TĐKT - Luôn trau dồi đạo đức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, là tấm gương “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” tiêu biểu năm 2019.
Muốn có một lớp học hạnh phúc phải kiến tạo một môi trường học tập - nơi mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hạnh phúc và cảm thấy hài lòng – đó là quan điểm dạy học của cô Thúy Liên. Cũng vì vậy, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, cô giáo nhiệt tâm luôn cố gắng tạo môi trường thoải mái để các em thấy hạnh phúc.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Nhận thức được điều đó, nên cô Liên cùng các đồng nghiệp trong trường tham gia thi thiết kế bài giảng E-Learning để tạo thêm những sản phẩm hữu ích cho học sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu. Không những thế, cô còn trăn trở tìm hiểu và mạnh dạn thiết kế phần mềm quản lý thư viện, phần mềm quản lý học sinh.
Chân dung cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên
Kết quả, phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” của cô và đồng nghiệp trong trường đã được ghi nhận tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo TP Hà Nội lần thứ IV năm 2018.
Đây là phần mềm được xây dựng trên mã nguồn mở (Apache, PHP và MySQL), sử dụng môi trường web hoặc cài đặt chạy trên server ảo bằng phần mềm xampp. Chia sẻ về sản phẩm của sự tâm huyết, sáng tạo, cô Liên cho biết, hệ thống RFID gồm hai thành phần chính: Thẻ RFID có gắn chip silicon và ăng ten radio. Đầu đọc reader cho phép giao tiếp với thẻ RFID qua sóng radio ở khoảng cách trung bình từ 0,5 - 30 mét, từ đó truyền dữ liệu về hệ thống máy tính trung tâm.
“Phần mềm này giúp quản lý học sinh dễ dàng, vì học sinh có thẻ chỉ cần đi qua cổng từ là có thể nhận diện và điểm danh. Tính năng này sẽ khắc phục hiện tượng ùn tắc ở các điểm đặt đầu đọc thẻ vào đầu giờ khi học sinh đến trường. Phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” giúp tự động hóa rất nhiều hoạt động trong môi trường học đường và đảm bảo an ninh tốt nhất cho học sinh”, cô Liên chia sẻ.
Với những tính năng và sự ưu việt hơn hẳn so với các phương pháp quản lý học sinh khác như: Sử dụng bảng tính hay “bảng chấm công”, quản lý bằng vân tay, quản lý bằng thẻ…, phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” của cô và đồng nghiệp đã được đánh giá cao và đạt giải nhất cuộc thi thiết kế phần mềm ứng dụng trong Ngày hội công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo Hà Nội.
Không chỉ nhiệt huyết trong công tác chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên còn là một nhà giáo tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng.
Cô Nguyễn Thị Thúy Liên (ở giữa) tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo TP Hà Nội lần thứ IV năm 2018
Trong những kỷ niệm làm giáo viên chủ nhiệm của mình, cô giáo trẻ nhớ mãi em học sinh Hoàng Công Minh có hoàn cảnh gia đình vô cùng đặc biệt. Bố mẹ Minh bỏ đi biệt tích, em sống với ông bà nội sức khỏe đã yếu, không có thu nhập ngoài tiền trợ cấp của các quỹ bảo trợ xã hội. Cô kể: “Em lớn lên đã thiếu thốn tình cảm, nên tâm sinh lý đôi khi bất ổn, hay hiếu động, nghịch ngợm. Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình và tâm sinh lý đang độ tuổi phát triển của em, tôi luôn theo sát bảo ban và hướng dẫn để em vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập”.
Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cô Liên đánh giá học sinh đã có hiểu biết nhất định về thế giới quan. Vậy nên nếu chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa thì chưa đủ. Theo đó, trong giờ học, cô luôn khuyến khích các em nói ra suy nghĩ của bản thân về những kiến thức trong bài.
“ “Đừng sợ sai, đừng lo các bạn khác cười câu trả lời của mình!” - Đó là câu nói mà tôi thường xuyên nhắc học sinh của mình. Chú ý lắng nghe, tôn trọng câu trả lời hay những chia sẻ của các em, sau đó tôi mới giải thích, dẫn dắt các em đến tri thức.” - cô Liên chia sẻ.
Theo cô Liên, để xây dựng được lớp học hạnh phúc, cần sự thay đổi của cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của mình; thay đổi bản thân để rút ngắn khoảng cách thầy và trò; thay đổi để vươn tới một môi trường học tập mà có thể khơi dậy tâm huyết của người thầy, sự tự tin, hào hứng, say mê của học trò.
Một số thành tích tiêu biểu của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên - Liên tục đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp quận từ năm học 2008 - 2009 đến nay. - Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” năm học 2016 - 2017, 2017 - 2018. - Giấy khen giải Nhất cuộc thi “Thiết kế phần mềm quản lý thư viện” cấp quận năm học 2017 - 2018. - Giấy khen giải Nhất cuộc thi Phần mềm ứng dụng trong Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội lần thứ IV, năm 2018. - Giấy khen danh hiệu “Điển hình tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2018 của Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân. - Giấy khen về Công tác Đội và phong trào thiếu nhi quận Thanh Xuân năm học 2017 - 2018. |
Kim Anh – Thu Ngà