Hà Nội thi đua ái quốc

Cụm thi đua số 11: Giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt

TĐKT - Sáng 19/9, tại huyện Chương Mỹ, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp với Cụm thi đua số 11 tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến (ĐHTT), người tốt, việc tốt (NTVT) nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) với chủ đề “Làm theo lời Bác dặn”. Tới dự có thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cùng lãnh đạo 6 huyện và 90 gương ĐHTT, NTVT, đại diện cho hàng nghìn tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn các huyện thuộc Cụm thi đua số 11. Thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê và Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng trao tặng Bằng khen và danh hiệu Người tốt, việc tốt cho các cá nhân. Cụm thi đua số 11 bao gồm 6 huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Thời gian qua, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, hiệu quả, góp phần khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, đã phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng nhiều tấm gương ĐHTT  trên các lĩnh vực. Tại chương trình, ban tổ chức đã lựa chọn 9 tấm gương ĐHTT, NTVT để trò chuyện, giao lưu, chia sẻ về sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp cũng như hành trình làm việc tốt của họ. Đó là tấm gương cô giáo Lê Thị Hòa, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Từ năm 1993 đến nay, hàng năm cô tự nguyện mở lớp học tình thương miễn phí tại chùa Hương Lan để giảng dạy, uốn nắn từng con chữ cho hàng trăm em bị khuyết tật, câm điếc, tự kỷ ở các huyện trên địa bàn thành phố. Sau quá trình giảng dạy, nhiều em đã đọc thông viết thạo, hàng chục em vượt qua mặc cảm trở về hòa nhập với trường lớp. Anh Lê Tiến Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, với suy nghĩ “Giọt máu cho đi cưộc đời ở lại”, đến nay đã 22 lần tham gia hiến máu tình nguyện ở địa phương. Bên cạnh đó, anh còn là một kênh tuyên truyền, vận động hàng trăm người dân, bạn bè, gia đình cùng tham gia hiến máu cứu người trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Hòa - thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai là một điển hình về phát triển kinh tế nông thôn. Hiện ông đang khai thác cánh đồng sen rộng hơn 50 mẫu với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Dương Văn Cơ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, hội viên Hội cựu chiến binh xã Khánh Hà, luôn nêu cao tinh thần và phẩm chất người lính cụ Hồ, đảng viên gương mẫu, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới … Mỗi người một việc, một ngành nghề khác nhau nhưng họ đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt TP Hà Nội. Ban tổ chức tặng hoa cho các điển hình tham gia giao lưu tại hội nghị Ghi nhận những hành động đẹp, những nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong công tác cũng như trong đời sống xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định tặng Bằng khen, danh hiệu NTVT cho 1 gia đình và 11 cá nhân tiêu biểu trong phong trào NTVT thuộc Cụm Thi đua số 11. Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê và Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng đã trao tặng Bằng khen và danh hiệu NTVT cho các các nhân. Mai Thảo

Quận Hoàn Kiếm biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2019

TĐKT - Ngày 18/9, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2019, nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 năm Hà Nội được công nhận là "Thành phố Vì hòa bình"; phát động phong trào "Người tốt, việc tốt" và cuộc thi “Viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước quận Hoàn Kiếm năm 2020”. Phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2019 được quận Hoàn Kiếm luôn chú trọng triển khai bám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chọn và thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; kết hợp cùng với các phong trào thi đua trên các lĩnh vực. Nội dung các phong trào, hoạt động thực sự đã chuyển biến mạnh từ cơ sở, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực vào cuộc; được các cấp, các ngành thành phố ghi nhận và đánh giá cao. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực trao tặng danh hiệu ''Người tốt, việc tốt'' tiêu biểu năm 2019 cho các cá nhân Trong lĩnh vực y tế, ngành y tế quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hiến máu nhân đạo”, Ban vận động hiến máu tình nguyện quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các cá nhân hiến được hơn 1.300 đơn vị máu/năm. Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách xã hội, nhất là chính sách với người có công được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND quận Hoàn Kiếm đã chuyển quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố và nguồn xã hội hóa tới 49.725 đối tượng chính sách, hưu trí, mất sức… Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu. Đó là những cán bộ cơ sở miệt mài, tận tụy; những chiến sĩ dũng cảm, không quản gian khổ, hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; những học sinh là con ngoan, trò giỏi; cô giáo tâm huyết, yêu nghề… Điển hình như câu chuyện về ông Lương Quốc Hưng, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Hàng Gai sau khi đọc báo biết thông tin, đã viết thư cho gia đình liệt sĩ, giúp họ tìm được mộ người thân; bà Vũ Thúy Long, ở phường Phan Chu Trinh, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn luôn đi đầu trong các phong trào giữ gìn trật tự vệ sinh khu phố; hay như cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, không chỉ giáo dục đạo đức mà còn dạy học sinh biết sẻ chia, cùng học sinh tiết kiệm tiền hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị bệnh; em Lê Anh Đức và em Lương Ngọc Bảo Phương, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nhặt được của rơi trả lại người bị mất… Nhân dịp này, UBND quận Hoàn Kiếm tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 cho 255 cá nhân. Đặc biệt, có 18 cá nhân được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019. Hưng Vũ  

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội biểu dương "Người tốt, việc tốt" năm 2019

TĐKT - Sáng 18/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương "Người tốt, việc tốt" và tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" ngành lao động, thương binh và xã hội Thủ đô năm 2019. Năm 2019, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của ngành lao động, thương binh và xã hội tiếp tục được triển khai với nhiều đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Nội dung thi đua gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và lồng ghép các phong trào thi đua khác của ngành, tạo sức lan tỏa, trong đó, lĩnh vực quản lý nhà nước với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; lĩnh vực hoạt động sự nghiệp với phong trào thi đua "Dạy tốt Học tốt"... Đồng chí Đỗ Đức Thịnh, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố và Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các cá nhân đạt danh hiệu ''Người tốt, việc tốt'' Tính đến cuối tháng 7, toàn thành phố đã vận động Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" được 32,672 tỷ đồng, đạt 147,7% kế hoạch; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 378 hộ gia đình người có công, đạt 144,3% kế hoạch với kinh phí 16,192 tỷ đồng. Tặng 4.169 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 5,227 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 96 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 60,7 tỷ đồng. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến: Thanh tra viên Trần Bình Minh, chuyên viên bộ phận một cửa Dương Văn Ninh là những tấm gương sáng trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh"; chị Nguyễn Hoài, Phòng Người có công; chị Phạm Thị Bình, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội... là những cán bộ gương mẫu, cần mẫn và có nhiều sáng kiến trong công việc. Cùng với các phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" của ngành tiếp tục thu hút sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Thông qua Cuộc thi viết, nhiều gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu đã được phát hiện, kịp thời khen thưởng, biểu dương và nhân rộng, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mới cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Kết quả từ Cuộc thi viết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã giành 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích cấp thành phố. Toàn ngành cũng đã có 9 gương điển hình tiên tiến được UBND thành phố tặng danh hiệu "Người tốt, Việc tốt"; 1 gương được UBND thành phố tặng bằng khen về thành tích thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố; 30 cá nhân được Giám đốc Sở tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt", trong đó, có 97,5% là người lao động trực tiếp. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả cuộc thi viết về gương "Người tốt, việc tốt" của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội. Đồng chí nhấn mạnh, đây là đơn vị dẫn đầu xuất sắc trong các phong trào thi đua do trung ương, thành phố phát động, triển khai. Từ phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", Sở đã phát hiện và đóng góp nhiều nhân tố điển hình trong ngành. Thục Anh

Ban Tiếp công dân TP Hà Nội xứng đáng với Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - 10 năm qua (2009 - 2019), tập thể cán bộ, công chức, người lao động Ban Tiếp công dân TP Hà Nội đã nỗ lực, phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Ban Tiếp công dân thành phố ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố. Tiền thân là Phòng tiếp công dân của thành phố, sau 10 năm phát triển, hiện nay Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội, trực tiếp tham mưu lãnh đạo thành phố về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư và đôn đốc xử lý đơn thư của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ðội ngũ cán bộ, công chức của ban gồm 23 người, trong đó, có nhiều thạc sĩ, chuyên viên chính, thanh tra viên chính, am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm về quản lý nhà nước. Tính chất công việc của Ban rất phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Giai đoạn 2009 - 2019, trung bình mỗi năm, Ban Tiếp công dân thành phố tiếp hàng nghìn lượt người, hàng trăm đoàn đông người. Nhiều vụ việc đã được hướng dẫn, giải thích kịp thời ngay tại buổi tiếp, không có vụ việc nổi cộm, bức xúc, vi phạm pháp luật xảy ra tại nơi tiếp. Cụ thể, Ban đã tiếp thường xuyên 40.989 lượt với 127.107 công dân, trong đó, có 2.927 đoàn khiếu kiện đông người; phục vụ lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân định kỳ và đột xuất 8.709 lượt với 28.554 công dân; tiếp nhận, xử lý 138.246 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tham mưu Chủ tịch UBND thành phố 17.956 văn bản chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chuyển cơ quan thẩm quyền giải quyết 53.390 đơn theo đúng quy định. Công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố luôn diễn ra an toàn, đúng theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhân dân, được dư luận xã hội đánh giá tốt. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban Tiếp công dân thành phố. Ðể công tác tiếp dân bài bản, tạo niềm tin cho người dân ngay từ những khâu đầu tiên, Ban Tiếp công dân thành phố thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế về tiếp công dân, từ cách ăn mặc, giao tiếp cho đến thái độ cư xử của người tiếp công dân đều phải đúng mực, tôn trọng công dân. Tất cả thông tin liên quan đến tiếp công dân đều được ghi chép đầy đủ, chính xác, các cuộc tiếp dân đều có camera ghi hình, ghi tiếng. Do có nhiều đơn thư vượt cấp, đơn thư gửi nhiều lần, việc liên thông giải quyết đơn thư từ cấp phường đến thành phố là hết sức cần thiết. Những năm gần đây, Ban nỗ lực kết nối, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn thư của các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố; phối hợp các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Trong các năm 2018 và 2019, Ban Tiếp công dân thành phố tổ chức các hội nghị giao ban với Ban Tiếp công dân quận, huyện, thị xã, thông tin về tiến độ giải quyết các vụ việc để trả lời cho nhân dân. Lãnh đạo Ban đã trực tiếp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm cho gần 5.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư ở tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, cầu thị, tập thể công chức, người lao động Ban Tiếp công dân TP Hà Nội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo; công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Ban có nhiều đổi mới, phương pháp làm việc khoa học, chất lượng tham mưu ngày càng nâng lên, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo thành phố. Sự chủ động, trách nhiệm trong công việc, tham mưu, phục vụ tốt của công chức, người lao động Ban Tiếp công dân TP Hà Nội đã được lãnh đạo thành phố ghi nhận và đánh giá cao, tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu xuất sắc. Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (17/9/2009 – 17/9/2019), Ban Tiếp công dân thành phố đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, Ban Tiếp Công dân TP Hà Nội nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thành phố nói chung, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phục vụ tốt nhân dân. Cùng với đó, duy trì tốt kỷ cương, kỷ luật, tính nền nếp, khoa học, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cấp thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất, tiếp đối thoại với công dân. Thường xuyên tự nghiên cứu, tự học tập và cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo các cấp của thành phố xử lý tốt đơn thư, đảm bảo kịp thời, đúng quy định pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để quản lý, duy trì điều hành tốt hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Tiếp tục chủ động thống kê, tổng hợp, rà soát các số liệu, thông tin về công dân khiếu kiện, đơn thư của từng quận, huyện, thị xã để báo cáo đề xuất kịp thời cho lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể, xử lý, giải quyết hiệu quả từng vụ việc tại cơ sở, hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện vượt cấp kéo dài lên các cơ quan thành phố. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã để tham mưu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện tổng thể các biện pháp nhằm khắc phục, chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thành phố. Tập trung thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND các quận, huyện, thị xã, sở, ngành. Coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư ngay từ cơ sở, hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp lên thành phố, Trung ương, góp phần đảm bảo trật tự xã hội tại từng địa phương, đơn vị. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là lĩnh vực khó khăn, vất vả, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ; tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của dân ngay từ khi mới phát sinh, không để diễn biến  thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. Thục Anh

Cụ Bùi Đằng Đoàn – Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân

TĐKT - Nguyên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thủ đô Hà Nội. Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Ở bất cứ cương vị nào, cụ cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19/9/1889, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần vương kháng Pháp thất bại; các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc. Cụ Bùi Đằng Đoàn Khi làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn, Án sát tỉnh Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình... cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo Bảng thông báo công khai "Không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “Liêm”, “Chính” của một bậc danh Nho chân chính. Sau Cách mạng tháng Tám, Vua Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong điều kiện cách mạng gặp muôn vàn khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ. Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”. Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945. Trong những ngày đầu thành lập, chính quyền cách mạng hoạt động còn nhiều bỡ ngỡ, khiếm khuyết. Để bộ máy chính quyền nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay) và cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban. Ban Thanh tra Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền cách mạng. Vào tháng 1 năm 1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11 năm đó, cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội, thay cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiệm vụ mới. Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó. Vào thời điểm đó, cụ Bùi Bằng Đoàn và Ban Thường trực Quốc hội đã kết nối, động viên quần chúng nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có; huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều cuộc kinh lý đến tận các địa phương để thăm hỏi nhân dân, gửi thư thăm hỏi đồng bào. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, cụ đã viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”. Lời tuyên bố đanh thép của cụ Bùi Bằng Đoàn là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ. Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh nặng. Được tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đưa cụ vào vùng tự do Thanh Hóa để yên tâm chữa bệnh. Trong thời gian này, tuy xa Trung ương, nhưng qua thư từ, liên lạc, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn thường xuyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên và bàn luận về những vấn đề quốc sự. Đáp lại, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thường xuyên gửi thư góp ý cho Trung ương, cho Chính phủ và luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn mất vào ngày 13/4/1955. Tuy cụ đã không còn nhưng tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Hưng Vũ

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội: Tổng kết đợt thi đua cao điểm và phát động thi đua nói không với tiêu cực

TĐKT - Sáng 17/9, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổng kết đợt thi đua cao điểm chào mừng 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; tuyên dương sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô và phát động Cuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực, thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng và ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải tới dự. Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao danh hiệu “Sáng kiến trong CNVC LĐ Thủ đô” năm 2019 cho các cá nhân. “Đợt thi đua cao điểm 90 ngày trong CNVCLĐ Thủ đô chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam” được Liên đoàn Lao động Thành phố phát động từ ngày 1/5/2019 - 31/7/2019. Có 100% công đoàn cấp trên cơ sở, đơn vị trực thuộc và trên 90% công đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch triển khai đợt thi đua này trong cán bộ CNVCLĐ đơn vị. Kết quả cụ thể của đợt thi đua được thể hiện qua 9 nhóm hoạt động tiêu biểu, trong đó nổi bật là đoàn viên, người lao động trong toàn thành phố đã có hơn 30 nghìn đề tài khoa học các cấp, sáng kiến, giải pháp, sản phẩm với giá trị làm lợi trên 900 tỷ đồng, có 5 công trình đã hoàn thành và được Liên đoàn Lao động thành phố gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Ngoài ra, với ý nghĩa mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố đã ra Quyết định hỗ trợ xây mới và sửa sữa 95 Mái ấm Công đoàn, trong đó, có 90 Mái ấm Công đoàn hỗ trợ cho công nhân viên chức lao động Thủ đô, 5 Mái ấm Công đoàn hỗ trợ công nhân lao động các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình bị chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt... Hàng loạt các hoạt động khác cũng được các cấp công đoàn triển khai hiệu quả, thực sự hướng về cơ sở, vì người lao động. Đợt thi đua đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống của tổ chức Công đoàn, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội ký cam kết với 4 doanh nghiệp về “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn năm 2019”. Kết quả, năm 2019 toàn thành phố đã có 47 cá nhân có “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô”, trong đó có 43 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm lợi hơn 262 tỷ đồng; có 3 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, giáo dục, y tế đã được áp dụng trong phạm vi toàn thành phố mang lại hiệu quả, được các cơ quan chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao. Tại Hội nghị, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Phong trào thi đua này được tập trung vào hai nội dung chính mà trước hết là tập trung thực hiện văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị. Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị, thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao năng lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính... Nội dung thứ hai của phong trào thi đua tập trung vào việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng. Theo đó, các cấp Công đoàn phải tập trung tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, xây dựng, hướng dẫn các đơn vị triển khai có hiệu quả các mô hình tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, Công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở phải phát huy vai trò của mình, tổ chức vận động, đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử trong đoàn viên và người lao động. Đặc biệt, công đoàn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào đánh giá xét khen thưởng hàng tháng, quý, năm đối với đoàn viên, người lao động. Tại Hội nghị, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã ký cam kết Chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn năm 2019 với 4 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Sản xuất nông sản Kim Sáng; Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành; Công ty TNHH phát triển công nghệ y học Vĩnh Hà; Công ty TNHH dịch vụ y tế IREC). Theo đó, các doanh nghiệp này cam kết sẽ giảm giá từ 5 - 40% trên giá niêm yết sản phẩm, dịch vụ hiện có cho đoàn viên công đoàn. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải mong muốn: CNVCLĐ Thủ đô tiếp tục nuôi dưỡng sức sáng tạo, bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm, hoài bão thể hiện năng lực của mình, sáng kiến của mình góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước. Đây cũng là cơ hội để người lao động khẳng định mình, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Mai Thảo  

Hà Nội đã có 84,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Chiều 17/9, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã thông tin với báo chí về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân" trên địa bàn thành phố.  Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; 325 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 84,2% số xã, vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Đến nay, toàn thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin tại hội nghị Cụ thể, thành phố đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đến nay, đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha (đạt 104,6% so với kế hoạch). Sau dồn điền, đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã trên địa bàn thành phố được kết nối Internet. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình (95%). Đáng chú ý, ngân sách thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2010 - 2019 là: 76.451 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng, chiếm 0,08%; ngân sách thành phố 25.958 tỷ đồng, chiếm 34%; ngân sách cấp huyện 32.224 tỷ đồng, chiếm 42,12%; ngân sách xã 3.471 tỷ đồng, chiếm 4,5%; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3%. Ngoài ra, ngân sách thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân với kinh phí 750 tỷ đồng... Hiện nay, toàn thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ… Với những kết quả tích cực, TP Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2020 là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 3,5 - 4%/năm trở lên; phấn đấu tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt 25 - 35% trở lên. Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình đề ra); có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập trung bình khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm... Mai Thảo

Gần 30 năm chèo lái những chuyến đò tri thức

TĐKT- Nhịp sống hối hả thời hội nhập kinh tế đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những giá trị tinh thần truyền thống dường như cũng đang lung lay trước sự lên xuống của thị trường. Nhưng dưới mái trường THCS Phương Tú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn hàng ngày được mài giũa và bồi đắp bởi những thế hệ thầy cô giáo giàu nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, trong đó phải kể đến tấm gương mẫu mực của nhà giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú. Nhà giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn… Vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Hòa đã sớm ý thức được vai trò quan trọng của việc gìn giữ cũng như lan tỏa đến cộng đồng những giá trị sống tốt đẹp. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm ngữ văn, cô hăng hái nhận nhiệm vụ giảng dạy ở nhiều ngôi trường khác nhau. Từ năm 1996 về giảng dạy tại mái trường THCS Phương Tú (huyện Ứng Hòa) và gắn bó cho đến nay. Dù ở ngôi trường nơi miền núi xa xôi, hay ngôi trường làng với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô giáo Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn dành hết đam mê, nhiệt huyết, gieo vào lòng con trẻ những bài học giàu tình yêu thương và sự nhân văn sâu sắc. Lê Thị Hoa là một trong số những học trò được cô Hòa truyền cảm hứng, lựa chọn theo nghề giáo viên. Đến nay, cô học trò ấy đã trở thành đồng nghiệp với cô giáo của mình dưới mái trường THCS Phương Tú. Hoa tự hào chia sẻ: “Không chỉ với riêng tôi mà với nhiều thế hệ học trò trường Phương Tú, cô Nguyễn Thị Hòa như người mẹ hiền bao dung, kịp thời động viên, uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của các con. Cô là hình mẫu về đạo đức, lối sống, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh chúng tôi những khát vọng vươn xa”. Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú (áo đen) đang trao đổi, góp ý nội dung giáo án với các đồng nghiệp  Cô Hòa có phương pháp dạy học đặc biệt, luôn xuất phát từ trái tim. Mỗi một bài giảng văn trên lớp của cô luôn nhẹ nhàng và dạt dào cảm xúc, khéo léo dẫn dắt học sinh đến với tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu thương giữa con người với con người; dạy học trò biết yêu, biết ghét, biết cái tốt, cái xấu; từ đó hình thành nhân cách sống lương thiện và tích cực một cách rất tự nhiên. Cô luôn dành tình yêu và sự quan tâm đến học trò của mình một cách chân thành, sâu lắng. Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo là chừng đó thời gian cô tranh thủ sau những giờ học trên lớp hay những ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian nghỉ hè để dạy phụ đạo, kèm cặp thêm cho các bạn học sinh yếu kém miễn phí; cũng là từng đó năm cô trích một phần từ đồng lương giáo viên ít ỏi của mình để ủng hộ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn có tiền đóng học phí, mua đồng phục, mua quà động viên các bạn có nhiều tiến bộ…. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và học tập của lứa tuổi học sinh thanh thiếu niên ở huyện Ứng Hòa. Nhiều gia đình có con em mắc phải những bệnh lý đặc biệt như: Tăng động, tự kỷ, trầm cảm... Tuy nhiên, điều kiện nông thôn chưa có các trường chuyên biệt, nên có nhiều em học sinh đã phải nghỉ học vì không tìm được môi trường học tập phù hợp. Với suy nghĩ “Ngoảnh mặt đi con dại, ngoảnh mặt lại con khôn. Học sinh cá tính gây cho mình nhiều mệt mỏi, căng thẳng nhưng chúng cũng như con mình”, cô Hòa đã mạnh dạn tiếp nhận và đỡ đầu nhiều đối tượng học sinh đặc biệt. Đồng thời, vận động nhiều giáo viên và học sinh trong trường, kết hợp với gia đình cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các bạn tiến bộ. Riêng năm học 2017 - 2018, cô đã nhận đỡ đầu, giúp 3 em học sinh tăng động tiến bộ rõ rệt trong học tập và thay đổi nhận thức tích cực. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, đồng thời là một trong những giáo viên có nhiều kinh nghiệm đỡ đầu học sinh đặc biệt trong những năm qua chia sẻ: Dạy dỗ một học sinh bình thường khó một thì dạy một học sinh đặc biệt khó hơn rất nhiều lần. Nhưng cô Hòa luôn động viên chúng tôi tìm hiểu thêm nhiều tài liệu để cập nhật những kỹ năng dạy trẻ chuyên biệt; từ đó theo sát, động viên, lấy yêu thương để cảm hóa chúng. Cô Hòa thường nói với chúng tôi rằng “Giáo dục con người nóng vội sẽ hỏng việc, phải lấy trái tim để làm rung động trái tim; phải đặt mình vào vị trí, tâm lý của học sinh để bình tĩnh giải quyết các tình huống”. Hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường này, tôi chứng kiến nhiều học sinh “đặc biệt” dù đã tạm biệt mái trường nhiều năm nhưng vẫn luôn tìm về để được nói lời cảm ơn và được các cô giáo nơi đây tiếp lửa. Đó là động lực giúp những người giáo viên chúng tôi bền bỉ với công việc dạy dỗ học sinh nên người. …đến người lãnh đạo mẫu mực Gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Hòa luôn là người mẹ hiền bao dung, động viên, uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của bao thế hệ học trò. Đồng thời là hình mẫu về đạo đức, lối sống nhân ái, truyền cảm hứng không chỉ cho học sinh mà cả những đồng nghiệp thân yêu. Với cương vị là người đứng đầu nhà trường (từ năm 2014), cô Nguyễn Thị Hòa luôn xác định phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Cô thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao và hiệu quả đến các hoạt động của nhà trường, tạo nên phong trào thi đua dạy và học sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh và các gia đình phụ huynh học sinh. Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên, giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa động viên học sinh đặc biệt có nhiều tiến bộ Hằng năm, ngoài việc đảm bảo các giờ dạy theo đúng quy định chung của ngành, cô Hòa còn tích cực tham gia các buổi dự giờ vừa để hoàn thiện chuyên môn, vừa có những góp ý tích cực giúp các giáo viên của mình cải thiện các phương pháp dạy học nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác giảng dạy. “Cô Hòa được mệnh danh là “linh hồn của các hội thi” bởi bất kỳ một hội thi nào nhà trường đăng ký tham gia cô luôn sát cánh. Từ chuẩn bị nội dung giáo án, bài giảng mẫu, trang phục hay bữa ăn, giấc ngủ của cán bộ, giáo viên, cô đều lo lắng, góp ý. Sự quan tâm của cô làm niềm vui của chúng tôi được nhân đôi, nỗi buồn thì vơi đi một nửa, yên tâm công tác, làm tốt những nhiệm vụ được giao.” - Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ. Dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo tận tâm ấy, những năm qua, thành tích của trường THCS Phương Tú luôn đứng ở tốp đầu của huyện Ứng Hòa. Năm học 2017 – 2018, nhà trường đã được đề nghị tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Công đoàn được đề nghị khen thưởng Công đoàn vững mạnh xuất sắc và liên đội được đề nghị Liên đội mạnh cấp trung ương.  Nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường liên tục đạt các giải nhất, nhì, ba…trong các hội thi từ cấp huyện đến cấp thành phố. Năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Những kết quả ấy, đối với một ngôi trường ngoại thành là một sự động viên lớn, là minh chứng cho lòng nhiệt tình, tận tụy, say mê và đầy trách nhiệm với công việc của người thủ lĩnh Nguyễn Thị Hòa. Tuy vậy, tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hòa cho rằng: Gần 30 năm chèo lái những chuyến đò tri thức, sự trưởng thành của mỗi học sinh trên đường đời mới chính là “trái chín ngọt ngào” nhất mà cô gặt hái được trong cuộc đời. Theo cô, trong xã hội hiện đại nhiều biến cố phức tạp, để có thêm nhiều “trái chín ngọt ngào” hơn nữa, những người làm thầy, làm cô chính là tấm gương sáng nhất để học trò noi theo. Tấm gương đó càng trong sáng thì những tiêu cực sẽ càng bị hạn chế và đẩy lùi. Mai Thảo  

Vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019

TĐKT - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND về tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Theo đó, dự kiến Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 5/10 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú 2018 Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của thành phố năm 2019, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019); đề ra nhiệm vụ và biện pháp tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2020, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là dịp ghi nhận, biểu dương thành tích của các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; vinh danh các cá nhân đạt danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Theo kế hoạch, ngoài 365 đại biểu khách mời của trung ương và thành phố, Hội nghị sẽ có 794 đại biểu điển hình tiên tiến tham dự; trong đó có 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, 2 Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2019, 82 Công dân Thủ đô ưu tú giai đoạn 2010 - 2018 và 700 đại biểu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2019. Thục Anh

Huyện Chương Mỹ biểu dương 163 gương "Người tốt, việc tốt” năm 2019

TĐKT - Sáng 10/9, UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị biểu dương gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 và tổng kết Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt việc tốt" và phong trào thi đua chuyên đề kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969 - 2019, chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2019. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Năm 2019, phong trào “Người tốt, việc tốt” của huyện tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và thu hút được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Phong trào được thực hiện gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong trào thi đua chuyên đề kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).                                                      Công tác tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng các gương “Người tốt việc tốt”, các điển hình tiên tiến được thực hiện thường xuyên và đa dạng nhiều hình thức, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước và mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn huyện. Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Trong đó có 14 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Chủ tịch UBND huyện đã tặng giấy khen cho 2.478 tập thể, cá nhân và tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho 163 cá nhân. Năm 2019, huyện cũng tiếp tục phát động và triển khai sâu rộng cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Sau hơn 8 tháng triển khai cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 130 tác phẩm dự thi. Qua đó đã phát hiện, giới thiệu được hàng trăm tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu như tấm gương cô giáo Bùi Tố Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Hòa vận động hàng trăm triệu đồng giúp đỡ học sinh nghèo học giỏi, giúp đỡ bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng sửa chữa nhà tình nghĩa… Em Dương Đắc Hiếu, học sinh lớp 7 Trường THCS Lam Điền, mặc dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ thường xuyên ốm đau, nhưng 7 năm liền là học sinh giỏi, luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn học yếu cùng tiến bộ. Ông Hà Văn Vinh, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Diệu thường xuyên giúp đỡ nhiều cựu quân nhân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn. Cô Lan Anh bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng vẫn cố gắng đi học tiếng Anh rồi về dạy học cho trẻ em trong vùng. Chị Đào Thị Ngoan ở xã Ngọc Hòa hàng tuần cùng với nhóm kết tâm đến bệnh viện đa khoa huyện phát cháo, phát sữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo…  Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Trọng Khuê, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội, phụ trách Cụm thi đua số 11 đã biểu dương, chúc mừng kết quả trong phong trào “Người tốt, việc tốt” của huyện Chương Mỹ năm 2019, đặc biệt là những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu được về dự Hội nghị và mong rằng những bông hoa người tốt, việc tốt đó sẽ không ngừng được nhân rộng, mãi ngát hương và rực rỡ sắc màu, tô đẹp thêm cho rừng hoa người tốt, việc tốt của huyện, . Tại Hội nghị, 14 cá nhân đã được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; 163 cá nhân  được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân đạt giải trong Cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt năm 2019 cũng được khen thưởng tại Hội nghị.                                 Mai Thảo

Trang