Hà Nội thi đua ái quốc

Chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam ủng hộ chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Covid - 19

TĐKT - Ngày 28/4, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ số tiền 100 triệu đồng cho công tác phòng, chống covid – 19 từ Cựu chiến binh Truyền thống 3 chiến dịch Lịch sử Việt Nam. Đặc biệt trong những cựu chiến binh đó, có thương binh Ngô Xuân Chiến, là chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam hiện đã 80 tuổi, đang sống tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ngoài chung tay cùng đồng đội, ông đã mang toàn bộ số tiền hỗ trợ người cao tuổi quý I/2020 của mình để mong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển tới những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tiếp nhận ủng hộ từ thương binh Ngô Xuân Chiến Thương binh Ngô Xuân Chiến chia sẻ, là người trải qua sự khốc liệt của trận chiến Mậu Thân năm 1968, chúng tôi hiểu rõ những gian nguy, những nhọc nhằn trước bom đạn của kẻ thù, nhưng có khó khăn đến đâu thì bằng sức trẻ, bằng niềm đam mê của tuổi thanh xuân chúng tôi đều quyết tâm đứng lên, giành lại độc lập cho dân tộc. Nhưng những ngày này, thấy đất nước đang phải đối diện với một thứ giặc vô hình - đó là giặc dịch, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm ấy không thể ngồi im và đều tự nhủ phải đóng góp một phần nào đó cùng đất nước, cùng Tổ quốc vượt qua những khó khăn này. “Số tiền hỗ trợ này tuy nhỏ nhưng tôi gửi tới Mặt trận với cả niềm tin, cả tinh thần chiến đấu của người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, mong Mặt trận sẽ gửi tới những “chiến sĩ” giữa thời bình đang ngày đêm căng mình chống dịch và tiếp thêm nguồn lực giúp những chiến sĩ ấy sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh để mỗi người dân chúng tôi được quay trở về cuộc sống bình yên”, ông Ngô Xuân Chiến bày tỏ. Những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp này sẽ là động lực để nhân dân cả nước đồng tâm, hiệp lực chiến thắng dịch bệnh Covid – 19. Mai Thảo  

Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh

TĐKT - Chiều 28/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 28/4 Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đúng đắn, chi phí thấp, được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Trong tuần qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó, đối với hai huyện Mê Linh và Thường Tín thì thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; đối với các quận, huyện còn lại thuộc diện nguy cơ thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như Chỉ thị số 19 của Thủ tướng… Với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và triển khai đồng bộ các giải pháp trên địa bàn, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; các quận, huyện trên địa bàn thành phố không phát sinh ca mới; thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly theo quy định. Trong đó, cách ly tập trung chỉ còn 412 người, cách ly tại cộng đồng 4.040 người. Song song với đó, thành phố tiếp tục rà soát cơ sở vật chất theo hướng tiết kiệm, chủ động khi có tình huống xảy ra. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị, đến thời điểm các ổ dịch kết thúc mà không có ca nhiễm mới, đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương cho Hà Nội xuống nhóm nguy cơ thấp, tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp trong tình hình mới. Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, ngay sau khi nhận được Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã triển khai rà soát. Qua rà soát, các quận, huyện có 1.477.000 đối tượng theo Nghị quyết 42 cần hỗ trợ, dự kiến kinh phí khoảng 3.520 tỷ đồng. Dự kiến trong chiều nay (28/4), TP Hà Nội triển khai ban hành quyết định triển khai cho 4 đối nhóm tượng: Đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo (dự kiến khoảng 414.000 người với kinh phí là 505 tỷ đồng). Như vậy, các đối tượng này sẽ được hưởng hỗ trợ của Chính phủ cũng như của thành phố Hà Nội trước ngày 30/4/2020. Hưng Vũ  

Bảo hiểm xã hội quận Long Biên: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm

TĐKT - Trong thời gian qua, BHXH quận Long Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng, người lao động và nhân dân trên địa bàn do đó đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tự nguyện ngày một tăng cao. Minh chứng rõ nét cho nhận định trên là kết quả hoạt động trong năm 2018, 2019 mà BHXH quận Long Biên đạt được trên các mặt công tác trọng tâm như phát triển đối tượng tham gia BHXH, số thu các loại bảo hiểm, giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm, giải quyết các chế độ chính sách... Cán bộ, viên chức BHXH quận Long Biên Theo đó, năm 2018 tổng số đơn vị tham gia BHXH là 4.558 đơn vị; số người tham gia BHXH là 65.939 người, BHYT là: 215.367 người, BHTN là: 63.897 người; BHXH tự nguyện là: 834 người. Trong năm 2019, phát triển thêm được 5.450 đơn vị tham gia BHXH; số người tham gia BHXH là: 70.641 người, BHYT là: 237.890 người, BHTN là: 69.382 người đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88.9% dân số trên địa bàn. BHXH tự nguyện là: 1.303, tốc độ tăng BHXH tự nguyện (ít nhất tăng 30% so với năm 2018) hoàn thành theo Quyết định 6568 của UBND quận Long Biên. Bên cạnh đó, BHXH quận cũng tập trung vào việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tại các đơn vị ngoài nhà nước: Năm 2018 đã khai thác phát triển mới được 915 đơn vị với 6.188 người. Năm 2019 đã khai thác phát triển mới được 891 đơn vị với 13.403 người. Công tác thu luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm BHXH quận Long Biên đã áp dụng nhiều giải pháp trong việc đốc thu, giảm nợ, tham mưu với Ủy ban nhân dân quận trong việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với các ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện đối chiếu số tiền nợ và thông báo đôn đốc thu thường xuyên đối với các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc và sự nỗ lực cố gắng của viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, kết quả thu BHXH, BHYT, BHTN của BHXH quận Long Biên đều hoàn thành vượt mức kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội giao. Năm 2018, số thu BHXH, BHYT, BHTN là 1.584 tỷ 061 triệu đồng, đạt 100.04% kế hoạch BHXH thành phố giao. Số thu BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và thu tự nguyện là: 1.826 tỷ 647 triệu đồng phấn đấu đạt 105% kế hoạch BHXH thành phố giao. Năm 2019, số thu BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và thu tự nguyện là: 1.826 tỷ 647 triệu đồng, phấn đấu đạt 105% kế hoạch BHXH thành phố giao. Về công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT: Năm 2018 cấp sổ cho 11.241 trên tổng dân số toàn quận quản lý là 255.968 người. Thực hiện CV4027, đến 30/9/2018 toàn quận đã thực hiện đạt 100% cấp lại sổ BHXH. Số lượng người dân có thẻ trên địa bàn quận là 226.119 trong đó số thẻ được in trên toàn quận năm 2018 là 163.531 người. Năm 2019 cấp sổ cho 9.980 sổ BHXH. Số lượng người dân có thẻ trên địa bàn quận là 239.275 thẻ BHYT, trong đó số thẻ được in trên toàn quận năm 2019 là 72.292 người. Việc giải quyết chế độ BHXH đúng đối tượng, đúng mức hưởng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ thời gian. Năm 2018 giải quyết chế độ cho 58.479 lượt người; năm 2019 giải quyết chế độ cho 59.221 lượt người. Công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn không thất thoát. Trong đó, BHXH quận đã tham mưu với UBND quận ký văn bản chỉ đạo tổ chức chi lương hưu qua hệ thống Bưu điện; phối hợp với Bưu điện, UBND các phường thực hiện có hiệu quả kỳ chi lương hưu, tạo thuận lợi cho người dân. Thực hiện công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, BHXH, quận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trong việc thực hiện giám định chi phí KCB, đồng thời kiểm soát chi phí và chống hiện tượng lạm dụng quỹ KCB BHYT. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc và thực chất đã kịp thời phát hiện, thu hồi tiền nợ BHXH. Cùng với việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, BHXH quận Long Biên đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành, triển khai ứng dụng phần mềm "một cửa điện tử", phần mềm quản lý và điều hành văn bản. Có lắp đặt camera giám sát trong công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông”. Đến nay, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ bằng phần mềm đã đi vào ổn định, đáp ứng được việc luân chuyển hồ sơ liên thông giữa các bộ phận, giữa BHXH quận với BHXH thành phố. Số đơn vị thực hiện đăng ký giao dịch điện tử đạt 98%, đảm bảo tiết kiệm thời gian kê khai BHXH cho doanh nghiệp, giảm 90% số người đến giao dịch tại BHXH quận. Cán bộ của BHXH quận Long Biên tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa Công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN được BHXH quận thực hiện thường xuyên, liên tục qua nhiều kênh truyền thông khác nhau như: Phối hợp với các các cơ quan báo chí để tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; trả lời hỏi đáp của người tham gia BHXH, BHYT; trực tiếp đăng tin bài trên cổng thông tin điện tử; phối hợp với Ban Tuyên giáo quận, Liên đoàn Lao động quận tổ chức các hội nghị, hội thảo, đối thoại về chính sách BHXH... Qua đó, người lao động và nhân dân toàn quận nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT. Để góp phần tạo nên những thành tích trong công tác, bên cạnh sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức thì lãnh đạo BHXH quận Long Biên luôn xác định các phong trào thi đua là một động lực quan trong khích lệ người lao động không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Bởi vậy, hằng năm, BHXH quận Long Biên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do BHXH thành phố Hà Nội, UBND quận phát động. Tiêu biểu như phong trào thi đua năm 2018 và năm 2019 với chủ đề “Trách nhiệm, hiệu quả vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Thủ đô”; các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, thi đua hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào lớn trong cả nước như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2020 BHXH quận Long Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn./. Thu Phương

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kiến nghị giảm mức giãn cách xã hội sau 22/4

TĐKT - Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể về việc khoanh vùng dập dịch Covid-19 ở Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định tình hình được kiểm soát tốt và đề xuất đến 22/4, nếu không có ca mắc mới, Hà Nội được điều chỉnh ra khỏi nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ cao, giảm mức độ giãn cách xã hội; thực hiện phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giảm mức độ giãn cách xã hội sau 22/4 Chiều 20/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 trong thời gian tới. Báo cáo Thủ tướng về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, tại ổ dịch Hạ Lôi, huyện Mê Linh, thành phố đã tiếp tục khoanh vùng cách ly thôn Hạ Lôi theo quy định. Thành phố cũng đã tiến hành xét 12.673 người ở xã Mê Linh; phát hiện 5 ca dương tính (từ trước tuần trước); 12.668 người âm tính. Các trường hợp tiếp xúc gần F1 có 734 trường hợp tại ổ dịch Hạ Lôi, chỉ có 7 ca dương tính ở giai đoạn trước và 727 âm tính hiện nay đã cách ly tại các cơ sở tập trung theo đúng quy định; 1.793 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh đến thời điểm hiện nay đều âm tính. Về ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), đến nay, 50 trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm âm tính; 1.196 người trong tâm ổ dịch cũng có xét nghiệm âm tính... Trong 2 ngày qua, Hà Nội cũng tổ chức lấy 1.064 mẫu là các trường hợp tiểu thương kinh doanh tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính. Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tốt; nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng đã giảm dần... Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất, đến 22/4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát được Hà Nội thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Trung ương có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội ở Thủ đô; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy, công trường, các loại hình kinh doanh khác được hoạt động để tại các địa phương thống nhất triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đề xuất tương tự như Hà Nội và kiến nghị Thủ tướng sớm có chỉ thị mới để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế. Tại Hội nghị, ý kiến của các bộ ngành cũng đồng tình với việc giảm mức độ giãn cách xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tùy tình hình thực tế để gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách mạnh mẽ trên tinh thần không chủ quan nhưng cũng sẵn sàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh... Mai Thảo

Nắm bắt tình hình công tác phòng, chống dịch Covid – 19 tại Hà Nội

TĐKT - Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Thư kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội, thực hiện trách nhiệm đại biểu Quốc hội, ngày 14/4, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tới làm việc, nắm bắt tình hình công tác phòng, chống dịch tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất và Phúc Thọ (Hà Nội). Tại nơi đến, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND đã báo cáo công tác phòng, chống dịch tại địa phương, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương... Đồng chí Ngọ Duy Hiểu tặng quà cho huyện Ba Vì, Hà Nội Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống dịch của địa phương và đơn vị, góp phần vào kết quả chung trên địa bàn cũng như của thành phố. Đồng chí đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, động viên nhân dân đoàn kết vượt qua khó khăn. Cùng với đó, quan tâm giải quyết nguyện vọng nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trong mọi tình huống.  Đối với gói hỗ trợ của Chính phủ, cần triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đồng chí cũng đề nghị công đoàn các cấp trên địa bàn cần vào cuộc tham gia giám sát việc thực hiện chính sách cho người lao động. Song song với phòng, chống dịch, chính quyền các cấp cần sớm có giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn “hậu COVID-19”. Dịp này, đồng chí đã trao tặng tổng số 20.000 khẩu trang; 1.250 nước rửa tay sát khuẩn nhằm hỗ trợ cán bộ, nhân dân, người lao động tại địa phương phòng, chống dịch. Thăm và động viên cán bộ, đoàn viên Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, đồng chí đánh giá cao công tác phòng hộ chủ động cho cán bộ nhân viên y tế và chăm sóc bệnh nhân; chăm sóc đối tượng cách li y tế... Đồng chí mong Bệnh viện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, đồng chí đã trao tặng 30 triệu đồng, 400 khẩu trang y tế cho Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Cẩm Tú

“Triệu bữa cơm” đến với người dân “xóm chạy thận”

TĐKT - Sáng 13/4, Chương trình “Triệu bữa cơm” đã trao 1.200 gói thực phẩm cho người dân tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đang chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Chương trình là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình mong muốn kêu gọi sự lan tỏa yêu thương của cả cộng đồng và xã hội để có một triệu suất ăn hoặc hơn thế nữa, trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, như một hành động thiết thực và nhân ái trong giai đoạn hiện nay. Chương trình được triển khai tại 5 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao quà cho người dân ở xóm chạy thận Cụ thể trong ngày đầu ra quân, chương trình đã trao tận tay 600 suất thực phẩm dùng trong 3 ngày bao gồm gạo, thịt và rau xanh cho 200 bệnh nhân chạy thận và người nhà có hoàn cảnh khó khăn tại “xóm chạy thận” (Hà Nội) với các gói thực phẩm hỗ trợ. Ngoài ra, 600 gói thực phẩm tương tự cũng đã được trao cho người già neo đơn, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường 1, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - cứ 3 ngày một lần trong vòng 15 ngày, thanh niên tình nguyện sẽ tiếp tục trao quà tại đây cho người dân. Các điểm trao quà đồng loạt sẽ được thực hiện sớm trong tuần. Trao tặng quà trực tiếp cho người dân tại xóm chạy thận, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: “Việc triển khai Chương trình ‘Triệu bữa cơm’ là một trong những hành động cụ thể và thiết thực của Hội LHTN Việt Nam, hội viên, thanh niên trong việc đồng hành cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19. Các thanh niên tình nguyện triển khai phân phát trực tiếp tại nhà và tại các điểm trao tặng ở cơ sở những túi thực phẩm đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người vô gia cư, công nhân, lao động tự do mất việc làm, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, trợ giúp người dân sớm vượt qua đại dịch COVID-19”. 300 suất quà là các nhu yếu phẩm dùng hàng ngày đã được trao tận tay những bệnh nhân chạy thận. Món quà tuy không lớn nhưng ấm áp sự sẻ chia nhân ái của cộng đồng dành cho những con người kém may mắn trong xã hội. “Cuộc chiến với COVID-19 còn rất gian nan và diễn biến phức tạp, với tinh thần "tương thân tương ái", “lá lành đùm lá rách” những việc làm thiện nguyện vẫn đang được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, cùng nắm tay nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn và lan tỏa những giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”, anh Tuấn nói. Bà Nguyễn Thị Sinh (74 tuổi, quê Bà Vì, Hà Nội) hơn chục năm nay là cư dân của xóm để chăm sóc con gái Vương Thị Xuyên (34 tuổi) chia sẻ: Chi phí điều trị đã được hỗ trợ, song tiền thuốc men, sinh hoạt của hai mẹ con đều trông cậy vào tiền lương hưu 3 triệu/tháng khiến đời sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn. Sáng nay bà Sinh đưa con gái sang viện lọc máu ca 1, rồi quay về xếp hàng cùng với mọi người trong xóm nhận quà từ chương trình "Triệu bữa cơm". Nhận gói quà nhỏ có cân gạo, rau xanh, trứng... và nước khoáng, bà Sinh cảm động cảm ơn chương trình. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tình cảm và quà của chương trình “Triệu bữa cơm” trong những ngày dịch COVID-19 càng thêm quý, động viên tinh thần, vật chất cho những người như chúng tôi", bà Sinh nói. Cùng ngày, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cũng đã đến thăm, tặng quà y bác sĩ tại Bệnh viện Thận Hà Nội. Mai Thảo  

Hà Nội quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”

TĐKT - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 ở mức thấp nhất và tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước 1,3%. Công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19 vào sáng 10/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, cần song hành việc tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác tác phòng, chống dịch với bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại kinh tế, đồng thời tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng như Thủ tướng đã nói khi tình hình dịch bệnh ổn định thì “nền kinh tế sẽ bật mạnh như lò xo nén lâu ngày”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, có các giải pháp kịp thời và rất sắc bén Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Hà Nội cam kết với Thủ tướng, Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương trên địa bàn để triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng các chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng ban hành”, Bí thư Thành ủy khẳng định. Về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, quý I/2020, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của Thủ đô vẫn đạt 3,72%; ngân sách nhà nước đạt khoảng 72.600 tỷ, bằng 26,5% tổng dự toán. Về nông nghiệp, năm nay, thành phố quyết tâm đạt tăng trưởng 4,04%, trên cơ sở tái đàn lợn nâng lên 1,8 triệu con; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái cơ cấu lại ngành trồng trọt; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau củ quả; rà soát sử dụng tối đa, triệt để các đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Đầu năm nay, Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay vốn, giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra. Các lĩnh vực khác như thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, ngành công nghệ thông tin liên quan đến 4.0… Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách. Hà Nội nêu kiến nghị, đề xuất “xác đáng” Để có thể đạt được “mục tiêu kép”, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiến nghị một số vấn đề để tháo gỡ những vướng mắc ở Thủ đô, nhằm đảm bảo phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Những kiến nghị của Hà Nội rất xác đáng”. Cụ thể, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào hoạt động của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng như một số dự án trọng điểm về giao thông khác. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP Hồ Chí Minh thực hiện. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới… Đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ. Đáng chú ý, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét tổ chức Hội nghị giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung: Cho ý kiến nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình về tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điều kiện thi... bởi đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy Vương Định Huệ, cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đã thực hiện tự chủ tài chính thì rất khó khăn do nguồn thu bị sụt giảm và đặc biệt là các lĩnh vực y tế và giáo dục sự nghiệp ngoài công lập. Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng, ở thành phố, riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng và sẽ triển khai quyết liệt, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo mức tăng trưởng và an sinh xã hội theo những chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng đặt ra” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội, Hải Phòng đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có các giải pháp kịp thời và rất sắc bén. Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội một cách nghiêm túc. “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện, chống nguy cơ đầu cơ nâng giá, tìm thị trường mới, biến "nguy" thành "cơ". Sau dịch Covid-19, làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Hưng Vũ  

MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận hơn 1,5 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Sáng 9/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì buổi tiếp nhận. Tại lễ tiếp nhận, 8 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, gồm tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Cụ thể: Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội ủng hộ 20 triệu đồng; Đoàn Nghệ thuật Hương sắc Việt ủng hộ 20 thùng găng tay y tế trị giá 18 triệu đồng; Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội T&T ủng hộ 4.800 hộp sữa, 2.000 khẩu trang, 1.000 bánh ngọt.  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan TP Hà Nội ủng hộ 2,5 tấn gạo, 2.000 khẩu trang trị giá 40 triệu đồng; Công ty TNHH Thành Long Lạng Sơn ủng hộ 2.000 thùng bánh quy trị giá 500 triệu đồng; Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà ủng hộ 500 thùng nước; Quỹ Từ thiện và Phát triển cộng đồng - HAPRO ủng hộ 40 triệu đồng; Công ty Cổ phẩn Hanel ủng hộ 10 bộ đèn đặt nội khí quản trị giá 910.429.000 đồng. Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội ủng hộ 20 triệu đồng Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phát huy trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng thành phố tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt với nhiều biện pháp mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã phòng tránh dịch Covid-19 bước đầu có kết quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận nhiều món quà bằng tiền và hiện vật và kịp thời chuyển tình cảm, tấm lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô tới các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch gồm: Các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị các cán bộ, đảng viên, công nhân nhân viên và các tầng lớp nhân dân cần nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31-CT/TU của Thành ủy và Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố và các quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tùy theo khả năng của mình phát huy trách nhiệm, cùng đồng hành với thành phố trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ủy ban Mặt trận thành phố cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển toàn bộ kinh phí, hiện vật tiếp nhận được để phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19 một cách công khai, minh bạch và kịp thời. Hưng Vũ  

Hà Nội kiểm soát tốt và làm chủ được tình hình dịch bệnh

TĐKT - Hà Nội hiện là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước (102 ca tính đến 14h chiều ngày 8/4), là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất trong cộng đồng. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng lòng, nhất trí vào cuộc chiến chống dịch của tất cả các đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn Thủ đô, đến nay, cơ bản Hà Nội đã kiểm soát tốt và làm chủ được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Kiểm soát tốt ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai Với phương châm “Rà soát càng nhanh càng tốt, xét nghiệm càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng kịp thời, đến nay Hà Nội đã kiểm soát tốt ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai. Người dân làm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại trường THCS Đống Đa Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai ở giai đoạn 1 với 15.461/15.461 trường hợp cho kết quả âm tính. “Với thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai rằng “từ ngày 10 - 28/3, các nhân viên công ty Trường Sinh chỉ ở trong khu vực bệnh viện, không ra ngoài” đã phần nào giúp chúng ta thở phào nhẹ nhõm hơn bởi nguy cơ lây nhiễm từ các nhân viên công ty Trường Sinh đã giảm bớt.” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định. Các trường hợp của công ty Trường Sinh cùng cán bộ, bác sĩ và y tá, điều dưỡng viên của Bệnh viện Bạch Mai xuống cơ sở 2 cũng đã được Bệnh viện Bạch Mai cách ly và xét nghiệm và phát hiện ngay vào ngày 27, 28/3. Tương tự, những trường hợp di chuyển lên trên Thái Nguyên cũng được phát hiện ngay. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhóm thứ hai là tất cả các cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai với xấp xỉ 4.000 người cũng đã được xét nghiệm lần thứ 2 và có những trường hợp đến nay đã được xét nghiệm lần thứ 3 và đều có kết quả âm tính. Với nhóm thứ 3 là các sinh viên, học sinh thực tập, học ở Bệnh viện Bạch Mai mà thành phố xác minh là 3.000 người thì đã có 2000 trường hợp xét nghiệm âm tính, 1000 trường hợp đang chờ kết quả. 1.592 bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới và các bệnh viện của Hà Nội cũng đã có xét nghiệm âm tính. Với các trường hợp liên quan như đến thăm bệnh nhân, trông nom và khám ngoại trú tại bệnh viện có 25.000 người, thì đã xét nghiệm được 16.000 người. Các trường hợp là xe ôm, lái xe taxi, bảo vệ đang khẩn trương xác minh. "Ổ dịch Bạch Mai từ 28/3 đến hôm nay, sau 10 ngày, chúng ta có thể nói là yên tâm tương đối. Yên tâm là chúng ta đang kiểm soát tốt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng ta đang phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Bạch Mai kiểm soát tốt tình hình và diễn biến của ổ dịch", Chủ tịch UBND thành phố nói. Tiếp tục chủ động xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dịch Tuy nhiên, theo Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, theo danh sách Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, ngoài số cán bộ y tế tại bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 10 - 28/3, hiện tại vẫn còn gần 5.000 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai ngoài cộng đồng chưa khai báo và chưa lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, đến thời điểm này, xuất hiện một số ca mắc mới, họ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên công tác khoanh vùng, xác định đối tượng cách ly, theo dõi ngày càng khó khăn. Điển hình như bệnh nhân 243 ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Qua rà soát, đã phát hiện thêm bệnh nhân 250 dương tính với SARS-CoV-2, là người bán hàng tạp hóa đối diện nhà bệnh nhân 243. Do đó, để kịp thời khoanh vùng dịch, xã Mê Linh đã quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với dân số 10.873 người.  Ngoài ra, qua rà soát các trường hợp F1, F2 có liên quan đến bệnh nhân 243, đến nay, quận Bắc Từ Liêm phát hiện 8 trường hợp F1 nhờ việc trích xuất camera ở chợ hoa Quảng Bá; 64 trường hợp F2 và 197 trường hợp F3. Quận Bắc Từ Liêm cũng đã lập danh sách, theo dõi 250 người kinh doanh bán hoa ở Tây Tựu và Liên Mạc có mối quan hệ với bệnh nhân 243. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, cùng với việc thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng, biện pháp duy nhất để phát hiện chính xác các ca nhiễm Covid-19 là xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm nhanh tại cộng đồng. Trong đó, ưu tiên xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ cao, như các trường hợp F1; người tham gia chống dịch, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Những trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai chưa được xét nghiệm, chưa cung cấp thông tin cần khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Trước mắt, là triển khai test nhanh tất cả người bán hoa ở các chợ liên quan đến bệnh nhân 243. Mai Thảo  

Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) ủng hộ 100 triệu đồng chống Covid-19

TĐKT - Hưởng ứng tích cực sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trong việc vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng nhiều hình thức khác nhau cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Trường Trung học phổ thông (THPT) Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội đã trao ủng hộ 100 triệu để cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Sáng 7/4, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã trao 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với đặc thù là trường THPT thực hiện tự chủ tài chính, Trường THPT Phan Huy Chú không chỉ nỗ lực vượt lên nhiều khó khăn để duy trì việc học trực tuyến cho học sinh mà còn mong muốn chung tay, chung sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So với khó khăn và nỗ lực của các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang thì những khó khăn của chúng tôi không thấm tháp gì. Chúng tôi tâm niệm rằng đã là đơn vị làm công tác giáo dục thì những việc làm vì cộng đồng rất có ý nghĩa. Ngoài sự cần thiết của chính hoạt động đó, chúng tôi luôn tự nhủ về sự cần thiết của nội dung giáo dục đối với học trò. Giống như ở mỗi gia đình, cha mẹ sống nhân ái, làm nhiều việc tốt thì con cái sẽ thấm được một cách tự nhiên, để sau này sẽ trở thành những người tốt vậy”. Trường THPT Phan Huy Chú là trường công lập chất lượng cao tự chủ tài chính với mục tiêu “Đào tạo công dân toàn cầu thế kỷ 21”. Những năm qua, nhà trường đã luôn chủ động, tích cực trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trường đã đầu tư mua bản quyền office 365 của Microsoft từ những năm học trước, việc dạy học trực tuyến từ lâu đã đi vào nền nếp, nên trong giai đoạn học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh hiện nay, nhà trường dễ dàng triển khai và bình thường hóa việc học trực tuyến miễn phí nhuần nhuyễn, đảm bảo chất lượng cho học sinh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động chung tay phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết, lan tỏa nét đẹp truyền thống dạy tốt, học tốt, tương thân tương ái của thầy - trò Trường Phan Huy Chú. Hưng Vũ

Trang