Hà Nội thi đua ái quốc

Hà Nội xử phạt hơn 1.400 trường hợp vi phạm trong ngày thứ 11 giãn cách xã hội

TĐKT - Ngày 3/8, Công an TP Hà Nội cho biết, ngày thứ 11 giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 17, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 1.417 trường hợp vi phạm, phòng chống dịch với số tiền 1.980.400.000 đồng. Trong đó, 81 trường hợp bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền hơn 121 triệu đồng; 6 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh bị xử phạt 70 triệu đồng; 1.330 trường hợp bị xử phạt gần 1,8 tỷ đồng với các hành vi vi phạm khác liên quan phòng, chống dịch COVID-19 (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...). Như vậy, tính từ thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 17 của thành phố (6h ngày 24/7) đến nay, cơ quan chức năng xử phạt khoảng 13 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đáng chú ý, khoảng 13h30 ngày 2/8, tại chốt kiểm dịch COVID-19 số 1 (Km213 trên QL1A, thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội), tổ công tác chốt kiểm dịch kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 49C-225.60 có dán giấy nhận diện mã QR Code để vào luồng xanh vận tải.Tuy nhiên, khi kiểm tra, tổ công tác phát hiện mã QR Code này không có thời hạn, dấu hiệu làm giả. Lúc này, tài xế là V.T.H. (sinh năm 1979, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) không chấp hành yêu cầu của tổ công tác, đỗ xe giữa đường gây cản trở giao thông. Sau đó, tổ công tác đã phối hợp với Công an xã Châu Cam, huyện Phú Xuyên đưa tài xế V.T.H về trụ sở công an để giải quyết. Linh Phạm

Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện 1000 bộ test nhanh virus SARS-CoV-2 lậu

TĐKT –Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Ngày 3/8, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, thu giữ khoảng gần 1000 bộ test nhanh virus SAS-CoV-2 nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Lô hàng đang được Công an quận Bắc Từ Liêm tạm giữ, phục vụ điều tra Cụ thể, qua công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận, Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện đối tượng P.A.T, sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú: Giang Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang có hành vi giao hàng hóa là các bộ test nhanh virus SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại khu đô thị Ciputra. Tổ công tác đã yêu cầu P.A.T đưa toàn bộ số hàng hóa về trụ sở công an để xác minh làm rõ. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận: Do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân đối với mặt hàng kit test nhanh Covid tăng cao nên đã nhập lậu số bộ test trên về bán. Nguồn gốc số lô hàng được đối tượng thu mua gom về qua đường tiểu ngạch của nhiều nước, không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Đặc biệt, bản thân đối tượng không có ngành nghề đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực y tế. T. trình bày nếu số hàng này được bán tại các cửa hàng thuốc đến tay người dân sử dụng với giá khoảng 1.200.000đ - 1.400.000đ/hộp Mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố nhưng vì lợi nhuận cao nên T. vẫn chào hàng trên các trang mạng xã hội zalo, gacebook,… khi khách có nhu cầu mua hàng thì thuê người giao đến tận nơi để bán và thu tiền. T. thừa nhận, nếu bán trót lọt lô hàng sẽ có lãi vài trăm triệu đồng. Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm đã tạm giữ số hàng hóa trên, tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Mai Thảo  

Giữ và bảo vệ bằng được các “vùng xanh”, giảm tải cho lực lượng y tế

TĐKT –“Bảo vệ Hà Nội- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Hà Nội cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm, kiểm soát triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân; luôn luôn có phương án dự phòng, chủ động trong mọi tình huống. Thần tốc, nhanh, nhưng phải chắc… truy vết chỗ nào chắc chỗ đó, không bỏ lọt. Ngay từ khi vùng đỏ đang có ít, thì giữ và bảo vệ bằng được “vùng xanh”” – Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống Covid-19 tại 4 điểm ở Thủ đô Hà Nội, làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch thành phố vào sáng 4/8. Trong chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đến giờ phút này luôn luôn là địa bàn có nguy cơ cao nhất, giữ được thế này là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống, nhân dân Thủ đô”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích, gợi ý các giải pháp cụ thể giúp Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid - 19 Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tình hình trước mắt còn nhiều phức tạp, chủng virus lây lan nhanh, chúng ta đang đứng trước “kẻ thù” rất nguy hiểm. “Thành phố thực hiện giãn cách, ngoài các nguyên tắc cụ thể đã được đặt ra từ đầu vẫn còn nguyên giá trị thì cần thêm những biện pháp gì? Việc giãn cách từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 14 phải làm những gì mỗi ngày, người dân được làm gì, tuân thủ gì phải rõ ràng nếu không sẽ rất khó làm. Các đồng chí đã làm rồi nhưng cần quyết liệt triệt để hơn. Cần có cơ chế tiếp thu ý kiến phản ánh người dân thì mới rõ được các việc” – Phó Thủ tướng lưu ý. Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, thành phố cứ thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là đủ. Tuy nhiên, cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra mà tốt nhất là từ phản ánh của người dân.Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc phát động và nhân rộng mô hình “vùng xanh” an toàn chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngay từ khi vùng đỏ đang có ít, thì phải giữ bằng được, bảo vệ bằng được “vùng xanh”.Tôi tin nếu làm tốt việc phát động vùng xanh ở từng khu, từng cụm sẽ là chìa khóa thành công.” Khẳng định công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng, quyết định thành bại của chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội xem lại năng lực xét nghiệm từ máy móc đến việc cải tiến quy trình để nâng công suất, chủ động triển khai phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm của các đơn vị; huy động toàn bộ lực lượng bệnh viện tư nhân tham gia… Phó Thủ tướng thị sát tại khu vực VP6, quận Hoàng Mai  “Cơ sở nào có năng lực, máy móc xét nghiệm PCR cứ triển khai, chỉ cần CDC Hà Nội khẳng định làm được thì triển khai ngay, giấy phép nộp lên bộ sẽ xử lý sau”. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm phần mềm công nghệ thông tin để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị thực hiện xét nghiệm từ cấp xã phường lên đến thành phố. Ngoài ra, việc cần làm ngay là thực hiện xét nghiệm nhanh không dùng lực lượng nhân viên y tế mà “Hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu (ngoáy mũi). Đây là việc rất đơn giản, người dân làm được thì lực lượng y tế sẽ tập trung nhân lực cho nhiệm vụ chuyên môn chống dịch” - Phó Thủ tướng chỉ rõ. Trước đó, khi kiểm tra địa điểm tiêm vắc xin 4 dây chuyền tại trụ sở Tập đoàn FPT (quận Cầu Giấy); kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại trụ sở Bộ Tư pháp (đóng trên địa bàn quận Ba Đình); Khu chung cư VP6 tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), Phó Thủ tướng cũng đã chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ tại cách ly. Phó Thủ tướng mong muốn các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội nỗ lực, cố gắng hơn nữa; lưu ý địa phương phân công công việc khoa học, bảo đảm sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ trong thời gian dài… Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP khẳng định các phần việc cụ thể sẽ được thành phố triển khai ngay lập tức trên tinh thần quyết tâm cao nhất. Đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn sát sao với công tác phòng chống dịch, thường xuyên chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra cơ sở nhằm chấn chỉnh để công tác phòng, chống dịch bệnh của TP tốt hơn nữa và đề ra các giải pháp kịp thời phù hợp với thực tiễn. Về chiến dịch tiêm chủng, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định thành phố sẽ triển khai tiêm cho người dân Thủ đô ngay sau khi tiếp nhận. Với chỉ đạo của Phó Thủ tướng như: Giảm tải cho y tế, quản lý điều trị, cập nhật các thông tin mới, thành phố sẽ có tổng đài hỏi đáp để ghi nhận trả lời phản ánh của người dân, kể cả điều phối hoạt động giữa các tầng điều trị và quyết tâm cao nhất để bảo vệ thành quả chống dịch ở Thủ đô. Mai Thảo  

“Xe buýt siêu thị 0 đồng”đến với gần 8000 công nhân, lao động Thủ đô

TĐKT - Theo báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội, sau 7 ngày triển khai (26/7-3/8), “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã lăn bánh, mang những phần quà gồm những thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến với 7.666 công nhân, lao động (CNLĐ) của 203 công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp tại các khu cách ly, phong tỏa, CNLĐcó hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đã góp phần giúp đỡCNLĐcó thêm nguồn lực vật chất cũng như tinh thần để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Riêng trong ngày 3/8, “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã trao cho 1.361 CNLĐ của 41 CĐCS doanh nghiệp trực thuộc Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội và LĐLĐ các huyện Gia Lâm, Thanh Oai, Ứng Hòa. Trước đó, ngày 2/8,  đã trao cho 1.601 CNLĐ của 31 doanh nghiệp thuộc Công đoàn ngành Giao thông Vận tải và Công đoàn Tổng công ty Vận tải Hà Nội… Dự kiến, trong ngày 4/8 sẽ trao cho 1.308 CNLĐ của Công đoàn chế xuất và LĐLĐ quận: Hai Bà Trưng, huyện: Đan Phượng, Thạch Thất. Được biết, LĐLĐTP Hà Nội sẽ trích trên 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí công đoàn để tổ chức “Xe buýt siêu thị 0 đồng” thí điểm trong 10 ngày (kể từ ngày 26/7) để trao những suất quà với trị giá 200.000 đồng/suất tới 20.000 công nhân khó khăn trên địa bàn Thủ đô, trong đó ưu tiên nữ đoàn viên, người lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Sau đây là một số hình ảnh ghi lại khi “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đến với CNLĐ Thủ đô: Mai Thảo

“Xe buýt siêu thị 0 đồng” mang niềm vui đến với người lao động Thủ đô

TĐKT - Với phương châm “Tất cả vì người lao động”, sáng 29/7, Liên đoàn Lao động thành phố (LĐLĐ) Hà Nội tiếp tục tổ chức chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” mang  hơn 800 suất quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu tới hỗ trợ người lao động khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điểm đến của chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” trong buổi sáng 29/7 là 23 doanh nghiệp, đơn vị khó khăn thuộc thuộc LĐLĐ huyện Mê Linh và Công đoàn ngành (CĐN) Xây dựng Hà Nội. Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu trao những suất quà, động viên người lao động Công ty môi trường đô thị Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Chính Hữu – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã trực tiếp trao 390 suất quàtới công nhân của 12 doanh nghiệp khó khăn thuộc LĐLĐ huyện Mê Linh và 423 suất quà tới công nhân 11 đơn vị thuộc CĐN Xây dựng Hà Nội đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng, bao gồm những nhu yếu phẩm thiết yếu theo nhu cầu của người lao động như: Gạo, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, thịt đóng hộp, bánh ngọt… Tại Công ty Cổ phần đại siêu thị Mê Linh, Phó Chủ tịch Nguyễn Chính Hữu gửi lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống, chia sẻ với những khó khăn của người lao động bị giảm một nửa thu nhập do phải nghỉ luân phiên, làm giãn cách. Đồng chí Nguyễn Chính Hữu động viên đoàn viên, người lao động cố gắng chi tiêu hợp lý để đảm bảo trang trải cuộc sống, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Tại Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đồng chí Nguyễn Chính Hữu đã ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, công việc và đời sống của anh, chị em công nhân; đồng thời động viên, chia sẻ những vất vả khi vừa phải làm công việc thu gom rác thải, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 của công nhân vệ sinh môi trường - những con người đang hàng ngày cống hiến sức lao động cho xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cũng đề nghị công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở nơi có người lao động gặp khó khăn, đang thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt để cùng Thủ đô và cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 cần tiếp tục quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời có các hoạt động chăm lo thiết thực, đề xuất với chủ sử dụng lao động đảm bảo đầy đủ tiền lương, các chế độ chính sách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và có các đãi ngộ phù hợp với đặc thù công việc của người lao động. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu hỗ trợ các hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà trọ công nhân trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngày 23/7, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương trưng dụng xe buýt, chất đầy hàng hóa giá 0 đồng chở đến những nơi đoàn viên công đoàn trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, từ ngày 26/7, mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã chính thức được triển khai. Qua 4 ngày triển khai, các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã trao hỗ trợ cho 4.070 công nhân lao động của 87 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thực hiện phong tỏa, cách ly vì dịch bệnh Covid- 19. Những chuyến xe không chỉ chở hàng mà còn chở cả tình cảm ấm áp của cán bộ Công đoàn Thủ đô mang lại những niềm vui, sự sẻ chia với đoàn viên đang gặp khó khăn. Trong những ngày tới, những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục lăn bánh mang những phần quà gồm những thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến với người lao động tại các khu cách ly, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Được biết, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ trích trên 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí công đoàn để tổ chức “Xe buýt siêu thị 0 đồng” thí điểm trong 10 ngày (kể từ ngày 26/7) để trao những suất quà với trị giá 200.000 đồng/suất tới 20.000 công nhân khó khăn trên địa bàn Thủ đô, trong đó ưu tiên nữ đoàn viên, người lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Ngọc Ánh  

“Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” tại Bệnh viện Thận Hà Nội

TĐKT - Sáng 28/7, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng đại diện các đơn vị tổ chức Chương trình “Triệu bữa cơm – Hà Nội nghĩa tình” đã trao 470 gói thực phầm (mỗi suất gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì tôm) trị giá 82 triệu đồng cho 470 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Thận Hà Nội. Nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngay khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội phối hợp Nhóm Thần tốc Hà Nội gồm nghệ sĩ Trà My, MC Thảo Vân, phóng viên VTV3 Thu Hương triển khai Chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” từ ngày 24/7 đến hết ngày 7/8/2021. Đại diện chương trình trao quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thận Hà Nội  Chương trình sẽ trao bữa cơm cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội. Mỗi suất ăn là 25.000 đồng, dự kiến trung bình mỗi ngày từ 500 - 600 suất và tùy tình hình thực tế có thể tăng suất hàng ngày hoặc trao các gói thực phẩm cho một số người khó khăn có điều kiện tự nấu ăn. Thời gian trao từ ngày 24/7 đến hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội. Tham gia đồng hành cùng Chương trình có CLB xe Bán tải Việt Nam hỗ trợ vận chuyển thực phẩm cũng như các suất cơm đến các điểm trao tặng, CLB kết nối trái tim VLT cùng chung tay hỗ trợ vận chuyển thực phẩm và tham gia hỗ trợ chuẩn bị các suất ăn, Bếp Quân - Nhà hàng Old Hà Nội của Chủ tịch Hiệp hội Bếp Việt Nam - anh Nguyễn Thường Quân hỗ trợ nấu 400 suất/ngày, bếp ăn Hiệp Yến của nhóm cô giáo Thu Hương hỗ trợ nấu 200 suất/ngày. Trong những ngày đầu tiên, tình nguyện viên tham gia Chương trình đã phát trung bình mỗi ngày 500 - 600 suất ăn cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19, bệnh nhân và người nhà bệnh nhận tại các khu vực như Phúc La, Vĩnh Hưng, cầu Long Biên, Chương Dương, Phúc Tân,Tân Triều. Tham gia Chương trình, nhiều người nổi tiếng gồm nghệ sĩ Trà My, MC Thảo Vân, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thùy Linh đã tình nguyện đi phát cơm cho những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Ngọc Anh đã gửi ủng hộ Chương trình 140 triệu đồng và nhiều cá nhân, nhà hảo tâm cũng quan tâm, ủng hộ kinh phí, thực phẩm cho Chương trình. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên tình nguyện tại các quận, huyện hỗ trợ công tác đóng gói, trao tặng cho người dân tại các điểm. Các tình nguyện viên tham gia Chương trình thực hiện nghiêm túc quy định 5K và các quy định về phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội tích cực trong việc tổng hợp số lượng nhu cầu nhận hỗ trợ các suất ăn, phân bổ các suất ăn cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội, điều phối CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam tham gia vận chuyển các suất ăn cũng như nhận và vận chuyển thực phẩm, điều động tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chuẩn bị các suất ăn và tham gia trao các suất ăn trực tiếp tới từng người nhận. Tính đến hôm nay, Chương trình đã trao 1.140 suất ăn mỗi ngày, cả suất ăn đã được nấu và suất ăn bằng thực phẩm tới tay 1.140 người khó khăn trên địa bàn Hà Nội cho đến ngày Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội. Anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh bình thường, người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn về thể chất, về tinh thần, về điều kiện vật chất để chống chọi với bệnh tật. Trong bối cảnh đại dịch Covid diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay thì những khó khăn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn còn nhân lên gấp bội. Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đánh giá rất cao và trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của các anh chị trong Nhóm Thần tốc Hà Nội, các văn nghệ sĩ, các cá nhân, tổ chức đã đồng hành với chương trình “Triệu bữa cơm” của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội để khởi xướng và triển khai cụ thể chương trình “Triệu bữa cơm – Hà Nội nghĩa tình”. Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình lan tỏa thông điệp tích cực “Dù đại dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng nếu chúng ta cùng đồng lòng, cùng sẻ chia, bằng những hành động cụ thể đóng góp cho cộng đồng, xã hội, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch”. Là một trong những người khởi xướng Chương trình “Triệu bữa cơm – Hà Nội nghĩa tình”, phóng viên VTV3 Thu Hương không quản ngại vất vả, hàng ngày kêu gọi nguồn lực cho Chương trình, tổ chức bán đấu giá các đồ cá nhân để lấy kinh phí nấu cơm. “Hà Nội không phải nơi tôi sinh ra, nhưng cả cuộc đời tôi gắn bó. Tôi nguyện làm một điều là cố gắng để không ai bị thiếu cơm ăn mỗi tối”. Chị Thu Hương chia sẻ. Kể từ tháng 4/2020 đến nay, Chương trình “Triệu bữa cơm” do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức đã trao tặng gần một triệu bữa cơm với trị giá gần 15 tỷ đồng đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại 28 tỉnh, thành phố. Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia – Thường trực Chương trình kêu gọi nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ vật chất, tinh thần và đồng hành cùng Chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” để tiếp tục lan tỏa yêu thương và kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn tại Hà Nội vượt qua đại dịch Covid-19 với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hưng Vũ  

Hà Nội: Khen thưởng học sinh đạt thành tích đáng tự hào tại các kỳ thi Olympic quốc tế 2021

TĐKT - Ngày 27/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký quyết định số 3716/QĐ-UBND về việc khen thưởng thành tích đột xuất cho các học sinh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đạt giải tại các cuộc thi quốc tế năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh quyết định tặng Bằng khen cho các học sinh có thành tích đột xuất trong cuộc thi Olympic Vật lý và Toán học quốc tế năm 2021. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định thưởng gần 65 triệu đồng cho các học sinh có thành tích đạt giải tại các cuộc thi quốc tế năm 2021. Trong đó, ba học sinh xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý và Toán học được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố kèm theo mức tiền thưởng là 20 triệu đồng/học sinh, gồm các em: Nguyễn Mạnh Quân, lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Trần Quang Vinh, lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Đỗ Bách Khoa, lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Học sinh Nguyễn Hoàng Nam, lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố kèm theo mức tiền thưởng bằng 3 tháng lương cơ sở (gần 5 triệu đồng) về thành tích xuất sắc giành Huy chương Đồng trong kỳ thi kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2021. Các kỳ thi Olympic quốc tế 2021 (được tổ chức trực tuyến) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 đang hoành hành khắp các châu lục. Mặc dù vậy, đoàn học sinh Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, chuẩn bị tốt cả về tâm lý, kiến thức và kỹ năng để đạt kết quả rất đáng tự hào. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, kết quả xuất sắc này càng có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố, sự nỗ lực của ngành giáo dục, các nhà trường và các em học sinh vừa phòng, chống dịch, vừa quyết tâm khẳng định vị thế của học sinh Việt Nam trong các kỳ Olympic quốc tế các môn văn hóa. Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về hình thức khen thưởng của Chủ tịch UBND thành phố, đồng thời gửi lời chúc mừng đến nhà trường và các em học sinh. Việc tổ chức trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp ngay khi tình hình dịch ổn định. Thục Anh

“Bộ tứ cựu chiến binh” đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ

TĐKT – Chiến tranh đã lùi xa, những ngày tháng khốc liệt khói lửa, đạn bom đã không còn nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn nằm lại cho đến ngày hôm nay. Hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Có những người lính may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, trở thành những người kỹ sư xây dựng, cán bộ ngành bưu điện hay chủ doanh nghiệp tư nhân… nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, nguyện ước quy tập đồng đội về nơi yên nghỉ. Vượt qua mọi khó khăn, họ đã bỏ thời gian, công sức và quỹ lương hưu của mình đi tìm thông tin và mẫu sinh phẩm của hàng chục thân nhân liệt sĩ, để xác định danh tính, góp phần ghi danh trên những bia mộ liệt sĩ còn để trống trong các nghĩa trang… Bốn năm qua, dù tuổi đã cao nhưng “bộ tứ cựu chiến binh” Trung đoàn 20 (e20), Quân khu 9, khu vực Hà Nội, gồm: Ông Nguyễn Viết Trì (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), ông Vương Xuân Hòa (Thụy Khuê, Tây Hồ), ông Trương Ngọc Quang (Tràng Thi, Hoàn Kiếm) và ông Nguyễn Văn Bình (Bồ Đề, Long Biên) đã bỏ nhiều công sức đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ. “Bộ tứ cựu chiến binh” nhiệt huyết đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ Vốn là một người lính thuộc Trung đoàn 20, Quân khu 9, từng có những ngày tháng chiến đấu gian khổ tại chiến trường miền Tây Nam bộ, CCB Nguyễn Viết Trì chưa bao giờ phai nhạt những ký ức về chiến tranh. Hình ảnh về những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh vẫn luôn khiến ông trăn trở. Với vai trò là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh e20, khu vực Hà Nội, năm 2015, ông Trì đã khởi xướng xây dựng Bia tưởng niệm để tưởng nhớ đồng đội của mình. Hai năm liền, ông đã đi khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc vận động quyên góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng bia. Năm 2017, Bia tưởng niệm các liệt sĩ e20, Quân khu 9 có chiều cao 3m, rộng 1m25 được khánh thành đúng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Đặc biệt, sau việc làm này, như một nhân duyên, ông được tiếp nhận danh sách 138 liệt sĩ ở đơn vị chiến đấu của mình và những phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang. Trăn trở tìm cách làm sao để trả lại tên cho các liệt sĩ, ông Trì đã kêu gọi, cùng với 3 đồng đội của mình là các cựu chiến binh: Vương Xuân Hòa, Trương Ngọc Quang, Nguyễn Văn Bình tổ chức nhiều chuyến vào làm việc với Ban Liên lạc Cựu chiến binh e20 của các tỉnh để tìm hiểu. Các CCB e20 khu vực Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 20 tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).  Đồng hành cùng ông Trì trong việc làm ý nghĩa này, cựu chiến binh Trương Ngọc Quang cho biết: Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, thu thập tài liệu, viết thư báo tin để từng gia đình biết rõ người thân hy sinh ở đâu. Tuy nhiên, 138 lá thư gửi đi chỉ có khoảng 70 gia đình có hồi âm. Bởi cũng có không ít gia đình không tin vào những việc làm tự nguyện đó của chúng tôi. Thậm chí, đã có gia đình từ chối, xua đuổi chúng tôi ra khỏi nhà… Nhưng không nản lòng, vì trách nhiệm với đồng đội, dưới sự hướng dẫn của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 4 người lính ấy phải kiên trì giải thích, kết nối zalo, hướng dẫn cho các gia đình liệt sĩ kê khai hồ sơ để họ không tốn kém và mất công đi lại. Từ đó, họ mới có sự tin tưởng, cung cấp thông tin và mẫu sinh phẩm theo quy định. 4 năm qua, “bộ tứ” ấy đã đi đến 17 tỉnh, thành có gia đình liệt sĩ của đơn vị để thu thập thông tin. Đáng quý là, dù cao tuổi nhưng họ luôn nhiệt huyết. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, các ông đều tự bỏ tiền cá nhân. “Có tháng mất hàng triệu tiền điện thoại, nhưng 4 anh em thống nhất với nhau, tự bỏ kinh phí ra. Tôi tích lũy từ lương hưu và tiền chính sách thương binh.” – CCB Trì chia sẻ. Các thành viên trong nhóm cho biết: Quá trình tìm kiếm, vận động gia đình không chỉ vất vả, mất nhiều thời gian mà có liệt sĩ phải lấy mẫu sinh phẩm lần 2, mới giám định ADN cho kết quả chính xác, nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần mới đạt được kết quả, do thời gian đã lâu. Nhưng chúng tôi xác định làm vì tình cảm đồng đội, làm để ấm lòng những người đã nằm xuống và cả những người còn đang sống hôm nay. Chia sẻ về những kỷ niệm trong hành trình tìm thân nhân liệt sĩ, CCB Trì xúc động: “Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tìm được gia đình cho liệt sĩ Nguyễn Văn Dáp sinh năm 1953, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, hy sinh năm 1973. Cha liệt sĩ lúc bấy giờ đã 105 tuổi, chờ đón con trở về rồi sau đó hơn tháng bình thản ra đi, rất mãn nguyện. Có những gia đình liệt sĩ nhận được kết quả giám định ADN đã khoe với khắp họ hàng, làng xóm để lan tỏa niềm vui sau bao năm mong chờ, khắc khoải. Nhưng cũng có những gia đình liệt sĩ còn nghèo lắm, chúng tôi đến thăm mà không khỏi xót xa…” Là em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dáp, ông Nguyễn Văn Phẩm bày tỏ: “Gần 50 năm gia đình đi tìm kiếm mộ của anh tôi mà không thấy. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Trì và các cựu chiến binh e20, gia đình đã biết được nơi liệt sĩ Dáp hy sinh và đón về quê hương. Gia đình mừng lắm, đã vậy chúng tôi không phải mất một đồng kinh phí nào, rất biết ơn các anh. Mong rằng sẽ có thêm nhiều gia đình tìm được liệt sĩ như chúng tôi.” Được biết, với cách làm khoa học và logic, sau hơn 2 năm (2018 - 2020), “bộ tứ cựu chiến binh” đã giúp xác định đúng danh tính thân nhân của 27 gia đình liệt sĩ. Được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện, các ông cùng Ban liên lạc e20 đã tổ chức “Lễ trả lại tên cho 27 liệt sĩ Trung đoàn 20” vào ngày 30/8/2020 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang… Với những việc làm đầy nghĩa tình ấy, năm 2020, Ban liên lạc Cựu chiến binh e20 khu vực Hà Nội đã được Hội Cựu chiến binh TPHà Nội tặng Bằng khen. Cá nhân ông Nguyễn Viết Trì, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho những cựu chiến binh Thủ đô giàu lòng nhiệt huyết và giàu nghĩa tình đồng đội. Nhưng tâm sự với chúng tôi, những người cựu chiến binh ấy đưa ra những dòng tin nhắn hồi âm của các gia đình liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước, phấn khởi: “Niềm vui vô giá của chúng tôi đó là tìm được gia đình cho liệt sĩ. Chúng tôi chỉ có mong muốn các gia đình liệt sĩ hãy tin tưởng, để chúng tôi có thể hoàn thành trọng trách của mình cho trọn vẹn nghĩa tình”. Mai Thảo

Học sinh Hà Nội xuất sắc đoạt nhiều Huy chương Vàng tại các Olympic quốc tế 2021

TĐKT - Kỳ thi Olympic quốc tế năm nay (được tổ chức trực tuyến) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp các châu lục. Mặc dù vậy, đoàn học sinh Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, chuẩn bị tốt cả về tâm lý, kiến thức và kỹ năng để bước vào kỳ thi Olympic quốc tế 2021 “đặc biệt” này và đã mang về những thành tích rất đáng tự hào. Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế 2021 Đóng góp vào thành công chung của đoàn học sinh Việt Nam, TP Hà Nội có 3 học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham dự Olympic quốc tế năm 2021 đều xuất sắc giành được huy chương Vàng, trong đó có học sinh Đỗ Bách Khoa là học sinh Hà Nội lần đầu tiên đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) 2021. Cụ thể, ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, Đỗ Bách Khoa là học sinh duy nhất của Việt Nam giành được Huy chương Vàng với điểm số nằm trong top 10. Với thành tích xuất sắc này, Đỗ Bách Khoa trở thành học sinh đầu tiên của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập trường. Ở kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) 2021, hai học sinh Nguyễn Mạnh Quân và Trần Quang Vinh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đã xuất sắc giành được 2 Huy chương Vàng. Thành tích hai em đạt được đã góp phần cùng với đội tuyển đưa Việt Nam đứng thứ 7 IPhO 2021 sau Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Đài Loan, Rumani (theo cách xếp hạng huy chương). Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, không được ôn tập trực tiếp, nhiều điều kiện học tập bị hạn chế, nhưng các học sinh của Hà Nội đã nỗ lực vượt khó khăn trải qua các cuộc tập huấn online, hoàn thiện kiến thức, đạt thành tích cao, tiếp tục khẳng định vị trí trên đấu trường khu vực và quốc tế. Trước kỳ thi Olympic quốc tế 2021, ba học sinh của Hà Nội cũng đã từng giành nhiều giải thưởng trong nước và thế giới rất đáng tự hào. Học sinh Đỗ Bách Khoa đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia: giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán 2020, giải Nhất ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021, Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) 2020… Học sinh Nguyễn Mạnh Quân giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.  Trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương (APhO 2021), Nguyễn Mạnh Quân đã đạt Huy chương Vàng. Đặc biệt, Quân đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO tặng Bằng khen. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt được thành tích này khi tham gia APhO. Năm 2020, Quân đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Âu. Năm 2019, giành Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế với số điểm tuyệt đối, đạt điểm SAT tuyệt đối với 1600/1600 và 8.0 IELTS. Năm 2018, Quân đạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế. Quân từng 2 năm liên tiếp giành giải Nhất quốc gia môn Vật Lý (năm lớp 11 và lớp 12)… Học sinh Trần Quang Vinh cũng đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế:  Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO 2021), Huy chương Vàng Vật lý kỳ thi Olympic giữa các thành phố lớn (IOM 2020)… Với thành tích xuất sắc đạt được, 3 học sinh của Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi Olympic quốc tế 2021 và mang về cho Hà Nội nhiều thành tích đáng tự hào. Kết quả xuất sắc của các học sinh của Hà Nội tiếp tục khẳng định nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Thủ đô nói chung và các thầy cô và các em học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói riêng. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, kết quả xuất sắc này càng có ý nghĩa, thể hiện sự nỗ lực của ngành giáo dục, các nhà trường và các em học sinh vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa quyết tâm khẳng định vị thế của học sinh Việt nam trong các kỳ Olympic quốc tế các môn văn hóa. Mai Thảo

Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày

TĐKT - Để đảm bảo an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho nhân dân là trên hết, TP Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7. Theo đó, Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với người dân, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... Trường hợp người dân khi di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố. Đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động, trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng. Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode. Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương về số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất. Chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân. Đối với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến". Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách...) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật... Dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên “luồng xanh” vào thành phố). Quy định dừng các hoạt động vận tải hành khách nêu trên chỉ trừ các trường hợp: Phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ trong Chỉ thị 16: Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./. Mai Thảo

Trang