TĐKT - Chiều 25/5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề để giải đáp các vấn đề xung quanh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Bộ, các Vụ: Ngân sách nhà nước (NSNN), Đầu tư, Thanh tra Bộ, Kho bạc Nhà nước, Quản lý công sản, Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đồng chủ trì buổi họp báo.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết: Vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.
Quang cảnh họp báo
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực.
Trước hết, về mặt pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 9 dự án khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 1.105 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
Năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng).
Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công.
Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan.
Cùng với đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.
Hồng Thiết