Kinh tế

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách

TĐKT - Chiều 25/5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề để giải đáp các vấn đề xung quanh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Bộ, các Vụ: Ngân sách nhà nước (NSNN), Đầu tư, Thanh tra Bộ, Kho bạc Nhà nước, Quản lý công sản, Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đồng chủ trì buổi họp báo. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết: Vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Quang cảnh họp báo Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực. Trước hết, về mặt pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 9 dự án khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 1.105 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh. Năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng). Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công. Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan. Cùng với đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Hồng Thiết  

Phát triển hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông dành cho thương mại điện tử

TĐKT - Sáng 23/5, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo Phát triển hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông dành cho thương mại điện tử (TMĐT), giới thiệu giải pháp SMS Order. Quang cảnh Hội thảo Theo Báo cáo thường niên của Cục TMĐT và Kinh tế số, doanh thu bán lẻ TMĐT Việt Nam năm 2017 khoảng 6,2 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 24% so với năm 2016. Số liệu này sẽ tương ứng xấp xỉ gần 500.000 đơn hàng một ngày. Dự kiến doanh thu của TMĐT sẽ vượt mốc 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Để nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh của TMĐT, một trong những giải pháp để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện dịch vụ, đồng thời xây dựng niềm tin với khách hàng là các giao dịch đặt hàng và giao hàng cần có tin nhắn xác thực thông tin trong suốt quá trình xử lý đơn hàng của doanh nghiệp TMĐT với khách hàng. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi phí cao, giải pháp chưa tối ưu cho TMĐT nên hiện nay tỷ lệ các đơn hàng cung cấp đầy đủ thông tin xác thực trong suốt quá trình xử lý đơn hàng vẫn còn thấp. Trước thực trạng trên và hướng tới việc hoàn thiện các giải pháp hạ tầng cho TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số đã hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông triển khai Chương trình phát triển hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông dành cho TMĐT. Tại Hội thảo, giải pháp SMS order bao gồm 3 gói tin tương ứng với nhu cầu của từng đơn vị TMĐT trong toàn bộ quá trình xử lý đơn hàng đảm bảo việc xác thực, tăng uy tín và tỷ lệ thành công của các đơn hàng TMĐT. Về chi phí, doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm đến 60% giá thành so với việc gửi tin nhắn SMS truyền thống với các gói tin được nhà mạng đưa ra lần lượt: Gói 3 tin nhắn 800 đồng, gói 5 tin nhắn 1150 đồng, gói 7 tin nhắn 1600 đồng. Được thiết kế dưới dạng các mẫu tin nhắn, giải pháp này giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình chăm sóc khách hàng trong quá trình mua, nhận hàng cũng như phản hồi các ý kiến trong quá trình mua hàng trực tuyến. Giải pháp này cũng cho phép các doanh nghiệp TMĐT xây dựng kịch bản để gửi tin tới khách mua hàng với rất nhiều lựa chọn nhằm cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn khi mua sắm trực tuyến. Cụ thể: Gửi xác nhận đặt thành công và thanh toán thành công; gửi thông tin về tình trạng đơn hàng khi khách đặt hàng thành công; thông báo tình trạng giao hàng; gửi thông tin xác nhận giao hàng thành công; gửi thông tin về điểm thưởng và tích lũy trong quá trình mua hàng; gửi tin nhắn mời tham gia đánh giá chất lượng mua hàng và chăm sóc khách hàng của trang TMĐT. Dịch vụ SMS order cũng giúp đơn vị quản lý nhà nước có căn cứ hỗ trợ người mua hàng và doanh nghiệp TMĐT tốt hơn. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2017, Bộ đã tiếp nhận và xử lý gần 9670 hồ sơ thông báo website TMĐT và 625 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT. Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, năm 2017, Bộ Công thương tiếp nhận và xử lý 1800 lượt phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Phương Thanh

Khai mạc Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã năm 2018

TĐKT – Tối 18/5, tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Coste) tổ chức khai mạc Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các HTX năm 2018. Tới dự, có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, HTX. Một số gian hàng tại Hội chợ Hội chợ được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các HTX tiêu biểu; kích cầu tiêu dùng phù hợp với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội chợ được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các HTX giao thương, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp, thương nhân, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở trong và ngoài nước; kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện cho các HTX ký kết các hợp đồng xúc tiến thương mại. Hơn 700 HTX và 40 doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị với HTX với 352 gian hàng đến từ mọi vùng, miền của đất nước đã mang đến Hội chợ hàng ngàn sản phẩm nông sản, rau, củ, quả, dược liệu, đồ gỗ, mỹ nghệ, giống cây trồng… phản ánh tiềm năng, lợi thế, sức sản xuất, sắc thái văn hóa của các địa phương. Một điểm nhấn đáng chú ý là các HTX, liên hiệp HTX tham gia Hội chợ lần này được miễn phí hoàn toàn chi phí gian hàng, mặt bằng, điện nước, an ninh, vệ sinh môi trường… Đây là trợ lực cần thiết và rất có ý nghĩa, nhất là đối với các HTX, liên hiệp HTX đến từ những tỉnh, thành phố xa Hà Nội, cũng như các đơn vị quốc tế. Đặc biệt, tại Hội chợ năm nay, để hỗ trợ khách tham quan, mua sắm là người nước ngoài, Ban tổ chức đã thành lập đội tình nguyện viên làm công tác phiên dịch tại các gian hàng. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với sự kiện tổ chức cách đây hơn một năm. Từ ngày 18 -20/5/2018, Hội chợ có các hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, có thương hiệu và được sản xuất theo công nghệ cao, oganic, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các HTX, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Cùng với đó, tổ chức kết nối cung – cầu, đàm phán, ký kết các giao dịch xúc tiến thương mại, công nghệ và đầu tư giữa các HTX với các doanh nghiệp, tổ chức ở trong và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động tư vấn xúc tiến thương mại, công nghệ và đầu tư cho các HTX. Ký kết các văn bản hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam với các đối tác phục vụ cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Sau 2 năm triển khai Đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa”, cả nước đã hình thành các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó có 25 mô hình HTX trực tiếp do Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo, gần 700 mô hình do Liên minh HTX các tỉnh thành phố và HTX trực tiếp xây dựng. Hơn 50% trong tổng số các mô hình hoạt động có hiệu quả tốt, năng suất lao động của các thành viên HTX tăng từ 5 - 10%, giá bán sản phẩm tăng từ 20 - 25%, thu nhập của thành viên tăng 30%. Phương Thanh

Công bố Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam

TĐKT - Ngày 18/5, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Liên minh HTX Việt Nam đã công bố Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Chương trình, nhiều thanh niên nông thôn sẽ có cơ hội để khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình Thời gian gần đây, cụm từ “Khởi nghiệp” đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động, nhiều người trong độ tuổi thanh niên, trí thức trẻ đã mạnh dạn về nông thôn hoặc trở về quê hương để khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, kinh tế nông nghiệp đang từng bước khởi sắc không chỉ trên những con số về doanh thu mà còn thể hiện ở chất lượng, trong đó có sự góp sức không nhỏ của người trẻ mạnh dạn bỏ phố về quê khởi nghiệp. Điều đó có nghĩa, những người trẻ về làng chưa hẳn chạy theo phong trào mà họ đang góp sức xây dựng quê hương bằng niềm đam mê, bản lĩnh của mình. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, nhưng đường về quê của những cử nhân đại học hoặc những người có “kinh nghiệm” từ thành phố không phải lúc nào cũng thênh thang, rộng mở. Khó khăn lớn nhất với người trẻ hiện nay là vốn. Thời gian tích lũy chưa nhiều, chưa có tài sản thế chấp nên điều kiện để thanh niên mới tốt nghiệp đại học tiếp cận các nguồn vốn vay rất hạn chế. Trong khi nông nghiệp là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro, giá trị làm ra không nhanh, không lớn như các ngành kinh tế khác, nên không có sức thu hút người trẻ. Vì vậy, để những người trẻ, nhất là người có trình độ cao trở về cống hiến cho nông nghiệp ở các địa phương đòi hỏi sự khích lệ, hỗ trợ lớn hơn bằng các cơ chế, chính sách và các tổ chức xã hội. Với mục đích tiếp thêm một phần sức lực và đồng hành cùng những con người đó, chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam chính thức được phát động. Đây là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút tri thức trẻ khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn - đặc biệt là đối tượng công nhân từ các khu công nghiệp không còn đủ điều kiện sức khoẻ để tiếp tục công việc - về quê lập nghiệp, ổn định cuộc sống và làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương. Để đồng hành cùng chương trình này Tập đoàn Vạn Tịnh Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Peninsula cùng các đối tác đã huy động 200 tỷ đồng để tài trợ cho giai đoạn 1 của chương trình. Tiếp theo, ban điều phối chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều đơn vị khác tham gia để đồng hành cùng chương trình một cách lâu dài. Số tiền này sẽ do ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn quản lý và sẽ giải ngân cho những trường hợp theo tiêu chí của ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam. Đối tượng nhận được sự giúp đỡ là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia khởi nghiệp có phương án sử dụng vốn hiệu quả; thanh niên có nhu cầu làm kinh tế tại các xã nông thôn mới; thanh niên có nguyện vọng làm kinh tế, có ý tưởng sản xuất kinh doanh nhưng còn thiếu vốn; tài trợ một phần vốn cho các gia đình đặc biệt khó khăn, có công với cách mạng, gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng được lựa chọn theo tiêu chí của chương trình… Đối với những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi, vốn đầu tư ban đầu là rất quan trọng. Tuy nhiên, cùng với vốn, thanh niên mới bước vào con đường sản xuất, kinh doanh còn nhiều điều cần sự giúp đỡ như kiến thức, sự quyết tâm, dám vượt qua thách thức, khó khăn… Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam cũng sẽ có những nội dung hỗ trợ khác như đào tạo giúp các đơn vị khởi nghiệp trẻ nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hợp tác trao đổi chuyên gia trong và ngoài nước, hợp tác với các lãnh đạo doanh nghiệp để mentor các đơn vị khởi nghiệp; thành lập các vườn ươm, phòng nghiên cứu công nghệ mẫu, sản xuất mô hình; đẩy mạnh truyền thông về khởi nghiệp bằng hành trình Khởi nghiệp xanh xuyên Việt đi qua 63 tỉnh thành… Nói về việc khởi xướng Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, người điều phối chương trình cho biết: Chương trình này được tổ chức để hưởng ứng Chương trình Khởi nghiệp quốc gia do Chính phủ phát động. Phạm vi hoạt động của chương trình này hướng về nông thôn nhằm tạo điều kiện đưa công nghệ, tri thức, dòng vốn về nông thôn. Đặc biệt, đây là chương trình có ý nghĩa để đưa những công nhân không còn đủ điều kiện sức khỏe thực hiện lao động ở đô thị để trở về mảnh đất quê hương lập nghiệp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, máy móc và tạo đầu ra cho sản phẩm họ làm ra. Như vậy họ vừa về quê làm giàu bền vững đồng thời vẫn có thời gian để chăm lo cho cha mẹ, ông bà ở quê nhà. Đây là một chương trình có tính nhân văn và trách nhiệm xã hội rất cao. Phương Thanh

Tìm mô hình phát triển bền vững cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Việt Nam

TĐKT – Chiều 18/5, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức “Hội thảo Xúc tiến Thương mại, Công nghệ và Thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam”. Hội thảo quy tụ các đại biểu đến từ hơn 200 hợp tác xã tiêu biểu cả nước cùng các nhà đầu tư, đối tác tài chính, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc… Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, các hợp tác xã chia sẻ kinh nghiệm của các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, kết nối các nguồn lực nhằm tìm ra mô hình phát triển bền vững cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, đến nay cả nước có 20.204 HTX, 93.226 tổ hợp tác (THT) và 59 liên hiệp HTX. Đóng góp vào GDP của khu vực HTX, liên hiệp HTX, THT và thành viên HTX ngày càng tăng. HTX có khả năng huy động các nguồn lực từ thị trường trong và ngoài nước để phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Kinh tế hợp tác, HTX ở khu vực nông thôn đóng góp quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị. Với hơn 93 triệu dân, gần 10 triệu hộ sống ở địa bàn nông thôn, hơn 4,0 triệu hộ cá thể sinh sống ở đô thị; số người thu nhập cao và tích luỹ tài sản ngày càng tăng, có nhu cầu liên kết và hợp tác theo mô hình THT, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống. “Với lợi thế và ưu việt đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế hợp tác, HTX đóng vai trò ngày càng quan trọng, từng bước trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế - xã hội.” – Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định. Xác định kinh tế hợp tác, HTX là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh HTX Việt Nam đã thường xuyên tổ chức thăm quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới cho các HTX thành viên. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn HTX, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít HTX của Việt nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động. Toàn cảnh Hội thảo Với tinh thần đó, tại Hội thảo, các diễn giả Việt Nam và nước ngoài đã chia sẻ các mô hình HTX thành công tại Việt Nam: Liên hiệp Các HTX hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op), HTX Miến Việt Cường, HTX Y tế An Phước…; mô hình HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị Groupe Limagrain (Pháp)… Một số diễn giả quốc tế cũng trình bày xu hướng phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên thế giới, các xu hướng quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu cho các HTX Việt Nam... Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đến nay HTX vẫn tỏ ra là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thông qua HTX, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, trong tình hình mới, mô hình HTX cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Một chủ đề quan trọng khác cũng được đánh giá cao tại Hội thảo là giải pháp tìm nguồn vốn phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã - một nhu cầu bức thiết nhưng luôn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận. Thống kê từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, mới chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Lý do khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng. Nhằm tháo gỡ khó khăn tồn tại nhiều năm qua trong vấn đề thu hút nguồn vốn phát triển HTX, trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ công bố gói tín dụng ưu đãi mua vật tư nông nghiệp dành cho các HTX, hộ nông dân trên cả nước. Phương Thanh

Tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành

TĐKT - Chiều 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành”. Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh và Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng đồng chủ trì cuộc họp báo. Quang cảnh họp báo Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công; chi tiết quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 11 Nghị định của Chính phủ và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư hướng dẫn chế độ tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Liên quan đến quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với đất giao không thu tiền sử dụng đất, đất được Nhà nước cho thuê và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bằng tiền có nguồn gốc ngân sách nhà nước (NSNN), đất nhận chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc NSNN. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành việc xác định giá trị quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2018 và thực hiện điều chỉnh trong 5 trường hợp. Để bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, Nghị định 152/NĐ-CP bổ sung quy định thẩm quyền trong trường hợp cần bố trí diện tích sử dụng chung cao hơn mức quy định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp có yêu cầu về diện tích tăng dưới 10% so với diện tích quy định; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp có yêu cầu về diện tích tăng từ 10% trở lên so với diện tích quy định đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị làm việc, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg bổ sung nhóm máy móc thiết bị gắn với nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng và máy móc, thiết bị sử dụng chung khác phục vụ hoạt động chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc trang bị máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định. Đối với việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 167/2017/NĐ-CP có một số nội dung mới quy định về quản lý, sử dụng nguồn tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất: Số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất của các Bộ, cơ quan trung ương được nộp vào tài khoản tạm giữ do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản, sau khi trừ chi phí liên quan được nộp vào NSNN để ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan để chi đầu tư phát triển. Việc quản lý, thanh toán và quyết toán nội dung chi thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Hồng Thiết

Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới

TĐKT - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Định hướng công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trong tình hình mới. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVTV hiệu quả hơn. Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị có sự tham gia của hơn 350 đại biểu đến từ các đơn vị quản lý, các tổ chức quốc tế, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số định hướng trong tổ chức phòng, chống sinh vật gây hại, tổ chức liên kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý phân bón, thuốc BVTV; đồng thời đề xuất các giải pháp ở các khía cạnh: Cơ chế- chính sách, khoa học kỹ thuật, đào tạo – tập huấn, thông tin, truyền thông, thanh tra, kiểm tra. Thêm vào đó, một số kiến nghị với Chính phủ, các cấp các ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, đơn vị có liên quan cũng được đề xuất. Thông qua Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ các đơn vị, các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, phát triển ngành BVTV nói riêng để công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả và tạo nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp bền  vững, góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt mức 40 tỷ đô la năm 2018 và luôn duy trì mức tăng trưởng tương đương trong những năm tiếp theo. Tùng Chi  

Phát triển thị phần khoai tây Bỉ tại thị trường Việt Nam

TĐKT - Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ban tiếp thị Nông nghiệp vùng Flanders (Bỉ) đã tổ chức buổi họp báo về “Kế hoạch phát triển thị phần khoai tây Bỉ tại thị trường Việt Nam”. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nhân dịp Bộ trưởng - Thủ hiến vùng Flanders (Bỉ) - ông Geert Bourgeois sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 13 - 17/5, nhằm tìm hiểu khả năng hợp tác với các đối tác và cơ hội kinh doanh. Phát biểu trước báo giới Việt Nam, ông Romain Cools, Tổng Thư ký của Belgapom cho biết: “Khoai tây chiên của Bỉ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, vì vậy, chúng tôi giới thiệu và mong muốn đây sẽ trở thành một trong những sản phẩm được yêu thích nhất của Bỉ tại Việt Nam". Họp báo về “Kế hoạch phát triển thị phần khoai tây Bỉ tại thị trường Việt Nam” Bỉ hiện là quốc gia xuất khẩu khoai tây đông lạnh lớn nhất thế giới với 90% tổng sản lượng được xuất khẩu ra toàn thế giới. Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ là 14,3%, đạt 1,68 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước với thị phần ở các thị trường nước ngoài ngày càng tăng. Hiện, Bỉ là quốc gia đứng thứ 6 về xuất khẩu của các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) sang Việt Nam và đứng thứ 8 về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Bỉ đã triển khai hơn 60 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Tổng giá trị giao dịch thương mại giữa hai nước đã đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2017. Thỏa thuận mới về thương mại tự do giữa EU và Việt Nam đã và đang đặt ra cơ hội mới thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên. Trong chuyến đi lần này có đại diện 5 doanh nghiệp lớn của Bỉ bao gồm: Agristo, Bart’s Potato Company, Clarebout Potatoes, Ecofrost và Mydibel. Đây là đại diện cho nhóm “khoai tây chiên Bỉ” để mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội tăng thị phần của họ tại Việt Nam đối với các sản phẩm khoai tây đã qua chế biến và nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng Việt Nam cũng như trong khu vực về sản phẩm này. Đây là 5 doanh nghiệp gia đình lớn nhất tại Bỉ, chuyên xuất khẩu nhiều sản phẩm làm từ khoai tây và các đặc sản của Bỉ tới hơn 100 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong năm 2018, Bỉ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Đây là cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực từ thương mại cho đến hợp tác nông nghiệp. Mai Thảo

Thi đua chống thất thu ngân sách nhà nước và đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018

TĐKT - Để đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, ngay từ đầu năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/1/2018 về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 và thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Hải quan tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) Lưu Mạnh Tưởng cho biết, theo Quyết định số 2465/QĐ-BTC ngày 29/11/2017 của Bộ Tài chính, TCHQ được giao thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 là 283.000 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng phải thu 23.584 tỷ đồng. Chỉ tiêu phấn đấu Bộ Tài chính giao: 293.000 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng phải thu 24.416 tỷ đồng cao hơn dự toán 3,52%. Cụ thể, các nhiệm vụ về thu ngân sách được triển khai: Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cần tăng cường phối hợp thu ngân hàng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm công tác Hải quan - Doanh nghiệp và Tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp. Mở rộng triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Tăng cường công tác quản lý hàng hóa tại các cảng biển, sân bay. Song song với đó là toàn ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân luồng, quyết định kiểm tra. Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra về trị giá, mã số, xuất xứ đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn. Tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Đề án thu thuế và thông quan 24/7… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu NSNN. Tập trung rà soát, chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm.          Chỉ đạo cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng mô hình, bố trí lực lượng để thực hiện công tác tham vấn giá theo nội dung sửa đổi tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC khắc phục tình trạng bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng nghi vấn về trị giá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện những sai sót về công tác tham vấn, kiểm tra sau thông quan, qua đó khắc phục và chấn chỉnh việc thực hiện công tác quản lý giá tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Thực hiện rà soát cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để phát hiện, kịp thời có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn phân loại thống nhất đối với các trường hợp áp dụng mã số, mức thuế không đúng quy định. Trong đó tập trung việc kiểm tra, rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần đáp ứng các điều kiện để được áp dụng mức thuế ưu đãi, ưu đãi đặc biệt; Rà soát công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của Pháp luật thuế. Phát hiện sai sót, vi phạm trong công tác miễn, giảm, hoàn thuế trong đó tập trung kiểm tra các dự án, các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế có sự khác biệt giữa Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế khắc phục những sơ hở bất cập trong thực hiện. Nắm chắc tình hình nợ thuế của các cục hải quan tỉnh, thành phố; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo đến 31/12/2018 đạt 100%. Bên cạnh đó, với mục tiêu thi đua hoàn thành các chỉ tiêu, ngành Hải quan đưa ra các giải pháp thu ngân sách nhà nước: Thứ nhất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2018 của ngành do Bộ Tài chính giao là 293.000 tỷ đồng. Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Thứ ba, tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới như: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Đề án thu thuế và thông quan 24/7... Thứ tư, tập trung rà soát, chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm. Thứ  năm, chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng mô hình, bố trí lực lượng để thực hiện công tác tham vấn giá theo nội dung sửa đổi tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC khắc phục tình trạng bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng nghi vấn về trị giá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện những sai sót về công tác tham vấn, kiểm tra sau thông quan, qua đó khắc phục và chấn chỉnh việc thực hiện công tác quản lý giá tại các Cục Hải quan tỉnh, thành. Đặc biệt, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ... La Giang

4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cả nước ước đạt 73,76 tỷ USD

TĐKT - Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 144,13 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 Trong tháng 4/2018, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 35,7 tỷ USD, giảm 10,8% so với tháng 3/2018 (trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 18,2 tỷ USD, giảm 13,9% so với tháng 3/2018 và trị giá nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng 3/2018). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2018 ước tính thặng dư 700 triệu USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt Nam đến hết tháng 4 năm 2018 đạt 3,39 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cả nước ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% và nhập khẩu ước tính 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đối với điện thoại các loại và linh kiện ước tính đạt 16,59 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 8,33 tỷ USD, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm trước. Hàng thủy sản đạt 2,41 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước nhập khẩu trong 4 tháng ước đạt 13,42 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 10,16 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Vải các loại đạt 3,66 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.    Nhập khẩu hóa chất trong tháng 4/2018 ước tính là 420 triệu USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Ước tính trong 4 tháng đầu năm năm 2018, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. La Giang  

Trang