Hà Nội thi đua ái quốc

Trao giải “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”

TĐKT - Ngày 20/10, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”, với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch”. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân trên địa bàn TP Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế ra những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Năm 2018, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội với tổng số 181 sản phẩm mới. Tác phẩm “Tranh sen đậu bạc” của nghệ nhân Hà Nội Quách Tuấn Tú đạt giải nhất cuộc thi Sau các vòng chấm thi nghiêm túc, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 40 sản phẩm đạt giải, được thành phố phê duyệt. Trong đó, tác phẩm “Tranh sen đậu bạc” của nghệ nhân Hà Nội Quách Tuấn Tú đạt giải nhất. Ngoài ra, có 3 giải nhì, 4 giải ba và 32 giải khuyến khích. Trong quá trình tham gia cuộc thi, các cá nhân đã được các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tư vấn, định hướng trong thiết kế, sáng tạo sản phẩm. Đặc biệt, năm 2018, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã giới thiệu một chuyên gia thiết kế hàng đầu đến từ trường Đại học Raffles và Học viện Thời trang London (Vương quốc Anh) để hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân dự thi về xu hướng thiết kế, thị trường, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất trên thế giới. Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các tác giả Cuộc thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, không chỉ tìm ra những sản phẩm đạt giải mà quan trọng là đã khơi dậy được tính sáng tạo, lòng say mê thiết kế của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn Thủ đô; là tiền đề quan trọng tạo ra một phong trào thi đua thiết kế mẫu mới trong làng nghề Hà Nội, góp phần khắc phục thiếu sót trong thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Nhân dịp này, Sở Công thương đã trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ. Thục Anh

Hà Nội: Khen thưởng 38 tập thể, cá nhân triển khai tốt đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây

TĐKT - Ngày 19/10, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội. 38 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án đã được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Qua 1 năm triển khai, Đề án đã được các sở, ngành, UBND các quận và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện. Hầu hết các quận đã quyết liệt chỉ đạo từ Quận ủy, UBND quận đến các phường và nhân dân trên địa bàn quận. Nhiều UBND phường, lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường và các đồng chí cán bộ của các địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh trái cây. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án Một số địa phương có cách làm sáng tạo: Quận Long Biên hỗ trợ tập trung cấp các loại giấy an toàn thực phẩm ngay tại địa điểm 1 phường khi các hộ tham gia tập huấn xong; quận Nam Từ Liêm hỗ trợ túi đựng sản phẩm có dán logo của đề án cho hộ kinh doanh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quận Thanh Xuân hướng dẫn và làm thủ tục trực tiếp tại nhà của các hộ… Hiện nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện Đề án, trong đó chia theo loại hình kinh doanh có 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây. Tất cả các cửa hàng này đều đã được cấp logo nhận diện của Đề án. Đặc biệt, với phương thức mỗi quận thí điểm 1 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, đến nay, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến) không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua 1 năm thực hiện Đề án, đã có 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó; 100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, trong khi trước Đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%. Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước Đề án đạt 59%); 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79% (trước đề án đạt 38%). Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án Ngoài ra, các cửa hàng được cấp biển nhận diện còn được trang bị các thiết bị bảo quản trái cây, quầy, kệ, thiết bị vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau 1 năm triển khai Đề án, người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án và các siêu thị, trung tâm thương mại. Đáng chú ý là doanh thu của các cửa hàng tăng 20 - 25% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện. Công tác liên kết vùng, đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thế mạnh của các vùng trên cả nước được quan tâm và triển khai  đồng bộ, góp phần tạo nguồn cung sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trái cây, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội đã tặng 38 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành TP Hà Nội”. Mai Thảo

Trưng bày, tôn vinh hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018

TĐKT - Sáng 17/10, UBND TP Hà Nội, Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 (Hanoi Gift Show 2018). Với quy mô 650 gian hàng của 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, Hanoi Gift Show 2018 thu hút những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và quà tặng tiêu biểu, đặc sắc của các doanh nghiệp trong nước và một số nước trên thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Peru... Nghi thức cắt băng khai mạc Hội chợ Các sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ đều là sản phẩm có thiết kế mới nhất, bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, thực sự thu hút và tạo ấn tượng với các nhà nhập khẩu. Ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu, các làng nghề truyền thống được trưng bày, Hanoi Gift Show 2018 còn giới thiệu trên 100 sản phẩm thiết kế mới do các chuyên gia trong, ngoài nước hỗ trợ thực hiện và các sản phẩm đạt giải cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, cùng với sự hỗ trợ cuả thành phố, sự nỗ lực đổi mới sáng tạo mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp và sự tham gia năng động của các nhà nhập khẩu nước ngoài, Hanoi Gift Show 2018 hứa hẹn sẽ mang tới cho các doanh nghiệp làng nghề, các làng nghề thủ công truyền thống cơ hội đưa ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy việc xuất khẩu và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hội chợ sẽ diễn ra đến hết ngày 20/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia (số 1 đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thục Anh  

Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội: 40 năm sẻ chia, vun đắp tình thương

TĐKT - Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội được thành lập từ năm 1979 với tên gọi ban đầu là Trại Xã hội. Trải qua 4 thập niên hoạt động và trưởng thành, dù mang tên gọi nào, Trung tâm vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là điểm tựa cho những đối tượng yếu thế của xã hội. Hiện nay, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm đang từng ngày miệt mài lao động, cống hiến, làm tròn sứ mệnh: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần; tập trung, tiếp nhận người lang thang xin ăn trên địa bàn 10 quận, huyện: Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên. Tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm đã làm tốt công tác tập trung, tiếp nhận quản lý, phân loại đối tượng lang thang; chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người lang thang cơ nhỡ không có địa chỉ cư trú, người thân. Cán bộ, nhân viên Trung tâm bằng trách nhiệm, tình yêu nghề, sự cảm thông, chia sẻ, luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, coi họ như người thân để kịp thời động viên tâm lý, đưa ra những cách thức nuôi dưỡng phù hợp. Nhất là với đối tượng người cao tuổi, các cụ già yếu, một số phải nằm bất động, nhân viên hộ lý, y tế thường trực chăm sóc, động viên, chia sẻ như người thân ruột thịt trong gia đình. Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn, Trung tâm có thực đơn đa dạng, phù hợp khẩu vị, các khâu trong quá trình chế biến, phục vụ luôn vệ sinh. Hàng năm, Trung tâm duy trì hiệu quả các hoạt động như đan quạt nan, chẻ tăm tre để bán ra thị trường, không chỉ giúp các đối tượng quên đi sự cô đơn mà còn giúp họ tăng thêm thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, Trung tâm chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho các đối tượng. Hàng tuần, các cụ được tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ, ngâm thơ, đọc báo, thể dục dưới nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn. Các buổi giao lưu văn nghệ đã đem tới không khí vui tươi, tinh thần thoải mái cho người già tại Trung tâm. Vào các ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, các cụ được tạo điều kiện đi lễ chùa, tham gia lao động vệ sinh trong khuôn viên các chùa trên địa bàn;... Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức cho đối tượng đón Tết Nguyên đán, mừng thọ cho các cụ cao tuổi chu đáo, đầm ấm, an toàn. Với nhiệm vụ mới tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ người bệnh tâm thần, Trung tâm đã từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thiện công tác chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh. Từ năm 2012 - 2017, Trung tâm đã tiếp nhận 150 bệnh nhân tâm thần; 30% số đối tượng tâm thần đã được hồi phục sức khỏe, không phải sử dụng thuốc tâm thần hàng ngày, có thể tham gia lao động, sản xuất, làm các công việc như lau nhà, giặt quần áo, dọn rửa bát đĩa, bàn ăn giúp đỡ cán bộ, nhân viên. Có thể nói các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội đang được triển khai một cách khoa học và hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng. Khi bước chân vào Trung tâm, các đối tượng thêm khoẻ mạnh về thể chất, vui về tinh thần, không còn cảm giác tự ti, tủi thân như trước. Đặc biệt các đối tượng đều xác định gắn bó quãng đời còn lại của mình ở Trung tâm, cùng đoàn kết, yêu thương nhau, giúp nhau vượt qua nỗi cô đơn hay những cơn đau do tuổi già sức yếu, để cùng nhau sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2012, 2015; được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến; được Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen năm 2011, 2013, 2017; UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2014. Đây chính là sự ghi nhận ý xứng đáng nhất cho những nỗ lực, cống hiến của tập thể cán bộ, nhân viên thời gian qua, tạo động lực để họ tiếp tục phấn đấu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, để Trung tâm mãi là mái ấm của tình yêu thương, một địa chỉ nhân đạo tin cậy của Thủ đô. Mai Hoa

Khen thưởng các mô hình “dân vận khéo” tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội

TĐKT - Sáng 16/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” và khen thưởng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2018. Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 15 cá nhân có mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu. Trong năm 2018, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên đã có sức lan toả và đạt được những kết quả thiết thực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở đã tập trung thực hiện Chỉ thị 12/CT-TU, ngày 5/12/2016 của Thành ủy về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Năm dân vận chính quyền”. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2018 Nhiều mô hình "Dân vận khéo" đã phát huy tác dụng tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào "Dân vận khéo" tiếp tục góp phần tích cực vào thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Tiêu biểu là các mô hình: “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa”, “Tuyến đường Phụ nữ tự quản”, “Con đường hoa”, “tuyến đường không rác” của Hội Phụ nữ; “Trồng hoa, dược liệu và cây chất lượng cao, sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả tập trung” của Hội Nông dân; mô hình “Tuyến đê nở hoa và lắp camera quan sát tại đường Nguyễn Khoái” của UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai; mô hình “Vận động bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nuôi ong rừng lấy mật”; “Xây dựng trang thông tin điện tử tiếp nhận ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức” của Sở Nội vụ Hà Nội; “Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính” của UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm… Năm 2019, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” ngày 15/10/1949. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 5/12/2016 của Thành ủy “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020”, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua, cuộc vận động khác, gắn với chủ đề công tác năm 2019…. Hưng Vũ

Tôn vinh phụ nữ Thủ đô ứng xử thanh lịch, văn minh, chung sức xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Ngày 16/10, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức Hội thi “Phụ nữ Thủ đô ứng xử thanh lịch, văn minh - Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội thi là hoạt động ý nghĩa, tạo diễn đàn để các đơn vị giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về văn hoá ứng xử người phụ nữ Thủ đô, phát huy vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới (NTM). Hội LHPN TP Hà Nội trao giải nhất Hội thi “Phụ nữ Thủ đô ứng xử thanh lịch, văn minh - Chung sức xây dựng nông thôn mới” cho Hội LHPN huyện Thanh Trì Tại Hội thi, 6 đội tuyển gồm các thành viên là những cán bộ, hội viên phụ nữ, tuyên truyên truyền viên tích cực tại cộng đồng đến từ huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai và Thạch Thất đã tranh tài qua 3 phần thi: Chào hỏi, thi kiến thức và năng khiếu. Bằng hình thức sân khấu hóa, mỗi đội thi giới thiệu về đội tuyển, về thành tích trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn và tuyên truyền văn hóa ứng xử phụ nữ Thủ đô. Kết thúc Hội thi, Hội LHPN TP Hà Nội trao giải nhất cho Hội LHPN huyện Thanh Trì. Ngoài ra, trao 2 giải nhì và 3 giải ba cho các đội thi. Trong khuôn khổ chương trình, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố cho 8 cá nhân tiêu biểu do Hội đề xuất giới thiệu. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho 8 cá nhân Hội cũng tổ chức trao giải cho các tập thể, cá nhân có bài dự thi xuất sắc trong cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình”. Qua 6 tháng phát động, cuộc thi nhận được trên 80.000 bài dự thi. Trong đó, nhiều bài thi phân tích sâu sắc, trình bày khoa học, viết bằng tay, trang trí công phu, sưu tầm nhiều tranh ảnh minh họa. Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng đã trao giải Cuộc thi “Viết về các vấn đề gia đình thời nay ” năm thứ 8. Đây là hai cuộc thi được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo của bạn đọc và các nhà báo trên khắp cả nước, góp phần tuyên truyền, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình, nhân rộng gương điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững. Ban tổ chức trao giải nhất, nhì cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình” Nhằm triển khai sâu rộng Cuộc vận động “ Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, thời gian qua, các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Hội LHPN TP Hà Nội đã tín chấp trên 5.400 tỷ đồng từ các ngân hàng cho hội viên vay phát triển kinh tế; đăng ký giúp đỡ 1.582 hộ phụ nữ nghèo theo tiêu chí đa chiều, đảm nhận 122 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các xã xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường; 428 đoạn đường phụ nữ tự quản nở hoa, xây sửa 92 mái ấm tình thương. Thục Anh

Phát động cuộc thi hùng biện "Người Hà Nội"

TĐKT - Chiều 15/10, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức lễ phát động cuộc thi hùng biện "Người Hà Nội" với thông điệp "Hãy nói, đừng im lặng" và giới thiệu dự án "Hà Nội 36+". "Người Hà Nội" là cuộc thi hùng biện do Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, dành cho các bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 25, đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Đây là một sân chơi ý nghĩa để giới trẻ có cơ hội bày tỏ, chia sẻ quan điểm của bản thân về các vấn đề xã hội mà mình quan tâm. Từ đó, lan tỏa, truyền cảm hứng để cộng đồng nói chung cũng như cộng đồng những người trẻ nói riêng, đóng góp ý tưởng, sáng kiến và mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất là hành động góp phần cải thiện, xây dựng lối sống văn minh đô thị mới. Đại diện Ban tổ chức lên phát động cuộc thi Theo Ban tổ chức, cuộc thi hùng biện "Người Hà Nội" năm 2018 lấy thông điệp "Hãy nói, đừng im lặng" hướng người tham gia vào khai thác những vấn đề xã hội mang tính thời sự đang được cộng đồng quan tâm: Dân số, nhân quyền, giáo dục, phong tục, tập quán, môi trường, y tế - sức khỏe, tôn giáo - tín ngưỡng, lao động - việc làm… Qua đó, mở ra những góc nhìn mới, đồng thời, đề xuất các sáng kiến có ý nghĩa cho cộng đồng. Thể lệ cuộc thi sẽ gồm 3 chặng, được chính thức phát động từ 10/10 - 20/10/2018. Cụ thể, chặng 1 "Dấn thân từ im lặng", Ban tổ chức sẽ chọn ra 50 thí sinh vào buổi tuyển chọn và 21 thí sinh xuất sắc sẽ đi tiếp chặng 2. Chặng 2 "Bứt phá từ hành động" sẽ chọn ra 10 thí sinh xuất sắc để vào đêm chung kết và cũng là chặng 3 "Lan tỏa từ tiếng nói" diễn ra vào ngày 17/11/2018. Ngoài ra, cuộc thi còn có các hoạt động bên lề: Chương trình đào tạo kỹ năng cho top 21 thí sinh, top 10 thí sinh. Đặc biệt, Talkshow truyền cảm hứng với sự tham gia trực tiếp của 300 khán giả và các diễn giả là những nhân vật nổi tiếng, truyền cảm hứng trong cộng đồng. Talkshow được chú trọng nhằm giúp các thí sinh không ngừng hoàn thiện kỹ năng cũng như nguồn cảm hứng hoạt động xã hội… Tại đêm chung kết, Ban tổ chức sẽ trao 3 giải chính, 1 giải được yêu thích nhất và 1 giải ấn tượng nhất cho các thí sinh xuất sắc. Cũng tại Lễ phát động, Ban tổ chức đã giới thiệu dự án "Hà Nội 36+" (36 phố cổ và những phố khác). Dự án là một trong những nội dung hoạt động của website Hanoidep.vn năm 2018. Dự án nhằm tìm kiếm các dữ liệu sống động về quá trình hình thành, phát triển của những con phố ở Hà Nội. Dự án dành quyền tham gia cho tất cả những công dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của những người đã có thời gian gắn bó lâu dài với Thủ đô Hà Nội. Hưng Vũ

70 năm thành lập Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội (1948 - 2018)

TĐKT - Ngày 15/10, Trường Đại học Y Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ nhà trường (1948 – 2018). Tới dự có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; lãnh đạo Bộ Y tế và các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ nhà trường qua các thời kỳ. Cách đây đúng 70 năm, vào tháng 10/1948, Chi bộ Y tế, tiền thân của Đảng bộ trường Đại học Y Hà Nội hiện nay được thành lập ở Chiến khu Việt Bắc, thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ chi bộ ban đầu với số ít đảng viên, đến nay, toàn Đảng bộ có 1.076 đảng viên sinh hoạt tại 59 chi bộ, đảng bộ bộ phận. Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được các cấp ủy trong Đảng bộ Nhà trường quan tâm, chú trọng. Không chỉ là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm quốc gia đầu ngành về lĩnh vực y tế, nhà trường đã thành lập Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hàng ngày khám và điều trị cho khoảng 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó, 40% là bệnh nhân trên địa bàn thành phố, có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của người dân thủ đô và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương… Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Thành ủy cho Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Hinh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội liên tục nhiều năm được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, được tặng nhiều Bằng khen của Thành ủy Hà Nội. Trường Đại học Y Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội. Đồng chí nhấn mạnh: "Trong quá trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội luôn có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Rất nhiều cán bộ, đảng viên, giảng viên, thầy thuốc thuộc Đảng bộ đã có những đóng góp quý báu xây dựng nền y học Thủ đô, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân". Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi lễ Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, cùng với nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, rất cần sự đóng góp quan trọng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ trí thức, các giáo sư, nhà giáo, các thầy thuốc, các nhà khoa học. Đồng chí đề nghị Đảng bộ trường Đại học Y Hà Nội thời gian tới, cần tiếp tục nỗ lực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Đảng bộ nhà trường cần thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; về chăm sóc sức khỏe nhân dân và tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó nỗ lực xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, trung tâm khoa học - công nghệ, trung tâm khám, chữa bệnh hàng đầu của cả nước. Nhà trường cần đẩy nhanh việc thực hiện tiến trình tự chủ đại học để phát triển Trường Đại học Y Hà Nội trở thành đại học khoa học sức khỏe ngang tầm với các đại học trong khu vực và trên thế giới. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị toàn Đảng bộ nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức nghề nghiệp của các nhà giáo và thầy thuốc, góp phần cùng đội ngũ trí thức và nhân dân Thủ đô xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng ngành giáo dục và y tế Thủ đô xứng đáng với tầm vóc và truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Nhân dịp này, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng khen của Thành ủy Hà Nội cho Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Y Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Hinh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường. 7 tập thể và 7 cá nhân thuộc Đảng bộ nhà trường được tặng Bằng khen của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội vì có thành tích xuất sắc, đóng góp trong công tác xây dựng Đảng. Mai Thảo

Lòng hiếu thảo của “Cô gái vàng của thể thao Việt Nam” - vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo

TĐKT – Tạm gác lại hạnh phúc của cá nhân, vận động viên Bùi Thị Thu Thảo (sinh năm 1992) đã nỗ lực khổ luyện, vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi niềm đam mê với thể thao, từ đó làm nên thương hiệu “Cô gái vàng của làng điền kinh Việt Nam”. Tại Asiad năm 2018, Thảo đã mang về cho Việt Nam 1 Huy chương Vàng môn điền kinh. Thảo sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Người dân ở đây dường như đã quá quen với cái nghèo đến nỗi họ không còn nhận thấy cuộc sống khó khăn là gì. Cái thuở hồn nhiên, trong trẻo của Thảo cũng đã phải bươn chải, làm lụng đủ việc nặng nhọc để phụ giúp gia đình. Từ cuốc đất, trồng màu cho đến gánh lúa, phụ hồ… việc nào Thảo cũng tham gia. Khoảnh khắc vàng của VĐV Bùi Thị Thu Thảo tại ASIAD 2018 Ước mơ một ngày có cuộc sống đổi thay đã thôi thúc Thảo mạnh dạn tìm cho mình một con đường đi riêng – đến với thể thao. Chia sẻ về ngày tình đầu tiên đến với thể thao, Thảo nhớ lại: Lần đó, em đi thi môn bơi. Nhà nghèo lắm, bố không có tiền nhưng bố vẫn đi vay mượn để mua cho em một bộ quần áo bơi. Lúc đó thi giải nhất chỉ được 20 nghìn nhưng bố mua bộ quần áo lên tận 60 nghìn. Rồi sau đó, Thảo có cơ hội đến với nhiều mô thể thao khác. Chia sẻ về con đường đến với điền kinh của Thảo, bà Phùng Thị Mọc - mẹ của Thảo bảo rằng nó gian nan, trắc trở như những ngày tháng tuổi thơ mà cô từng phải trải qua. 14 tuổi Thảo đã phải xa nhà lên tập luyện trên đội tuyển của tỉnh. Nhưng khi chính thức làm vận động viên, Thảo mới thấy được sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Trong khi đó, ở nhà, bố Thảo bị bệnh khớp nặng, mẹ Thảo cũng yếu, nhiều lần phải vay mượn tiền để điều trị bệnh. Lo lắng, chán nản, Thảo đã định bỏ nghề đi làm phụ hồ, rồi thợ xây để có thể chăm sóc bố mẹ lúc bị bệnh. Nhưng được sự động viên của các huấn luyện viên cũng như sự tiếp sức của người bố, Thảo lại tiếp tục tham gia luyện tập, thi đấu. Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và huấn luyện viên, Thảo rèn luyện vất vả để sớm đạt được ước mơ của mình – là sẽ đạt được thành tích cao nhất trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Năm 2014, Thảo đạt 1 Huy chương Bạc Asiad 17 môn nhảy xa; 1 Huy chương Bạc Giải bãi biển châu Á. Ai cũng vui và chúc mừng cho cô bởi giấc mơ ngày nào đã thành hiện thực. Nhưng riêng Thảo vẫn tiếc nuối vì không vượt qua chính mình, “mấy ngày không ngủ được vì nghĩ được Huy chương Vàng sẽ tốt hơn, có thêm nhiều cơ hội giúp bố mẹ đỡ khó khăn hơn.” - Thảo chia sẻ. Hơn 1 năm sau, Bùi Thị Thu Thảo lập gia đình. Nhưng nữ vận động viên này vẫn bảo đảm được phong độ đỉnh cao nhờ ý chí và quá trình tập luyện nghiêm túc. Hai vợ chồng vẫn tạm gác chuyện sinh con để Thảo dồn tâm huyết theo Đội tuyển quốc gia tập huấn, thi đấu, đồng thời cố gắng sắp xếp hoàn thành việc theo học tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Với suy nghĩ không ngừng cố gắng tập luyện, chinh phục đỉnh cao thể thao quốc gia, năm 2015 Bùi Thị Thu Thảo tiếp tục mang về cho đoàn Việt Nam 1 Huy chương Bạc Seagame 28. Năm 2016: 1 Huy chương Vàng Giải bãi biển châu Á; 1 Huy chương Bạc Giải châu Á trong nhà. Năm 2017: 2 Huy chương Vàng Giải vô địch châu Á; 1 Huy chương Vàng Seagame 29; 1 Huy chương Vàng Giải châu Á trong nhà. Đặc biệt, tại Asiad năm 2018, Thảo đã mang về cho Việt Nam 1 Huy chương Vàng môn điền kinh. Bùi Thị Thu Thảo (thứ ba từ trái sang) được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 Ghi nhận những đóng góp cho nền thể thao nước nhà, vận động viên Bùi Thị Thu Thảo đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2015, 2017; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen năm 2015; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen năm 2017. Năm 2018, Bùi Thị Thu Thảo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được UBND TP Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Sau bao nhiêu năm chinh phục đỉnh cao của thế vận hội, Thảo đã lần lượt thực hiện những mơ ước của mình. Tuy nhiên khi được hỏi về ước mơ lớn nhất của cô là gì, cô trả lời trong xúc động: Mỗi người đều có một ước mơ. Nhiều người ước mơ sống phải có thật nhiều tiền nhưng tôi chỉ ước người bố của mình luôn mạnh khỏe, được sống với bố, được bố tiếp sức để đi chinh phục những đỉnh cao mới. Thục Anh

MISA - đơn vị công nghệ thông tin duy nhất tại Hà Nội giành Cúp Thăng Long 2018

TĐKT – Công ty cổ phần MISA vừa vinh dự là đơn vị công nghệ thông tin duy nhất tại Hà Nội giành Cúp Thăng Long năm 2018 do UBND TP Hà Nội trao tặng. Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 diễn ra vào ngày 9/10 vừa qua, Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy đã đại diện MISA đón nhận chiếc cup danh giá này. Cúp Thăng Long là giải thưởng ghi nhận, tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu nhất của thành phố có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Với định hướng đúng đắn và sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể hơn 1.500 nhân sự, các sản phẩm của MISA hầu hết đang chiếm lĩnh thị trường, mang đến hiệu quả và năng suất cao, được đông đảo khách hàng tin dùng. Tính đến nay, đã có hơn 179.000 khách hàng gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp tư nhân và hơn 1 triệu khách hàng hộ cá thể, cá nhân đã và đang sử dụng phần mềm MISA. Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy đại diện MISA vinh dự đón nhận Cúp Thăng Long và Bằng khen của UBND TP Hà Nội trao tặng Đặc biệt, song hành với hoạt động kinh doanh, MISA cũng vun đắp những giá trị cho cộng đồng thông qua rất nhiều hoạt động chia sẻ lợi ích: Chuyển giao hoàn toàn miễn phí phần mềm vào giảng dạy cho sinh viên hơn 600 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước, tặng gần 60.000 phần mềm cho các doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức nhiều khóa hội thảo - tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho khách hàng, hỗ trợ và tích cực trong việc tham gia và xây dựng các Hội, Hiệp hội. Trao đổi nhanh với báo chí bên lề Hội nghị, Tổng giám đốc MISA Đinh Thị Thúy khẳng định sứ mệnh phụng sự xã hội của MISA và cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng để nâng cao hiệu quả, năng suất, góp sức mình cho sự phát triển vững mạnh của Thủ đô, là lá cờ đầu doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong chiến lược phát triển sản phẩm vì khách hàng, MISA đang là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các sản phẩm của mình: Trí tuệ nhân tạo vào các trợ lý số, blockchain trong phần mềm hóa đơn điện tử, robot lễ tân,... Năm 2017, MISA bắt đầu cung cấp phần mềm cho thị trường nước ngoài tại hơn 10 quốc gia trên thế giới. Gần 25 năm hình thành và phát triển, MISA vẫn luôn khắc ghi sứ mệnh phụng sự xã hội, phát triển các sản phẩm và dịch vụ phần mềm nhằm thay đổi năng suất và hiệu quả không chỉ một cá nhân, tổ chức trong ngành công nghệ thông tin nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy năng suất và hiệu quả của đất nước. Mai Thảo    

Trang