Điển hình tiên tiến

Những chàng trai, cô gái “GenZ” hết lòng vì cộng đồng

TĐKT - Bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Văn Phúc, Nguyễn Thị Bích Mai đều là những người năng động, sáng tạo và hết lòng vì cộng đồng. Họ chuẩn là những chàng trai, cô gái "Gen Z". Chàng thủ lĩnh tình nguyện Lê Phúc Văn, trưởng nhóm “Fly to Sky”, bén duyên với các hoạt động tình nguyện từ năm lớp 10, ban đầu là những dự án, kế hoạch nhỏ ở trong lớp, trong khu phố. Những chuyến đi đó đã khiến cậu học sinh thay đổi suy nghĩ về xung quanh. “Có quá nhiều người nghèo khổ, những bạn bè đồng trang lứa phải chật vật với cuộc sống mưu sinh hằng ngày, những em nhỏ không được đi học…”, Phúc suy nghĩ. Lê Văn Phúc trong chuyến trao tặng áo ấm cho trẻ em vùng lũ tại Quảng Ngãi Sinh ra trong một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất từ nhỏ, Phúc thấy mình cần cảm thông, san sẻ và làm điều gì đó cho những người kém may mắn. Tháng 9/2018, Phúc đã tập trung được một số bạn học sinh trên địa bàn tỉnh có chung chí hướng thành lập nhóm từ thiện “Fly to Sky”. Trưởng nhóm Lê Văn Phúc lúc ấy mới 16 tuổi, học sinh trường chuyên Hùng Vương nổi tiếng tại Pleiku (Gia Lai). Ngoài hoàn thành tốt việc học, thời gian còn lại, Phúc dành hết cho công tác thiện nguyện. Tiếng vang từ những hoạt động thiện nguyện đó đã thu hút nhiều bạn học sinh ở Pleiku tham gia cùng “Fly to Sky”. Chỉ sau 2 năm, Lê Văn Phúc đã là chủ nhiệm của 15 dự án, chiến dịch, chương trình tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Số tiền nhóm kêu gọi được để làm công tác thiện nguyện lên đến hàng tỷ đồng.  Những giá trị của “Fly to Sky” và Phúc mang đến cho cộng đồng đã thuyết phục được Trung tâm Tình nguyện quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn) kết nạp nhóm và quản lý trực tiếp. “Lúc đó, do hầu hết thành viên còn đang là học sinh, “Fly to Sky”, rất khó để xin phép thành lập một tổ chức thiện nguyện có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, những hiệu quả của nhóm mang lại đã được Trung ương Đoàn ghi nhận và quản lý trực tiếp. Từ đó, việc hoạt động trở nên quy củ và hiệu quả hơn. Số lượng tình nguyện viên không chỉ hạn chế trong khu vực trường chuyên Hùng Vương mà lan tỏa ra khắp các trường khác và cả các tình, thành phố khác”, Phúc kể lại. Lê Văn Phúc nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2022 Phúc cho biết, lúc đó chỉ mới 16,17 tuổi, đi xin hỗ trợ từ doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Phúc còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhiều nơi nhìn cậu học trò với ánh mắt e ngại khiến anh bạn cũng “nhát”. Nhưng khi nghĩ về hiệu quả của các dự án sẽ phần nào vơi bớt những gánh nặng cho người nghèo, Phúc dần mạnh dạn hơn. Những đợt mang hàng từ thiện đến cơ sở, các bạn thiện nguyện trong nhóm của Phúc hầu hết vận chuyển bằng xe máy, một vài lần do hàng hóa quá nhiều cộng với việc đường đến nơi cần hỗ trợ quá xa, hiểm trở, các em đành bỏ tiền thuê xe tải vận chuyển. Nhiều dự án của “Fly to Sky” gây tiếng vang và tổ chức dài hơi trong suốt thời gian qua như “Smile Class” – lớp học tiếng Anh cho trẻ em ở các mái ấm, “Đổi sách lấy cây” và “Tủ sách Bồ câu trắng”. Khi COVID-19 bùng phát, lũ lụt hoành hành ở miền Trung năm qua, Phúc và các bạn “vắt chân lên cổ” với nhiều hoạt động thiết thực như: Dự án Chiến sĩ lọc nước huy động 1000 bình lọc nước giúp các học sinh vùng lũ miền Trung, Dự án “Anh hùng diệt khuẩn” từ 5/2 đến nay đã kêu gọi 1,5 tỷ đồng , phát 25 ngàn chai nước rửa tay, 500 chai xà bông, 1000 lít dung dịch sát khuẩn, 8500 khẩu trang y tế trong 9 đợt trao tặng cho các trung tâm cách ly, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trường học... tại Gia Lai và 6 tỉnh, thành khác. Với một học sinh, làm thủ lĩnh nhóm thiện nguyện mà vẫn chu toàn việc học là một thách thức với Lê Văn Phúc. Nhưng chàng trai trẻ vẫn vượt qua. Thậm chí vừa làm vừa lo thi…học sinh giỏi quốc gianNăm 2020, giữa lúc căng mình cùng các bạn làm chương trình hỗ trợ cộng đồng ảnh hưởng vì COVID-19. “COVID-19 bùng phát, cũng là lúc các bạn trẻ của nhóm “xông pha”, chẳng ngần ngại gì, ngay khi còn là mùng trong Tết đã chuẩn bị chiến dịch, một chiến dịch dai dẳng mà hết 2020 vẫn chưa tổng kết nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch; xông pha vào cả khu cách ly hay cả biên giới. Năm 2020, nhóm đã làm với con số hơn 2 tỷ đồng, một con số mà chẳng bao giờ một đứa trẻ 18 tuổi dẫn dắt một tổ chức nhỏ, nhân lực chủ yếu là học sinh, sinh viên nghĩ là sẽ làm được”, Phúc chia sẻ. Hết lòng vì cộng đồng Đó là cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Mai (20 tuổi, quê Sóc Trăng), thành viên Ban Chỉ huy Đội phản ứng nhanh SOS Hướng Nam (một tổ chức tình nguyện tại TP Hồ Chí Minh) không quản ngại khó khăn, vất vả, nỗ lực hết mình hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Mai luôn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân và tự trau dồi thêm kỹ năng nghiệp vụ sơ cấp cứu do Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP Hồ Chí Minh tổ chức. Với những kinh nghiệm đã được học, Mai cùng đồng đội đã tham gia hỗ trợ hơn 70 ca tai nạn giao thông. Vào tháng 6/2021 khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh Covid-19, Mai đã đồng hành cùng các thành viên đội tham gia chống dịch. Cô gái trẻ đã cùng đồng đội cung cấp hơn 400 lượt ô xy miễn phí, trực tiếp tham gia lấy hơn 900 mẫu PCR của bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và hỗ trợ bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Nguyễn Thị Bích Mai được tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên “Ngoài những công việc chính, tôi cũng đồng hành cùng đồng đội hỗ trợ xử lý 120 thi hài của nạn nhân tử nạn vì dịch bệnh Covid-19 và tham gia hỗ trợ Tỉnh đoàn Sóc Trăng phòng, chống dịch bệnh”, Mai chia sẻ. Kể về những ngày tháng Mai và nhóm của mình chọn lao vào giữa tâm dịch, hỗ trợ người dân, đồng bào vượt qua cơn khốn khó, Mai cho biết: “Mình và các bạn trong đội chỉ muốn dùng sức trẻ để san sẻ giúp đỡ mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau”. Với nỗ lực cống hiến hết mình vì cộng đồng, Nguyễn Thị Bích Mai và Lê Văn Phúc vinh dự nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức vào tối 14/10 vừa qua tại Hà Nội. La Giang

Cô giáo 8X hết lòng vì học sinh ở vùng khó

TĐKT - Với 17 năm công tác, trong đó có 15 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Cô giáo Lê Na luôn tâm niệm: “Dạy học không những là trách nhiệm mà còn là ước mơ của cô. Ước mơ được thấy các em học sinh đến trường, ước mơ được thấy các em giúp huyện, giúp đất nước như cô đang làm”. Cô Lê Na sinh năm 1982 là giáo viên trường Phổ thông DTNT THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Với 17 năm công tác, trong đó có 15 năm cô ở vùng đặc biệt khó khăn. “Nghề giáo viên là một nghề vất vả trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Với cô, dạy học là sở thích và ước mơ của mình. Vì vậy, cô Lê Na luôn cảm thấy mình cần có trách nhiệm với nghề, với các em và mong các em tiếp tục theo con chữ để sau này có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho địa phương, đất nước”, cô Lê Na tâm sự. Cô Lê Na (áo vàng bên phải) và các thầy cô giáo, khách mời chụp ảnh cùng các học sinh thân yêu của mình Năm 2005, cô tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh và lên nhận công tác tại huyện Kỳ Sơn đến nay được 17 năm. Cô Lê Nam chia sẻ: Người dân Kỳ Sơn rất nghèo, cộng thêm thiên tai quanh năm nên gia đình các em đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các em phải đi bộ đến trường từ 5 đến 10 km, nhiều em học sinh phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ… Chính vì vậy, công tác giảng dạy và học tập lại càng gặp muôn vàn khó khăn, cô và các giáo viên phải tiếp cận tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học để giúp đỡ học sinh đến trường. Đặc biệt, trong 2 năm dịch Covid – 19 vừa qua, cả huyện phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Mà trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất nên không có thiết bị hỗ trợ dạy và học online nên cô và các giáo viên trong trường phải mang sách và bài tập đến từ nhà cho các em, hướng dẫn và động viên các em phải cố gắng học tập. Bên cạnh đó, thiên tai hoành hành, vừa qua huyện Kỳ Sơn đã phải trải qua một trận lũ lụt kinh hoàng đã cướp đi hàng trăm ngôi nhà của giáo viên và của học sinh một cách vô cùng thảm khốc, trang thiết bị học tập của trường bị hư hỏng nặng do nước lũ ngập và cuốn trôi… “Nhưng bằng bầu nhiệt huyết và mong muốn điều tốt đẹp nhất với các em học sinh khiến cô và các giáo viên không ngại khó, ngại khổ vượt qua những khó khăn, gian khổ để truyền tải nhiều tri thức nhất đến với các em học sinh, để các em sau này có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn…”, cô Lê Na nói. Yêu nghề, cô Lê Na luôn trau dồi chuyên môn để không tụt hậu và tiếp cận được những kiến thức mới. “Bản thân tôi không ngừng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá theo chủ trương của ngành Giáo dục, khắc phục mọi khó khăn với một mục tiêu chung của ngành Giáo dục Kỳ Sơn là từng bước nâng cao chất lượng học sinh niềm núi và không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức”, cô Na cho biết. Cô cũng là người luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học... “Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức 1 môn học, mà còn qua hoạt động giáo dục, nhằm trang bị kỹ năng, giá trị sống cho học sinh, giúp các em tự tin vào bản thân, mạnh dạn trong các hoạt động. Ngược lại, giáo viên cũng sẽ được tiếp thêm lửa nghề, hạnh phúc với từng thành quả mà học sinh đạt được”, cô Lê Na chia sẻ. Thành tích rõ nhất là cô đã đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 lần: 2010, 2011, 2017, 2018, 2021. Có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm nhiều năm liên tục đạt bậc 3 cấp huyện, được đánh giá tốt, ứng dụng vào thực tế và được nhiều đồng nghiệp khác đón nhận. Cô đã đào tạo ra nhiều học sinh giỏi cấp huyện đạt giải cao và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy. Thành quả đó không chỉ dành riêng cho bản thân mà còn là nguồn động viên lớn lao để giáo viên huyện nhà cùng vươn lên vì học trò và để được sống với niềm đam mê, khát khao hống hiến cho “sự nghiệp trồng người”. Với cô Lê Na, hạnh phúc của cô là khi thấy học sinh của mình thành đạt, bước tới vinh quang, đạt được nhiều thành tựu. Cô mong muốn những thế hệ học sinh của cô sau này sẽ thành công và giúp Kỳ Sơn ngày càng giàu đẹp hơn. Cô Lê Na là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp lễ 20/11 năm nay. Đăng Hải

Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Tối 27/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1992 - 2022) Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và Lễ tổng kết, trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, giải thưởng WIPO năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự. Tại buổi lễ, tập thể Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC và cá nhân Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch thường trực VIFOTEC vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC cho biết, Quỹ VIFOTEC được thành lập từ năm 1992 bởi Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và 6 cơ quan sáng lập trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhiều Chủ tịch Quỹ qua các thời kỳ là những nhà khoa học rất nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học và phát triển đất nước nên trong suốt 30 năm qua, kể từ khi thành lập, Quỹ VIFOTEC được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Hàng nghìn công trình đoạt giải thưởng đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ trong cả nước. Giải thưởng đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ ở trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Các giải thưởng gắn với thành quả của sản phẩm khoa học công nghệ. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực VIFOTEC Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC cùng các nhà khoa học cả nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh để phấn đấu đạt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như Văn kiện Đại hội XIII đề ra, Đảng ta đã xác định, đề cao sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới; trong đó, tri thức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực đặc biệt quan trọng. Để khơi dậy hơn nữa sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của các giải thưởng, hội thi, cuộc thi; tiếp tục hướng trọng tâm vào các công trình, giải pháp thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao; một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; các lĩnh vực: cơ khí tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới… Qua các hoạt động này, để khoa học công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; đồng thời các giải thưởng, hội thi, cuộc thi thực sự gắn với những thành tích, kết quả, thành quả của sản phẩm khoa học công nghệ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phát triển khoa học và công nghệ là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong, nêu gương sáng “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” vì sự nghiệp chung; đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động, sáng tạo; phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân. Vì vậy, rất cần sự chung tay của các địa phương trong cả nước trong phát triển khoa học công nghệ. Các địa phương cần đề ra những chính sách khuyến khích tài năng thông qua việc tổ chức giải thưởng, hội thi, cuộc thi do Quỹ VIFOTEC là cơ quan thường trực; từ đó, phát hiện ra các cá nhân có tài năng để bồi dưỡng, các đề tài, giải pháp có giá trị để triển khai ứng dụng vào thực tế cuộc sống; gắn kết với phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển khoa học công nghệ của địa phương và đóng góp vào phong trào chung của cả nước. Để Quỹ tiếp tục có nhiều phần thưởng xứng đáng cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế, theo Chủ tịch Quốc hội, cần có cơ chế, nhất là về tài chính phù hợp hơn cho Quỹ; đồng thời đề nghị Quỹ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách ưu đãi đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài để phong trào có được những thành tựu khoa học - công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, Quỹ VIFOTEC cần xây dựng hệ thống truyền thông đồng bộ, chuyên nghiệp nhằm tuyên truyền để toàn xã hội hiểu rõ và tham gia các hoạt động tôn vinh trí thức; phổ biến để những công trình đoạt giải thưởng đi vào cuộc sống nhanh nhất; hỗ trợ các nhà sáng tạo quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, hợp tác khoa học công nghệ với các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Tổ chức ghi nhận, vinh danh những cống hiến của các nhà khoa học, các nhà sáng chế có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 8 đề tài tiêu biểu đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với truyền thống rất đỗi tự hào của 30 năm xây dựng và phát triển sẽ là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để Quỹ VIFOTEC hoạt động, phát triển đúng như 8 chữ vàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng Quỹ “Khoa học - Công tâm - Liêm khiết - Hiệu quả”; sẽ tiếp tục đặt nền móng cho những đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ trong mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy sự say mê sáng tạo đối với thế hệ trẻ trên cả nước, giúp các em trở thành những chủ nhân, nhà sáng chế trong tương lai, đóng góp quan trọng để xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam cho 45 công trình, bao gồm: 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 14 giải Ba và 19 giải Khuyến khích. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao bằng chứng nhận và Huy chương vàng cho 2 công trình. Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 5 tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 2 công trình đoạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021. Ban Tổ chức cũng khen thưởng cho 10 đơn vị và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến giải thưởng. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát động Giải thưởng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022. Mai Thảo  

Tôn vinh những tấm gương phụ nữ “Vươn lên mạnh mẽ”

TĐKT - Ngày 17/10/2022, tại Hà Nội, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức Lễ tôn vinh các tấm gương phụ nữ tiêu biểu đã và đang có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hòa nhập) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là chủ dự án. Hoạt động thiết thực này nhằm kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022). Chương trình tôn vinh các tấm gương phụ nữ tiêu biểu đã và đang có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật.  “Vươn lên mạnh mẽ” là chuỗi hoạt động được tổ chức nhằm ghi nhận những nỗ lực, thúc đẩy sự tự tin của phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, khuyến khích lan tỏa những giá trị sống tích cực tới cộng đồng. Với thông điệp “Nhìn thấu giá trị - Đánh thức tiềm năng”, chương trình đã truyền cảm hứng và khẳng định rằng mỗi cá nhân đều có những tiềm năng đặc biệt, chỉ cần có ước mơ, đam mê và nhiệt huyết thì tiềm năng đó sẽ được khai phóng và phát triển, tạo nên giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. “Vươn lên mạnh mẽ” tổ chức sự kiện tôn vinh 47 phụ nữ tiêu biểu, trong đó có 42 phụ nữ là người khuyết tật. Đây là những người phụ nữ tiêu biểu đã và đang có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, cũng như trong các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Sau hơn 1 tháng phát động, chương trình đã nhận được hơn 80 hồ sơ gửi về từ 17 tỉnh/thành trên cả nước, với danh sách các ứng viên đang làm việc và có các hoạt động đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là lan tỏa các giá trị tích cực cho cộng đồng và góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. 47 phụ nữ tiêu biểu được xướng tên trong Lễ tôn vinh, được nhận giấy khen từ Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD) cùng với các phần thưởng nhiều ý nghĩa và đậm cảm xúc. Sau lễ tôn vinh, các đại biểu được mời tham dự buổi gặp mặt với lãnh đạo Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Chương trình còn dành tình cảm đặc biệt tới toàn bộ các ứng viên đã gửi hồ sơ tham dự chương trình này, bằng việc trao tặng các tặng phẩm do Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Phục vụ Cộng đồng (CSIP) thiết kế đặc biệt, dành riêng cho sự kiện. Phương Thanh

TP Lạng Sơn đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai)

TĐKT - Tối 15/10, tại đại lộ Hùng Vương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lạng Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố Lạng Sơn (17/10/2002 – 17/10/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai). Bí thư Thành ủy Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng phát biểu khai mạc buổi lễ. Dự buổi lễ về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và thành phố Lạng Sơn qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Về phía trung ương có các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn); Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương; Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức của Hàn Quốc. Ngày 17/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2002/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Sự kiện này có ý nghĩa bước ngoặt, mở ra thời kỳ mới, tạo cơ hội mới để thành phố Lạng Sơn phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh và hiện đại trong tương lai. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm cao và tinh thần sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, thành phố Lạng Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển với nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; thu ngân sách tăng nhanh. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng… Đặc biệt, hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư nâng cấp, đã hình thành thêm nhiều khu đô thị mới, khu chức năng thương mại, dịch vụ, nhà ở quy mô lớn và các công trình hạ tầng giao thông, xây dựng làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Lạng Sơn. Với những nỗ lực của thành phố trong việc nâng cấp đô thị, ngày 25/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thành phố Lạng Sơn là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Với những thành tích và kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lạng Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ… Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đọc Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 23; đồng thời kiên trì với mục tiêu phấn đấu "Xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn thành đô thị xanh, sạch, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc"; "Xây dựng thành phố Lạng Sơn với mục tiêu trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ".  Tiếp tục tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá cho đầu tư phát triển du lịch, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo tốt công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, quản lý thị trường; tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố theo tiêu chí đô thị loại I. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lạng Sơn (ảnh: TTXVN) Thành phố Lạng Sơn thực hiện điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, để tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực; tích cực chủ động phối hợp với các ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố... Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lạng Sơn đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nguyệt Hà

Trao giải thưởng “15 tháng 10” và giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2022

TĐKT - Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2022), tối 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng “15 tháng 10” và Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2022. Tại Lễ tuyên dương, Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao 56 giải thưởng “15 tháng 10” cho các cán bộ Hội tiêu biểu và 20 giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Đó là những cán bộ Hội, những thanh niên tiêu biểu đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho công tác Hội và phong trào thanh niên tại đơn vị, địa phương; là những thủ lĩnh thanh niên vượt qua khó khăn, luôn đam mê, nhiệt huyết với công tác Hội, luôn nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới để đạt hiệu quả cao hơn, để Hội ngày càng khẳng định uy tín, sức thu hút, đồng hành hiệu quả với thanh niên. Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Trường và Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương trao giải thưởng “15 tháng 10”  năm 2022 cho các cá nhân tiêu biểu Đó còn là những thanh niên có những hành động đẹp, có ích cho cộng đồng, xã hội. Mỗi tấm gương thanh niên sống đẹp hôm nay tiêu biểu cho tinh thần dấn thân, mình vì mọi người, góp phần làm cho hình ảnh thanh niên Việt Nam đẹp hơn, đáng trân trọng, làm tỏa sáng những giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới. Mỗi một bạn nhận giải thưởng là một câu chuyện đẹp, giàu ý nghĩa giáo dục, nhân văn, thực sự là một tấm gương sáng để thanh niên Việt Nam học tập, noi theo. Tiêu biểu trong số đó phải nhắc đến: Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sơn La Dương Hải Anh, chủ nhiệm nhiều dự án đóng góp cho giáo dục vùng cao. Tính đến tháng 8/2022, anh đã huy động được 5,6 tỷ đồng giúp cải thiện bữa trưa, nâng tầm vóc cho trẻ em miền núi, cải thiện cơ sở vật chất bằng các dự án xây trường, xây nhà hạnh phúc. Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp Nguyễn Phan Bảo Thuỵ đã kết nối, phụ trách nhiều chương trình hỗ trợ các sinh viên và du học sinh tại Pháp. Anh đã đàm phán với ngân hàng Société Générale - 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Pháp để sinh viên Việt Nam được hưởng thêm nhiều ưu đãi khi mở tài khoản ngân hàng, làm việc với các doanh nghiệp lớn của Pháp, Việt Nam để hỗ trợ các bạn tham gia vào thị trường lao động của hai nước cũng như tổ chức chiến dịch quyên góp “10.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam”, quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, nạn nhân chất độc da cam. Anh Tôn Quốc Đạt, một thanh niên tôn giáo đã hướng nhiều phật tử nơi biên cương Tổ quốc Cao Bằng có cuộc sống an lạc, tránh xa các tệ nạn xã hội. Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy và Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2022 cho các cá nhân Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương chúc mừng, biểu dương những cá nhân được tôn vinh tại buổi lễ. Đồng chí nêu rõ, cách đây 66 năm, vào ngày 15/10/1956, Đại hội thành lập Hội LHTN Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đánh dấu một bước tiến lịch sử của mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và phong trào thanh niên cả nước. Cùng với sự phát triển của phong trào, tổ chức của Hội có sự phát triển vượt bậc và có nhiều đổi mới trong phương thức tập hợp thanh niên. Hội đã dành nhiều quan tâm tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo, thanh niên khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hội LHTN Việt Nam tự hào về sự vững mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là hạt nhân chính trị giữ vai trò nòng cốt của Hội. Đến nay, Hội có hơn 9,9 triệu hội viên; mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên ngày càng được mở rộng ở 63 tỉnh, thành phố, 4 tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nhà nước, 5 hội thanh niên sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; quan hệ hợp tác với tổ chức thanh niên các nước và các tổ chức thanh niên quốc tế được củng cố, tăng cường; vị thế thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Thời gian tới, Hội LHTN Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và chương trình “Xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh”; tiếp tục thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện ở mọi lúc, mọi nơi khi Tổ quốc cần; dám đảm nhận những việc mới, việc khó, thể hiện sức trẻ, không ngại khó khăn, đóng góp sức lực của thanh niên vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường. Mai Thảo

Vinh danh 49 tổ chức, doanh nghiệp và sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc

TĐKT - Chiều 9/10, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022). 49 tổ chức, doanh nghiệp và sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc đã được vinh danh. Đây là những tổ chức, doanh nghiệp đã nỗ lực đóng góp cho hành trình chuyển đổi số quốc gia. Vinh danh sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu Kể từ Lễ phát động Giải thưởng lần thứ 5 vào ngày 21/4/2022, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 đã tiếp cận hơn 3.000 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tiếp nhận gần 400 bộ hồ sơ đề cử tham gia trên toàn quốc. Nhiều hồ sơ có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (cloud)... Nhiều giải pháp công nghệ tiêu biểu, nhiều thành tựu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, giao thông, năng lượng, logistics... đã được các đơn vị, tổ chức giới thiệu. Ban Tổ chức đã làm việc nghiêm túc và chọn ra 49 đơn vị xứng đáng nhất để vinh danh tại Lễ trao giải năm nay. Năm 2022, có tổng số 5 hạng mục được trao giải, gồm: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu (27 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp); Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc (7 doanh nghiệp, đơn vị); Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc (7 cơ quan nhà nước); Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng (6 sản phẩm, giải pháp); Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài (1 giải pháp). Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sáng kiến tổ chức giải thưởng và ghi nhận sự kiện này không chỉ nhằm tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân xuất sắc đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà đã tạo sân chơi cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và ứng dụng công nghệ số vào trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra các phương thức mới và sáng tạo trong các lĩnh vực. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ tin tưởng rằng, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số được vinh danh ở VDA 2022 hôm nay sẽ tiếp tục được hoàn thiện, cải tiến, thúc đẩy việc ứng dụng có hiệu quả các thành tựu chuyển đổi số ra mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi số quốc gia nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Phương Thanh

Tôn vinh 56 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hoà Bình lần thứ V, năm 2022

TĐKT - Tối 8/10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu lần thứ 5, năm 2022. Chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; động viên, khuyến khích sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao cúp vinh danh 30 doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Hòa Bình lần thứ V, năm 2022. Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình biểu dương những nỗ lực của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, chia sẻ với chính quyền địa phương trong đảm bảo an sinh xã hội. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Hòa Bình trở thành tỉnh có nền kinh tế đứng đầu vùng, tiến tới cạnh tranh với những tỉnh có nền kinh tế mạnh của Việt Nam. Hiện tỉnh Hòa Bình có trên 4.200 doanh nghiệp lớn, nhỏ, trên 450 hợp tác xã và 36.500 hộ kinh doanh, đang hoạt động mỗi ngày, góp phần giúp người dân trong tỉnh có công ăn việc làm ổn định, doanh thu của doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội. Cùng sự đóng góp không nhỏ đến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 50% vào GRDP của tỉnh. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho trên 65.000 lao động; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, hàng năm ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ phúc lợi nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội ở địa phương. Các doanh nghiệp luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đảm bảo các chế độ cho người lao động... Ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để phát triển, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Anh Kỳ (TP Hòa Bình) đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2016 - 2021. Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Công ty Cổ phần Thương mại Dạ Hợp (TP Hòa Bình) đã có thành tích xuất sắc năm 2021. Tại buổi lễ, UBND tỉnh Hòa Bình đã trao tặng Cup vinh danh cho 30 doanh nghiệp tiêu biểu lần thứ V, năm 2022. 30 doanh nghiệp được tôn vinh là những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo thu nhập của người lao động, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, chấp hành nghiêm pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trang Lê

Bắc Giang tôn vinh Công dân ưu tú, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu

TĐKT - Ngày 7/10, Lễ tôn vinh danh hiệu "Công dân Bắc Giang ưu tú" năm 2022; Doanh nghiệp tiêu biểu, Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bắc Giang lần VI đã được tổ chức. Đây là hoạt động chào mừng Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang (10/10) và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trao danh hiệu Công dân ưu tú cho 10 cá nhân Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Những năm qua, tỉnh đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, có bước chuyển ấn tượng, đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (riêng 9 tháng năm 2022 đạt 23,98% cao nhất cả nước và cao nhất từ trước đến nay); cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện; hình ảnh, vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định trên một tầm cao mới. Những thành tựu đó đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13.200 doanh nghiệp và hàng vạn hộ sản xuất kinh doanh đăng ký hoạt động. Cùng với đó, hằng năm, nhiều sáng kiến, đề tài khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn tiên tiến đã được áp dụng vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần tích cực đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động và chương trình an sinh xã hội tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân không chỉ vươn lên trở thành những điển hình tiêu biểu của tỉnh mà còn được tôn vinh trong cả nước, được ghi nhận bằng những giải thưởng, danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức xét tặng danh hiệu Công dân Bắc Giang ưu tú. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh dành tặng cá nhân là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Bắc Giang đã có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Danh hiệu Doanh nghiệp, Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bắc Giang lần thứ VI được xét chọn trên cơ sở sự phấn đấu, tăng trưởng đi lên của các doanh nghiệp, doanh nhân, những đóng góp phát triển kinh tế, ổn định xã hội của tỉnh và chăm lo, thực hiện chính sách đối với người lao động. Việc bình xét đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công khai từ hơn 13.200 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức xét tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” còn được tổ chức công khai lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, mạng xã hội (Facebook, Zalo). Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt mục tiêu đến năm 2025 “phấn đấu Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước. Vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khẳng định ở tầm cao mới”. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân, Công dân Bắc Giang ưu tú tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thích ứng với xu thế hội nhập; nỗ lực phấn đấu hơn nữa xây dựng hình ảnh công dân, doanh nhân, doanh nghiệp Bắc Giang có khát vọng vươn lên, phát triển bản thân và cống hiến, xây dựng quê hương. Đồng thời, mong muốn các công dân, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong công việc, cuộc sống, mang tài năng, tâm huyết, trí tuệ phục vụ cho quê hương, làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Tại buổi lễ, 10 Công dân Bắc Giang ưu tú và 16 Doanh nghiệp tiêu biểu, 9 Doanh nhân tiêu biểu đã được tôn vinh. Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho 76 Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2022. Phương Thanh

Nỗ lực không ngừng của chàng trai khiếm thị

TĐKT - “Tàn nhưng không phế” đó là khi nhắc đến em Lã Minh Trường. Em sinh năm 2001 – Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội; VĐV Cờ vua đội tuyển thể thao khuyết tật TP. Hà Nội) đã cố gắng vươn lên trên nghịch cảnh và giành nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế. Em Lã Minh Trường là một trong những gương tiêu biểu được tuyên dương trong Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2022, là người khiếm thị (khuyết tật nhìn) bẩm sinh, do căn bệnh đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu và một số bệnh lý nền khác. Năm em 4 tháng tuổi, gia đình đã hết lòng chạy chữa nhưng mắt em nhìn vẫn rất kém, chỉ nhìn được mờ và có nguy cơ mờ đi. Em Lã Minh Trường (giữa) nhận giải thưởng tại Cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật Xác định việc học là con đường ngắn nhất để đi đến thành công, năm 11 tuổi (học hết tiểu học), em xa gia đình lên Hà Nội và theo học tại ngôi trường hòa nhập PTCS Nguyễn Đình Chiểu, tiếp đó là trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Năm học lớp 9, em may mắn được các thầy, cô ở Trung tâm Huấn luyện thể thao người khuyết tật Hà Nội chọn vào đội tuyển Cờ vua khiếm thị và lên cấp 3, em được thầy hiệu trưởng đăng ký cho tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên khuyết tật” (GITC). Nhờ cuộc thi GITC, em được đi Hàn Quốc dự thi và giao lưu văn hóa với các bạn khuyết tật quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Em chia sẻ: “Trong buổi giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, tôi thấy những mảnh đời còn bất hạnh, họ khuyết tật nặng hơn tôi, họ gặp nhiều khó khăn hơn tôi nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ là những dạng khuyết tật khác nhau, tới từ những quốc gia khác nhau, sử dụng ngôn ngữ khác nhau nhưng họ đã hỗ trợ, bù đắp cho nhau, người khuyết tật vận động trở thành đôi mắt của người khuyết tật nhìn…, tất cả đã tạo nên cho tôi một nguồn cảm hứng, một động lực để phấn đấu, cố gắng hơn nữa với mong muốn làm được gì đó để giúp cho những người khuyết tật”. Để thực hiện những mong muốn đó, em đã từ bỏ ngành học yêu thích tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Sư phạm Toán để theo đuổi ước mơ to lớn hơn, ước mơ mang lại công bằng và bình đẳng, quyền tiếp cận cơ hội phát triển cho người khuyết tật nói riêng và người yếu thế trong xã hội nói chung nên em đăng ký theo học Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với sứ mệnh và ước mơ ấy, em đã thực sự sống hết mình, sống nỗ lực không ngừng để phát triển bản thân, nâng cao vị thế, từ đó góp phần vận động chính sách vì quyền và cơ hội cho người khuyết tật, người yếu thế vì một xã hội công bằng và văn minh. Với những nỗ lực không ngừng, em đã đạt được nhiều thành tích và khen thưởng: 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng quốc tế tại cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật “Global IT Challenge for Youth with Disabilities” các năm 2018, 2019; 7 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại giải Vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2022; Giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp khoa và giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài “Công tác xã hội trường học trong phòng ngừa, can thiệp vấn đề tảo hôn của học sinh dân tộc thiểu số tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành huyện IaPa tỉnh Gia Lai”; Giấy khen Sinh viên giỏi năm học 2020 – 2021, GPA trung bình 3.85 (tính đến hết năm 2 - năm học 2021 – 2022) và đạt điểm tuyệt đối 4.00 tại 2 kỳ gần nhất và nhiều giấy khen, giấy chứng nhận khác trong các chương trình tình nguyện, các cuộc thi và các dự án xã hội đã tham gia. Bằng ý chí vươn lên và cố gắng của mình, em Trường vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức. Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Chương trình năm nay tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác. Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội. Hoài Nam (HT)

Trang