Hà Nội thi đua ái quốc

“Khắc tinh” của tội phạm trộm cắp

TĐKT - Chất lính ngấm sâu vào máu cùng tinh thần trách nhiệm của một công dân chính là nguyên nhân khiến ông Nguyễn Văn Hùng - Tổ trưởng tổ tuần tra chuyên trách phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gần 20 năm nay miệt mài tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự... Ở tuổi ngoài 60, người đàn ông ấy vẫn được coi là “khắc tinh” của tội phạm trộm cắp trên địa bàn... Tinh thần của người lính cụ Hồ Gần 20 năm góp mặt trong những cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về trộm cắp, ma túy trên địa bàn, đã tham gia “triệt phá” vài trăm vụ án nhưng ông vẫn khiêm tốn cho rằng, những việc mình làm là quá đỗi bình thường để được tuyên dương hay vinh danh. Bởi khi bắt tay công việc, ông chỉ đơn thuần xuất phát từ tinh thần của một công dân gương mẫu, mong muốn bảo vệ an toàn cho cuộc sống của chính những người thân yêu và bà con xóm giềng. Ông Hùng (ngoài cùng bên trái) thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền đến người dân về nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm trộm cắp. Trước khi gắn bó và giành nhiều thành tích ở nơi mình cư trú, ông Hùng từng là bộ đội công binh đóng quân ở Trung đoàn 28. Năm 2000, ông về hưu. Kể lại những ngày đầu tham gia thành lập và là thành viên của tổ tuần tra chuyên trách, ông Hùng cho biết, khi vừa về hưu, ông cứ nghĩ là dành thời gian vui vầy với con cháu nhưng chúng cứ đi biền biệt suốt. Được một thời gian ông thấy mình không thể cứ an hưởng tuổi già khi sức khỏe vẫn còn. Đúng lúc ấy phường quyết định thành lập tổ tuần tra. Ông không ngần ngại đăng ký tham gia với vốn lận lưng là một số thế võ học được từ khi còn là chàng thanh niên ở quê hương Chương Mỹ… Tâm huyết, tận tụy với công việc là tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với người đàn ông sinh năm 1958 này. Ông nắm rõ địa bàn như thể bước đi, hơi thở của mình. “Địa bàn phường Khương Mai tiếp giáp với 3 quận: Đống Đa, Hoàng Mai. Nơi đây có mật độ cư dân cao, giao thương tấp nập cũng đồng nghĩa với tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp, tội phạm hoạt động rất nhanh chóng. Phường có trên 5000 hộ gia đình với khoảng 21.000 nhân khẩu, trong đó có nhiều người dân từ các địa phương khác về thuê trọ để sinh kế”, ông Hùng chia sẻ. Ông Hùng chuẩn bị đi tuần tra đảm bảo an toàn, trật tự khu phố Vì tính chất phức tạp của thành phần cư dân nên đối tượng tội phạm về trộm cắp là phổ biến nhất trên địa bàn. Ông và các “đồng nghiệp” của mình tham gia công tác với cường độ làm việc khá căng thẳng. Ngày nào ông cũng 2 ca đi tuần, từ 12h - 16h và từ 1h30 - 4h30. Tổ có 5 người thì chỉ có 1 người được nghỉ còn lại là luân phiên nhau tuần đêm. Hàng đêm, khi nhân dân đã chìm trong giấc ngủ ngon là lúc họ đi tuần. Những cuộc đối đầu đầy hiểm nguy Từng ngõ ngách, từng con đường, từng địa bàn phức tạp ông và các thành viên trong tổ nắm trong lòng bàn tay. Vừa là Tổ trưởng Tổ Tuần tra chuyên trách, vừa là Đội trưởng Đội phòng, chống tệ nạn xã hội của phường, ông Hùng đã không ít lần đối mặt với hiểm nguy trong quá trình cùng lực lượng công an truy bắt tội phạm. Mở khóa chiếc điện thoại smartphone, ông cho chúng tôi xem các hình ảnh, video ghi lại cảnh truy bắt tội phạm trộm cắp, ma túy trên địa bàn. Ông bảo, vụ nào ông cũng phải quay lại làm “tư liệu”, nếu không bọn chúng sẽ “chối bay chối biến”. Nhớ như in vụ bắt 1 kg ma túy đá và 188 viên ma túy tổng hợp hồi tháng 10 năm 2018, ông kể: “Hôm ấy, trên đường đi tuần tra, chúng tôi phát hiện ra đối tượng tình nghi nên đã cùng lực lượng công an kiểm tra. Kết quả phát hiện 1 kg tinh thể nghi là ma túy đá cùng 188 viên ma túy tổng hợp ngụy trang trong gói bánh xốp mà đối tượng vừa cầm đi vừa ăn”. Đó là án ma túy còn trộm cắp thì ông không nhớ nổi bao nhiêu mà kể. Chúng lượn lờ xung quanh thăm dò nhà dân, ngụy trang bằng nhiều cách để chờ sơ hở rồi chôm chỉa. Đặc biệt, ông cho biết có đến 60 - 70% các đối tượng đều trang bị cho mình vũ khí. Đã 2 lần ông phải điều trị phơi nhiễm HIV, không ít lần bị đâm xe, hỏng xe, thương tích. Tuy nhiên, tinh thần của người lính không hề nao núng. Ông Nguyễn Văn Hùng tâm sự, công việc cũng vất vả, nguy hiểm nhưng là người ngay thẳng, ở ngoài ánh sáng, thì sao lại sợ những đối tượng nguy hiểm trong bóng tối được. “Chúng tôi vẫn động viên nhau cùng cố gắng để góp một phần cùng với các chiến sĩ công an bảo vệ bình yên cho nhân dân, giảm bớt các tệ nạn xã hội, cũng là góp phần cho con cháu mình một môi trường sống hiền hòa, không nguy cơ”, ông Hùng bộc bạch. Có lẽ vì yêu thích công việc và trót đam mê với “nghiệp ất ơ” (nhiều người đã từng gièm pha khi ông tham gia Tổ tuần tra nên gọi như vậy) mà ông có một giác quan nhạy bén với các loại tội phạm. Ông chia sẻ, chỉ cần quan sát dáng đi, điệu bộ, cử chỉ của người đi đường là ông đã phát hiện ra đâu là người đi đường, đâu là tội phạm tiềm ẩn… Ông Nguyễn Văn Hùng (thứ 4 từ phải sang) được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016 Không đam mê, không nhiệt huyết không thể làm được công việc này nhưng có lẽ, động lực lớn nhất của ông chính là sự động viên, ủng hộ của người vợ thảo hiền. Trong căn bếp ấm áp của gia đình, bà Đồng Thị Huệ (vợ ông Hùng) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc làm của chồng mình dù không tránh khỏi những phấp phỏng, lo âu. Nói thật những hôm ông ấy đi tuần đêm, phải nghe tiếng ông ấy cạch cửa vào nhà tôi mới yên tâm đi ngủ”. Không vì danh hiệu, thi đua hay những vật chất tầm thường, ông bảo: “3 thứ lớn nhất mà tôi có được khi tham gia công việc này chính là sự an toàn cho gia đình mình, quần chúng nhân dân tin yêu, ủng hộ. Bên cạnh đó, công việc của chúng tôi cũng góp phần xây dựng khối đoàn kết giữa lực lượng bảo vệ dân phòng với công an phường. Chúng tôi gắn bó với nhau với tinh thần của những người lính”. Qua quá trình hoạt động tại phường, ông đã đạt được nhiều thành tích và được các cấp ghi nhận: Từ năm 2010 đến năm 2014, liên tục được TP Hà Nội tặng Bằng khen; từ năm 2010 đến nay liên tục được Giám đốc Công an thành phố tặng Giấy khen; năm 2013 được Bộ Công an tặng Bằng khen; năm 2014 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố; năm 2016 được công nhận Công dân Thủ đô ưu tú; năm 2019 được thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Ngọc Linh    

Huyện Chương Mỹ biểu dương 13 tập thể, cá nhân chung tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

TĐKT - Sau Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh Covid -19 với các quận, huyện, thị xã do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 21/2, huyện Chương Mỹ đã tổ chức biểu dương, khen thưởng 3 tập thể và 10 cá nhân có nhiều hoạt động ý nghĩa cùng chung tay với huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Huyện Chương Mỹ, hiện chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Toàn huyện có 112 trường hợp đi/đến từ vùng có dịch. Tuy nhiên đã có 97 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, tình hình sức khỏe bình thường, không biểu hiện bệnh. Hiện còn phải theo dõi sức khỏe tại nhà 13 người; 1 người cách ly tại cơ sở y tế; 1 người cách ly tại cơ sở tập trung. Lãnh đạo huyện Chương Mỹ biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 Đồng chí Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh: Đến thời điểm này, huyện chưa ghi nhận trường hợp dương tính Covid-19. Để có được kết quả đó, có sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự phối kết hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ và các ban ngành đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Đặc biệt, từ huyện đến các xã, thị trấn đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh, quan trọng nhất là công tác rà soát, nắm tình hình ngay tại các thôn, xóm có người đi/đến từ vùng có dịch; giám sát, khoanh vùng và cách ly các trường hợp để theo dõi tình hình sức khỏe, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đồng chí Đinh Mạnh Hùng đã trân trọng cảm ơn những tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện đã có nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp để cùng chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian tiếp theo, huyện Chương Mỹ vẫn tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh với mong muốn không có trường hợp nào dương tính Covid-19./. Mai Thảo

Hà Nội: Phong trào chống dịch Covid-19 khẩn trương, cụ thể

TĐKT - Trước diễn biến tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chiều 23/2, UBND TP Hà Nội tổ chức phiên họp trực tuyến đột xuất để tiếp tục triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp, cập nhật đến 15 giờ, ngày 23/2. Theo đó, tính đến 15 giờ, ngày 23/2, thế giới ghi nhận 78.755 trường hợp mắc Covid-19. Một số nước trên thế giới đang có xu hướng dịch gia tăng như Hàn Quốc, số ca mắc mới trong 3 ngày gần đây đang có xu hướng gia tăng, đến 9 giờ sáng, ngày 23/2, có 556 trường hợp mắc, 4 tử vong, số mắc đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc; Nhật Bản có 134 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong (2 trường hợp là người Nhật Bản có mặt trên du thuyền Diamond Princess); Singapore có 89 ca mắc, số mắc đứng thứ 4 thế giới; Italia có 79 ca mắc, 2 tử vong, số mắc đứng thứ 5 thế giới... Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp Riêng Hà Nội, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Giám sát tại bệnh viện có 77 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 15 trường hợp đến từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc...), đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Giám sát theo dõi sức khỏe người đi về từ vùng dịch tại cộng đồng, có 1.724 trường hợp hết thời gian cách ly; 384 ca phải tiếp tục cách ly theo dõi. 5/69 trường hợp được cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố đã hết thời gian cách ly… Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Không chỉ ở Trung Quốc, các ca bệnh Covid-19 đã bùng phát ở các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Iran… Mặc dù ở Việt Nam, dịch bệnh đang được kiểm soát, song tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó, lãnh đạo Sở Y tế đề xuất, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai, thành phố tăng cường hơn nữa công tác giám sát tại cộng đồng. Trong đó, nắm bắt thông tin những người đi từ nước ngoài về Việt Nam ngay tại khu dân cư để chủ động theo dõi khi có ca bệnh. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch nhất là tại các nước có dịch… Tại các điểm cầu, các quận, huyện, thị xã khẳng định tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. UBND quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các phường, xã, lực lượng Công an quản lý chặt chẽ đối với người nước ngoài lưu trú trên địa bàn nhất là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Đồng thời, sẽ cách ly nếu phát hiện những biểu hiện liên quan đến Covid-19. Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá: Dịch Covid-19 hiện diễn biến rất khó lường. Trong khi đó, Thủ đô là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do nhiều nguồn đi lại từ vùng dịch. Sau Trung Quốc, cần chú ý đến tình hình dịch tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore… Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đến thời điểm này, tất cả công tác phòng, chống dịch phải đi vào từng công việc cụ thể, khẩn trương hơn nữa. Điều này đòi hỏi các cán bộ chủ chốt, chuyên môn phải quyết liệt, nắm rõ tình hình, phối hợp hiệu quả. Lãnh đạo thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền bằng các thứ tiếng, nhất là các địa phương có đông công dân nước ngoài đang sinh sống, làm việc và học tập. Đặc biệt, Ban quản lý các tòa chung cư rà soát các cư dân đang sinh sống theo tiêu chí "đến từng nhà, rà từng hộ", lập danh sách cụ thể; bắt buộc rửa tay sát khuẩn khi vào các tòa chung cư. Rà soát các trường hợp công dân Việt Nam đi về từ vùng dịch từ ngày 18/2, tuyên truyền để người dân tự giác, có trách nhiệm với cộng đồng, thông tin về quá trình đi lại, nhất là những người có dấu hiệu liên quan đến dịch... Đối với việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu bắt buộc các lớp học, trước khi học sinh vào lớp và trước khi ra về phải đo thân nhiệt; rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra, phải tập huấn cho giáo viên về các biểu hiện của Covid-19. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các trường học không tổ chức chào cờ toàn trường mà tổ chức chào cờ trong lớp, có thể bố trí giờ giải lao lệch nhau giữa các lớp… Giao Sở Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị trong nước và trên thế giới; mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở vật chất; tổ chức tập huấn, diễn tập cách ly cũng như xử lý các tình huống bệnh... Đề nghị các quận, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Công an địa phương tuyên truyền hạn chế tụ tập đông người ở các quán bar, karaoke… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, thành phố luôn chủ động ứng phó với mọi tình hình, không hoang mang và không chủ quan đối với dịch bệnh Covid-19. Hưng Vũ

Người đảng viên thổi hồn cho các phong trào thi đua yêu nước

TĐKT - Đến phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hỏi thăm về gia đình đảng viên, cựu chiến binh Trần Bá Ca không ai là không biết. Người dân ở đây bảo rằng, ông là người đảng viên gương mẫu, thổi hồn cho các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Cách đây 4 - 5 năm, việc thực hiện Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” - gọi tắt là đảng viên hai chiều hoặc đảng viên khối 76 của Chi bộ Khu dân cư số 1, phường Kim Giang gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm một lần, Bí thư Chi bộ cũng gửi giấy mời họp đến từng đảng viên đương chức trong khu dân cư, chuẩn bị nội dung, chuẩn bị phòng họp, cử người đón tiếp, nhưng cũng chỉ được ba, bốn người đến dự. Không khí các buổi gặp mặt còn nặng nề, thiếu cởi mở, chưa thực sự gắn kết. Trước tình hình đó, Chi ủy Khu dân cư số 1, phường Kim Giang đã có nhiều cách làm mới. Chi ủy đã đã bầu đồng chí Trần Bá Ca - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam, đang cư trú tại ngôi nhà số 40 Hoàng Đạo Thành làm Trưởng ban liên lạc đảng viên hai chiều. Nhận nhiệm vụ, đồng chí đã nỗ lực kết nối, động viên và góp ý kiến với Chi ủy về biện pháp quy tụ. Ông Trần Bá Ca luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ Cứ đều đặn mỗi năm, Chi ủy tổ chức hai kỳ sinh hoạt. Kỳ sau số lượng đảng viên hai chiều tham gia sinh hoạt lại đông hơn kỳ trước. Ý kiến tham gia rất phong phú: Từ việc đóng góp ý kiến xây dựng Chi bộ khu dân cư, vệ sinh đường phố, bóc xóa quảng cáo, xây dựng gia đình và tổ dân phố văn hóa, cho đến việc duy trì nền nếp sinh hoạt của khối 76 đều được đưa ra bàn luận nghiêm túc, dân chủ. Đồng chí Trần Bá Ca tích cực vận động khối đảng viên 76 đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho khu dân cư, tiêu biểu là: Tặng mái che trước nhà hội họp rộng 50 m2. Bản thân đồng chí Ca hàng năm đóng hàng chục triệu đồng cho Quỹ đảng viên khối 76; tặng cho Câu lạc bộ Đọc sách báo khu dân cư toàn bộ số tủ đựng sách báo, trị giá 10 triệu đồng. Năm 2017, đồng chí Trần Bá Ca về nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt Chi bộ Đảng, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi Khu dân cư số 1 và luôn giữ mối quan hệ với khối đảng viên hai chiều. Đồng chí được Ban công tác Mặt trận lựa chọn làm người phụ trách văn nghệ - thể thao của khu dân cư. Đi đến đâu, làm việc gì đồng chí Trần Bá Ca cũng là người nhóm lửa, cũng thổi hồn mình vào trong đó, thuyết phục lôi cuốn mọi người. Đội văn nghệ đông gần ba mươi anh chị em, nhưng ai nấy đều nhiệt tình, hăng hái tham gia. Hai vợ chồng ông Trần Bá Ca và bà Hoàng Thị Mùi biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư số 1, phường Kim Giang năm 2019 Bà Nguyễn Thị Hải năm nay đã hơn 70 tuổi, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi cùng gia đình chuyển về chung cư cao cấp Nguyễn Tuân sinh sống, nhưng tối nào cũng thuê xe về nhà hội họp khu dân cư để tập múa, tập hát. Bà Lê Thị Thảo cũng vậy, dù tuổi cao nhưng luôn vui vẻ, duyên dáng trong các điệu múa quạt, múa cung đình. Các bà, các chị trong Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Phụ nữ chiếm tỷ lệ áp đảo trong đội văn nghệ quần chúng. Đã qua ba mùa văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của khu dân cư năm 2017, 2018, 2019 với chương trình văn nghệ đặc sắc, có chọn lọc, chất lượng, được đông đảo bà con khu dân cư vỗ tay tán thưởng. Đồng chí Trần Bá Ca vừa làm công tác tổ chức, vừa làm đạo diễn, vừa dẫn chương trình với chất giọng trầm ấm truyền cảm. Đáng nói là, những thiết bị như: Ti vi, loa đài, âm thanh, ánh sáng để phục vụ cho chương trình đều có sự góp sức của đồng chí Trần Bá Ca. Chi hội Phụ nữ, Người cao tuổi, Chữ thập đỏ, Nạn nhân chất độc da cam... cứ tổ chức hội nghị tổng kết, liên hoan văn nghệ, ông đều có mặt phục vụ, không kể ngày đêm, sớm tối. Năm 2018, sau khi sân chơi H1- H2 lát gạch xong và được Ủy ban nhân dân phường bàn giao cho khu dân cư quản lý, đồng chí Trần Bá Ca đề xuất với Chi bộ và Ban Công tác Mặt trận xin được đăng cai thiết kế, tổ chức sân cầu lông, sân bóng chuyền hơi để thu hút và tổ chức thanh thiếu nhi, học sinh đến vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Ông vận động đảng viên hai chiều đầu tư ti vi, tăng âm, bàn bóng bàn, bàn họp inox trị giá năm mươi triệu đồng. Riêng bản thân ông đóng góp năm triệu đồng và mua sắm cột, lưới, bóng; đồng thời mời huấn luyện viên về dạy dỗ cho các cháu. Đội bóng chuyền thu hút hơn ba mươi cháu học sinh, thiếu nhi cùng nhiều người lớn tuổi đến tham gia luyện tập. Tổng kết công tác hè năm 2018, ông còn tổ chức thi đấu, phát phần thưởng khuyến khích các cháu bước vào năm học mới với niềm vui phấn khởi. Không chỉ bản thân ông tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương mà cả gia đình ông luôn sống trách nhiệm, mẫu mực và là hạt nhân đoàn kết, có tác dụng lôi cuốn, quy tụ đối với các tổ chức đoàn thể của khu dân cư, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của chi bộ và hệ thống chính trị khu dân cư. Năm 2018, gia đình ông thông qua các tổ chức của phường và khu dân cư đã trao tặng, ủng hộ hơn 40 triệu đồng cho các hoạt động chữ thập đỏ, giúp đỡ các gia đình khó khăn dịp Tết, các gia đình cựu quân nhân, cựu chiến binh…  Hơn cả ý nghĩa của những con số biết nói đó, chính là tấm lòng, tấm gương Trần Bá Ca vô tư, trong sáng. Hình ảnh nêu tấm gương của một đảng viên, một hội viên cựu chiến binh, biết chắt chiu, dành dụm những đồng tiền và công sức quý giá của bản thân và gia đình cho việc xây dựng quê hương Kim Giang mới thực sự trân quý. Năm 2019, ông Trần Bá Ca đã vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Mai Thảo - Vũ Hòe    

Hà Nội tiếp tục chủ động trong phòng, chống dịch Covid - 19

TĐKT - Chiều 19/2 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, cập nhật đến 15 giờ, ngày 19/2. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh do vi rút Corona (Covid-19) thành phố chủ trì. Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết: Tính đến 15 giờ, ngày 19/2, thế giới ghi nhận 75.202 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, trong đó, có 2.010 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 2.004 trường hợp tử vong). Việt Nam có 16 trường hợp dương tính với Covid-19 (Vĩnh Phúc: 11 trường hợp, TP Hồ Chí Minh: 3 trường hợp; Khánh Hòa: 1 trường hợp; Thanh Hóa: 1 trường hợp), 14 trường hợp đã khỏi bệnh. Từ 13/2 đến 19/2, cả nước chưa có ca mắc mới... Đến nay, Hà Nội vẫn chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19; có 74 trường hợp giám sát tại bệnh viện nghi ngờ nhiễm (7 trường hợp đến từ Vũ Hán; 15 trường hợp đến từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; 39 trường hợp đến từ các tỉnh, thành của Trung Quốc; 13 trường hợp có tiếp xúc gần với người Trung Quốc hoặc người đi về từ Trung Quốc có biểu hiện nghi mắc bệnh đã xét nghiệm) đã xét nghiệm âm tính với Covid-19; giám sát tại cộng đồng còn 374 trường hợp tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe. Ban Chỉ đạo  phòng, chống dịch bệnh do vi rút Corona (Covid-19) thành phố duy trì họp, cập nhật tình hình dịch bệnh 2 ngày một lần “Tuy tình hình Việt Nam đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra các nước như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc có xu hướng tăng. Do đó, cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khoanh vùng xử lý…” - ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý. Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, thời gian vừa qua, Công an thành phố đã lập hồ sơ xử lý 18 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 lên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận. Theo chỉ đạo, thành phố cũng đã cử 2 bác sĩ đến xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc học hỏi công tác phòng, chống dịch. Cục Quản lý Thị trường thành phố đã kiểm tra 223 vụ đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; xử lý 183 vụ và thu giữ 680.938 khẩu trang và 7.453 dung dịch sát trùng rửa tay. Đồng thời, các Sở, ngành tiếp tục phối hợp, tích cực triển khai 5 giải pháp nhằm phòng, chống dịch Covid-19… Kiến nghị tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị như: Khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt… tại các trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như ổn định tâm lý phụ huynh khi học sinh quay trở lại trường học. Ngoài ra, cần tăng thời lượng trình chiếu trên màn hình led; hướng dẫn phòng, chống dịch trên các biển quảng cáo… bởi đây là công cụ tuyên truyền hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19… Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa đưa ra được phác đồ điều trị chính thống cũng như chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu. Vì vậy, trong quá trình thực tiễn kiểm tra, giám sát, ngành y tế cần tuyên truyền đến người dân tăng cường thể chất, nâng cao hệ miễn dịch, đảm bảo sức khỏe tốt trước dịch bệnh. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp tục nhấn mạnh, mục tiêu là bằng mọi biện pháp, giải pháp, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ để không có trường hợp lây nhiễm chéo trên địa bàn thành phố cũng như lên kịch bản cho trường hợp xấu nhất… Đồng thời, phải lồng ghép công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các dịch bệnh theo mùa (sốt xuất huyết, cúm mùa…). Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các hãng hàng không, theo dõi hành trình nhập cảnh vào Việt Nam (nhất là các trường hợp có dừng chuyển chuyến tại các nước có dịch). Sở Y tế cũng cần cập nhật phương pháp xét nghiệm nhanh (15 phút các ca âm tính) với Covid-19 của các nước trên thế giới để rút ngắn thời gian xét nghiệm trong nước hiện nay (Việt Nam xét nghiệm 24 giờ với ca âm tính). Ngoài ra, sớm tổng hợp phác đồ điều trị đối với 16 trường hợp nhiễm bệnh trong nước cũng như các phương pháp điều trị bệnh trên thế giới để phổ biến tới tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố. Liên quan đến việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, chỉ khi phụ huynh học sinh hoàn toàn yên tâm, môi trường trường lớp đảm bảo mới tiếp tục cho học sinh quay lại trường. Hưng Vũ

Dịch bệnh Covid-19 là thách thức lớn với du lịch Thủ đô

TĐKT - “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng” - Đó là thông tin của Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu với báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 18/2. Ông Trần Trung Hiếu cho biết, dịch bệnh Covid -19 đã tác động tương đối lớn đến quyết định của du khách trong việc hủy kế hoạch đi du lịch giai đoạn từ tháng 1/2020 - 4/2020. Cụ thể, tính đến ngày 17/2/2020, theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp lữ hành tạm tính đã có 19.846 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào đối tượng khách đến từ Trung Quốc (17.120 lượt), còn lại là thị trường khác như Đài Loan, Singapore, Nhật, Indonesia, châu Âu, Mỹ… "Tạm tính có 15.125 lượt khách Việt Nam đã hủy tour đi du lịch nước ngoài - chủ yếu đăng ký đi du lịch Trung Quốc (8.702). Hơn 19.119 khách nội địa hủy tour đến Hà Nội, đi lễ hội … Điển hình như công ty HanoiTourism, Du lịch Kim Liên, Vietravel, Suntour, Phượng Hoàng, Vietrantour, Haseco...", Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin. Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu thông tin tại Hội nghị Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 17/2/2020 theo số liệu thống kê từ các cơ sở lưu trú, số ngày phòng bị hủy là 30.665 ngày phòng, số lượng khách đặt đã thông báo hủy phòng là 42.773 lượt. Tại các điểm đón khách du lịch là các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đều đã mở cửa hoạt động trở lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 06/02/2020, Công điện số 463/CĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khách du lịch đến các khu, điểm du lịch trong ngày có xu hướng tăng hơn do hiệu quả từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, của thành phố và của các khu, điểm du lịch. Sau thời gian tạm đóng cửa để phun thuốc khử trùng đảm bảo công tác vệ sinh an toàn, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lượng khách du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đến nay đã đạt từ 50%-70% so với thời điểm không có dịch; đối tượng bị giảm nhiều, chủ yếu là khách du lịch nội địa. Về kinh doanh vận chuyển khách du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, số khách cũng sụt giảm công suất xe lưu hành từ 40 - 60%. Điển hình như công ty Minh Việt, Quảng An, Taserco, Phong Hà… “Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động ngay những ngày sát Tết, khi có thông tin dịch bệnh Corona bùng phát, đã thống nhất với du khách hủy toàn bộ các tour Trung Quốc khởi hành dịp Tết Nguyên đán và các sản phẩm khởi hành trong quý I nhằm đảm bảo an toàn cho khách. Một số doanh nghiệp như HanoiRedtours, Vietrantour… đã quyết định hoàn tiền 100% cho khách hàng đã đăng ký các tour Trung Quốc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Đơn vị cũng hỗ trợ chuyển đổi sang ngày khởi hành khác hoặc các tour khác áp dụng theo chính sách khách hàng cũ…”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin. Về công tác phòng, chống dịch Covid -19 trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, Sở tập trung kiểm soát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân, khách du lịch về dịch bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về đảm bảo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn TP Hà Nội nghiêm túc và chủ động thực hiện sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền từ trung ương và thành phố như: Chủ động hủy tour du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào thành phố. Chủ động phòng, chống dịch cho khách du lịch và cán bộ, nhân viên tại khách sạn, điểm đến du lịch, trên xe vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, cơ sở vui chơi giải trí và văn phòng công ty của mình bằng nhiều hình thức. Đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc và các vùng có dịch đang thực hiện chương trình du lịch tại Hà Nội, đảm bảo an toàn tuyệt đối và hỗ trợ cho du khách khi kết thúc tour mà họ chưa trở về được đất nước… Mai Thảo

Huyện Quốc Oai (Hà Nội) đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 14/2, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua năm 2020 chào mừng Đại hội Đảng các cấp; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và Cờ thi đua của TP Hà Nội. Trong năm 2019, các cấp, các ngành trong huyện Quốc Oai đã không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quốc Oai Được xác định là phong trào thi đua thường xuyên, liên tục và xuyên suốt, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện nhiệt tình hưởng ứng và nhận được sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển ổn định, đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Huyện đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu 20/20 chỉ tiêu pháp lệnh được Thành phố và HĐND huyện giao. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.032 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/người/năm.  Tỷ lệ thôn được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa” đạt 99%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia tăng 4 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 58/73 trường, đạt 79,45%. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. 20/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông.  Một trong những phong trào thi đua nổi bật của huyện Quốc Oai đem lại hiệu quả rõ nét trong năm 2019 là phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã thực sự tạo được sức lan tỏa lớn, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, huy động được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia. Đã xuất hiện nhiều tấm gương là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cùng chung tay đóng góp công sức, tiền của góp phần đẩy nhanh việc nâng cao các tiêu chí NTM và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện tiếp tục duy trì 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành mục tiêu xây dựng “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” và được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg, ngày 13/9/2019.  Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Thành Ghi nhận những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quốc Oai; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Đạt Thuyên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Cũng tại Hội nghị, xã Đại Thành được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 16 tập thể, 14 cá nhân được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Mai Thảo  

Tăng cường phát hiện, tôn vinh gương đoàn viên công đoàn là đảng viên và người lao động trực tiếp

TĐKT - Chiều 6/12, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội về kết quả phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và việc triển khai, cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2020 “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”; tình hình công nhân, viên chức, lao động trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020 và công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới vi rút corona gây ra. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết: Trong năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, phong trào CNVCLĐ và hoạt động của Công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc. Các cấp Công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đến nay, có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký thỏa ước lao động tập thể, đạt 58,32%; các cấp công đoàn phối hợp, tổ chức 16 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công nhân, lao động; phối hợp tổ chức 46 cuộc đối thoại về chính sách đối với công nhân, lao động trên địa bàn. LĐLĐ Thành phố cũng phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh, kiểm tra tại 220 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, luật công đoàn, an toàn, vệ sinh thực phẩm; phối hợp kiểm tra tại 820 doanh nghiệp về thực hiện chính sách đối với lao động nữ, qua đó, nhiều vi phạm, vướng mắc đã được giải quyết, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công đoàn các cấp Thủ đô đã triển khai các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ, trọng tâm là tổ chức tốt chương trình “Tết Sum vầy”, “Mái ấm công đoàn”... Đặc biệt, trong dịp Tết Canh Tý 2020 vừa qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã chi trên 50 tỷ đồng, hỗ trợ 95.000 vé xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết; tặng trên 75 nghìn suất quà Tết cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn... Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới vi rút corona, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động tham gia với cấp ủy, chính quyền chuyên môn đồng cấp các giải pháp chống dịch như: Tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tự phòng, chống dịch; vận động đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt việc phòng dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân. Một số doanh nghiệp lớn tại các khu công nghiệp đã trang bị khẩu trang, thực hiện đo thân nhiệt cho người lao động và khách khi vào làm việc. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thực hiện rửa xe khử trùng xe ô tô định kỳ, phát khẩu trang miễn phí cho hành khách đi xe buýt. Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khử trùng các nhà hàng khách sạn, phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch đang lưu trú; ngành giáo dục và đào tạo đã cho học sinh nghỉ học 1 tuần tiến hành khử trùng, tổng vệ sinh trường lớp…. Tính đến ngày 4/2, qua thông tin nhanh của các cấp công đoàn thành phố, chưa ghi nhận trường hợp CNVCLĐ nào mắc bệnh, nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ (có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử từ vùng dịch trở về). Tại buổi làm việc, các đại biểu đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam đều đánh giá cao những kết quả đạt được của LĐLĐ Hà Nội trong năm 2019. LĐLĐ Hà Nội là đơn vị có nhiều sáng tạo, chủ động trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua và hoạt động công đoàn. Đặc biệt, công tác tôn vinh, khen thưởng được LĐLĐ Hà Nội triển khai thường xuyên, hiệu quả, mang lại sức lan tỏa tốt trong các tầng lớp công nhân, viên chức, người lao động và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, công tác phát hiện, khen thưởng cho công nhân lao động trực tiếp còn hạn chế; LĐLĐ Hà Nội cần quan tâm nâng tỷ lệ khen đột xuất và khen cho người lao động trực tiếp lên trong thời gian tới. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, giới thiệu về vai trò, sứ mệnh của tổ chức công đoàn; về các mô hình hay, cách làm tốt của hệ thống công đoàn Thủ đô rộng rãi đến toàn xã hội. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, năm 2020, LĐLĐ Hà Nội cần tập trung làm tốt công tác thương lượng đối thoại, xây dựng được những thỏa ước lao động. Để làm được điều đó, LĐLĐ Hà Nội cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức thương lượng cho các chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là cán bộ ở những nơi có đông công nhân lao động; hình thành đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ các công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng thanh kiểm tra, giám sát nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng chí nêu tên một số doanh nghiệp vẫn nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và đề nghị thành phố quan tâm xem xét, cụ thể như Công ty CP Phát triển Công nghệ cao Minh Quân…. Tại buổi làm việc, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Hà Nội đã bàn bạc để thống nhất các chỉ tiêu giao cho các cấp Công đoàn Thủ đô trong năm 2020. Theo đó, năm 2020, LĐLĐ Hà Nội được giao phát triển mới 29 nghìn đoàn viên công đoàn; thành lập mới 291 công đoàn cơ sở; giới thiệu ít nhất 8760 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng đánh giá xếp loại công đoàn cấp trên cơ sở…. Phát biểu tại buổi làm việc, các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Đình Khang và Ngô Thị Thanh Hằng đều khẳng định và đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của các cấp Công đoàn và giai cấp CNVCLĐ Thủ đô trong phát triển của thành phố. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc, các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Đình Khang và Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, LĐLĐ Hà Nội cần sớm triển khai cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2020 “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở” gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển Đảng, đoàn thể, phấn đấu không có công đoàn cơ sở nào yếu kém.  Đặc biệt, để chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Hội nghị điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, các cấp công đoàn Thủ đô chủ động phát động, triển khai các phong trào thi đua lập thành tích, phát hiện, tôn vinh những tấm gương sáng trong hệ thống Công đoàn Thủ đô, trong đó chú trọng đến đối tượng đoàn viên công đoàn là đảng viên và người lao động trực tiếp. Mai Thảo    

Thanh niên xã Tân Lập phát miễn phí 2.500 khẩu trang, gần 300 bánh xà bông phòng dịch corona

TĐKT - Ngày 4/2, Đoàn Thanh niên cùng Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã phát miễn phí 2.500 khẩu trang và gần 300 bánh xà bông đến tay người dân. Trước tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp, khan hiếm khẩu trang, dung dịch vệ sinh, đồng thời nhiều nhà thuốc bán khẩu trang với giá cao, Đoàn Thanh niên và Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ 2.500 chiếc khẩu trang, gần 300 bánh xà bông rửa tay để phát miễn phí cho người dân. Đại diện Đoàn Thanh niên xã Tân Lập tiếp nhận xà phòng từ nhà tài trợ Anh Ngô Duy Quý, Bí thư đoàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng cho biết, đây là hoạt động thường xuyên của Đoàn Thanh niên xã trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, cần có sự chung tay của cộng đồng để đề phòng sự lây lan. Đồng thời cổ vũ, xây dựng phong trào đoàn vững mạnh, giúp thanh niên có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội. Trong sáng 4/2, với sự hỗ trợ của các đoàn viên thanh niên, toàn bộ số khẩu trang, xà bông trên đã được phát miễn phí đến tay người dân. Cụ thể trong chương trình này, Công ty TNHH sản xuất và thương mại ASEAN ủng hộ 2.500 khẩu trang y tế, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Minh Quang 100 bánh xà phòng, Bất động sản Cảnh Đông 100 bánh xà phòng và Quầy thuốc Thái Long (cụm 5, Tân Lập) 30 bánh xà phòng, cửa hàng máy nén khí Thành Công cụm 6 (50 bánh xà phòng). Đoàn viên, thanh niên xã Tân Lập ra quân phát khẩu trang miễn phí cho người dân Chị Nguyễn Hồng Hạnh, một người dân xã Tân Lập cho biết, "mấy hôm nay do tình trạng khan hiếm khẩu trang, chị đi rất nhiều hiệu thuốc để mua nhưng đều không có. Hôm qua biết được thông tin sáng nay đoàn thanh niên sẽ phát miễn phí nên ra từ rất sớm. Ai cũng được nhận khẩu trang và xà phòng nên rất vui mừng. Đây là việc làm rất ý nghĩa và cần được nhân rộng". Được biết trong gần 10 năm trên cương vị là Bí thư đoàn xã Tân Lập, anh Ngô Duy Quý đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phong trào đoàn, giúp thanh niên khởi nghiệp và xung kích tình nguyện xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Năm 2010 và năm 2014 anh vinh dự là một trong 1.000 đảng viên trẻ xuất sắc của TP Hà Nội; anh là một trong những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được Trung ương Đoàn tuyên dương năm 2014. Năm 2019, anh Ngô Duy Quý là một trong những điển hình tiên tiến được lựa chọn giao lưu tại Tọa đàm trực tuyến “Nhớ lời Bác dặn” do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức. Anh vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, Việc tốt" năm 2019. Mai Thảo  

10 năm cần mẫn vì dân

TĐKT - 10 năm gắn bó, cần mẫn với “nghề vác tù và hàng tổng”, ông Phạm Văn Thụ (sinh năm 1963) - Tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) 13, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã đem đến nhiều niềm vui cho bà con trong khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở. “Sư phụ” giải thoát “bế tắc” Những ngày này, nhiều hộ dân ở cuối ngõ Hoàng Văn Thụ (giữa TDP 11 và TDP 13), phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vui mừng khi tình trạng ngập lụt không còn, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Để có con đường thoáng mát, sạch sẽ, ông Phạm Văn Thụ đã miệt mài, kiên trì phối hợp với chính quyền địa phương cùng “xắn tay” liên hệ, xin đi nhờ đường ống nước để giải thoát “bế tắc” cho cả phường. Để rồi sau đó, ông nhận được những lời khen chân thành từ phía người dân “chú đúng là sư phụ”… Vinh dự đảm nhận “nghề tổ trưởng” từ năm 2009, sau khi nghỉ chế độ tại Công ty Cấp thoát nước, ông Phạm Văn Thụ cho hay, với “nghề vác tù và hàng tổng” trước đó đơn giản hơn, chỉ là tiếp xúc trực tiếp với người dân, chủ yếu tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để dân hiểu, dân thông, từ đó thực hiện nghĩa vụ công dân. Bây giờ, việc gì cũng đến tay tổ trưởng, từ điện, nước, nhà cửa, xây nhà… đăng ký tạm trú, tạm vắng, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội, đảm bảo môi trường sống lành mạnh, không có tụ điểm ma túy, mại dâm… Ông Phạm Văn Thụ (SN 1963) - Tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) 13, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất khó khăn. Áp lực công việc, đôi khi vì công việc chung mà ông mang tiếng ác với dân. Từ đó, họ có những lời lẽ khó nghe, thiếu văn hóa với ông. Những lúc ấy, ông xử sự khéo léo, lựa lời, nhắc nhẹ, vận động nhân dân hoàn thành công việc. TDP số 13 có khoảng 450 hộ, các hộ nơi đây chủ yếu cho những người từ nơi khác thuê trọ, kinh doanh… Do đó, công tác vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương, với ông, đó là cả một “nghệ thuật”. Nhưng với cách vận động sâu sát, nhẹ nhàng, luôn có kế hoạch, biện pháp khắc phục, giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng, êm xuôi, ông trở thành chiếc cầu nối giữa chính quyền phường với nhân dân TDP số 13. 10 năm trôi qua, mỗi ngõ ngách, từng căn hộ của mỗi gia đình trong TDP đều in đậm dấu chân người tổ trưởng mẫn cán này. Nhờ tận tâm với công việc, gắn bó thân thiết với người dân nên ông luôn là người hiểu rõ hoàn cảnh của các hộ dân trong khu phố, nhà ai có việc vui, chuyện buồn, ông đều là người biết trước. “Hàng ngày, tôi đi quan sát TDP nhiều lần để xem người dân sinh hoạt, làm ăn ra sao, đồng thời động viên, chia sẻ với mọi người để họ làm tốt những quy ước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; thuyết phục các hộ gia đình có phòng trọ cho thuê không tăng giá thuê phòng trọ. Thậm chí, nhiều khi ban đêm, tôi cùng lực lượng Công an tuần tra bảo vệ an ninh trật tự khu phố, trấn áp tội phạm” - ông Thụ chia sẻ. Cứ gọi là có mặt Bà con trong TDP luôn yêu quý, cảm phục ông Thụ vì ông luôn gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ mọi người như người thân của mình. “Cứ hễ ai gọi, bất kể ngày đêm, tôi sẵn sàng có mặt để giải quyết công việc, vướng mắc cho người dân. Khả năng  giúp được cho dân việc gì là tôi cố gắng hết sức, tìm hiểu ngọn ngành mọi việc, để tìm hướng giải quyết” - ông Thụ cho hay. Tại thời điểm năm 2012, khi TDP chưa có cáp truyền hình, ông Thụ đã “lặn lội” đến Đài Truyền hình xin chuyển cáp về khu dân cư. Hay khi TDP chưa có nước sạch, ông tự tìm hiểu và đến làm việc với Công ty nước sạch, sau đó vận động nhân dân đóng góp kinh phí để xã hội hóa đưa đường ống nước về phục vụ nhân dân. Khi thấy nhiều năm trước đó, TDP 13 vẫn không tìm được tiếng nói chung để bê tông hóa con đường dân sinh, năm 2014, ông Thụ mạnh dạn vận động nhân dân đóng góp để bê tông hóa hơn 1.000 m2 đường, xã hội hóa đèn chiếu sáng… Được chỉ định vào Ban Giám sát của cộng đồng, trực tiếp tham gia giám sát dự án, ông đã không quản ngày đêm bám sát công trường cùng với nhà thầu giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công. Ông Phạm Văn Thụ (thứ sau từ trái sang) luôn năng nổ với các hoạt động ở tổ “Để có con đường sạch đẹp như ngày hôm nay, chúng tôi phải trưng cầu ý dân 1 năm, đưa giấy đến từng nhà xin ý kiến. Dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sau khi nghe những lời giải thích, thuyết phục có tình có lý, mọi việc đều được chúng tôi công khai, minh bạch, từ đó, TDP đã tìm được sự đồng thuận từ phía nhân dân” - ông Thụ chia sẻ. Đặc biệt, nhận thấy sự cần thiết của tiếng Anh, dịp hè năm 2015, ông vận động các sinh viên trên địa bàn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các học sinh từ 8 đến 12 tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học từ đó ngày càng lan tỏa đến các TDP khác trên địa bàn phường. Trong suốt 10 năm làm Tổ trưởng TDP, ông Thụ luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc”. Vì thế ông Thụ quan niệm, Tổ trưởng TDP phải là “cánh tay nối dài” của chính quyền đến với dân. Làm công việc này là phải gần dân, sát dân, vì dân, phải là người có đạo đức, sống gương mẫu, được dân yêu quý thì mọi công việc mới thành công. Vừa tròn một thập kỷ chăm lo mọi việc lớn nhỏ cho khu phố với những công việc lặng lẽ không tên, ông Thụ luôn tâm niệm: “Quản lý TDP mà không nắm bắt được tâm nguyện của người dân thì không thể làm được việc gì. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu dân, lắng nghe dân để đáp ứng nhu cầu cũng như tâm nguyện của nhân dân”. Nhờ đó, “nghề vác tù và hàng tổng” của ông mới có sự thành công như ngày hôm nay. Với những thành tích đó, ông Phạm Văn Thụ được TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2019. Hương Thảo    

Trang