TĐKT - Dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, nhiệt tình trong các hoạt động, đó là đánh giá của các hội viên về bà Đoàn Thị Ánh Hồng sinh năm 1964, Ủy viên BCH Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ Khuyết tật quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Mọi người nhắc đến bà với cái tên rất đỗi thân thương “U Hồng”.
Bà tâm sự, bà sinh ra và lớn lên tại Hà Tây cũ. Bố bà là người miền Nam tập kết ra Bắc và hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi nên ngay từ bé cô bé Hồng đã luôn dành nhiều tâm sức cống hiến cho hoạt động xã hội. Cuộc sống của bà vốn cũng rất vất vả, phải bươn chải mưu sinh với rất nhiều công việc như: Làm công nhân hay buôn bán ngoài chợ… bà cũng không ngần ngại để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Đoàn Thị Ánh Hồng, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ Khuyết tật quận Thanh Xuân
Đến và gắn bó với công việc của phụ nữ khuyết tật, với bà đó là một cơ duyên. Bà vẫn nhớ như in ngày bà được người quen giới thiệu và được gặp ông Trương Thuyết. Qua tìm hiểu, biết ông Thuyết đang vận động tìm kiếm hội viên cho Hội Người Khuyết tật phường Hạ Đình, nhận thấy đây là một công việc đầy tính nhân văn và thiết thực, lại có thể giúp được những người kém may mắn hơn mình nên bà đã xin gia nhập Hội.
Cùng với ông Thuyết, bà Hồng năng nổ đi vận động đủ 30 người khuyết tật để xin thành lập Hội Người Khuyết tật phường Hạ Đình. Với những nỗ lực, nhiệt huyết cùng với những cống hiến hết mình, bà đã được đông đảo hội viên ghi nhận và được Chủ tịch Hội Người Khuyết tật quận Thanh Xuân cân nhắc lên làm Chủ nhiệm CLB Phụ nữ Khuyết tật quận Thanh Xuân.
Bà Ánh Hồng (ở giữa) tại Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ V
Sau khi giữ vai trò Chủ nhiệm CLB, bà được cử đi học lớp cắm hoa nghệ thuật 12 ngày, làm hoa voan 8 ngày và học nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề quận Thanh Xuân. Với mong muốn có thể sống bằng nghề làm hoa và cắm tỉa hoa nghệ thuật, đồng thời giúp cho hội viên phụ nữ khuyết tật có thu nhập và tự lo cho cuộc sống của riêng mình, bà rất chú tâm học tập và học hỏi các giáo viên và bạn học. Với tính tình cẩn thận, tỉ mỉ và nhạy bén trong công việc, sau khi học xong lớp cắm hoa, bà đã cho ra đời những sản phẩm rất đẹp và tinh tế. Những bông hoa voan, hoa pha lê, hoa giấy nhúm do chính tay bà tạo nên nhìn tưởng như hoa thật, chúng rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã và kiểu dáng: Hoa cắm chậu, hoa cắm lẵng, hoa cành, hoa bỏ hộp, hoa cắm giỏ...
Những sản phẩm được bà làm ra đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và học tập. Được sự hỗ trợ của Hội Người Khuyết tật phường Hạ Đình và Hội Người Khuyết tật quận Thanh Xuân, bà đã mang những sản phẩm hoa nghệ thuật đi trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ mừng ngày Người Khuyết tật Thế giới (3/12) và ngày Khuyết tật Việt Nam (8/4). Sau đó, các sản phẩm được bán trong các chương trình hội nghị, hội thảo của Liên hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam, của Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật, Đại hội của Hội Người Khuyết tật TP Hà Nội và Đại hội các Hội Người Khuyết tật quận, huyện trong thành phố.
Các gian hàng tại Hội chợ của người khuyết tật đã được giới thiệu tại Hội nghị diễn đàn Người Khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị cộng đồng Người Khuyết tật ASEAN tại Hà Nội. Sản phẩm hoa do bà làm được rất nhiều các bạn bè quốc tế quan tâm và thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu trong nước tham dự. Nhờ các sản phẩm đó, bà được Hội Người Khuyết tật của cả nước và các Hội Người Khuyết tật quận, huyện quan tâm và đặt làm các loại hoa để trang trí nhà ở, văn phòng Hội và quà tặng...
Tiếng lành đồn xa, sau đó, bà được Trung tâm Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation) mời tham gia giảng dạy, hướng dẫn trẻ em khuyết tật học làm hoa. Lúc đó, bà rất ái ngại vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ và không biết mình có truyền đạt được đến với các học viên hay không. Sau hai ngày trăn trở, suy nghĩ bà đã nhận lời. Trong quá trình dạy, bà vừa học thêm và học cả cách làm giáo án để truyền đạt cho học viên được cách làm nhanh nhất và bà đã thành công, nhận được nhiều lời khen ngợi.
Từ sự thành công ấy, bà như được tiếp thêm động lực và quyết tâm mở thêm lớp dạy nghề làm hoa nghệ thuật cho chị em hội viên với mong muốn giúp người khuyết tật có nghề và có thu nhập. Bà lại tổ chức thêm 2 lớp dạy làm hoa miễn phí (một lớp dạy cho thanh niên khuyết tật và một lớp dành cho chị em phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân).
Bà Ánh Hồng, áo xanh (ở giữa) làm công tác thiện nguyện
Mong muốn lớn nhất của bà là tạo ra sân chơi lành mạnh để người khuyết tật có cơ hội giao lưu, chia sẻ cùng nhau. Bà cho biết: Có những bạn vừa học, vừa tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị; bán ra thị trường, tạo thu nhập cho bản thân; có nhiều bạn trước rụt rè, thiếu tự tin sau mấy tuần sinh hoạt đã sôi nổi và nhiệt huyết hơn.
Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật, hơn 8 năm qua, dù không có chế độ phụ cấp nhưng bà vẫn luôn tâm huyết với công tác của người khuyết tật, luôn tâm nguyện được góp chút công sức nhỏ bé của mình để sẻ chia với những số phận kém may mắn.
Ngoài ra, bà còn tích cực động viên cán bộ, hội viên phụ nữ khuyết tật tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo do Ủy ban MTTQ quận phát động, cụ thể: Ủng hộ đồng bào lũ lụt, chiến sĩ Trường Sa, Hoàng Sa...; vận động quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào vùng cao tại bản So Lo, Mai Châu, Hòa Bình bị lũ quét trong chương trình “Đông ấm vùng cao”.
Khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, bà và các hội viên Hội Khuyết tật quận, phường đã vận động được hàng trăm suất quà như: Muối, gạo, dầu ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày để trao đến những người khuyết tật đặc biệt nặng, những người già neo đơn...
Bà cho biết, động lực để bà luôn cống hiến với công việc hiện tại đó chính là tình yêu thương và giá trị nhân văn tốt đẹp giữa những người đồng cảnh ngộ, với phương châm: “Cống hiến, yêu thương và giúp đỡ hết mình”.
Những cống hiến của bà đã được Hội Người Khuyết tật quận Thanh Xuân ghi nhận và tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”; “Lao động xuất sắc”. Bà được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận Thanh xuân tặng Giấy khen trong đợt tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
La Giang