TĐKT - Ngày 27/6, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng; các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học; đặc biệt là hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội kiên trì thực hiện chỉ đạo của trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo. Đây đồng thời là giải pháp căn cơ để Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.
Báo cáo kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội từ năm 2016 đến nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước.
Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của thành phố tăng 7,39%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,74 triệu tỷ đồng, bằng 38,6% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm 2018 - 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 817 dự án trong nước, đạt 693,08 nghìn tỷ đồng; tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng, đóng góp khoảng trên 39% GRDP, giải quyết khoảng 83% tổng số lao động xã hội cho thành phố.
Số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6 - 2020, có khoảng 125 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ là 1,396 triệu tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng trưởng đạt 3,39%. Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ USD. Thu ngân sách 6 tháng ước xấp xỉ đạt 50% dự toán.
“Những kết quả đạt được của thành phố có dấu ấn và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt nhiều năm vừa qua. Sự đồng hành này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án.
Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.
Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…
225 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); nhóm 107 dự án đầu tư công của thành phố đang được 5 Ban quản lý dự án thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết Quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.
Đồng thời cũng tại Hội nghị này, TP Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).
UBND thành phố cũng công bố tại hội nghị Danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác an sinh xã hội và nộp ngân sách Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thủ tướng mong rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác an sinh xã hội và nộp ngân sách Nhà nước; Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tặng Cờ thi đua của thành phố cho 9 doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thuế, an sinh xã hội.
Mai Thảo