Điển hình tiên tiến

Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người lái xe

TĐKT - Thực hiện Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 14/4/2017, chiều 26/4, Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho anh Trần Tuấn Anh, nhân viên lái xe thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài – Nasco (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam). Ngày 27/3/2017, trong quá trình làm nhiệm vụ, sau khi chở khách của chuyến bay VN176 từ Đà Nẵng đến Hà Nội vào nhà ga T1, tài xế Trần Tuấn Anh phát hiện túi hành lý bị bỏ quên, đã kịp thời bàn giao cho bộ phận quản lý hành lý thất lạc của Vietnam Airlines để trả lại tài sản cho hành khách. Giá trị tài sản trong túi trị giá hơn 500 triệu đồng. Đây là một hành động đẹp, việc làm ý nghĩa, điển hình về sự trung thực, trách nhiệm, xứng đáng được nêu gương để xã hội học tập. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho anh Trần Tuấn Anh Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng khẳng định: thời gian qua, TP Hà Nội đã chú trọng đến việc kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; qua đó đã động viên, cổ vũ được đông đảo người dân ở các tầng lớp xã hội, trên mọi lĩnh vực tham gia thực hiện những việc làm ý nghĩa, lối sống nhân văn, đạo đức. Sau khi phát hiện về việc làm tốt đẹp của lái xe Trần Tuấn Anh, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã chủ động thẩm định thành tích thực tế, sau đó nhanh chóng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho anh Trần Tuấn Anh. Lái xe Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi rất xúc động và trân trọng sự ghi nhận của thành phố đối với việc làm của mình. Tôi xin hứa sẽ phát huy tinh thần này, làm việc tốt hơn nữa để góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của Công ty Nasco và ngành Hàng không”. Phó Tổng Giám đốc Nasco Trần Xuân Cương cho biết: là một công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ở cửa ngõ Thủ đô, từ nhiều năm qua, Nasco thường xuyên giáo dục ý thức cho cán bộ, công nhân viên về nhiệm vụ tạo dựng hình ảnh con người và thành phố. “Nhặt được của rơi trả người đánh mất” trở thành nét văn hóa của công ty. Vào dịp chào cờ hàng tháng, Nasco đều tổ chức nêu gương người tốt, việc tốt trong nội bộ, qua đó đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Ông Cương khẳng định, việc lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những việc làm tốt của nhân viên công ty sẽ là nguồn động viên to lớn để tập thể cán bộ, công nhân viên Nasco nói riêng, ngành Hàng không nói chung tiếp tục hăng say lao động, sản xuất và thực hiện thêm nhiều hành động đẹp, nhân văn. Mai Thảo

Tổng cục Kỹ thuật tôn vinh điển hình tiên tiến xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

TĐKT - Sáng 25/4, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Tới dự có: Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ), Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật quân sự trong toàn quân; triển khai hoàn thành toàn diện, bảo đảm chất lượng các chương trình, kế hoạch Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương về "Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới". Các chuyên ngành quân khí, xe - máy, kỹ thuật binh chủng đã chỉ đạo, bảo đảm vũ khí trang bị cho các đơn vị, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Các nhà máy, xí nghiệp đã thực hiện tốt giải pháp "Giảm đầu tư, tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập", hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sửa chữa, cải tiến, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị và sản xuất hàng kinh tế, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, người lao động trong toàn Tổng cục đã tham gia nghiên cứu hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, toàn Tổng cục đã thực hiện tốt phương châm "dân vận khéo, sống nghĩa tình", tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn"; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức tốt các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, góp phần xây dựng hàng rào lòng dân vững chắc, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.  Đức Anh

Bí thư đoàn làm kinh tế giỏi

TĐKT- Sinh ra và lớn lên ở làng quê huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vốn nổi tiếng với nghề đá truyền thống, ngay từ nhỏ anh Lê Đình Hiền đã quen phụ giúp công việc sản xuất, kinh doanh vật liệu đá xây dựng của gia đình. Hiện tại, anh là Giám đốc nhà máy sản xuất đá Hiền Thuận và là Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiền Thuận tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. Với nỗ lực không ngừng, doanh thu hàng năm của công ty anh lên tới 10 - 12 tỷ đồng. Anh Hiền chia sẻ, năm 2006, sau khi tốt nghiệp Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh trở về quê hương và làm người quản lý chính thay cha mẹ. Với khát vọng và hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, anh nung nấu mở rộng công việc sản xuất, kinh doanh nghề đá ra ngoài phạm vi quê hương mình. Nhận thấy xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc là vùng quê được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên đá phong phú, trong đó có đá vật liệu xây dựng, hiểu được giá trị từ tài nguyên, anh quyết tâm làm giàu. Năm 2007, anh cùng gia đình mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng tại đây với tổng diện tích 6 ha, kinh phí đầu tư ban đầu 17 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của gia đình và một phần vay người thân, bạn bè. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng ý chí và quyết tâm của mình, qua 8 năm đi vào sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp của anh đã từng bước ổn định, doanh thu hàng năm đạt từ 10 - 12 tỷ đồng, thu lợi nhuận bình quân 5 tỷ đồng/năm. Sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp vật liệu đá xây dựng ngoài tiêu thụ nội địa còn để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ. Bí thư Lê Đình Hiền tại nhà máy sản xuất gạch đá Hơn hết, doanh nghiệp từ khi đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có không ít thanh niên địa phương. Trong số 80 lao động có việc làm thường xuyên tại doanh nghiệp, có 30 lao động là đoàn viên, thanh niên, với mức lương hàng tháng từ 7 - 10 triệu đồng/người. Ngoài đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của Nhà nước, anh còn quan tâm, tổ chức cho công nhân đi du lịch, nghỉ mát vào dịp lễ, Tết, đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất ở các tỉnh bạn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, tạo hiệu quả cao trong lao động. Không chỉ lo làm giàu về kinh tế, anh Hiền còn tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Chi đoàn 11, xã Vĩnh Thịnh. Bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dọn vệ sinh môi trường, tình nguyện vì an sinh xã hội cho đoàn viên chi đoàn tham gia, anh còn là người luôn sát sao, hướng dẫn, giáo dục đoàn viên chi đoàn không vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội; giúp đỡ, định hướng các em trong học tập, chọn nghề và tạo điều kiện việc làm cho các em, hướng các em vào những việc làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình. Quan tâm đến công tác an sinh xã hội, doanh nghiệp của anh hàng năm đều trích một phần quỹ để thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh nghèo có hoàn cảnh vươn lên trong học tập nhân dịp lễ, Tết, ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, Tết thiếu nhi 1/6… Với những nỗ lực không ngừng, từ năm 2011 đến nay, anh Lê Đình Hiền liên tục nhận được Giấy khen của Ban chấp hành đoàn xã Vĩnh Thịnh, huyện đoàn Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa và Bằng khen của Trung ương Đoàn vì có thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh niên. Anh còn được Tỉnh đoàn Thanh Hóa chọn là một trong 10 gương thanh niên tiêu biểu trong công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2007 - 2012. Tiếp theo đó, anh được nhận các giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” do Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng, giải thưởng Lương Định Của cho gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của Trung ương Đoàn. Năm 2013, anh được Tỉnh đoàn Thanh Hóa chọn là gương thanh niên tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy. Năm 2014, anh là Đảng viên trẻ tiêu biểu của huyện Vĩnh Lộc. Cùng những bề dày thành tích và những đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội huyện Vĩnh Lộc, anh được Hội Liên hiệp thanh niên huyện Vĩnh Lộc tin tưởng giao giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện. Thời gian tới, anh Lê Đình Hiền dự định sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy gạch không nung tại huyện Vĩnh Lộc để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho thanh niên địa phương, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước. La Giang

Xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức

TĐKT - Sáng 20/4, tại Hà Nội, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống (23/4/1959 - 23/4/2017). Tới dự, có các đồng chí:  Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Trung tướng Phạm Huy Tập, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP. Tiền thân là Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang được thành lập ngày 23/4/1959 theo Nghị định số 154/NĐ - CA của Bộ Công an, trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Chính trị BĐBP luôn vững vàng trong mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời chiến cũng như thời bình, Cục luôn nắm vững, phân tích kỹ, đánh giá đúng tình hình quốc tế, trong nước, thực tiễn địa bàn biên giới, hải đảo. Trên cơ sở đó, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị sát, đúng, phù hợp, bảo đảm cho lực lượng BĐBP luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm cho bộ đội, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Cục Chính trị BĐBP Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Cục Chính trị đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất xây dựng lực lượng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cục Chính trị tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 "Về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo"; Chỉ thị số 01 "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Hướng dẫn triển khai nhiều mô hình, cách làm hay: phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; Bến bãi an toàn; Bám biển bảo vệ biển đảo quê hương… thu hút nhân dân khu vực biên giới, hải đảo tham gia. Với những thành tích đạt được qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Chính trị BĐBP đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống, Cục vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP  nhiệt liệt biểu dương những thành tích Cục Chính trị đã đạt được gần 60 năm qua. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, Cục Chính trị cần phát huy truyền thống Anh hùng của đơn vị, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; triển khai toàn diện, có chiều sâu các mặt công tác Đảng, công tác chính trị, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào khâu yếu, mặt yếu, hướng mạnh về cơ sở, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có sức lan tỏa sâu rộng. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Đồng thời tham mưu, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87/CT-QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 308/KH-ĐU của Đảng ủy BĐBP về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ” trong Đảng bộ và toàn lực lượng. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, xây dựng nhân rộng các mô hình, các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tích cực thực hiện các chương trình phối hợp với các bộ, ngành. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, công trình nơi biên giới: “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường” …góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Chăm lo công tác xây dựng lực lượng, xây dựng cục Chính trị thực sự là cơ quan tinh nhuệ, sắc bén, chuyên nghiệp của lực lượng BĐBP… Phương Thanh

Binh chủng Tăng Thiết Giáp tôn vinh 22 điển hình tiên tiến

TĐKT - Sáng 20/4, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp tổ chức Hội nghị gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng điển hình tiên tiến 3 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.  Tới dự, có Đại tá Nguyễn Đức Dinh, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng Thiết Giáp. 3 năm qua, CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã được Bộ tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện toàn diện, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng; nâng cao hiệu quả toàn diện các mặt công tác, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, binh chủng vững mạnh toàn diện. Tùy theo đặc điểm của từng đơn vị,     CVĐ được cụ thể hóa thành nhiều phong trào thi đua sôi nổi: “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, "Rèn đức, rèn sức, luyện tài”…; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo: đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa”, “Dân chủ và kỷ luật” trong toàn binh chủng; “Mỗi tuần 5 điều biết”, “Tiếng nói Chính trị viên” ở Lữ đoàn 201... Trong 3 năm, toàn binh chủng có 146 tập thể, 503 cá nhân được tôn vinh cấp cơ sở; 22 tập thể, 26 cá nhân được tôn vinh cấp binh chủng; 1 tập thể và 4 cá nhân được tôn vinh cấp toàn quân. Nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện CVĐ, tại Hội nghị, Bộ tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp đã tôn vinh, khen thưởng 22 cá nhân điển hình tiên tiến. Hội nghị đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả CVĐ trong thời gian tới, trong đó xác định thực hiện các nội dung của CVĐ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là nhiệm vụ thường xuyên, duy trì thành nền nếp của tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị... Phương Linh

Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội kỷ niệm 50 năm thành lập

TĐKT – Sáng 17/4, tại Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (17/4/1967 – 17/4/2017). Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội được thành lập ngày 17/4/1967 theo quyết định số 667/TCCQ của UBND TP Hà Nội và là trường công lập chuyên đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp cho ngành xây dựng cơ bản của Thủ đô và cả nước. Nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên nhà trường, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để trở thành một cơ sở đào tạo nhân lực kỹ thuật và thực hành sản xuất có uy tín và chất lượng hàng đầu của Thủ đô, đóng góp quan trọng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước. Toàn trường hiện có hơn 80 cán bộ, giáo viên, công nhân viên với số lượng giáo viên cơ hữu là 52 người. Trong đó, 100% là giáo viên dạy giỏi cấp trường, có trình độ đại học, trên đại học và đang học nghiên cứu sinh; 90% giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; nhiều giáo viên đạt giải cao tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia. Số lượng giáo viên thỉnh giảng mời từ các trường đại học lớn, các viện, học viện là 30 – 40 người. Bộ máy tổ chức hiện nay của nhà trường gồm 5 phòng chức năng, 8 bộ môn và các trung tâm. Bên cạnh việc đầu tư, tăng cường trang thiết bị và nâng cấp cơ sở vật chất, trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và mở thêm nhiều loại hình đào tạo, nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xã hội phát triển. Hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy hàng năm được đội ngũ giáo viên và các chuyên gia trong ngành cập nhật, biên soạn khá hoàn chỉnh và đầy đủ, thực hiện nguyên lý: “Học đi đôi với hành, đào tạo kết hợp lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”. Vì vậy chất lượng và hiệu quả đào tạo tăng lên rõ rệt: số lượng học sinh tốt nghiệp đạt trên 90% với tỷ lệ khá, giỏi đạt từ 70%. Học sinh nhà trường tham gia các Hội thi Học sinh giỏi thành phố hàng năm đều đạt kết quả cao, luôn đứng trong tốp các trường dẫn đầu thành phố. Tính đến nay, trường đã đào tạo trên 35.000 cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật. Với những đóng góp và thành tích xuất sắc trong 50 năm qua, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và các bộ, ngành; liên tục được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Minh Phương

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 15/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (26/4/1957 - 26/4/2017). Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc;  nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou dự và chúc mừng BIDV. Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành, BIDV đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Trong thời điểm khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới, với trách nhiệm và vị thế là 1 trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất, BIDV đã tham gia dẫn dắt, bình ổn thị trường tài chính, ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản, ổn định hệ thống. Đặc biệt, BIDV đã chủ động, tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, BIDV đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, vươn lên trở thành ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam với quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, có trên 1.000 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 25.000 cán bộ, nhân viên. Ngân hàng đóng góp ngân sách hằng năm 5.000 tỷ đồng. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, góp phần thúc đẩy kinh tế đối ngoại tại 6 nước, đặc biệt là tại Lào và Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho BIDV Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị BIDV phải có chiến lược kế hoạch trung hạn, hằng năm với nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được mục tiêu này mà trước mắt nằm trong tốp 25 ngân hàng thương mại lớn nhất ASEAN. Cần tiếp tục là ngọn cờ đầu, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là ở Lào và Campuchia. Phải coi đây là nghĩa vụ quốc tế, là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao trong hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy hội nhập và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trước hết là Lào, Campuchia và Liên bang Nga. Đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm của mình, BIDV cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước phải là một trong những đối tác chủ lực để xử lý hiệu quả vấn đề này. BIDV phải đặc biệt chú trọng xây dựng bộ máy và nguồn lực. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phải là một nhiệm vụ trọng tâm của BIDV, trong đó lưu ý đến việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về chống suy thoái, chống tham nhũng, chống chuyển hóa, tự diễn biến. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho BIDV. Hồng Thiết  

Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Sáng 13/4, tỉnh Bắc Kạn đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh (13/4/1947- 13/4/2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Dự buổi lễ có các đồng chí: Thiếu tướng Dương Đình Thông, Phó Chính ủy Quân Khu I; Nguyễn Văn Du, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Công an; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo lực lượng vũ trang, bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cách đây 70 năm, thực hiện Chỉ thị của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, ngày 13/4/1947 tại đồi Độc Lập, thị xã Bắc Kạn (nay là tổ 10, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn), Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân tỉnh Bắc Kạn được thành lập. Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh là Tỉnh đội trưởng kiêm chính trị viên Tỉnh đội; đồng chí Triệu Văn Tịnh làm Tỉnh đội phó phụ trách xây dựng lực lượng. Cũng trong giai đoạn này, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã thành lập lực lượng Công an Bắc Kạn với tên gọi ban đầu là Ty Cảnh sát Bắc Kạn do đồng chí Hoàng Đình Chương, cán bộ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phụ trách. Sự ra đời của Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân và Ty Cảnh sát Bắc Kạn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của LLVT tỉnh Bắc Kạn và góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trọng yếu trên địa bàn Bắc Kạn. Bắc Kạn vinh dự là tỉnh đầu tiên trong cả nước được giải phóng.   Đồng chí Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn tại buổi lễ Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành an toàn khu (ATK). Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Kạn đã hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, lực lượng vũ trang Bắc Kạn tiếp tục cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Trong cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc, đã có hơn 8.000 con em đồng bào các dân tộc Bắc Kạn lên đường chiến đấu, hơn 2.000 người trong số đó đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh luôn tiên phong, là nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Quân và dân tỉnh Bắc Kạn đã trở thành điểm tựa vững chắc, tích cực cùng các tỉnh biên giới đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Kạn cùng 6 huyện, thành phố vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân.  Tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Dương Đình Thông, Phó Chính ủy Quân khu 1 đã gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lên quân kỳ và trao quyết định tặng thưởng cho LLVT tỉnh Bắc Kạn vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng từ năm 2011 - 2015. Song Huê

Người khuyết tật tàn nhưng không phế

TĐKT - Chị Khuất Thị Thao sinh ra và lớn lên tại Cụm 1, thôn Xuân Trù, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ở tuổi 55 mặc dù bị tật nguyền nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ chị đã vươn lên khẳng định bản thân “Tàn nhưng không phế” và giang tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh. Chị Thao cho biết, chị sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, khi sinh ra, chị cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm lên 3 tuổi, một lần bị sốt cao lên cơn co giật khiến chị từ một người bình thường khỏe mạnh trở thành người khuyết tật. Cũng từ cơn sốt ấy, chị phải đối diện với di chứng lệch cơ thể, người gầy gò, sức khỏe giảm sút. Gia đình vốn đã nghèo lại đông con, nên sau khi học hết cấp 2, chị quyết định chuyển hướng đi học nghề may với mong muốn có một nghề ổn định để nuôi sống bản thân, không thành gánh nặng cho gia đình. Cũng từ đó, chị như có cơ duyên với nghề. Những ngày đầu đến với nghề may thật không dễ dàng, người bình thường, khỏe mạnh vốn đã cực, với chị mọi thứ lại khó hơn gấp nhiều lần. Từ chuyện cắt may ra sao, vắt sổ thế nào… đã khiến chị không ít lần mỏi mệt. Nhưng nhờ nghị lực và sự quyết tâm, sau bao khó khăn, chị đã học thành nghề và trở về quê nhà mở một hiệu cắt may. Chị Khuất Thị Thao làm việc tại cửa hàng may  Nhớ đến những ngày đầu mở hiệu, chị kể, chị chủ yếu cắt may quần áo cho bạn bè và gia đình. Dần dà, khi chị có tay nghề, có tiếng, mọi người đến đặt may ngày càng nhiều hơn. Một phần từ năng lực, phần được mọi người ưu ái giúp đỡ, chị không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Câu chuyện người phụ nữ tật nguyền vượt khó không chỉ dừng lại ở đó, từ hoàn cảnh bản thân, chị cũng đồng cảm và thấu hiểu với những người khuyết tật khác. Vì vậy, chị đã nhiệt tình giúp đỡ những người kém may mắn như mình vượt qua mặc cảm để cùng vươn lên ổn định cuộc sống. Chị đã lựa chọn dạy nghề may miễn phí cho nhiều người. Những người đến học nghề đều được chị chỉ bảo tận tình từng đường kim mũi chỉ. Đến nay, chị đã giúp đào tạo nghề cắt may cho hàng chục chị em khuyết tật. Từ nghề ấy, nhiều người đã có việc làm ổn định trong các công ty may mặc hoặc tự mình mở cơ sở, tạo lập cuộc sống. Không chỉ dừng lại tại đó, chị còn thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật xã, được mọi người tín nhiệm bầu vào ban chấp hành của Hội. Từ đây, chị cùng Hội đã chung tay tìm kiếm công ăn, việc làm cho mọi người, từ công việc may mặc, làm hương cho đến mây tre đan ở các cơ sở tại địa phương và vùng lân cận. Chứng kiến và nhìn những việc chị đã làm khiến nhiều người cảm thấy nể phục chị, không ai có thể tin rằng, đằng sau thân hình gầy gò, bé nhỏ ấy lại có sự quyết tâm lớn lao và lòng nhân ái đến vậy. La Giang  

Trưởng công an phường giỏi phá án

TĐKT - 24 năm làm cảnh sát hình sự, gần 5 năm về công tác tại Công an phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Lê Hoàng (sinh năm 1968), Trưởng Công an phường luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ. Ngay từ khi còn là học sinh trường trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), anh đã mơ ước sau này được trở thành trinh sát hình sự  nên đã thi tuyển vào lực lượng công an nhân dân. Khi ra trường, anh được phân công về công tác tại Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm. Từ đó đến nay, anh đã có thâm niên làm trinh sát hình sự trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hơn 24 năm, nhiệm vụ chủ yếu là đấu tranh phòng chống tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp xe máy. Nhắc đến tên Trung tá Nguyễn Lê Hoàng là đồng nghiệp nhớ đến hàng dài những chuyên án hình sự mà anh đã trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo triệt phá. Anh tâm sự: nghề cảnh sát hình sự nguy hiểm, vất vả và đôi khi phải chịu thiệt thòi vì nguyên tắc bí mật các biện pháp nghiệp vụ. Lúc khó khăn, bế tắc, không thể chia sẻ cùng ai, anh em trong tổ công tác phải tự tìm cách vượt qua bằng được. Lúc thành công không phải ai cũng biết, có những việc vô cùng phức tạp nhưng khi chuyển hóa công khai lại như một sự tình cờ đơn giản. Thắng lợi mang đến niềm vui và tự hào, khi thất bại không ít suy nghĩ dằn vặt, kinh nghiệm rút ra được phần lớn qua những lần suy nghĩ và dằn vặt bản thân đó. Tuy nhiên tôi luôn quan niệm được gắn bó với nghề mình yêu thích là một điều vô cùng may mắn, được đồng nghiệp ghi nhận tin tưởng là một niềm tự hào. Năm 2012, anh được điều động về làm Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo - một phường được đánh giá là trọng điểm về công tác bảo vệ an ninh, phòng, chống khiếu kiện của quận Hoàn Kiếm. Trên cương vị công tác mới, anh đã sớm nắm bắt công việc, xây dựng Công an phường ngày càng vững mạnh: năm 2012  Công an phường  Trần Hưng Đạo chỉ đạt mức đơn vị tiên tiến nhưng năm 2013, 2014 đã đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng,  năm 2015 và 2016 được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc của thành phố. Trong quỹ thời gian làm việc của mình, ngoài nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, còn phải bao quát, quán xuyến nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, giải quyết trật tự đô thị, xây dựng phong trào, công tác Đảng, chính quyền.... nhưng đam mê phá án, truy bắt tội phạm chưa bao giờ nguôi trong con người Trung tá Nguyễn Lê Hoàng. Chính vì vậy, khi phát hiện tội phạm hoặc các vụ việc xảy trên địa bàn, anh đều chỉ đạo, lên kế hoạch, phân công, hướng dẫn hoặc trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ triển khai thực hiện. Một trong số những ổ nhóm tội phạm mà đích thân Trung tá Hoàng phát hiện và triệt phá thành công khi về công tác tại Công an phường Trần Hưng Đạo đó là ổ nhóm trộm cắp tài sản của người nước ngoài. Phát hiện có 1 số đối tượng thường tụ tập trên phố Lý Thường Kiệt có biểu hiện nghi vấn, anh đã bí mật theo dõi. Ròng rã suốt hơn 1 tuần, đêm nào anh cũng huy động cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự và cảnh sát khu vực cùng vào cuộc. Đây là loại tội phạm khó đấu tranh, chúng chỉ hoạt động vào buổi tối, đêm, nhằm vào người nước ngoài, liên tục di chuyển, gây án theo nhóm có sự phân công đối tượng cảnh giới, đối tượng trộm cắp, đối tượng đánh lạc hướng, tẩu tán tang vật ... Tuy nhiên bằng nghiệp vụ chuyên môn cộng với lòng kiên trì, bền bỉ, anh Hoàng và đồng nghiệp đã bắt quả tang chính xác hai đối tượng, buộc chúng tâm phục, khẩu phục nhận tội.   Trung tá Nguyễn Lê Hoàng thường được lựa chọn làm điển hình chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phá án tại các hội nghị Đại úy Trần Việt Hưng, Phó Trưởng Công an phường cũng từng là cán bộ phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội chia sẻ: với kinh nghiệm dày dặn nhiều năm làm lính trinh sát, bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo, anh Hoàng luôn nhiệt tình chia sẻ, truyền đam mê cũng như quyết tâm cho lớp cán bộ trẻ. Khi có điều kiện, anh động viên chúng tôi làm chuyên sâu về nghiệp vụ, mạnh dạn đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm. Vì vậy năm 2016, Công an phường Trần Hưng Đạo đã bắt giữ nhiều vụ trộm cắp tài sản, trong đó đấu tranh triệt phá một ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe máy, bắt 3 đối tượng, thu hồi 6 xe máy các loại, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm giải quyết. Ngày 25/5/2016 tại 41 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vụ cố ý gây thương tích có tính chất nghiêm trọng. Trung tá Hoàng đã trực tiếp đến hiện trường và phân công một tổ công tác nhanh chóng đưa người bị hại (bị mất máu do bị đâm nhiều nhát) đi cấp cứu; đồng thời nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân sự việc, thu giữ, bảo quản vật chứng, sau đó báo cáo về cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm để làm các thủ tục khám nghiệm hiện trường. Nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an phường Trần Hưng Đạo chỉ dừng lại ở bước này, còn lại quá trình điều tra, truy bắt đối tượng sẽ thuộc về cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, với tâm huyết, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, anh Hoàng nhận định đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng và quyết tâm truy bắt thủ phạm. Với những thông tin ban đầu thu thập được, bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng đồng đội đã dần khoanh vùng được nơi đối tượng gây án lẩn trốn. Cuối cùng, đến đêm ngày thứ 10, đích thân Trung tá Hoàng đã “còng tay” thủ phạm tại khu vực Nông trường Việt Mông, Ba Vì, Hà Nội, đưa về công an phường để làm rõ. Tại công an phường, đối tượng đã khai nhận hành vi gây án của mình. Hồ sơ, đối tượng vụ án được công an phường chuyển về cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn kiếm để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Căn cứ mức độ hành vi của đối tượng, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận đã ra lệnh bắt khẩn cấp, khởi tố và tạm giam để điều tra xử lý đối tượng với tội danh giết người. Thượng úy Đàm Thị Yến, cán bộ Công an phường Trần Hưng Đạo đầy tự hào khi nói về Trung tá Lê Hoàng: không chỉ trong suy nghĩ của tôi mà nhiều cán bộ chiến sĩ khác, anh Hoàng luôn giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ. Anh là người lãnh đạo tài năng và tâm huyết, luôn quan tâm, chủ động nắm bắt và phát huy đúng sở trường của từng người trong công việc. Trong tập thể, anh là người duy trì sự đoàn kết, áp dụng chính sách thi đua, khen thưởng rất công bằng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung tá Nguyễn Lê Hoàng, tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an phường Trần Hưng Đạo luôn sáng tạo, nhiệt huyết thi đua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đưa tập thể trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội nhiều năm qua. Với những nỗ lực vượt bậc, Trung tá Nguyễn Lê Hoàng được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liên tục; được Bộ Công an, Công an thành phố và UBND TP Hà Nội khen thưởng vì lập được nhiều thành tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều tra phá án; đồng thời là tấm gương tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của quận Hoàn Kiếm. Mai Thảo

Trang