Tuyên dương 385 người nộp thuế thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế
TĐKT - Sáng 11/10, Cục Thuế Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương người nộp thuế thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2018. Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội dự Hội nghị. Năm 2018, với phương châm tạo mọi điều kiện tốt nhất để người nộp thuế tập trung sản xuất, kinh doanh, từ đó, tăng nguồn thu cho người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Cụ thể, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới, dưới nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Thuế đã đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế… Qua đó, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nộp thuế ngay từ ngày đầu khởi nghiệp cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, thời gian đăng ký mã số doanh nghiệp không quá 30 phút, chỉ bằng 12,5% thời gian so với quy định là 4 tiếng đồng hồ. Cục Thuế còn tiếp tục duy trì chất lượng, hiệu quả khai thuế qua mạng với kết quả trên 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và trên 96% số tiền thuế nộp theo phương thức điện tử… Tuyên dương người nộp thuế thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2019 Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan thuế, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã chủ động nhiều giải pháp, vượt qua khó khăn để phát triển kinh doanh và chấp hành tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng để ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ được giao, với tổng thu nội địa trong năm 2018 đạt 226.795 tỷ đồng, vượt 3,9% dự toán và tăng 16,5% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, số thuế, phí các doanh nghiệp nộp ngân sách đạt 115.228 tỷ đồng, chiếm 50,8% tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố và tăng 12,83% so với đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp năm 2017. Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, tốc độ tăng trưởng khá, có số nộp ngân sách lớn và có số nộp năm sau cao hơn năm trước. Tiêu biểu như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng; Chi nhánh Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) Hà Nội… Ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội tuyên dương 385 người nộp thuế tiêu biểu thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2018. Trong đó, có 17 đơn vị được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua; 23 người nộp thuế được UBND thành phố tặng Bằng khen; 25 người nộp thuế được Bộ Tài chính tặng Bằng khen; 43 người nộp thuế được Tổng cục Thuế tặng Giấy khen; 277 người nộp thuế được Cục Thuế Hà Nội tặng Giấy khen. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội biểu dương sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn TP Hà Nội vừa có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế và có đóng góp ngày càng cao cho ngân sách nhà nước. Đồng chí biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Cục Thuế TP Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thuế trên địa bàn; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc cùng cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong những năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp sẽ phát huy tốt kết quả đã đạt được, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước để hàng năm có nhiều hơn nữa doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế. Thục AnhHà Nội thi đua ái quốc
Quận Thanh Xuân tổng kết phong trào "Người tốt, việc tốt" 2019
TĐKT – Chiều 11/10, quận Thanh Xuân tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào "Người tốt, việc tốt" và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" năm 2019. Các cá nhân được tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp thành phố năm 2019 Hưởng ứng phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", các ngành, các cấp quận Thanh Xuân đều phát động thi đua với các nội dung phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, bám sát chủ đề công tác năm 2019 “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và phương châm hành động “Nhanh hơn, hiệu quả hơn, khoa học hơn, quyết liệt hơn”. Các phong trào thi đua yêu nước đều gắn với các chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch cụ thể, gắn với phát động gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay trên các lĩnh vực công tác. Khen thưởng được tiến hành kịp thời, động viên những gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; chú trọng khen thưởng đột xuất, khen cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Do đó, đến nay, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 54.572 tỷ đồng (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018); giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ ước đạt 23.980 tỷ đồng (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tính đến 30/9/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận đạt 3.233 tỷ đồng, đạt 60% dự toán. Chi ngân sách được đảm bảo, UBND quận điều hành chi ngân sách đúng luật, đúng quy định, kịp thời báo cáo Thường trực HĐND quận xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Tiêu biểu, Thanh Xuân là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho 150 công nhân, người lao động đang làm việc trực tiếp tại các dự án trên địa bàn quận. Quận là đơn vị đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm triển khai mô hình “Tổ dân phố 5 không”: Không rác; không tệ nạn; không hộ nghèo; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng. Hiện tại, trên địa bàn quận có 8/16 tổ dân phố được UBND quận công nhận, khen thưởng đạt tiêu chí “Năm không” và đang tiếp tục nhân rộng thêm 16 tổ, nâng tổng số tổ trên địa bàn quận thực hiện mô hình này lên 32 tổ dân phố. Đáng chú ý, giáo dục và đào tạo của quận tiếp tục được giữ vững vị trí, năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu thành phố, được UBND TP Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua”. Ngoài ra, Thanh Xuân cũng triển khai thực hiện mô hình bắt chó thả rông tại 5 phường: Thượng Đình, Nhân Chính, Khương Trung, Kim Giang, Hạ Đình. Đây là mô hình quận mới triển khai thực hiện, được thành phố đánh giá, ghi nhận và chỉ đạo nhân rộng... Quận cũng đổi mới, thực hiện có hiệu quả việc tổ chức cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình, nhân tố mới. Cuộc thi đã được các đơn vị tích cực hưởng ứng. UBND quận đã nhận được hơn 400 bài viết về gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” (NTVT) tiêu biểu; đã gửi 45 bài viết dự thi cấp thành phố. Chủ tịch UBND quận tặng danh hiệu NTVT năm 2019 cho 75 cá nhân; khen thưởng 19 tác giả đạt giải trong cuộc thi, 14 tập thể và 4 cá nhân có thành tích trong triển khai, cuộc thi viết gương điển hình tiên tiến, NTVT năm 2019. Các tập thể được quận Thanh Xuân biểu dương có thành tích trong triển khai, cuộc thi viết gương điển hình tiên tiến, NTVT năm 2019 Qua đó, phát hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, NTVT, từ thầy, cô giáo tâm huyết, yêu nghề; những người lao động giỏi, cần cù đến những cán bộ cơ sở miệt mài, tận tụy. Họ là những cá nhân đang từng ngày, từng giờ, cống hiến sức lực và trí tuệ trên các lĩnh vực công tác. Tiêu biểu là bà Trương Thị Hội Tố, thường trú tại số 11/20 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai. Bà tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ được 25 năm, là vợ liệt sĩ, luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ. Không chỉ là một hội viên tán trợ vận động nguồn lực ủng hộ các hoạt động nhân đạo giỏi mà bà còn là một bác sĩ tình nguyện duy trì phòng khám nhân đạo từ thiện được đặt tại phường Giáp Bát, chuyên tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí giúp đỡ người cao tuổi. Năm 2019, bà tích cực vận động cán bộ, hội viên ủng hộ hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, ủng hộ xây dựng cầu dân sinh vượt lũ tại Hà Giang, ủng hộ thuốc cấp miễn phí cho phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ quận; vận động các thành viên trong gia đình, mỗi năm nhận nuôi dưỡng thường xuyên 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 15 triệu đồng. Hàng năm, gia đình bà thường xuyên ủng hộ quỹ nhân đạo trên 60 triệu đồng. Bà Lê Thị Tố Liên, với vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chị, em phụ nữ tham gia giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, được mọi người tin tưởng, quý mến. Bà đã vận động hội viên thực hiện xã hội hóa trồng, chăm sóc 74 cây xanh ven hồ Rùa và bờ trái sông Lừ với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng; xã hội hóa trồng hoa ở các gốc cây tại chi hội 12, thường xuyên chăm sóc tạo cảnh quan và hạn chế rác thải cũng như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì 21 đoạn đường phụ nữ tự quản, quản lý 3 khu nhà và 1 đoạn đường văn minh trật tự đô thị đảm bảo “sáng, xanh, sạch, đẹp”; duy trì công tác tổng vệ sinh sáng thứ 7 hàng tuần và được truyền hình Hà Nội đưa tin.... Tại Hội nghị, 23 cá nhân được tặng danh hiệu NTVT cấp thành phố; 22 cá nhân được tặng danh hiệu NTVT cấp quận; 14 tập thể, 19 cá nhân có thành tích trong triển khai, cuộc thi viết gương điển hình tiên tiến, NTVT năm 2019 được quận biểu dương. Mai ThảoTĐKT - Ngày 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2019.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao giải nhất cho tác phẩm báo chí “Người đi tìm ký ức hào hùng” của tác giả Trần Nguyệt Ánh, Báo Hànộimới
Dự Lễ trao giải có đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Về phía TP Hà Nội có: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi tặng Bằng khen cho các đơn vị báo chí có thành tích trong tổ chức triển khai cuộc thi năm 2019
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá: Là năm thứ 5 triển khai, cuộc thi viết đã thực sự lan tỏa đến từng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, từng đơn vị cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phát hiện, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố. Ngày càng phát hiện được nhiều tấm gương bình dị trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Năm 2019, Cuộc thi tiếp tục được triển khai có chiều sâu với nhiều nét mới. Ban Tổ chức thành phố đã nhận được 1.620 bài viết từ các quận, huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố và 344 tác phẩm báo chí của 19 cơ quan báo chí của Hà Nội và Trung ương gửi tham dự.
So với các năm trước, các bài viết của các tác giả không chuyên tăng lên rõ rệt. Qua các tác phẩm, bài viết dự thi đã khắc họa những tấm gương cao đẹp trong đời sống hàng ngày của Thủ đô, đó là những con người bình dị, hằng ngày chúng ta vẫn gặp nhưng những việc họ làm đã đem lại lợi ích cho cộng đồng một cách vô tư, cần mẫn…
Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong tổ chức triển khai cuộc thi năm 2019
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã phát động Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước TP Hà Nội năm 2020. Trong đó, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc thành phố cần chủ động, sáng tạo, đổi mới hơn nữa tư duy, phương pháp chỉ đạo tổ chức Cuộc thi.
Người đứng đầu đơn vị cần xác định Cuộc thi là khâu đột phá trong công tác thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng của thành phố. Cùng đó, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Cuộc thi, phấn đấu 100% các đơn vị trực thuộc thành phố đều hưởng ứng phát động và tổ chức Cuộc thi đạt kết quả...
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 39 giải, gồm: 1 giải nhất (tác phẩm báo chí “Người đi tìm ký ức hào hùng” của tác giả Trần Nguyệt Ánh, Báo Hànộimới); 3 giải nhì (2 tác phẩm báo chí và 1 bài viết); 5 giải ba (3 tác phẩm báo chí và 2 bài viết); 30 giải khuyến khích (20 tác phẩm báo chí và 10 bài viết)…. Ban Tổ chức cũng tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 22 tập thể và 23 cá nhân có thành tích trong tổ chức triển khai thực hiện Cuộc thi.
Tạp chí Thi đua Khen thưởng được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội về thành tích trong tổ chức thực hiện tốt Cuộc thi viết trong 5 năm qua, đồng thời có 1 tác phẩm đoạt giải khuyến khích Cuộc thi viết năm 2019.
Mai Thảo
TĐKT - Sáng 10/10, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Người tốt - Việc tốt” và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (NTVT) năm 2019, đánh giá kết quả đợt thi đua chuyên đề kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh (1969 - 2019).
Năm 2019, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào NTVT được huyện Thường Tín triển khai hiệu quả trên khắp các lĩnh vực, tập trung vào các nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất …
Đặc biệt, với việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, NTVT từ huyện đến cơ sở đã giúp phát hiện và lan tỏa nhiều tập thể, cá nhân có hành động đẹp, nghĩa cử nhân văn, có tính giáo dục, nêu gương cao trong toàn xã hội.
Nhờ đó, các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng đều đạt kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 13.464 tỷ đồng, đạt 78,2% kế hoạch năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị thương mại - dịch vụ đạt 8.191 tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch năm, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 963 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch năm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước theo phân cấp thực hiện 653.716 triệu đồng, đạt 115,91% dự toán thành phố giao, đạt 90,17% dự toán huyện giao, tăng 112,09% so với cùng kỳ năm 2018.
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị
Tổng thu ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm thực hiện 1.390.617 triệu đồng, đạt 101,33% dự toàn thành phố giao, đạt 71,22% dự toán huyện giao đầu năm và tăng 67,94% so với cùng kỳ năm 2018.
Chi ngân sách địa phương thực hiện 1.122.292 triệu đồng, đạt 81,78% dự toán thành phố giao, đạt 57,48% dự toán huyện giao sau điều chỉnh, tăng 40,35% so với cùng kỳ năm 2018.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Thường Tín tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kịp thời phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng, nhân rộng và khen thưởng các điển hình tiên tiến, gương NTVT, tạo khí thế thi đua sôi nỗi, cổ vũ, phát huy đoàn kết, khơi dậy sức mạnh của toàn dân và hệ thống chính trị trong các phong trào thi đua.
Tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục, tạo được sức lan tỏa trong xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng.
Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào NTVT trên tất cả các lĩnh vực, nhằm huy động tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 và 2020.
Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung tổ chức và triển khai tốt Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước thành phố vào năm 2020.
Tại Hội nghị, 10 cá nhân được tặng danh hiệu NTVT cấp thành phố; UBND huyện Thường Tín khen thưởng cho 163 cá nhân gương NTVT cấp huyện; công nhận 39 cá nhân đạt giải trong Cuộc thi viết về gương NTVT; 21 tập thể và 22 cá nhân có thành tích trong đợt thi đua chuyên đề kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).
Thục Anh
TĐKT - Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường tranh đấu, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong toàn bộ lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 mãi là một mốc son chói lọi, mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước.
Mốc son lịch sử hào hùng
Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nhân dân Hà Nội cả nước không có nguyện ước gì hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng gây hấn tại Nam Bộ và sau đó phát động chiến tranh ra cả nước.
Ngày 19/12/1946, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.
Ðúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố.
Niềm vui của người dân khi chào đón đoàn quân chiến thắng trên phố Đinh Tiên Hoàng
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén sống dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu của kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Trong khí thế, niềm vui giải phóng, nhân dân Hà Nội tiếp tục hăng hái bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu làm cho tình hình mọi mặt của Thủ đô sớm đi vào ổn định và phát triển.
Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tất cả quân và dân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương để thi đua xây dựng, sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến “miền Nam ruột thịt”. Đồng thời, hàng chục vạn người con của Thủ đô đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu.
Vừa hăng hái thi đua sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu, bảo vệ vùng trời Thủ đô, quân và dân Hà Nội đã tham gia đánh thắng nhiều đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, được nhân loại tiến bộ tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; để từ đó tiếp thêm sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cả dân tộc, góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cả nước tiếp tục tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, nhất là vào cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ XX. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, trong khi đó các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để cùng nhau đi lên.
Không ngừng đổi mới và phát triển
Những chiến công của quân và dân Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử những năm qua đã tô thắm, hun đúc nên một Thủ đô Anh hùng, một Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Đó là niềm tự hào, động lực thúc đẩy quân và dân Thủ đô Hà Nội hôm nay và cả mai sau sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến, tiếp tục xây dựng và làm rạng danh mảnh đất kinh đô nghìn năm văn hiến.
65 năm sau ngày giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2019), từ một thành phố nhỏ, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội không ngừng phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn, vươn mình lớn mạnh, trở thành “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế” của cả nước.
Với quyết tâm xây dựng và phát triển Thủ đô vươn lên một tầm vóc mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực tạo dựng nên nhiều thành tựu, kết quả đáng tự hào trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại
Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.
Theo đó, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh - quốc phòng được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh. Công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.
Đặc biệt, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính lần thứ tư theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội đến nay, Hà Nội đã liên tục gặt hái những thành tựu nổi bật.
Với diện tích 3.344,7 km2, dân số gần 8 triệu người, bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa. Các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có tiến bộ.
Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực: Đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tất cả những yếu tố tổng hợp này đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh chung của kinh tế Thủ đô, từng bước đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2008 - 2017, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm (dự kiến bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,54%). GRDP bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.043 USD (gấp 2,5 lần so với 46,95 triệu đồng/người vào năm 2010).
Du lịch được chú trọng phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng khá, nhất là về số lượng khách du lịch quốc tế. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; lượng khách du lịch quốc tế tăng liên tục với tốc độ cao 2 con số, từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên trên 5 triệu lượt năm 2018 (tăng gần 4 lần).
Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra).
Công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí...
Nhìn lại chặng đường đã qua, Hà Nội tự hào luôn hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ dựng xây đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xứng đáng là “Trái tim của cả nước”, xứng đáng với các danh hiệu và phần thưởng của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, "Thủ đô Anh hùng", "Thành phố Vì hòa bình"…
Những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sức mạnh đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước của nhiều thê hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Thục Anh
TĐKT - Sáng 10/10, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe giai đoạn 1 công trình mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long. Tại buổi lễ, 13 tập thể và 19 cá nhân được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong thực hiện công trình này.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông từ nội thành đi sân bay Nội Bài và liên kết các khu công nghiệp của Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đi về phía Nam để vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa giữa khu vực bắc và nam sông Hồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen cho 13 tập thể
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là chủ đầu tư thực hiện công tác xây lắp, thực hiện di chuyển và hạ ngầm công trình ngầm nổi đồng bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư là 3.113 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, được thực hiện từ năm 2016 - 2019. Trong đó, diện tích giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến là 169.636,56 m2 trải dài trên địa bàn 2 quận và 5 phường. Khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án là rất lớn, bao gồm 877 hộ, 57 cơ quan, 14 ngôi mộ.
Sau 3 năm, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện mặt bằng thi công chật hẹp, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và các sở, ban, ngành của thành phố, chính quyền và nhân dân hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm... nên quá trình thi công công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, đã hoàn thành các hạng mục chủ yếu, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện thông xe giai đoạn 1 để đưa vào khai thác sử dụng.
Nghi thức cắt băng thông xe dự án
Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện dự án, tại buổi lễ, 13 tập thể và 19 cá nhân được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, việc hoàn thành thông xe giai đoạn 1 công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn trên tuyến đường hiện nay; tạo điều kiện về mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sớm hoàn thành tuyến cầu cạn trên cao, tiến tới hoàn thành đầu tư khép kín tuyến đường vành đai 3, theo quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các cá nhân
Để công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức bàn giao ngay các hạng mục: Hè, cây xanh, chiếu sáng, đường giao thông... cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu; thanh, quyết toán các hạng mục đã hoàn thành theo đúng tiến độ quy định.
Riêng phần mặt đường trong hàng rào đang thi công cầu cạn, Sở GTVT làm việc cụ thể về tiến độ với Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm thu hồi hàng rào để bàn giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hoàn chỉnh các hạng mục còn lại theo thiết kế.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, tiếp nhận vỉa hè và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; thực hiện trồng bổ sung cây hoa, cây xanh vào các vị trí đất bồi thường còn nhỏ; đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên tuyến đường vành đai 3, chỉnh trang tuyến phố để đảm bảo mỹ quan đô thị...
Mai Thảo
TĐKT - Chiều 9/10, Sở Y tế Hà Nội biểu dương và tổng kết phong trào “người tốt, việc tốt” (NTVT) ngành y tế Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, năm 2019, Sở Y tế Hà Nội tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với nội dung “Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp tục biểu dương “Tấm gương tiêu biểu ngành y tế Thủ đô ”, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai cụ thể, mạnh mẽ chuỗi các hoạt động thi đua hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: “Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ giao tiếp, ứng xử, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; tiếp tục thi đua các nội đung “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị xanh - sạch - đẹp”...
Các phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng rãi, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế Thủ đô. Chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo các bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua; quan tâm công tác phát hiện, tuyên truyền về các mô hình sáng kiến, nhân tố mới và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong phong trào thi đua yêu nước.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trao Cờ Thi đua của Chính Phủ cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thanh Oai.
Năm 2019, phong trào NTVT đã có nhiều chuyển biến tốt đẹp sát với thực tế và đúng mục đích, ý nghĩa của việc khen NTVT. Các cá nhân được khen đều có những thành tích và việc làm cụ thể, nội dung các việc tốt đa dạng phong phú. Điển hình, một hộ lý của khoa Nội tim mạch của Bệnh viện (BV) đa khoa Xanh Pôn đã 3 lần nhặt được tiền của bệnh nhân bỏ quên trả lại cho bệnh nhân, không quản ngại khó khăn tham gia cấp cứu ngoài giờ cùng các kíp trực kịp thời trong các trường cấp cứu bệnh nhân nặng.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của BV Phụ sản Hà Nội đã cùng tham gia khảo sát, giám sát thi công xây dựng 42 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Yên Bái với tổng số tiền lên đến 3 tỷ đồng.
Các cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị
Hay trường hợp y sĩ Nguyễn Đắc Minh đang công tác tại trạm y tế xã Yên Sơn, TTYT huyện Quốc Oai đã kịp thời nhảy xuống ao đình làng thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai cứu cháu bé đang chơi ở sân đình không may bị ngã xuống hồ.
Tuy không xác định được vị trí cháu bé ngã xuống hồ nhưng ông đã nhanh chóng tìm được cháu bé và đưa được cháu lên bờ, tiến hành sơ cứu đến khi cháu bé tỉnh lại mới chuyển cháu đến BV đa khoa huyện Quốc Oai để điều trị tiếp tục.
Ngoài ra, còn có hàng trăm gương NTVT khác thể hiện những việc làm tốt, lòng nhân ái, tâm huyết của người thầy thuốc đối với bệnh nhân qua những việc làm bình dị, nhỏ bé phát sinh trong đời sống hàng ngày, trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và công tác từ thiện, nhân đạo như: Sẵn sàng chia sẻ bữa cơm trưa của mình cho bệnh nhân; giúp đỡ bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc thiếu kinh phí đóng tiền viện phí; tham gia ủng hộ kinh phí và chế biến suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại đơn vị; nhặt được của rơi trả lại người bị mất...
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ ngành y tế, đầu năm 2019, BV Phụ sản Hà Nội và TTYT huyện Thanh Oai được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ. 15 cá nhân được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”; 362 cá nhân tiêu biểu được Sở Y tế xét chọn công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành.
Đây là phần thưởng cao quý, có sức lan tỏa, động viên đội ngũ hơn 25.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Mai Thảo
TĐKT - Ngày 9/10, huyện Gia Lâm tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019); biểu dương người tốt, việc tốt; tổng kết cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” huyện Gia Lâm 2019.
Năm 2019, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” huyện Gia Lâm tiếp tục được đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, với mục tiêu khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng.
UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác tuyên truyền các nội dung phong trào thi đua người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chú trọng chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống phát thanh - truyền thanh đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; chủ động phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng và các cơ quan liên quan kịp thời cung cấp cho các cơ quan báo chí gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình, nhân tố mới; biên soạn, phát hành sách, tài liệu tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, công tác tuyên dương, khen thưởng đột xuất các gương người tốt, việc tốt được thực hiện kịp thời, góp phần nhân rộng các gương người tốt việc tốt trên địa bàn.
Các cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị
Hưởng ứng phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" các ngành, các cấp huyện Gia Lâm đều phát động thi đua với các nội dung phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt.
Thời gian tới, Gia Lâm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào "Người tốt, việc tốt" để phong trào thực sự là động lực thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện.
Mỗi cơ quan, đơn vị, các cơ sở phát động phong trào thi đua phải luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của chính quyền các cấp và nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị; đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thi đua; chú trọng công tác tuyên truyền, thường xuyên phát hiện, đưa tin, viết bài, tuyên truyền kịp thời những tấm gương "Người tốt, việc tốt" nhằm lan tỏa và nhân rộng ra toàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Nhân dịp này, đã có 10 cá nhân được nhận Bằng khen và danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp thành phố; UBND huyện tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cho 92 cá nhân, khen thưởng 6 tập thể, 6 cá nhân có thành tích trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2019.
Thục Anh
Trường Tiểu học Khương Mai: Nơi chấp cánh cho những ước mơ bay cao
TĐKT - Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Trường tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của quận trong nhiều năm nay. Thi đua dạy tốt, học tốt Đến thăm trường khi năm học mới vừa bắt đầu, chúng tôi không mấy bất ngờ khi không khí tưng bừng và rộn ràng đang ngập tràn khắp dãy phòng học. Với những thầy, cô giáo đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người, mỗi khi mùa tựu trường đến gần, trong họ vẫn vẹn nguyên những cảm xúc vui mừng, tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm khi bắt đầu những nhiệm vụ hết sức vinh quang của năm học mới. Cô Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khương Mai đánh trống khai giảng Với nhiều người, 20 là độ tuổi sung sức, tươi đẹp nhất để có thể làm nên những kỳ tích hiếm có trong đời. Trường tiểu học Khương Mai trong 20 năm xây dựng và trưởng thành của mình cũng đã đạt được nhiều thành tích cao, đem lại thành công lớn cho giáo dục quận Thanh Xuân nói riêng và giáo dục Thủ đô nói chung trong nhiều năm qua. Được thành lập từ năm 1999 đến nay, Trường Tiểu học Khương Mai có 37 lớp học với tổng số 2123 học sinh cùng 62 cán bộ, giáo viên đạt 100% trình độ trên chuẩn, trong đó có 32 đảng viên và 19 đoàn viên. Tuy số lượng cán bộ, giáo viên không nhiều nhưng đây chính là niềm tự hào của nhà trường bởi những nỗ lực của thầy, cô giáo đã đem đến nhiều “trái ngọt” cho Trường tiểu học Khương Mai. Đó là thành tích 18 năm liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt lao động tiên tiến, 15% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; chất lượng học sinh đại trà không ngừng được cải thiện; nhiều giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong những kỳ thi các cấp. Đặc biệt, trong năm học 2009 – 2010, trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2014 đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Cô Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để có được những thành quả đáng ghi nhận ấy, Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã cùng nhau phấn đấu để đề ra nhiều kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể và chiến lược đúng đắn theo từng năm học, nhằm khích lệ tinh thần đoàn kết và quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ dạy và học của nhà trường. Cụ thể, mỗi khi bắt đầu một năm học mới, nhà trường sẽ tổ chức cho cán bộ, giáo viên đăng ký chỉ tiêu thi đua, nhằm tạo động lực cho thầy và trò cùng nhau cố gắng, thi đua dạy tốt, học tốt. Bên cạnh đó, mỗi tháng, trường sẽ tổ chức cho giáo viên đăng ký và thực hiện luân phiên 5 chuyên đề về chương trình học tập nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và tăng cường cơ hội giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học hiệu quả lẫn nhau giữa các thầy, cô giáo. Không khí năm học mới 2019 – 2020 của thầy và trò nhà trường Đồng thời, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp trước những ảnh hưởng của kinh thế thị trường chi phối, Ban giám hiệu Trường tiểu học Khương Mai đã chủ động mời giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến tập huấn cho giáo viên trong trường về các kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy, công tác chủ nhiệm... Đây chính là sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo nhà trường nhằm trang bị cho đội ngũ giáo viên thêm nhều bài học, kinh nghiệm quý giá để xử lý những tình huống sư phạm phức tạp trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dạy học, nhà trường cũng tích cực tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đồng thời, tranh thủ nguồn ngân sách cho giáo dục của nhà nước và sự hỗ trợ của phụ huynh để trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, nhằm đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy và học của thầy trò Trường tiểu học Khương Mai. Kết quả, đa số giáo viên trong trường đều sử dụng thành thạo bài giảng điện tử, nhiều bài giải E - Learning đạt giải cao cấp quận, thành phố và góp phần đóng góp vào kho học liệu chung của giáo dục nhiều bài giảng hay, được nhiều nơi ứng dụng và học tập đạt hiệu quả cao. Đoàn kết là sức mạnh Để có được những thành tích quan trọng trong 20 năm ấy, ngoài những chỉ đạo đúng đắn cùng quyết tâm đưa nhà trường trở thành ngọn cờ đầu của ngành giáo dục Thanh Xuân, còn là sự quan tâm, sát sao của người đứng đầu nhà trường trong việc tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên phát huy hết khả năng và sở trường của mình để yên tâm làm việc, cống hiến cho thành công chung của mái nhà tiểu học Khương Mai. Không đặt nặng vấn đề thành tích, càng không rập khuôn theo những lề lối làm việc cũ nguyên tắc mà kém hiệu quả, những giáo viên của Trường tiểu học Khương Mai đã và đang xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm giữa các đồng nghiệp với nhau thông qua những hành động cụ thể mà ý nghĩa. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, người đã có nhiều năm gắn bó với nhà trường chia sẻ: “Những ngày mới về trường làm việc, tôi cảm thấy khá căng thẳng và áp lực. Nhưng nhờ có những đồng nghiệp giúp đỡ cũng như sự động viên, khích lệ của Ban giám hiệu nhà trường, tôi dần tự tin và thể hiện được hết khả năng của mình trong công việc. Với tôi, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.”. Cô Vũ Thị Thu Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Giáo viên chúng tôi luôn tự hào về ngôi trường tiểu học Khương mai bởi ai cũng đều xem đây là nhà và đồng nghiệp chính là những anh, chị, em thân thiết như ruột thịt của mình. Chẳng kể ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, chúng tôi vẫn sẵn lòng ngồi bên nhau cùng chuẩn bị cho đồng nghiệp những bài giảng công phu, chất lượng để dự thi. Hay cũng chẳng ai nề hà mưa phùn, gió bấc, lặn lội đến tận lớp học để thiết kế những bài giảng E-Learning sinh động; đến tận nhà động viên, an ủi nhau mỗi khi có chuyện vui, buồn… Giữa một xã hội đang có nhiều giá trị tốt đẹp bị lung lay bởi sự lên xuống của thị trường thì sự thấu hiểu, sẻ chia giữa những thầy, cô giáo dưới mái trường Khương Mai quả thật rất đáng trân trọng. Để hướng đến những thành công mới trong năm học 2019 - 2020, cô Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm học mới này, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng dạy và học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch định hướng giáo dục với Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo để tăng cường thêm giáo dục về ý thức đạo đức, truyền thống của dân tộc, các hoạt động nhân đạo, từ thiện nhằm giúp học sinh hoàn thiện cả về trí tuệ và đạo đức, nhân cách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Với những nỗ lực và cố gắng trong 20 năm ấy của mình, Trường tiểu học Khương Mai đã và đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều bậc phụ huynh gửi gắm niềm tin giáo dục, ươm mầm và thắp sáng ước mơ cho các thế hệ học sinh là mầm non tương lai của đất nước. Hưng VũTĐKT - Sáng 7/10, tại xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức họp báo Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh chủ trì buổi họp báo.
Theo đó, Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 13/10, gồm các hoạt động nổi bật như: Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng (diễn ra vào tối 9/10), cắt băng khánh thành, ra mắt và khai trương hoạt động phục vụ khách du lịch, khai trương tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại “Bát Tràng, Chợ Chiều - Điểm đến ngàn năm”, khai mạc Hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng, khai trương Không gian nhà cổ Tràng An… Đặc biệt, trong ngày 12/10 sẽ diễn ra lễ rước tổ nghề gốm sứ Bát Tràng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh chủ trì buổi họp báo
Ngoài các hoạt động trên, trong tuần lễ quảng bá du lịch, khách tham quan khi đến với Bát Tràng sẽ được xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc của Bát Tràng, trải nghiệm một số sản phẩm du lịch thông minh: Kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện, xe đạp thông minh, máy thuyết minh tự động, cổng thông tin điện tử du lịch, apps du lịch Bát Tràng…
Điểm du lịch Bát Tràng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch của làng nghề phát triển, đồng thời là cơ hội để địa phương giới thiệu cũng như quảng bá những nét đẹp độc đáo của làng nghề. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Bát Tràng nằm ở tả ngạn Sông Hồng có diện tích đất tự nhiên 164 ha, có quá trình hình thành và phát triển gắn với Thăng Long - Hà Nội. Xã có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và Giang Cao. Trong đó, làng nghề gốm sứ Bát Tràng được biết đến với những cư dân đầu tiên đến từ Yên Mô (Ninh Bình) và Bồ Bát (Thanh Hóa) theo vua Lý Công Uẩn đến lập làng Bạch Tổ Phường (Gò đất trắng) làm gạch, vật liệu xây dựng thành Thăng Long và cung đình, miếu mạo.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của cha ông như là “kế sinh nhai” vững bền; tác tạo ra những sản phẩm gốm sứ vô cùng tinh xảo, đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu đời sống của các tầng lớp nhân dân trong nước và xuất khẩu.
Bát Tràng đã và đang là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Dao, đình Giang Cao, miếu Bản; đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng; có 2 di tích cách mạng kháng chiến gắn với Bác Hồ và là nơi nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên bài hát “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khu làng cổ rộng 5,2 ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ; với đường ngõ, xóm ngoằn ngoèo, chật hẹp và những bức tường cao chót vót gắn với những câu chuyện bảo vệ làng của người dân. Đây thực sự là những điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với du khách đến thăm Bát Tràng.
Xã Bát Tràng hiện có 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu; kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; không có sản xuất nông nghiệp. Có gần 1000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách thăm quan, mua sắm.
Bát Tràng là xã duy nhất của huyện Gia Lâm có cơ cấu kinh tế các ngành chủ yếu là: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (chiếm khoảng 53%); thương mại - dịch vụ - du lịch (chiếm khoảng 47%); không có nông nghiệp.
Giá trị thu nhập từ du lịch, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt trên 59 triệu đồng/người/năm. Không có lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, làng nghề tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 3000 – 5000 lao động ở các địa phương khác.
Mai Thảo – Hồng Thiết
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 61
- 62
- 63
- 64
- 65
- …
- sau ›
- cuối cùng »