Tuyên dương 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2022
TĐKT - Tối 29/09, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022. Dự chương trình có các đồng chí: Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn; Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Sau hơn 3 tháng triển khai kể từ cuối tháng 5/2022, Ban Tổ chức chương trình đã nhận được 88 hồ sơ xét duyệt của 60 đơn vị, tổ chức từ 44 tỉnh, thành phố và 16 tổ chức xã hội, trường đại học trên cả nước, từ đây chọn ra 50 trường hợp tiêu biểu để tuyên dương, khen thưởng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đây đều là những tấm gương giàu nghị lực, vượt nghịch cảnh, vượt khó khăn, đóng góp tích cực cho cộng đồng, đại diện cho thanh niên khuyết tật trên mọi miền Tổ quốc, đóng góp vào sự đa dạng của cộng đồng, là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ về ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Các đại biểu được lựa chọn tham gia chương trình hiện đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước từ nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị; thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Trong đó, có 7 đại biểu là người dân tộc thiểu số như Nùng, Tày, Giẻ Triêng, Mường, Khùa. Đồng chí Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trao Bằng khen và hoa tặng các đại biểu thanh niên khuyết tật Đại biểu trẻ tuổi nhất Vũ Thị Hải Anh, sinh năm 2000, là đại sứ dự án The Eyes Project 2020, phụ trách Ban Tài chính – Đối ngoại của dự án The Eyes Project 2020, là Đại sứ văn hóa đọc, được tặng giấy khen kèm học bổng Học không bao giờ cùng năm 2020 của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Nhiều anh, chị đạt được thành tích cao trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thanh thiếu nhi như vận động viên Nguyễn Thị Mỹ Linh đạt 4 huy chương vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á năm 2022, từng được bình chọn vận động viên khuyết tật xuất sắc toàn quốc, vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Bạn Nghiêm Thu Loan ở Hà Nội, Chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam - Hội Người mù Việt Nam; Chủ nhiệm, Người sáng lập câu lạc bộ Step – hành động vì người khiếm thị, là tác giả của cuốn sách “Sáng hơn ánh mặt trời”. Bạn Lê Văn Đông ở Nghệ An là Bí thư chi đoàn xóm 1, mở gian hàng tranh thư pháp, tranh đính đá và quán ăn với tổng thu nhập 200 triệu đồng/năm, tạo được công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên tại địa phương. Bạn Tô Đình Khánh ở Thành phố Hồ Chí Minh, kinh doanh thời trang online, tham gia nhiều chương trình truyền cảm hứng về nghị lực sống ở trên truyền hình và tại các tỉnh thành, từng được kỷ niệm chương của Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng. Đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn trao Bằng khen và hoa tặng các đại biểu thanh niên khuyết tật “Mỗi đại biểu là một câu chuyện đẹp “tàn nhưng không phế", một tấm gương điển hình về nghị lực sống và khát vọng được cống hiến, mang đến những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng mình, cho gia đình mình mà còn cho cộng đồng và xã hội.” – đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh. Tại buổi lễ, mỗi đại biểu được tuyên dương đã được tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, biểu trưng và 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng do Công ty TNHH TCP Việt Nam hỗ trợ. Lễ tuyên dương là sự kiện ý nghĩa nằm trong chuỗi chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022. Chương trình diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/9 với nhiều hoạt động như: Gặp mặt, kiến nghị các chính sách, pháp luật về người khuyết tật với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”… Mai ThảoĐiển hình tiên tiến
TĐKT - 75 năm xây dựng và phát triển, trải qua những thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, các tầng lớp nhân dân huyện Kim Sơn luôn đoàn kết một lòng đi theo Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương. Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện (6/6/1947 - 6/6/2022) là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân Kim Sơn ôn lại lịch sử vẻ vang, thêm tự hào về truyền thống quê hương; tiếp tục đoàn kết, đồng lòng hiện thực hóa khát vọng "Vươn ra biển lớn" - đưa Kim Sơn trở thành huyện khá của tỉnh Ninh Bình vào năm 2030.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại vùng ven biển Kim Sơn.
Kim Sơn - vùng đất mở, hoang vu, đầy lau sậy và sú vẹt, gắn liền với sự nghiệp khẩn hoang của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Với tầm nhìn xa, trông rộng, ngài Uy viễn đã cùng với các cụ chiêu, nguyên, thứ mộ vật lộn với đất, với nước, với đói rét và bệnh tật, mồ hôi, nước mắt và xương máu tiến hành khai hoang lấn biển, mở mang bờ cõi lập nên vùng đất mà vua Minh Mệnh đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn vào ngày 5/4/1829.
Những thăng trầm của lịch sử gần 200 năm xây dựng và phát triển đã hun đúc nên bản lĩnh và khí phách của mảnh đất, con người Kim Sơn - anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong lao động sản xuất. Phẩm chất đó luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện kế thừa và không ngừng phát huy để xây dựng quê hương giàu mạnh.
Ngược dòng lịch sử những năm đầu của thế kỷ XIX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người dân Kim Sơn cùng với nhân dân Việt Nam chịu kiếp nô lệ lầm than "một cổ hai tròng". Là con cháu của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhân dân Kim Sơn yêu tha thiết mảnh đất mà cha ông đã đổ mồ hôi xương máu tạo dựng lên nhưng việc thành lập các tổ chức cách mạng trước năm 1945 rất khó khăn. Không cam chịu cảnh áp bức, bóc lột, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra ở Kim Sơn, điển hình như cuộc đấu tranh đòi tăng lương của công nhân Xương Lợi, phá kho thóc Lẫm ở xã Thượng Kiệm, Tuy Lộc, Trì Chính…
Nhân dân đã đứng lên lật đổ chính quyền tay sai phản động, lập nên chính quyền công nông đầu tiên ở Kim Sơn vào ngày 21/8/1945. Sau những ngày giành chính quyền, Kim Sơn là địa bàn điểm nóng nhất về chính trị ở Ninh Bình, nơi diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa lực lượng cách mạng còn non trẻ và bọn phản động đội lốt tôn giáo, việc xây dựng các tổ chức cách mạng, các nhân tố là vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, dưới sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đảng viên có kinh nghiệm, tâm huyết đã được đưa về Kim Sơn để xây dựng lực lượng.
Ngày 6/6/1947, tại đình Thượng - Tuy Lộc (xã Yên Lộc), Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn với 21 đảng viên, đồng chí Mai Văn Tiệm được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự trưởng thành, là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển phong trào cách mạng của huyện.
Từ đây, công tác phát triển Đảng đã được thực sự chú trọng, hàng loạt tổ chức đảng ở các xã, thị trấn được thành lập, các tổ chức chính trị, vũ trang cũng được hình thành. Giai đoạn 1949 - 1954 là giai đoạn hết sức cam go, mở đầu bằng sự kiện thực dân Pháp lại nhảy dù quay lại chiếm đóng Kim Sơn vào ngày 16/10/1949, chúng đã cấu kết với bọn phản động điên cuồng chống phá cách mạng, với ý đồ biến Kim Sơn thành một cứ điểm mạnh để làm bàn đạp đánh chiếm Ninh Bình, hình thành các vành đai trắng, ngăn cách cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đảng bộ huyện Kim Sơn xác định vừa chống thực dân Pháp, vừa chống bọn phản động lợi dụng tôn giáo, phong trào đánh giặc, phá tề, diệt ác được đẩy mạnh. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân Kim Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi. Ngày 30/6/1954 là ngày mà bất cứ người dân Kim Sơn nào cũng không thể quên - Kim Sơn được hoàn toàn giải phóng, ghi đậm thêm nét son chói lọi trong lịch sử huyện Kim Sơn. Rất nhiều địa phương, đơn vị (các xã: Xuân Thiện, Định Hóa, Lai Thành, Yên Mật, Chất Bình và Công an huyện Kim Sơn) được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - "Anh hùng Lực lượng vũ trang". Đối với Kim Sơn, đây là giai đoạn lịch sử hào hùng, để lại nhiều dấu ấn, khẳng định vai trò, uy tín to lớn của Đảng bộ huyện trong lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đầy khó khăn và thử thách.
Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chung sức, chung lòng cùng với nhân dân miền Bắc hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc; đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong gần 10 năm, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Kim Sơn là vùng cửa ngõ chiến lược và chịu những đợt không kích dữ dội của không quân Mỹ mở đầu là ngày 23/6/1965. Dù phải phải hứng chịu bom đạn của kẻ thù, nhưng huyện vẫn giành nhiều thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, cụ thể: Kim Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ ha; một số phong trào được xếp hạng nhất nhì miền Bắc được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng khen (dạy vỡ lòng của xã Lưu Phương, dạy bổ túc văn hóa của xã Kiến Trung).
Đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quân và dân Kim Sơn đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ ngay trên mảnh đất quê hương, đóng góp cho tiền tuyến gần 40 vạn tấn lương thực, gần 2.000 con em Kim Sơn đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường... Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Sơn, dân quân du kích xã Thượng Kiệm, trung đội dân quân Kim Đài đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến công đó góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, tô thắm thêm truyền thống yêu nước sáng ngời của đất và người Ninh Bình.
Đóng góp chung vào thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau 30 năm tỉnh Ninh Bình được tái lập (1992 - 2022), Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nối tiếp truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, tạo bước đột phá để khẳng định vị trí địa chính trị của mảnh đất "núi vàng" để giành nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên liên tục được củng cố.
Phương thức lãnh đạo không ngừng được đổi mới, nhiều Nghị quyết quan trọng đã được BCH Đảng bộ huyện qua các thời kỳ thông qua nhằm định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… Kinh tế có bước phát triển khá, trong đó kinh tế biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt trên 7%; sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng 8% so với nhiệm kỳ trước. Kim Sơn luôn là huyện dẫn đầu của tỉnh về năng suất lúa (bình quân hàng năm đạt trên 120 tạ/ha). Lợi thế của vùng biển được khai thác và phát huy, năm 2021 tổng sản lượng thủy hải sản toàn huyện đạt gần 30.000 tấn (tăng gấp 6 lần so với năm 2002); bước đầu xây dựng được một số sản phẩm hải sản mang thương hiệu Kim Sơn như: Ngao, cua, hàu...
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án lớn đang được triển khai tích cực. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Toàn huyện hiện có 21/23 xã đã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 thôn, xóm đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu… Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Dân chủ được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo được củng cố, mở rộng; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. 75 năm qua, với 24 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Kim Sơn đã có những bước trưởng thành vượt bậc: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực.
Công tác cán bộ được thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. Công tác kết nạp đảng viên, nhất là đảng viên là người theo tôn giáo, đảng viên là công nhân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được quan tâm. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường. Từ 21 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 74 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 8.240 đảng viên, trong đó có 880 đảng viên là người có đạo.
Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) ngày càng đổi mới
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển đã chứng minh sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Đảng bộ huyện Kim Sơn; khẳng định vai trò tiên phong, lãnh đạo quân và dân trong thực hiện các phong trào cách mạng. Trên hành trình ấy, Đảng bộ, nhân dân huyện Kim Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương.
Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ huyện cùng với cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Kim Sơn tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao để đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Trước mắt là triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đưa Kim Sơn sớm trở thành huyện nông thôn mới và trở thành thị xã trong tương lai không xa. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Đảng bộ huyện xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, thống nhất quan điểm đề cao vai trò của cơ sở với quan điểm "lấy cơ sở là trung tâm của mọi hoạt động", đề cao tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cấp ủy viên các cấp với phương châm "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
Coi trọng công tác tổ chức cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, công tác luân chuyển đội ngũ cán bộ. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các Hội quần chúng theo hướng bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở. Lãnh đạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao văn hóa công sở gắn với trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương, giáo; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi ruộng trũng, kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp; chú trọng phát triển kinh tế biển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022 (sớm trước một năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra).
Thứ ba, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung tại các khu, cụm, điểm công nghiệp; chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, điện, điện tử, chế biến vào đầu tư tại địa bàn. Đẩy mạnh việc triển khai, xây dựng cơ sở hạ tầng 2 cụm công nghiệp tại xã Xuân Chính, Chất Bình và khu công nghiệp Kim Sơn khu vực ngoài đê xã Kim Đông, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Hướng.
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục; giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông từ thuở đi mở đất. Củng cố, tăng cường và phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo. Khai thác có hiệu quả các điểm du lịch (Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Đồng Đắc, đền Nguyễn Công Trứ, Cồn Nổi, Vùng sinh thái bãi bồi ven biển Kim Sơn…) để thu hút đầu tư xây dựng các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...
Thứ năm, tập trung lập, tổ chức thực hiện các Quy hoạch phát triển, định hướng không gian phát triển gắn với đầu tư, xây dựng các công trình, dự án hạ tầng. Trong đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại các Quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi huyện Kim Sơn đến năm 2040; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Bắc QL10; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phát Diệm đến năm 2035; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư tại xã Tân Thành, Yên Lộc, Định Hóa và Quy hoạch mở rộng Cụm Công nghiệp Đồng Hướng. Song song với công tác quy hoạch, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, theo hướng hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tự hào về lịch sử gần 200 năm thành lập huyện, chặng đường 75 năm vẻ vang của Đảng bộ huyện, 68 năm huyện Kim Sơn được giải phóng và hân hoan trong niềm vui chung với những thành tựu của tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân huyện Kim Sơn càng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối và làm rạng danh quê hương.
Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn trong thời gian tới là rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, với bản lĩnh vững vàng, khiêm tốn, cầu thị, tinh thần đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên, các thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân Kim Sơn nguyện tiếp tục đồng lòng, kiên định thực hiện mục tiêu: Vươn ra biển lớn, kiến tạo và xây dựng quê hương Kim Sơn giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hóa, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Vũ Dũng
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt động viên gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
TĐKT - Chiều 28/9, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp mặt Đoàn đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc về dự Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022. Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ xúc động, niềm khâm phục trước những nỗ lực, cố gắng không ngừng nhằm vượt lên số phận của các đại biểu; đồng thời khẳng định: Mỗi đại biểu là một tấm gương sáng, nguồn cảm hứng lớn lao về niềm tin, nghị lực vươn tới thành công trong cuộc sống. Phó Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn mà gần 6,2 triệu người khuyết tật phải vượt qua để vươn lên trong cuộc sống. Nhắc lại mong ước tột bậc của Bác Hồ là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Phó Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến các đối tượng khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trò chuyện, động viên gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc về dự Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 Nhấn mạnh việc Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, ngày càng đưa ra nhiều chính sách cụ thể, sát thực tiễn nhằm bảo đảm đời sống, cơ hội cho người khuyết tật, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân nhận định: Khả năng tự lực, sự tự tin là yếu tố quan trọng nhất, chìa khóa dẫn tới những thành công của 50 đại biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị rà soát kỹ lưỡng các chương trình hành động nhằm tiếp tục cụ thể hóa các cam kết với Công ước quốc tế về người khuyết tật mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên tham mưu với Đảng, Chính phủ những chính sách bảo đảm đồng bộ, bền vững, đậm tính nhân văn, nhân ái, ngày càng phù hợp hơn với đời sống người khuyết tật, gắn chặt với xu hướng chăm lo cho người khuyết tật trên toàn cầu. Phó Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các ban, bộ, ngành ghi nhận mong muốn chính đáng này để trong các luật về xây dựng, hoạt động xây dựng công trình, dự án lồng ghép được nội dung công trình mang tính chất nhân văn, tạo sự phát triển bền vững hơn, tạo điều kiện cho người khuyết tật phát huy hết trí tuệ, khả năng của mình. Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức trong hai ngày 28 - 29/9 tại Hà Nội. 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm nay đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước từ nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị; thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội; trong đó có 7 đại biểu là người dân tộc thiểu số, thuộc 5 dân tộc Nùng, Tày, Giẻ Chiêng, Mường, Khùa. Thục AnhGiải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023: “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo”
TĐKT - Ngày 27/9, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 với chủ đề "Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo". Gặp mặt kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam tổ chức. Bước sang năm 2023, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt tiếp tục chặng đường phát hiện, hỗ trợ, tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, môi trường, y, dược, giáo dục đào tạo và "Khuyến tài trong lĩnh vực nông nghiệp: Tự học thành tài" với mong muốn thu hút nhiều tài năng, sản phẩm, các giải pháp công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong cách mạng 4.0. Cá nhân hoặc nhóm cá nhân (đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp) là người Việt Nam ở trong và ngoài nước, là chủ sở hữu các ẩn phẩm mang tính sáng tạo cao, có giá trị khoa học và công nghệ đã được triển khai, ứng dụng thành công trong thực tiễn từ 3 - 5 năm trở lại đây đều có thể đăng ký tham dự giải. Theo kế hoạch tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023, các sản phẩm dự thi được đánh giá theo 4 tiêu chí cơ bản gồm: Tính sáng tạo và khoa học, tính ứng dụng, tính hoàn thiện và tính hiệu quả. Thí sinh gửi sản phẩm dự thi về Ban Tổ chức giải thưởng từ ngày 28/4/2023 đến trước ngày 15/8/2023. Thời gian chấm và thẩm định giải thưởng từ tháng 9/2023 đến ngày 31/10/2023. Lễ vinh danh và trao Giải thưởng dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11/2023 và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Mọi thông tin liên quan đến Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 xin gửi về Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam theo địa chỉ Email: khuyenhocvn@gmail.com. Trang LêTĐKT - Từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực đã và đang được các địa phương trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đẩy mạnh triển khai. Nổi bật là mô hình camera giám sát an ninh trật tự đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí số 19 trong xây dựng nông thôn mới.
Mô hình camera giám sát an ninh trật tự ở xã Tân Đức
Tiên phong trong triển khai thực hiện mô hình camera giám sát an ninh trật tự ở huyện Phú Bình là xã Tân Đức. Đại úy Cao Văn Khải, Trưởng Công an xã Tân Đức cho biết: Là địa phương giáp ranh với tỉnh Bắc Giang, tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp. Chính vì vậy, chúng tôi đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, vận động bà con đóng góp trên tinh thần tự nguyện để lắp đặt camera an ninh. Chỉ sau thời gian chưa đầy 1 tuần, người dân tại các xóm đã ủng hộ được trên 60 triệu đồng.
Cũng theo Đại úy Khải, để triển khai thực hiện mô hình, lực lượng công an xã Tân Đức đã tiến hành khảo sát vị trí, lắp đặt 12 mắt camera tại các ngã 3, ngã 4; các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Bắc Giang và một số xã lân cận…
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình camera an ninh đã góp phần giảm số vụ vi phạm từ 11 vụ (năm 2020) xuống còn 8 vụ (năm 2021). Riêng 6 tháng đầu năm 2022, số vụ vi phạm chỉ xảy ra 3 vụ… Thời gian tới, công an xã sẽ tiếp tục tham mưu với Đảng ủy, UBND xã lắp đặt thêm 10 mắt camera để quản lý tốt hơn tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Lê Trí Dũng, người dân xã Tân Đức phấn khởi chia sẻ: “Sau khi xã triển khai mô hình “camera giám sát an ninh, trật tự”, người dân chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Đặc biệt, khi các đồng chí công an xã tuyên truyền tác dụng của việc ứng dụng công nghệ vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, người dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và nhiệt tình tham gia đóng góp để thực hiện mô hình”.
Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Cụ thể, nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm... đã bị phát hiện và được công an xã mời lên giáo dục, nhắc nhở kịp thời. Nhất là trong thời điểm mà tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như vừa qua, không còn xảy ra trường hợp tụ tập đông người.
“Thời điểm tháng 5/2021, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp nghi nhiễm phải thực hiện cách ly trong các khu cách ly tập trung của huyện. Trong số đó có trường hợp đã trốn khỏi khu cách ly. Chúng tôi đã kiểm tra camera, xác minh đối tượng bỏ trốn chỉ sau chưa đầy 2 giờ, đồng thời yêu cầu đối tượng quay trở lại khu cách ly tập trung… Cũng vào thời gian này, chúng tôi đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy…”- Đại úy Khải cho biết.
Bên cạnh xã Tân Đức, nhiều xã, thị trấn khác của huyện Phú Bình đã nhân rộng mô hình lắp đặt camera an ninh. Tiêu biểu như xã Xuân Phương, mặc dù hệ thống camera mới được lắp đặt đầu năm 2022 nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ có hệ thống camera, xã đã kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vứt rác thải không đúng quy định, lấn chiếm hành lang, vỉa hè làm nơi buôn bán… Qua đó, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn.
Hiện nay, ở huyện Phú Bình, hầu hết các xã, thị trấn đều tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình lắp đặt camera an ninh. Hệ thống này được UBND các xã giao cho lực lượng công an trực tiếp quản lý, vận hành, kết hợp với những camera sẵn có tại các hộ dân, cơ sở kinh doanh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn tạo thành một hệ thống rộng khắp.
Có thể nói, việc gắn camera giám sát an ninh trật tự có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và truy xét tội phạm. Trên các tuyến, khu vực lắp camera an ninh, tình hình an ninh trật tự chuyển biến tích cực, dữ liệu camera ghi lại giúp cơ quan chức năng nhận định, đánh giá đúng về đối tượng, phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt đối tượng gây án, xử lý chính xác các vụ việc, nhất là các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống camera an ninh còn tác động trực tiếp, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, huyện tiếp tục khảo sát các khu vực trọng điểm, vận động người dân lắp camera, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Tùng Chi
Gương sáng người lính biên phòng trên mặt trận chống buôn lậu qua biên giới biển
TĐKT - Một mình theo dõi chặt chẽ đối tượng nghi vấn, sau đó bắt giữ thành công vụ vận chuyển trái phép đồ trang sức với tổng trị giá trên 15 tỷ đồng sẽ là một hoạt động nghiệp vụ không thể nào quên trên con đường binh nghiệp của Thượng úy Dương Văn Sự, hiện đang công tác tại Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đình Vũ, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng. Thượng úy Dương Văn Sự kiểm tra thông tin của người làm việc trên tàu khu vực biên giới biển Anh vừa vinh dự được thành phố Hải Phòng tặng thưởng danh hiệu Gương mặt tiêu biểu năm 2021 vì những thành tích xuất sắc trong công tác. Cũng trong năm 2021, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Thượng úy Dương Văn Sự. Vụ việc thử thách bản lĩnh Trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Dương Văn Sự nhớ lại khoảng 23 giờ 30, ngày 11/7/2021 dự kiến tàu Biendong Mariner sẽ cập cảng khu vực cảng đơn vị của anh làm nhiệm vụ. Trước khi vào ca trực, chỉ huy đơn vị đã quán triệt và giao nhiệm vụ, tàu Bien Dong Mariner là mục tiêu trọng điểm, yêu cầu cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát mục tiêu nghiêm ngặt, chặt chẽ không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Nhận nhiệm vụ, Thượng úy Dương Văn Sự bí mật quan sát mọi diễn biến xung quanh khu vực tàu Biendong Mariner. Đến 0h15 phút, nhận thấy một đối tượng đang đứng ở khu vực cầu cảng sát mũi tàu Biendong Mariner có dấu hiệu nghi vấn; vài phút sau, có xuất hiện thêm một đối tượng chuyển 1 túi hàng từ trên tàu xuống cho người đàn ông đang đứng ở khu vực cầu cảng, sát với mũi tàu, Thượng úy Dương Văn Sự nhanh chóng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra; khống chế đối tượng và thu giữ tang vật là chiếc túi màu đen. Trong quá trình kiểm tra tang vật, đối tượng có hành vi hối lộ để xin bỏ qua. Nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm đến cùng, Thượng úy Dương Văn Sự đã kiên quyết bắt giữ. Qua kiểm tra, khám xét tang vật, bên trong chiếc túi màu đen có 59 sợi dây chuyền kim loại các loại, 196 chiếc nhẫn kim loại các loại, 14 chiếc vòng đeo tay kim loại màu trắng, 30 mặt chiếc dây chuyền kim loại các loại, 182 chiếc hoa tai kim loại các loại, 406 viên vật thể hình dạng khác nhau, 1.354 viên vật thể hình dạng khác nhau dạng mảnh, nhỏ, kích thước không đồng nhất. Sau đó, các đơn vị liên quan đã tiến hành lẫy mẫu ngẫu nhiên, giám định và cho kết quả, các hạt đính kèm trên vòng và nhẫn là kim cương thiên nhiên, chất liệu làm vòng và nhẫn là vàng trắng là 18k. Tổng giá trị toàn bộ hàng hóa bị thu giữ trên 15 tỷ đồng Việt Nam. Đây được nhận định là một trong những vụ buôn lậu hàng trang sức lớn nhất từ trước tới nay tại Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng. Kiên trì, mưu trí, sáng tạo và dũng cảm Cùng chia sẻ về vụ việc này, Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Chính trị viên Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Đình Vũ - chỉ huy trực tiếp của Thượng úy Dương Văn Sự cho biết, vụ việc triệt phá thành công do công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch chặt chẽ, tỉ mỉ của chỉ huy các cấp cùng với bản lĩnh vững vàng và lòng dũng cảm của Thượng úy Dương Văn Sự. Bởi chỉ cần một phút lơ là, một chút lòng tham, một cái tặc lưỡi bỏ qua thì sự việc khó có thể được phát hiện. Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, dù được lãnh đạo đơn vị chỉ đạo trực tiếp, song người theo dõi vụ việc và tiếp cận đối tượng ở giây phút gian nguy nhất chỉ có Thượng úy Dương Văn Sự rồi sau đó đồng đội trợ giúp. Với đặc tính tâm lý của tội phạm, khi bị bắt giữ một tài sản lớn, ban đầu chúng hay dùng tiền để mua chuộc. Khi mua chuộc không thành công, chúng có thể chống trả, mọi nguy cơ đều có thể xảy ra nếu những đồng chí tham gia phá án không vững vàng về nghiệp vụ, võ thuật và bản lĩnh, nhất là khi thời điểm phá án là đêm khuya, khu vực cảng biển rất vắng vẻ, các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm tẩu tán tài sản vi phạm. Thượng úy Dương Văn Sự cho biết thêm, để có bản lĩnh vững vàng và đưa ra quyết định đúng đắn trong những thời điểm đó là do anh đã được rèn luyện bản lĩnh trong những ngày tháng học tập tại trường và trong gần 20 năm công tác ở các đơn vị. Qua mỗi lần thử thách, mỗi sự việc trải qua, anh lại có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để dấn thân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh cửa khẩu, cảng biển của Tổ quốc. Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đình Vũ là đơn vị trực thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực các cảng được phụ trách, phải thường xuyên làm việc với các tàu nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau, hướng dẫn và giám sát các tàu nước ngoài chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam. Mỗi tháng, trung bình đơn vị phải quản lý khoảng 5.000 lượt người lên xuống tàu làm việc với khoảng 300 phương tiện nước ngoài cập cảng với đa dạng về thành phần và quốc tịch xuất nhập cảnh. Ngoài kỹ năng nghiệp vụ, cũng giống như tất cả cán bộ, chiến sĩ làm việc tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng ĐìnhVũ. Để đáp ứng yêu cầu công việc,Thượng úy Dương Văn Sự cùng đồng nghiệp phải tự trau dồi thêm ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe và các kỹ năng xử lý tình huống phức tạp đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của tình hình nhiệm vụ. Đặc biệt, Thượng úy Dương Văn Sự luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng trước những cám dỗ của đời sống vật chất thường ngày phát huy sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Thanh LoanTrung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện 108) đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
TĐKT - Chiều 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đại tá PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 cho biết: Sau khi được tách ra từ Khoa Răng – Hàm - Mặt ngày 08/9/1962, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của GS.TSKH Nguyễn Huy Phan, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt đã tổ chức thực hiện nhiều phẫu thuật tạo hình phức tạp về kỹ thuật và giàu ý nghĩa nhân văn, tạo tiếng vang lớn trong nước và quốc tế, trở thành nơi đào tạo về phẫu thuật hàm mặt và tạo hình đầu tiên của quân đội và cả nước. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ngành phẫu thuật tạo hình không chỉ tập trung giải quyết di chứng chiến tranh mà còn nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật mới về vi phẫu và tạo hình. Khoa là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai các kỹ thuật như nâng mũi, cắt mí mắt, tạo hình thành bụng trên cả nước,... Các thế hệ của Trung tâm đã nối tiếp nhau phát huy truyền thống, xây dựng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình và hàm mặt của Bệnh viện TWQĐ 108 có những bước phát triển vượt bậc, ngang tầm khu vực và thế giới; trở thành một trong những nơi đầu tiên nghiên cứu ứng dụng vi phẫu thuật của Việt Nam. Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện 108) đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba Theo Đại tá PGS.TS Nguyễn Bắc Hùng, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 108, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, bằng nội lực và tinh thần cố gắng của tập thể cán bộ nhân viên, Trung tâm đã tích cực triển khai, áp dụng thành công nhiều kỹ thuật y học hiện đại, tạo nên bước tiến vượt bậc trong cấp cứu và điều trị, giữ vững vị thế của một trung tâm phẫu thuật vi phẫu tạo hình thẩm mỹ hàng đầu của quân đội và cả nước”. Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho hàng ngàn ca bệnh phức tạp với tỷ lệ thành công trên 95% - tương đương với các trung tâm y học lớn ở khu vực châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác trên thế giới. Tại buổi lễ, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, Thiếu tướng Phạm Nguyên Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện đã khẳng định, trong 60 năm qua, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình đã có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc về mọi bệnh mặt, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Trung tâm đã không ngừng phấn đấu, hy sinh, xây dựng và phát triển, góp phần đưa Bệnh viện trở thành trung tâm hàng đầu về khám chữa bệnh của quân đội, đóng góp quan trọng vào công tác y tế và chăm sóc sức khỏe. Ghi nhận những thành tích xuất sắc cũng như những đóng góp quan trọng của Trung tâm trong 60 năm qua, tại buổi lễ, tập thể Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình vinh dự được tặng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm để tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình tiếp tục cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, phát huy những thành tích đã đạt được, cống hiến hết sức lực và trí tuệ góp công, góp sức xây dựng Bệnh viện TWQĐ 108 không ngừng lớn mạnh, phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy để bộ đội và nhân dân tìm đến, trao gửi sức khỏe, tính mạng của mình cho các đồng chí chăm sóc, chữa bệnh; xứng đáng với niềm tin của quân đội và nhân dân. Mai ThảoTĐKT - Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc anh Nguyễn Đức Hạnh, Tổ trưởng tổ Cơ phòng bảo trì của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình. Anh là người đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật quan trọng, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Cơ phòng bảo trì của công ty, anh Hạnh luôn chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để quản lý và điều hành hoạt động của tổ đạt kết quả tốt, đóng góp trách nhiệm lớn vào việc khắc phục sự cố, cải tiến thiết bị, giảm tối đa sự cố xảy ra giúp công ty ngày càng phát triển. Đặc biệt, anh có nhiều sáng kiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian và nhân lực, đảm bảo an toàn cho công nhân viên.
Anh Nguyễn Đức Hạnh (thứ 5 từ trái sang) được tặng Bằng khen JK của của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam năm 2019
Một trong những sáng kiến tiêu biểu của anh Hạnh chính là sáng kiến “Giảm thời gian và nhân lực, tăng an toàn khi tháo lắp và kiểm tra khớp nối sàng trục truyền giá cán đứng”.
Chia sẻ về ý tưởng đề tài này, anh Hạnh cho biết: Năm 2019, chương trình thường niên JK của tập đoàn thép Kyoei lần đầu tiên được triển khai tại công ty Thép Kyoei Việt Nam. Anh cùng các đoàn viên khác đều tích cực hưởng ứng tham gia.
Cũng theo anh Hạnh, do đặc thù công việc cơ khí rất nặng nhọc và vất vả, anh đã có ý tưởng tìm biện pháp để giảm sức lực cho người sửa chữa và tăng độ an toàn. Sau khi bàn bạc anh cùng các thành viên trong Tổ đã quyết định sẽ làm một chiếc xe chuyên dụng để tháo lắp trục truyền, một công việc rất nặng nhọc và vất vả, xe này sẽ hỗ trợ người công nhân khi tháo trục truyền trở nên dễ dàng và an toàn hơn.
Xe được thiết kế để sử dụng xi-lanh thủy lực để điều khiển ra vào, lên xuống bằng pa-lang xích, xe có thể làm việc với tải trọng 2 tấn. Khi sử dụng xe, chỉ cần nhân lực 2 người so với 4 người như trước kia và không cần sử dụng cẩu trục nên rất an toàn. Thời gian thay tháo cũng được rút ngắn từ trung bình 3 tiếng xuống còn 1 tiếng, sáng kiến cải tiến khi áp dụng vào công việc đã mang lại giá trị làm lợi gần 700 triệu đồng cho công ty.
Ngoài lợi ích về kinh tế, sáng kiến của anh Hạnh đã mang nhiều lợi ích xã hội: Đảm bảo an toàn hơn cho người lao động khi làm việc, tiết kiệm điện năng khi ít sử dụng cẩu trục, phát huy tính sáng tạo trong toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty, tạo tiền đề cho những cải tiến tiếp theo...
Anh Nguyễn Đức Hạnh nhận giải thưởng của Chủ tịch Tập đoàn Koyei tại Nhật Bản năm 2019
Đề tài này của anh và nhóm thành viên sau khi bảo vệ cùng với 8 đề tài khác tại Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam đã giành giải Nhất và được tham dự hội thảo tại tỉnh Kanto Nhật Bản cùng các công ty thành viên khác của tập đoàn Kyoei.
“Tại hội thảo, sau khi nghe tôi thuyết trình sáng kiến của mình với tính năng vượt trội và giá trị làm lợi cao, chủ tịch tập đoàn đã dành lời khen và sự khích lệ rất lớn cho chúng tôi, sáng kiến của tôi sau đó được áp dụng rộng rãi cho các công ty của tập đoàn trên phạm vi toàn thế giới.”- anh Hạnh chia sẻ.
Ngoài việc tích cực tham gia phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, anh Hạnh luôn tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, cũng như tích cực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học....
Không những làm tốt vai trò của một cán bộ kỹ thuật, anh Hạnh còn là một cán bộ công đoàn nhiệt huyết. Anh luôn nâng cao trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động của công đoàn cơ sở cũng như công đoàn các cấp tổ chức; đồng thời luôn sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các công nhân trong tổ mình quản lý, từ đó đưa ra những đề xuất, góp ý cho Ban Chấp hành công đoàn cơ sở có những kế hoạch hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho công đoàn viên và người lao động.
Bên cạnh đó, anh đã vận động đoàn viên của đơn vị mình tham gia tích cực các hoạt động phong trào thi đua yêu nước: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động”, “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”...
Sự tận tụy, trách nhiệm cùng tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, sâu sát, tỉ mỉ, khiêm tốn, khoa học của anh đã trở thành “mệnh lệnh không lời”, tạo động lực để các anh em luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với một tinh thần tự giác.
Với những nỗ lực và lòng nhiệt tình trong công việc, sự tâm huyết với các ý tưởng sáng tạo, anh Hạnh đã đạt được nhiều thành tích trong lao động sản xuất: Năm 2017, anh được tặng Bằng khen của Tổng giám đốc Công ty; năm 2019 được LĐLĐ thành phố, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen, đạt Giải nhất Hội thi “JK” của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam; Bằng khen sáng kiến của Tổng Giám đốc tập đoàn thép Kyoei tại Nhật Bản; được công nhận sáng kiến cấp thành phố và cấp tỉnh năm 2019.
Tùng Chi
TĐKT - Từ hai bàn tay trắng, nữ doanh nhân tiêu biểu Nguyễn Thị Trinh đã đưa Công ty TNHH Thiên Cường Ân trở thành một trong một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, suất ăn trường học, bệnh viện... dịch vụ ẩm thực có uy tín tại tỉnh Đồng Nai. Bằng ý chí bền bỉ, quyết tâm làm giàu và trái tim giàu lòng nhân ái, doanh nhân Nguyễn Thị Trinh từng bước chinh phục những nấc thang mới và lan tỏa yêu thương đến những số phận kém may mắn và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thiện nguyện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Trinh nhận được bằng khen vì những đóng góp cho Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam
Công ty TNHH Thiên Cường Ân được ra đời vào năm 2019, qua 4 năm hình thành và phát triển trong ngành dịch vụ ẩm thực hướng tới đối tượng khách hàng cần được quan tâm đặc biệt, Công ty đã dần có vị trí trên thị trường. Phương châm "Vệ sinh, an toàn, chất lượng" luôn được Ban Lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu.
Lựa chọn ngành nghề không mấy dễ dàng để khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Trinh - Giám đốc công ty chia sẻ: “Ngành dịch vụ ăn uống là một lĩnh vực khó, đòi hỏi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trình độ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, phải có hiểu biết về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt người làm nghề phải có cái tâm trong kinh doanh. Công ty TNHH Thiên Cường Ân hoạt động với tinh thần trách nhiệm nâng cao đời sống của người lao động chăm sóc nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành để cùng phát triển”.
Thấu hiểu bữa ăn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống, sức khỏe người lao động nên công ty luôn đổi mới, sáng tạo… Nhằm đem đến cho khách hàng suất ăn chất lượng, món ăn ngon, thay đổi thực đơn hàng ngày... cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức khỏe làm việc, tái tạo lại sức lao động.
Được biết, ngoài kinh doanh dịch vụ ẩm thực, bà cũng thành lập bếp ăn từ thiện của Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo. Với nghĩa cử cao đẹp “Cho đi còn mãi mãi, lá lành đùm lá rách” nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh bệnh nhân nghèo, người lang thang cơ nhỡ, bán vé số…
Bà Nguyễn Thị Trinh – Giám đốc Công ty TNHH Thiên Cường Ân (bên phải)
Là nữ CEO điều hành doanh nghiệp về thực phẩm hàng đầu tỉnh Đồng Nai, bên cạnh bà luôn có sự động viên, đồng hành của người chồng - bác sĩ Huỳnh Văn Cường - Chuyên khoa phẫu thuật Tim Bệnh viện 115 trong gia đình cũng như mọi hoạt động xã hội.
Hằng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Trinh và doanh nghiệp Thiên Cường Ân đều trích một phần lợi nhuận để tham gia công tác an sinh xã hội của địa phương và Trung ương. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, Trung thu hay những ngày lễ lớn của cả nước bà đều trao tận tay những món quà thiết thực như xe đạp, tập sách, học bổng cho những em học sinh nghèo học giỏi. Đồng thời, bà Trinh còn là thành viên tích cực của hội thiện nguyện xây cầu Kim Loan Tiền Giang, nơi trao những cây cầu nối bờ yêu thương dành tặng bà con, những phần quà dành tặng bệnh nhân nghèo…
Với những cống hiến thầm lặng của mình, bà Nguyễn Thị Trinh được trao tặng nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, vừa qua bà Nguyễn Thị Trinh đã nhận được bằng khen vì những đóng góp cho sự phát triển của Hội.
Trao đổi với bà, chúng tôi mới thấy được cái tâm của người doanh nhân luôn có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội xin gửi lời tri ân đến nữ doanh nhân – nhà hoạt động xã hội tiêu biểu Nguyễn Thị Trinh bởi những việc làm cao cả mà bà đã cống hiến cho xã hội. Chúc bà sức khỏe, bình an đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh và vững tin trên con đường thiện nguyện.
Dương Chức
Chi hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh: Lan tỏa những giá trị nhân đạo
TĐKT - Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình – mảnh đất ươm mầm cho những hạt giống yêu thương, nhân ái. Cái tình của người dân đậm chất giản đơn, mộc mạc mang một nét văn hóa rất riêng, ẩn sâu bên trong đó là tình dân tộc, nghĩa đồng bào được thể hiện qua từng hành động “cho đi mà không cần nhận lại”. Với tinh thần sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng, thời gian qua, Chi hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo (BNN) Thủ Đức - Hồ Chí Minh, đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong các hoạt động an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Chi hội bảo trợ BNN Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập Với tâm niệm “Sống để trao gửi yêu thương”, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Chi hội bảo trợ BNN Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh đã lặng lẽ, kiên trì gắn trách nhiệm của mình qua những hành động thiết thực nhằm chia sẻ với người dân, các bệnh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Nguyệt không chỉ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch mà còn đặc biệt đặc biệt quan tâm, chia sẻ với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng căng mình phòng chống dịch. Trong thời gian cả nước cùng vượt qua đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Chi Hội bảo trợ BNN Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh đã chung tay hỗ trợ trao hàng trăm tấn rau củ quả, hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn lít nước diệt khuẩn và các thực phẩm, nước uống các loại và các thực phẩm thiết yếu khác đến với bà con nghèo trong cả nước, hỗ trợ tài chính cũng như tặng quà cho các chiến sĩ đang ngày đêm thực hiện chặn chốt nơi tuyến đầu chống dịch. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Chi hội bảo trợ BNN Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh (bên trái) bên cây cầu dành tặng người nghèo ở Vĩnh Long, Đồng Tháp Là một trong những mạnh thường quân đầu tiên đồng hành cùng chương trình “Thầm lặng nơi tuyến đầu”, thông qua chương trình, bà Nguyệt đã trao tặng lương thực, thực phẩm cho các quận Tân Phú, Thủ Đức, Quận 9, Ni viện Phật giáo Việt Nam và các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch với số lượng lên đến hơn 20 tấn gạo, 520kg đường, 10 tấn rau củ quả... trị giá trên 300 triệu đồng. Cuộc sống thật sự ý nghĩa khi biết gắn hạnh phúc của mình với hạnh phúc của người khác. Đối với bà Nguyệt, hạnh phúc chính là sự cho đi. Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Quá trình gắn bó với công tác xã hội, trao gửi yêu thương, bà đã nhận thấy những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng thông qua việc lan tỏa các giá trị nhân đạo, gắn kết giữa con người với con người. Giá trị ấy luôn mang một dấu ấn riêng, đặc sắc và đậm tính nhân văn, có ý nghĩa trong việc giáo dục và nâng cao ý thức người dân xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh. Có thể nói những tình cảm đặc biệt của bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Chi hội bảo trợ BNN Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh thật đáng trân trọng và ý nghĩa. Đó không chỉ là tấm lòng mà còn là lời động viên kịp thời đến với các lực lượng chống dịch trong cả nước. Tấm lòng cao cả đó của bà Nguyễn Thị Nguyệt không chỉ góp phần cùng nhân dân cả nước hỗ trợ về mặt vật chất để có thêm nguồn lực chống dịch, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Dương ChứcTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- …
- sau ›
- cuối cùng »