, hoạt động hiệu quả, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Đây là một bộ phận thuộc nội dung sắp xếp, tổ chức lại lực lượng quân đội; là bước cơ bản để tổ chức lại doanh nghiệp quân đội, gắn sản xuất, kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của quân đội. Để thực hiện thành công Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao; cần tổ chức quán triệt, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng và giải quyết chu đáo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là đối với quân nhân. Nguyệt Hà

Thu hút đầu tư vào kinh tế số tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam 2017 (VIF 2017) với chủ đề "Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số". Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, thương mại điện tử… Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra cơ hội đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư công nghệ thông tin – truyền thông nước ngoài. Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia. Hội nghị VIF 2017 đã bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia trong nền kinh tế số. Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước. Đồng thời, đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp  số Việt Nam phát triển. Cùng với đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số: thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền công nghệ thông tin và truyền thông. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư vào kinh tế số tại Việt Nam. Minh Phương

Khai mạc Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017

TĐKT – Ngày 17/10, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm, Giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017 (Hanoi Gift Show 2017). Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ được UBND TP Hà Nội tổ chức từ năm 2012, là một trong những hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) định hướng xuất khẩu có quy mô lớn nhất Việt Nam, được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Hà Nội. Nghi lễ cắt băng khai mạc Hội chợ Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nghề cũng như làng nghề TCMN với gần 1.000 làng nghề TCMN, trong đó, có trên 200 làng nghề TCMN truyền thống; hàng chục nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN, với trên 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Đây là một điều kiện tốt để Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành TCMN trong những năm tới.  Để tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích làng nghề TCMN phát triển, Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mang tính đột phá, chú trọng nhiều đến hỗ trợ các làng nghề, trong đó có việc tổ chức thành công 6 kỳ Hanoi Gift Show 2017 kể từ năm 2012.  Hội chợ đã thu hút nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn tham gia; số lượng nhà nhập khẩu đến tham quan giao dịch, số biên bản ghi nhớ, thỏa thuận và giá trị xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết đều ở mức cao. Hanoi Gift Show 2017 đã tạo được lòng tin và chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng TCMN trên địa bàn Hà Nội và cả nước. Năm 2017, Hội chợ có quy mô trên 650 gian hàng của hơn 250 doanh nghiệp đến từ gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,… và 5 nước trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal. Hội chợ có các hoạt động chính là trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước và của các nghệ nhân; tư vấn về thiết kế mẫu mã sản phẩm. Ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu, các làng nghề truyền thống được trưng bày, Hội chợ năm nay giới thiệu các sản phẩm thiết kế mới do các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài thực hiện. Ban Tổ chức đã bố trí 40 sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Hà Nội đến hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao dịch trực tiếp với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Hội chợ là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, ký kết biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận và hợp đồng xuất khẩu sản phẩm. Dự kiến, giá trị xuất khẩu từ các hợp đồng ký kết thông qua Hội chợ đạt trên chục triệu USD. Việc tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội hằng năm, liên tục với các kết quả tích cực là thể hiện sự nỗ lực, cam kết của TP Hà Nội trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, làng nghề phát triển. Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017 diễn ra từ ngày từ 17-20/10. Thục Anh

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEM

TĐKT - Từ ngày 14 - 19/10, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEM lần thứ 12 được tổ chức tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. Tham gia Hội nghị có 120 đại biểu là Tổng cục trưởng và đại diện lãnh đạo các cơ quan Hải quan của 45 quốc gia thành viên, Tổng thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổng cục trưởng Liên minh Hải quan châu Âu. Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEM lần thứ 12 Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEM được tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần tại Hải quan các nước châu Á và châu Âu. Hợp tác Hải quan thuộc Trụ cột kinh tế trong ASEM với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện thương mại đa phương trong WTO. Hội nghị tập trung vào các nội dung: chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác; xác định các lĩnh vực/hoạt động ưu tiên cho các nhóm công tác; xem xét và thông qua các báo cáo của các Nhóm công tác; báo cáo kết quả hoạt động lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại ASEM. Cùng với các diễn đàn đa phương khác, hợp tác hải quan trong ASEM tập trung vào các vấn đề:  xây dựng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và an ninh cho dây chuyền cung ứng thương mại; tiêu chuẩn hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan; chống hàng giả; chống gian lận; bảo vệ xã hội và bảo vệ môi trường. Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM 12 tập trung trao đổi về các vấn đề: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động 2016 - 2017 theo đó các nước điều phối về các nội dung hoạt động của kế hoạch hành động sẽ báo cáo tình hình triển khai của Hải quan các nước và đề xuất những hoạt động phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra của kế hoạch. Các lĩnh vực được ưu tiên nguồn lực để triển khai: thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại, chương trình doanh nghiệp ưu tiên, an toàn sản phẩm, quản lý biên giới phối hợp, thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thống nhất kế hoạch hành động giai đoạn 2018 - 2019 và tuyên bố Berlin trong đó xác định những nội dung ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới. Tại Hội nghị lần này, Hải quan Việt Nam đề nghị được đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEM lần thứ 13 vào năm 2019. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng vừa là nghĩa vụ thành viên vừa nâng cao vị thế của Hải quan  Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Hiện nay, vị thế của Hải quan Việt Nam so với các nước ASEAN cũng như trong khu vực châu Á được nâng cao với những kết quả đạt được về cải cách hiện đại hoá cũng như tham gia vào xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác và hội nhập hải quan khu vực. Do vậy, việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần tới sẽ là cơ hội để Hải quan Việt Nam thể hiện vị trí của mình đặc biệt là với các cơ quan Hải quan các nước Châu Âu. Trước Việt Nam, trong khối ASEAN mới có Hải quan Singapore và Thái Lan đã đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM. Với những thành công đã đạt được trong việc tổ chức các Hội nghị liên quan đến hải quan trong khuôn khổ APEC và ASEAN, một lần nữa Hải quan Việt Nam sẽ chứng tỏ được vị thế của mình ở diễn đàn ASEM với phạm vi và tầm ảnh hưởng lớn hơn. La Giang

Chống thất thu ngân sách Nhà nước qua công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế

TĐKT - Ngày 13/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả thanh tra, kiểm tra Quý III và 9 tháng đầu năm 2017. Ông Trần Huy Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ chủ trì buổi họp báo.  Ông Trần Huy Trường - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Công tác thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực thuế được tập trung đẩy mạnh. Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống chuyển giá; tích cực triển khai các ứng dụng kiểm tra hồ sơ kê khai thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để nhận diện và tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao; thanh tra các doanh nghiệp có khả năng có số thu điều tiết ngân sách Trung ương lớn; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, chú trọng thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá. Đồng thời tăng cường phối kết hợp với các cơ quan chức năng trong chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). Kết quả thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Quý III/2017, cơ quan thuế các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 31.784 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 165.557 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.396.167 triệu đồng, trong đó, tiền thuế kiến nghị thu hồi là: 4.369.591 triệu đồng; xử phạt là 1.026.576 triệu đồng. Số thuế đã nộp NSNN là 3.399.289 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.597.184 triệu đồng, trong đó, tiền thuế kiến nghị thu hồi là: 9.616.640 triệu đồng; xử phạt là 1.980.544 triệu đồng. Số thuế đã nộp NSNN là 6.553.358 triệu đồng. Ngoài ra, công tác kiểm tra nội bộ cũng được Tổng cục Thuế chú trọng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 1.405 cuộc kiểm tra (bao gồm 1.224 cuộc theo kế hoạch và 181 cuộc đột xuất) tại 1.498 đơn vị. Qua công tác kiểm tra nội bộ, các sai phạm được phát hiện đều được kiến nghị, xử lý kịp thời. Qua đó rút kinh nghiệm và xây dựng các biện pháp khắc phục, tăng cường công tác quản lý thuế trong toàn hệ thống để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế. Hồng Thiết

Tập huấn triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7

TĐKT - Ngày 13/10, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan, với sự tham gia của 455 đại biểu đến từ cơ quan hải quan, các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Bắc và các ngân hàng phối hợp thu. Quang cảnh hội nghị Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu và hướng dẫn một cách chi tiết cho doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan Hải quan khu vực miền Bắc hiểu và nắm bắt được những điểm mới của Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 (Đề án nộp thuế điện tử 24/7). Trước đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn triển khai Đề án này tại miền Trung và miền Nam. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất, nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, sau thời gian triển khai về phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thay vì chỉ nộp tiền Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, đã có 35 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Hải quan, trao đổi thông tin nộp tiền bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế có mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Mặc dù hình thức thu thuế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhưng vẫn còn những bất cập khi người nộp thuế muốn thủ tục ngoài giờ hành chính, ngoài giờ giao dịch của ngân hàng hay trong những ngày nghỉ, ngày lễ tết. Vì vậy, để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai Đề án Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7. Tại Hội nghị tập huấn, đại diện Cục Thuế xuất,  nhập khẩu đã giới thiệu chi tiết về Đề án nộp thuế điện tử 24/7, nội dung đề án, quy trình thực hiện, hướng dẫn sử dụng cổng thanh toán 24/7, những khó khăn khi triển khai và giải pháp khắc phục. Hồng Thiết

Hội thảo “Cơ hội, thách thức của pháp chế doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế ”

TĐKT – Ngày 13/10, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam, trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức của  pháp chế doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế ”. Hội thảo là cơ hội để những người hoạt động trong lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp được trao đổi chuyên môn, cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật 2017. Trong quá trình hình thành và phát triển, EVN luôn đề cao vai trò công tác quản trị nội bộ để đảm bảo các hoạt động của EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện đúng quy định của pháp luật và hoạt động có hiệu quả. Quang cảnh Hội thảo Đối với quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài, EVN và các đơn vị thành viên đã làm việc và hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để đàm phán, ký kết, thực hiện các hợp đồng. Đây là công việc khó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên môn vừa phải có trình độ ngoại ngữ, vừa am hiểu về pháp luật nước ngoài. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ vai trò của pháp chế - công cụ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh; kinh nghiệm xây dựng hệ thống quy chế quản lý nội bộ và các công cụ quản trị khác trên cơ sở quy định của pháp luật. Trong dịp này, đại diện Bộ Tư pháp và các luật sư cũng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý đối với các công việc có yếu tố nước ngoài như đàm phán, giải quyết tồn tại, tranh chấp hợp đồng, thông lệ áp dụng đối với một số nội dung cơ bản trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài… Thục Anh  

Trang