Điển hình tiên tiến

Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV: Doanh nghiệp “Vì người lao động”

TĐKT - Được thành lập ngày 20/8/1960, Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV là Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, là khâu cuối trong dây chuyền sản xuất than vùng Cẩm Phả. Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu Doanh nghiệp “Vì người lao động”. Với nhiệm vụ chính là vận tải than mỏ vùng Cẩm Phả bằng đường sắt, bốc than chuyển vùng, than nhập khẩu về sàng tuyển, chế biến ra các loại than thương phẩm, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu qua cảng Cẩm Phả, mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song Công đoàn và chuyên môn đã tích cực phối hợp bố trí đủ việc làm, thu nhập ổn định cho trên 3.200 CBCNV. Tiền lương bình quân năm 2021 đạt 10,428 triệu đồng/người/tháng bằng 108,57% so với kế hoạch năm và bằng 110,92% so với năm 2020. Tiền lương bình quân 8 tháng năm 2022 đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 112,9% so với kế hoạch năm 2022. Đồng chí Đặng Văn Khôi – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Công ty (đứng giữa) chỉ đạo triển khai công tác tự động hóa tại Nhà máy Tuyển than 3 Là một doanh nghiệp ngành Than, với nhiều nguy cơ về bụi, tiếng ồn, rác thải..., Công ty luôn xác định sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động. Do đó, Công ty luôn chú trọng thực hiện các biện pháp hướng tới sản xuất sạch hơn, đẩy mạnh công nghiệp hóa - tự động hóa - cơ giới hóa, triển khai hệ thống môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, thực hiện tiêu chí môi trường “Sáng - Xanh - Sạch”... Công ty đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách xã hội đối với người lao động. 100% CBCNV được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng, Công ty triển khai xã hội hóa khâu phục vụ bữa ăn giữa ca cho người lao động để nâng cao chất lượng bữa ăn, bồi dưỡng độc hại theo đúng quy định. Công ty quan tâm động viên, khen thưởng và hỗ trợ người lao động Trong đó, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định số 145 của Chính phủ được Công ty chú trọng thực hiện tốt. Chỉ tính năm 2021 và 9 tháng năm 2022, Công ty đã tổ chức 9 cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất để giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người lao động về công tác tái cơ cấu, xã hội hóa khâu phục vụ bữa ăn giữa ca cho người lao động; tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho 100 công nhân sức khỏe yếu đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2021, 2022… Sau các hội nghị đối thoại, người lao động đều được trả lời thỏa đáng, yên tâm công tác và đồng thuận với chủ trương lãnh đạo của Công ty. Việc tổ chức học tập, tập huấn nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, trình độ cho CBCNV được Công ty chú trọng, đặc biệt là công tác kèm cặp truyền nghề cho công nhân kỹ thuật mới vào nghề và thi nâng bậc được Công ty đặc biệt quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2022, Công ty đã tổ chức bố trí thợ bậc cao kèm cặp truyền nghề cho gần 240 công nhân kỹ thuật, trong đó có 200 công nhân thi nâng bậc, 40 công nhân nâng cao tay nghề và chuyển nghề mới. Đồng chí Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Công ty thăm tặng quà đơn vị trực sản xuất nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2022 Chế độ chăm lo đời sống cho người lao động được thực hiện tốt. Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể CBCNV, khám sức khỏe cho trên 2.400 CBCNV làm nghề nặng nhọc độc hại; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho trên 2.200 người. Khám chuyên đề nữ cho gần 1.400 người, bố trí cho công nhân mắc bệnh nghề nghiệp đi rửa phổi tại bệnh viện TKV, giải quyết chế độ cho người bị bệnh nghề nghiệp... Giám đốc cùng với Công đoàn thống nhất xây dựng Nghị quyết Liên tịch chăm lo đời sống người lao động, thống nhất việc bổ sung tiền lương theo quy chế vào các dịp Tết nguyên đán, các ngày lễ 10/3; 30/4; 01/5; 20/8; 02/9; 12/11 và các đợt thi đua... đảm bảo công khai, công bằng, động viên kịp thời CBCNV. Công ty bố trí cho190 CNVCLĐ đi thăm quan nghỉ mát tại Phú Quốc và Vịnh Hạ Long theo chương trình Phúc lợi thợ mỏ do Công đoàn TKV tổ chức; chuyên môn cùng Công đoàn phối hợp tổ chức cho 240 CBCNV đi nghỉ mát và hỗ trợ điều trị tại Sa Pa trong 6 ngày; 300 CBCNV đi thăm quan nghỉ mát tại TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt trong 5 ngày 4 đêm. Đề nghị Công đoàn TKV, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi trên 50 gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân bị TNLĐ, bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tết nguyên đán, Tháng Công nhân, Tháng Thi đua...; thăm, tặng quà cho CNVCLĐ và tổ đội tiêu biểu xuất sắc, các đơn vị trực sản xuất Tết và tiêu thụ than đầu năm mới với tổng số tiền trên 800 triệu đồng.Hỗ trợ người lao động xây, sửa nhà ở với số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ xây nhà và 20 triệu đồng hỗ trợ sửa nhà. Công ty tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện công tác phòng, chống Covid-19; tổ chức tiêm chủng mũi 1, 2, 3, 4 và trang cấp thuốc xịt mũi kháng nguyên VIRALEZE và tuýp vitamin tổng hợp cho 100% CBCNV; cấp dung dịch khử khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn cho tất cả các đơn vị; tham gia giải quyết đầy đủ chế độ cho CBCNV bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Công đoàn TKV tặng Bằng khen nhân Tháng Công nhân năm 2022 cho Công đoàn Công ty Bằng sự nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV Công ty, với những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, năm 2021 Công ty đã được TKV đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua toàn diện, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen; được TKV tặng Cờ thi đua trong phong trào phối hợp kinh doanh, Cờ nhì phong trào chăm sóc sức khỏe người lao động và đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì thợ mỏ” của Công đoàn TKV. Đây là vinh dự và sự động viên, quan tâm kịp thời cũng như ghi nhận của lãnh đạo các cấp đối với công tác chăm lo đời sống người lao động của Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV. Cẩm Thúy    

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh: Luôn nỗ lực mang đến sự hài lòng cho người bệnh

TĐKT - Bệnh viện Răng Hàm Mặt là bệnh viện hạng I, một bệnh viện đầu ngành Răng Hàm Mặt trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nhận khám và điều trị cho người bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Theo thời gian, cơ sở vật chất và trang thiết bị ngày càng được đầu tư nâng cấp, chất lượng khám và điều trị ngày càng tốt hơn. Năm 2022, Bệnh viện được giao chỉ tiêu 100 giường bệnh; tổng số cán bộ, nhân viên có 409 người.Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện đã thực hiện 31.829 lượt khám bệnh, đạt 83% so với kế hoạch; tổng số người bệnh điều trị nội trú là 1.716 lượt, đạt 90% kế hoạch, số người bệnh điều trị ngoại trú là 17.032 lượt, đạt 82% kế hoạch. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng với cách tổ chức đón tiếp và khám bệnh khoa học, cộng với sự nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ nên Bệnh viện luôn mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Bệnh viện đã áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại, vật liệu mới trong công tác điều trị. Chú trọng chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi, người nghèo, phụ nữ mang thai, người tàn tật và các gia đình chính sách... Thực hiện phẫu thuật cho các trẻ em bị khe hở môi, khe hở vòm miệng, các bé được mổ sớm, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, tạo điều kiện cho các em hội nhập với cộng đồng, không bị mặc cảm, tự ti. Vấn đề chăm sóc lâu dài sau phẫu thuật đang được Bệnh viện quan tâm đặc biệt, cụ thể như: Phục hồi các chức năng thẩm mỹ miệng và hàm mặt cho người bệnh, thực hiện trám răng, nhổ răng, chỉnh hình răng trước và sau mổ, theo dõi các biến chứng khác để điều trị kịp thời. Chính vì thế, người bệnh luôn an tâm, tin tưởng trao gửi sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện. Để Bệnh viện có được uy tín như hiện nay là nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện. Dù điều kiện làm việc vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng mỗi cán bộ, nhân viên Bệnh viện luôn khắc sâu tinh thần “Lương y như từ mẫu”, không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện tốt công tác khám và điều trị cho người bệnh. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của người đứng đầu bệnh viện - ThS.BSCKII Nguyễn Đức Minh. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt, đồng thời là Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Bộ môn Răng Hàm Mặt - Khoa Y Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Cấy ghép răng TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chấp hành Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, ThS.BSCKII Nguyễn Đức Minh luôn nỗ lực cống hiến, đóng góp tài năng, công sức của mình để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao, để lại dấu ấn sâu đậm với đồng nghiệp và các thế hệ học trò. ThS.BSCKII. Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt, phát biểu tại buổi ký kết hợp tác giữa Bệnh viện và Trường Đại học Văn Lang, năm 2020 Trên cương vị Giám đốc Bệnh viện từ năm 2013 đến nay, ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh đã lãnh đạo và chỉ đạo trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nội - ngoại trú, cấp cứu chuyên khoa răng hàm mặt; tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học về chuyên khoa; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo tuyến dưới phát triển kỹ thuật chuyên khoa để nâng cao chất lượng cấp cứu - chẩn đoán và điều trị, kết hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển du lịch nha khoa từ năm 2016; ứng dụng kỹ thuật số trong khám và điều trị răng hàm mặt; vi phẫu trong phẫu thuật hàm mặt; phát triển kỹ thuật implant như implant xương gò má Zygoma, Allon 4, 6; nội nha với kính hiển vi… Ngoài ra, với khả năng chuyên môn cao và vốn ngoại ngữ dày dặn, ông còn tạo được uy tín với các đồng nghiệp nước ngoài, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Bệnh viện với các nước Mỹ, Úc, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Pháp… Qua đó, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi khoa học kỹ thuật, tổ chức hội nghị quốc tế về nha khoa. Trong công tác nghiên cứu khoa học, ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh đã đề xuất thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, nổi bật như sáng kiến “Tình trạng sức khỏe răng miệng của tân binh tại Quân đoàn 4” (năm 2017) nhằm khảo sát và đánh giá sức khỏe răng miệng của tân binh, từ đó có cơ sở lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe răng miệng cho đối tượng này theo chương trình Quân dân y kết hợp của Sở Y tế và Quân đoàn 4. Hay sáng kiến “Tình trạng sức khỏe răng miệng của cư dân TP Hồ Chí Minh và các yếu tố liên quan” (năm 2020) nhằm định lại các chuẩn về “tình trạng sức khỏe răng đạt yêu cầu” cho trẻ em và cư dân trưởng thành của thành phố, định lại chiến lược chăm sóc răng miệng và xác định xu hướng bệnh răng miệng của người dân hiện nay. Dù công việc quản lý bận rộn nhưng ThS.BS.CKII. Nguyễn Đức Minh luôn dành thời gian để tham gia giảng dạy chuyên khoa ở bậc đại học và trên đại học, tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong Bệnh viện và tuyến dưới để nâng cấp trình độ chuyên khoa răng hàm mặt. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố vừa qua, với vai trò kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5 thuộc Sở Y tế, ông đã tổ chức triển khai đầy đủ các giải pháp, vận dụng sáng tạo các nội dung về phòng chống dịch, xây dựng những kế hoạch kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn, kiểm tra sâu sát trong các hoạt động sàng lọc truy vết tại Bệnh viện, bảo đảm đơn vị luôn “bệnh viện an toàn”. Bệnh viện đặt tại Thuận Kiều Plaza, phường 12, quận 5, với quy mô 830 giường, 160 nhân viên chuyên môn y tế, các cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Ban Chỉ huy Quân sự Quận 5, các chiến sĩ dân quân cơ động và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác. Bệnh viện đã tiếp nhận 4.320 bệnh nhân, đến nay có hơn 4.000 ca xuất viện, không có ca tử vong. Bản thân ông thường xuyên tổ chức hội chẩn, trực tiếp khám và xử lý kịp thời cho những bệnh nhân chuyển nặng, đặc biệt là cứu chữa cho bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm qua cơn nguy kịch và chuyển lên tầng trên kịp thời cho 141 bệnh nhân. Tinh thần lao động và cống hiến bền bỉ cho sự phát triển của Bệnh viện nói riêng và sự nghiệp y tế nói chung của ThS.BS.CKII. Nguyễn Đức Minh đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2022, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú năm 2013, là Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2016, Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014, UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2016, 2018… Tố Quyên

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Hướng tới mục tiêu trở thành Đại học số đầu tiên của Việt Nam

TĐKT - Ngày 17/9, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (1997 - 2022). Buổi lễ được kết nối cầu truyền hình trực tiếp giữa hai cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ủy viên Trung ương Đảng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2021 cho Học viện Trình bày diễn văn ôn lại quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập ngày 11/7/1997, trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT). Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã có những bước trưởng thành đáng ghi nhận trên hai lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện trình bày diễn văn ôn lại quá trình 25 năm xây dựng và phát triển Học viện Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu của mô hình thí điểm, Học viện đã hoàn toàn tự chủ, hoạt động theo cơ chế tự chịu trách nhiệm, đã tự trang trải được toàn bộ kinh phí (bao gồm cả đầu tư cơ sở vật chất) nhưng vẫn là tổ chức phi lợi nhuận và là trường đại học có uy tín trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong hoạt động giáo dục và đào tạo, Học viện thực hiện đào tạo 5 ngành ở trình độ tiến sĩ, 5 ngành ở trình độ thạc sĩ, 15 ngành ở trình độ đại học. Đến nay, đã có hàng vạn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tại Học viện với những kiến thức chuyên môn gắn liền với thực tế mạng lưới, đã và đang công tác trong các ngành kinh tế, xã hội của đất nước. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo đạt trên 93%. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và ưu tiên tuyển dụng sinh viên Học viện. Bên cạnh công tác đào tạo dài hạn, Học viện đã thực hiện hàng ngàn khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao, cán bộ kỹ thuật, nhân viên khai thác, điều hành của các tổ chức, doanh nghiệp. Học viện là đơn vị đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin cho các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị và nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Học viện là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học theo đặt hàng từ doanh nghiệp và từ xã hội, khẳng định là một trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của quốc gia. Sau 25 năm, Học viện đã thực hiện được hơn 3000 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, trong đó có hơn 30 đề tài cấp Nhà nước, 100% các đề tài, nhiệm vụ đều được đặt hàng bởi doanh nghiệp và kết quả đều được ứng dụng vào thực tiễn mạng lưới. Học viện là địa chỉ hợp tác đáng tin cậy trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các hãng, các công ty lớn trong và ngoài nước như Google, Qualcomm, Samsung, Naver, Vingroup, Viettel, VNPT, CMC, FPT... Thông qua các chương trình, các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài, đến nay Học viện đã tiếp thu, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại; nhiều chương trình liên kết quốc tế đã được triển khai ở các trình độ đại học, sau đại học. Việc trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên giữa Học viện và các trường đại học trên thế giới đã bắt đầu khởi sắc. Các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được Học viện tổ chức định kỳ hàng năm thu hút hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia... Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực và tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện. Qua chặng đường 25 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Học viện đã không ngừng phát triển trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng, cũng như các ngành kinh tế, kỹ thuật khác của đất nước. Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là hai cuộc chuyển đổi lớn nhất và quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ này. Nhưng muốn “xanh” thì phải “số”. Bởi vậy mà chuyển đổi số sẽ là động lực chính của sự phát triển. Mọi sự đổi mới của Học viện phải xoay quanh chuyển đổi số. Chỉ có chuyển đổi số đại học mới giải quyết được bài toán nhân lực số Việt Nam. Học viện hãy đi đầu về chuyển đổi số toàn diện và trở thành đại học số hàng đầu.” GS. TS. Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện phát biểu tại Lễ kỷ niệm Khẳng định về định hướng phát triển thời gian tới của Học viện, GS. TS. Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để trở thành đại học số hàng đầu. Tiếp nối truyền thống đơn vị tiên phong, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, GS. TS Từ Minh Phương cho biết Học viện sẽ nỗ lực, sáng tạo, năng động hơn nữa để xây dựng Học viện trở thành trường đại học có quy mô và chất lượng hàng đầu về công nghệ số, tiếp tục đóng góp nhân lực, tri thức và chuyển giao công nghệ, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số đào tạo, có hệ sinh thái số gắn kết chặn chẽ với nhà trường, sinh viên, doanh nghiệp và xã hội với mô hình quản trị thông minh, thân thiện và chuyên nghiệp. Phương Thanh

Biểu dương 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc

TĐKT - Sáng 13/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022. Tới dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... cùng 300 đại biểu nông dân tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc trong phong trào giai đoạn 2017 – 2022. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giầu; người khá, giầu thì giầu thêm"; từ năm 1989, Hội Nông dân Việt Nam đã phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Qua 33 năm triển khai thực hiện, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng. Phong trào đã giúp hội viên thoát nghèo và ngày càng khá giả, cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, quá trình xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn 2017 - 2022, bình quân hằng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hằng năm của giai đoạn 2017 - 2022 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký. 10 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất sắc được tặng Huân chương Lao động hạng Ba Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao. Từ phong trào, ngày càng có nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 60.000 hộ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nâng lên và bền vững hơn. Cụ thể: Số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng, 3 triệu ngày công lao động cho xây dựng nông thôn mới, sửa chữa, bê tông hóa trên 36.000 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 27.000 km kênh mương nội đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo… Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh  nhấn mạnh: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt được nhiều kết quả rất tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, với một phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp, nông thôn như: Tích tụ, tập trung đất đai, “dồn điền, đổi thửa”; liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân để xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên kết nông dân với doanh nghiệp hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn... Do đó, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu “Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi”. 27 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước. Nhân dịp này, 10 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất sắc được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 27 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hưng Vũ

Xã Yên Hòa – điển hình tiên tiến trong công tác chuyển đổi số

TĐKT – Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh là một trong những đơn vị cấp xã bước đầu thực hiện công tác chuyển đổi số tích cực và mang lại những hiệu quả thiết thực. Mới đây, chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa đã được lựa chọn là 1 trong 7 tập thể điển hình tiêu biểu, được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 17 năm 2022, được tổ chức tại Hà Nội. Hiện nay, xã có nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS; App “Công dân số”; trang thông tin của xã trên Zalo page, hệ thống camera an ninh phủ 100% địa bàn; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn qua nền tảng bản đồ số; triển khai thanh toán điện tử qua QR code, chính quyền xã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã giải quyết trên hệ thống Một cửa điện tử. Xã cũng đã thực hiện đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo) lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Sản lượng bán ra tăng 5 lần, thu nhập người dân tăng 3 lần so với trước đây; được Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến “Làng kỹ thuật số” cùng với một số mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao biểu trưng Vinh quang Việt Nam cho đại diện chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa. Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa xúc động: “Đây là vinh dự, nhưng đồng thời là trách nhiệm để chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa tiếp tục cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, để người dân được hưởng thụ thành quả của khoa học - công nghệ, đưa đời sống, kinh tế -  xã hội ngày càng được nâng cao”. Ông Đoàn Trung Nam cho biết: Yên Hòa là 1 xã thuần nông đồng chiêm chũng, nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm huyện 1 km, diện tích tự nhiên 6,2 km2, dân số 7693 người (trong đó đồng bào công giáo chiếm 30%), có 6 thôn xóm. Năm 2015, Yên Hòa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tháng 9/2020, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số. Tuy nhiên, những ngày đầu bước vào chuyển đổi số, xã Yên Hòa dù đã thiết lập mạng nội bộ LAN, nhưng hệ thống không được quy hoạch thiết kế chuẩn, thiết bị không đồng bộ và lạc hậu; cán bộ, công chức của xã đã được trang bị máy tính, nhưng trình độ tin học của cán bộ, công chức xã chỉ đáp ứng tối thiểu cho yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, hệ thống đài truyền thanh của xã đã cũ, người dân không được tiếp cận các dịch vụ về y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc nắm bắt thông tin chủ yếu chỉ qua các kênh thông tin cơ bản. Trang thông tin điện tử của xã được xây dựng từ năm 2018, nhưng hoạt động chưa hiệu quả và còn hạn chế về nội dung, số lượt truy cập thấp…. Muôn vàn những khó khăn, thử thách, những điều mới mẻ, đầy bỡ ngỡ đặt ra cho chính quyền và nhân dân xã. Ngay sau đó, với sự quyết tâm cao, UBND xã đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo với 25 thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung; lập ra các nhóm/group trên zalo của từng hạng mục và nhóm chỉ đạo chung để triển khai. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện công cuộc chuyển đổi số, xã Yên Hoà đã đạt được những kết quả quan trọng. Bước đầu, xã đã thành công trong nâng cấp, tái cấu trúc hệ thống mạng nội bộ, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng; triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện nay tất cả các bài phát thanh, tuyên truyền của địa phương đều được áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI tạo tin, chuyển file để phát trên hệ thống; chất lượng bài tuyên truyền ngày càng được nâng cao, hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, xã đã tăng cường hệ thống Camera an ninh. Đến nay, hệ thống camera toàn xã được lắp đặt với tổng số 72 camera trong toàn xã và các cơ quan đơn vị. Từ khi có hệ thống camera, tình hình an ninh được cải thiện, tình trạng trộm cắp tài sản, mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giảm hẳn so với thời điểm trước khi chưa có hệ thống. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giúp cho lực lượng công an trong việc xác minh, truy tìm các đối tượng tội phạm hiệu quả. Đặc biệt, xã Yên Hòa đã triển khai ứng dụng cho chính quyền số với việc sử dụng chữ ký số; hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống Một cửa điện tử; thiết lập kênh truyền thông, giao tiếp giữa UBND xã và người dân; hệ thống giám sát, điều hành thông minh cấp xã. Theo ông Nam, triển khai Hệ sinh thái Hành chính công trên ứng dụng “Công dân số”, xã đã tiến hành hướng dẫn cài đặt, sử dụng và cấp được 1.722 tài khoản trên ứng dụng “Công dân số” cho người dân. Tập trung đăng tải thông tin tuyên truyền, văn bản chỉ đạo trên app để nhân dân theo dõi, nắm bắt; xây dựng các hướng dẫn, tờ rơi tại bộ phận một cửa, trên Website để người dân hiểu và thấy được lợi ích. Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa chia sẻ với báo chí về những thành quả bước đầu mà xã Yên Hòa đạt được trong công tác chuyển đổi số Đáng chú ý là, để phát triển kinh tế số, xã đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; triển khai thanh toán điện tử trong nhân dân một cách linh hoạt, nhanh chóng. Theo đó, nền tảng địa chỉ số, phần mềm Vpostcode được xây dựng và triển khai đến 100% hộ gia đình, các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã qr-code được triển khai. Xã đã thực hiện đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo) lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Kết quả sản lượng bán ra tăng 5 lần, thu nhập người dân tăng 3 lần so với trước đây. Xã cũng xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử, góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Để phát triển xã hội số, xã đã tập trung chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục; hỗ trợ các nhà trường thực hiện chuyển đổi số đưa các nền tảng, ứng dụng vào hỗ trợ cho công tác dậy và học của các nhà trường như: Cổng thông tin điện tử (Portal); dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; phân hệ quản lý thư viện; hệ thống dạy, học và thi trực tuyến; ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; dịch vụ sổ liên lạc điện tử; phê duyệt giáo án điện tử; học bạ điện tử; đánh giá chất lượng quản lý giáo dục. Trong lĩnh vực y tế, việc chuyển đổi số được xã triển khai mới với 2 nội dung: Tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, thành lập nhóm cộng đồng trên mạng “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời”…. Nhìn lại kết quả gần 2 năm xã Yên Hòa đạt được trong công cuộc chuyển đổi số, ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Bài học kinh nghiệm quan trọng đầu tiên khi thực hiện chuyển đổi số đó là xã luôn xác định lấy người dân làm trung tâm để thực hiện; từ đó tuyên truyền thật sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Ngoài ra, theo ông, vì chuyển đổi số có nhiều điều rất mới, do đó phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực trong quá trình triển khai thực hiện từ lãnh đạo đến chuyên môn; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận. Mai Thảo  

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

TĐKT - Sáng 11/9, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1962 - 2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị khách quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Học viện nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện đọc diễn văn ôn lại quá trình hình thành, phát triển của Học viện. PGS, TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng - văn hoá và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác. Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và các địa phương. Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành (trong đó có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlesex của Vương quốc Anh) với hơn 2.400 sinh viên/năm; đào tạo 7 ngành trình độ tiến sĩ với 30 - 50 nghiên cứu sinh/năm. Học viện đã mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học… với hơn 10.000 lượt học viên. Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản. Với những cống hiến bền bỉ trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trên chặng đường phát triển đầy khó khăn, thách thức nhưng đầy tự hào, vinh quang của nhà trường trong suốt 60 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, nhà trường cần ý thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, đồng thời có những bước đi táo bạo, cụ thể hơn để hiện thực hoá tầm nhìn và mục tiêu phát triển đã đặt ra. Gợi mở một số vấn đề, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết; chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn đầy đủ phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức của những người làm báo và làm công tác văn hóa - tư tưởng; đẩy mạnh số hóa toàn bộ quy trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp và liên thông với cơ sở dữ liệu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học… Nhà trường cần tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt cần gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống, tạo môi trường làm việc, học tập thuận lợi cho giảng viên, học viên, sinh viên; phát động các phong trào thi đua, khơi dậy truyền thống hiếu học… Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tăng cường về lý luận, sâu sắc về thực tiễn, có lập trường chính trị vững vàng, lối sống mẫu mực theo chuẩn mực của người giáo viên trường đảng. Đồng thời, đồng chí đề nghị quan tâm xây dựng các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, giảng viên và sinh viên, cũng như khai thác hiệu quả lợi thế là một học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện sẽ cùng sát cánh, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mai Thảo

Vinh quang Việt Nam năm 2022: Khẳng định bản lĩnh con người Việt Nam

TĐKT - Ngày 10/9, Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 17 năm 2022 với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam” đã chính thức diễn ra, vinh danh 7 tập thể, 6 cá nhân thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tới dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng lãnh đạo các bộ, ngành và những tập thể, cá nhân được tôn vinh. Chương trình tôn vinh 7 tập thể tiêu biểu Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, bên cạnh những thuận lợi và thành quả quan trọng đã đạt được, khó khăn trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh Việt Nam cần tiếp tục khẳng định và lan tỏa. Trong bối cảnh đó, Chương trình Vinh Quang Việt Nam năm 2022 càng có ý nghĩa đặc biệt. Các tấm gương tiêu biểu mà chương trình tôn vinh ngày hôm nay dù cho ở ngành nghề, lĩnh vực, vị trí khác nhau nhưng cũng đều có điểm chung là sự nhiệt huyết, tận tâm, khát vọng cống hiến, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghị lực phi thường của con người Việt Nam. "Đây thực sự là những tấm gương tiêu biểu đã góp phần quan trọng động viên, cổ vũ ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường của con người Việt Nam” - ông Khang nhấn mạnh. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi lễ Mong rằng những tấm gương được tôn vinh hôm nay cũng như các tập thể, cá nhân đã được tôn vinh trong các chương trình “Vinh quang Việt Nam” trước sẽ tiếp tục là những nhân tố đi đầu, những hạt nhân tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Tham gia giao lưu tại chương trình, vận động viên Nguyễn Thị Oanh – Đội tuyển Điền kinh Quốc gia bày tỏ niềm tự hào khi được nhận phần thưởng cao quý, danh giá này. Vận động viên Nguyễn Thị Oanh cho biết, đã gặp rất nhiều “chướng ngại vật”, đặc biệt là thời điểm mắc bệnh viêm cầu thận vào cuối năm 2014. Để vượt qua những khó khăn, trở lại với đường đua, vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã đúc rút ra 4 điều thôi thúc bản thân mình: Đó là đam mê, tình yêu, nhiệt huyết của bản thân; là mang trong mình dòng máu dân tộc Việt Nam thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của người phụ nữ; khát khao cháy bỏng của bản thân; cố gắng tập luyện, rèn luyện không phụ lòng quan tâm của thầy cô, gia đình và bạn bè. Chia sẻ tại chương trình, Thượng tá Trương Tuấn Vinh - đại diện cho Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Công an quận Cầu Giấy (một trong 7 tập thể được tôn vinh) cho biết: Hôm nay, đã 1 tháng 10 ngày, 3 đồng đội của anh mãi mãi ra đi trong vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, nhưng mỗi khi nhận nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, hay khi nhìn vào góc làm việc của họ, anh vẫn có cảm giác đồng nghiệp của mình vẫn đang ở đó. Thượng tá Trương Tuấn Vinh chia sẻ: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình là chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, khi chọn công việc này, các cán bộ, chiến sĩ đều có tâm lý vững vàng, sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Đối diện với mỗi vụ cháy, mỗi chiến sĩ đều cố gắng là tốt nhất nhiệm vụ để giảm thiệt hại về con người, tài sản nhân dân”. Chương trình tôn vinh 6 cá nhân tiêu biểu Dịp này, 7 tập thể (Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; Trung tâm Xây dựng Dữ liệu Quốc gia về dân cư – Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an; Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội; Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn Sabeco; Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel; Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam), 6 cá nhân (Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Hoàng; ông Vũ Gia Luyện - CEO Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ quốc tế ITS; em Nguyễn Đức Thuận - nguyên học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội; vận động viên Nguyễn Thị Oanh - Đội tuyển Điền kinh Quốc gia; bà Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm; Thạc sĩ Đỗ Doãn Bách - Phòng C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) đã được tôn vinh, khen thưởng. Mai Thảo

Trường Mầm non Phú Lương: Điển hình trong học tập và làm theo gương Bác

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua Trường Mầm non  Phú Lương xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình luôn triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Nhờ đó, hàng năm trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, trở thành đơn vị điển hình trong học và làm theo Bác. Tập thể cán bộ thầy, cô giáo, người lao động Trường Mầm non Phú Lương chụp ảnh lưu niệm nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 Cô Bùi Thị Xèn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Lương xã Quyết Thắng chia sẻ: Thực hiện việc học và làm theo Bác, Chi bộ nhà trường đã nghiêm túc triển khai học tập, quán triệt đầy đủ nội dung các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; phát động các phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường; thường xuyên giáo dục tư tưởng, đôn đốc, nhắc nhở nâng cao ý thức làm việc, chấp hành kỷ luật kỷ cương của giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, trường gắn việc học và làm theo Bác với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, coi đó là việc làm quan trọng hàng đầu. Trường luôn thực hiện tốt việc duy trì và phát triển số lượng học sinh. Công tác nuôi dạy trẻ luôn được trường chú trọng để giúp học sinh phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ và tình cảm, kỹ năng xã hội. Trong quá trình học tập các em luôn được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Năm học vừa qua, trường tổ chức cho 100% lớp thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ đạt bé ngoan, bé sạch và đạt sự phát triển của trẻ cuối độ tuổi. Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các cô giáo trường mầm non Phú Lương nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 Với đặc thù trẻ mầm non đều ăn bán trú, trường hết sức quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm cho trẻ. Thực đơn bữa ăn được nhà trường thay đổi theo mùa, theo ngày và có đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về chiều cao và cân nặng. Hiện các bé nhà trẻ đang được trường cho ăn ngày 4 bữa (gồm 2 bữa chính, 2 bữa phụ), bé mẫu giáo được ăn 3 bữa (2 bữa chính, 1 bữa phụ). Để đảm bảo sức khỏe học sinh, trường thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã khám và cấp phát thuốc cho trẻ. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trường thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch như: Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp; cho học sinh đeo khẩu trang; bố trí nước sát khuẩn tại khu vực hành lang trước cửa các lớp học để giáo viên và học sinh sử dụng; mỗi học sinh đều có dụng cụ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt riêng để đảm bảo vệ sinh. Noi gương Bác, cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực theo học các lớp bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham dự các buổi hội thảo, chuyên đề do các cấp tổ chức, có nhiều đề tài sáng kiến hay trong dạy và học. Đến nay, 100% giáo viên của trường có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy và đều nắm chắc chương trình giáo dục mầm non. Nhiều giáo viên đã có sự đầu tư trong chuyên môn, có những giờ dạy hay, sáng tạo được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá cao. Hiện rất nhiều giáo viên của trường đều là giáo viên dạy giỏi các cấp. Hàng năm, trường đều có đề tài, sáng kiến áp dụng có hiệu quả trong công nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố. Ngoài ra, Trường thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo. Chỉ trong năm học 2021 - 2022, trường đã vận động phụ huynh học sinh ủng hộ được sức người, sức của để xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động dạy và học, đồng thời cũng đóng góp được kinh phí để triển khai các hoạt động từ thiện. Hình ảnh các thầy, cô giáo, phụ huynh và các em học sinh dự lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023 tại trường mầm non Phú Lương Thi đua học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Trường Mầm Phú Lương xã Quyết Thắng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, giáo viên đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, trở thành ngôi trường có chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ hàng đầu trên địa bàn huyện Lạc Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Thu Phương

Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 17 năm 2022: Tôn vinh 13 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

TĐKT - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Báo Lao động đã tổ chức họp báo chương trình Vinh quang Việt Nam lầnthứ 17 năm 2022 với chủ đề “Bản lĩnhViệt Nam”. Đây là sự kiện văn hóa chính trị đặc biệt tôn vinh tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc, các Anh hùng; gương điển hình tiên tiến, doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình do Báo Lao động trực tiếp tổ chức thực hiện từ năm 2004 đến nay; với sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Toàn cảnh chương trình họp báo Qua 16 lần tổ chức, Chương trình “Vinh Quang Việt Nam” đã vinh danh 245 tập thể, cá nhân Anh hùng, điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, có tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn quốc. Những tập thể, cá nhân đã được vinh danh trong Chương trình đã và đang phát huy những phẩm chất cao quý, những thành tích đáng tự hào, ngày càng có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, Chương trình luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương tin tưởng, khen ngợi, đánh giá cao. Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm nay cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm thứ hai thực hiện các nghị quyết, chương trình của Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong bối cảnh đó, Chương trình Vinh Quang Việt Nam tiếp tục được thực hiện với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”. Đại diện tập thể Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi họp báo Với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”, dự kiến chương trình Vinh quangViệt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/9/2022 và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Dự kiến, chương trình sẽ vinh danh 7 tập thể, 6 cá nhân, là những đại diện thể hiện được khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, dũng cảm hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân; những cá nhân, đơn vị trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội với một khát vọng vươn lên, xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc hơn, khẳng định bản lĩnh Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là: Tập thể Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, trở thành "đài hoa vĩnh cửu" hội tụ tình cảm, niềm tin; Đại tá Mai Hoàng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh - khắc tinh của các loại tội phạm; em Nguyễn Đức Thuận - sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội với hành trình vượt lên số phận; vận động viên Nguyễn Thị Oanh - Đội tuyển Điền kinh Quốc gia Việt Nam hay bác sĩ Đỗ Doãn Bách - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai… Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Ban quản lý Lăng khẳng định: Từ chỗ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ Liên Bang Nga, đến nay, Ban Quản lý Lăng đã thực sự làm chủ kỹ thuật gìn giữ và bảo vệ thi hài của Bác. Đặc biệt trong thời gian 2 năm diễn biến dịch bệnh covid – 19 vô cùng phức tạp, không chỉ làm chủ kỹ thuật mà tập thể Ban còn có nhiều nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo và đổi mới, góp phần giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới; tổ chức đón tiếp tận tình chu đáo nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Khu di tích K9; bảo đảm cảnh quan môi trường luôn khang trang, sạch đẹp luôn là điểm sáng về chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Được đề cử trao tặng giải thưởng “Vinh Quang Việt Nam” là niềm vinh dự to lớn, vừa khẳng định bản lĩnh, tinh thần độc lập tự chủ, lòng trung thành, trách nhiệm chính trị to lớn đối với đất nước của đội ngũ cán bộ Ban Quản lý Lăng qua các thời kỳ; đồng thời trở thành động lực mạnh mẽ để chúng tôi tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó” – đại diện Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. DANH SÁCH 13 TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐƯỢC VINH DANH TRONG CHƯƠNG TRÌNH VINH QUANG VIỆT NAM 2022 7 TẬP THỂ: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trung tâm Xây dựng Dữ liệu Quốc gia về dân cư – Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an. 03 Liệt sĩ Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn Sabeco. Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel. Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. 6 CÁ NHÂN: Đại tá, AHLLVT ND Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh. Ông Vũ Gia Luyện. – CEO Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ quốc tế ITS. Em Nguyễn Đức Thuận – Nguyên học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vận động viên Nguyễn Thị Oanh – Đội tuyển Điền kinh Quốc gia. Bà Thạch Thị Chal Thy – Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm. Thạc sĩ Đỗ Doãn Bách – Phòng C3, Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Mai Thảo  

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước 60 năm trưởng thành và phát triển

TĐKT - 60 năm trưởng thành và phát triển, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước được biết đến là nơi lưu giữ những tư liệu, tài liệu quý giá nguyên vẹn, trường tồn với thời gian và luôn thi đua góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản tư liệu. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng hoa chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Hòa cùng dòng chảy của lịch sử Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ. Kể từ đó, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành Lưu trữ với hệ thống các văn bản pháp lý, hệ thống cơ sở khoa học nghiệp vụ và hệ thống tổ chức bộ máy và con người ngày càng hoàn chỉnh hơn. Cục trưởng Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng 60 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã có nhiều tên gọi và trực thuộc nhiều cơ quan Trung ương như: “Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng” từ ngày 4/9/1962 đến năm 1984; “Cục Lưu trữ Nhà nước” thuộc Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1984 - 1991; từ năm 1991 đến nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ trước đây và thuộc Bộ Nội vụ ngày nay. Theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy dần được kiện toàn: Từ lúc chỉ có 3 đơn vị với 16 cán bộ và 2 nhân viên giúp việc, đến nay Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước gồm 13 đơn vị cấu thành với hơn 400 công chức, viên chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Kể từ đó tới nay, có thể thấy rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Nội vụ cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là minh chứng cho quá trình phát triển đúng hướng của công tác văn thư, lưu trữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò của quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ thể hiện ở việc xây dựng, ban hành văn bản quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Hệ thống văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ đã và đang dần được hoàn thiện, tiêu biểu như: Pháp lệnh Lưu trữ năm 1982, Luật Lưu trữ năm 2011 cùng nhiều Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tạo cơ sở cho việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong những năm qua, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã quản lý, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000 mét giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay; trong đó có 2 Di sản tư liệu thế giới “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn” và 2 Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946”, “Sưu tập Phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước”. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được đầu tư xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và bảo quản an toàn tài liệu trên các vật mang tin khác nhau. Công tác thu thập, bổ sung tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được thực hiện một cách tích cực và chủ động. Công tác tổ chức sử dụng tài liệu, phục vụ nhu cầu của độc giả trong và ngoài nước được thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn thư, lưu trữ. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ, trong đó có nhiều triển lãm quốc tế với quy mô lớn, thu hút số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, các phóng viên đến tham dự, đưa tin. Bên cạnh đó, các ấn phẩm xuất bản, các phim tư liệu về tài liệu lưu trữ được xây dựng với nội dung đa dạng, chất lượng, đăng tải trên nhiều báo, tạp chí và phương tiện thông tin đại chúng, phục vụ kịp thời các sự kiện quan trọng của đất nước, của các địa phương cũng như phục vụ cho công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của đất nước ở trong nước và quốc tế. Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, thiết thực với nhiều Chương trình khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở và các cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế. Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở quan trọng để Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xây dựng, trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác văn thư, lưu trữ. Hoạt động tiêu chuẩn hóa trong công tác văn thư, lưu trữ ngày càng được chú trọng. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền công bố nhiều tiêu chuẩn trong công tác văn thư, lưu trữ. Những tiêu chuẩn này đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất các hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ ngày càng được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, kịp thời. Với tư cách là thành viên của các tổ chức lưu trữ quốc tế, Lưu trữ Việt Nam đã tích cực tham gia và thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới như Lào, Campuchia, Cuba, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và Mỹ. Điều này không những khẳng định vai trò, vị thế của Lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế mà còn nhấn mạnh vai trò của ngành Lưu trữ Việt Nam trong bảo tồn lịch sử chung của dân tộc Việt Nam và toàn nhân loại. Phát huy kết quả đạt được Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2016), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007). Bên cạnh đó, nhiều tập thể và cá nhân thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng được tặng thưởng huân chương, huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác. Những thành tích đó thể hiện sự ghi nhận, động viên, khích lệ đối với các thế hệ công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ nói riêng và ngành văn thư, lưu trữ nói chung. Những năm tới đây là giai đoạn mà tình hình thế giới và trong nước đan xen nhiều thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ của Cục cần tiếp tục phát huy truyền thống đã được hun đúc, kết tinh qua 60 năm dựng xây, đổi mới và phát triển. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên cơ sở nâng cao nhận thức về vai trò của công tác văn thư, lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ. Đây được coi như một yếu tố tiên quyết, xuyên suốt, quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ. Thứ hai, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Trọng tâm là sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức trong việc thực thi pháp luật về văn thư, lưu trữ. Thứ ba, tinh giản bộ máy hợp lý kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn thư, lưu trữ chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thông nghiệp vụ, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại quản lý tài liệu lưu trữ trong thời đại 4.0 đáp ứng yêu cầu phát triển của Chính phủ điện tử và quá trình hội nhập quốc tế của ngành. Thứ tư, hiện đại hóa công tác văn thư, lưu trữ, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống quản lý tài liệu điện tử đảm bảo quản lý tài liệu điện tử của các cơ quan, tổ chức. Từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ điện tử thống nhất, tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ, đồng bộ và bảo mật dữ liệu đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số. Chuyển đổi số mạnh mẽ để chủ động đưa ngành lưu trữ sang giai đoạn phát triển mới, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội. Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ lưu trữ nhằm phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, chung tay vì sự phát triển của công tác văn thư lưu trữ cũng như bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Thứ sáu, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Tăng cường và phát triển hiệu quả các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương sẵn có, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước khác. Chủ động hội nhập sâu, rộng, nhanh chóng bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong các hoạt động nghiệp vụ để ngành Lưu trữ Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Hồng Thiết

Trang