Hà Nội thi đua ái quốc

Hơn 2,1 triệu học sinh Thủ đô khai giảng năm học mới bằng hình thức online

TĐKT - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn, sáng 5/9, hơn 2,1 triệu học sinh Thủ đô đã tham gia Lễ khai giảng năm học mới bằng hình thức online. Điểm cầu chính của Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 được Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức tại Trường THCS Trưng Vương. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố theo dõi. Dự Lễ khai giảng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng. Cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội, cán bộ quản lý, giáo viên và một số học sinh. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, 100% đại biểu dự Lễ khai giảng trực tiếp đã thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Khu vực tổ chức Lễ khai giảng đã được phun khử khuẩn từ trước, các đại biểu ngồi đảm bảo giãn cách đúng quy định. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học 2021 - 2022 Sau nghi thức chào cờ, đại diện cho thầy, trò ngành Giáo dục Thủ đô, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương đã đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục và Đào tạo nhân dịp khai giảng năm học mới. Thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tặng hoa chúc mừng ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt thầy, trò ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận tình cảm và sự động viên của người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội gửi đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh Thủ đô trong ngày khai giảng năm học mới. Đây cũng là nguồn động viên to lớn để thầy, trò toàn ngành tiếp tục nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Phát biểu tại Lễ khai giảng đặc biệt năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã đạt được trong năm học 2020 - 2021. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định: Những kết quả trên là minh chứng rõ nét, thành tích rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm vươn lên của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cùng toàn thể học sinh Thủ đô. Các đồng chí lãnh đạo trao Bằng khen cho các học sinh đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021 Theo đồng chí Chu Ngọc Anh, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 2559/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó đã khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Một trong năm định hướng lớn là “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”; một trong ba khâu đột phá là “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, một trong mười bốn nhiệm vụ cụ thể là “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. “Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội luôn tin tưởng các em, luôn hy vọng các em sẽ biết xác định cho mình một mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn; tự trau dồi cho mình phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, đóng góp xứng đáng cho Thủ đô yêu dấu. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn. Để vượt qua, chỉ có thể đoàn kết hơn nữa, đồng sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, quyết tâm cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học mới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ TP Hà Nội với những định hướng mới rõ nét hơn, mang tầm cao hơn, để Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục có thêm nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã đánh hồi trống khai giảng năm học 2021 - 2022. Lãnh đạo thành phố trao Bằng khen cho các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua Đại diện cho hơn 2,1 triệu học sinh Thủ đô có mặt dự Lễ khai giảng trong bối cảnh đặc biệt, em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 9H, Trường THCS Trưng Vương bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn sâu sắc tới các cấp lãnh đạo TP Hà Nội, giữa bộn bề công việc phòng, chống dịch, chăm lo cuộc sống cho mọi người dân nhưng vẫn tổ chức cho học sinh một buổi lễ khai giảng trang trọng và ý nghĩa. Em cũng nhắn gửi tới các bạn học sinh TP Hà Nội rằng, mỗi chúng ta không nên nghĩ việc học trực tuyến chỉ là tạm thời, hãy coi đây là cơ hội để được trải nghiệm và phát triển kỹ năng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tự học, rèn luyện cho mình tính tự giác, kiên trì, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta được ở bên gia đình, được yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Nhân dịp Lễ khai giảng, các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã trao Bằng khen và phần thưởng của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho các em học sinh đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021. Cũng nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trao Bằng khen và phần thưởng của thưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong việc huấn luyện, bồi dưỡng cho các học sinh đạt giải. Mai Thảo

Hà Nội: Đã tiêm chủng được khoảng 32% dân số

TĐKT - Chiều 3/9, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Tính đến nay, Hà Nội đã tiêm chủng được khoảng 32% dân số”. Bà Hà cho biết, thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin theo phân bổ của Bộ Y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất và an toàn nhất cho người dân ở tất cả các địa phương theo hình thức cố định và lưu động. Thời gian tới, thành phố phấn đấu cam kết tiêm chủng đạt 150.000 mũi/ngày. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin để đạt độ bao phủ tiêm chủng. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin vào chiều 3/9 Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà: Tính từ 18h ngày 2/9 đến 12h ngày 3/9, Hà Nội ghi nhận 43 ca mắc mới, trong đó có 6 ca cộng đồng, 29 ca tại khu cách ly và 8 ca trong khu vực phong tỏa. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) Hà Nội ghi nhận 3.664 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.850 ca, 213 ca trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Qua công tác chủ động giám sát các ca ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 162 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, Hà Nội có 6 chùm ca bệnh phức tạp là các chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 412 ca mắc; phường Văn Miếu có 113 ca mắc, Văn Chương (Đống Đa) có 89 ca mắc; phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có 46 ca mắc; xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 17 ca mắc; chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) có 16 ca mắc. Trong đó, Thanh Xuân Trung có số ca mắc cao nhất nhưng về cơ bản đã được kiểm soát. Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm chỉ huy phụ trách từng lĩnh vực công tác như: Xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin, thu dung điều trị, hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ các khu cách ly tập trung… Về việc thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình. Sở Y tế cũng đã nâng quy mô điều trị, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng lên 20.000 giường. Tính đến nay, đã tiếp nhận và điều trị 3.428 bệnh nhân; hiện, còn hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị và 53 bệnh nhân nặng. Sở Y tế cũng đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để nâng cao sức khỏe. Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, Hà Nội đã triển khai ký hợp đồng với các bệnh viện công lập, ngoài công lập thuộc trung ương và thành phố tham gia công tác xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200 nghìn mẫu/ngày. Theo đó, trong những ngày qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm tất cả khu vực phong tỏa 2 - 3ngày/lần, khu vực nguy cơ cao 5 - 7 ngày/lần theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tổ chức xét nghiệm ở những khu vực tiếp giáp với khu vực nguy cơ cao, tiếp giáp khu vực phong tỏa, khu vực đông dân cư, khu tập thể cũ, chật hẹp…; thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: Shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị… Nhận định Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, việc thành phố triển khai thực hiện giãn cách thời gian qua là cơ hội để ngành y tế xét nghiệm sàng lọc diện rộng, bóc tách các ca F0, thực hiện tiêm chủng. Một số ca cộng đồng được ghi nhận ở địa bàn phức tạp như Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu, nơi có nhiều khu tập thể cũ, sử dụng nhà vệ sinh chung, nhiều ngõ ngách, liên thông đan xen… thì việc xét nghiệm diện rộng, từ đó khoanh vùng, truy vết, phát hiện sớm ca bệnh là rất quan trọng. Theo Giám đốc Sở Y tế, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội còn cao và khó lường, thể hiện ở việc lây nhiễm trong cộng đồng. Do Hà Nội là trung tâm giao lưu, dân cư cư trú, sinh hoạt đông, là nơi đặt nhiều trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Song, khi phát hiện F0, thành phố nỗ lực truy vết triệt để. Đồng thời, sắp tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng theo dịch tễ, theo nhóm nguy cơ và nguy cơ cao. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, “vùng xanh” vẫn có thể có các điểm nguy cơ, do đó, vẫn cần tổ xét nghiệm. Song song với đó, sẽ tổ chức xét nghiệm ở các “điểm nóng” bệnh viện, khu công nghiệp, siêu thị là nơi dễ phát hiện các ca trong cộng đồng; tổ chức tiêm vắc xin nhanh, kịp thời để Hà Nội sớm khống chế được dịch bệnh trong thời gian tới. Thục Anh

Hà Nội dự kiến 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường

TĐKT - “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dự kiến TP Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng” - Đó là thông tin được Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung đưa ra tại buổi họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tổ chức chiều 3/9. Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung thông tin tại buổi họp báo Theo đó, 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp là: Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16. Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định. Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố. Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã. Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan. Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân. Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của Tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h. Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố. Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước. Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực. Bước 2 là công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp. Bước 3 là công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân. Bước 4 là Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn. Với nhóm 2 và nhóm 6 cũng có 4 bước. Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...). Bước 2 cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức, cá nhân, gửi hồ sơ về Công an thành phố. Bước 3, Công an thành phố chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản. Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân. Mai Thảo

Từ 6/9 Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo 3 phân vùng

TĐKT - “Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo 3 phân vùng từ 06 giờ 00 ngày 6/9/2021 đến 6 giờ 00 ngày 21/9/2021.” – Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đưa ra tại cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều ngày 3/9. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi, có thể thấy dịch tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi. Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, thành phố quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Căn cứ các yếu tố mức độ nguy cơ của dịch, đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, thành phố thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng, chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tại hội nghị Theo đó, phân vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao. Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Các khu vực này tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”. “Sẽ tăng cường đội ngũ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo đặt hàng của người dân. Thực hiện tốt an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, giúp người dân an tâm phòng, chống dịch.” – ông Quyền cho biết thêm. Phân vùng 2: Là toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Trong phân vùng này, tại khu vực nguy cơ cao “vùng vàng” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực phân vùng 1, bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. Phân vùng 3: Là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Đó là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Ở những nơi này, theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng Phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. Ông Quyền cho rằng, cơ chế vận hành liên phân vùng hoạt động theo mục tiêu siết chặt phân vùng 1; kiểm soát luồng ra khỏi phân vùng 1 sang phân vùng 2 và phân vùng 3; đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại phân vùng 2, phân vùng 3. “Giảm thiểu tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng.” – ông Quyền chỉ rõ. Mai Thảo

Hàng nghìn túi “An sinh Công đoàn” đến với công nhân “3 tại chỗ” ở Thủ đô

TĐKT - Sáng 31/8, 2 chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” tiếp tục lăn bánh chở 1.114 túi “An sinh Công đoàn” tới công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Trưởng đoàn của chuyến là đồng chí Phạm Bá Vĩnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội. Cùng dự có đồng chí Lê Quang Long – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Mỗi túi “An sinh Công đoàn” trị giá 200.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, lạc. Tại Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam và Công ty TNHH HAL Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Bá Vĩnh đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”; thăm hỏi đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh trao 274 “Túi An sinh Công đoàn” cho đoàn viên, CNLĐ Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam Trực tiếp trao 494 suất quà cho đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ) 2 doanh nghiệp, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã gửi lời động viên, chia sẻ với người lao động. Những món quà của tổ chức Công đoàn hy vọng sẽ là nguồn động lực để đoàn viên, người lao động khắc phục những khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. 620 suất quà còn lại được cán bộ Công đoàn Hà Nội và Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chuyển tới đoàn viên, CNLĐ của 11 doanh nghiệp “3 tại chỗ” trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, anh Đặng Vũ Long – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, công ty đang duy trì 300 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, chia 5 ca làm việc, bố trí các phòng, trang bị màn, chăn, gối… cho công nhân ăn, ở tại công ty, đảm bảo quy định giãn cách để làm việc. Công ty còn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm của 4 bữa ăn cho công nhân mỗi ngày. Đại diện Công ty TNHH HAL Việt Nam nhận 220 “Túi An sinh Công đoàn” của LĐLĐ TP Hà Nội Đồng thời để sản xuất an toàn, công ty cũng đã phân khu vực làm việc độc lập, xét nghiệm PCR tần suất 3 ngày/lần cho công nhân lao động. Không cho công nhân ra khỏi nhà máy, không tiếp xúc với người ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện 5K… “Mặc dù rất nhớ gia đình, người thân vì công nhân phải ở lại, sinh hoạt tại doanh nghiệp trong thời gian khá dài nhưng chúng tôi cùng cố gắng khắc phục khó khăn bởi hiện tại có được việc làm, có thu nhập là điều may mắn. Hôm nay, nhận được  những món quà của tổ chức Công đoàn Thủ đô, CNLĐ cảm thấy an lòng hơn, những phần quà tạo động lực cho người lao động cố gắng lao động sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng dịch” - anh Long chia sẻ. Trước những khó khăn đang gặp phải, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục triển khai mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” chở những “Túi An sinh Công đoàn” đến trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đề nghị Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các công đoàn cơ sở doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để bảo vệ quyền lợi và kịp thời có các hoạt động chăm lo thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đồng chí cũng mong rằng, các doanh nghiệp và bản thân mỗi đoàn viên, người lao động cần cố gắng, luôn lạc quan để vượt qua những khó khăn, trước mắt giữ nhà máy an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống và tin tưởng vào sự đồng hành của tổ chức Công đoàn. Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Phi Thường thăm, tặng quà tại khu cách ly y tế tập trung đóng tại nhà nghỉ công đoàn Chùa Hương. Chiều cùng ngày, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã trao 1.000 suất cho CNLĐ thuộc huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức và thăm, tặng quà các trung tâm y tế trên địa bàn 2 huyện. Được biết, trước đó, ngày 25, 26, 27/8, chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ TP Hà Nội đã chở 2255 “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ đoàn viên và NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mai Thảo

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9/2021

TĐKT - Nhằm giữ vững thành quả, với quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp biểu quyết thống nhất trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến 6h ngày 6/9/2021. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội chiều ngày 20/8. Cuộc họp báo do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại họp báo Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc. Trong đó, 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát. Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa. Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian qua, thành phố đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân dân, nhiều cơ sở đã chủ động, tự nguyện thiết lập vùng xanh, huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. “Đây là việc làm rất hiệu quả giúp quản lý từ cơ sở và giảm gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu, huy động được sự vào cuộc của nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ. Qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Công an thành phố đã duy trì 23 chốt bảo vệ cửa ngõ, 44 chốt đường ngang, lối mở để kiểm soát lượng người di biến động ra vào Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn trên địa bàn Thủ đô. Cùng với công tác phòng, chống dịch, Hà Nội cũng đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, bám sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức có khó khăn. Tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng… Các vùng xanh an toàn tại Hà Nội Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: Nhờ cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn rất cao vì vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. “Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông. “Việc này thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng, chống dịch của thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ. Ngoài ra, Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của TP Hà Nội sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân Thủ đô. Mai Thảo

“Chuyến xe yêu thương” hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Thủ đô

TĐKT - Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngày 19/8, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội (CĐN) phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức “Chuyến xe yêu thương” đến hỗ trợ các cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) trong ngành gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.  “Chuyến xe yêu thương” đã trao tặng 200 “Túi an sinh công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tới 200 đoàn viên của 11 đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và kinh phí hỗ trợ cho 138 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi đoàn viên 1,5 triệu đồng. Đồng thời, trao tặng 4.000 khẩu trang và 40 lít dung dịch khử khuẩn của Sở GDĐT Hà Nội cho hai trường Mẫu giáo Mầm non B và Mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị. Tại các điểm trao quà, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Chính Hữu và Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, việc làm, chia sẻ với những khó khăn của CBGVNV, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chúc các nhà giáo khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19, chào đón năm học mới 2021 - 2022. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tặng quà cho giáo viên, nhân viên khó khăn tại các điểm trường. Chia sẻ về công tác chăm lo cho CBGVNV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, việc làm, thu nhập, Công đoàn Ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, quy định của trung ương, thành phố về phòng, chống dịch bệnh, triển khai hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công đoàn ngành đã tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình các nhà giáo và người lao động trong diện F0, F1, diện bị cách ly, phong tỏa, các nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là nhà giáo ở khối ngoài công lập và công lập tự chủ. “Đến nay, Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội thăm hỏi, động viên, tặng quà tới  320 đoàn viên khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người. Hỗ trợ 38 giáo viên khó khăn khối trực thuộc, mỗi giáo viên 1,5 triệu đồng. Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ các đoàn viên trong diện F0 mỗi người từ 2 - 4 triệu đồng. Tham mưu Liên đoàn Lao động thành phố tặng quà 100% CBGVNV 2 trường Mầm non B và Mẫu giáo Việt Triều trong Chương trình 4000 gói quà của Liên đoàn Lao động thành phố, mỗi suất quà 500.000 đồng. Thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp khai giảng năm học mới 300 suất quà với tổng số tiền 300 triệu đồng” -  Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà cho biết. Phát biểu tại các điểm trao quà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, những ngày này, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang dành sự quan tâm, chăm lo cho người lao động, trong đó có người lao động trong ngành Giáo dục. Thành phố Hà Nội đã có cơ chế đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe, ưu tiên tiêm vắc xin. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng như các phòng, ban trực thuộc cũng rất quan tâm đến những cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.  Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh: Những túi quà tuy nhỏ nhưng là tình cảm, sự động viên của Sở và Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô đối với các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời điểm hiện nay. Lãnh đạo Sở cũng mong muốn, các cán bộ, giáo viên sẽ cùng chung sức vượt qua những khó khăn trong thời điểm này để toàn ngành có thể sớm trở lại trạng thái dạy và học mới. Cũng trong ngày 19/8, “Chuyến xe yêu thương” do Công đoàn Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở GDĐT Hà Nội tổ chức đã trao tặng CBGVNV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các Trường PTCS Xã Đàn, TH Bình Minh, THPT Tây Hồ, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Hoàng Mai, 2 Công ty CP Sách và Thiết bị Giáo dục Hà Nội, Hà Tây, THPT Hà Đông. Thục Anh

Cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay đẩy lùi dịch bệnh

TĐKT – Ngày 17/8, Công an TP Hà Nội đã tổ chức phát động chiến dịch “Lực lượng Công an Thủ đô – Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố - Chung sức vì cộng đồng” và hành trình “Giọt máu nghĩa tình, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”. Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội... Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi lễ (ảnh: CAND) Phát động chiến dịch, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, với phương châm "Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô là chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong công an thành phố là pháo đài vững chắc, không bị lây nhiễm dịch COVID-19”, từng cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong mọi tình huống, linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trên địa bàn thành phố. Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, những chiến công, thành tích của lực lượng công an Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như bảo đảm an ninh, trật tự thời gian qua đã góp phần lan tỏa xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân trên tuyến đầu phòng, chống dịch và trận tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như các hoạt động chung tay vì cộng đồng. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu Công an TP Hà Nội cần tiếp tục chủ động và kiên quyết giữ vững “vùng xanh”, “Giữ vững bên trong - Bảo vệ vững chắc lan tỏa ra bên ngoài"; chủ động, sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết về việc tăng cường nguồn nhân lực, vật lực trong phạm vi có thể một cách cao nhất để phục vụ việc bảo vệ “vùng xanh” hoặc phối hợp xóa nhanh “vùng đỏ”… Cùng với đó, phải tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, nghiên cứu chuyên sâu về loại dịch bệnh này, nhằm thống nhất cao về nhận thức, nhận diện, nhận dạng và nhận biết một cách toàn diện về dịch, hậu quả, tác hại do dịch gây nên và tính hệ lụy, phương pháp, biện pháp phòng, chống trên thế giới, khu vực và ở trong nước. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh, nghiêm túc về những chủ trương, định hướng, phương pháp, giải pháp về công tác phòng, chống dịch của trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế và của Bộ Công an. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông và chủ động phản bác những thông tin xấu độc, phản tuyên truyền trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao… Nhân dịp này, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội đã tình nguyện hiến những đơn vị máu đầu tiên hưởng ứng chiến dịch chung sức vì cộng đồng. Qua đó nhân lên hình đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, nhất là trong bối cảnh, toàn quân và toàn dân đang chung tay phòng, chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Minh Phương

Các chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Thủ đô Hà Nội

TĐKT – Để kịp thời hỗ trợ người dân Thủ đô có thêm điều kiện để vững vàng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, TP Hà Nội đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù. * Ngày 13/8/2021, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội, bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại Trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt HĐLĐ do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký HĐLĐ nhưng phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg. Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 do cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ) và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/chủ cơ sở. Ngoài ra, Nghị quyết của Thường trực HĐND cũng quy định: Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều này trong các trường hợp sau: Người lao động đang mang thai - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em). Nghị quyết cũng nêu rõ, việc hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên phải đảm bảo các nguyên tắc: Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không để lợi dụng trục lợi chính sách; mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ nêu từ Khoản 2 đến Khoản 8 Điều 1 (trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất, người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này); các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này. Phương thức hỗ trợ là chi trả 1 lần trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Nguồn kinh phí hỗ trợ là ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng do các sở, ngành thực hiện; ngân sách quận, huyện, thị xã sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách thành phố kịp thời bổ sung kinh phí còn thiếu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện chính sách. Để thực hiện, trong Nghị quyết, Thường trực HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; rà soát nguồn và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách các cấp để thực hiện chính sách; chỉ đạo tiếp tục rà soát các đối tượng gặp khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế của thành phố; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết và báo cáo HĐND thành phố tại các kỳ họp. * Cũng trong ngày 13/8, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Cụ thể, hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các trường hợp: Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10m3 nước/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội). Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân (ngoài các đối tượng nêu trên). Thời gian thực hiện gồm các tháng 9, 10, 11, 12/2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố. Phương thức hỗ trợ: Thành phố thực hiện hỗ trợ thông qua các đơn vị cấp nước để giảm trực tiếp tiền nước xác định theo hóa đơn của người sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị. Thường trực HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo việc thực hiện hỗ trợ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo HĐND Thành phố tại các kỳ họp. Mai Thảo

“Túi an sinh công đoàn”: Trao quà hỗ trợ, tiếp thêm niềm tin cho đoàn viên, người lao động

TĐKT - Thời gian qua, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo triển khai đến các cấp công đoàn về đẩy mạnh phòng, chống dịch và chăm lo, bảo vệ đoàn viên, công nhân, lao động. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của các tổ cứu trợ khẩn cấp. Những phần quà từ các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, hàng ngàn “Túi an sinh công đoàn” đã và đang được chuyển đến tận tay hàng ngàn đoàn viên, người lao động khó khăn của Thủ đô. Đây thực sự là điểm tựa của công nhân, giúp người lao động yên tâm “Ai ở đâu ở đấy” trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tri ân đội ngũ tuyến đầu chống dịch Ông Trịnh Tố Tâm - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế Hà Nội từ tuyến y tế cơ sở tới thành phố những ngày qua đã nỗ lực hết mình, chủ động nơi tuyến đầu chống dịch. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường tặng quà các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế phải tăng cường tối đa về thời gian, cường độ làm việc... để triển khai công tác điều tra, truy vết, cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Từ đó, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của thành phố quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần chăm sóc, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Tại quận Đống Đa, hiện tại công tác rà soát và xét nghiệm diện rộng trên địa bàn được Trung tâm Y tế quận tiến hành khẩn trương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố với số lượng ban đầu khoảng 55.000 người. Theo đó, đội cán bộ, nhân viên y tế làm việc bằng 200% sức lực, nhanh nhất có thể xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ cư dân, “vét sạch” F0 trong cộng đồng tại khu vực “điểm nóng” như phường Văn Chương. Cùng với đội ngũ y tế dự phòng, lực lượng cán bộ, y, bác sĩ tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ khám sàng lọc, thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cũng đã làm việc với sự cố gắng gấp 2, 3 lần bình thường. Mặc dù vất vả, song tất cả đều đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên hàng đầu. Để kịp thời động viên, tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, những ngày qua, công đoàn Thủ đô các cấp đã gửi đến họ những phần quà hỗ trợ cũng như tình cảm đặc biệt. LĐLĐ Huyện Mỹ Đức tặng “Túi an sinh công đoàn” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đến thăm, động viên các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Bệnh viên Đa khoa quận Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã gửi lời cảm ơn và dành những tình cảm biết ơn sâu sắc đến những “chiến sĩ áo trắng” đang làm việc thầm lặng không quản ngại vất vả. Tại đây, Chủ tịch LĐLD TP Hà Nội đã trao mỗi đơn vị 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Nhấn mạnh những khó khăn thử thách vẫn còn hiện hữu khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế phải giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình. Đồng thời nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu” khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, bên cạnh việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh Covid-19, LĐLĐ thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh hoạt động quan tâm, chăm lo, tiếp sức, đồng hành với đoàn viên, người lao động ở tuyến đầu chống dịch. Thay mặt đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa quận Đống Đa khẳng định: Sự quan tâm động viên của Công đoàn các cấp là sự động viên hết sức có ý nghĩa, giúp các cán bộ y tế có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Điểm tựa cho người lao động khó khăn Không chỉ lực lượng tuyến đầu chống dịch mà những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng được các cấp Công đoàn Thủ đô kịp thời quan tâm, hỗ trợ hàng nghìn suất quà tặng thiết yếu. Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà người lao động gặp khó trên địa bàn thành phố Chỉ tính riêng giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, LĐLĐ TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Cụ thể, thông qua các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã vận chuyển các “Túi an sinh công đoàn” đến các địa bàn đông công nhân để hỗ trợ kịp thời cho 15.800 đoàn viên, người lao động với tổng trị giá hàng hóa 3,16 tỷ đồng đồng. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức 34 “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” để vận chuyển hàng hóa hỗ trợ khẩn cấp 16.526 “Túi an sinh công đoàn” với mức giá trị 200.000 đồng/suất cho 16.526 người lao động với tổng số tiền trên 8,33 tỷ đồng. Trong chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức sáng 13/8, 1000 suất quà “An sinh công đoàn” đã được trao cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Dù mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng bao gồm các nhu yếu phẩm như: Gạo, dầu ăn, cá hộp…nhưng đã mang lại những cảm xúc ấm áp, tình người. Ngày 12/8, chuyến Xe buýt Siêu thị 0 đồng của LĐLĐ huyện Phúc Thọ đến với 15 bếp ăn tại các doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ các loại rau xanh, thịt, trứng, đậu phụ... và trao 260 túi an sinh công đoàn Đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động) chia sẻ, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu đã thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí 9 phòng ký túc xá, trang bị lều bạt, chăn, gối cho công nhân ăn ở tại công ty. Đồng thời, để sản xuất an toàn, công ty cũng đã phân khu vực làm việc độc lập, xét nghiệm PCR tần suất 3 ngày/lần cho công nhân lao động. Không cho công nhân ra khỏi nhà máy, không tiếp xúc với người ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện 5K… Đại diện công ty xúc động: Những suất quà của tổ chức Công đoàn Thủ đô không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất thiết yếu cho người lao động, mà đó còn là món quà có ý nghĩa, tạo động lực để đoàn viên, người lao động yên tâm làm việc, chung tay cũng các cấp chính quyền nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục lại trạng thái sản xuất bình thường. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn dịch bệnh này đó là cố gắng giữ nhà máy an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống, nhân lên nhiều “vùng xanh trong doanh nghiệp. Công đoàn sẽ luôn là điểm tựa vững chắc cho người lao động. Mai Thảo  

Trang