Điển hình tiên tiến

Trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989

TĐKT - Sáng 12/7, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng cho lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban liên lạc Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989 Vũ Oanh; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường. Cùng dự có đại biện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương; các chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989. Cách đây hơn 40 năm, trước những tội ác tày trời, vô cùng dã man, tàn ác của bè lũ Khmer Đỏ đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia, thể theo lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đề nghị Việt Nam giúp đỡ giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đã đánh đổ chế độ Khmer Đỏ, khép lại trang lịch sử đen tối của dân tộc Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới, hồi sinh, phát triển toàn diện của đất nước và dân tộc Campuchia. Giai đoạn 1979 – 1989, Đảng, Nhà nước ta đã cử gần 3,5 vạn cán bộ sang giúp Bạn. Trong Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia có những đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương giữ các chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh… và nhiều cán bộ cấp cục, vụ có phẩm chất, năng lực sang giúp cách mạng Campuchia. Đó là các cơ quan, đơn vị: Đoàn chuyên gia Trung ương Đảng (Ban B68), Đoàn chuyên gia Chính phủ (A40), Đoàn chuyên gia Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (Đoàn 478), Đoàn chuyên gia an ninh (K79), Đoàn chuyên gia TP Hồ Chí Minh (A50), Đoàn chuyên gia cấp tỉnh… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp Bạn, trở về nước, các cựu chuyên gia tiếp tục công tác trên các cương vị khác nhau và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ban liên lạc cựu chuyên gia đã có nhiều hoạt động tích cực, tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần củng cố, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Việc Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia là sự ghi nhận, đánh giá công lao, thành tích to lớn, đặc biệt xuất sắc của Lực lượng chuyên gia Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng chí Trần Quốc Vượng bày tỏ sự cảm ơn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, thống nhất, xây dựng đất nước; quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện hợp tác, nhiệt tình giúp đỡ lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Tin tưởng rằng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia sẽ tiếp tục phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Nguyệt Hà

Người tiên phong trong nuôi cá lồng ở Chuyên Ngoại (Hà Nam)

TĐKT - Đến thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) không ai là không biết đến ông Nguyễn Xuân Đô. Ông không chỉ là người tiên phong thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế nuôi cá lồng trên sông mà còn giúp nhiều bà con địa phương cùng vươn lên làm giàu từ mô hình này. Ông Đô bên mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình Gắn bó với công việc nhà nông và việc nuôi cá thả ao từ lâu nhưng theo ông Đô, việc thả cá theo phương pháp truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, cuộc sống gia đình cũng chỉ đủ ăn. Ông luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách vươn lên làm giàu. Tình cờ trong một chuyến thăm quan mô hình kinh tế năm 2015 do Hội Nông dân xã tổ chức, ông được biết đến mô hình nuôi cá trong lồng trên sông Hồng. Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện tự nhiên ở một xã ven sông như Chuyên Ngoại, ông quyết tâm sẽ đầu tư và đổi mới phương thức nuôi cá truyền thống của gia đình. Nghĩ là làm, được sự ủng hộ từ gia đình và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đô đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá trong lồng với khởi đầu 45 lồng cá và trở thành người nông dân đầu tiên trong xã thử nghiệm mô hình phát triển kinh tế này. “Thời gian đầu thử nghiệm mô hình này, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thêm vào đó, lứa đầu tiên này của ông gặp phải cơn bão lớn đợt tháng 7 năm 2016 khiến đàn cá đã theo dòng nước lớn bơi ra khỏi lồng, bao nhiêu tiền đầu tư nuôi cá coi như mất trắng”. - ông Đô chia sẻ. Tuy nhiên, thất bại này không làm ông nản lòng. Để có thêm kinh nghiệm nuôi cá trong lồng, ông tự mày mò nghiên cứu qua sách, báo, mạng. Ông cũng tự mình đến một số mô hình này ở các tỉnh lân cận Hà Nam để tìm hiểu, học hỏi. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật nuôi, ông quyết định nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, diêu hồng, chép giòn và trắm cỏ, là những loại cá được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế. Cứ lứa này gối lứa khác, cho thu hoạch quanh năm. Lứa cá đầu tiên đem lại thu hoạch vào cuối năm 2017, năng suất mỗi lồng đạt 3 - 4 tấn, có lồng được hơn 5 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí bình quân, số lãi mà ông thu được từ bán cá khoảng 35 - 45 triệu đồng/lồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi một số loại cá trong lồng, ông Đô cho biết: Đối với giống cá chép giòn, người nuôi phải đặc biệt chú ý đến khâu thu hoạch. Đây là loại cá hay bị vỡ cơ nên khi thu hoạch phải nhẹ nhàng.Với giống cá lăng và diêu hồng phải phòng bệnh tốt bằng cách buộc túi vôi bột xung quanh lồng, cho tắm muối để khử trùng, giảm thiểu bệnh nấm, dịch mắt đỏ. Cũng theo ông Đô, nuôi cá trong lồng có ưu điểm hơn so với nuôi cá truyền thống ở chỗ, nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Hồng, người chăn nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao. Do đó giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.  Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cho nuôi cá trong lồng lớn, rủi ro cao nhất là do thiên tai, khi vào mùa bão lũ. Chính vì vậy phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó công tác phòng bệnh cho đàn cá cũng rất quan trọng. Mô hình nuôi cá lồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Đô mà còn giải quyết việc làm cho 25 - 30 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân 150.000 đồng/người/ngày. Từ thành công với mô hình này, ông Đô tiếp tục mở rộng mô hình, đồng thời vận động được 28 hộ trong xã tham gia với tổng số trên 150 lồng cá. Những hộ dân tham gia được ông giúp đỡ con giống cũng như kinh nghiệm chăn nuôi. Đa số các hộ đều đã thành công với mô hình này. Để việc chăn nuôi cá lồng trên địa bàn xã hoạt động chuyên nghiệp, không manh mún, năm 2017, xã Chuyên Ngoại đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản do ông Đô làm tổ trưởng. Với sự dẫn dắt của ông, tổ hợp tác đã hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các tổ viên. Tùng Chi

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ kỷ niệm 25 năm thành lập

TĐKT - Sáng 9/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Viện và Hội thảo khoa học "Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian". Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa tới dự và phát biểu chỉ đạo. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo Ngày 9/7/1994, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính có Quyết định số 413/QĐ/TCĐC thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính trên cơ sở kết hợp Liên hiệp Khoa học sản xuất Trắc địa và Bản đồ và Đội bay chụp của Trung tâm Tư liệu Đo đạc và Bản đồ, đây là tên gọi đầu tiên của Viện ngày nay. Qua 25 năm hình thành và phát triển, với 3 lần đổi tên gọi, Viện vẫn luôn giữ vững vai trò là Viện nghiên cứu cơ bản hàng đầu của lĩnh vực trắc địa bản đồ, là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về đo đạc và bản đồ; đào tạo trình độ tiến sĩ kỹ thuật trắc địa và bản đồ. Viện đã trưởng thành cùng cơ sở vật chất được tăng cường, với nhiều trang thiết bị hàng đầu thế giới như máy đo trọng lực tuyệt đối FG5 - X (Mỹ), máy trọng lực hàng không TASG AIR III (Mỹ), máy đo công trình ngầm Georadar RIS MF Hi-Mod, các thiết bị định vị vệ tinh thế hệ mới, phần mềm GIS... Số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ không ngừng được tăng thêm. Các nghiên cứu tại nhiều đề tài khoa học của Viện đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương trên cả nước. Có thể kể đến các nghiên cứu về ứng dụng GPS ở Việt Nam từ những năm 1990; nghiên cứu ứng dụng công nghệ ảnh số từ cuối những năm 1990 cho đến nay; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trọng lực trong những năm 2000; nghiên cứu về quản lý cơ sở dữ liệu địa chính cấp tỉnh với phần mềm ViLIS; các nghiên cứu cơ bản về xây dựng hệ tọa độ, độ cao ở Việt Nam và gần đây là hệ thống quan trắc địa động lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam... Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao kết quả, sự nỗ lực, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Viện, các nhà khoa học cùng toàn thể viên chức, người lao động của Viện qua các thời kỳ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, cùng với bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặt ra những yêu cầu quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ về đo đạc, bản đồ và hệ thống tin địa lý vào quá trình thu nhận, phân tích, tích hợp dữ liệu địa không gian ở độ chính xác cao, kịp thời và hiệu quả. Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cần phải định hướng chiến lược một cách đúng đắn, với mục tiêu trở thành một viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành, có năng lực và trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới. Đồng thời góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khoa học về Trái Đất; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động kinh tế, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, dân sinh và xã hội. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Nguyễn Phi Sơn vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2019; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hai đơn vị thuộc Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian”. Hội thảo nhằm tổng kết, truyền bá những kết quả nghiên cứu khoa học mới và khẳng định bề dày lịch sử, truyền thống nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói chung và của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ nói riêng. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm vì mục tiêu xây dựng ngành đo đạc và bản đồ ngày một vững mạnh, phát triển bền vững và chủ động trong hội nhập quốc tế. Phương Thanh

“Hạt giống đỏ” nơi trường Đảng mang tên Bác

TĐKT - Gần 2 thập kỷ gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS. Đặng Quang Định luôn khẳng định bản lĩnh và phong cách người cán bộ trường Đảng, không ngừng lao động và sáng tạo, lan tỏa tri thức, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của nước ta trong giai đoạn mới. Lựa chọn gắn bó với triết học 20 năm trước, đặt chân vào giảng đường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chàng sinh viên Đặng Quang Định còn không ít bỡ ngỡ bởi được tiếp cận với khá nhiều môn học mới lạ, trong đó có bộ môn triết học. Đó là một môn khoa học rất khó nhưng lại tạo được sức hút mạnh mẽ đối với chàng sinh viên trẻ người Nam Định. PGS, TS. Đặng Quang Định luôn miệt mài với các công trình nghiên cứu triết học Anh bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu triết học. Ban đầu là những bài viết, những công trình nghiên cứu cá nhân để tham gia các tọa đàm, hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường, sau đó tập trung nghiên cứu đến những tác phẩm lớn của những triết gia nổi tiếng. Dù anh chưa thể hiểu hết tư tưởng triết học gửi gắm qua các tác phẩm kinh điển nhưng dưới sự hướng dẫn, truyền cảm hứng của thầy cô giáo, sự nỗ lực nghiên cứu của bản thân, triết học đã làm thay đổi hướng nhận thức, cũng như giúp anh hiểu rõ bản chất sự vật, hiện tượng xung quanh trong cuộc sống. Do vậy, anh càng đam mê và mong muốn được chuyên tâm nghiên cứu về bộ môn này. Sau khi tốt nghiêp đại học, năm 2000, Đặng Quang Định được tuyển về làm giảng viên tại Khoa Triết học (nay là Viện Triết học), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Anh nhận thức sâu sắc rằng, được làm việc tại ngôi trường Đảng Trung ương là niềm vinh dự nhưng cũng đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của người cán bộ, nhất là một cán bộ trẻ. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo vừa hồng, vừa chuyên, phụng sự cho Tổ quốc đã thôi thúc anh không ngừng học tập, rèn luyện, tham gia vào các lớp đào tạo để trau dồi bản lĩnh, kiến thức, năng lực công tác, đạo đức của người cán bộ trường Đảng. Liên tục 11 năm đầu trong môi trường của Học viện, anh cố gắng học thêm bằng Đại học Chính trị, Đại học Ngoại ngữ và tham gia nhiều lớp bồi dưỡng khác nhau như lớp nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, phương pháp giảng dạy tích cực, bồi dưỡng kỹ năng, quản lý nhà nước... Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, năm 2011, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Sau 3 năm, anh Định vinh dự trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất ngành triết học tại Học viện (năm 2014 ). Góp phần lan tỏa tri thức Nhận thức rõ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đồng thời góp phần vào phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên PGS, TS Đặng Quang Định luôn ý thức rất rõ vai trò và tầm ảnh hưởng của những người làm thầy, làm cô làm nhiệm vụ truyền bá tri thức. Vì vậy, suốt những năm qua, PGS. TS Đặng Quang Định luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự làm việc nghiêm túc trong mỗi giờ giảng, bài giảng của mình. Với suy nghĩ, nghiên cứu khoa học là con đường tới đích nhanh nhất, anh dành nhiều thời gian thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học Nhà nước, cấp bộ, cấp Học viện. PGS, TS. Đặng Quang Định được bổ nhiệm chức danh Phó Viện trưởng Viện Triết học Đến nay, anh có hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí; chủ biên, đồng chủ biên nhiều cuốn sách và các giáo trình có ý nghĩa, phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy bộ môn Triết học tại Học viện và hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh đã hướng dẫn thành công 5 thạc sĩ, 3 tiến sĩ và 2 nghiên cứu sinh. Anh bảo: Học viên trường Đảng là những cán bộ ở các bộ, ban, ngành, các địa phương cơ sở, có thâm niên, có trình độ học vấn sâu sắc, có nhiều trải nghiệm thực tế nên công tác giảng dạy đòi hỏi yêu cầu rất cao. Ngoài những kiến thức cơ bản, nền tảng, người dạy phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra; phải dùng lý luận để phân tích những bài học kinh nghiệm thực tế ở mỗi địa phương. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu tại Học viện, PGS, TS Đặng Quang Định còn chủ động đi đến nhiều địa phương để tìm hiểu, thâm nhập thực tế; lắng nghe, cập nhật từng thay đổi, chuyển động trong cuộc sống hàng ngày. Năm 2015, anh đã đề nghị Học viện cho đi thực tế tại các tỉnh miền Tây Nam bộ suốt một năm để học hỏi và gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống – chất liệu quan trọng để những bài giảng có sức thuyết phục và lôi cuốn các học viên. Hàng năm, biết bao thế hệ học viên ra trường, được đón nhận những tâm huyết và tri thức từ người thầy ấy, để trở thành những cán bộ tốt của nhân dân. Với người giảng viên trường Đảng Đặng Quang Định, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là động lực để anh tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, kiên định với sự nghiệp truyền bá tri thức, lan tỏa hệ tư tưởng triết học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tô thắm truyền thống trường Đảng mang tên Bác Hồ Gần 20 năm công tác, lý do khiến PGS. TS Đặng Quang Định gắn bó với Học viện và tâm huyết với công việc còn bởi anh luôn mong muốn đóng góp sức mình vào việc phát huy truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Anh cho rằng, truyền thống vẻ vang và nhiệm vụ cao cả của ngôi trường 70 năm tuổi này đã cho anh niềm tin, nhiệt huyết để gặt hái những “trái ngọt” hôm nay. Nhận xét về PGS. TS Đặng Quang Định, GS,TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học cho rằng: “Dù còn trẻ nhưng đồng chí Đặng Quang Định đã có những nỗ lực không ngừng, là một giảng viên cao cấp, một  nhà quản lý có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn tốt. Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Triết học, anh luôn thực hiện tốt vai trò của mình, gắn kết sức mạnh của từng đảng viên, góp phần tạo nên một chi bộ vững mạnh. Nhiều năm liền, với sự góp sức của đồng chí Định, Viện Triết học luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua, được lãnh đạo Học viện đánh giá cao. Có thể nói, anh là một trong những “hạt giống đỏ” của nhà trường”. Chia sẻ về những kế hoạch và dự định trong thời gian tới, PGS. TS Đặng Quang Định cho biết: Bên cạnh công việc quản lý và giảng dạy, anh sẽ tiếp tục tìm tòi những đề tài mới, viết sách nghiên cứu phục vụ cho công tác học tập của học viên; tiếp tục trau dồi cho bản thân những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn để bổ sung vào nguồn tri thức của mình, phục vụ tốt hơn cho công việc, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo, sự tin yêu của đồng nghiệp. Mai Thảo

Vinh quang Việt Nam 2019: Tôn vinh 19 tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo lời Bác

TĐKT – Ngày 7/7, tại Hà Nội, Báo Lao động tổ chức chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XV – 2019 với chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác”, vinh danh 7 tập thể và 12 cá nhân tiêu biểu. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 90 năm thành lập Tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019). Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường trao kỷ niệm chương cho đại diện các tập thể trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2019 Tới dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN); Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Trên cơ sở các cá nhân, tập thể tiêu biểu đã được các cơ quan Đảng, Nhà nước ghi nhận, qua sự giới thiệu của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ ngành liên quan và Tổng LĐLĐVN với gần 60 hồ sơ đề cử, Ban tổ chức chương trình đã lựa chọn ra 7 tập thể và 12 cá nhân thực sự là các tấm gương điển hình tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực. Đó là những tập thể, đơn vị khát khao đưa trí tuệ, khoa học - công nghệ Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới; là các cơ quan, đơn vị trăn trở với nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Đó là 12 cá nhân: Người kỹ sư ngày đêm trực tiếp lao động, sản xuất với những sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp; nhà khoa học có những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; nhà quản lý giáo dục tâm huyết với sự nghiệp trồng người; doanh nhân đầy trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội; cán bộ công an dạn dày kinh nghiệm với những chiến công vang dội; vận động viên tiêu biểu đã góp phần đem lại vinh quang cho Tổ quốc, mang lại niềm vui và cảm xúc vỡ òa cho hàng chục triệu người hâm mộ… “Điểm chung đáng tự hào của tất cả các cá nhân, tập thể được tôn vinh là khát vọng và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách nhằm mục tiêu cao cả nhất là phục vụ con người, phụng sự Tổ quốc, từng bước đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác lúc sinh thời. Họ chính là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của tập thể, cá nhân người tốt, việc tốt, điển hình trong thực hiện và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” – đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh. Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai - phát biểu tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2019. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc mừng 7 tập thể và 12 cá nhân được vinh danh. Đây là những tấm gương tiêu biểu, những bằng chứng sinh động trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; là hình ảnh gần gũi, được đông đảo công chúng biết đến thông qua những công việc tốt đẹp, những đóng góp mang ý nghĩa sâu sắc cho đời sống xã hội. Đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao và biểu dương Tổng LĐLĐVN và Báo Lao động đã tổ chức thành công Chương trình Vinh quang Việt Nam trong suốt 15 năm qua và mong muốn chương trình sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài, nâng cao giá trị, khích lệ các tập thể, cá nhân tham gia thi đua xây dựng Tổ quốc ngày một giàu đẹp và vững mạnh hơn như ước nguyện của Bác Hồ, đó là: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Chương trình “Vinh quang Việt Nam”  là sáng kiến của Báo Lao Động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động cách đây 15 năm. Đến nay, sau 15 năm tổ chức, “Vinh quang Việt Nam” vẫn luôn là một điểm sáng trong công tác tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Chương trình đã tôn vinh hàng trăm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và đã trở thành sự kiện chính trị - xã hội có uy tín, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc động viên cổ vũ phong trào thi đua ái quốc. Năm 2019, kỷ niệm 50 năm ngày toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng là dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam, Chương trình Vinh quang Việt Nam 2019 lấy chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác” nhằm kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân đi đầu trong học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ đề này cũng nhằm hưởng ứng chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước trong việc động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mai Thảo

Họp báo chương trình Vinh quang Việt Nam 2019

TĐKT – Ngày 3/7, tại Hà Nội, Báo Lao Động tổ chức họp báo thông tin chương trình “Vinh quang Việt Nam – Thi đua làm theo lời Bác” năm 2019. Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, sau 14 lần tổ chức, chương trình Vinh quang Việt Nam đã tôn vinh hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chương trình ngày càng trở thành sự kiện có uy tín, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, có tác động tích cực và để lại những dấu ấn tốt đẹp trong xã hội. Ban tổ chức trao đổi với các cơ quan báo chí tại buổi họp báo Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 15 có chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác” lựa chọn giới thiệu và tôn vinh 12 cá nhân và 7 tập thể có thành tích xuất sắc, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ dám làm, góp phần xứng đáng vào sự trưởng thành của đất nước. Tiêu biểu trong số các tập thể được vinh danh gồm: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), Đoàn bay 919 thuộc Vietnam Airlines, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Trung tâm Vũ trụ quốc gia, Tập đoàn TH… Cá nhân có cầu thủ Nguyễn Quang Hải (CLB bóng đá Hà Nội và đội tuyển quốc gia), Nhà giáo nhân dân, TS Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai); GS. TS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; kỹ sư Nguyễn Hồng Thảo, Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh); kỹ sư Nguyễn Vũ Đạt, Công ty TNHH MTV Cao su thống nhất (TP Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (TP Hồ Chí Minh); GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội); bà Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Vũng Tàu)… Đại diện cho tập thể được tôn vinh lần này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cảm ơn chương trình đã tôn vinh, ghi nhận những sáng kiến, những đóng góp của đội ngũ nhân viên y tế, y bác sĩ trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Được biết, một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Cục Quản lý khám, chữa bệnh trong thời gian gần đây là ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tiến tới thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện. Bộ tiêu chí gồm 83 tiêu chí, 1.595 tiểu mục, tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thế giới, vừa có tính khoa học, thực tiễn cao, đồng thời có tính sáng tạo, chia mỗi tiêu chí thành 5 bậc thang chất lượng để các bệnh viện phấn đấu, phù hợp với hoàn cảnh từng bệnh viện. Bộ tiêu chí có tính sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với quan điểm chủ đạo “Lấy người bệnh làm trung tâm”. Phát biểu tại buổi họp báo, Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện cho Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết: Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong nước triển khai nghiên cứu và thực hiện thành công 5 ca ghép tạng đầu tiên trên người, góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà; được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Học viện cũng là cơ sở đầu tiên của quân đội thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện đã có 4.500 trẻ ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có 2.000 trẻ ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Nét mới trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm nay là chú trọng tôn vinh những người lao động trực tiếp; điển hình như ông Nguyễn Ngọc Thanh - Chuyên viên Ban Vận hành sản xuất Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn. Là một trong những “cây sáng kiến” trong nhiều năm qua, ông Thanh đã đưa ra những giải pháp làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là “Giải pháp hạn chế tối đa hơi thấp áp xả ra môi trường trong điều kiện hơi thấp áp sinh ra từ các tuốc bin cao hơn nhiều so với lượng hơi thấp áp tiêu thụ trong Nhà máy Lọc – Dầu Dung Quất”, làm lợi cho công ty khoảng 2,8 triệu USD/năm, tương đương 65 tỷ đồng. Chương trình là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập và làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Tổ chức Công đoàn Việt Nam (29/7/1929). Chương trình sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 7/7/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Mai Thảo

Lặng thầm “tỏa bóng” nơi biên giới

TĐKT - Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn phát huy tốt vai trò của mình, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Như những cây đại thụ lặng thầm “tỏa bóng”, họ đã góp công sức không nhỏ giúp cho vùng phên dậu của Tổ quốc thêm vững vàng. Bảo vệ vững chắc đường biên Ở tuổi 66, ông Lương Minh Hồng, dân tộc Thái, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vẫn tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ. Trong 10 năm qua, ông đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tuyên truyền kiến thức pháp luật của nhà nước tập trung cho 13/13 bản được 1.200 đợt với hơn 20 lượt người. Ông Lương Minh Hồng cùng Bộ đội biên phòng Nghệ An tuần tra biên giới Hàng năm ông tham gia củng cố kiện toàn 13/13 tổ an ninh tự quản với 91 người tham gia. Trong đó, củng cố 3 tổ hòa giải hoạt động kém hiệu quả đi vào hoạt động khá. Ông cũng tổ chức duy trì tốt 2 tổ tự quản đường biên cột mốc bản Mường Phú và Mường Piệt, mỗi tháng một lần phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới cùng với cán bộ chiến sĩ đồn Thông Thụ. Đặc biệt, trước đây, trên cương vị là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Thông Thụ, ông Hồng đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong ra quyết  định thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, lấy chi hội phụ nữ bản Mường Piệt làm điểm. Ban đầu Câu lạc bộ có 30 chị em phụ nữ tham gia, đến đầu năm 2018 đã tăng lên 53 hội viên. Sự hoạt động có hiệu của câu lạc bộ đã lan tỏa, tạo thành phong trào phụ nữ phối hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong toàn hội phụ nữ xã. Ông Hồng cũng tích cực vận động nhân dân hai bản Mường Phú (Việt Nam) và bản Nậm Táy (Lào) thực hiện tốt bản ghi nhớ kết nghĩa, cùng bảo vệ biên giới, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xã hội. Sống tốt đời, đẹp đạo  “Phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”, thời gian qua, với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XII và là Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng Thạch Huôn, (dân tộc Khmer, trụ trì chùa Prây Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  Hòa thượng Thạch Huôn với những ý kiến tâm huyết tại nghị trường Quốc hội Đặc biệt, Hòa thượng cũng đã cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng cho phật tử về nội dung Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; mỗi tháng 4 lần tổ chức vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tích cực tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số xã Lai Hòa đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an, quân sự triệt phá nhiều vụ án hình sự, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hòa thượng cũng đã trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng giải quyết dứt điểm một số vụ việc liên quan đến tôn giáo như đất đai, truyền đạo trái phép, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, gây mất an ninh chính trị cũng như gây mâu thuẫn nội bộ trong các cơ sở thờ tự. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với vai trò của mình, hòa thượng Thạch Huôn đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các công trình giao thông nông thôn và công trình phúc lợi. Đồng thời cũng đã bàn bạc, thống nhất trong nhà chùa để hiến gần 20.000 m2 đất để xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở tại ấp Prey Chóp B. Bản thân hòa thượng Thạch Huôn cũng duy trì tốt việc dạy chữ Khmer cho khoảng từ 120 đến 150 con em phật tử người Khmer trên địa bàn từ lớp 1 đến lớp 3 tại chùa, trong đó có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng. “Thời gian tới, tôi sẽ nâng cao hơn nữa vai trò người có uy tín tiêu biểu mà chính quyền và nhân dân đã bình chọn, tiếp tục phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, nỗ lực gắn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và đặc biệt là tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.” – Hòa thượng Thạch Huôn cho biết. Phương Thanh

Hiện thực hóa ước mơ “đổi đời” nhờ cây sả java

TĐKT – Sau nhiều năm tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng bản địa, chàng trai người dân tộc Phù Lá Sẩn Xuân Trung đã mạnh dạn đưa cây sả java về trồng tại thôn Cốc Sâm 3, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô, trồng sắn, sả java được kỳ vọng sẽ mở ra hướng thoát nghèo mới, bền vững cho nông dân nơi đây. Anh Sẩn Xuân Trung - Giám đốc HTX Minh Ngọc đưa nguyên liệu đã phơi khô vào chưng cất bằng phương pháp thủ công Cốc Sâm 3 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Những năm trước đây, bà con vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo bền vững do đất đai cằn cỗi, dẫn đến nhiều lao động vượt biên đi làm thuê trái phép. Diện tích đồi núi rộng lớn của Cốc Sâm 3 xưa kia um tùm cỏ dại, bị bỏ hoang do đất đai cằn cỗi. Hệ số sử dụng đất đai ở quê hương lãng phí, kém hiệu quả đã khiến Sẩn Xuân Trung không thôi trăn trở. Sau nhiều năm tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng bản địa, anh quyết tâm đưa giống sả đỏ, còn gọi là sả java (loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu) về trồng thử nghiệm trên đất đồi nhà mình. Nhận thấy những ưu điểm vượt trội và lợi ích kinh tế của giống cây dược liệu này so với các loại cây trồng truyền thống, giữa năm 2018, hợp tác xã (HTX) Minh Ngọc do anh sáng lập bắt đầu mở rộng diện tích trồng sả lên 25 ha. Cuối năm 2018, HTX của anh thu hoạch lứa lá đầu tiên. Sả được HTX thuê người dân cắt lấy phần lá, sau đó đem về chưng cất theo phương pháp thủ công. Trung bình cứ 1 tấn sả java sẽ chưng cất được 20 lít tinh dầu và được doanh nghiệp đến trực tiếp để thu mua theo hợp đồng ký kết trước đó. Tinh dầu sả java được nhiều người ưa chuộng vì những công dụng hữu ích của nó: có tác dụng đuổi muỗi, sát khuẩn, khử trùng trong gia đình… Ngoài ra còn dùng để làm gia vị, thảo dược. “Mới gần 1 năm đi vào hoạt động, nhưng mô hình chế biến tinh dầu sả đem lại hiệu quả ngoài mong muốn bởi giá trị của nó cao hơn cây ngô từ 3 - 4 lần.” - Anh Sẩn Xuân Trung cho biết. Học tập HTX Minh Ngọc, không ít hộ dân đã quyết tâm cải tạo ruộng đất để trồng sả, với hy vọng thoát nghèo bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình. So với những cây trồng khác, cây sả java tốn ít công chăm sóc hơn và phù hợp với cả đồi đất cằn. Theo tính toán mỗi hec ta sả cho năng suất mỗi năm khoảng 30 tấn lá, chế biến 500 - 600 lít tinh dầu, đem lại giá trị gần 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mỗi gốc sả sẽ cho thu hoạch 6 năm. Chị Giàng Thị Cú - thôn Phìn Giàng, xã Phong Niên chia sẻ: “Trước kia mình làm thuê bên Trung Quốc, vất vả lắm. Nhưng giờ không đi nữa. Ở nhà đi làm thuê cho HTX và trồng sả.” Đồi núi Cốc Sâm 3 cằn cỗi xưa kia đã được phủ kín bởi màu xanh trù phú của sả java Với những thành công bước đầu, hiện nay HTX Minh Ngọc đang mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu lên gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, HTX sẽ vận động, liên kết với các hộ dân trồng sả, sau đó cam kết đảm bảo đầu ra cho bà con. Cấp ủy, chính quyền xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây dược liệu này. Nếu thành công, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ra một số thôn bản vùng cao nhằm thay thế cho cây lương thực truyền thống kém hiệu quả. Quan trọng hơn, hy vọng rằng: Hướng đi này sẽ góp phần kéo giảm số lao động tự ý bỏ đi khỏi địa phương sang Trung Quốc làm thuê. Không chỉ ở Phong Niên, tại huyện Bảo Thắng, mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã được nhân rộng tại các xã Phong Hải, Trì Quang... mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Tương tự, tại huyện Bát Xát, một số xã cũng đã triển khai mô hình trồng sả trên đồi dốc bạc màu và thu được hiệu quả cao. Tuy nhiên, để phát triển mạnh loại cây dược liệu này, người dân cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cũng cần cam kết đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu sả, giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích trồng sả java. Nguyệt Hà

Bác sĩ trẻ tận tâm, yêu nghề

TĐKT - “Người thầy thuốc cần phải yêu nghề, tận tụy và hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân từ chính cái tâm của mình, đồng thời không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn…”, đó chính là những lời tâm sự và quy tắc sống, làm việc của bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Bác sĩ Tú kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật Sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An với sự đam mê nghề thầy thuốc, anh Tú quyết định theo đuổi sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách tại trường Đại học Y Thái Nguyên, anh tiếp tục theo học chuyên khoa định hướng Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2009 - 2010) để có cơ hội nâng cao trình độ và kinh nghiệm trong nghề. “Gần 2 năm học tại đây đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích. Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu qua sách, vở, để có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế từ những giáo sư, chuyên gia đầu ngành, tôi tích cực xin trực tại phòng mổ của bệnh viện” - anh Tú chia sẻ. Với tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu và mục đích chính là để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, từ năm 2012 đến 2014, anh tiếp tục học lên chuyên khoa I Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Tháng 8/2014, sau khi hoàn thành xong khóa học này, anh về công tác tại Bệnh viện Bà Rịa cho đến nay. Bác sĩ Tú tâm sự, nghề nào cũng vậy, đều đòi hỏi kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng riêng với nghề y, những phẩm chất ấy càng phải được tôi luyện hằng ngày vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Mọi sai lầm đều không thể làm lại. Công việc có nhiều áp lực nhiều áp lực, song với bản lĩnh của người thầy thuốc và kinh nghiệm học hỏi ở những bậc đàn anh đã giúp bác sĩ Tú vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù là một bác sĩ trẻ có tay nghề mổ chấn thương chỉnh hình của bệnh viện nhưng anh luôn cố gắng hết mình, giúp người dân vượt qua hoạn nạn. Cũng theo anh Tú, theo quy định, một ca trực kéo dài 24 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, nhưng giờ giao ca của anh luôn kéo dài hơn quy định, bởi bệnh nhân nhập viện nhiều mà nhân lực của khoa còn thiếu. Cùng với công việc thực tế hàng ngày, bác sĩ Tú tranh thủ mọi thời gian ngoài giờ để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình các trường hợp bị chấn thương nặng ở phần xương khớp, thần kinh để nâng cao hơn nữa nghiệp vụ chuyên môn. Do đó, khi gặp phải những ca khó, anh luôn xử trí thành công và đem lại kết quả hơn cả mong đợi. Điển hình như bệnh nhân H.Đ.T, 19 tuổi, quê Hà Tĩnh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do vết thương bị đâm từ vùng bẹn chân phải lên bụng gây đứt động mạch bẹn và cơ thành bụng. Khi đó, chân phải nạn nhân đã tím, lạnh, mạch không bắt được. Bên cạnh đó, động mạch bẹn của bệnh nhân bị đứt nham nhở nên không thể nối lại. Trước tình huống này, bác sĩ Tú đã có quyết định rất sáng suốt: Lấy một đoạn tĩnh mạch dài 5 cm ở chân trái để ghép vào động mạch bẹn bị đứt. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và đã thành công. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sau ca phẫu thuật. Cũng theo bác sĩ Tú, thời gan gần đây, bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chấn thương chỉnh hình, do vậy anh cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã cứu chữa hiệu quả những ca gãy xương nguy hiểm mà không phải mổ hở gây nhiều biến chứng, tổn thương lớn cho bệnh nhân như trước đây. Với trách nhiệm, nhiệt huyết và tình yêu nghề, bác sĩ Phan Văn Tú sẽ tiếp tục trau dồi y thuật và y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, cống hiến tâm sức và trí tuệ góp phần quan trọng cùng tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuệ Minh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu

TĐKT - Chiều 24/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phối hợp cùng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, UBND TP Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tới dự. Cùng dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Khóa XIII-XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khóa X; Bộ trưởng Bộ Y tế khóa XII và hiện là Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đồng chí đã có 48 năm công tác liên tục trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội, 47 năm tuổi Đảng, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với sự tận tâm, tận lực của mình, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã được lãnh đạo tin tưởng, xã hội trân trọng, nhiều người yêu quý. Trong sự nghiệp công tác của đồng chí đã dành nhiều thành tựu, để lại nhiều dấu ấn cho sự phát triển của Thủ đô, của ngành y tế, đặc biệt là hạ tầng văn hóa - xã hội, nhiều ứng dụng công nghệ cao trong công tác khám, chữa bệnh, đưa ra nhiều đề án thiết thực để chăm sóc sức khỏe cán bộ cũng như sức khỏe của nhân dân. Với quan điểm phòng bệnh từ xa, đồng chí đã áp dụng nhiều thành tựu của các nước trong lĩnh vực y tế trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; từ đó góp phần tích cực vào hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.  Ghi nhận những thành tích đó, ngày 11/6/2019, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 990/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu là một tấm gương tốt về sự gần gũi, thân tình, trách nhiệm cao, luôn hết mình vì công việc với tinh thần lạc quan. Thủ tướng mong rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu vẫn luôn vui khỏe, là tấm gương, điểm tựa tinh thần cho con cháu phát huy truyền thống gia đình để học tập tốt, công tác tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bày tỏ vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cũng như Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã giúp đỡ, hỗ trợ đồng chí trong công việc, nhiệm vụ. Đồng thời, khẳng định, sẽ tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần luôn hết mình vì công việc. Hưng Vũ

Trang