Điển hình tiên tiến

Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh): Đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn được thành lập theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 29/04/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế hạng II (theo Quyết định số 2516/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh), quy mô 130 giường bệnh kế hoạch, 320 giường bệnh thực kê. Tổng số cán bộ, viên chức: 165 cán bộ viên chức và người lao động (127 biên chế, 38 hợp đồng), trong đó có 40 bác sĩ (14 bác sĩ chuyên khoa I; 26 bác sĩ đa khoa). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn: Cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu mới; thiếu các trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ cho công tác khám bệnh chữa bệnh; những thay đổi, bất cập về chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh; mặt trái của cơ chế đấu thầu tập trung; biến động của cơ chế thị trường; nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao; đơn vị không được cấp ngân sách cho công tác chi thường xuyên..., Bệnh viện luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Y tế, Sở Y tế, Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện và các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó Bệnh viện được nâng lên hạng II và trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E. Đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị. Vì vậy, năm 2018 Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra đều đạt và vượt, chất lượng bệnh viện ngày càng được nâng cao. Cụ thể, tổng số lượt khám bệnh là 92,085 lượt, bằng 104,09% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 101,19% so với KH năm. Tổng số lượt điều trị nội trú là 15.923 lượt, bằng 106,51% so với cùng kỳ và bằng 108,32% so với KH năm. Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong công tác điều trị, chữa bệnh: Giác hơi, phẫu thuật nội soi bóc u xơ tử cung; thở máy không xâm nhập; tiêm nội khớp; xét nghiệm định lượng Ethanol (cồn) trong máu; xét nghiệm HP; xét nghiệm HDL, LDH. Trong năm, đơn vị cũng đã gửi các cán bộ đi đào tạo triển khai các kỹ thuật mới về: thở máy không xâm nhập, kết hợp xương bằng đinh Sign, nội soi dạ dày - tá tràng về gây mê; rà soát, phê duyệt bổ sung 47 danh mục kỹ thuật mới. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị đã thực hiện 5.413 dịch vụ kỹ thuật, trong đó thực hiện được 3.531 dịch vụ kỹ thuật phân tuyến (chiếm 78,19%) và 1.882 dịch vụ vượt tuyến (chiếm 10,32%). Cùng với công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã thực hiện tốt công tác khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện; khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự và nghĩa cụ Công an nhân dân; khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Huyện ủy quản lý; tổ chức khám miễn phí cho bà con nhân dân một số xã trên địa bàn huyện... Đặc biệt, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện thực hiện tốt khẩu hiệu “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” và nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, coi người bệnh là khách hàng đặc biệt để chăm sóc và điều trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh (KCB), điều hành quản lý luôn được Bệnh viện chú trọng. Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp phần mềm VNPT HIS trong công tác mã hóa, đổ dữ liệu KCB BHYT trên phần mềm chuyên dụng, kết nối các máy xét nghiệm còn lại, hoàn thiện hệ thống báo cáo. Sau một năm triển khai, Bệnh viện đã chính thức tiến hành ký hợp đồng thuê dịch vụ phần mềm VNPT HIS vào tháng 1/2018. Tất cả các CBCNV trong đơn vị đều được đào tạo về tin học văn phòng, trong đó có 26 người được cấp chứng chỉ về tin học cơ bản; kiến thức, kỹ năng sử dụng phần mềm VNPT HIS trong công tác KCB; đảm bảo đẩy dữ liệu trực tuyến liên thông thanh quyết toán BHYT hàng ngày, đảm bảo tiến độ, chính xác về số liệu KCB BHYT. Với những thành tích đã đạt được, năm 2018, đơn vị được xếp loại là bệnh viện có chất lượng tốt, xếp thứ hai trong các bệnh viện tuyến huyện trong toàn tỉnh. Các đoàn thể như Công đoàn cơ sở, Chi đoàn đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đề nghị cấp tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, Đảng bộ rất vinh dự là năm thứ ba liên tục được xếp loại là đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn đang đề nghị Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Mục tiêu của Bệnh viện trong năm 2019 là nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh; hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đã được giao. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm và Đề án Bệnh viện vệ tinh. Xây dựng Bệnh viện huyện Hương Sơn đạt tiêu chuẩn chất lượng khá và đứng trong tốp đầu đối với các bệnh viện cùng hạng trong toàn tỉnh. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ người bệnh, đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại. Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, tuyển dụng thêm đội ngũ bác sĩ chính quy về công tác tại đơn vị. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết cho công chức, viên chức trong toàn đơn vị nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Biểu dương 90 cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2 năm 2019

TĐKT - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ban Cán sự Phụ nữ Lao động - tiền thân của Ban Nữ công; 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam; kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1.979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiều 23/2, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương 90 cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc lần II - 2019. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường. Từ đề xuất, lựa chọn của 81 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương gửi về Tổng Liên đoàn hồ sơ đề nghị khen thưởng của 134 chị, Tổng Liên đoàn đã thành lập Hội đồng xét chọn 90 cán bộ nữ công tiêu biểu nhất để biểu dương, khen thưởng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và  Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường tặng Bằng khen và biểu trưng cho các cán bộ nữ công tiêu biểu. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật khẳng định: 90 chị được biểu dương hôm nay là những bông hoa tiêu biểu, đại diện cho lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và đội ngũ cán bộ nữ công công đoàn các cấp. Đây là những nhân tố nòng cốt để tiếp tục thúc đẩy phong trào nữ CNVCLĐ trong thời gian tới. Các chị luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc, tận tụy, tâm huyết, vì người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Các chị còn là những người chị, người bạn gần gũi luôn thấu hiểu, sẻ chia với người lao động. Các chị đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ và công tác dân số, gia đình, trẻ em; đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản và chế độ khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật; tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đã đề xuất thành công đưa được vào thỏa ước lao động tập thể hiện hành của đơn vị những quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của Bộ Luật Lao động. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã luôn quan tâm làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ - lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Nổi bật là công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em; việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về những vấn đề liên quan đến lao động nữ như các chính sách về thai sản; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo; mô hình tập hợp nữ công nhân lao động ở khu nhà trọ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Đặc biệt giải quyết chính sách lao động nữ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc lại doanh nghiệp; tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn cần tham gia tích cực trong việc chăm lo và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho lao động nữ, tập trung các vấn đề liên quan đến nhà ở, nhà trẻ, bếp ăn tập thể, nhà tắm, nhà vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ… nhất là ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ... “Tôi mong rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn nâng cao hiệu quả hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong đó có lao động nữ; tổ chức tốt các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sẽ diễn ra vào năm 2020” – Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh. Mai Thảo

Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Mắt Trung ương: Nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh

TĐKT - Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Mắt Trung ương được thành lập từ năm 1957 khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Viện Mắt Hột. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Gây mê hồi sức luôn hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ công tác phẫu thuật cho những người bệnh phẫu thuật các bệnh về mắt tại bệnh viện; đảm bảo an toàn, hiệu quả cho công tác gây mê hồi sức và theo dõi người bệnh trong phẫu thuật. Tập thể cán bộ, viên chức Khoa Gây mê hồi sức Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Khoa Gây mê hồi sức ngày càng phát triển về quy mô, tổ chức. Hiện Khoa có tổng số 46 nhân viên, trong đó có 5 bác sĩ, 7 kỹ thuật viên gây mê hồi sức, 22 điều dưỡng; 12 hộ lý. Đội ngũ cán bộ của Khoa có trình độ chuyên môn đồng đều, năng động, nhiệt huyết, luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ của tập thể và cá nhân. Cơ sở vật chất của Khoa ngày nay được đầu tư khang trang, hiện đại, đầy đủ các trang thiết bị máy móc, môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp. Chính vì vậy, Khoa Gây mê hồi sức luôn giữ được truyền thống là một trong những khoa làm việc đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn cũng như các phong trào thi đua. Đại hội Chi bộ Khoa Gây mê hồi sức năm 2018 Đồng chí Trưởng khoa đã quán triệt vận dụng đúng đắn, kịp thời các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chuyên môn cũng như các công tác khác. Mỗi cá nhân trong Khoa luôn thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của Bệnh viện. Hằng năm, Khoa đã phát động thực hiện nhiều phong trào thi đua tạo động lực để cán bộ, nhân viên phấn đấu hoàn thành tốt công việc chuyên môn được giao, tiêu biểu: Thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô và các dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Bệnh viện... Nhờ đó, dù khối lượng công việc rất lớn, đội ngũ cán bộ không nhiều và phải phụ trách nhiều vị trí làm việc, Khoa Gây mê hồi sức luôn hoàn thành tốt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn được giao. Để có được những kết quả cao trong công tác, Khoa đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý. Theo đó, ngoài trưởng khoa, phó khoa, điều dưỡng trưởng, Khoa còn phân công các cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên phụ trách từng mảng công việc, giúp cho phần phụ trách được cụ thể hơn, công việc được giải quyết linh hoạt hơn. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính; tổ chức họp khoa định kỳ để cùng bàn bạc, chia sẻ, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để việc quản lý sát sao, cụ thể và hiệu quả hơn. PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đang thực hiện ca mổ Lazer Femtosecond (Phương pháp điều trị tật khúc xạ tân tiến nhất hiện nay ở Việt Nam) Công tác quản lý hành chính cũng có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh. Hiện nay, Khoa đã tổ chức lên kế hoạch các ca mổ, bàn mổ theo đặc thù và yêu cầu của từng loại phẫu thuật, từng phẫu thuật viên; sắp xếp gọi người bệnh theo đợt, tránh để người bệnh chờ đợi lâu; xây dựng quy trình giao nhận người bệnh; khu người bệnh chờ mổ được trang bị cây cấp nước uống nóng lạnh, điều hòa hai chiều để người bệnh thoải mái hơn trong lúc chờ mổ; chú trọng nâng cao công tác giao tiếp ứng xử với người bệnh và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đặc biệt, cán bộ nhân viên của Khoa rất tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học kỹ thuật Bệnh viện công nhận và đưa vào sử dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao. Với những kết quả đạt được, Khoa Gây mê hồi sức đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2015 và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2009. Hằng năm, tập thể Khoa đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Hiện nay, Khoa Gây mê hồi sức đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2012 - 2017. Nguyễn Quân

Chi hội trưởng hội phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

TĐKT - Hơn 9 năm gắn bó với công tác hội phụ nữ, chị Bùi Thị Huyền, Chi hội trưởng hội phụ nữ xóm Suối Chuộn (xã Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình) luôn là cán bộ nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, được chị em tin tưởng, yêu mến. Chị Huyền tự tay chăm sóc vườn bí xanh của gia đình Chị Huyền chia sẻ: “Khi được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, tôi vừa vui mừng mà cũng vừa băn khoăn, lo lắng. Bởi người dân xóm Suối Chuộn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, tôi lại là người dân tộc Mường. Sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán khiến tôi có rất nhiều trăn trở.” Thời gian đầu, do không hiểu được tiếng nói của các hội viên dân tộc Dao cộng với việc còn nhiều bỡ ngỡ với nhiệm vụ, chị Huyền chưa thể tiếp cận để tuyên truyền, giúp đỡ cho hội viên. Trong các buổi họp của chi hội, số chị em tham gia chỉ khoảng 30%. Nhận thấy cần khắc phục ngay tình trạng bất đồng ngôn ngữ này, chị Huyền đã tự mày mò, học bằng được tiếng Dao. Với quyết tâm của mình, chị đã dần hiểu được tiếng Dao và đã có thể trao đổi với các hội viên người Dao. Sau khi đã loại bỏ được rào cản về ngôn ngữ, chị suy nghĩ, tìm cách để thuyết phục chị em ủng hộ phong trào của Hội và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Chị đã tích cực phối hợp với các đoàn thể trong thôn, xã tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề công tác Hội cho hội viên, các chương trình, dự án, mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em cùng tham gia thực hiện. Xác định muốn đưa phong trào Hội đi lên thì trước hết phải giúp chị em hội viên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Chị Huyền cùng các thành viên trong chi hội đã thành lập mô hình tổ tiết kiệm. Hàng tháng, mỗi hội viên đóng góp từ 50.000 - 100.000 đồng. Theo đó, mỗi tháng tiết kiệm được 3 - 3,5 triệu đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ những chị em có hoàn cảnh khó khăn hoặc cho hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị và các hội viên còn trồng 7.000 cây keo giống để gây quỹ. Bên cạnh đó, chị Huyền còn tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng, thể thao, xây dựng quỹ Hội và thực hiện hiệu quả các phong trào do Hội các cấp phát động như thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Đặc biệt, chị đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên trong buôn thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị muốn sinh thêm con thứ 3 để thuyết phục họ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Đến nay, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 ở Suối Chuộn không còn. Không chỉ làm tốt công tác Hội, chị Huyền còn là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Hiện  gia đình chị có hơn 200 cây bưởi, 300 cây cam, 5.000 m2 bí xanh, 3 ha keo, trên 80 con lợn thịt và lợn rừng cùng hàng trăm con gà. Thời gian gần đây, chị mở thêm cửa hàng bánh ngọt. Với những đóng góp của mình, chị Huyền đã được các cấp khen thưởng, nhưng có lẽ với chị, phần thưởng lớn nhất chính là sự đoàn kết, tương trợ, đùm bọc của chị em hội viên trong buôn, góp phần xây dựng chi hội ngày càng phát triển. Bảo Linh  

“Ngôi nhà 1000 Đ – Ngày thứ 6 tái chế” – mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

TĐKT - Tuần nào cũng vậy, đều đặn vào mỗi ngày thứ sáu, chị em phụ nữ Phòng Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 lại tập trung thu gom giấy, vỏ lon, chai nhựa và các vật liệu tái chế khác về Ngôi nhà 1000 Đ. Từ đây, rác được xử lý, phân loại rồi đem bán để thu tiền gây quỹ giúp đỡ, hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, gia đình chính sách... Mô hình “Ngôi nhà 1000 Đ – Ngày thứ 6 tái chế” là một trong những việc làm thiết thực mà chị em phụ nữ Phòng Hậu cần đã triển khai nhằm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rác thải được xử lý, phân loại tại Ngôi nhà 1000 Đ (ảnh: Nguyễn Trung Trực) Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần là một tổ chức quần chúng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Mặc dù có ít hội viên, tuổi đời, trình độ khác nhau, hoạt động phân tán ở nhiều đơn vị với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, tập thể Hội luôn đoàn kết, nhất trí cao, triển khai hiệu quả và chất lượng các phong trào thi đua và công tác hội. Cán bộ, hội viên luôn an tâm công tác, có tinh thần trách nhiệm cao, đã triển khai nhiều phong trào và công tác hội như phong trào "Phụ nữ Cảnh sát biển đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội cụ Hồ" gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, kết hợp rèn luyện 4 phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiện đại “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và rèn luyện tiêu chí 4 tốt của phụ nữ Quân đội “Sức khỏe tốt, phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn tốt, xây dựng gia đình tốt”. Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW gắn với rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ theo từng năm, từng giai đoạn và đã tổ chức quán triệt triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ, trong đó đẩy mạnh việc “Làm theo Bác”. Được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy đơn vị, Hội đã xây dựng và duy trì thực hiện nhiều mô hình và đã được các cấp đồng ý chủ trương và ủng hộ về mọi mặt để triển khai tổ chức thực hiện. Tiêu biểu trong số đó, mô hình “Ngôi nhà 1000Đ – Ngày thứ 6 tái chế” đã được các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Triển khai từ 8/3/2017, mô hình được lấy tên là “Ngôi nhà 1000 Đ”, xuất phát từ phong trào quyên góp gây quỹ “Ngôi nhà 1000 Đ” của Phụ nữ Cảnh sát biển và “Ngày thứ 6 tái chế” gắn với chế độ sinh hoạt tổng vệ sinh vào chiều thứ 6 cuối tuần của đơn vị, để tuyên truyền, giáo dục cho toàn bộ cán bộ, hội viên và cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng, giúp mô hình có tính lan tỏa rộng rãi hơn trong quá trình thực hiện. Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Thị Hồng Thắm cho biết: Để triển khai và đưa mô hình vào hoạt động, tập thể Hội đã thống nhất và đề xuất chỉ huy đơn vị, báo cáo thủ trưởng Vùng và đã được thủ trưởng Vùng nhất trí cao. Hội đã tham mưu thủ trưởng Vùng ban hành các văn bản để phổ biến, quán triệt các nội dung của mô hình đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nói chung và cán bộ, hội viên nói riêng. Hội đã thiết kế, lắp đặt 3 ngôi nhà đặt trong doanh trại tại 3 vị trí thuận tiện cho việc thu gom chất thải tái chế. Ngôi nhà được thiết kế nhỏ gọn, đẹp, đảm bảo tính mỹ quan và phù hợp với môi trường xung quanh. Ngôi nhà được trang trí kết hợp sử dụng catalog với các khẩu hiệu tuyên truyền: “Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu Cần triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà 1000Đ - Ngày thứ 6 tái chế” nhằm xây dựng quỹ để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cháu vượt khó học giỏi, đồng thời góp phần giữ gìn doanh trại xanh - sạch - đẹp”, “Phân loại rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường và giữ gìn doanh trại xanh, sạch, đẹp”, “Tái sử dụng chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững”… Ngôi nhà được lắp đặt chắc chắn, kín đáo, mưa gió không làm ảnh hưởng đến chất thải tái chế để bên trong. Giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 2.000.000 đ. Hoạt động của mô hình được duy trì thường xuyên, cán bộ, hội viên hàng ngày tại bộ phận của mình chủ động phân loại các chất thải tái chế, cuối tuần thu gom và đưa về “Ngôi nhà 1000 Đ”. Ở các đơn vị không có hội viên phụ nữ, cán bộ Hội đến trao đổi trực tiếp với chỉ huy đơn vị và cán bộ, chiến sĩ, đề nghị phối hợp phân loại và thu gom, thứ 6 hàng tuần Hội bố trí hội viên đến lấy. Trong trường hợp phát sinh nhiều chất thải, các đơn vị liên hệ trực tiếp với cán bộ hội (bằng điện thoại) thông báo và Hội sẽ sắp xếp, cử hội viên đến cùng thu gom. Chị em phụ nữ thu gom rác từ các thùng rác ở các đơn vị (ảnh: Nguyễn Trung Trực) Một phần lớn chất thải tái chế khác được cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng tự thu gom và đưa về các Ngôi nhà 1000 Đ của Hội. Khoảng vài tuần, Hội sẽ sắp xếp lại chất thải tái chế tại Ngôi nhà 1000 Đ và bán lại cho vựa phế liệu. Từ ngày đầu mô hình được triển khai tới nay, trung bình mỗi tháng, Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần thu gom khoảng 100 kg giấy, 50 kg nhựa, 30 kg sắt và hàng trăm vỏ lon các loại, giá trị thu được từ 800.000 – 1.200.000 đ/tháng. Đến nay, tổng thu được gần 16.000.000 đ. Nhờ triển khai mô hình, chất thải phát sinh trong doanh trại phần lớn đã được phân loại tại nguồn, hầu hết chất thải tái chế được thu gom, môi trường doanh trại đơn vị được giữ gìn sạch, đẹp. Thông qua đó, ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, chiến sĩ, hội viên ngày càng được nâng cao. Từ nguồn thu của mô hình “Ngôi nhà 1000Đ - Ngày thứ 6 tái chế”, Hội đã trích đóng góp vào Quỹ “Ngôi nhà 1000Đ” của Phụ nữ Cảnh sát biển và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: Thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ nhân dịp ngày 27/7 hàng năm (2 suất quà tổng trị giá 1.100.000 đ), tặng 50 phần quà cho các cháu là con của quân nhân và hội viên trong đơn vị (tổng trị giá 7.200.000 đ); phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng 30 phần quà trung thu cho các cháu nghèo trên địa bàn tỉnh, trị giá 2.000.000 đ, thăm hỏi và tặng quà cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 2.000.000 đ. Hiệu quả của mô hình đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ thu hút chị em phụ nữ mà còn cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng tham gia, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên cho cán bộ, chiến sĩ. Phương Thanh    

Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang: Góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương

TĐKT - “Sau 2 năm đi vào hoạt động, với quy mô 200 giường bệnh, 15 khoa, phòng, cùng việc hoàn thiện bộ 3 phương pháp điều trị về ung thư: Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang tạo được niềm tin với người bệnh đồng thời góp phần đáng kể giảm tải cho tuyến trên”. Tạo niềm tin với người bệnh Đến Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là một không gian xanh - sạch - đẹp cùng với phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện từ mỗi cán bộ, y bác sĩ đối với người bệnh. Bà Nguyễn Thị Phê (72 tuổi, quê ở huyện Hương Lạc, tỉnh Bắc Giang) bệnh nhân ung thư vú đã được các bác sĩ bệnh viện phẫu thuật ngay khi phát hiện bệnh. Đến nay, sau 2 tháng phẫu thuật và 2 lần xạ trị, bà đã khỏe trở lại và lạc quan cho biết: “Sau khi phẫu thuật, được các bác sĩ, y tá chăm sóc chu đáo, vết mổ của tôi liền rất nhanh. Tôi thấy trong người rất khỏe sau 2 lần xạ trị”. Cười rất tươi, bà cho chúng tôi biết thêm: “Các bác sĩ bảo tôi còn 7 lần xạ trị nữa cơ nhưng tôi lạc quan lắm cô ạ”. Các bệnh nhân luôn được các bác sĩ Bệnh viện khám, điều trị thận trọng Cũng như bà Phê, bệnh nhân Nguyễn Thị Dậu (80 tuổi, quê ở xã Tân Trung, huyện Tiên Yên, tỉnh Bắc Giang) nhập Khoa Hồi sức cấp cứu và Chăm sóc giảm nhẹ trong tình trạng sốt, tức ngực, khó thở. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tuyến trên và phát hiện ung thư phổi. Tại đây, sau khi được các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị tích cực, bệnh nhân đã hết sốt, có thể ngồi dậy và ăn uống nhẹ. Anh Nguyễn Văn Cường, con trai bà chia sẻ: “Mẹ tôi bị khối u ở phổi đã nằm điều trị ở đây dài ngày rồi. Trước, chúng tôi phải thuê xe đưa mẹ lên tận Hà Nội để làm các xét nghiệm và điều trị, việc đi lại mất nhiều thời gian và tốn kém. Nhưng nay nằm điều trị ở đây, được các bác sĩ chăm sóc tận tình, bệnh của mẹ tôi đã thuyên giảm, gia đình rất phấn khởi vì không cần phải đưa mẹ lên tuyến trên chữa chạy nữa”. Bác sĩ Trần Minh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang chia sẻ: Để tạo được lòng tin của người bệnh, trước hết bệnh viện phải có đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn tốt, với trang thiết bị máy móc được đầu tư hiện đại. Hiện, bệnh viện đã đưa phương pháp xạ trị vào hoạt động, góp phần hoàn thiện bộ 3 điều trị về ung thư gồm: Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Hướng tới sự hài lòng của người bệnh Là đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động với quy mô 200 giường bệnh, 15 khoa, phòng. Được sự quan tâm của tỉnh, Bệnh viện đầu tư đồng bộ với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhiều thiết bị hiện đại giúp các bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán ung thư: Hệ thống máy nội soi tiêu hóa, thiết bị xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học... Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang đang điều trị cho một bệnh nhân bị ung thư Bệnh viện còn có phòng mổ hiện đại với hệ thống khí trung tâm tương đương tuyến trung ương. Trước đây, bệnh nhân ung bướu trong tỉnh phải lên tuyến trên khám, điều trị rất vất vả; đa số các ca bệnh phát hiện đã ở giai đoạn cuối, chi phí tốn kém trong khi hiệu quả điều trị không cao. Từ khi có bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều bệnh nhân không còn phải đi xa, việc khám sàng lọc được quan tâm triển khai thường xuyên. Đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 150 - 200 lượt bệnh nhân đến khám, tỷ lệ giường điều trị đạt 90%; triển khai nhiều kỹ thuật tương đương tuyến trung ương: Phẫu thuật tiêu hóa, u vú, tuyến giáp, mở thông dạ dày; điều trị hóa chất; chăm sóc giảm nhẹ; thực hiện các xét nghiệm, nội soi, chụp XQ, sinh hóa huyết học... Năm 2018, bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lớn cắt cả 3 cơ quan tụy, dạ dày và đại tràng cho bệnh nhân Nguyễn Văn Tập (TP Bắc Giang) bị ung thư tụy đã di căn vào dạ dày và đại tràng. Thành công của ca phẫu thuật đã khẳng định được năng lực đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Trần Minh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Bệnh nhân ung bướu có thể điều trị kéo dài sự sống nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Bởi vậy, bên cạnh chú trọng chuyên môn sâu, bệnh viện tập trung triển khai chương trình khám sàng lọc tại tuyến huyện, xã nhằm phát hiện sớm bệnh nhân ung bướu. Chỉ đạo tuyến dưới đẩy mạnh truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe, giúp người dân nâng cao kiến thức phòng ngừa bệnh". Bên cạnh đó, gói tầm soát ung thư của Bệnh viện sẽ giúp người dân phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị khỏi hoàn toàn hoặc kéo dài thời gian sống. Về phía người dân, bác sĩ Trần Minh Phương cũng cho biết thêm, để phòng, chống và điều trị bệnh ung thư hiệu quả, bản thân mỗi người phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình; áp dụng chế độ dinh dưỡng an toàn, không sử dụng các đồ uống có chất kích thích và các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giữ thói quen ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập điều độ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể; đặc biệt, có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, giúp cơ hội điều trị thành công cao hơn. Với sự hỗ trợ của Dự án Norred (dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ nâng cao năng lực dịch vụ y tế, trong đó có chuyên khoa ung bướu), từ cuối năm 2017, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang đã khởi công xây dựng hầm xạ trị, đồng thời tiếp tục bổ sung nhiều trang thiết bị mới giúp hoàn thiện đồng bộ công tác khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư. Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục mời các chuyên gia tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật; cố gắng phát triển tầm soát ung thư cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho bệnh nhân khám, điều trị; cử cán bộ đi học kỹ năng chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối… góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Hưng Vũ

PGS.TS. Tô Thanh Phương: Người thầy thuốc tài năng, tâm huyết

TĐKT - Nghề y là một công việc đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng là nghề cao quý, mang ý nghĩa lớn lao. Lựa chọn nghề y là lựa chọn một con đường gian nan, khó khăn, nhiều áp lực, song với tình yêu nghề, đội ngũ y, bác sĩ luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao quý “trị bệnh cứu người”. Trong bài viết này chúng tôi muốn nói đến một người bác sĩ đặc biệt mà tên tuổi của ông gắn liền với một lĩnh vực có tính đặc thù cao: Chuyên ngành trầm cảm. Đó là PGS.TS Tô Thanh Phương (Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm thần Trung ương 1) - người nổi tiếng trong giới y khoa là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành trầm cảm. PGS. TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương Theo lời kể của PGS.TS Tô Thanh Phương, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982 ông thực hiện nghĩa vụ quân sự, là bác sĩ quân y của Trường Sĩ quan Tên lửa - Ra đa (nay là Học viện Phòng không – Không quân). Từ tháng 1/1986 đến nay, ông chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Trong cuộc sống, có nhiều người chọn hướng đi rõ ràng ngay từ đầu nhưng cũng có những người chỉ đến với nghề một cách tình cờ, như một cái duyên. Con đường đưa PGS.TS Tô Thanh Phương đến với chuyên ngành trầm cảm là một “ngã rẽ” không hẹn trước. Đó là thời điểm năm 1989 khi ông đang là Phó trưởng Khoa 5 của Bệnh viện Thần kinh. Có một bệnh nhân tên Chử Văn T, người Lai Châu, đang được điều trị tại Khoa khi đó. Mặc dù đã được bác sĩ trưởng khoa tiêm liều thuốc khá cao trong 1 tuần là Aminazine 25 mg ngày 6 ống, Haloperidol 5 mg ngày 4 ống, bệnh nhân T vẫn kích động dữ dội. Thấy vậy, bác sĩ Tô Thanh Phương đã bỏ thời gian vài ngày theo dõi và thấy bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ, vẻ mặt u buồn, có lúc sụt sùi khóc, ngồi ở xó buồng. Nhận định trường hợp này là trầm cảm, ông đã mạnh dạn xin nhận điều trị cho bệnh nhân. PGS.TS Tô Thanh Phương kể lại: “Cũng may trưởng khoa đồng ý và bảo tôi viết đơn chịu trách nhiệm. Sau khi giám đốc ký đồng ý thì tôi điều trị bằng công thức riêng của mình. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã thấy dễ chịu ngay. Sau 1 tuần, bệnh nhân T chuyển biến tốt. Từ đó tôi quyết tâm đi theo hướng điều trị trầm cảm. Năm 1995, khi sang Pháp nghiên cứu lần 1, tôi thấy họ chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần cho bệnh nhân và họ nặng về liệu pháp tâm lý nên ít hiệu quả. Tôi mua nhiều sách đem về nghiên cứu. Năm 2000 tôi bắt đầu làm luận án điều trị trầm cảm bằng thuốc an thần kinh phối hợp với thuốc chống trầm cảm. Thời điểm đó, an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Năm 2002, tôi sang Pháp lần 2 và hỏi ý kiến các giáo sư. Các thầy thấy khả thi nên động viên tôi. Kết quả, tôi đã báo cáo thành công luận án Tiến sĩ điều trị trầm cảm bằng an thần kinh phối hợp với chống trầm cảm đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay biện pháp chữa bệnh này đã thành phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã khỏi bệnh”.  Là một bác sĩ điều trị trầm cảm cho bệnh nhân, công việc của PGS.TS. Tô Thanh Phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là việc chẩn đoán bệnh bởi nếu chẩn đoán không đúng thì điều trị không hiệu quả. “Việc tiếp xúc với bệnh nhân trầm cảm không dễ dàng và đòi hỏi người bác sĩ phải có chuyên môn, sự kiên nhẫn, tâm huyết với công việc, thấu hiểu, chia sẻ với người bệnh. Nhiều khi để làm được tốt công tác tư tưởng, những bác sĩ như tôi phải ngồi trò chuyện với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân hàng giờ liền. Đôi khi chỉ nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối và phải tự chắp vá lại để phán đoán hướng điều trị và động viên họ.” - PGS.TS Tô Thanh Phương chia sẻ. Ông luôn tâm niệm rằng, là bác sĩ thì quan trọng nhất phải có cái tâm với nghề. Bác sĩ chữa trầm cảm thì càng quan trọng phải có cái tâm. Khi có cái tâm, nghĩa là bạn mới thực sự thương người bệnh. Khi đó, bạn sẽ thăm khám cho người bệnh bằng cả trái tim và khối óc mới ra được bệnh. Bởi rất nhiều người bệnh mà các triệu chứng không điển hình, rất khó để xác định 1 ca trầm cảm. Ngược lại, phải khám tỉ mỉ, khám lâu, hỏi kỹ và đồng cảm với người bệnh mới được. Nếu như nhiều bác sĩ khám cho bệnh nhân qua loa, thậm chí quát nạt thì không bao giờ chữa được trầm cảm. Với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, PGS.TS Tô Thanh Phương không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị mới. Ông chính là người đem kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ - kỹ thuật mới nhất trong điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt từ Pháp về áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay nhiều bệnh viện tâm thần trong cả nước đã sử dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh trầm cảm. PGS.TS Tô Thanh Phương đã nghiên cứu đề tài dùng kích thích từ xuyên sọ điều trị chứng ảo thanh kéo dài đạt hiệu quả cao, 63,33% hết ảo thanh. (Ảo thanh là chứng bệnh nguy hiểm, đó là những tiếng nói trong đầu xui người bệnh tự tử, xui đánh hoặc giết người, xui bỏ nhà đi có khi không biết đường về. Nếu ảo thanh tồn tại trên 6 tháng thì không có loại thuốc nào chữa được). Bên cạnh đó là phương pháp trắc nghiệm về tâm lý cho kết quả nhanh, chính xác. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, PGS.TS Tô Thanh Phương không nhớ hết mình đã điều trị cho bao nhiều người bệnh, chỉ biết rằng, ông chưa từng bó tay trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào. Sự nhiệt tình, tận tâm, thấu hiểu và kiên nhẫn đã giúp ông mở được cánh cửa bí mật riêng biệt trong mỗi người bệnh, từ đó có được sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân, gia đình trong quá trình điều trị. Vẫn với cách làm đó, nhiệt huyết đó, PGS.TS Tô Thanh Phương tiếp tục âm thầm xoa dịu nỗi đau tâm hồn cho bệnh nhân của mình để giúp họ có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Ông cũng dự định sẽ viết một cuốn sách về các phương pháp chữa một số bệnh trầm cảm rất đặc hiệu mà nhiều bác sĩ hiện nay còn lúng túng. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan và áp lực khiến nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm như hiện nay, công việc của những bác sĩ chuyên khoa tâm thần như PGS.TS Tô Thanh Phương cũng áp lực và căng thẳng hơn nhưng họ vẫn là điểm tựa tin cậy của những người không may bị bệnh trầm cảm. Nguyễn Quân

Người nông dân giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái

TĐKT - Đến ấp 2 xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) hỏi ông Trần Văn Xuân là ai cũng biết đến. Ông không những là một điển hình vươn lên làm giàu từ tôm thẻ chân trắng mà còn là người có tấm lòng thiện nguyện, luôn gắn bó với công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Văn Xuân Chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn trước khi bắt tay vào đầu tư nuôi tôm, ông Xuân cho biết: Trước đây gia đình tôi có 4 ha ruộng trồng lúa, nhưng ruộng ở đây một năm chỉ làm được một vụ năng suất thấp, trung bình chỉ 3 tấn/ha. Bởi vậy gia đình tôi làm cả năm cũng chỉ đủ trang trải những nhu cầu cơ bản”. Không cam chịu số phận, ông Xuân trăn trở phải tìm cách để cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2003, ông bắt đầu chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Thời gian đầu, ông bắt tay vào nuôi tôm sú. Thế nhưng vì liên tục ảnh hưởng thời tiết, giá tôm sú rớt xuống thấp, thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất không đạt.  Sau đó, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Xuân, thời gian nuôi tôm càng ngắn, thu hoạch tôm càng sớm thì càng tránh được dịch bệnh. Nếu con tôm sú nuôi khoảng 5 tháng thì tôm thẻ chân trắng thì chỉ cần nuôi khoảng 3 tháng. Con tôm rất hay bị dịch bệnh nên càng rút ngắn thời gian nuôi bán tôm càng tốt. Hiện gia đình ông có 7 ha vuông tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm ông làm 2 vụ tôm, mỗi vụ lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha và ông đã trở thành tỷ phú của xã Hiệp Phước. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm thẻ, ông Xuân cho biết, phải thường xuyên theo dõi ao đìa, độ tăng trưởng của tôm nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường... Trong nghề nuôi tôm, quan trọng là phải xử lý ao đáy tốt, nhất là khâu xử lý nước, xuống giống tôm phải đúng thời vụ và đặc biệt đảm bảo an toàn về môi trường. Điều quan trọng là phải mạnh dạn đầu tư làm ăn, “thua keo này, bày keo khác” thì mới khẳng định được mình. Thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Xuân tích cực giúp đỡ bà con muốn học hỏi và vươn lên làm giàu từ mô hình này. Ông đã giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật lại cho khoảng 25 hộ nuôi tôm chưa có kinh nghiệm đạt được hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ông còn tặng cho 1 hộ khó khăn về vốn 200.000 con tôm giống thẻ chân trắng trị giá 22 triệu đồng; tặng 3 hộ nghèo và hướng dẫn sử dụng chế phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề 688, trị giá 20 triệu đồng. Ông còn bán thức ăn không tính lãi cho 35 hộ, với số tiền 1,75 tỷ đồng.  Ngoài ra, ông Xuân cũng tích cực ủng hộ quỹ “Vì người nghèo, quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”…tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nhà Bè. Với những đóng góp trong nhiều năm qua, ông Xuân đã được UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen. Năm 2014, được tặng Bằng khen về thành tích Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 – 2014; năm 2015 được tặng Bằng khen đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu cấp thành phố. Đặc biệt, ông được UBND thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần 3 và tặng Bằng khen; được Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè tặng nhiều Giấy khen. Tùng Chi

2 nhân viên gác chắn dũng cảm quên mình cứu cụ bà thoát chết trong gang tấc

TĐKT - Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh vừa gửi thư khen 2 nhân viên gác chắn dũng cảm quên mình cứu một cụ bà thoát chết trong gang tấc. Vào lúc 8 giờ 20 phút sáng 12/2/2019, tại đường ngang Hãng Dầu km 1698+993 khu gian Biên Hòa, Dĩ An, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), trong lúc nhân viên đã đóng chắn đường bộ, đang làm tín hiệu đón tàu số hiệu 7502 chạy hướng Sài Gòn – Hà Nội thì bất ngờ một cụ bà cố tình lách qua chắn, băng qua đường ngang và bị té ngã trên đường ray khi đoàn tàu đang lao tới. Hai nhân viên đường sắt là chị Nguyễn Thị Minh và Đỗ Thị Lan (Cung chắn Biên Hòa 2 thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn) đã dũng cảm quên mình, hy sinh sự an toàn của bản thân kịp thời cứu cụ bà thoát chết trong gang tấc. Ảnh cắt từ camera ghi lại hành động dũng cảm của hai nhân viên gác chắn cứu bà cụ thoát chết Hành động dũng cảm quên mình của các chị đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khen thưởng kịp thời. Chủ tịch Tổng công ty Vũ Anh Minh đã có thư khen ngợi. Trong thư, ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh: “Hành động dũng cảm, đầy tình người của các chị đã khiến chúng ta cảm nhận về sự vô thường trong cuộc đời này, về những phút giây mà những con người bình thường - những người phụ nữ nhỏ bé khi đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết của người dân, họ đã trở thành những người hùng thực sự”. Hai nhân viên đường sắt là chị Nguyễn Thị Minh và Đỗ Thị Lan (Cung chắn Biên Hòa 2 thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn) đã dũng cảm cứu bà cụ thoát chết trong gang tấc “Ngành đường sắt của chúng ta đang trong chiến dịch cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Với số lượng hành khách tăng đột biến, số lượng tàu chạy tăng gấp 2, gấp 3 ngày thường và đặc thù chạy tàu xuyên suốt thì những ngày qua, cán bộ, công nhân viên, lao động ngành đường sắt ở tất cả các vị trí công tác đều phải làm việc với cường độ và tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo an toàn hành khách, an toàn chạy tàu. Nhờ sự tận tuy, nỗ lực quên mình, thậm chí hy sinh cả sự an toàn của bản thân của các anh, chị mà trong những ngày Tết vừa qua, ngành đường sắt đã vận chuyển hành khách đảm bảo an toàn, xuyên suốt; an ninh trật tự được giữ vững, tai nạn giao thông đường sắt giảm sâu ở cả 3 tiêu chí.” - Ông Vũ Anh Minh bày tỏ trong thư khen. Mai Thảo

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả

TĐKT - Họ làm việc với tinh thần tự nguyện, tự giác, cống hiến, bằng tấm lòng nhân ái, không toan tính vụ lợi…,  được UBND TP Hồ Chí Minh và Ủy ban MTTQ thành phố tuyên dương tại buổi lễ “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 3. Luật sư của trẻ em Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh nổi tiếng trong những vụ án đòi công lý cho trẻ em, nhất là trẻ bị xâm hại tình dục. Mỗi ngày dù phải nhận rất nhiều lời hăm dọa, thậm chí là bị đuổi đánh nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn kiên định với con đường đấu tranh, bảo vệ cho những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ Với vai trò Chi hội trưởng, bà cùng với 10 cộng sự là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa. Bằng kiến thức pháp luật, bằng tâm huyết của mình, luật sư Ngọc Nữ và các luật sư trong Chi hội luật sư đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em, được phơi bày, số lượng luật sư tình nguyện tham gia Chi hội luật sư ngày càng đông. Đến nay Chi hội đã trợ giúp miễn phí trên 40 trường hợp với 30 luật sư luôn trong tâm thế sẵn sàng tư vấn, bảo vệ pháp lý miễn phí cho trẻ em. Không chỉ bảo vệ trẻ em tại TP Hồ Chí Minh, bà cùng cộng sự của mình hỗ trợ các trường hợp ở nhiều địa phương khác. Trong số các vụ việc này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhớ như in một người cha ở tỉnh Bình Thuận đã lặn lội vào TP Hồ Chí Minh cầu cứu bà bảo vệ con gái bị xâm hại tình dục, vụ án có nguy cơ bị “chìm xuồng”. Ngay lập tức, bà và cộng sự đã bỏ tiền túi, tự lo kinh phí lên đường đến Bình Thuận. Sau khi có sự vào cuộc của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và công lý đã được thực thi. Tâm huyết đeo đuổi nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em nhưng có lúc luật sư Trần Thị Ngọc Nữ suýt không thể bảo vệ được mình, bà bị hành hung khi đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trẻ em trong vụ hiếp dâm chấn động dư luận tại Cà Mau năm 2017. Chỉ với một chiếc xe gắn máy, Bà sẵn sàng đi đến những địa chỉ xa xôi, hẻo lánh để tìm gặp trẻ, tìm chứng cứ bảo vệ trẻ. Khắc tinh của đinh tặc Nhiều lần chứng kiến cảnh người đi xe gắn máy tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A cán trúng đinh của bọn “đinh tặc” phải cực khổ dắt xe để vá, thay ruột xe và bị bọn chúng “chặt chém” giá cả gấp chục lần hoặc có người bị té xe suýt mất mạng, ông Đinh Minh Cảnh, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh đã mày mò chế tạo xe đi hút đinh. Công việc hút đinh được ông thực hiện suốt hơn 3 năm qua trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh. Để thực hiện công việc này, ông Cảnh phải thức dậy từ 3h sáng và chuẩn bị các dụng cụ để đi hút đinh. Sau khi lắp chiếc xe hút đinh tự chế vào xe máy, ông Cảnh bật chiếc đèn chớp nháy phía sau đuôi để cảnh báo cho người tham gia giao thông cùng chiều.  Ngày 2 buổi sáng và tối, bất kể trời nắng hay mưa ông cũng đều duy trì công việc hút đinh của mình, toàn bộ kinh phí đầu tư xe hút đinh, xăng xe và các trang thiết bị khác đều do ông tự bỏ tiền túi ra, hoàn toàn làm vì cái tâm chứ không có ai hỗ trợ. Không chỉ dừng lại việc hút đinh giúp người tham gia giao thông, ông còn theo dõi những hành vi phạm pháp và tố cáo công an bắt bọn “đinh tặc”. Công việc thầm lặng của ông đã góp phần giảm tai nạn giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A trong thời gian qua, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Mái ấm cho bệnh nhân HIV/AIDS Khoa săn sóc đặt biệt của Bệnh viện Nhân Ái có hơn 30 y, bác sĩ phải săn sóc trên 40 bệnh nhân bị bệnh AISD ở giai đoạn cuối nên thường bị suy hô hấp, viêm phổi và toàn thân bị viêm nhiểm, lở loét không thể tự săn sóc cho bản thân, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn bị người thân bỏ mặc cho bệnh viện, không nơi nương tựa. Các y, bác sĩ Khoa Khoa săn sóc đặt biệt của Bệnh viện Nhân Ái Với tình thương yêu và thông cảm hoàn cảnh của các bệnh nhân, các y, bác sĩ trong Khoa làm việc cật lực, không quản ngày đêm túc trực để chăm sóc, lo cơm nước, tắm rửa, lau chùi vết thương bị lở loét, nhưng họ vẫn vui vẻ và không phàn nàn hay có thái độ phân biệt đối xử để các bệnh nhân mặc cảm, tủi thân. Ngoài công việc thường xuyên chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ trong Khoa còn tích cực vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tặng quà để có điều kiện chăm lo cho các bệnh nhân tốt hơn. Tùng Chi

Trang