Kinh tế

Đầu tư, đổi mới ngành mía đường theo hướng công nghệ tiên tiến

TĐKT - Sáng 4/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2022. Đại hội Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam lần thứ VI Hiệp hội Mía đường Việt Nam hiện nay có tất cả 49 hội viên, trong đó có 31 hội viên sản xuất, 8 hội viên thương mại dịch vụ, 1 hội viên nghiên cứu khoa học, 9 hội viên nông dân. Trong nhiệm kỳ 2014 - 2018, các thành viên Hiệp hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra: Tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh cả khâu nguyên liệu và công nghiệp chế biến, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần bình ổn thị trường giá cả trong nước; từng bước chủ động tham gia hội nhập kinh tế, trước hết thực hiện các cam kết của Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành mía đường bền vững. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Hoàn thiện tổ chức bộ máy Hiệp hội, tăng cường đoàn kết, đồng thuận và phát triển. Những năm qua, cây mía vẫn khẳng định được vị trí trong hệ thống cây trồng ngành nông nghiệp. Toàn ngành mía đường tiếp tục duy trì ổn định sản xuất vùng nguyên liệu khoảng 300.000 ha, trong đó, diện tích tập trung khoảng 280.000 ha. Sản lượng mía nguyên liệu 4 niên vụ qua đạt trên 56 triệu tấn, sản lượng đường đạt trên 5 triệu tấn. Trong đó, hai niên vụ 2013/2014 và 2014/2015 đạt sản lượng mía và đường cao nhất trong 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường. Trong 4 năm, ngành mía đường đã tạo ra giá trị sản phẩm khoảng 140.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.000 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước bình quân 3.500 tỷ đồng/năm. Hàng năm, ngành mía đường đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, giúp tăng thu nhập cho trên 300.000 hộ nông dân. Đến nay, 95% diện tích mía nguyên liệu đã được các thành viên Hiệp hội Mía Đường ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía. Ngành mía đường tiếp tục là ngành đi đầu trong việc tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu dùng; xây dựng hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất mía đường. 20 đơn vị thành viên Hiệp hội trong 4 năm đã đầu tư gần 7000 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu (gồm cho vay và hỗ trợ về giống, chuyển đổi cây trồng, khai hoang, mua vật tư, thiết bị...), trong đó đầu tư không thu hồi gần 500 tỷ đồng. Hiệp hội đã tham gia tích cực với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 20 đơn vị thành viên Hiệp hội trong 4 năm qua đã dành hơn 59 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó có 45 tỷ đồng dành cho công tác xã hội và từ thiện. Đại hội đã nhất trí các mục tiêu, phương hướng đề ra của Hiệp hội Mía Đường nhiệm kỳ tới. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập. Đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện theo hướng: Đổi mới giống mía, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, mở rộng thâm canh có tưới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng mía, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, đổi mới theo hướng thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, mở rộng công suất phù hợp với vùng nguyên liệu. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm cạnh đường, sau đường nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra Hiệp hội Mía Đường Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018 – 2022). Phương Thanh

Khai trương showroom đầu tiên của Heynature tại Việt Nam

TĐKT – Sáng 28/4, Công ty TNHH Việt Nam – Hong Kong khai trương showroom đầu tiên của Heynature tại 87 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội,  chính thức giới thiệu ra thị trường Việt Nam thương hiệu mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc này. Bà Ha Eun Young, người sáng lập Heynature (ngoài cùng bên phải) phát biểu tại Lễ khai trương Heynature là thương hiệu mỹ phẩm được ra đời tại Hàn Quốc vào năm 2004. Được biết đến là một thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên nổi tiếng tại châu Á, 100% sản xuất tại Hàn Quốc. Với hơn 15 năm hình thành và phát triển. Heynature đã gặt hái được nhiều thành công trên thế giới. Được hàng triệu phụ nữ tin dùng và được nhiều ngôi sao nổi tiếng hàng đầu xứ Hàn như Sunny (SNSD), Yoon Seung Ah… tin yêu và sử dụng. Heynature nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích tại nhiều quốc gia: Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Trung Quốc,… Sau thời gian dài lên kế hoạch, Công ty TNHH Việt Nam – Hong Kong đã chính thức đưa thương hiệu danh tiếng của Hàn Quốc về Việt Nam. Đánh dấu sự gia nhập ấn tượng lần này, trong ngày khai trương Heynature đã trưng bày thỏi son khổng lồ cao 2 m, triển khai chương trình giảm giá 50% cho son 2 màu. Tại Lễ khai trương, bà Ha Eun Young, người sáng lập Heynature chia sẻ: Là một thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên, Heynature mang đến những sản phẩm làm đẹp từ nguyên liệu tinh túy nhất. Bên cạnh đó, kế thừa kiến thức làm đẹp chuyên sâu, sản phẩm Heynature phát triển chuyên biệt từ oải hương, diếp cá, dầu olive, dầu hạt nho, đất sét trắng… đều được nghiên cứu chuẩn cMGP, kiểm định chuẩn mực khắt khe và chứng nhận bởi cơ quan an toàn mỹ phẩm có thẩm quyền, mang lại năng lượng nuôi dưỡng, bảo vệ da khỏe mạnh từ trong ra ngoài. Việc ra mắt showroom tại Việt Nam sẽ giúp khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc chính hãng một cách dễ dàng, đồng thời cũng là cơ hội để Heynature đến gần hơn với những người trẻ tuổi năng động, hiện đại. Minh Phương

VietABank tổ chức Đại hội cổ đông năm 2018

TĐKT - Ngày 26/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành cùng đại diện cán bộ VietABank. Đại hội đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017, định hướng hoạt động năm 2018 và các nội dung quan trọng khác. Năm 2017, VietABank đã chủ động, linh hoạt điều hành phù hợp với tình hình thực tế cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên VietABank để hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng. Theo báo cáo tài chính năm 2017, tổng tài sản của VietABank đạt 64.434 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Bám sát phương châm “Đồng hành cùng khát vọng”, VietABank đã liên tục triển khai nhiều gói lãi suất ưu đãi, các dịch vụ ưu tiên, các chương trình hỗ trợ, kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiêu biểu như tài trợ cho Chương trình thanh niên khởi nghiệp quốc gia; tài trợ Shark Tank Việt Nam — thương vụ bạc tỷ. VietABank đã được ghi nhận và trao tặng các giải thưởng: Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; 12 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam. Tiếp tục phát huy những kết quả của năm trựớc, Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của VietABank trong năm 2018: Tổng tài sản đạt 70.160 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 42.990 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 312 tỷ đồng. Bên cạnh dó, Đại hội cũng tiến hành bầu Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đại hội đã diễn ra với sự quyết tâm và đồng thuận của các cổ đông tham dự cùng với sự tin cậy và ủng hộ của khách hàng, của đối tác. Ban lãnh đạo VietABank đã cam kết tiếp tục phát huy lợi thế, phấn đấu trở thành ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững, trở thành điểm tựa vững tin, một thương hiệu thân thiện, luôn đồng hành cùng khách hàng; sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Mai Thảo

Hà Nội đã có 10 chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn

TĐKT – Sáng 24/4, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)  trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020”. Một điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi Gà đồi Ba Vì trên địa bàn thành phố Dự án được triển khai từ tháng 10/2015 với mục tiêu là hoàn thiện 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP; đến năm 2020 cung cấp cho thị trường 14 tấn thịt lợn/ngày, 6,5 tấn thịt gia cầm/ngày, 105 nghìn quả trứng/ngày, 105 tấn sữa tươi/ngày và 1 tấn thịt bò/ngày; xây dựng 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao Trung tâm Phát triển chăn nuôi chủ trì triển khai thực hiện Dự án. Sau 2 năm triển khai, nhiều nội dung, chỉ tiêu của Dự án đã đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2020. Tới nay, TP Hà Nội đã xây dựng được 10 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học Quốc oai, thực phẩm A-Z, thực phẩm 3F, thực phẩm Tiên Viên, thịt bò Hà Nội, sữa Ba Vì. Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện. Sản phẩm của chuỗi được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Hình thành các cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. Hàng ngày, các chuỗi tham gia Dự án đang cung cấp cho thị trường 8,14 tấn thịt lợn; 4,22 tấn thịt gia cầm; 1,5 tấn thịt bò; 72 nghìn quả trứng gà và 90 tấn sữa tươi. Kết quả thực tiễn các mô hình chuỗi trong Dự án triển khai 2 năm qua đã khẳng định: Chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi thì mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong chăn nuôi và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng; đồng thời, công tác quản lý ATTP trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn vệ sinh hiện nay mới được triệt để. Do vậy, trong tương lai, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết đảm bảo ATTP gắn với quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao sẽ là xu thế để hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo sự ổn định, bền vững. Trang Lê

VNPT lập “hat-trick” tại chương trình bình chọn Sao Khuê 2018

TĐKT - Tham gia chương trình bình chọn danh hiệu Sao Khuê 2018, VNPT đã có 3 giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) được trao danh hiệu này. Đặc biệt, giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds của VNPT nằm trong Top 10 sản phẩm, dịch vụ xuất sắc nhất Sao Khuê 2018. Đại diện Công ty CNTT VNPT nhận danh hiệu Top 10 Sao Khuê năm 2018, với giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds. Trải qua các vòng sơ tuyển, thẩm định thực tế và chung tuyển, đã có 73 sản phẩm - dịch vụ được bình chọn trao Danh hiệu Sao Khuê 2018. Trong đó, Tập đoàn VNPT có 3 dịch vụ, giải pháp được chọn trao Danh hiệu Sao Khuê 2018 cùng của Công ty CNTT VNPT (VNPT IT) trực thuộc Tập đoàn VNPT, gồm: Giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds; Dịch vụ lưu trữ chia sẻ đồng bộ dữ liệu trực truyến VNPT Drive; Dịch vụ máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây SmartCloud. Đặc biệt, tham dự chương trình bình chọn danh hiệu Sao Khuê năm nay ở nhóm sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds của tập đoàn VNPT đã xuất sắc lọt vào Top 10 Sao Khuê 2018. Giải pháp VNPT SmartAds là công cụ giúp khách hàng quản lý tập trung các màn hình hiển thị từ xa; chủ động lập lịch và cài đặt lịch trình phát các nội dung multimedia (video, image, text, message…) cho các màn hình hiện thị tại các điểm phát khác nhau; giúp cho việc vận hành hệ thống truyền thông dễ dàng và đơn giản. Sử dụng VNPT SmartAds, khách hàng còn có thể cài đặt phát một hoặc nhiều nội dung đồng thời, lập nhiều lịch phát định trước, lập lịch phát tập trung cho toàn bộ mạng lưới các thiết bị màn hình hiển thị hoặc riêng rẽ cho từng thiết bị; đồng thời chủ động giám sát và kiểm soát nội dung phát tại các màn hình từ xa một cách chủ động. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao danh hiệu Sao Khuê 2018 cho đại diện VNPT IT với giải pháp VNPT SmartCloud Ngoài giải pháp VNPT Smart Ads lọt Top 10 Sao Khuê 2018, Tập đoàn VNPT còn có 2 dịch vụ được trao Danh hiệu Sao Khuê năm nay. Cả dịch vụ lưu trữ chia sẻ đồng bộ dữ liệu trực truyến VNPT Drive và dịch vụ máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây SmartCloud của VNPT đều được vinh danh ở hạng mục dịch vụ Điện toán đám mây và Big Data thuộc nhóm dịch vụ CNTT của chương trình bình chọn Sao Khuê 2018. Trong đó, dịch vụ lưu trữ chia sẽ đồng bộ dữ liệu trực tuyến VNPT Drive cung cấp cho khách hàng khả năng lưu trữ trực tuyến tất cả dữ liệu của mình như danh bạ, hình ảnh, audio, video, tập tin… lên hạ tầng điện toán đám mây; cho phép khách hàng truy cập dữ liệu của mình từ bất kỳ đâu bất kỳ thiết bị nào. Với giao diện thân thiện, dịch vụ lưu trữ trực tuyến VNPT Drive cho phép khách hàng có thể sao lưu, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của mình một cách nhanh chóng và an toàn khi có nhu cầu; hỗ trợ đa nền tảng bao gồm Win Client (Windows OS), iOS App, Android App và Web Portal. Tương lai, VNPT sẽ phát triển thêm trên nền tảng linux và Mac OS. Ngoài ra, sản phẩm cũng đảm bảo tốc độ tối đa với khách hàng trong nước; khắc phục tốc độ chậm do đứt cáp quang biển so với các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế. “Đặc biệt, là sản phẩm “Made in Viet Nam”, VNPT Drive đảm bảo toàn vẹn dữ liệu người dùng và đảm bảo an toàn thông tin, tránh bị lấy cắp thông tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm của nước ngoài”. Dịch vụ SmartCloud là dịch vụ ứng dụng giải pháp mã nguồn mở Openstack để triển khai dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng. Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia vào thị trường Cloud tại Việt Nam (2014), dịch vụ SmartCloud của VNPT cung cấp các tính năng dịch vụ gồm: dịch vụ máy chủ ảo; dịch vụ Block Storage (ổ lưu trữ gắn ngoài cho máy ảo);dịch vụ IP Public; dịch vụ Security Group (firewall mềm). Theo chia sẻ của VNPT IT, về mặt chất lượng, sử dụng dịch vụ SmartCloud, dữ liệu được backup, dự phòng định kỳ; các hệ thống theo dõi, cảnh báo được tích hợp để đảm bảo mọi hoạt động của hệ thống nằm trong tầm kiểm soát. Khách hàng được hỗ trợ dịch vụ 24/7 với hệ thống tài liệu online, live-chat và qua điện thoại. Hồng Thiết

Startup Fintech lọt Top 10 Sao Khuê 2018

TĐKT -  Tại Lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2018 sáng 21/4/2018, trong số 73 sản phẩm dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin  (CNTT) được đề cử danh hiệu Sao Khuê năm nay thì Công ty cổ phần Tập đoàn Tima với sản phẩm đăng ký là Sàn kết nối tài chính Tima đã vinh dự lọt vào Top 10 các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc nhất. Tima cũng là startup duy nhất nằm trong Top 10 Sao Khuê 2018 cùng với các gương mặt quen thuộc nhiều năm liền đạt giải như Viettel, FPT, BIDV. Đại diện doanh nghiệp Tima nhận giải Top 10 Sao Khuê 2018 Sàn kết nối tài chính Tima là một ứng dụng công nghệ dùng để kết nối trực tiếp giữa người đi vay và các đối tác cho vay trên nền tảng trực tuyến. Sản phẩm sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích và chấm điểm tín nhiệm của khách hàng vay (Credit Scoring), qua đó rút ngắn thời gian xét duyệt khoản vay chỉ trong vòng vài phút. Toàn bộ quá trình kết nối cho vay qua Sàn Tima đều được số hóa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người vay và đối tác cho vay. Ứng dụng Sàn kết nối tài chính Tima được sử dụng đa nền tảng trên cả máy tính, laptop và smart phone (Adroid, IOS). Giao diện Sàn kết nối tài chính Tima trên di động Tại Việt Nam, Tima đang ở vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực P2P Lending cả về quy mô và công nghệ. Hiện có hơn 1 triệu khách hàng đăng ký vay qua Sàn Tima, kết nối hơn 1,6 triệu đơn vay, tổng giá trị giao dịch qua Sàn Tima đạt hơn 1 tỷ USD. “Trong bối cảnh đa số người dân Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, tài chính truyền thống, Sàn Tima ra đời đã giải quyết bài toán về nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân mọi lúc mọi nơi chỉ thông qua một cửa duy nhất. Việc phát triển đa dạng sản phẩm, mở rộng khách hàng cho vay và đi vay, đối tác và quy mô kinh doanh trên toàn quốc trong thời gian sắp tới của Sàn Tima sẽ góp phần vào công cuộc phát triển tài chính toàn diện theo định hướng của chính phủ”, ông Nguyễn Văn Thực – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công nghệ Tima chia sẻ. Nguyễn Văn Thực – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công nghệ Tima Giải Sao Khuê 2018 bình chọn được 52 sản phẩm phần mềm và 21 dịch vụ CNTT tiêu biểu. Đặc biệt trong số 74 danh hiệu Sao Khuê, hội đồng bình chọn đã đề cử ra 9 sản phẩm và 1 dịch vụ xuất sắc nhất đạt danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2018. Danh hiệu Top 10 biểu dương những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những xu hướng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình robot (Robotic Process Automation – RPA), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR), (thực tế tăng cường) AR, công nghệ in 3D… có tính ưu việt, tính xã hội hóa, tính ứng dụng và sự tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.   Hồng Thiết  

Lực lượng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan chủ trì bắt giữ 6 xe chở hàng lậu

TĐKT- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) và lãnh đạo Tổng cục Hải quan về triển khai Kế hoạch số 243 cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sau Tết Nguyên Đán 2018 trên một số tuyến đường bộ của các tỉnh biên giới phía Bắc, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các đơn vị: Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) - Bộ Công an và lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên phát hiện, bắt giữ một số vụ buôn lậu. Lực lượng Hải quan kiểm tra và bắt giữ hàng lậu Cụ thể: Đêm 17/4/2018, Tổ công tác liên ngành gồm Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) - Bộ Công an, lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên đã phối hợp tiến hành theo dõi, truy đuổi và bắt giữ các xe ô tô nghi vấn chở hàng hóa nhập lậu trên tuyến Quảng Ninh. Tổ công tác liên ngành đã bắt giữ các xe ô tô biển kiểm soát số 14B - 02603, 14B - 02217 nghi vấn chở hàng hóa nhập lậu. Qua kiểm tra sơ bộ bước đầu cho thấy hàng hóa gồm có: Thiết bị vệ sinh, đồ điện tử, linh kiện và điện thoại di động, dầu gội đầu, kem dưỡng tóc, đồ chơi trẻ em, phụ tùng ô tô… Toàn bộ hàng hóa được vận chuyển trên 2 ô tô trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Tiếp đó, đêm 18/4 và rạng sáng ngày 19/4, Tổ công tác liên ngành gồm: Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) - Bộ Công an đã phối hợp tiến hành theo dõi, truy đuổi và bắt giữ các xe ô tô nghi vấn chở hàng hóa nhập lậu trên tuyến Lạng Sơn.  Tổ công tác liên ngành đã bắt giữ các xe ô tô biển kiểm soát số 29B-15431, 29B-15414, 29H-07389, 29H-04664 nghi vấn chở hàng hóa nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, các lái xe không xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Hiện nay, Tổ công tác liên ngành đang tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa được vận chuyển trên các xe ô tô trên. Qua kiểm tra sơ bộ, Tổ công tác phát hiện hàng hóa trên các phương tiện: Quần áo, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng. Các đối tượng buôn lậu đã dùng phương thức thủ đoạn: Hàng hóa tập kết tại các điểm, các bãi tập kết sau đó dùng xe máy và ô tô mang đến các điểm, bãi tập kết để xếp lên xe ô tô để vận chuyển hàng hóa vào trong nội địa tiêu thụ. Sau đó, các đối tượng hợp thức hóa nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bằng các hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh cá thể trong nội địa để đi trên đường đối phó các lực lượng chức năng khi kiểm tra. Hiện Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm việc với các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. La Giang  

Hapro đưa “hạt ngọc Đồng Tháp” đến người tiêu dùng Thủ đô

TĐKT – Ngày 21/4, tại Siêu thị Hapromart C13 Thành Công, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm Gạo Đồng Tháp: “Hạt ngọc Đồng Tháp Mười” đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng mặt hàng gạo chất lượng cao, những năm qua, Hapro đã thành lập và đưa vào hoạt động Nhà máy xay xát và chế biến gạo xuất khẩu đặt tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo” QCVN 01-134: 2013/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà máy đã tổ chức thu mua, xay xát, chế biến, đóng gói gạo đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hạt gạo ngon, sạch, an toàn với quy trình sản xuất và chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Hapro giới thiệu những sản phẩm gạo chất lượng cao đến người tiêu dùng Thủ đô Gạo Đồng Tháp từ nhà máy đã được xuất khẩu và tiêu thụ rất tốt ở nhiều nước trên thế giới: Phillippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, một số nước khu vực Trung Đông... Để đưa gạo chất lượng cao đến với người tiêu dùng Việt, Hapro đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nội địa nghiên cứu và đến nay chính thức triển khai đưa vào hệ thống kinh doanh 3 sản phẩm gạo chất lượng cao: Gạo Japonica, gạo Hương lài sữa dẻo và gạo Hương 9 rồng. Với những ưu thế về mặt thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, hạt gạo Japonica tròn hạt, đều đặn, đồng nhất, cơm dẻo (do có hàm lượng amylose thấp hơn và có chứa maylopectin). Khi nấu chín hạt cơm căng tròn như hạt ngọc, có màu trắng óng ánh và vị ngọt dịu thơm. Đối với hạt gạo Hương lài sữa dẻo thì hạt nhỏ, trắng trong, cơm dẻo mềm có vị ngọt, để nguội cơm vẫn dẻo và thơm. Đặc biệt, khi nấu cơm có mùi thơm thoang thoảng hương lài. Gạo Hương 9 rồng lại có hàm lượng đạm cao gấp rưỡi gạo thường. Khi nấu chín hạt cơm trong, săn và có hương thơm vượt trội so với các gạo khác, vị đậm đà. Hiện nay, Hapro đang triển khai phân phối, bán buôn và bán lẻ gạo tại Hà Nội và các tỉnh thành, trực tiếp tại 30 địa điểm siêu thị của Tổng Công ty tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Mai Thảo

Cách tính thuế tài sản dự kiến đối với một căn hộ chung cư theo dự án Luật thuế tài sản

TĐKT - Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Dự án Luật thuế tài sản để gửi xin ý kiến. Sau nhiều ý kiến thắc mắc của dư luận, Bộ Tài chính một lần nữa chính thức đăng đàn công bố cách tính thuế tài sản theo dự luật. Bộ Tài chính lấy ví dụ giả sử căn hộ chung cư để ở có diện tích 75 m2 tại một khu đô thị tại Hà Nội (nhà chung cư 20 tầng). Giá mua căn hộ chung cư theo hợp đồng mua bán là 2,5 tỷ đồng. Giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố đối với vị trí thửa đất xây dựng nhà chung cư là 10.000.000 đồng/m2. Suất vốn đầu tư xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng công bố (theo Quyết định số 706/QĐ-BXD ngày 30/6/2017) khoảng 9.710.000 đồng/m2 (áp dụng đối với nhà chung cư từ 18 tầng đến 20 tầng). Bộ Tài chính cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến tham gia để hoàn thiện hồ sơ Dự án Theo dự thảo Dự án Luật thuế tài sản thì việc tính thuế tài sản sẽ không dựa trên giá mua căn nhà theo hợp đồng mua bán là 2,5 tỷ đồng mà giá tính thuế tài sản được xác định dựa trên giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Cụ thể: Giá tính thuế đối với đất được căn cứ vào giá 1 m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Giá tính thuế đối với nhà được căn cứ vào giá nhà tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm tính thuế trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố. Việc tính thuế dựa trên giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành sẽ đảm bảo tính đơn giản, khả thi, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế. Ngoài ra, giá tính thuế tài sản được ổn định 5 năm (tính theo năm dương lịch) kể từ ngày Luật Thuế tài sản có hiệu lực thi hành (nghĩa là trong chu kỳ ổn định 5 năm nếu có thay đổi người nộp thuế hoặc thay đổi giá tính thuế thì cũng không phải xác định lại số thuế phải nộp cho thời gian còn lại của chu kỳ). Tổng số thuế tài sản dự kiến phải nộp hàng năm đối với nhà, đất bằng số thuế tài sản phải nộp đối với đất cộng với số thuế tài sản phải nộp đối với nhà. Cụ thể số thuế tài sản phải nộp đối với căn hộ chung cư trên được tính như sau: Trường hợp khu chung cư mới được xây dựng: Số thuế tài sản dự kiến phải nộp đối với đất xác định cho căn hộ chung cư trên như sau: Giá tính thuế dự kiến đối với đất xác định cho căn hộ chung cư trên: 75 m2 x 10.000.000 đồng/m2 x 0,2 = 150.000.000 đồng Số thuế tài sản dự kiến phải nộp đối với đất xác định cho căn hộ chung cư trên (với mức thuế suất thuế tài sản dự kiến 0,4%): 150.000.000 đồng x 0,4% = 600.000 đồng/năm Giá tính thuế đối với nhà xác định cho căn hộ chung cư trên: 75 m2 x 9.710.000 đồng/m2 = 728.250.000 đồng Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì căn hộ chung cư trên phải nộp thuế tài sản đối với nhà như sau: 28.250.000 đồng x 0,4% = 113.000 đồng/năm Tại dự thảo dự án Luật thuế tài sản quy định giá tính thuế đối với nhà đã qua sử dụng được xác định trên tỷ lệ % chất lượng còn lại của nhà. Theo Quyết định số 3203/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của UBND TP Hà Nội quy định Bảng tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà xác định theo thời gian sử dụng nhà (tính từ năm xây dựng hoàn thành bàn giao hoặc đưa nhà vào sử dụng đến năm kê khai nộp lệ phí trước bạ) đối với nhà từ 5 - 10 năm, công trình cấp I-II là 80%. Giá tính thuế dự kiến đối với nhà đã qua sử dụng xác định cho căn hộ chung cư trên: 75 m2 x 9.710.000 đồng/m2 x 80% = 582.600.000 đồng Do giá tính thuế dự kiến đối với nhà đã qua sử dụng xác định cho căn hộ chung cư trên dưới ngưỡng không chịu thuế, do đó, số thuế tài sản phải nộp đối với nhà (đã qua sử dụng 7 năm) áp dụng cho căn hộ chung cư trên là 0 đồng. Như vậy, trường hợp khu chung đã qua sử dụng được 7 năm thì chỉ phải nộp thuế tài sản đối với đất là 600.000 đồng/năm, không phải nộp thuế đối với nhà do giá trị nhà nằm trong ngưỡng không chịu thuế. Bộ Tài chính cho biết thêm, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đây là hồ sơ dự án Luật bước đầu gửi lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp của chính sách để làm cơ sở lập và hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật trình cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Bộ Tài chính xin ghi nhận các ý kiến tham gia để hoàn thiện hồ sơ dự án. Hồng Thiết  

Đường sắt Việt Nam tích cực đổi mới nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thị phần vận tải

TĐKT – Từ ngày 16 -19/4, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đăng cai tổ chức Phiên họp thứ 33, Hội nghị Tổng giám đốc Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD). Hội nghị có sự tham dự của gần 120 đại biểu đến từ 20 đoàn đại biểu của đường sắt các nước thành viên OSJD, 7 doanh nghiệp liên kết và 2 tổ chức quốc tế. Hội nghị là diễn đàn để lãnh đạo đường sắt các nước thành viên OSJD gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để quản lý và khai thác hiệu quả hơn nữa mạng đường sắt hiện có, đồng thời trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối vận tải trên hành lang liên vận Á - Âu cũng như củng cố và thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa các đường sắt. Dịp này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có các cuộc gặp song phương với đường sắt các nước nhằm trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển vận tải logistics bằng phương tiện đường sắt giữa Việt Nam và các nước thành viên OSJD, tổ chức chạy các đoàn tàu container chuyên tuyến từ Việt Nam qua các nước thành viên OSJD đến châu Âu. Tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tại Việt Nam nhằm kết nối Mạng đường sắt xuyên Á và các dự án trong khuôn khổ Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất và cung ứng đầu máy toa xe, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và thiết bị đảm bảo an toàn chạy tàu… Hội nghị Tổng giám đốc Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) phiên thứ 33 Trong năm 2017, các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Đường sắt (OSJD) chủ yếu nhằm vào việc hoàn thiện và phát triển liên vận hành khách và hàng hóa đường sắt quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh vận tải đường sắt trong không gian Á - Âu, tăng cường khung pháp lý để đạt được hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và đáp ứng nhu cầu của các nước - thành viên Hội OSJD trong vận chuyển hành khách và hàng hoá. Đặc biệt, trong năm 2017, tổ chức đã thành công trong việc xây dựng vận tải đa phương thức và tạo các hành trình container mới trên các tuyến đường sắt của các nước thành viên. Tổng cộng có 290 hành trình các đoàn tàu container, trong đó có 150 chạy thường xuyên. Hội nghị Tổng Giám đốc OSJD lần này sẽ thông qua 16 nghị quyết là những nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Tổng Giám đốc nhằm đảm bảo hoạt động của tổ chức này trong giai đoạn 2018 - 2019 và trình lên Hội nghị Bộ trưởng thông qua những nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Bộ trưởng, về các lĩnh vực:  Vận tải hàng hóa và hành khách; cơ sở hạ tầng và đầu máy toa xe; mã hóa và công nghệ thông tin; tài chính và thanh toán; giáo dục/đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực vận tải đường sắt; bổ nhiệm lãnh đạo của Ủy ban OSJD; phân bổ chức danh trong bộ máy lãnh đạo của Ủy ban, chức danh trưởng ban và chuyên gia tại các bộ máy làm việc của OSJD kể từ ngày 1/7/2018; kết nạp Korail làm thành viên của OSJD và Chương trình công tác năm 2019 và những năm tiếp theo của OSJD… Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được một số thành tựu đáng kể với kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện, một số công trình giao thông lớn quan trọng đã hoàn thành; vận tải duy trì mức tăng trưởng 8%; giao thông đô thị được chú trọng đầu tư. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Việt Nam đã tham gia và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại với các nước trên thế giới: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEA FTA), gần đây đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Từ đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội, thách thức đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thiết lập một mạng lưới giao thông và logistics hiệu quả hơn có tích hợp các phương thức (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) nhằm tối đa hóa lợi ích hoạt động vận tải. Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam đã xác định bên cạnh việc cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực thì phát triển kết cấu hạ tầng được coi là khâu đột phá chiến lược. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đặc biệt là cơ chế thu hút vốn đầu tư nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực từ khối tư nhân trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức: ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu, đối tác công - tư, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng hiện có, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan...  Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm: Ngành Đường sắt Việt Nam đang tích cực, chủ động thực hiện tái cơ cấu, đổi mới tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh; tăng cường đầu tư, xây dựng kết nối với mạng đường sắt quốc tế như với Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng và tăng thị phần vận tải. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Với các dự án này, hy vọng giao thông đường sắt sẽ phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển đất nước một cách hiệu quả nhất.  Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để ngành Đường sắt Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước và mạng lưới đường sắt OSJD. Mai Thảo  

Trang