Người cựu chiến binh 20 năm đi tìm đồng đội
29/11/2021 - 21:36

TĐKT - Là thương binh hạng 4/4 nghỉ hưu, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, nhưng hàng năm cựu chiến binh (CCB) Hà Đăng Ninh, Chi hội CCB 13, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vẫn vượt hàng trăm ki-lô-mét trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Hành trình tìm kiếm chẳng hề dễ dàng, nhưng ông luôn ước nguyện đưa được đồng đội trở về để phần nào giúp các thân nhân liệt sĩ xoa dịu vết thương chiến tranh.

Thầm lặng hành trình nghĩa tình

CCB Hà Đăng Ninh chia sẻ: “Chừng nào còn sức khỏe tôi còn tham gia tìm kiếm các đồng chí, đồng đội vẫn đang nằm đâu đó rải rác khắp các chiến trường. Các anh đã dũng cảm chiến đấu và để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường ác liệt để cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Bằng trách nhiệm, tình cảm của một người lính đối với những đồng đội đã khuất, với thân nhân liệt sĩ, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình này tới khi nào không thể được nữa thì thôi.” Với tâm tư, tình cảm ấy, nhiều năm qua, ông không quản khó khăn, đi khắp nơi tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hi sinh.

Ông Hà Đăng Ninh thắp hương tại Nghĩa trang  liệt sĩ Hương Điền

Cuộc hành trình bắt đầu từ năm 2001, đến nay, sau tròn 20 năm, ông cùng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên đã tìm được 33 liệt sĩ trong một hố chôn tập thể và 5 liệt sĩ ở nghĩa trang địa phương. Số lần đi lại cho đến lúc khánh thành khu mộ tập thể ngày 27/7/2020 là 12 lần.

Mỗi chuyến đi đều để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Trong đó, đặc biệt nhất là chuyến đi tìm ngôi mộ tập thể 33 liệt sĩ (thương binh, y, bác sĩ của Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên) bị địch sát hại ngoài Cồn Cát ngày 12/3/1975.

Ông cho biết: Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4 đóng tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế từng là cơ sở y tế dã chiến trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tham gia cứu chữa cho hàng trăm thương bệnh binh, chiến đấu trên mặt trận Bình Trị Thiên. Cũng chính tại nơi đây, ông đã được các y, bác sĩ hết lòng chăm sóc, điều trị.

Trong chiến dịch Xuân 1975, vào ngày 12/3/1975, địch đã dùng xe tăng cùng máy bay trực thăng yểm trợ tiến thẳng vào khu vực trạm phẫu, giết hại 33 thương binh, y, bác sĩ của trạm. Sau khi càn qua và tàn sát 33 chiến sĩ, thương binh của ta, địch dùng xe tăng tạo thành hố, rồi dùng xe ủi, ủi thi thể các chiến sĩ thành 3 cụm. Dã man hơn, chúng còn cài lựu đạn dưới các thi thể, để bẫy quân ta khi quay lại thu gom thi thể các chiến sĩ. Đến chiều tối cùng ngày, địch rút quân, các chiến sĩ giao liên, du kích và đội công tác vũ trang các huyện Quảng Điền đã quay lại trạm phẫu làm công tác hậu phương, chôn cất thi thể của 33 liệt sĩ thành một điểm, để sau này có điều kiện sẽ làm thủ tục mai táng.

Ông Hà Đăng Ninh cùng các CCB thắp hương mặc niệm khi tìm được mộ tập thể của 33 liệt sĩ

Tuy nhiên, sau giải phóng năm 1975, do nhiệm vụ, đơn vị của ông Ninh phải di chuyển, đóng quân nhiều nơi: Từ miền Trung chuyển ra các tỉnh phía Bắc để bảo vệ biên giới phía Bắcvà cuối cùng về đóng quân ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với phiên hiệu Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Quân khu 4. Bởi vậy, ông chưa có điều kiện tìm kiếm và xây mộ tập thể cho các liệt sĩ của Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn. Khi có điều kiện thì nhiều dấu tích của sự kiện trên không còn.

Nỗi day dứt khi chưa tìm được đồng đội khiến ông trăn trở khôn nguôi. Khi nghỉ hưu, người CCB - thương binh ấy quyết tâm xách ba lô lên đường, bắt đầu cuộc hành trình dài của mình. Ông cùng các đồng đội trong Hội truyền thống CCB Trung đoàn 4, Hội truyền thống CCB Quân khu Trị Thiên đến làm việc với địa phương, cùng địa phương đi tìm, khảo sát nhiều lần và cuối cùng đã xác định được chính xác vị trí Trạm phẫu và nơi địch sát hại 33 thương bệnh binh, y, bác sĩ của ta.

Không để sự kiện lịch sử nào bị lãng quên

Với mong muốn “Không để sự kiện lịch sử nào bị lãng quên”, ông đã tích cực vận động đồng đội trong và ngoài Hội truyền thống CCB Trung đoàn 4 quyên góp tiền của, công sức để xây dựng Khu tưởng niệm và ngôi mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh.

Lễ khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Trạm phẫu tiền phương

Được sự đồng ý của lãnh đạo, chính quyền các cấp của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Khu di tích lịch sử Trạm phẫu tiền phương được khởi công xây dựng ở thôn Triều Dương, xã Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, khánh thành đúng vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2020 và được trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Công trình vừa để tri ân công lao các liệt sĩ nói chung, của 33 liệt sĩ Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4 nói riêng, đồng thời còn là “Địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khi tổ chức khánh thành công trình này, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cũ của đơn vị, trong đó có cán bộ cấp tướng đã xúc động bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục và biết ơn về một CCB hết lòng vì nghĩa tình đồng đội, vì đơn vị.

Mỗi lần tìm được một mộ liệt sĩ là thêm một lần CCB Hà Đăng Ninh cảm thấy nhẹ lòng. “Khó tả lắm, vui mừng, xúc động và thiêng liêng vô cùng. Ôn lại trận đánh trước ngày giải phóng Huế, hồi tưởng lại, thấy lòng rưng rưng, nhớ thương đồng đội.”- Ông bồi hồi chia sẻ.

Lắp bia liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ tập thể của đồng đội xưa, ông lại cùng với một số CCB vào cúng giỗ tại Khu di tích lịch sử Trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn. Trong đợt bão lũ miền Trung năm 2020, ông Ninh cũng là người tổ chức quyên góp được 60 triệu đồng và trực tiếp vào Phong Điền - nơi có Khu di tích, trao quà cho các gia đình khó khăn do bão lũ.

Ông luôn tự nhủ việc mình làm rất nhỏ bé so với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp khiến những kế hoạch của ông và đồng đội phải tạm hoãn lại. Thế nhưng, các ông vẫn liên tục dành thời gian chuẩn bị, khảo sát, thu thập thông tin và sẵn sàng lên đường ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Nguyễn Hữu Ngọ, Chủ tịch Hội CCB phường Khương Mai khẳng định: Ông Hà Đăng Ninh là người CCB - thương binh gương mẫu luôn tỏa sáng giữa đời thường - một tấm gương sáng của Hội CCB phường Khương Mai.”

Dù tuổi đã cao nhưng với nhiệt huyết của mình, CCB Hà Đăng Ninh vẫn không ngừng nghỉ làm những việc có ích cho đời. Những việc làm ý nghĩa của ông đã và đang tiếp nối mạch nguồn truyền thống cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Phương Thanh