Điển hình tiên tiến

Trưởng công an phường giỏi phá án

TĐKT - 24 năm làm cảnh sát hình sự, gần 5 năm về công tác tại Công an phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Lê Hoàng (sinh năm 1968), Trưởng Công an phường luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ. Ngay từ khi còn là học sinh trường trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), anh đã mơ ước sau này được trở thành trinh sát hình sự  nên đã thi tuyển vào lực lượng công an nhân dân. Khi ra trường, anh được phân công về công tác tại Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm. Từ đó đến nay, anh đã có thâm niên làm trinh sát hình sự trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hơn 24 năm, nhiệm vụ chủ yếu là đấu tranh phòng chống tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp xe máy. Nhắc đến tên Trung tá Nguyễn Lê Hoàng là đồng nghiệp nhớ đến hàng dài những chuyên án hình sự mà anh đã trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo triệt phá. Anh tâm sự: nghề cảnh sát hình sự nguy hiểm, vất vả và đôi khi phải chịu thiệt thòi vì nguyên tắc bí mật các biện pháp nghiệp vụ. Lúc khó khăn, bế tắc, không thể chia sẻ cùng ai, anh em trong tổ công tác phải tự tìm cách vượt qua bằng được. Lúc thành công không phải ai cũng biết, có những việc vô cùng phức tạp nhưng khi chuyển hóa công khai lại như một sự tình cờ đơn giản. Thắng lợi mang đến niềm vui và tự hào, khi thất bại không ít suy nghĩ dằn vặt, kinh nghiệm rút ra được phần lớn qua những lần suy nghĩ và dằn vặt bản thân đó. Tuy nhiên tôi luôn quan niệm được gắn bó với nghề mình yêu thích là một điều vô cùng may mắn, được đồng nghiệp ghi nhận tin tưởng là một niềm tự hào. Năm 2012, anh được điều động về làm Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo - một phường được đánh giá là trọng điểm về công tác bảo vệ an ninh, phòng, chống khiếu kiện của quận Hoàn Kiếm. Trên cương vị công tác mới, anh đã sớm nắm bắt công việc, xây dựng Công an phường ngày càng vững mạnh: năm 2012  Công an phường  Trần Hưng Đạo chỉ đạt mức đơn vị tiên tiến nhưng năm 2013, 2014 đã đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng,  năm 2015 và 2016 được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc của thành phố. Trong quỹ thời gian làm việc của mình, ngoài nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, còn phải bao quát, quán xuyến nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, giải quyết trật tự đô thị, xây dựng phong trào, công tác Đảng, chính quyền.... nhưng đam mê phá án, truy bắt tội phạm chưa bao giờ nguôi trong con người Trung tá Nguyễn Lê Hoàng. Chính vì vậy, khi phát hiện tội phạm hoặc các vụ việc xảy trên địa bàn, anh đều chỉ đạo, lên kế hoạch, phân công, hướng dẫn hoặc trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ triển khai thực hiện. Một trong số những ổ nhóm tội phạm mà đích thân Trung tá Hoàng phát hiện và triệt phá thành công khi về công tác tại Công an phường Trần Hưng Đạo đó là ổ nhóm trộm cắp tài sản của người nước ngoài. Phát hiện có 1 số đối tượng thường tụ tập trên phố Lý Thường Kiệt có biểu hiện nghi vấn, anh đã bí mật theo dõi. Ròng rã suốt hơn 1 tuần, đêm nào anh cũng huy động cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự và cảnh sát khu vực cùng vào cuộc. Đây là loại tội phạm khó đấu tranh, chúng chỉ hoạt động vào buổi tối, đêm, nhằm vào người nước ngoài, liên tục di chuyển, gây án theo nhóm có sự phân công đối tượng cảnh giới, đối tượng trộm cắp, đối tượng đánh lạc hướng, tẩu tán tang vật ... Tuy nhiên bằng nghiệp vụ chuyên môn cộng với lòng kiên trì, bền bỉ, anh Hoàng và đồng nghiệp đã bắt quả tang chính xác hai đối tượng, buộc chúng tâm phục, khẩu phục nhận tội.   Trung tá Nguyễn Lê Hoàng thường được lựa chọn làm điển hình chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phá án tại các hội nghị Đại úy Trần Việt Hưng, Phó Trưởng Công an phường cũng từng là cán bộ phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội chia sẻ: với kinh nghiệm dày dặn nhiều năm làm lính trinh sát, bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo, anh Hoàng luôn nhiệt tình chia sẻ, truyền đam mê cũng như quyết tâm cho lớp cán bộ trẻ. Khi có điều kiện, anh động viên chúng tôi làm chuyên sâu về nghiệp vụ, mạnh dạn đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm. Vì vậy năm 2016, Công an phường Trần Hưng Đạo đã bắt giữ nhiều vụ trộm cắp tài sản, trong đó đấu tranh triệt phá một ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe máy, bắt 3 đối tượng, thu hồi 6 xe máy các loại, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm giải quyết. Ngày 25/5/2016 tại 41 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vụ cố ý gây thương tích có tính chất nghiêm trọng. Trung tá Hoàng đã trực tiếp đến hiện trường và phân công một tổ công tác nhanh chóng đưa người bị hại (bị mất máu do bị đâm nhiều nhát) đi cấp cứu; đồng thời nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân sự việc, thu giữ, bảo quản vật chứng, sau đó báo cáo về cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm để làm các thủ tục khám nghiệm hiện trường. Nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an phường Trần Hưng Đạo chỉ dừng lại ở bước này, còn lại quá trình điều tra, truy bắt đối tượng sẽ thuộc về cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, với tâm huyết, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, anh Hoàng nhận định đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng và quyết tâm truy bắt thủ phạm. Với những thông tin ban đầu thu thập được, bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng đồng đội đã dần khoanh vùng được nơi đối tượng gây án lẩn trốn. Cuối cùng, đến đêm ngày thứ 10, đích thân Trung tá Hoàng đã “còng tay” thủ phạm tại khu vực Nông trường Việt Mông, Ba Vì, Hà Nội, đưa về công an phường để làm rõ. Tại công an phường, đối tượng đã khai nhận hành vi gây án của mình. Hồ sơ, đối tượng vụ án được công an phường chuyển về cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn kiếm để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Căn cứ mức độ hành vi của đối tượng, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận đã ra lệnh bắt khẩn cấp, khởi tố và tạm giam để điều tra xử lý đối tượng với tội danh giết người. Thượng úy Đàm Thị Yến, cán bộ Công an phường Trần Hưng Đạo đầy tự hào khi nói về Trung tá Lê Hoàng: không chỉ trong suy nghĩ của tôi mà nhiều cán bộ chiến sĩ khác, anh Hoàng luôn giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ. Anh là người lãnh đạo tài năng và tâm huyết, luôn quan tâm, chủ động nắm bắt và phát huy đúng sở trường của từng người trong công việc. Trong tập thể, anh là người duy trì sự đoàn kết, áp dụng chính sách thi đua, khen thưởng rất công bằng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung tá Nguyễn Lê Hoàng, tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an phường Trần Hưng Đạo luôn sáng tạo, nhiệt huyết thi đua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đưa tập thể trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội nhiều năm qua. Với những nỗ lực vượt bậc, Trung tá Nguyễn Lê Hoàng được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liên tục; được Bộ Công an, Công an thành phố và UBND TP Hà Nội khen thưởng vì lập được nhiều thành tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều tra phá án; đồng thời là tấm gương tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của quận Hoàn Kiếm. Mai Thảo

Góp công sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Dao

TĐKT – Dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên vẫn ngày đêm miệt mài bên các trang sách, truyện, thơ về người dân tộc Dao, văn hóa Dao. Hơn 120 trang bản thảo cuốn Giáo trình học tiếng Dao do chính tay ông biên soạn chứa dựng biết bao tình cảm sâu nặng ông dành cho dân tộc Dao Đỏ của mình. Quyết chí ắt làm nên  Sinh ra tại xóm Mun, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, thời trẻ, ông làm việc trong ngành Giáo dục, sau đó được nhà nước cử đi học tại nước ngoài rồi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Hóa học. Về nước, ông đảm trách nhiều công việc, chức vụ khác nhau. Thời còn làm Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn, ông chịu khó sâu sát cơ sở, xuống tận phường, xã để giảng bài về Luật Chính quyền địa phương, có hôm ông một mình xuống cơ sở để thăm nắm, tìm hiểu tình hình đời sống đồng bào vùng cao… Ông Đặng Phúc Lường nghiên cứu tài liệu  Nghỉ hưu, ông Lường tham gia công tác xã hội tại địa phương nơi ông sinh sống, đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Ông làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 12, phường Phan Đình Phùng trong 5 năm; làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ phường Phan Đình Phùng; Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên. Dù ở vị trí nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Ông Lường chia sẻ: “Làm việc gì cũng phải bền bỉ, kiên trì có như vậy mới thành công. Tôi học tính kiên trì từ 4 câu thơ Bác viết: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Tôi đọc được 4 câu trên của Bác khi còn đang học phổ thông. 4 câu thơ luôn là “hành trang” tiếp sức để tôi thực hiện tốt công việc của mình. - Ông Lường chia sẻ thêm. Gửi tình yêu dân tộc qua từng trang sách Cả đời ông luôn đau đáu một nỗi niềm với văn hóa Dao. Căn nhà nhỏ của ông chất đầy sách, tài liệu dịch thuật, truyện và thơ các loại, nhiều nhất vẫn là những cuốn sách liên quan đến văn hóa dân tộc Dao. Trong đó, nhiều cuốn sách do ông tự sưu tầm hoặc sáng tác: Công trình nghiên cứu khoa học về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người Dao tỉnh Bắc Thái (năm 1995); tập thơ “Nhớ rừng” - song ngữ Dao Việt; tập truyện cổ dân tộc Dao “Quả bầu vàng” …. Ông bảo: “Tôi luôn lo lắng văn hóa dân tộc Dao bị mai một, lu mờ, nên cố gắng dồn hết tâm trí để viết, sưu tầm mong muốn lưu lại cho con cháu mai sau. Lúc còn làm việc ở cơ quan thì điều kiện không cho phép, còn bây giờ thì thỏa thích, đắm mình với công việc mình yêu thích”. Không quản tuổi đã cao, ông vẫn cất công lên tận các bản người Dao xa xôi ở các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng sưu tầm tư liệu về văn hóa dân tộc Dao. Về nhà ông lại cặm cụi viết, có những đêm ông làm việc đến 2, 3 giờ sáng. Niềm vui lớn đối với ông Lường trong năm qua là ông bảo vệ thành công trước Hội đồng thẩm định cuốn Giáo trình Học tiếng Dao (Sâu tộ miền vạ) do ông biên soạn. Nói về cuốn giáo trình này, ông bảo: trước đây, tôi đã từng nung nấu ý định viết một dạng sổ tay học tiếng Dao để phục vụ cho các hướng dẫn viên du lịch và phát thanh viên, vì tôi thấy có khá nhiều nhà thơ dân tộc Dao, khi sáng tác phải dùng chữ quốc ngữ phiên âm Dao để ghi chép lại những sáng tác của mình, người Dao đọc thì không hiểu mấy. Trong khi đó, người Dao có cả một kho tàng sách Nôm Dao, nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực mà chưa được khai thác triệt để và chính thế hệ con cháu người Dao cũng chưa biết hết. Vậy nên, việc sưu tầm, biên soạn một cách bài bản là rất cần thiết. Hiện cuốn giáo trình đã đượcTrung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc thuộc trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đặt hàng để dạy cho sinh viên. Ông tâm sự: “Chỉ vì yêu thích mà tôi làm thôi. Nhưng qua tất cả những việc ấy, nhất là cuốn giáo trình này, chỉ mong muốn và hy vọng được mọi người, nhất là thế hệ mai sau đọc, để biết, để gìn giữ và bảo tồn. Vì nếu không chú ý, sẽ bị mai một đi nhiều đấy. Như nhà tôi đây, hai đứa con vẫn còn nói được, nhưng đến các cháu là chịu rồi, vì chúng sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cuốn giáo trình này, tôi đã nhân bản ra và cho mỗi con, cháu một quyển để tôi dạy chúng học. Tuy nhiên, mong muốn của tôi còn nhiều hơn thế, đó là chữ Dao, văn hóa Dao còn được cả cộng đồng đón nhận và tìm hiểu. Minh Phương

Hai cha con hơn 50 lần hiến máu cứu người

TĐKT - Nhiều năm nay, hai cha con ông Nguyễn Văn Khánh (53 tuổi, ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) luôn sẵn lòng sẻ chia những giọt máu của mình để cứu chữa người bệnh. Việc làm ý nghĩa ấy giúp cha con ông Khánh có cơ sở để tuyên truyền, vận động cán bộ, bà con địa phương tham gia hiến máu nhân đạo. Cha hiến máu cứu đồng đội Thời trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh nhập ngũ, làm cán bộ quân y ở Bệnh viện Quân y 21 tại mặt trận 579. Ngày ấy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, để có đủ máu kịp thời cấp cứu những chiến sĩ bị thương, tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện đều tình nguyện cho máu. Trong nhịp khẩn trương ở nơi ranh giới giữa sống và chết mong manh, ông Khánh cũng tình nguyện hiến máu cứu đồng đội. Năm 1987 là lần đầu tiên ông Khánh cho máu. Đến khi xuất ngũ năm 1989, ông đã 4 lần hiến máu cứu sống đồng đội. Ông cho biết: “Bây giờ tôi vẫn nghĩ mình có duyên với hiến máu. Hồi ấy, chứng kiến đồng đội bị thương, mất máu nghiêm trọng, có người gục ngã tại chiến trường, tôi không khỏi đau đáu xót xa nên tự lấy máu mình, rồi vận động anh em cùng nhau hiến máu cứu đồng đội giữa bom đạn của kẻ thù. Từ đó, lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sẽ hiến máu cứu người cho dù có khó khăn thế nào đi nữa”. Ông Khánh đã 32 lần hiến máu cứu người Tinh thần sẻ chia sự sống, giúp đồng đội, đồng chí qua cơn hiểm nghèo ở chiến trường theo ông Khánh về quê hương. Và dù ở vị trí nào, công tác thanh niên, Chữ thập đỏ, Hội Nông dân hay là Bí thư Đảng ủy xã Cát Tân, ông vẫn tích cực tham gia hiến máu cứu người. “Từng tham gia trong ngành Y nên tôi hiểu hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Ý thức được điều đó nên tôi đi đầu trong phong trào nhân đạo hiến máu cứu người để những người khác làm theo. Có vậy thì anh em, đồng bào mình mới có được lượng máu cấp cứu kịp thời, được cứu sống”, ông Khánh tâm sự. Là Bí thư Đảng ủy, ông Khánh lại càng hết mình với phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương. Ông tâm sự: “Lãnh đạo thì càng không được ngại, mình phải đi tiên phong thì anh em mới làm theo. Tới đợt hiến máu tập trung, mình phải đi đầu, cùng đi hiến máu, qua đó khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên, bà con địa phương”. Chỉ tính riêng từ năm 1994 đến nay, ông Khánh đã có 32 lần hiến máu tình nguyện. Nhưng mỗi khi nhắc đến con số này, ông thường lắc đầu, bảo “chưa thấm vào đâu” với anh em, bạn bè trên cả nước. Ông kể, năm 2012, dự lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, được gặp, trao đổi với nhiều đại biểu tỉnh bạn, ông mới hiểu, sự tình nguyện của mình còn nhỏ bé lắm. Nhiều đại biểu tuổi đã ngoài 60 vẫn tham gia hiến máu; nhiều đại biểu có số lần hiến máu hơn 50 lần. Con phải tiên phong Sinh ra trong một gia đình truyền thống, học hết bậc phổ thông, anh Nguyễn Hồng Phong (34 tuổi, con trai ông Khánh) đi nghĩa vụ quân sự. Sau ngày xuất ngũ, anh về tham gia hoạt động ở đoàn thanh niên của địa phương, rồi học thêm hệ đại học tại chức. Bây giờ anh là cán bộ Tư pháp xã Cát Tân. Tuy công việc rất bận rộn nhưng mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện anh lại tranh thủ tham gia. Với nhiều người bệnh cần máu gấp, anh cũng sẵn sàng cứu giúp. Anh Phong chia sẻ: “Lúc đầu tôi thấy hiến máu cũng sợ nhưng một lần ba của một người bạn thân bị xuất huyết dạ dày mất máu nhiều cần truyền máu gấp mới có thể cứu được tính mạng. Gia đình bạn đông người nhưng không ai có thể truyền được vì người thì không cùng nhóm máu, người cùng nhóm máu thì bị viêm gan B không cho được. Lúc đó tôi được sự động viên của cha nên đi hiến máu cứu người. Từ đó, tôi bắt đầu hiến máu theo định kỳ và những người bệnh nào cần thì tôi sẵn sàng giúp đỡ”.   Anh Phong hiện là “hạt nhân” hiến máu cứu người ở huyện Phù Cát 12 năm nay, anh Nguyễn Hồng Phong là cái tên rất quen thuộc trong phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Phù Cát. Anh Phong cho biết: “Tôi tham gia hiến máu từ năm 2005. Thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện ở Phù Cát chưa phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, tư vấn chưa được sâu rộng như bây giờ. Hồi đó, tôi đi hiến máu cũng chỉ nghĩ đơn giản mình là thanh niên nên phải tiên phong”. Được biết, anh Phong đã có hơn 22 lần hiến máu. Mỗi lần như vậy là một cảm xúc khác nhau. Anh Phong cho biết: “Mỗi khi tham gia hiến máu và nhận được giấy chứng nhận, tôi thấy mình đã làm được một việc có ích cho xã hội và thấy vui vì điều đó. Đáng nhớ nhất là có lần người bệnh cần truyền huyết thanh nên phải lấy máu từ người mình để lọc lấy huyết thanh sau đó lại truyền trả lại vào người và phải ngồi 3 tiếng đồng hồ nên rất mệt”. Câu chuyện này xảy ra cách đây đã hơn 4 năm, bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh Phong luôn cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã đưa ra một quyết định đúng, bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nhiều lần chứng kiến con người ở lằn ranh sinh tử, anh Phong hiểu rõ ý nghĩa những giọt máu mà bản thân mình hiến tặng. Tích cực vận động đồng nghiệp, nhân dân hiến máu Không chỉ vận động người trong nhà, dòng họ, thời gian qua, hai cha con ông Khánh cũng vận động cán bộ cơ quan, thanh niên địa phương, công nhân, viên chức trẻ, bà con địa phương tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều cái tên mới đã xuất hiện và được UBND huyện Phù Cát tôn vinh, khen thưởng, góp phần xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện địa phương. Cách đây gần nửa năm, ông Khánh mắc bệnh cao huyết áp và không còn đủ điều kiện để hiến máu. Nhiều người tiếc cho một “hạt nhân” của phong trào hiến máu tình nguyện địa phương, nhưng ông Khánh bảo: “Không có tôi thì còn anh em, con cháu trong gia đình, rồi bà con địa phương. Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn hôm nay đã mạnh hơn trước nhiều rồi. Và dù không tham gia hiến máu, tôi vẫn có mặt tại các lễ phát động, các ngày hiến máu tập trung. Tham gia tuyên truyền ý nghĩa của việc hiến máu cứu người”. Anh Phong cho biết: “Đủ điều kiện hiến máu, lại được cha động viên, hiểu được ý nghĩa nhân đạo của hoạt động này, nên tôi cũng tham gia góp sức vào việc cứu người. Từ đó, tôi cùng với cha tích cực vận động cán bộ cơ quan, bà con địa phương cùng tham gia. Họ hiểu được ý nghĩ của việc hiến máu cứu người nên hầu hết đều tham gia rất nhiệt tình. Điều đáng mừng là việc làm của hai cha con tôi được gia đình ủng hộ”. Với anh Phong, hiến máu như một thói quen của bản thân. Điều mà anh luôn cảm thấy vui là những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ có trong lực lượng đoàn viên thanh niên mà còn được mọi thành phần trong xã hội ủng hộ, tham gia. Năm nào ở xã Cát Tân cũng có rất đông tình nguyện viên tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này. Hơn 22 lần tham gia hiến máu cứu người đã trở thành minh chứng thuyết phục giúp anh tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và người dân địa phương dễ dàng hơn. Theo ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát, gia đình ông Khánh là điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu tình nguyện huyện. “Cả hai cha con ông Khánh đều rất nhiệt tình với phong trào nhân đạo. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, hai cha con ông luôn sẵn sàng san sẻ những giọt máu của mình mong cứu giúp được một mảnh đời bất hạnh. Ánh Hường

Cô giáo người Tày và tấm Bằng khen của Thủ tướng

TĐKT - Không hạnh phúc nào dễ dàng có được. Đó là một chân lý mà chị Hoàng Thị Tuyền (giáo viên Trường Tiểu học số 1 Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và gia đình đúc rút được sau hơn 30 năm bền bỉ vượt gian nan, đắp xây cuộc sống. Bây giờ, các con của chị đều đã khôn lớn, nên người. Đối với vợ chồng chị, các con giống như quả ngọt trong tay mà mình đã vun trồng nên. Bền bỉ một hành trình  Anh bộ đội Triệu Thế Mẫn và cô giáo Hoàng Thị Tuyền đều là người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng. Chị Hoàng theo anh vào Nam, rồi đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Đó chỉ là những bước khởi đầu của hành trình đầy trắc trở. Giờ ngồi nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Tuyền không khỏi rùng mình. Chẳng biết lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế. Anh Mẫn là lính “xe tăng”, từng in dấu chân mọi miền đất nước. Nhẩm tính, sau hơn 30 năm lập gia đình, thời gian hai người sống bên nhau thật sự chỉ là những ngày tháng ít ỏi. Gần thì 50 km, xa thì hơn ngàn cây số, khi anh đóng quân tận tỉnh Đồng Nai. Khi chị Tuyền học xong thì anh chuyển công tác về An Khê (tỉnh Gia Lai). Anh xin cho chị dạy ở một trường cấp 2, nơi gần đơn vị nhất có thể. Thế nhưng, khi chị chưa “ấm chỗ”, anh lại được điều về An Sơn (xã Phước An, huyện Tuy Phước), mỗi tháng mới tranh thủ gặp vợ được một lần. Năm 1993, khi đứa con gái đầu lòng mới lên 3 tuổi, anh Mẫn xin chuyển vợ về Phước An dạy học để tiện đỡ đần. Trớ trêu thay, ở cạnh nhau chẳng bao lâu thì anh lại chuyển công tác đến Trường Quân sự Quân đoàn 3 (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), mỗi tuần chỉ tạt về nhà được 1 ngày. Vừa lo công việc dạy dỗ ở trường lớp, một mình chị phải “1 nách 3 con”.       “Làm sao có thể quên được mùa mưa chở con đi học. Thằng cu ngồi trước, 2 chị gái ngồi đằng sau. Qua chỗ ngập nước, mẹ phải vác xe đạp, vừa bồng thằng bé qua trước; rồi mới quay lại 2 tay ôm 2 đứa lớn qua sau. Vất vả không sao kể xiết”, chị Tuyền bồi hồi kể.  Gia đình cô giáo Hoàng Thị Tuyền Chị Tuyền bảo, những lúc khó khăn nhất, chị lại nghĩ về tình cảm vợ chồng, về mái ấm gia đình mình. “Sự đồng điệu trong tình yêu làm cho tình cảm vợ chồng đủ lớn mạnh để ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó chính là nguồn năng lượng theo ta đi suốt cuộc đời. Để giữ lửa ấm gia đình, tạo dựng hạnh phúc thì tình yêu lớn của người phụ nữ cũng như của người chồng quả là quan trọng. Vì vậy, đã là vợ chồng thì hãy cho đi nhiều hơn, hãy nghĩ rộng hơn, hãy cảm thông và cùng nhau chia sẻ ngay cả khi thất bại”, chị Tuyền bày tỏ. Hơn 30 năm trôi qua, trong chị Tuyền vẫn luôn in đậm những tình cảm khởi đầu. Chị ngâm nga mấy câu thơ mình viết khi còn là sinh viên trong thư gửi người yêu: “Có những ngày em cứ nhớ đến anh/ Da diết, nhớ thương, bồn chồn dữ dội/ Có nỗi nhớ cứ trở thành bão nổi/ Để đôi bờ dào dạt sóng biển xanh”. Còn thư anh lính Mẫn viết: “Chúng mình xa nhau giữa ngày xuân/ Chồi biếc trong anh là nỗi nhớ/ Mới thoáng thôi đã xòe lá nở/ Rằng nhớ thương là sức mạnh đôi bờ/ Dữ dội, bồn chồn, nhớ thương, da diết/ Là tiếng lòng đâu riêng chỉ là thơ”. Quả ngọt trong tay Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoắt mà cô chị cả Triệu Mai Hồng đã 26 tuổi, ra trường và đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Cô em Triệu Hoàng Lan là sinh viên năm thứ 3, cậu út Triệu Tường An đã học năm thứ 2. Không chỉ là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; các con của chị còn đạt giải thưởng về thi kể chuyện, phụ trách sao giỏi, đàn hát, hùng biện, dẫn chương trình. Tại hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định tổ chức năm 2008, cả Hồng và Lan đều đạt giải. Để các con là con ngoan, trò giỏi, rồi trở thành người công dân tốt, chị Tuyền bảo, yếu tố đầu tiên và quyết định là gia đình. Trong đó, người mẹ, người cha phải là tấm gương tốt cho con học tập. Đặc biệt là yêu thương con hết mực, phải là người thầy biết đặt yêu cầu cao để các con phấn đấu, nghiêm khắc uốn nắn để các con trưởng thành, công minh trong đánh giá, giải quyết các vấn đề. Cô giáo Tuyền nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích học tập và làm theo gương Bác “Không chỉ chăm lo cái ăn cái mặc mà còn chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm, dạy cho con kỹ năng sống, tức là dạy cho con cách làm người. Dù con có học trường nào thì cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên của các con. Các con ngoan ngoãn, trưởng thành thì gia đình sẽ ấm êm và hạnh phúc”, chị Tuyền chia sẻ. Chúng tôi bảo, chắc các em giỏi giang là nhờ có “gien”. Chị Tuyền cười: “Đừng quá khen thế chứ!”. Tuy nhiên, nhìn vào bản thành tích “đỏ chói” của chị thì rõ ràng không quá lời. 26 năm cầm phấn, chị đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh, là Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội đồng trường, nhiều lần đạt giải trong các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, thi Chủ tịch Công đoàn giỏi, thi kể chuyện, sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2012, chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích học tập và làm theo gương Bác. Có “hậu phương” vững chắc, nên anh Mẫn càng yên tâm công tác. Từ anh trung úy lúc mới cưới vợ, giờ anh đã là đại tá. Trước khi nghỉ hưu vào tháng 6/2015, anh Mẫn là Trưởng khoa giáo viên của Trường Quân sự Quân đoàn 3. Từ ấy đến nay, anh trở thành “bếp chính” trong gia đình. “Từ ngày nghỉ hưu, thời gian rảnh của tôi cũng nhiều, bà xã thì vẫn còn đi dạy, vậy tôi thường hay vào bếp phụ giúp bà xã. Bà xã bảo tuy nấu không ngon lắm nhưng ăn được, vậy là vui rồi”, anh Mẫn cười. Hiện tại, cuộc sống gia đình của chị Tuyền đang rất hạnh phúc, thuận hòa, ấm êm. Thế nhưng, chị chỉ tự nhận: “Vượt lên tất cả những khó khăn, tôi đã cùng chồng và các con vun đắp, xây dựng gia đình được tạm gọi là hạnh phúc và thành đạt”. Ánh Hường

Hai em học sinh lớp 5 nhặt được tiền trả lại người mất

TĐKT - Trên đường đi học, em Lê Tùng Dương và em Ngô Thế Khải, đều là học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhặt được một chiếc ví, đã không tham của rơi, mong tìm người bị đánh mất để trả lại. Trước đó, chiều 20/3/2017, trên đường tới trường qua chợ Phố Hoa, hai em đã nhặt được một chiếc ví. Thấy bên trong có nhiều giấy tờ quan trọng như Chứng minh nhân dân, hai thẻ rút tiền và số tiền gần 7 triệu đồng, Dương và Khải quyết định ngay sau đó nhờ cô giáo chủ nhiệm và cô tổng phụ trách đội tìm người bị mất để trả lại.   Em Lê Tùng Dương và em Ngô Thế Khải, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) Sau khi nhận lại chiếc ví còn đầy đủ tiền và giấy tờ, chị Hoàng Ngọc Ánh, ở xã Xuân Cẩm cảm kích bày tỏ: “Tôi vô cùng cảm động trước hành động cao đẹp của các em học sinh. Đánh rơi chiếc ví, tôi không nghĩ mình sẽ nhận lại được đầy đủ giấy tờ và tiền, nhưng thật may mắn khi gặp được tấm lòng thật thà của hai em học sinh Trường Tiểu học Bắc Lý số 1.” Trước hành động đáng khen của hai em học sinh, thầy giáo Trần Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tuyên dương hành động thật thà, không tham của rơi của hai em học sinh trước toàn trường, để các em học sinh khác noi theo, thiết thực tuyên truyền các em thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Được biết, cả hai em học sinh đều chăm ngoan, học khá, biết vâng lời thầy cô và hay giúp đỡ bạn bè. Phương Nhung

Dòng họ không ma túy ở Thụy An

TĐKT – Dòng họ Nguyễn Duy ở thôn Liễu Đông, xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) vốn nổi tiếng ở địa phương là một dòng họ luôn duy trì được nền nếp gia phong, đặc biệt thành công trong việc xây dựng dòng họ không ma túy. Ông Nguyễn Duy Uy, đại diện dòng họ Nguyễn Duy cho biết: “Dòng họ Nguyễn Duy sống chủ yếu ở thôn Liễu Đông, có 60 khẩu, 213 nhân khẩu, ngoài việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở quê, thì đối tượng thanh niên đi làm ăn xa luôn tiềm ẩn những nguy cơ về việc bị ma túy cám dỗ. Để có thể giữ vững dòng họ không ma túy, chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc đến mỗi hộ gia đình, mỗi thành viên trong dòng họ gìn giữ nền nếp gia phong, nhất là nam giới, nếu dính vào ma túy thì đừng bao giờ đi họp họ, bước chân vào nhà thờ dòng họ.”  Nền nếp gia phong dòng họ luôn được giữ, vai nào, vế đó, phải tôn trọng vai vế trong dòng họ cũng như là tôn trọng người có tuổi. Hàng năm dòng họ đều tổ chức mừng thọ cho các cụ tuổi tròn vào mùng 4 tết. Việc tổ chức lễ mừng thọ không chỉ thể hiện việc kính lão đắc thọ, mà còn gìn giữ một nét đẹp văn hóa trong dòng họ, ngày tết tụ hội để cùng nhau chúc nhau năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Các ông Trưởng chi luôn được phân công để theo dõi và chấn chỉnh nền nếp, gia phong của từng gia đình trong dòng họ. Để tăng tình đoàn kết, dòng họ Nguyễn Duy còn xây dựng quỹ dòng họ, với mỗi một đinh một năm đóng là 10 nghìn đồng, số tiền này để xây dựng nhà thờ dòng họ; mỗi khẩu 10 nghìn đồng để làm quỹ khuyến học, hàng năm trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi. Quỹ khuyến học dòng họ được dùng để trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi các cấp: 50 nghìn đồng cho học sinh giỏi cấp Tiểu học, 100 nghìn đồng cho học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở, 150 nghìn đồng cho học sinh giỏi Trung học phổ thông. Đại diện dòng họ Nguyễn Duy Dòng họ Nguyễn Duy luôn duy trì họp họ vào đêm tất niên cuối năm, 30 tết. Khi đó, toàn thể các gia đình đến nhà thờ họ để họp, kiểm điểm những việc đã làm được, những việc chưa làm được. Việc tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội cũng được lồng ghép vào trong ngày này.  Điều mà dòng họ luôn nhấn mạnh và có tính răn đe cao là nếu ai mà dính vào tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy thì tự khai trừ ra khỏi Họ. Đặc biệt từ năm 2012, ngay sau khi có hướng dẫn của Công an huyện Ba Vì và xã Thụy An xây dựng phong trào dòng họ tự quản về an ninh trật tự, dòng họ đã tổ chức họp họ cùng thảo luận về tình hình an ninh trật tự địa phương. Sau đó các gia đình thảo luận, đóng góp xây dựng quy chế hoạt động và ký cam kết thực hiện. Cũng trong thực hiện việc này, dòng họ đã luôn chủ động cùng với Công an viên thôn tiến hành việc bảo ban con cháu, kiên quyết đấu tranh với con cháu nào có biểu hiện đánh bài ăn tiền trong các đám ma, đám cưới, mừng thọ hay các việc vui trong mỗi gia đình. Song song với những việc làm trên là việc theo dõi lẫn nhau của những thanh niên đi làm ăn xa luôn được dòng họ chú ý. Các thành viên đi làm ăn xa đều phải gắn kết với nhau theo từng khu vực, thông báo cho nhau biết về địa điểm làm việc, nơi ở, cũng như thường xuyên đến với nhau. Từ đó, tình hình các thành viên đi làm ăn xa đều được nắm kỹ, những biểu hiện xấu đều được phát hiện, uốn nắn kịp thời. Với những cố gắng của mỗi thành viên trong dòng họ, dòng họ Nguyễn Duy vẫn trắng về ma túy, xây dựng dòng họ nếp, làm ăn kinh tế ngày một phát triển, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Trần Phương

Lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT - Sáng 29/3, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh (1/4/1947 – 1/4/2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Tư lệnh Quân khu 3; Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Cách đây 70 năm, thực hiện Thông tư của Bộ Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ (nay là Bộ Quốc phòng), ngày 1/4/1947 Tỉnh đội Dân quân Ninh Bình (nay là Bộ CHQS tỉnh) được thành lập tại thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư). Ngày 1/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, LLVT Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, anh dũng, mưu trí trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khắc phục khó khăn xây dựng căn cứ địa cách mạng vững mạnh, góp phần quan trọng làm nên những chiến công vang dội, cùng cả nước tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 70 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tỉnh có 1.187 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...   Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình Kể từ khi tái thành lập tỉnh, năm 1992 đến nay, LLVT tỉnh luôn đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, như: Nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; đã tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị quân đội, công an nhân dân; phối hợp huấn luyện hàng chục vạn lượt học sinh các trường trung học, dạy nghề và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hàng chục ngàn lượt cán bộ.  Đặc biệt, mỗi khi thiên tai, bão, lũ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã không quản hy sinh, gian khổ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.  LLVT tỉnh cũng đã phối hợp, hỗ trợ xây mới 121 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, 10 nhà cho gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; đóng góp gần 10.000 ngày công, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 453 nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng hơn 8 nghìn sổ tiết kiệm, lập Quỹ tình nghĩa trị giá hàng tỷ đồng.... Tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 đã trao Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Ba cho lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình. Nguyên Hải

Tuyên dương 20 thanh niên Công an tiêu biểu năm 2017

TĐKT - Tối 25/3 tại Hà Nội, Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ tuyên dương và trao giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” nhằm tôn vinh 20 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an tới dự.     Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND đã không ngừng lớn mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, là con em yêu quý của nhân dân. Trong chặng đường vẻ vang đó, thanh niên Công an đã có những đóng góp quan trọng. Các thế hệ thanh niên Công an nối tiếp nhau thực hiện tốt vai trò là lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự. Xuất hiện nhiều gương thanh niên Công an tiêu biểu, nêu cao phẩm chất người Công an cách mạng, tận tụy trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh vì an ninh trật tự của Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND. Những gương thanh niên Công an tiêu biểu được tôn vinh hằng năm đều được tôi luyện, trưởng thành, tỏa sáng từ trong các phong trào hành động cách mạng sôi nổi của tuổi trẻ, nhất là phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Đó là một minh chứng thực tế về sự nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, tiến bộ, trưởng thành của thanh niên Công an.   20 thanh niên Công an tiêu biểu được tuyên dương Giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” là giải thưởng thường niên của Bộ Công an, nhằm tôn vinh những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác; động viên, khuyến khích, tạo động lực để thanh niên phát huy vai trò xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự. Giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” năm 2016 được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trao tặng cho 20 thanh niên Công an có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác. Trong đó, 2 đồng chí có chiến công đặc biệt trong chiến đấu, góp phần đảm bảo an ninh trật tự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; 11 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 1 đồng chí có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, có ứng dụng thực tiễn cao; 1 phóng viên đoạt Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36; 3 đồng chí là thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu; 2 đồng chí đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các học viện, trường CAND.   Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi toàn lực lượng CAND, trong đó có thanh niên Công an phải phấn đấu không ngừng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác để trong tình huống nào cũng không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, giữ vững ổn định an ninh trật tự phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng chí Tô Lâm yêu cầu thời gian tới, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên trong lực lượng cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu, rèn luyện, vươn lên trong công tác, học tập. Với tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua; xung kích đảm nhận việc mới, việc khó của đơn vị và công trình, phần việc thanh niên phục vụ công tác chuyên môn; tổ chức đa dạng các hoạt động của Đoàn tạo sự lan tỏa rộng rãi và ý nghĩa xã hội to lớn.   Thục Anh

Lễ tuyên dương 80 chi bộ tiêu biểu

TĐKT - Ngày 26/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Lễ tuyên dương 80 chi bộ tiêu biểu nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (11/4/2007 – 11/4/2017). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu ý kiến. Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Khối luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xác định để xây dựng được Đảng bộ Khối trong sạch, vững mạnh, trước hết phải bắt đầu từ xây dựng chi bộ  trong sạch, vững mạnh. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối khóa XI, XII đã tập trung đầu tư, tìm nhiều giải pháp nhằm triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhất là việc triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành kế hoạch số 62-KH/ĐUK về nâng cao chất lượng chi bộ, đồng thời lựa chọn chủ đề công tác trọng tâm “Năm nâng cao chất lượng cho bộ - 2013” để tập trung triển khai và tổ chức thực hiện. Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (khóa XII) nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu “Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và nâng cao năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương; ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK ngày 19/8/2016 về nâng cao chất lượng chi bộ, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và từng bước đạt hiệu quả thiết thực. Lễ tuyên dương 80 chi bộ tiêu biểu Phát biểu tại Lễ tuyên dương, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận và biểu dương những thành tích của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã đạt được trong thời gian qua, biểu dương 80 chi bộ tiêu biểu được tuyên dương tại buổi lễ. Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong Đảng bộ Khối góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, Đảng bộ Khối tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp và Đảng viên về yều cầu cấp thiết của việc nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ. Muốn vậy, Đảng bộ Khối phải chú ý nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ cơ sở và nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thống nhất về ý chí và hành động, chặt chẽ về tổ chức và vì nhân dân phục vụ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong tình hiện nay. Cùng với đó, Đảng bộ Khối và các Đảng bộ trực thuộc tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng, xây dựng mô hình chi bộ tiêu biểu để nhân rộng ra toàn Đảng bộ. Từ các chi bộ được tuyên dương, Đảng bộ Khối sớm xây dựng mô hình chi bộ tiêu biểu của Đảng bộ làm cơ sở để các cấp ủy lãnh đạo xây dựng, củng cố các chi bộ trong toàn Đảng bộ; chi bộ phải động viên, khơi dậy được tinh thần lao động, sáng tạo của cán bộ, Đảng viên. Cán bộ, Đảng viên ở các cơ quan Trung ương rất cần sự sáng tạo, phong cách làm việc khoa học và hiểu biết sâu sắc thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cho rằng, đội ngũ chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cần sớm đề ra các nhiệm vụ, giải  pháp để xây dựng đội ngũ Bí thư chi bộ, chi ủy viên thực sự là những hạt nhân lãnh đạo tại các chi bộ. Cùng với biểu dương, tôn vinh những chi bộ tiêu biểu, các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để kịp thời phát hiện, có giải pháp củng cố các chi bộ yếu kém; giáo dục, giúp đỡ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần xây dựng các tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, hoàn thành các nhiệm vụ hết sức nặng nề của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương. Hưng Vũ

Vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế chăn nuôi

TĐKT - Chị Trần Thị Nga, sinh năm 1972 trú tại xóm Tân Yên, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An là điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế chăn nuôi. Chị cho biết, trước đây chị kinh doanh, buôn bán nhỏ ở chợ nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Năm 2008, chồng chị đổ bệnh nặng. Ngày đưa chồng ra Hà Nội chữa trị, chị Nga gom góp hết của cải ít ỏi tích lũy được để kịp thời chữa trị cho chồng. Nhờ kịp thời chữa trị nên bệnh của chồng chị sớm ổn định. Sau khi điều trị cho chồng, quay trở lại công việc, chán cảnh chạy chợ như trước, chị nuôi hi vọng chăn nuôi đàn lợn kiếm tiền. Bằng số vốn 4 triệu đồng, chị vay mượn thêm bạn bè, người thân xây dựng chuồng và bước đầu chăn 12 con lợn trên mảnh đất cũ của bố mẹ chị ở xóm Hạ Sưu, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ. Để có nguồn thức ăn cho đàn lợn, chị Nga kiêm luôn việc đi mua lúa về xay gạo bán rồi lấy cám làm thức ăn cho lợn. Được chăm sóc tốt, đàn lợn phát triển rất nhanh, chỉ một thời gian, chị Nga xuất bán lứa đầu tiên. Dù được lãi rất ít nhưng chị vui như mở cờ trong bụng. Sau đó, chị lại mở rộng chuồng, đầu tư thêm 2 ô chăn nuôi lợn. Lúc đầu khi mở rộng chuồng trại, chị cũng lo lắng nhưng rồi chị lại tự trấn án, động viên và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Để đàn lợn phát triển tốt, chị đã học hỏi qua tài liệu, kỹ thuật chăn nuôi lợn và rút kinh nghiệm từ thực tế nên lứa lợn nào cũng nhanh lớn. Từ số tiền lãi bán lợn, chị Nga mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi của mình. Bên cạnh những thuận lợi, chị cũng gặp không ít khó khăn do ban đầu lợn giống mua giá cao, tiền thức ăn, chi phí chăm sóc của chị bỏ ra rất nhiều. Tuy nhiên khi đang háo hức chờ đến ngày đàn lợn xuất chuồng để thu vốn về thì giá lợn lại giảm. Không thể không bán vì lợn đã đến tuổi mà để lại ngày nào mất tiền ngày đó, cuối cùng chị phải chịu lỗ mà bán đi. Mặc dù chị chỉ chăn nuôi nhỏ nhưng quy trình làm  rất khắt khe từ vấn đề nhập giống. Khi lợn giống đưa về, chị tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên hơn 7 năm chăn nuôi chưa năm nào đàn lợn của chị bị bệnh dịch gì. Sau hơn 1 năm làm quen với chăn nuôi lợn, chị Nga tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi một lúc 500 con lợn thịt siêu nạc. Về con giống, chị Nga đặt hàng ở các trại chăn nuôi có uy tín ở Hà Nội. Đầu ra cho sản phẩm lợn thịt quyết định thành công của chăn nuôi, do vậy, chị tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách lướt website, tìm các bán hàng thông qua internet, sau đó đến tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề cung cấp và tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị nhận tiêu thụ lợn thịt cho chị là các cơ sở giết mổ trong tỉnh: TP Vinh, huyện Nghĩa Đàn… Toàn bộ khu vực chăn nuôi hiện có trên 400 con lợn, chia làm 2 lứa. Lứa 200 con nuôi đã hơn 3 tháng, con nhỏ nhất đạt trọng lượng 110 kg, con to khoảng 120 kg, đang chuẩn bị xuất chuồng. Lứa còn lại đã nuôi được 2 tháng. Trung bình cứ sau 4 tháng gia đình chị Nga lại xuất chuồng một lứa, khoảng hơn 20 tấn lợn. Mỗi năm chị thu nhập được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán lợn thịt. Có được thành công như hiện nay đấy chính là nhờ sự nhạy bén của chị đối với cơ chế thị trường, chị chủ động liên doanh, liên kết với các công ty cung ứng con giống, thức ăn, bao tiền sản phẩm nên lợn xuất chuồng kịp thời, không lãng phí thời gian và chi phí đầu tư. Chia sẻ thành công, chị Nga cho biết: nuôi lợn thịt trước hết phải chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng, phòng bệnh đúng định kỳ, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, chọn thức ăn công nghiệp phù hợp, chuồng trại phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ cao trong  chăn nuôi, chị Nga đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài chăn nuôi lợn, chị Nga còn chăn nuôi thêm 2 cặp trâu, 20 con dê để tăng thu nhập. Chồng bận công việc lái xe, mình chị ở nhà hằng ngày chăm lo công việc của trang trại và chăm sóc con cái. Bằng những nỗ lực của bản thân, chị Nga đã giúp gia đình có của ăn, của để. Nhiều năm qua, chị là gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, được Chủ tịch Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp và nông nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen, Hội nông dân tỉnh Nghệ An  và Chủ tịch UBND xã Tân Phú tặng Giấy khen. Sắp tới, chị dự định sẽ phát triển thêm một trang trại nuôi lợn nái để cung ứng con giống cho trại của chị và các cơ sở chăn nuôi tại địa phương. La Giang

Trang