Kinh tế

Phích giữ nhiệt 0,45 lít – một cải tiến đột phá của Rạng Đông

TĐKT – Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa tung ra thị trường sản phẩm Phích giữ nhiệt Rạng Đông,  Model: RD – 04528 N1 với dung tích: 0,45 lít. Đây được coi là một trong những sản phẩm “có tâm, có tầm”, không chỉ lấy lòng được người tiêu dùng Việt mà còn là một cải tiến đột phá, giúp Rạng Đông vươn xa tầm quốc tế. Phích Rạng Đông là một trong những sản phẩm hữu dụng, được hầu hết các gia đình Việt lựa chọn, tin dùng, 22 năm liên tục được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm phích nước Rạng Đông còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, tại Trung Quốc – một quốc gia trước đây chuyên xuất phích nước sang thị trường Việt Nam, nay cũng đã nhập khẩu các sản phẩm phích nước của Rạng Đông để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Thế giới và Việt Nam hội nhập sâu rộng, Rạng Đông cũng chủ động đón thời cơ để phát  triển. Xác định việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là một mục tiêu quan trọng, luôn đặt lên hàng đầu, nhiều năm qua Rạng Đông không ngừng đổi mới công nghệ, cập nhật, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm tốt nhất dành tặng người tiêu dùng. Sản phẩm Phích giữ nhiệt Rạng Đông,  Model: RD – 04528N1 với dung tích: 0,45 lít là một “kiệt tác” từ nỗ lực đó. Đây là loại phích có khả năng giữ nhiệt cho nước nóng và giữ nước lạnh không bị tăng nhiệt độ do môi trường bên ngoài. Hiện nay, trên thế giới cũng có nhiều hãng nổi tiếng trong sản xuất và cung cấp phích giữ nhiệt như: Thermos (Mỹ), Carlmann (Đức), Elmich (Séc), Lock & Lock… Tuy nhiên, Rạng Đông vẫn tự tin về sản phẩm Phích giữ nhiệt của mình bởi nó  đảm bảo độ an toàn, độ bền và tin cậy cao trong khi giá thành lại rất phải chăng. Với thiết kế nhỏ gọn, xinh xắn, trẻ trung năng động cùng màu sắc độc đáo, bắt mắt, Phích giữ nhiệt 0,45l của Rạng Đông vừa tô điểm thêm cá tính của người dùng, vừa thích hợp cho đựng cà phê, trà thảo dược, nước tăng lực, nước hoa quả… khi đi học, đi làm hoặc chơi thể thao… Ngoài khả năng giữ, đựng nước nóng thời gian dài (độ giữ nhiệt sau 6h ≥70 ˚C) thì sản phẩm phích giữ nhiệt Rạng Đông còn có khả năng giữ lạnh rất tốt. Đó là nhờ công nghệ sản xuất của Nhật Bản tăng độ bền, công nghệ mạ bạc giữa 2 lớp ruột phích (bình trong, bình ngoài) tạo bức xạ nhiệt tuyệt đối càng nâng cao độ giữ nhiệt cho phích nước. Phích giữ nhiệt giúp chúng ta tiết kiệm thời gian hâm nóng và làm lạnh nhờ khả năng giữ nhiệt vượt trội cũng như luôn giữ hương vị thơm ngon của đồ uống trong nhiều giờ. Đặc biệt, ruột phích bằng thủy tinh cao cấp có độ bền và an toàn vệ sinh khi sử dụng. Ruột phích được làm từ thủy tinh do chính Công ty Rạng Đông tự sản xuất, đây là loại thủy tinh chất lượng cao, hoàn toàn không dùng ARSEN (hay còn gọi là thạch tín – một chất độc, gây hại cho sức khỏe con người) trong quá trình khử bọt thủy tinh để thủy tinh có độ trong suốt, thủy tinh Rạng Đông sản xuất chứa hàm lượng Bo cao, tăng độ cơ tính, tăng khả năng chịu va đập.  Ruột phích làm từ thủy tinh an toàn nên giữ nguyên vẹn sự tinh khiết của nước, đảm bảo chính xác mùi vị của các loại trà, các loại thảo dược. Zoăng phích được làm bằng silicon tuổi thọ cao tăng khả năng giữ nhiệt cho phích. Hưng Vũ

Hà Nội triển khai "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018

TĐKT - Sáng 31/1, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018. "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018 (15/3/2018) được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật về Quyền của người tiêu dùng; định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại; xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban tổ chức trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018 TP Hà Nội được xây dựng với chủ đề "Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững". Lễ hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)" năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 16/3 tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Tuần tri ân doanh nghiệp vì người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra từ ngày 16/3 - 22/3 gồm 2 hoạt động: Tổ chức Tuần tri ân doanh nghiệp vì người tiêu dùng từ 16/3 - 22/3 tại 60 điểm tri ân người tiêu dùng của các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm. Tổ chức sự kiện "Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng" từ 16/3 - 18/3 với 50 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng: Đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Quyền của người tiêu dùng sẽ được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông và thông qua 7 Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn TP Hà Nội từ tháng 4 - 7/2018. Năm nay, Ban tổ chức mở rộng đối tượng tuyên truyền tới học sinh tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn với các tình huống, kiến thức thực tế để hình thành ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng với các hình thức mới: Bằng hình thức phóng sự liên quan đến hoạt động bảo vệ người tiêu dùng với tần suất 2 tuần/1 phóng sự từ tháng 3/2018 - 5/2018 trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; tổ chức roadshow xe đạp và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 trên các tuyến phố của Hà Nội. Chủ đề tuyên truyền hướng vào các nội dung: Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; xây dựng và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng; hành động vì người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng... Cùng với đó, Sở Công thương TP Hà Nội sẽ duy trì, nâng cấp và mở rộng hoạt động của Tổng đài 024.1081 nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin liên quan đến Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018; giải đáp các thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp nhận các cuộc khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi.  Phương Thanh  

Đầu năm 2018 tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 38,3 tỷ USD

TĐKT – Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu tiên của năm 2018, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 38,3 tỷ USD; trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 19 tỷ USD và trị giá nhập khẩu ước đạt 19,3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 1/2018 ước tính tăng 39,9%, trong đó xuất khẩu ước tăng 33,1% và nhập khẩu ước tính tăng 47,4%. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 38,3 tỷ USD Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2018 ước tính thâm hụt 300 triệu USD, tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng. Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng 1/2018 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 1/2018 ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 80,7% so với tháng 01/2017; hàng dệt may ước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 7,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với tháng 1/2017; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính đạt 2,2 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 37,9% với tháng 1/2017; hàng giày dép ước tính đạt 1,3 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với tháng 1/2017... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng 1/2018: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính đạt 3,75 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng mạnh 72,3% so với tháng 01/2017; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước và tăng 25,4 so với tháng 1/2017; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt là 1,8 tỷ USD, giảm 3,4% so với tháng trước và tăng 115,8% so với tháng 1/2017; vải các loại ước đạt 1 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 51,9% so với tháng 1/2017... Năm 2017, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước lên tới gần 424,87 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2016. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Đây là con số kỷ lục, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần. Kết quả này cho thấy, vị thế Việt Nam trong giao thương quốc tế đã có sự cải tiến rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2018. Năm 2018, ngành hải quan cho biết sẽ tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, minh bạch, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu... Hồng Thiết

Khai mạc Triển lãm Vietship 2018

TĐKT - Ngày 24/1, Triển lãm công nghệ đóng tàu, hàng hải và công trình biển lần thứ 9 (Vietship 2018) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Vietship 2018 diễn ra từ ngày 24 - 26/1 với 163 gian hàng trưng bày công nghệ đóng tàu và sửa chữa tàu thủy; thiết bị và vật liệu dùng cho đóng tàu, trang thiết bị trong nhà máy đóng tàu; phương tiện ngoài khơi, công trình biển… của 59 doanh nghiệp trong nước và 38 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 quốc gia với những tên tuổi lớn như Damen, Nakashima... Nghi lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Vietship 2018 Vietship2018 sẽ tổ chức diễn đàn người mua – sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm các nhà cung cấp của người mua, cũng như quá trình mở rộng thị trường của các nhà sản xuất và cung ứng. Dự kiến có 10 hợp đồng đóng tàu/thỏa thuận hợp tác được ký tại Vietship2018. Bên cạnh đó, chương trình hội thảo trong sáng 25/1 với chủ đề “Thị trường vận tải biển và đóng tàu Việt Nam – Cơ hội và thách thức” là diễn đàn của các chủ tàu, các nhà máy đóng tàu, cơ quan đăng kiểm hàng hải, nhà cung ứng vật tư đối với các vấn đề đang được cộng đồng ngành hàng hải quan tâm. Vietship là triển lãm chuyên ngành đóng tàu, hàng hải và công trình biển có quy mô lớn nhất và lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam. Kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2002, Vietship đã trở thành nơi hội tụ và trình diễn các công nghệ tiên tiến của khu vực cũng như trên thế giới trong các lĩnh vực: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, trang thiết bị hàng hải, dịch vụ vận tải, cảng biển và công nghệ xa bờ.  Vietship là cơ hội để các đơn vị đóng tàu Việt Nam có thêm thông tin, bạn hàng để định vị lại chiến lược sản phẩm, tái cơ cấu ngành nghề. Mai Thảo  

Những sự kiện tiêu biểu ngành đường sắt năm 2017

TĐKT - Năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng việc chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp thiết thực, hiệu quả, ngành đường sắt Việt Nam đã ghi những dấu ấn quan trọng. Sau đây là những sự kiện tiêu biểu của ngành đường sắt Việt Nam trong năm 2017: 1. Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) ngày 16/6/2017, với 397/403 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 98,51%). Luật gồm 10 chương, 87 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là kết quả nỗ lực của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định vai trò quan trọng của phát triển đường sắt trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là cơ sở pháp lý quan trọng để VNR triển khai chiến lược phát triển trong thời kỳ đổi mới. Tàu khách thế hệ 3 đóng mới được đưa vào khai thác trong năm 2017 tuyến Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết 2.Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dành 7.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng đường sắt.  Năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ thông qua gói vốn trung hạn 7000 tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng đường sắt  giai đoạn 2017 - 2021. Số tiền này sẽ được VNR sử dụng cho việc nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có, nâng tốc độ và tải trọng đồng đều trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.  Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chấp thuận đề xuất của VNR cấp kinh phí duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt năm sau cao hơn năm trước 1,3 lần, để đến năm 2023 đáp ứng 100% tiêu chí. Khi đó, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ được cải thiện rõ rệt, sản lượng sẽ tăng gấp đôi khi đạt 25 đôi tàu/ngày đêm và 25 toa trên/đoàn tàu. 3.Hoàn thành đóng mới, đưa vào khai thác sử dụng 6 đoàn tàu chất lượng cao: Làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, năm 2017, VNR đã hoàn thành việc đóng mới, đưa vào khai thác sử dụng 6 đoàn tàu chất lượng cao trên các tuyến Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết và tuyến đường sắt Thống Nhất. Với công nghệ mới, vật liệu nhẹ, trang thiết bị nội thất hiện đại, các đoàn tàu mới được hành khách ghi nhận và đánh giá cao. Trong năm 2017, VNR hoàn thành đóng mới 250 toa xe M container, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của khách hàng. Đây là bước đột phá trong việc phát triển cơ khí trong nước nói chung và cơ khí đường sắt nói riêng, tạo  đà để hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí toa xe sang các nước trong khu vực ASEAN. 4.Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm vận tải: Năm 2017, VNR triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng hướng tới khách hàng như: Cải tạo, nâng cấp nhà ga, mái che, ke ga; thực hiện chính sách giá vé, giá cước linh hoạt; đẩy mạnh vận chuyển kho – kho, cửa đến cửa; chủ động kết nối các phương tiện vận tải khác tạo thuận lợi cho khách hàng (bán vé Hà Nội – Sa Pa, Hà Nội – Cửa Lò…); thử nghiệm phần mềm lõi quản trị hàng hóa; đưa vào khai thác hệ thống soát vé tự động; thí điểm đưa suất ăn hàng không lên tàu… 5. Thu hút đầu tư, xã hội hóa đường sắt: Với mục tiêu xã hội hóa đầu tư, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt, nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng, khai thác có hiệu quả nguồn lực xã hội trong năm 2017, VNR đã ký kết hợp tác chiến lược và triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam… trong việc xây dựng các bãi hàng ICD Yên Viên, Sóng Thần, khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến… mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới; thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng và Chính phủ. 6. Sản lượng tấn.km tính đổi tăng 8,6 % so với cùng kỳ: Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của thị trường vận tải; vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế; hoạt động kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ… song VNR đã triển khai hàng loạt các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu; đảm bảo an toàn các mặt, an toàn giao thông đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí… Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu tiên sản lượng tấn/km tính đổi đạt 108,6% so với cùng kỳ. 7. Tăng cường các hoạt động hợp tác, phát triển vận tải liên vận quốc tế: Từ tháng 10/2016, Hiệp định Thương mại tự do EAEU - Việt Nam có hiệu lực, mở ra cơ hội cho kinh doanh vận tải đường sắt khi hàng hóa lưu thông giữa các nước tăng cao. Nắm bắt cơ hội đó, VNR đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng với đường sắt các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong năm 2017, VNR đã khai trương nhiều đoàn tàu hàng chuyên tuyến: Yên Viên – Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc), Yên Viên – Nam Xương (Giang Tây – Trung Quốc) và Hải Phòng – Khai Viễn (Côn Minh – Trung Quốc)… Các đoàn tàu này giúp đưa hàng hóa hai nước thông thương nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, tiết kiệm chi phí; hướng tới việc khai thác các luồng hàng từ Việt Nam xuất đi các nước Trung Á, Nga và châu Âu thông qua lãnh thổ Trung Quốc và ngược lại. 8. Tổ chức 30 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo đơn vị với người lao động: Năm 2017, VNR đã đầu tư nâng cấp nhiều công trình nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn… VNR đã tổ chức thành công Hội nghị Người lao động; ký thỏa thuận về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…  Đặc biệt, năm 2017, VNR cùng các đơn vị tổ chức 30 cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động. Nhiều kiến nghị của người lao động về cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện chế độ chính sách… được giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong toàn ngành. Mai Thảo  

Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018

TĐKT - Ngày 22/1, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018. Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Cùng dự, có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trong năm qua, với những nỗ lực, đổi mới, hoàn thiện chính sách và điều hành, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các mục tiêu và kế hoạch đề ra, khẳng định vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa, xử lý nợ xấu. Mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế thế giới và trong nước, năm 2017, các bộ phận của thị trường chứng khoán vẫn có sự tăng trưởng rõ nét so với năm 2016. Thị trường đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP, chỉ số VNIndex tăng 48% so với năm 2016, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt kỷ lục trong khi lãi suất phát hành TPCP năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay (ở mức 6,07%/năm) Thị trường chứng khoán phái sinh đã đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện cơ cấu của thị trường chứng khoán, hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Thị trường chứng khoán phái sinh tuy mới triển khai nhưng có sự tăng trưởng mạnh cả về hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản. Công tác cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2017, tổng số phiên đấu giá, thoái vốn chiếm 73% số phiên đấu giá trên Sở giao dịch chứng khoán với tổng giá trị thu về gấp 7,8 lần so với năm 2016, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường và được triển khai toàn diện trên TTCK. Trong năm 2017, UBCKNN đã ban hành khoảng 349 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Tổng số tiền thu về là 30,4 tỷ đồng (gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016). Lần đầu tiên, UBCKNN đã từ chối chấp thuận báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán của 15 doanh nghiệp đại chúng và đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp nhận. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở, Trung tâm lưu ký đã họp và đề ra các nhiệm vụ, định hướng triển khai phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng một số giải pháp: Xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), trình Quốc hội thông qua năm 2019. Các hiệp hội, thành viên thị trường tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Tài chính, UBCKNN trong quá trình xây dựng dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu lại TTCK. Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Theo đó là cơ chế về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thị trường chứng khoán thực sự thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cung cấp nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, đi theo đó là cơ chế về quản trị điều hành, quản trị rủi ro. Ngoài việc tạo cơ hội, giải pháp thúc đẩy thị trường cần giám sát thị trường, tạo điều kiện cho thị trường mang tính chất tuân thủ quy định pháp luật cao, đáp ứng tiêu chí minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Cũng tại Hội nghị, đại diện UBCKNN cũng đã trao đổi, thông tin cụ thể với các đại biểu tham dự về chính sách phát triển thị trường trong đó có chính sách thuế, phí liên quan đến lĩnh vực chứng khoán; về vấn đề nâng hạng thị trường; tăng cường quản trị doanh nghiệp; quản trị rủi ro; hạn chế sở hữu chéo; về phát triển cơ sở các nhà đầu tư…. Trong đó, liên quan đến một số kiến nghị từ phía Hiệp hội, thành viên thị trường về vấn đề phí lưu ký, đại diện Trung tâm lưu ký chứng khoán cho biết: Hiện nay theo quy định của Luật Giá mới, các khoản thu của doanh nghiệp chuyển sang giá dịch vụ theo đó phí lưu ký chuyển sang giá dịch vụ lưu ký. Khi tổ chức phát hành hoặc lưu ký tại các công ty chứng khoán cũng như tái lưu ký tại trung tâm lưu ký phải đóng một khoản phí nhất định cho các thành viên lưu ký, sau đó, các thành viên lưu ký phải đóng góp một phần thu được cho Trung tâm lưu ký. Đây là quy định mà tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng. Mới đây, phí lưu ký này đã được giảm khoảng 20% cho các thành viên thị trường, tuy nhiên một số thành viên cho rằng mức phải đóng còn lại vẫn còn hơi cao. Xét ở khía cạnh cổ phiếu, nếu các cổ đông không có nhu cầu giao dịch số cổ phiếu thì có quyền rút cổ phiếu đó ra khỏi tài khoản lưu ký và tái lưu ký tại Trung tâm và đương nhiên không phải trả khoản phí dịch vụ lưu ký đó. Hiện nay, Bộ Tài chính đang có đánh giá, sửa đổi, tổng kết về các khoản thu phí dịch vụ lưu ký này, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh trong giới hạn có thể, phù hợp quy định của pháp luật. La Giang

Ra mắt thương hiệu nông nghiệp T.Vita

TĐKT - Ngày 22/1, tại Hà Nội, T.Vita – một thương hiệu nông sản an toàn được sản xuất theo công nghệ cao của Tập đoàn T&T đã chính thức ra đời trước sự chứng kiến của Đại sứ Israel, Tham tán Nông nghiệp Hà Lan, cùng các khách hàng, đối tác. Cũng tại buổi lễ, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong việc tạo dựng và phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững, Công ty Phát triển Nông Nghiệp Cuộc sống Xanh T&T - Công ty quản lý thương hiệu T.Vita cũng đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với các đối tác hàng đầu của Israel, Hà Lan. T.Vita ký kết hợp tác cùng P.Marom đến từ Israrel Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 150 nghìn người mắc bệnh ung thư. Trong đó, 50 nghìn người mắc bệnh vì thực phẩm bẩn. Thực tế trên thị trường chỉ có dưới 10% rau quả là thực sự an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiểu được điều này, Tập đoàn T&T đã quyết định thành lập Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc Sống Xanh T&T, với mong muốn mang đến cho người dân Việt một cuộc sống an lành, có chất lượng cao. Thương hiệu T.Vita sẽ là nơi hội tụ những nông sản an toàn, chất lượng đẳng cấp, kết hợp với công nghệ bảo quản và chế biến hiện đại, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh bền vững. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T cho biết: “T.Vita sẽ tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản Việt”. T.Vita đã bắt đầu triển khai các vùng nguyên liệu và nông trường mẫu tại vùng cao nguyên Tây Bắc, Lâm Đồng và đồng bằng sông Hồng. Những địa điểm T.Vita lựa chọn đều có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, giúp cho ra đời những sản phẩm có năng suất cao, tươi ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngay trong buổi lễ ra mắt thương hiệu T.Vita, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T đã ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với các đối tác: P.Marom - công ty số 1 về công nghệ nhà kính của Israel, công ty lai tạo giống rau củ quả Enza Zaden đến từ Hà Lan với hơn 80 năm kinh nghiệm. Theo đó, tất cả các khâu từ lựa chọn bộ giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến… của T.Vita đều được thực hiện theo quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm dựa trên quá trình nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giống, thiết bị nông nghiệp của P.Marom, Enza Zaden. Dự kiến các sản phẩm đầu tiên của T.Vita sẽ ra mắt vào cuối quý I/2018. Bằng việc ra mắt thương hiệu T.Vita, Công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T nói riêng và Tập đoàn T&T nói chung hướng tới việc cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, giúp cải thiện cuộc sống và thể trạng thế hệ tương lai. Đồng thời, T.Vita mong muốn sẽ nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế thông qua các nông sản đặc biệt được sản xuất, thu hoạch và chế biến theo công nghệ tiên tiến nhất. Hồng Thiết

Kết nối mạng lưới công nghiệp chế tạo trong và ngoài nước

TĐKT - Từ ngày 8/3 - 9/3, tại Cung Triển lãm, kiến trúc, quy hoạch xây dựng Quốc gia sẽ diễn ra Hội chợ Triển lãm Mạng lưới các nhà công nghiệp chế tạo Hà Nội (FBC Hanoi 2018). Họp báo giới thiệu Triển lãm Thông tin vừa được đại diện Ban tổ chức FBC Hanoi 2018 chia sẻ tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội chợ chiều 19/1 tại Hà Nội. Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần NC Network Việt Nam tổ chức. FBC Hanoi 2018 sẽ là nơi phổ biến các trang thiết bị, sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các nhà chế tạo trong và ngoài nước. Hội chợ được kỳ vọng sẽ tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, cung ứng linh kiện, chi tiết, phụ tùng, phụ kiện, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thông qua FBC Hanoi 2018, các doanh nghiệp Hà Nội sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài, đổi mới trang thiết bị, dây chuyền kỹ thuật sản xuất, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Ban tổ chức, FBC Hanoi 2018 có quy mô hơn 180 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Nhật Bản tại Việt Nam, doanh nghiệp trong khối ASEAN… Đặc biệt, số doanh nghiệp tại Hà Nội tham gia Hội chợ lần này lên tới 40 doanh nghiệp, gấp 4 lần so với năm 2017. Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra các Hội thảo chuyên đề bên lề: Hội thảo “Định hình cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với ngành công nghiệp hỗ trợ”, Hội thảo “Năng suất – chất lượng: Liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo”; Hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh”… Hội chợ Triển lãm Mạng lưới các nhà công nghiệp chế tạo Hà Nội được tổ chức lần đầu tại Hà Nội vào năm 2017 với 149 gian hàng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam. Hội chợ đã thu hút hơn 2.000 lượt khách tham quan với hơn 3.000 lượt giao dịch trực tiếp tại gian hàng, trong đó có 815 lượt giao dịch thành công, giao dịch thương mại đạt gần 9,6 triệu USD. Phương Thanh

Volkswagen khai trương Đại lý 4S VW AutoHaus tại Hà Nội

TĐKT – Tối 9/1, tại Hà Nội, Công ty Volkswagen Việt Nam đã chính thức giới thiệu Đại lý đạt chuẩn 4S của Volkswagen toàn cầu - Đại lý 4S VW AutoHaus đi vào hoạt động. Đây được coi là bước đi mang tính dài hạn trong chiến lược mở rộng quy mô hệ thống phân phối và nâng cao giá trị thương hiệu của Volkswagen tại thị trường Việt Nam. Ông Võ Tuấn Anh – Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam chia sẻ: “Volkswagen Việt Nam đang đi đúng mục tiêu phát triển đột phá trong năm 2018 là mang thương hiệu Volkswagen đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam thông qua hệ thống đại lý trải dài trên cả nước. Đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ hậu mãi theo tiêu chuẩn Volkswagen toàn cầu với 9 đại lý đạt chuẩn 4S trên tổng 11 đại lý.   Đại lý 4S VW AutoHaus là đại lý trực thuộc Volkswagen Việt Nam Đại lý 4S VW AutoHaus là Đại lý trực thuộc Volkswagen Việt Nam tại thị trường trọng điểm Hà Nội và cũng là Đại lý 4S có quy mô lớn nhất tới thời điểm hiện tại, gồm hai Showroom bán hàng tọa lạc tại các vị trí thuận lợi: VW Autohaus Phạm Văn Đồng - CT3, Lô 1, Đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, và VW Autohaus Lê Văn Lương – 68 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. “Đến với VW AutoHaus, quý khách sẽ được trải nghiệm không gian mua sắm nhiều tiện ích với: Khu trưng bày xe sang trọng với đầy đủ sản phẩm mới nhất của Volkswagen tại thị trường Việt Nam; xưởng dịch vụ được đầu tư hạ tầng vật chất, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Volkswagen toàn cầu, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa chung, đồng sơn và phụ tùng chính hãng một cách nhanh chóng. Việc cùng lúc khai trương 2 địa điểm của VW Autohaus cho thấy cam kết mạnh mẽ của Volkswagen vào thị trường Việt Nam cũng như quyết tâm của nhà đầu tư – Đại lý 4S VW AutoHaus” -  Bà Nguyễn Minh Trang, Tổng giám đốc VW AutoHaus cho biết. Việc đưa Đại lý 4S VW AutoHaus đi vào hoạt động, đã nâng tổng số đại lý bán hàng xe Volkswagen đạt chuẩn trên cả nước lên con số 11đại lý. Điều này một lần nữa thể hiện tầm nhìn của Volkswagen Việt Nam trong việc khẳng định vị thế thương hiệu thông qua việc nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện hệ thống phân phối ấn tượng, chuyên nghiệp và đẳng cấp. Tại chương trình, VW AutoHaus cũng giới thiệu các sản phẩm xe Volkswagen được trưng bày và phân phối tại hai showroom này: Mẫu sedan Passat với giá bán từ 1,35 - 1,45 tỷ đồng; mẫu Tiguan Allspace có giá 1,699 tỷ đồng; mẫu Coupe Beetle Dune với giá 1,469 tỷ đồng; và các dòng sản phẩm khác như: Jetta, Polo, Scirocco, Touareg, Tiguan, Sharan. Mai Thảo  

Đáp ứng nhu cầu tiền mặt và bảo đảm thông suốt hoạt động thanh toán dịp Tết Mậu Tuất 2018

TĐKT - Chiều 8/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và bảo đảm thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đến dự họp báo có các Phó Thống đốc NHNN Việt Nam: Đào Minh Tú; Nguyễn Thị Hồng.  Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp báo  Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Phạm Bảo Lâm cho biết, NHNN sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu, chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến. Theo đó, NHNN hoàn toàn có thể đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Về nguyên tắc, NHNN đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ, mới). Nhưng cũng như mọi năm, trong dịp Tết Nguyên đán, NHNN vẫn quan tâm đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Đồng thời, NHNN có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân; đảm bảo các máy ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên Đán theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ và định hướng sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, đúng mục đích trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, ông Phạm Bảo Lâm cho biết, trong 2017 NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán. Cùng với đó, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội (theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến  gần 2.200 tỷ đồng). Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018, ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo tổ chức tín dụng về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM, NHNN đã có văn bản chỉ đạo trên toàn hệ thống yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai một số công việc, cụ thể như sau: Các tổ chức cung ứng hạ tầng chuyển mạch thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền,..) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định trong dịp cuối năm và Tết; đồng thời cung cấp thông tin cho NHNN khi phát hiện các vụ việc ATM của các ngân hàng thành viên gặp sự cố để NHNN biết và kịp thời chỉ đạo xử lý. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh, hạn chế thấp nhất lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng; phản hồi tra soát; khiếu nại đối với các giao dịch ATM liên mạng một cách nhanh chóng, kịp thời. Các ngân hàng thương mại thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn) để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt. Chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động.  Mặt khác, tăng cường hoạt động ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng ATM quá tải (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động). Chủ động làm việc với các doanh nghiệp điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho các ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lương, thưởng dịp Tết tại các khu vực có ATM quá tải. Đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM. Xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định. Căn cứ chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện: Yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng Kế hoạch cụ thể để đáp ứng tốt nhất nhu cầu chi trả lương, thưởng dịp Tết. Kiểm tra, nắm bắt, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho khách hàng các biện pháp phòng, chống tội phạm thẻ; các tiện ích, các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ nhằm giảm bớt việc rút tiền mặt, giảm tải cho hệ thống ATM.  Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN triển khai các nghiệp vụ cung ứng, điều hòa tiền mặt, bảo đảm đáp ứng khối lượng tiền và cơ cấu mệnh giá các đồng tiền trong lưu thông, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ thanh toán dịp Tết Nguyên đán an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngay cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018. Phó Thống đốc cho biết thêm, trong những năm qua, NHNN đã nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội; đến nay phần lớn người dân đã có nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới in có mệnh giá nhỏ, qua đó sẽ tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành… cho ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, việc tiết kiệm này là hết sức có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội và mong các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và tiếp tục ủng hộ. Hồng Thiết

Trang