Trường Mầm non Sao Mai: Ngôi trường hạnh phúc
27/12/2022 - 20:28

TĐKT - Được thành lập từ 1/9/1979, trải qua hơn 43 năm xây dựng và phát triển, Trường Mầm non Sao Mai từng bước khẳng định mình trong hệ thống giáo dục mầm non của quận Ba Đình nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện những sáng kiến đổi mới trong Đề án thi tuyển chức danh hiệu trưởng của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, nhà trường đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, với cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, đồng bộ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao.

Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm

Trường Mầm non Sao Mai hiện có 12 lớp với 430 học sinh được chia thành 3 khối: mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn. Nhà trường được đầu tư xây dựng đồng bộ, khuôn viên sạch đẹp, nhiều cây xanh; có 12 lớp học và 4 phòng chức năng, được thiết kế rộng rãi, thoáng mát. Sân trường rộng, đảm bảo đủ chỗ cho trẻ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học tập; có các khu vui chơi, vận động, khu chợ quê, vườn rau của bé...

Nhà trường được đầu tư xây dựng đồng bộ, khuôn viên sạch đẹp, nhiều cây xanh

Sân trường rộng đảm bảo đủ chỗ cho trẻ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động học tập

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được đặt lên hàng đầu. Nhà trường đã lồng ghép các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, của lớp. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Giáo viên không làm thay trẻ mà tạo cơ hội bộc lộ khả năng của cá nhân, khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ. Nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori, Steam… Khoảng 80% số tiết học được ứng dụng công nghệ thông tin.

Trường có 12 lớp học và 4 phòng chức năng, được thiết kế rộng rãi, thoáng mát.

Để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như tạo điều kiện cho các em có thể phát triển toàn diện, nhà trường còn chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích cho trẻ, giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, kích thích não bộ và tư duy phát triển, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Từ đó, giúp trẻ thêm tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống.

Nhiều năm liền, trường là tập thể lao động tiên tiến cấp quận; năm 2021 - 2022 là tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố.

Tạo lòng tin cho phụ huynh

Những sáng kiến đổi mới trong Đề án thi tuyển chức danh hiệu trưởng được cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường triển khai thực hiện từ tháng 7/2022, với mục tiêu: Phát triển trường Mầm non Sao Mai đảm bảo duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non và tiếp cận quốc tế; trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng trường lớp mầm non theo hướng trường học sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện và có sân chơi 50% là cỏ nhân tạo, có nhiều cây cảnh, vườn rau của bé hàng ngày chăm sóc. Giữ vững trường mầm non đạt kiểm định chất lượng mức độ 2 và chuẩn quốc gia cấp độ 1. Đổi mới công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non, nâng cao năng lực tự chủ của cơ sở giáo dục mầm non. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn…

Mỗi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 15, cô hiệu trưởng đứng ở cổng trường để chào đón học sinh đi học

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: “Khi xây dựng đề án, tôi đã rất tâm huyết đặt mình ở vai trò giáo viên, học sinh và phụ huynh mong muốn điều gì ở trường học để đưa ra 3 nhóm giải pháp. Ví dụ ở vai giáo viên, khi còn trẻ, mình thường có tâm lý sợ hiệu trưởng, khó tiếp cận, ngại đề xuất, chia sẻ ý tưởng mới. Từ thực tế đó, tôi nghĩ phải làm gì để giữa giáo viên, quản lý nhà trường không có khoảng cách. Đồng hành để họ không thấy đơn độc trong công việc nhiều áp lực, vất vả nhưng cơ chế đãi ngộ còn khó khăn. Cô giáo phải có được tâm lý thoải mái, hạnh phúc thì trẻ mới hạnh phúc.”

Khu bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều sạch đẹp, đảm bảo đúng quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đưa Đề án vào triển khai trong thực tế, cô Hương đã công khai số điện thoại và kết bạn với gần 400 phụ huynh có con đang theo học ở trường để họ có thể thoải mái nhắn tin, gọi điện khi cần. Mỗi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 15, cô hiệu trưởng đứng ở cổng trường để chào đón học sinh đi học và phụ huynh có thể dễ dàng gặp để trao đổi thông tin.

“Tôi cho rằng, quản lý không có cách nào khác là bám lớp, bám trường giám sát chặt chẽ. Ở phòng có trang bị camera đến từng lớp, nhà bếp, cổng trường nhưng mình không thể ngồi đó nhìn cả ngày. Tôi hay đến từng lớp, bếp ăn để xem giáo viên, nhân viên làm việc, hỏi han trẻ, phụ huynh ngày hôm nay thế nào. Điều quan trọng nhất là phải giúp giáo viên quản lý được cảm xúc tiêu cực bằng các buổi trò chuyện, tập huấn.” – Cô Hương cho biết.

Xây dựng môi trường học tập theo nhóm, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và luôn áp dụng phương pháp dạy học tích cực để dạy trẻ đạt hiệu quả cao nhất - với những bước đi tiên phong, việc triển khai Đề án đổi mới của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương đã trở thành đòn bẩy đưa chất lượng chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng của trường ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng hình ảnh trường học hạnh phúc, địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình.

Phương Thanh