Hà Nội thi đua ái quốc

Gần 10 năm góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

TĐKT - Luôn tích cực trong các hoạt động xây dựng đường làng, ngõ xóm được thông thoáng, sạch đẹp, thế nhưng cô Nguyễn Thị Nhung, thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ lại chẳng bao giờ nghĩ có ngày những cống hiến của mình lại được nhiều người biết đến vậy, bởi trong suy nghĩ của cô: “Còn sức khỏe ngày nào thì còn cố gắng giúp quê hương phát triển”. Tại Chương trình Giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 11 TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhung không giấu nổi niềm tự hào khi trở thành người phụ nữ tiêu biểu của huyện Chương Mỹ được vinh danh bởi những đóng góp cho cộng đồng trong thời gian qua. Trên gương mặt phúc hậu và giọng nói hồ hởi của người phụ nữ đã quá nửa đời người vất vả với gió sương vẫn toát lên sự chân chất, mộc mạc nhưng cũng hết sức gần gũi, nghĩa tình. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm nên cô Nhung sớm phải bỏ học giữa chừng để giúp mẹ làm lụng, chăm sóc các em. Lớn lên, lấy chồng và chuyển đến sinh sống ở Chương Mỹ cũng luôn phải sống trong cảnh nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa, cô Nhung sớm thấu hiểu nổi khổ của người dân quê nghèo. Chính sự cần cù, chăm chỉ đã giúp vợ chồng cô dành dụm được chút vốn liếng, sau đó mở được một công ty cho thuê các loại máy móc xây dựng. Nhờ đó, kinh tế gia đình cô ngày một ổn định hơn. Chân dung cô Nguyễn Thị Nhung Nhận thấy con đường gần nhà mình dẫn ra chợ Gốt bị xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiều người bán hàng đi qua đây không ít lần bị tai nạn, vốn thương người, không ít lần cô chạy ra đỡ hộ hàng hóa cho họ mà trong thâm tâm chỉ muốn giúp cho thôn xây dựng lại con đường mới để người đi đường đỡ khổ. Nghĩ gia đình mình có sẵn máy móc, lại biết được những nguồn bán vật liệu xây dựng giá rẻ, cô Nhung bàn với chồng con,  xin lãnh đạo thôn làm lại con đường. Được sự đồng ý của gia đình và thôn xóm, năm 2010 cô đã huy động những hộ có nhà sinh sống trên con đường ấy đóng góp tiền của để làm đường với chi phí 90 triệu, trong đó có 13 triệu đồng do nhân dân đóng góp, 10 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ và gia đình cô đóng góp tới 67 triệu. Đến năm 2014, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cắt ruộng làm đường nên người dân đi làm đồng gặp nhiều khó khăn, cô Nhung lại bàn với chồng mua vật liệu, huy động nhân viên công ty của gia đình tập trung san lấp để có đường cho người dân đi lại được thuận tiện, với chi phí 160 triệu đồng do gia đình cô đóng góp. Cô Nguyễn Thị Nhung đang chăm sóc cây cối trong gia đình Năm 2016 thôn tổ chức đón làng văn hóa, cô chú ủng hộ 8 triệu đồng tiền mặt và thuê các đoàn muốn lân về góp vui với ngày hội lớn của làng. Đặc biệt, khi chính quyền thôn và nhà chùa tổ chức tôn tạo lại ngôi chùa, gia đình cô cũng xin được ủng hộ một số vật liệu như đất, đá, xi măng có giá trị khoảng trên 30 triệu đồng. Ngoài ra, khi xây dựng 8 cổng làng, cô đều ủng hộ tiền mặt và toàn bộ chi phí cho việc san lấp mặt bằng. Bên cạnh đó, cứ hễ trong thôn có việc gì cần đến san lấp mặt bằng thì gia đình cô đều xin làm mà không lấy tiền. Đặc biệt, trong xã nhà nào có hoàn cảnh khó khăn, cô đều tổ chức góp tiền để giúp đỡ họ. Lúc ấy, cũng có người không hiểu cho rằng gia đình cô vì có lợi ích gì đằng sau mới làm nhiều việc thiện như vậy, cô Nhung chỉ cười: “Nhà cô tuy không giàu có nhưng vợ chồng luôn tâm niệm: Còn sức khỏe ngày nào thì còn cống hiến cho quê hương ngày đó. Bởi thế mà có những người khi gặp hoạn nạn được cô vận động ủng hộ, họ xúc động khóc làm cô cũng trào nước mắt”. Nhờ những đóng góp ấy, lãnh đạo thôn đã tin tưởng giao cho cô nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Từ đây, cứ hễ trong thôn có sự kiện văn hóa gì, cô đều tham gia rất nhiệt tình. Trong thời gian này, cô lại phát hiện con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang cũng đã gập ghềnh, xuống cấp, mỗi trận mưa để lại nhiều ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là người phụ trách công tác phụ nữ của thôn, thời gian đầu, cô đã vận động các chị em ra tát nước để đường được khô ráo và nhờ người em họ đổ đá lấp các hố vào những chỗ trũng. Tuy nhiên, sớm thấy sự cần thiết phải xây dựng một con đường mới, cô lại nảy ra ý định xin ý kiến lãnh đạo thôn để việc đi lại của nhân dân trong thôn bớt khổ. Được sự đồng ý của chính quyền, con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang dài 375 m và con đường chính của thôn dài 1.500 m được đích thân cô đảm nhận việc vận động kinh phí với dự trù khoảng 1 tỷ đồng và thực hiện trong vòng 3 năm. Thế nhưng, chỉ trong 1 tuần, con đường đã hoàn thiện trong không khí vui tươi, phấn khởi của đông đảo người dân trong thôn đúng vào dịp xã đón nhận danh hiệu Xã nông thôn mới. Sau khi làm xong đường, thấy vẫn còn dư 90 triệu đồng, cô đã xin ý kiến lãnh đạo thôn và nhân dân cho xây, sửa lại khu tâm linh để nơi đây trở thành địa điểm rộng rãi, thoáng mát cho cho các phong trào sinh hoạt văn hóa chung. Tuy bận rộn với công việc nhà khi phải cùng chồng đi theo các công trình xây dựng, cô Nhung vẫn dành nhiều thời gian để tham gia phát động các phong trào văn nghệ trong thôn, khơi dậy các hoạt động trong công tác phụ nữ và người cao tuổi nhằm tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong cuộc sống thôn quê vốn còn nhiều khốn khó. Bởi vậy mà cứ có công việc gì, người dân cũng luôn mời cô Nhung đến chung vui và sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống. Bà Đinh Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn cho biết: “Cô Nhung mới được Hội LHPN xã bầu làm Chi trưởng chi hội phụ nữ thôn Thanh Trì nhưng rất nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội. Cô luôn đi đầu trong mọi phong trào nhất là phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người nghèo nhưng lại rất khiêm tốn, thật thà, chất phác”. Về thôn Thanh Trì hôm nay, những con đường được bê tông hóa trải dài khắp đường làng, ngõ xóm, tiếng nói cười rộn ràng của những người dân quê đã làm cho công khí nơi đây trở nên vui tươi, ấm áp trong những ngày chớm đông. Ấy nhờ có sự tâm huyết và tận tâm với công việc quê hương của cô Nguyễn Thị Nhung - người phụ nữ có công lớn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Chương Mỹ. Ngọc Huyền

45 mùa hoa tự hào và phát triển

TĐKT - Là một trong những ngôi trường có bề dày thành tích trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô, 45 năm qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội không ngừng vận động, đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế của một cơ sở đào tạo nghề uy tín, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội được hợp nhất từ 5 trường trung cấp nghề khác nhau, vì vậy đã trải qua không ít những khó khăn trong công tác tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cũng như thống nhất, đổi mới các ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và sáng tạo của Ban giám hiệu, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường, từ năm 2002 đến nay, bộ máy tổ chức nội bộ cơ bản đã ổn định; tạo tiền đề để nhà trường phát triển không ngừng. Cô Phạm Thị Hường - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Đến nay, quy mô đào tạo liên tục được mở rộng. Hiện nhà trường có 24 ngành nghề đào tạo ở cả 3 hệ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp được đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN. Ngoài ra, có hai nghề được nhà trường lựa chọn đào tạo theo chuẩn quốc tế là kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí và cơ điện tử. Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường cũng bắt đầu đưa vào đào tạo ngành công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn của Đức, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay. Số lượng sinh viên, học sinh nhà trường cũng tăng dần lên theo các năm. Từ chỗ chỉ vài trăm sinh viên đăng ký theo học, đến nay nhà trường đã có hàng ngàn sinh viên, học sinh mỗi năm. Tính riêng năm học 2019 - 2020, công tác tuyển sinh vượt 120% so với năm học trước, với hơn 1300 học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Trong đó, hệ cao đẳng liên thông là trên 900 em, 150 em hệ 9+ và hơn 50 em học hệ trung cấp. Đây là con số đáng mơ ước của rất nhiều trường đào tạo nghề hiện nay. Đoàn công tác của Đức khảo sát hợp tác tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Bên cạnh đó, thế mạnh vượt trội của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chính là đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều giảng viên đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 80%, góp phần tạo nên sự lớn mạnh về chất lượng đào tạo của trường. Năm học 2018 - 2019, trường đã có 1 sinh viên ngành thiết kế đồ họa đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại cuộc thi tay nghề ASEAN; 4 học sinh đạt giải nhất, 5 học sinh đạt giải nhì, 6 học sinh đạt giải ba trong kỳ thi tay nghề cấp thành phố, 3 giáo viên của trường đã đạt giải nhất trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp toàn quốc năm 2018… Đặc biệt, nhắc đến Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hôm nay là người ta nhắc đến một địa chỉ đào tạo nghề uy tín không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước, với tỷ lệ 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề và thu nhập ổn định. Hiện nay, Trường thường xuyên kết nối với gần 300 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để mở rộng mạng lưới đào tạo, cập nhật công nghệ và các xu hướng mới như: Tập đoàn Samsung, tổ chức Koica, trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội,... Đã có gần 700 sinh viên đi thực tập và trải nghiệm sản xuất đảm bảo an toàn và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, sinh viên khoa công nghệ ô tô bước đầu đã được hỗ trợ kinh phí, trả lương theo ngày làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đến tìm kiếm nguồn nhân lực tại trường đối với sinh viên năm thứ 3. Có thể nói, đây chính là thành công, là hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác giáo dục, đào tạo nghề. Trong những năm tới, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu rõ ràng, đó là ổn định và tăng dần quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống và đạt mục tiêu tự chủ 100% vào năm 2021. Theo đó, nhà trường tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, chủ động; xây dựng văn hóa, kỷ cương, nền nếp và hướng đến ngày càng chuyên nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhà trường tiếp tục củng cố quan hệ và tăng cường liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học, học viện, doanh nghiệp nước ngoài và xây dựng chương trình hợp tác với một số đối tác nước ngoài mới, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công nghệ dạy học. 45 năm đã qua đi, trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội vẫn đang tiếp tục lớn mạnh và ngày càng khẳng định được uy tín của một trường đào tạo nghề có chất lượng tốt của Thủ đô và cả nước. Năm nay, nhà trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - đó là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường đã dày công vun đắp, dựng xây. Đồng thời là niềm khích lệ, động viên to lớn để trường tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, kiên trì với mục tiêu trở thành một cơ sở đào tạo có vị thế vững chắc, tin cậy trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Mai Thảo

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 12/11, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tới dự và phát biểu. Cùng dự còn có các đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Cách đây tròn 70 năm, Thành ủy Hà Nội chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập Trường Cán bộ Tổng phản công sơ cấp, quyết định đặt tên trường là Trường Lê Hồng Phong, một Trường Chính trị duy nhất của Đảng bộ thành phố Hà Nội và cũng là tiền thân của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong ngày nay. Trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng gắn với quá trình phát triển của Thủ đô, dù được sáp nhập, hợp nhất và mang nhiều tên gọi khác nhau, song Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong luôn nhận được sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, UBND thành phố và sự quan tâm của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn lượt cán bộ, đảng viên, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, công cuộc đổi mới và phát triển Thủ đô. Dù trong hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, tập thể nhà trường luôn được giữ vững tinh thần cách mạng, luôn phát huy đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Có thể khẳng định, qua 70 năm bền bỉ, phấn đấu xây dựng, phát triển và trưởng thành, thực hiện nhất quán sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã khẳng định vị trí của Trường Chính trị Thủ đô trong hệ thống các Trường Chính trị của cả nước. Vị thế, vai trò của nhà trường ngày càng được nâng lên, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố. Quy mô đào tạo của trường được mở rộng, đa dạng với nhiều loại hình; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày được nâng lên. Trường cũng tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; các chương trình nghiên cứu luôn hướng vào giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố và phục vụ công tác giảng dạy chuyên môn. Tập trung xây dựng nhiều chuyên đề về nhiệm vụ của địa phương gắn với chương trình đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh, chương trình bồi dưỡng của nhà trường. Cùng với đó, trường không ngừng đổi mới công tác quản lý dạy và học; tăng cường công tác quản lý hệ thống, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, theo đúng Quy định 09 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; chú trọng xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, bản lĩnh, lập trường vững vàng và mẫu mực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng công tác giảng dạy, đào tạo của nhà trường. Với sự cố gắng, nỗ lực và những thành tích đạt được, nhà trường đã được Đảng, Nhà nước và thành phố đã trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Tại buổi lễ, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phòng Vinh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày tryền thống của nhà trường, Thành ủy Hà Nội trao tặng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Bức trướng với nội dung “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” xứng đáng Trường Chính trị của Thủ đô văn hiến, anh hùng. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ, công chức, giảng viên qua các thời kỳ của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong suốt 70 năm qua cho công tác đào tạo cán bộ của thành phố. Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đảng ta xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Có thể nói, giảng viên Trường chính trị của Đảng là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ tri thức của thành phố. Từ thực tiễn công tác đã khẳng định các giảng viên Trường chính trị của Đảng đóng góp thiết thực nhất, cụ thể nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, cấp huyện và các sở, ban, ngành thành phố. Sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý, vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường có sự ảnh hưởng, tác động đối lớn tới với chất lượng đội ngũ trong hệ thống chính trị, tác động đến xã hội và đời sống nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị, trong thời kỳ mới, tập thể Trường Lê Hồng Phong cần tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy những kết quả đã đạt được, quyết liệt khắc phục những hạn chế, khó khăn, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt, hay kém”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Phải xác định vị trí, vai trò và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về chức năng, nhiệm vụ của Trường Đảng cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò, vị trí của trường Lê Hồng Phong - trường chính trị của Đảng bộ Thủ đô, Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất cả nước; ngôi trường vinh dự mang tên vị Tổng bí thư thứ 2 của Đảng. Vì vậy, Nhà trường cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là tự phê bình và phê bình; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, giảng viên; xây dựng Đảng bộ Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong luôn là tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu trong sạch, vững mạnh của Thành phố. Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên nhà trường có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, có kiến thức lý luận sâu sắc, gương mẫu về mọi mặt, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách. Từng bài giảng phải thể hiện được tính Đảng sâu sắc, tâm huyết, tận tụy vì sự nghiệp đào tạo. Ba là, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp chặt chẽ, sâu sắc hơn giữa lý luận và thực tiễn, đặc biệt những những vấn đề mới, vấn đề khó như: Những lý luận về các vấn đề quốc tế, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng…; tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên thông qua các tình huống thực tiễn để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo quản lý, kỹ năng thực hành cho học viên. Tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chất lượng học tập. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó. Tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các quy định của Thành ủy, UBND thành phố về công tác đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp hiệu quả với Trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở. Bốn là, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phải coi đây là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường. Phát huy trí tuệ tập thể và năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố, cũng như các lĩnh vực đời sống xã hội của Thủ đô. Năm là, lãnh đạo và phát huy tốt vai trò của các đoàn thể trong nhà trường, tạo môi trường sư phạm lành mạnh; phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng và đời sống vất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước của thành phố; phát động đợt thi đua cao điểm hướng tới Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng và 90 năm thành lập Đảng bộ thành phố. Mai Thảo

Tuyên dương các điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2018 - 2019

TĐKT - Ngày 11/11, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội trang trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành (11/1954 - 11/2019), 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo ưu tú, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2018 - 2019. Tới dự có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã; các phòng giáo dục và đào tạo và hơn 1.800 đại biểu là đại diện cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đây là dịp để tôn vinh, ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của ngành GDĐT Thủ đô. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi lễ Nhớ lời dạy của Bác, 65 năm qua, thầy và trò ngành GDĐT Thủ đô đã không ngừng phấn đấu gây dựng sự nghiệp "trồng người" ngày càng phát triển, góp phần rèn đức, luyện tài cho bao thế hệ chủ nhân của Hà Nội và đất nước. Từ 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh, đến nay, ngành GDĐT Hà Nội không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp một lực lượng trí thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Hà Nội được mở rộng cả về quy mô, diện tích; quy mô giáo dục cũng tăng gấp đôi, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm Tính đến đầu năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở) với 60.391 nhóm lớp, 2.023.866 học sinh; có nhiều mô hình, loại hình trường, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của con em Thủ đô. Tính riêng năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế; 155 giải quốc gia năm 2019; đặc biệt trong các kỳ thi Olympic năm 2019, đã có 1 học sinh Hà Nội là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học (IChO), 1 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA). Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) được tặng Cờ thi đua Chính phủ năm 2019 Trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố là 96,18%. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 40 nhà giáo tiêu biểu được tặng Giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2019 Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành Giáo dục và Đào tạo trong công cuộc kiến thiết Thủ đô. Đồng chí khẳng định: Thành quả Thủ đô đạt được trong 65 năm qua có sự đóng góp công sức, trí tuệ và tâm huyết của biết bao thế hệ nhà giáo, nhà quản lý của Thủ đô, những tấm gương tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập, thể, cá nhân tiêu biểu Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý rằng năm học 2019 - 2020 là năm học cuối của nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội thì ngành cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng; hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường, chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh… Tại buổi lễ, nhiều đơn vị, cá nhân tiêu biểu đã được biểu dương, khen thưởng. Cụ thể, 16 tập thể, 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 9 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính Phủ; 6 đơn vị và 11 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 đơn vị được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 40 nhà giáo tiêu biểu được tặng Giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2019. Mai Thảo

Nhìn lại 10 năm xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”

TĐKT - “Công dân Thủ đô ưu tú” là danh hiệu cao quý của TP Hà Nội, dành tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước; là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Sau 10 năm tổ chức xét chọn, danh hiệu này đã thực sự trở thành giải thưởng có uy tín lớn, có tác động tích cực, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Cách đây 10 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thành phố đã có dịp nhìn lại chặng đường gần 20 năm thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt” và nhận thấy rằng phong trào này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Cùng với đó, sự ra đời của Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đòi hỏi công tác thi đua, khen thưởng của thành phố cần phải đổi mới, tạo được điểm nhấn, nhất là sự góp mặt của những điển hình tiên tiến. Trên cơ sở đó, Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội đã nghiên cứu và đề xuất với Thành ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Ngày 31/5/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 23 về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội trả lời câu hỏi của báo chí Nhìn lại 10 năm tổ chức xét tặng danh hiệu cao quý này, đồng chí Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Từ khi ra đời đến nay, TP Hà Nội không ngừng tiếp thu và thay đổi quy chế xét chọn để phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, điển hình là việc gắn trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ sở trong việc phối hợp phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để các gương điển hình, người tốt, việc tốt có cơ hội được phát huy những hành động, nghĩa cử cao đẹp của mình trong một thời gian dài, nhằm hướng đến danh hiệu cao quý “Công dân thủ đô ưu tú”. Do đó, hiện nay, đã có nhiều cơ quan trên địa bàn thành phố chủ động thực hiện công tác bồi dưỡng, khen tặng những gương mặt điển hình của ngành mình, góp phần khích lệ các cá nhân tiếp tục cố gắng hơn nữa để đạt được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” trong thời gian tới. Cùng với đó, với trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã có nhiều cách làm hay nhằm phát hiện, tôn vinh những gương mặt thực sự điển hình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Chỉ đạo các các cấp, các ngành ban hành quy chế thi đua, khen thưởng riêng dựa trên quy chế chung của thành phố, phát động cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; phối hợp với các cụm thi đua tổ chức giao lưu với tấm gương tiêu biểu….Qua đó đã lan tỏa tinh thần tự hào và trách nhiệm xây dựng và phát triển Thủ đô trong mỗi công dân. TP Hà Nội trao danh hiệu cho 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 Là người vinh dự được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch tập đoàn DOJI đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) bộc bạch: Hơn ¼ thế kỷ trên mặt trận kinh tế, trải qua hàng ngàn cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì vinh dự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước gắn và trao tặng Huân chương cao quý; lúc thì tỏa sáng trên các diễn đàn giải thưởng danh giá quốc gia và quốc tế…nhưng cảm xúc của tôi thật khó tả khi vinh dự được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Với một doanh nhân như tôi, đây là một danh hiệu cao quý, thể hiện tình cảm tin yêu, sự ghi nhận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với mình. Từ đó, tôi càng mong muốn phát triển quê hương, đất nước bằng cái tâm của mình. Vinh dự này là trách nhiệm to lớn để tôi không ngừng cố gắng hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân Thủ đô đã dành cho mình”. Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện Chương Mỹ - địa phương vinh dự có 2 “Công dân Thủ đô ưu tú” trong các năm 2017 và năm 2019 cho biết: Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cá nhân công dân và gia đình họ, mà còn là niềm tự hào của quê hương Chương Mỹ, động lực thôi thúc giúp chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục ra sức thi đua, lao động, sáng tạo vì một Thủ đô văn minh và hiện đại. Đây còn là kết quả của việc nghiêm túc trong tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của huyện trong những năm qua; luôn coi thi đua, khen thưởng vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng huyện Chương Mỹ “Trong thời gian tới, Chương Mỹ sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua, tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, đột phá, đặc biệt là những vấn đề còn nhiều khó khăn như: Giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, học tập và công tác. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến khen thưởng đột xuất, khen chuyên đề, khen cho người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và bồi dưỡng các điển hình tiên tiến; tổ chức thi đua cùng các điển hình tiên tiến; tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa Chương Mỹ phát triển toàn diện” – Ông Hoàng Minh Hiến khẳng định. Sau 10 năm triển khai xét chọn danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, toàn thành phố đã có 100 cá nhân ưu tú xuất sắc vinh dự được tặng danh hiệu cao quý này. Đó là những tấm gương tiêu biểu trong “vườn hoa” người tốt, việc tốt Thủ đô, những con người sống, học tập và lao động hết mình, vì một tình yêu Hà Nội. Tuy nhiên, xã hội đang không ngừng vận động, thay đổi, vì vậy, để danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” tiếp tục phát huy hiệu quả, khích lệ tinh thần thi đua ái quốc trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước, trong thời gian tới, sự chủ động, điều chỉnh, cải tiến các quy chế, quy trình xét chọn của thành phố, của các đơn vị là thực sự cần thiết. “Trước một số bất cập của quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú còn gây khó khăn cho nhiều địa phương và cá nhân, tới đây, Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ tham mưu với lãnh đạo thành phố ban hành thêm quy chế đơn giản hóa các thủ tục bằng các hồ sơ điện tử, gắn với các quy định của pháp luật và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thẩm định tính chính xác của các tấm gương công dân ưu tú, nhằm lan tỏa nhiều hơn những con người, những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng xã hội” – đồng chí Nguyễn Công Bằng cho biết. Mai Thảo

Gần 313 tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025

TĐKT - Chiều 29/10, tại Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô giai đoạn 2019 - 2025". Những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng phát triển rất mạnh. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, tăng số doanh nghiệp, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Từ năm 2016, hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, TP Hà Nội là một trong những địa phương tích cực trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Chính quyền thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp cả nước nói chung. Ngoài nguồn lực của thành phố, hàng loạt các trung tâm sáng tạo, các chương trình ươm tạo, không gian làm việc chung ra đời đã đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của cộng đồng. Ban vận động thành lập Hiệp hội đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hà Nội ra mắt Tính đến 26/10/2019, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn TP Hà Nội khoảng trên 275.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%). Số lượng doanh nghiệp tăng hàng năm từ 9 - 13%/năm. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, bình quân cứ khoảng 35 người dân Thủ đô có một doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước (bình quân chung cả nước là 138 người dân/ doanh nghiệp). Riêng 10 tháng đầu năm 2019, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trên 22.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 266.295 tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 28% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Nhiều dự án, công ty khởi nghiệp của thành phố bước đầu gặt hái những thành quả nhất định; một số dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc. Nhiều sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp đã được sử dụng làm tặng phẩm biểu trưng của Hà Nội trong các sự kiện lớn. Đó là những thành quả bước đầu của hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của TP Hà Nội, tạo tiền đề, mục tiêu cho hướng phát triển mới của Thủ đô trong thời gian tới. Nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của thành phố, xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt và ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025 tại Quyết định số 4889/QĐ - UBND. Trong đó, ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Mục tiêu của đề án là thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng, nhất là sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức thành phố; Kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của thành phố để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung, để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2025, đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng... Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 với tổng kinh phí hỗ trợ là 312,9 tỷ đồng, trích từ ngân sách của thành phố. Điều kiện tham gia Đề án là người đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện tham gia Đề án có thể tiếp cận và liên hệ trực tiếp với Cơ quan thường trực của Đề án là Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để được hướng dẫn, nộp hồ sơ xin hỗ trợ hoặc tuyển chọn đơn vị thực hiện, triển khai các nhiệm vụ của đề án. Trong khuôn khổ Hội thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã công bố quyết định công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hà Nội. Mai Thảo - Phương Thanh

Hà Nội: Biểu dương 20 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng

TĐKT - Mới đây, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2017 - 2018 đến nay. Tại Hội nghị, UBND TP  Hà Nội đã khen thưởng 11 tập thể, 9 cá nhân có thành tích trong việc thực hiện thí điểm chương trình. Năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS tham gia chương trình đào tạo song bằng cho học sinh Thủ đô. 8 trường THCS, THPT triển khai thí điểm chương trình này: THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (cả 2 khối THPT và THCS), Trường THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Thanh Xuân. Đề án thí điểm đào tạo song bằng là bước đi tiên phong của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong thời kỳ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Đề án sau 3 năm triển khai thực hiện đã dần đi vào ổn định, nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần giữ vững niềm tin của xã hội đối với một mô hình đào tạo quốc tế mới tại một số trường công lập Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho 11 tập thể Sau 3 năm thực hiện đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập ở Hà Nội, đến nay, chương trình cho thấy sự phù hợp trong giai đoạn đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô. Học sinh các trường THPT, THCS học chương trình song bằng có chất lượng tốt, chính vì vậy, số học sinh dự thi và có nguyện vọng học chương trình song bằng ngày một đông hơn. Nhiều trường ngoài công lập đã song song với các trường công lập tổ chức dạy học chương trình song bằng. Học sinh tham gia học tập chương trình song bằng tự tin khi học tập, kết quả học tập tốt. Đặc biệt, năng lực ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, học tập, nghiên cứu bằng ngoại ngữ của học sinh được nâng lên. Học sinh các lớp song bằng tham gia nhiều kỳ thi quốc tế, khu vực đạt kết quả tốt. Các trường dạy song bằng đã tạo ra môi trường học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả cao cho đội ngũ giáo viên là người Việt Nam đang giảng dạy chương trình Việt Nam; được nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại diện Tổ chức Cambridge (Anh) và các thành viên đã tham gia Chương trình đào tạo song bằng. Sau 3 năm thực hiện, có thể nói, Chương trình này đang đi đúng hướng và được nhiều phụ huynh, học sinh đánh giá cao; các tiêu chí và tiêu chuẩn đều cao hơn hệ chương trình Cambrigde quốc tế. Để triển khai chương trình sâu rộng hơn nữa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội cần đưa ra đánh giá mặt được và chưa được của Chương trình cũng như đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Qua đó, báo cáo Bộ GD&ĐT, đề xuất tiếp tục trong năm học 2020 - 2021 và nhân rộng ra các trường THPT, THCS có đủ điều kiện. Trong quá trình xây dựng Đề án, các chuyên gia và Sở GD&ĐT đã có sự tham khảo ý kiến các phụ huynh, học sinh. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cần xem xét đưa chế độ tự chủ cho các trường nhưng có trong quy định và có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, học sinh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kỹ chương trình Cambrigde và chương trình quốc tế khác trên địa bàn thành phố, để trên cơ sở đó, tích hợp đưa ra một chương trình phù hợp nhất. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu, Sở GD&ĐT cần triển khai tin học hóa trong giáo dục; khẩn trương xây dựng kế hoạch đưa môn Tin học là môn bắt buộc trong các trường THPT, THCS; mạnh dạn đưa tin học lập trình, công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo… vào các trường THPT trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những công nghệ chính trong thời đại 4.0 Nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn được coi là một trong 3 khâu đột phá của thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: “Nếu muốn 10 - 15 năm nữa có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thì ngay từ cấp 1, 2, 3, chúng ta phải đào tạo học sinh là người có sức khỏe, trí tuệ, đạo đức, đủ năng lực toàn diện”. Đồng thời, khẳng định, định hướng giáo dục Thủ đô trong 5 năm tới là có số lượng trường THPT, THCS đạt chuẩn quốc tế và dẫn đầu ASEAN. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình đào tạo song bằng này còn khó khăn. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT cần có kế hoạch lựa chọn giáo viên, đào tạo ngắn hạn; hợp tác với các trường đại học như RMIT trên địa bàn để lấy giáo viên đưa vào giảng dạy. Cùng đó, sớm nghiên cứu, đưa vào áp dụng, đánh giá việc khảo thí ở Hà Nội đơn giản hơn nhưng lại chất lượng hơn… Tại Hội nghị, đại diện tổ chức Cambridge Assessment International Education đã chính thức công bố mã trường Cambridge - VN 238 cho Trường THPT Chu Văn An. Mai Thảo

Biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo Thủ đô

TĐKT - Ngày 29/10, tại Hà Nội, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo Thủ đô lần thứ V giai đoạn 2015 - 2019. TP Hà Nội hiện nay có 491 xứ, họ đạo với 406 nhà thờ và hơn 190.000 giáo dân (chiếm 3% dân số thành phố), sinh sống ở 337/584 xã, phường, thị trấn, trong đó có 39 thôn công giáo toàn tòng của 27 xã, thị trấn ở 12 huyện. Trong những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội và đồng bào công giáo Thủ đô đã tích cực triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc phát động, gắn với phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”, phong trào “Mỗi người công giáo Thủ đô là một công dân tốt”, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Khen thưởng các điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo Thủ đô Trong giai đoạn 2015 - 2019, đồng bào công giáo Thủ đô tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng xã hội tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng bào công giáo các quận, huyện đã tích cực ủng hộ. Nhiều bà con công giáo ở các xứ, họ đã hiến đất, mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường giao thông nông thôn nội đồng, tiêu biểu như 40 hộ giáo dân Giáo họ Đại Bằng, huyện Đông Anh đã tự nguyện hiến 2.140 m2 đất ruộng để mở rộng đường giao thông nông thôn; gia đình ông Nguyễn Quang Tình, ông Nguyễn Văn Giới, ông Nguyễn Văn Đông tự nguyện hiến 410 m2 đất thổ cư để mở đường dân sinh. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều xứ, họ nơi có đông đồng bào công giáo được công nhận danh hiệu “làng văn hóa” và được duy trì giữ vững nhiều năm liền như: Huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai… Đồng bào công giáo Thủ đô cũng tích cực tham gia các cuộc vận động như: Ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo”, quỹ “Bảo trợ trẻ em”, quỹ “Vì biển đảo Việt Nam” do chính quyền và MTTQ các cấp phát động với tổng số tiền ủng hộ các quỹ hơn 10 tỷ đồng. Ghi nhận những đóng góp, thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phong trào thi đua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hà Nội đã tặng kỷ niệm chương đồng hành cùng dân tộc cho 35 cá nhân có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đồng hành cùng dân tộc; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 29 cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến” trong đồng bào Công giáo Thủ đô lần thứ V, giai đoạn 2015 - 2019. Mai Thảo  

Hà Nội tuyên dương 86 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2019

TĐKT - Ngày 28/10, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tới dự. Năm 2019 là năm thứ 17 liên tiếp TP Hà Nội tổ chức tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Năm nay, thành phố tuyên dương 86 Thủ khoa xuất sắc. Trong đó, 54 Thủ khoa có kết quả học tập đạt loại xuất sắc; 32 Thủ khoa có kết quả học tập đạt loại giỏi; 35 Thủ khoa xuất sắc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; 16 Thủ khoa xuất sắc là cán bộ Đoàn, Hội. Đặc biệt, có 7 sinh viên vừa là Thủ khoa tuyển sinh đại học, vừa là Thủ khoa tốt nghiệp. Các Thủ khoa thực sự là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện. Nhiều gương mặt nổi trội như “Thủ khoa kép” Vũ Quỳnh Hoa (Trường Đại học Tài nguyên Môi trường) là sinh viên đạt kết quả xuất sắc trong tất cả các kỳ học. Thủ khoa Nùng Văn Minh (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tặng bằng khen vì có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện liên tiếp 2 năm 2015, 2016. Nhờ năng động, tự tin, Thủ khoa Nguyễn Thị Hồng Vân (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt nhiều bằng khen, học bổng, là đại biểu Việt Nam tham dự “Diễn đàn Sinh viên châu Á với vấn đề về môi trường 2018” tại Malaysia. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương 86 Thủ khoa tiêu biểu 2019 Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý biểu dương và chúc mừng thành tích học tập, rèn luyện của các Thủ khoa xuất sắc. Đồng chí nhấn mạnh: Đây thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao, là tài sản vô giá, nguồn nguyên khí quý báu của Thủ đô và đất nước. Các em là đại diện tiêu biểu nhất cho một lớp trí thức trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, đam mê học tập, nghiên cứu, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Trong 16 năm qua, đã có 1.705 Thủ khoa xuất sắc được ghi danh vào sổ vàng của thành phố. Các Thủ khoa sau khi được tuyên dương tiếp tục tỏa sáng và khẳng định mình trên con đường lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự phát triển khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Đồng chí mong rằng, các thủ khoa được tuyên dương hôm nay hãy coi đây là bước khởi đầu để tiếp tục trau dồi và không ngừng tiến bộ, tiếp tục phấn đấu học tập, nghiên cứu, đi đầu trong tiếp cận và ứng dụng các thành tựu tri thức, khoa học, công nghệ tiên tiến của nhân loại để khởi nghiệp, lập nghiệp, tiếp tục tu dưỡng đạo đức suốt đời theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần nỗ lực hết mình, đảm bảo sự hài hòa giữa sự phát triển cá nhân và đóng góp cho xã hội, không bao giờ được dừng bước trước những khó khăn, thử thách của đời sống. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, các cấp lãnh đạo luôn dành quan tâm lớn đến việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển bền vững. Đồng thời, sẽ luôn theo dõi, ủng hộ những bước phát triển, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp của các Thủ khoa trong thời gian tới. Thục Anh  

Hà Nội: Tặng Bằng khen cho học sinh dũng cảm cứu hai em nhỏ bị đuối nước

TĐKT - Ngày 21/10, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho em Phan Trung Hiếu, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vì đã có hành động dũng cảm cứu hai em nhỏ khỏi đuối nước. Được biết, khoảng 16h50, ngày 28/9, trên đường đi học về, em Phan Trung Hiếu và bạn cùng trường là Kiều Văn Phong (học sinh lớp 9B) nhìn thấy hai em nhỏ đang chới với giữa ao, thuộc cụm 2 xã Sen Chiểu. Đây là đoạn đường nối từ trường về làng, vắng người qua lại. Không hề đắn đo, em Hiếu đã nhảy xuống để cứu hai em, còn Phong ở trên bờ hô to để mọi người cùng đến hỗ trợ. Sau khi vớt được nạn nhân đầu tiên là em Lê Tuấn Đạt (sinh năm 2012) lên bờ, nhìn xuống ao không thấy em thứ hai đâu, Hiếu tiếp tục quay lại lặn tìm. Hiếu đã phải lặn sâu xuống đáy ao mò tìm, nắm được tay em Lê Việt Quang (sinh năm 2014) để đưa lên bờ. Khi lên bờ, em Quang đã trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu ngừng thở. Sau khi được người dân sơ cứu tại chỗ bằng nhiều cách, em Quang đã nôn ra nước, thở trở lại và được đưa đi cấp cứu. Hiện, sức khỏe của cả hai em Quang và Đạt đều ổn định.   Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang tặng Bằng khen UBND TP Hà Nội cho em Phan Trung Hiếu Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang biểu dương hành động dũng cảm và trí thông minh của em Hiếu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động, phong trào học tập, nhân rộng việc làm ý nghĩa của em Hiếu không chỉ trong lớp, trong trường Sen Chiểu mà còn ở các trường khác trong toàn huyện, toàn thành phố và trong cả nước. Phó Giám đốc Lê Ngọc Quang cũng bày tỏ mong muốn các học sinh rèn luyện, xây dựng nhân cách bản thân, biết thương yêu, giúp đỡ nhau và mọi người xung quanh bằng tấm lòng nhân ái, có trách nhiệm. Mỗi nhà trường sẽ là một môi trường đào tạo, giáo dục giá trị sống, xây dựng cái gốc, định hướng cho những hành động đẹp của học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bà Lê Thị Văn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sen Chiểu cho biết, ngay sau khi biết việc làm của học sinh Phan Trung Hiếu, nhà trường đã tổ chức biểu dương tinh thần dũng cảm, ý nghĩa nhân văn trong việc làm của em vào ngày 30/9. Qua đó, nhà trường mong muốn các học sinh trong trường học tập tấm gương của em và làm lan tỏa ý nghĩa nhân văn này ra toàn xã hội. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sen Chiểu cho biết thêm, nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng công tác dạy kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có môn bơi lội. Ngoài ra, các em cũng được rèn luyện về mặt đạo đức, xây dựng lối sống chan hòa, yêu thương, giúp đỡ nhau. Hưng Vũ  

Trang