TĐKT - Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy cũng là từng ấy năm cô giáo Lê Thị Hòa (giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đau đáu một niềm mong mỏi được giúp đỡ những số phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Từ suy nghĩ đó, cô đã quyết tâm dạy dỗ miễn phí cho hàng chục em học sinh bị mắc các bệnh hiểm nghèo, giúp các em hòa nhập với cộng đồng và tiếp cận với tri thức. Hai tiếng “Mẹ Hòa” được gọi từ những đứa trẻ không ruột rà máu mủ nhưng lại thân thương biết bao.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Đã thành lệ, mỗi sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần, người ta lại thấy cô giáo Lê Thị Hòa tất bật từ nhà đến chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) để dạy học. Bỏ ngoài tai hết những lời đàm tiếu không hay của nhiều người, cô vẫn cần mẫn và tận tụy với công việc dạy học cho trẻ em nghèo và mắc các hội chứng bệnh đặc biệt tại chùa từ hơn 10 năm nay. Hiện nay, lớp học tình thương của cô Hòa đã có tới 58 em học sinh với độ tuổi từ 6 – 26 theo học.
Cô Hòa bồi hồi kể về mình với một tuổi thơ nghèo khó, sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là trẻ mồ côi từ rất sớm, nên rất thấu và cảm thông với những số phận trẻ em kém may mắn. Sau những chuyến đi làm từ thiện, nhận thấy còn quá nhiều em thơ phải chịu số phận thiệt thòi, trong cô đã ấp ủ dự định sẽ truyền giảng những kiến thức bổ ích để các em có niềm tin hơn trong cuộc sống.
Cô giáo Lê Thị Hòa đang hướng dẫn học trò viết chữ
Sẵn có kiến thức về sư phạm, lại được sự ủng hộ của gia đình, từ năm 1993 – 2007, cô đã nhận 23 em học sinh bị nhiễm chất độc màu da cam và nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của nhà mình.
Lần đầu tiên trong đời, những đứa trẻ bị down, tự kỷ, câm, điếc bẩm sinh... được biết đến những nét chữ, con số, được dạy dỗ, yêu thương từ một người mẹ không sinh ra mình. “Lớp học” rộng chừng hơn chục m2 khi ấy luôn rộn ràng tiếng cười và khấp khởi niềm hi vọng lớn lao của cả cô và trò về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác.
Khi nhận thấy nhu cầu học tập của nhiều em học sinh đặc biệt ngày một lớn hơn; trong khi “lớp học” tại nhà đã quá tải, cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa và may mắn được sư thầy Thích Đàm Tiền hỗ trợ về không gian dạy học. Từ 23 học sinh tại nhà ban đầu, lớp học tình thương của cô giáo Hòa tại chùa Hương Lan được khai giảng vào ngày 14/9/2007 đã thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh khó khăn đến từ khắp các nơi như Chương Mỹ, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thanh Oai...
Với vai trò là giáo viên lớp 2 kiêm Tổng phụ trách đội của trường, cô giáo Hòa đã vận động được thêm một số giáo viên khác từ các trường tiểu học đến hỗ trợ mình dạy dỗ các em trong việc cầm bút, giở sách, vở... Có những lúc tưởng chừng như sự mệt mỏi có thể khiến mình gục ngã bất cứ khi nào, nhưng mỗi khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em cùng sự động viên của sư thầy, cô lại tiếp tục vững tâm và bước tiếp con đường thiện nguyện mà mình đã theo đuổi.
Đem yêu thương đổi lấy thương yêu
Sớm nhận thấy việc dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy dỗ những trẻ mắc những hội chứng bệnh đặc biệt còn khó gấp nhiều lần, cô giáo Lê Thị Hòa đã sáng tạo ra phương pháp “dùng tình thương đổi lấy tình thương” để khuyên bảo, hướng dẫn các em. Đó cũng là cách mà nhiều năm nay cô áp dụng thành công tại lớp học tình thương dù cho nhiều đồng nghiệp do không chịu được áp lực dạy trẻ đặc biệt đã phải bỏ cuộc.
Cô Hòa kể: “Lớp học có những em đặc biệt đến mức phải cắn/tát/hôn... được cô mới chịu vào lớp. Ban đầu khi bị cắn, tôi tỏ ra rất đau đớn để học sinh nhận thấy việc làm đau người khác là không tốt. Với những em muốn đánh cô giáo, tôi đề nghị các em đập tay với cô để cả hai cùng được vui vẻ. Dần dần, các em thôi không “dọa” cô nữa và sẵn sàng hợp tác với giáo viên trong mỗi buổi học”.
Cô giáo Lê Thị Hòa (ngoài cùng bên trái) tại buổi giao lưu tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 11 TP Hà Nội
Đặc biệt, có em bị tật nguyền nên luôn bị chảy dãi làm ướt hết quần áo, cô đã phải rất kiên trì hướng dẫn em cách khép miệng thật chặt để dãi không bị rớt ra ngoài. Sau 2 tháng, em đã có thể tự giữ vệ sinh cho mình và không làm ảnh hưởng đến người khác. Lại có cả những em bị câm bẩm sinh, rất khó khăn trong việc truyền dạy kiến thức, cô giáo Hòa đã chủ động tìm đến lớp học chữ nổi để việc dạy dỗ các em trở nên hiệu quả hơn…
Nhờ có sự dạy dỗ của cô, đến nay, trong số 58 em theo học đã có 30 em biết chữ, biết hát 7 bài hát khác nhau dù thời gian để các em có thể thuộc bài có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Đến nay, nhiều em đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến “mẹ” Hòa như một ân nhân đã có công sinh ra mình lần nữa để có được nghị lực mạnh mẽ và thành công như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức học tập và đồng cảm với những số phận thiệt thòi trong cuộc sống cho học sinh tại trường tiểu học Đông Sơn, cô giáo Hòa đã tự mình nêu gương làm những việc tốt và tổ chức cho nhiều em có cơ hội đến thăm lớp học tình thương của mình. Nhiều học sinh của cô đã cố gắng trong học tập và rèn luyện chính từ sự răn dạy rất nhân văn, nhân ái ấy.
Đồng thời, cô giáo Lê Thị Hòa cũng rất tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Từ năm 2015 đến nay, cô đã tổ chức quyên góp 400 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng nhiều hoàn cảnh kém may mắn.
Với những đóng góp ấy, cô giáo Lê Thị Hòa đã đã được nhận bằng khen của Trung ương đoàn, danh hiệu Tổng phụ trách giỏi, Tổng phụ trách tiêu biểu của thành phố, giáo viên giỏi việc nước đảm việc nhà 5 năm liên tiếp (2008 - 2012) và đặc biệt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô năm 2017. Mới đây, cô vinh dự được TP Hà Nội đề xuất là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Đó là sự ghi nhận thật xứng đáng cho một tấm gương nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm và sống có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội.
Cảm phục về những việc làm của cô giáo Hòa, thầy giáo Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ xúc động: Dạy dỗ học sinh biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là những việc nhỏ và hết sức bình thường. Nhưng nhìn những đứa trẻ đặc biệt trong lớp học tình thương có thể làm thuần thục được những điều bình thường ấy mới thấy được nghị lực phi thường cũng như tấm lòng cao quý của cô giáo Hòa.
“Ngành giáo dục và đào tạo Chương Mỹ thực sự trân trọng và tự hào vì có một tấm gương sáng, giàu lòng nhân hậu như cô giáo Hòa. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học trên địa bàn huyện, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.” - thầy Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Mai Thảo
Hà Nội thi đua ái quốc
TĐKT – 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội không chỉ mang tình yêu thương, sự tôn trọng đến với trẻ mà còn không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra các phương pháp giảng dạy gần gũi, dễ hiểu nhất cho học sinh.
Người mẹ hiền của những học sinh lớp 1
Sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy học nên ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Mỹ Linh đã được bồi đắp về tình yêu với nghề giáo. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học, cô chủ động nộp hồ sơ đến giảng dạy ở nhiều ngôi trường dân lập khác nhau. Từ năm 2007, cô chuyển đến công tác tại Trường Tiểu học Khương Mai, phụ trách giảng dạy học sinh lớp 1 từ đó cho đến nay.
Dù công tác trong môi trường dân lập hay công lập, cô luôn dành hết đam mê, nhiệt huyết, gieo vào lòng con trẻ những bài học giàu tình yêu thương và sự nhân văn sâu sắc.
Nhận thức được khối 1 là khối lớp quan trọng nhất ở bậc tiểu học, trang bị những bài học đầu đời về đạo đức và kiến thức cho học sinh, người giáo viên trẻ đặc biệt quan tâm tới từng học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ và chăm sóc chúng như con, cháu.
Cô Linh tâm sự, sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học khiến nhiều học sinh bước vào lớp 1 với rất nhiều bỡ ngỡ. Bản thân cô cũng thường xuyên phải đối mặt với không ít tình huống không hề có trong giáo án. Có em chưa quen lớp, cô phải vừa bế, vừa ân cần dỗ dành, khuyên bảo để phụ huynh yên tâm gửi con ở lại.
Thay vì cảm thấy mệt mỏi bởi sự ngô nghê, tinh nghịch của trẻ nhỏ, cô luôn chọn cho mình những khoảng lặng yên trong giờ nghỉ giải lao, ngắm nhìn các con, quan sát chúng nô đùa để hiểu thêm về tính cách và thói quen của học trò, quan tâm đến chúng trong từng bữa ăn, giấc ngủ...
Học sinh luôn vui vẻ, hào hứng mỗi khi được học cùng cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh
Với những học sinh yếu kém, cô Linh kiên trì hướng dẫn, có nhiều giải pháp giúp học sinh tiến bộ, như: Ưu tiên các vị trí ngồi học ở trung tâm lớp, tổ chức hình thức học tập đôi bạn cùng tiến…
Cô Linh còn liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong trao đổi thông tin về ý thức, kết quả học tập của các con để phối hợp giữa nhà trường cùng gia đình chăm lo, giáo dục học sinh tiến bộ.
Nhờ đó, kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh các lớp cô chủ nhiệm đều đạt tốt, 100% học sinh lên lớp.
Hiền dịu và trách nhiệm, đó là những gì mà những phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Khương Mai nhận thấy từ cô, một giáo viên tận tụy và yêu nghề.
Còn với cô giáo Linh, thành công lớn nhất chính là được chứng kiến các em học sinh ngày một trưởng thành, tự lập học tập và sinh hoạt theo sự hướng dẫn, dạy dỗ của mình; được phụ huynh, học sinh yêu mến và trân trọng.
Chủ nhân của những sáng kiến giáo dục giá trị
“Không chỉ yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Linh thực sự là một tấm gương sáng về tinh thần sáng tạo trong giảng dạy, luôn là người năng nổ, đi đầu trong các phong trào thi đua của trường, quận. Đây thực sự là tấm gương cần được nhân rộng không chỉ trong trường mà trong toàn ngành” – Đó là nhận xét của cô giáo Chu Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Mai khi nói về cô giáo Linh.
Hầu hết các em học sinh lớp 1 trong trường luôn bị cuốn hút bởi những bài giảng của cô giáo Linh bởi chúng vừa mang tính linh hoạt theo hướng học mà chơi, chơi mà học, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống.
Cô Linh được tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ nhất, năm học 2016 - 2017
Đặc biệt, để khắc phục những hạn chế của lối dạy truyền thống, cô Linh đã có nhiều sáng tạo trong dạy học. Thay vì việc dùng bảng xanh, phấn trắng, cô sử dụng camera phóng to nét chữ và quá trình cô viết trên vở, giúp các con quan sát trực tiếp qua màn hình để dễ tiếp thu bài.
Đồng thời, cũng nhờ việc sử dụng những chiếc camera thu trực tiếp, các con sẽ được học các tiết thủ công, tự nhiên xã hội bằng những hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn.
Phương pháp này hiện đã được Trường Tiểu học Khương Mai áp dụng để giảng dạy cho toàn khối lớp 1, được các cấp đánh giá là một phương pháp sáng tạo, hiệu quả và có cơ sở để áp dụng với các trường trên địa bàn.
Đồng thời, thông qua việc cho các con tự đóng vai trong những tình huống phân biệt đúng, sai, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh đã biến mỗi tiết học trên lớp trở nên hứng thú với các bạn nhỏ.
Nói về những sáng tạo này, cô Linh chia sẻ: “Ngoài những hình ảnh trực quan, những thí nghiệm được mô tả trong sách giáo trình, cần có những mẫu vật, chất liệu, tư liệu sống, chẳng hạn một mẩu đất, đá, một băng âm, băng hình, con cá, những mẩu chuyện có liên quan đến bài học, tuy đơn giản nhưng lại có khả năng kích thích sự tập trung của học sinh”.
Chính vì vậy, cô Linh đã nghiên cứu, sáng tạo ra một số đồ dùng dạy học cho học sinh và đạt giải nhất cấp quận và giải khuyến khích cấp thành phố trong cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm năm học 2015 – 2016.
Cùng với đó, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng là người rất chủ động học tập nâng cao kiến thức, đưa công nghệ thông tin vào hỗ trợ bài giảng và là một trong số ít cô giáo có trên 10 bài giảng E-learning.
Đặc biệt, bài giảng E-learning về “Con cá”, môn Tự nhiên xã hội lớp 1 của cô đã đạt giải nhì quốc gia tại cuộc thi “Thiết kế bài giảng trực tuyến E-learning”. Với bài giảng này, học sinh được quan sát nhiều loài cá, những bộ phận của cá và hoạt động bơi lội, kiếm mồi rất sinh động. Đồng thời, cô còn lồng ghép vào bài giảng những kiến thức về bảo vệ môi trường.
Cô chia sẻ: “Để có được những bài giảng chất lượng, tôi thường tranh thủ làm việc vào ban đêm, khi có không gian yên tĩnh và hoàn thành xong những công việc nhà. Có những lần mệt mỏi và vướng bận chuyện gia đình, tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành những công việc được giao, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và giúp đỡ đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn”.
Từ những thành công ấy, nhiều năm liền cô được giao phụ trách dạy đội tuyển toán Violympic, nhiều học sinh đạt được các giải cao trong các kỳ thi các cấp và đặc biệt, những bài giảng của cô đã được nhiều giáo viên học hỏi, tham khảo và áp dụng thành công trong hoạt động giảng dạy.
20 năm gắn bó với nghề, nhiều năm liền cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận, cấp thành phố; từng đạt giải B Sáng kiến – Kinh nghiệm cấp thành phố; cá nhân xuất sắc điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; danh hiệu “Sáng kiến – Sáng tạo” cấp quận, “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ nhất do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; giải nhất bài giảng E-learning cấp quận, cấp thành phố và giải nhì bài giảng E-learning cấp quốc gia. Đặc biệt, cô Linh cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen, cùng nhiều thành tích khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh thực sự là bông hoa đẹp trong vườn hoa giáo dục của Thủ đô, tô thắm thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân tận tâm, nhiệt huyết và cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo những mầm non tương lai của đất nước.
Ríu rít bên cạnh những học trò, giọt mồ hôi trên trán rơi lã chã, cô Linh bảo rằng: 20 năm rồi tôi chẳng chịu “lên lớp” là bởi niềm vui của tôi dành trọn nơi các học trò nhỏ này. Sự tiến bộ, tự lập, tự tin của chúng lớn lên mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn lao của nhà giáo. Tôi tự hào khi là người góp những viên gạch kiến thức đầu tiên cho các em trên bước đường đời.”
Mai Thảo – Ngọc Huyền
TĐKT - Bước vào ngôi nhà rợp bóng mát và hương thơm dịu nhẹ của hương bưởi, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi xuất hiện trước mặt mình là tác giả của rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng về Hà Nội nhưng lại mang dáng dấp của một “nông dân yêu nhạc” (theo cách gọi của ông), hiền lành, chất phác và đặc biệt rất thân thiện với khách đến chơi nhà. Không ai khác, đó chính là nhạc sĩ Lê Mây, người luôn mang trong mình tình yêu Hà Nội tha thiết, nồng nàn qua năm tháng.
Quê hương thứ hai
Thuở thiếu thời, lớn lên từ bờ tre, gốc rạ nơi quê nhà Phù Cừ, Hưng Yên, chàng trai mang cái tên thơ mộng Lê Mây khi ấy đã sớm bén duyên với thơ và đàn. Bằng tình yêu cũng như tài năng nghệ thuật của mình, sau khi tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, ông nhanh chóng trở thành một nghệ sĩ chơi đàn nhị thực thụ được nhiều đoàn nghệ thuật săn đón vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thế nhưng, tình yêu, sự nhiệt huyết với nghệ thuật đã đưa ông đến với Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Lộ, để từ đây, tài năng sáng tác của ông bắt đầu được phát hiện và bừng sáng khi ông trở về Hà Nội làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương.
Được sống và làm việc dưới bầu trời Thủ đô đã cho nhạc sĩ Lê Mây thật nhiều cảm xúc và cảm hứng sáng tác. Ông vừa chơi đàn, vừa bắt đầu sáng tác nhạc. Nhạc phẩm đầu tay mang tên “Lời ru của mẹ” ra đời năm 1970 khi hai miền còn chia cắt đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường cho quân và dân ta trong những ngày Thủ đô quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ phá hoại.
Từ đó, gắn bó với Hà Nội trong từng hơi thở cuộc sống, chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn hiến, vị nhạc sĩ tài hoa này lại càng có thêm nhiều cảm hứng sáng tác và dành cho Hà Nội những nhạc phẩm hay, thể hiện tình yêu với tha thiết với mảnh đất này.
Ông tâm sự: “Trừ gần 10 năm công tác ở Yên Bái, còn lại tuổi trẻ và sự nghiệp của tôi đều gắn bó với Hà Nội. Tôi nặng tình với từng góc phố, hàng cây và con người nơi đây... có lẽ bởi vậy mà bài hát nào về Hà Nội, tôi cũng viết bằng chính tình cảm chân thành của một người con luôn biết ơn nơi đã nuôi dưỡng mình lớn khôn và trưởng thành như bây giờ”.
Nhạc sĩ Lê Mây nơi góc nhỏ sáng tác quen thuộc
Ngẫm về chặng đường gần 50 năm sáng tác của mình, ngoài những sáng tác nổi tiếng như “Bắc Ninh kinh bắc”, “Xốn xang trên cổng Hòa Bình”, “Thành phố hoa đào”, nhạc sĩ Lê Mây không khỏi bồi hồi khi nhớ lại 7 ca khúc về Hà Nội ông dành cả tâm huyết và tình yêu để viết trong sự tự hào và vui tươi của “Quê hương ơi”, “Hà Nội ơi”, “Hà Nội phố”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” hay mới đây là “Phía tây thành phố”... Ở bài hát nào trong ông cũng bừng lên một tình yêu bất diệt với Thủ đô.
Không tự nhận mình là một nhạc sĩ tài danh, ông khiêm tốn cho rằng mình chỉ là một nhà nông yêu nghệ thuật và luôn cần mẫn, hết lòng vì sự nghiệp mình đã theo đuổi. Có lẽ vậy mà từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Hà Nội đang cựa mình phát triển và chuẩn bị bước vào tuổi 1000, ông đã trăn trở để viết một ca khúc dành tặng Thủ đô vào dịp đặc biệt này.
Thế nhưng, suốt từ đó cho đến năm 2000, những bản thảo cứ được viết rồi lại xóa và chưa có một bài hát nào thành hình. Mãi đến khi được Hội Âm nhạc Việt Nam tổ chức đi nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc, vào một đêm tĩnh lặng, trong giấc mơ của vị nhạc sĩ đang đau đáu một sản phẩm âm nhạc về Hà Nội bỗng hiện lên một kinh thành nguy nga, tráng lệ trong sương khói và văng vẳng bên tai những câu hát: “Ôi kinh thành ngàn năm, ngàn năm, qua nắng mưa thời gian, thời gian...”, để rồi từ đó, nhạc phẩm được cho là bài ca tuổi 1000 mừng đại lễ Thăng Long – Hà Nội ra đời trong sự hân hoan đón nhận của đông đảo người yêu nhạc và yêu Hà Nội bằng tình yêu chân chính và nồng nàn.
Yêu Hà Nội bằng âm nhạc chân chính
Với nhạc sĩ Lê Mây, yêu Hà Nội không chỉ là cất lên những giai điệu vui tươi, êm ái về Thủ đô hòa bình, lãng mạn mà còn phải biết nhìn vào sự thật, dám lên tiếng một cách ý nhị vào những vấn đề khiến nơi đây chưa thực sự hoàn thiện. Ngày những hàng cây trên các tuyến phố bị đốn hạ, ông chua xót, thẫn thờ đến rơi nước mắt để rồi viết lên “Những hàng cây trên đường Hà Nội” trầm buồn, u khuất đến se lòng.
Hay khi Thủ đô liên tục được mở rộng ra ngoại thành, trước sự nghi ngại của một bộ phận người dân, ông đã thể hiện quan điểm của mình khi viết “Phía tây thành phố”, khuyên mọi người biết từ bỏ cái tôi ích kỷ, lưu luyến chốn đô thành nhộn nhịp để xung phong về với những vùng đất mới, an cư lập nghiệp để Thủ đô thêm phát triển, xanh tươi. Cũng chính suy nghĩ ấy đã đưa ông về với nơi thôn quê huyện ngoại thành Hoài Đức, có cây cối, vườn tược để rồi từ đó, cảm hứng sáng tác của ông lại tiếp tục được nảy nở, sinh sôi.
Thoáng chốc, ông hướng ánh mắt đã in những dấu vết thời gian về phía chiếc đàn piano được đặt nơi trang trọng nhất căn phòng, khóe môi khẽ cất lên những giai điệu thật đẹp về một tình yêu Hà Nội luôn rạo rực trong tim: “Dù cho ai đi đâu về đâu, dù cho ai đi sang xứ người, tôi vẫn mãi tình yêu Hà Nội, tôi vẫn mãi phía tây thành phố. Vì nơi đó với tôi, bao người thân thương. Vì nơi đó, với tôi đã thành quê hương”.
Với nhạc sĩ Lê Mây, âm nhạc cũng chính là mảnh đất được ông lựa chọn để thể hiện bản lĩnh chính trị của mình, khi thì đấu tranh trước những bất công của cuộc sống, lúc lại lặng lẽ khuyên răn con người biết làm việc thiện, chấp hành những quy định chung để ủng hộ chính quyền địa phương và nhà nước ta trong những chủ trương đúng đắn. Chính sự mộc mạc nhưng cũng hết sức sâu sắc ấy đã khiến cho âm nhạc và chính trị của Lê Mây nhuần nhuyễn, hòa quyện đến mức người nghe như được thưởng thức những bài hát thấm đẫm tính nhân văn, lãng mạn từ những cảm xúc rất chân thật, vị tha trước biến cố, thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn vật.
Nhạc sĩ Lê Mây là người đứng đằng sau những thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay
Yêu Hà Nội và có những sáng tác hay làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ hiện đại là thế nhưng nhạc sĩ Lê Mây cũng là một người có quan điểm làm nghệ thuật rất đặc biệt. Trong âm nhạc của ông luôn có sự hòa quyện giữa âm nhạc dân gian, nhạc nhẹ và nhạc thính phòng, tạo nên những âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng và đi sâu vào lòng người.
Đặc biệt, ca khúc “Hóa vàng” với phong cách nhạc dân gian đương đại đã “đánh thức giấc ngủ say” của giới nghệ sĩ “cũ”, tạo nên viên gạch nối giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, thổi một luồng gió mới vào nền âm nhạc Việt Nam hiện đại vốn chưa có nhiều sự bứt phá lớn trong những năm gần đây.
Bên cạnh công việc sáng tác âm nhạc, ông còn là tác giả của đàn T’rưng mali Lê Mây – loại nhạc cụ dân tộc rất được người yêu nhạc trong nước và bạn bè quốc tế ưa chuộng và dùng làm quà lưu niệm mỗi khi đến Việt Nam.
Gần 80 tuổi nhưng vẫn có những sáng tác hay và luôn đau đáu ước mong Thủ đô ngày một phát triển, thịnh vượng, nhạc sĩ Lê Mây đã truyền cảm hứng và sức sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ ngày nay mà mới đây nhất là thành công vang dội của ca sĩ trẻ Quách Mai Thi tại chương trình Sao Mai 2019.
Suốt chặng đường làm nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Lê Mây đã được nhận các giải thưởng như: Huy chương “Vì sự nghiệp văn học – nghệ thuật Việt Nam, hai Huy chương Vàng cho Ban nhạc gia đình Giang – Phương – Lan (1980 – 1985), Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải thưởng các cuộc thi ca khúc của Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình; nhiều năm liền là tác giả của những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Với nhạc sĩ, đó chính là nguồn động viên lớn lao để ông tiếp tục có những cống hiến mới, góp tiếng nói chung để Thủ đô ngày một phát triển.
Mai Thảo – Ngọc Huyền
Hà Nội tổng kết 10 năm Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Sáng 21/9, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành và TP Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, liên tục trong 2 nhiệm kỳ, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm làm Trưởng ban. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thành phố cũng tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng công nhận Huyện đạt chuẩn NTM cho huyện Quốc Oai và Gia Lâm Trong 10 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đạt trên 76,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách Thành phố gần 26 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 32,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã trên 3,4 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong giai đoạn này đạt trên 14,7 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn lực trên, TP Hà Nội đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong 10 năm qua, toàn thành phố đã làm mới 368 km, nâng cấp cải tạo trên 5,5 nghìn km đường giao thông nông thôn; xây mới trên 1,8 nghìn km kênh mương cấp 3… Đặc biệt, toàn thành phố đã xây dựng mới 481 trường, nâng cấp cải tạo 987 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đạt chuẩn... Xác định công tác dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác này. Đến nay, toàn thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%). Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa trung bình có từ 10 - 15 ô, thửa thì đến nay, chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa. Cùng với đó, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Cờ thi đua dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội cho các đơn vị Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 3,34%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Năm 2018, lĩnh vực trồng trọt chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010... Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu Chương trình đề ra (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm). Đặc biệt, toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm. Cùng với đó, đã hình thành 134 mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp. Về kết quả xây dựng nông thôn mới, đến nay, TP Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất hoàn thiện hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Đối với các xã, đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra). Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 1,16% (cuối năm 2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018). Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. Thủ tướng đánh giá, Hà Nội là một trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất, trong khi tính chất, yêu cầu về xây dựng nông thôn mới của Hà Nội rất cao. Trong quá trình thực hiện, TP Hà Nội coi đây là chương trình trọng tâm, xuyên suốt để thống nhất chỉ đạo trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (2010 - 2015 và 2015 - 2020). Đây là yếu tố quan trọng làm nên những kết quả ấn tượng, rõ nét trong xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội cần xác định mục tiêu không chỉ là trung tâm, đầu tầu về chức năng đô thị, mà khu vực nông thôn, ngoại ô cũng phải đi trước, đi đầu cả nước. Tiềm năng của vùng nông thôn Hà Nội còn rất lớn, chính vì thế cần tập trung khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế đó. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nội cần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáng sống, cùng với sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ để tạo thành các vùng du lịch sinh thái hấp dẫn... Hà Nội cũng cần xác lập vai trò của người nông dân - chủ thể nông thôn có kiến thức, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú... Đặc biệt là, xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, đối với khu vực nông thôn, Hà Nội phải gìn giữ được nét văn hóa, văn hiến của Thủ đô nghìn năm, giàu bản sắc văn hóa... Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường; đào tạo nghề cho nông dân để chuyển dần lao động nông nghiệp sang các nghề mới... Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với TP Hà Nội để xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong lĩnh vực này. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn NTM cho hai huyện: Gia Lâm và Quốc Oai. TP Hà Nội trao Cờ thi đua và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội. Mai ThảoCụm thi đua số 16 (TP Hà Nội): Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt
TĐKT - Ngày 20/9, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố hối hợp Cụm thi đua 16 TP Hà Nội tổ chức Chương trình Giao lưu trực tuyến Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Khắc ghi lời Bác dặn”. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng tới dự. Cụm thi đua số 16 bao gồm: Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng phát biểu tại buổi giao lưu Phát biểu khai mạc chương trình, Tổng Biên tập báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long, đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 16, cho biết: Thực hiện Di chúc của Người, liên tục trong nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh phong trào đi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt”. Nhờ đó, trên mọi lĩnh vực của đời sống đều xuất hiện nhiều tấm gương sáng, góp phần làm Thủ đô thêm giàu đẹp, giúp lan toả và nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm, hành động đẹp trong xã hội. Chương trình giao lưu trực tuyến là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Tại chương trình, 11 điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, người tốt, việc tốt năm 2019 đã cùng nhau chia sẻ về những việc làm tốt của mình. Các khách mời chụp ảnh cùng Ban tổ chức Đó là câu chuyện cảm động về chị Đinh Thị Lan Anh giảng viên Học viện An ninh nhân dân, là người mẹ trực tiếp có con bị bại não nhưng đã mạnh mẽ giúp con và giúp đỡ cộng đồng những gia đình có con mắc bệnh tổn thương não. Hay câu chuyện của anh Lê Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và giải pháp thông tin, chủ nhiệm CLB Sẻ chia sự sống, đã nói về những khó khăn của mình khi lựa chọn và gắn bó với công tác thiện nguyện, giúp đỡ những thai nhi và cưu mang, hỗ trợ những cô gái mang thai ngoài ý muốn. Đó là tấm gương chị Trần Hồng Vân, Phó Trưởng Ban Báo Điện tử, Báo Hà Nội Mới đã nhận nhiều giải thưởng báo chí. Chị Hồng Vân chia sẻ, chính công việc tiếp xúc với những con người tốt, những tấm gương tốt đã mang đến cho chị năng lượng tích cực, thúc đẩy bản thân tiếp tục cố gắng, phấn đấu và đóng góp hơn nữa. Ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, huyện Đông Anh, với mong muốn giúp người dân phát triển kinh tế, có việc làm và thu nhập ổn định, đã tích cực tìm hiểu, học hỏi, tham gia các lớp hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn, vận động thành viên HTX, người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả. Ông chia sẻ, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông đã có những trăn trở về tình trạng được mùa rớt giá của sản phẩm nông nghiệp và tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn, ông đã vận động, hướng dẫn bà con tham gia sản xuất rau VietGap nhằm hướng đến thị trường tiêu thụ rau an toàn, giúp tiêu thụ sản phẩm tốt, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, đồng thời, tạo cho bà con thói quen ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp… 11 tấm gương tham gia giao lưu là những công dân rất bình dị trong cuộc sống đời thường. Họ là những công chức, viên chức, nhà báo, kỹ sư, người lao động... đã thấm nhuần những lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thầm lặng cống hiến hết mình cho Thủ đô và đất nước. Phát biểu tại chương trình, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng mong rằng, thời gian tới, sẽ có thêm thật nhiều những tấm gương điển hình được phát hiện, nêu gương, đặc biệt là trong các đơn vị sự nghiệp. Để ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong cụm, Cụm thi đua số 16 đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 6 gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố năm 2019 và tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cho ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, huyện Đông Anh. Hưng VũTĐKT - Sáng 19/9, quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019); biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2019; phát động thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Cầu Giấy lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Trần Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, phong trào “Người tốt, việc tốt” được quận Cầu Giấy triển khai gắn với thi đua nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Năm 2019, phong trào “Người tốt, việc tốt” luôn bám sát, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, bám sát việc thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Phong trào đã thực sự gắn kết, có tác dụng hỗ trợ nhau, tạo ra sức lan tỏa, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực vào cuộc.
Những tấm gương tiêu biểu nhất trong phong trào Người tốt, việc tốt năm 2019, được quận Cầu Giấy biểu dương, khen thưởng thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi, vị trí công tác, nhưng cùng một điểm chung là có trái tim nhiệt huyết, xây dựng quận Cầu Giấy - mảnh đất của văn hóa, tri thức và tình người nồng ấm.
Điển hình trên mặt trận tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân là ông Lưu Minh Bàn - Tổ trưởng tổ dân phố 21 phường Nghĩa Đô. Mặc dù là thương binh hạng 4/4 nhưng đã hơn hai năm nay, hằng ngày ông Bàn vẫn đạp xe chở chiếc loa lưu động len lỏi đến từng con ngõ nhỏ để tuyên truyền tới bà con phường Nghĩa Đô quy tắc ứng xử nơi công cộng, phát tờ rơi để nhắc nhở, vận động người dân vứt rác đúng nơi quy định, ứng xử có văn hóa, không bán hàng rong.
Trên mặt trận nhân đạo, ông Đinh Nhật, công dân tổ dân phố số 2, phường Dịch Vọng Hậu là một điển hình. Năm nay, đã 80 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn tham gia tất cả các hoạt động của tổ dân phố và khu dân cư. Đặc biệt, ông cùng gia đình đã đóng góp 700 m gạch lát nền trị giá trên 100 triệu đồng, đồng thời cùng tổ dân phố vận động các hộ dân đóng góp, ủng hộ hơn 700 triệu đồng để bó vỉa hè.
Nhóm "Cầu Giấy yêu thương" gồm các thành viên sống học tập làm việc trên địa bàn quận Cầu Giấy tuy mới ra đời được hai năm nhưng đã quyên góp được số tiền 4,5 tỷ đồng xây dựng 14 điểm trường tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái…
Các cá nhân được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy đã phát động phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Cầu Giấy lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, các cấp ủy, Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị của quận cần đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục truyền thống; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu ước, có chương trình hành động, chỉ tiêu thi đua cụ thể, công khai, lồng ghép với phong trào “Người tốt, việc tốt” nhằm tập hợp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng, tham gia, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng năm 2019.
Trong đó, đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật. Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp gắn với kiện toàn, củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tập trung vào hai khâu đột phá là công tác cán bộ và xây dựng, đổi mới lề lối, tác phong làm việc trong các cơ quan, công sở.
Duy trì kỷ cương, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đảm bảo trật tự giao thông, đường thông, hè thoáng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…
Nhân dịp này, nguyên Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Trần Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 26 cá nhân được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. 87 tập thể, cá nhân điển hình trong việc thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UBND quận khen thưởng.
Thục Anh
Tôn vinh 50 gương điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an Thủ đô
TĐKT - Ngày 19/9, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người (1969 - 2019); tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2019 trong lực lượng Công an Thủ đô. Trung tướng Đoàn Duy Khương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì Hội nghị. Trung tướng Đoàn Duy Khương trao Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể và cá nhân Thời gian qua, Đảng ủy Công an thành phố xác định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (CAND) là một nội dung công tác trọng tâm lớn, là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, đảng viên và cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể đảng viên, CBCS, công nhân viên, lực lượng công an xã chính quy, với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn và giải quyết dứt điểm những khâu yếu, việc khó, những việc còn tồn đọng; xây dựng những mô hình điểm, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Nhất là việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người công an và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh đẹp về người Công an “Vì nhân dân phục vụ” ; triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII của Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Qua đó, đã chủ động nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc, khiếu kiện đông người, sớm ổn định tình hình, không để phát sinh thành điểm nóng. Trong 3 năm (2016 - 2019), Công an TP Hà Nội đã điều tra, khám phá 55.031 vụ phạm pháp hình sự, 66233 đối tượng (tăng 24,98%). Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều gương dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tận tụy với công việc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Công an TP Hà Nội vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng: 3 Huân chương Quân công; 203 Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Dũng cảm; 159 Bằng khen Chính phủ; 2.711 Bằng khen của Bộ Công an... Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhiệt liệt biểu dương các tập thể, cá nhân vừa được tôn vinh, đồng thời kêu gọi mỗi đảng viên, CBCS phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô anh hùng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao, ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện tư cách của người công an cách mệnh; luôn giữ bản lĩnh vững vàng, không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ uy tín, danh dự và truyền thống anh hùng, cách mạng của lực lượng công an nhân dân và công an Thủ đô. Đồng chí đề nghị phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc 6 nội dung công tác trọng tâm Công an thành phố đã đề ra . Cùng với đó, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào "Người tốt, việc tốt" của Công an thành phố phát triển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô và đất nước trong tình hình mới. Nguyệt HàTổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TĐKT - Sáng 19/9, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (21/9/1999 - 21/9/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự và phát biểu ý kiến. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội được thành lập năm 1999, là tổng công ty đầu tiên của TP Hà Nội, với mục đích xây dựng một doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà và đô thị của Thủ đô trong tình hình mới. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng lớn mạnh. Quy mô không ngừng phát triển, từ 17 đơn vị trực thuộc, đến nay, Tổng công ty đã có trên 60 đầu mối trực thuộc với hơn 20 nghìn lao động, có phạm vi hoạt động rộng khắp trên địa bàn Thủ đô và cả nước. Vốn điều lệ tăng hơn 6 lần, từ 284 tỷ đồng khi thành lập đến nay tăng lên 1.900 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về kết quả sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh. Dự kiến, năm 2019 giá trị sản lượng tăng hơn 22 lần; doanh thu tăng gần 24 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 31 lần; lợi nhuận tăng hơn 37 lần so với năm 2000. HANDICO trở thành một trong những số ít đơn vị có giá trị sản xuất, kinh doanh trên 10.000 tỷ đồng trên cả nước. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội Tổng công ty cũng chủ động tham gia đầu tư xây dựng tạo các quỹ nhà cho người thu nhập thấp và thực hiện nhiều công trình xây dựng có ý nghĩa kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng của Thủ đô. Các công trình, dự án do Tổng công ty thực hiện đã cải thiện chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân, góp phần thay đổi cảnh quan, tạo diện mạo đô thị đẹp, văn minh, hiện đại cho thành phố... Ghi nhận những nỗ lực đạt được, tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, Tổng công ty tiếp tục tập trung bám sát, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường quản lý chặt chẽ các đơn vị thành viên, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng đơn vị; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, công tác tư vấn thiết kế và các hoạt động dịch vụ đô thị. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành, từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc về đô thị, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của thành phố... Mai ThảoCụm thi đua số 11: Giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt
TĐKT - Sáng 19/9, tại huyện Chương Mỹ, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp với Cụm thi đua số 11 tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến (ĐHTT), người tốt, việc tốt (NTVT) nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) với chủ đề “Làm theo lời Bác dặn”. Tới dự có thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cùng lãnh đạo 6 huyện và 90 gương ĐHTT, NTVT, đại diện cho hàng nghìn tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn các huyện thuộc Cụm thi đua số 11. Thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê và Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng trao tặng Bằng khen và danh hiệu Người tốt, việc tốt cho các cá nhân. Cụm thi đua số 11 bao gồm 6 huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Thời gian qua, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, hiệu quả, góp phần khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, đã phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng nhiều tấm gương ĐHTT trên các lĩnh vực. Tại chương trình, ban tổ chức đã lựa chọn 9 tấm gương ĐHTT, NTVT để trò chuyện, giao lưu, chia sẻ về sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp cũng như hành trình làm việc tốt của họ. Đó là tấm gương cô giáo Lê Thị Hòa, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Từ năm 1993 đến nay, hàng năm cô tự nguyện mở lớp học tình thương miễn phí tại chùa Hương Lan để giảng dạy, uốn nắn từng con chữ cho hàng trăm em bị khuyết tật, câm điếc, tự kỷ ở các huyện trên địa bàn thành phố. Sau quá trình giảng dạy, nhiều em đã đọc thông viết thạo, hàng chục em vượt qua mặc cảm trở về hòa nhập với trường lớp. Anh Lê Tiến Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, với suy nghĩ “Giọt máu cho đi cưộc đời ở lại”, đến nay đã 22 lần tham gia hiến máu tình nguyện ở địa phương. Bên cạnh đó, anh còn là một kênh tuyên truyền, vận động hàng trăm người dân, bạn bè, gia đình cùng tham gia hiến máu cứu người trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Hòa - thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai là một điển hình về phát triển kinh tế nông thôn. Hiện ông đang khai thác cánh đồng sen rộng hơn 50 mẫu với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Dương Văn Cơ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, hội viên Hội cựu chiến binh xã Khánh Hà, luôn nêu cao tinh thần và phẩm chất người lính cụ Hồ, đảng viên gương mẫu, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới … Mỗi người một việc, một ngành nghề khác nhau nhưng họ đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt TP Hà Nội. Ban tổ chức tặng hoa cho các điển hình tham gia giao lưu tại hội nghị Ghi nhận những hành động đẹp, những nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong công tác cũng như trong đời sống xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định tặng Bằng khen, danh hiệu NTVT cho 1 gia đình và 11 cá nhân tiêu biểu trong phong trào NTVT thuộc Cụm Thi đua số 11. Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê và Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng đã trao tặng Bằng khen và danh hiệu NTVT cho các các nhân. Mai ThảoTĐKT - Ngày 18/9, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2019, nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 năm Hà Nội được công nhận là "Thành phố Vì hòa bình"; phát động phong trào "Người tốt, việc tốt" và cuộc thi “Viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước quận Hoàn Kiếm năm 2020”.
Phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2019 được quận Hoàn Kiếm luôn chú trọng triển khai bám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chọn và thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; kết hợp cùng với các phong trào thi đua trên các lĩnh vực.
Nội dung các phong trào, hoạt động thực sự đã chuyển biến mạnh từ cơ sở, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực vào cuộc; được các cấp, các ngành thành phố ghi nhận và đánh giá cao.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực trao tặng danh hiệu ''Người tốt, việc tốt'' tiêu biểu năm 2019 cho các cá nhân
Trong lĩnh vực y tế, ngành y tế quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hiến máu nhân đạo”, Ban vận động hiến máu tình nguyện quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các cá nhân hiến được hơn 1.300 đơn vị máu/năm.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách xã hội, nhất là chính sách với người có công được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND quận Hoàn Kiếm đã chuyển quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố và nguồn xã hội hóa tới 49.725 đối tượng chính sách, hưu trí, mất sức…
Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu. Đó là những cán bộ cơ sở miệt mài, tận tụy; những chiến sĩ dũng cảm, không quản gian khổ, hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; những học sinh là con ngoan, trò giỏi; cô giáo tâm huyết, yêu nghề…
Điển hình như câu chuyện về ông Lương Quốc Hưng, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Hàng Gai sau khi đọc báo biết thông tin, đã viết thư cho gia đình liệt sĩ, giúp họ tìm được mộ người thân; bà Vũ Thúy Long, ở phường Phan Chu Trinh, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn luôn đi đầu trong các phong trào giữ gìn trật tự vệ sinh khu phố; hay như cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, không chỉ giáo dục đạo đức mà còn dạy học sinh biết sẻ chia, cùng học sinh tiết kiệm tiền hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị bệnh; em Lê Anh Đức và em Lương Ngọc Bảo Phương, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nhặt được của rơi trả lại người bị mất…
Nhân dịp này, UBND quận Hoàn Kiếm tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 cho 255 cá nhân. Đặc biệt, có 18 cá nhân được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019.
Hưng Vũ
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 63
- 64
- 65
- 66
- 67
- …
- sau ›
- cuối cùng »