“Sứ giả” của bình yên, hạnh phúc, no ấm miền biên giới
03/07/2017 - 00:00

TĐKT – Dù công tác, chiến đấu trên những vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, đối mặt với sự thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt và những hiểm nguy luôn rình rập, thanh niên Bộ đội Biên phòng luôn thể hiện tinh thần xung kích, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân. Họ giúp đỡ, dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa; chăm sóc, chữa bệnh cho người già; củng cố hệ thống chính trị địa phương; yêu thương, hỗ trợ đồng đội; mưu trí và quyết liệt khi đối diện với tội phạm… Đồng bào thương mến gọi các anh là những “sứ giả” của bình yên, hạnh phúc và no ấm miền biên giới.

Vận động đồng bào xây dựng đời sống mới

Năm 2013, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Nguyễn Văn Thắng về Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh nhận công tác. Vượt qua những khó khăn ngày đầu, được đồng đội hỗ trợ, cấp trên hướng dẫn, anh tích cực hoạt động và có nhiều sáng tạo trong việc vận động quần chúng. Ấp Phước Hưng nơi anh công tác vốn là điểm “nóng” về buôn lậu, vi phạm an ninh biên giới. Khắc phục vấn đề này, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Nguyễn Văn Thắng đã chủ động phối hợp với nhà trường tuyên truyền các quy định pháp luật cho học sinh, qua đó tác động đến bố mẹ, người thân của các em. Ngoài ra, anh cùng đồng đội đến từng nhà dân, gặp từng người để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu tác hại của việc vượt biên, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, anh vận động những người có uy tín trong ấp đứng ra khuyên bảo bà con, nhờ đó, tình hình người dân buôn lậu hay tiếp tay cho buôn lậu đã giảm hẳn.

Active Image

Thượng úy Nguyễn Văn Thắng trao đổi với cán bộ xã Bình Thạnh về tình hình địa bàn

Say mê công tác, cái duyên đã đưa Nguyễn Văn Thắng và Phạm Thị Tường Vi, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng đến với nhau. Sau ngày cưới, cuộc sống của vợ chồng trẻ vùng biên ải tuy bộn bề khó khăn nhưng họ luôn hạnh phúc, thương yêu, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi ngày, anh Thắng miệt mài xuống xóm, ấp giúp nhân dân sản xuất; còn cô giáo Tường Vi cần mẫn “gieo chữ” cho các em nhỏ, đồng thời khéo léo tuyên truyền quy định bảo vệ biên giới cho các em. Từ điểm “nóng” về buôn lậu, an ninh, nhờ công Thượng úy Nguyễn Văn Thắng cùng đồng đội, nhân dân, ấp Phước Hưng giờ đây đã trở thành điểm sáng văn hóa của xã Bình Thạnh.

Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống tội phạm

Vào nghề trinh sát đặc nhiệm chống tội phạm ma túy chưa đầy 3 năm, Đại úy Lê Kiếm Sơn, Phó Đội trưởng Đội đặc nhiệm, phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh, đã lập hàng loạt chiến công lớn, trở thành khắc tinh của những tên tội phạm ma túy khét tiếng và các đối tượng hình sự. Anh đã tham gia có hiệu quả trong nhiều chuyên án vụ án ma túy lớn: chuyên án 461-LV,  bắt 6 đối tượng, thu tang vật 92 bánh heroin; chuyên án 469-LV, bắt 5 đối tượng, thu tang vật  91 bánh heroin, 35.800 viên ma túy tổng hợp; chuyên án MH1114, bắt 2 đối tượng, thu tang vật 2 kg ma túy đá …

Active Image

Đại úy Lê Kiếm Sơn ( giữa) được tuyên dương là 1 trong 10 gương mặt thanh niên BĐBP tiêu biểu năm 2016

Với tính chất nghề nghiệp, đại úy Sơn thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng với bản lĩnh gan dạ, thông minh, nhạy bén, tinh thông võ thuật, anh đã lần lượt “hạ đo ván” nhiều tội phạm sừng sỏ. “Tôi và đồng đội phải học thuộc đường đi lối lại của địa bàn nơi đối tượng thường hoạt động và luôn đặt tình huống xấu nhất để có lối thoát khi gặp nạn. Nhờ thế mọi chuyên án mà biên phòng thực hiện đều thành công” - Đại úy Sơn chia sẻ.

Ngoài công tác chuyên môn, Đại úy Lê Kiếm Sơn còn tích cực hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, sôi nổi, hiệu quả các hoạt động, các phong trào do Đoàn các cấp tổ chức. Không chỉ phát huy vai trò tiền phong, xung kích của người đoàn viên trong mỗi chuyên án, anh còn thường xuyên động viên tuổi trẻ trong đơn vị thi đua lập thành tích. Năm 2015, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sơn còn được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tuyên dương "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2016".

Nâng bước em tới trường

Tốt nghiệp trường Trung cấp Biên phòng 2, năm 2014, Thiếu úy Võ Văn Vinh được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận công tác. Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, thấy rõ đời sống khó khăn, vất vả của bà con, Vinh luôn trăn trở. Nhất là khi anh chứng kiến bữa cơm rau thiếu thốn, chiếc áo đi học sờn vai, ngắn ngủn, cuốn sách giáo khoa ố vàng, lệch gáy vẫn là hành trang đến trường mỗi ngày của các em học sinh.

Tận dụng những ngày được nghỉ phép, Vinh tranh thủ lặn lội từ vùng biên giới A Lưới về TP Huế, rồi mò mẫm đi các huyện, tỉnh lân cận tìm kiếm những nhà hảo tâm, nguồn tài trợ để giúp đồng bào nơi biên giới vượt khó. Khi mới bắt đầu, anh gặp không ít khó khăn về thời gian và phương tiện, sau đó với sự giúp đỡ của gia đình, đồng đội và bạn bè, dần dần những bao quần áo, cuốn vở... cũng được mang đến tận tay bà con. Từ khi nhận công tác ở Đồn A Đớt cho đến nay, Thiếu úy Võ Văn Vinh đã vận động và trao tận tay bà con và các em học sinh trên 40.000 bộ quần áo, 2.000 cuốn vở, hàng trăm dụng cụ học tập như bút, thước... Không chỉ giúp đồng bào khu vực biên giới nước ta, Võ Văn Vinh còn cùng đồng đội mang hơn 20 bao quần áo được gấp gọn gàng, ngăn nắp tặng bà con nước bạn Lào.

Active Image

Thiếu úy Võ Văn Vinh tặng vở cho học sinh nghèo tại trường Tiểu học A Đớt

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình "Nâng bước em tới trường", anh đã mạnh dạn đề xuất cấp trên được nhận đỡ đầu em Viên Xuân Hôm, ở xã A Đớt, có hoàn cảnh khó khăn. Bố em Hôm sức khỏe yếu, không có khả năng lao động. Mẹ của em người gầy yếu, cũng ốm đau luôn nhưng vẫn phải gánh vác hết công việc nặng nhọc trong gia đình. Hằng tháng, anh trích 500.000 đồng từ đồng lương ít ỏi của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập cho em Hôm. Ngoài thời gian sinh hoạt tại đơn vị, anh thường xuyên tới gia đình để động viên, hướng dẫn em Hôm học tập và coi em như người thân của mình. Anh Viên Xuân Khoai, bố cháu Hôm, xúc động: “Thiếu úy Võ Văn Vinh thực sự là ân nhân của gia đình tôi. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Vinh, cháu Hôm thỏa ước mơ được cắp sách tới trường. Tôi chỉ khuyên con học thật tốt để không phụ tấm lòng của chú Vinh.”

Không quản khó khăn, gian khổ, ra sức thi đua với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Đại úy Lê Kiếm Sơn, Thiếu úy Võ Văn Vinh là những điển hình tiêu biểu nhất trong hàng ngàn gương thanh niên BĐBP vẫn đang ngày đêm kiên cường bám trụ nơi biên giới, giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền, bám dân, bám địa bàn, giúp dân định canh, định cư, làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn…  Việc làm thầm lặng của các anh đã và đang góp phần cho những mảnh đất vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, đồng bào có cuộc sống ấm no, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới.

Trang Lê