Điển hình tiên tiến

Xí nghiệp Điện – Điện tử 91 đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Sáng 4/8, tại Hà Nội, Xí nghiệp Điện - Điện tử 91 (thuộc Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống (4/8/1987 - 4/8/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.   Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Xí nghiệp Điện – Điện tử 91 Ngày 4/8/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 1144 - QĐ/QP thành lập Nhà máy Z191 (tiền thân của Xí nghiệp Điện – Điện tử 91) trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật, với nhiệm vụ ban đầu là sản xuất, sửa chữa các khí cụ điện – điện tử chuyên dùng cho quân đội và sản xuất các mặt hàng điện gia dụng, điện tử cho nền kinh tế quốc dân. Ngay sau khi được thành lập, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã nhanh chóng ổn định mọi mặt, tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và nền kinh tế quốc dân. Đơn vị đã từng bước vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, từ sửa chữa các trang bị khí tài, đến thiết kế, chế tạo bộ nguồn điện nạp điện ắc quy cho xe tăng, xe thiết giáp, chế tạo bộ nguồn điện khí cho pháo tự hành BM21; phối hợp cùng Viện Vũ khí sửa chữa các loại ra đa trên tàu hải quân, phục vụ đắc lực cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện bộ đội. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, phục vụ quân đội, đơn vị còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm kinh tế: quạt điện, chấn lưu, các bộ nguồn biến đổi điện áp… có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa thích. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh đầu tư, đổi mới một số dây chuyền thiết bị, công nghệ để sản xuất mặt hàng điện – điện tử, đưa dần thành mặt hàng chính của đơn vị. Năm 1999, Nhà máy Z191 đổi tên là Xí nghiệp Điện – Điện tử 91, trực thuộc Công ty Quang điện – Điện tử (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z199). Ngoài sản phẩm quạt điện, đơn vị khai thác tốt “Dây chuyền sản xuất động cơ cổ góp phục vụ cho sản xuất quốc phòng và kinh tế” với sản phẩm máy mài góc, bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, kiểu dáng. Ngoài ra, đơn vị đang chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất một số loại động cơ cổ góp phục vụ cho các thiết bị xe máy quân sự chuyên dụng và ngành đóng tàu quân sự, nội địa hóa ngành chế tạo ô tô, xe máy ở Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được trong lao động, công tác, Xí nghiệp vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016… và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống, Xí nghiệp được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2012 - 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trung tá Trương Đức Thủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: thời gian tới, Xí nghiệp sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát huy hiệu quả mô hình, cơ cấu tổ chức mới, tăng cường hiệu lực trong quản lý, tăng cường mở rộng hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước. Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, khai thác tốt năng lực sẵn có trong sản xuất, mở rộng quy mô gắn với công nghệ tiên tiến, hiện đại, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, cải tiến nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm quạt điện, chú trọng phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới trên nền công nghệ, thương hiệu hiện có của đơn vị, gắn với đẩy mạnh công tác phát triển thị trường trong nước và nước ngoài… Minh Phương

Vinh danh 150 Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017

TĐKT - Sáng ngày 29/7, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành tổ chức Lễ tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017”. Tại buổi lễ, 150 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… đang có đầu ra tốt nhờ việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đã được vinh danh. Vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017 150 sản phẩm nông nghiệp được trao giải “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm nay là kết quả, khảo sát, bình chọn do Ban tổ chức tiến hành từ đầu năm 2017, với hơn 388 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp của tất các vùng miền trong cả nước. Các sản phẩm tiêu biểu được vinh danh lần này: na Chi Lăng (Lạng Sơn), chả mực (Hạ Long), nhãn lồng (Hưng Yên), gạo Hạt Ngọc Trời Vigataba (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời), gạo Séng Cù (HTX Tiên Phong, Lào Cai), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), thanh long Hoàng hậu (Bình Thuận), hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), hồ tiêu Phú Quốc (Kiên Giang), quế Trà Bồng (Quảng Nam), phân bón Tiến Nông, phân bón Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao… Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: 3 năm qua, Chương trình đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác kết nối giao thương, từ đó, hỗ trợ tích cực cho người dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả với giá trị lớn. Phương Linh

Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc

TĐKT - Ngày 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của toàn thể đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Về dự hội nghị có 700 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện hơn chín triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước. Tại Hội nghị, các đại biểu gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của nhiều tấm gương người có công tiêu biểu, những câu chuyện cảm động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là các tấm gương cá nhân, tập thể trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ, thể hiện sự tri ân của các thế hệ đối với những người đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc ngày hôm nay. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện; mở rộng đối tượng; mức hỗ trợ ngày càng tăng. Đến nay, chúng ta đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, bệnh binh; hàng trăm nghìn người bị địch bắt, tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học… Đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình chưa được đầy đủ chế độ ưu đãi. Với trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21 ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực của xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và chính sách ưu đãi người có công. Quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công. Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ xác định người có công còn tồn đọng.  Phát triển sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 70 đại biểu người có công. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định trao tặng  Bằng khen cho 630 đại biểu người có công. Hồng Thiết

Tiên phong trong lĩnh vực đào tạo y học quân sự

TĐKT – Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ môn Tổ chức Chỉ huy Quân y (Học viện Quân y) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Bộ môn Tổ chức Chỉ huy Quân y là một trong những bộ môn được thành lập từ rất sớm của Học viện Quân y, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vì thế, hoạt động trong giai đoạn đầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn: số lượng cán bộ ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ huấn luyện vừa thiếu thốn, lại vừa lạc hậu; tài liệu tham khảo, phục vụ giảng dạy rất hạn chế, hầu như không có... Tuy nhiên, trong suốt 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Bộ môn đã luôn chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bộ môn đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực sự là đơn vị dẫn đầu của Học viện trong lĩnh vực đào tạo y học quân sự, góp phần quan trọng cùng với các cơ quan, đơn vị và các bộ môn, khoa trong Học viện đào tạo được hàng chục nghìn cán bộ, bác sĩ, dược sĩ quân - dân y và nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa (BSCK) cấp I, II cho các cơ quan, bệnh viện, cơ sở y tế ở cả trong và ngoài Quân đội. Cùng với đó, Bộ môn còn thường xuyên tham gia đào tạo lại, huấn luyện về tổ chức chỉ huy quân y cho Cục Quân y và quân y của các đơn vị trong toàn quân. Thiếu tướng, GS.TS. Đồng Khắc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Quân y trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Bộ môn Tổ chức Chỉ huy Quân y. Những năm qua, Bộ môn đã tiến hành triển khai, nghiên cứu thành công nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật các cấp (20 đề tài cấp Bộ; 36 đề tài cấp Học viện; 33 đề tài hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; 72 công trình tổng kết công tác bảo đảm quân y của hầu hết các chiến trường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; 15 sáng kiến cải tiến kỹ thuật). Đặc biệt,Cụm công trình “Tổng kết kinh nghiệm bảo đảm quân y chiến dịch thuộc các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước và Cụm công trình “Nghiên cứu mô hình kết hợp quân- dân y phục vụ chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân thời kỳ đổi mới” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với những đóng góp trong 60 năm qua, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, Bộ môn Tổ chức Chỉ huy Quân y vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Phương Thanh

Tôn vinh 94 điển hình tiên tiến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

TĐKT - Sáng 26/7, tại Hà Nội, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2017. Trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; an toàn, vệ sinh thực phẩm và giá cả thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định... Với trách nhiệm của mình, các cấp công đoàn trong ngành đã phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hướng đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành, của đất nước. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt kế hoạch Chính phủ giao. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, GDP tăng trưởng toàn ngành đạt 2,65%, xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD. Trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay, cả nước đã có 2745 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30,76%; 34 huyện được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Huyện nông thôn mới. Thực hiện chuyển đổi hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hiện nay, đã có 19 liên hiệp HTX nông nghiệp, 10.726 HTX nông nghiệp, trên 100.000 tổ hợp tác nông nghiệp, 33.488 trang trại được thành lập theo tiêu chí mới, 559 chuỗi liên kết theo hình thức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Trong nhiều năm qua, các cấp công đoàn ngành luôn coi trọng phát động các phong trào thi đua, nhân điển hình tiên tiến, coi đây là động lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Tiêu biểu là các phong trào: "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", "Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn", "Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới"... Thông qua các phong trào thi đua, toàn ngành đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động và trong hoạt động công đoàn. Tại Hội nghị, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tôn vinh 27 tập thể, 67 cá nhân tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2013 - 2017. Những tấm gương được vinh danh lần này thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, là những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý, là kỹ sư, công nhân lao động trực tiếp, cán bộ công đoàn các cấp... Tất cả đều có điểm chung là say mê lao động, nghiên cứu khoa học, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có trách nhiệm đến cùng với những công việc được giao và trở thành những người xuất sắc ở các vị trí lao động trong từng lĩnh vực công tác, tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho ngành, cho xã hội. Tại Hội nghị, lãnh đạo Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong ngành tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo và ý thức, trách nhiệm, tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng đơn vị và toàn ngành, lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ V và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Nguyệt Hà

Quận Cầu Giấy biểu dương sáng kiến, sáng tạo năm 2017

TĐKT - Ngày 26/7, UBND và Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy phối hợp tổ chức kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2017); sơ kết công tác công đoàn 6 tháng đầu năm; biểu dương danh hiệu “Sáng kiến - sáng tạo”, “Gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tiêu biểu” năm 2017, trao tặng học bổng cho con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi năm 2017. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2017); chào mừng 20 năm thành lập quận Cầu Giấy (01/9/1997 - 01/9/2017). Các cá nhân được trao danh hiệu Sáng kiến - sáng tạo 2017 Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Quận ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy cho biết: cùng với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, 20 năm qua,  Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy cùng các cấp công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đã không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng. Từ khi mới thành lập, có 42 công đoàn cơ sở với hơn 4.000 đoàn viên, đến nay, Liên đoàn Lao động quận đã quản lý 283 công đoàn, với 15.934 đoàn viên. Hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ diễn ra sôi nổi, thiết thực. 6 tháng đầu năm 2017, Công đoàn quận Cầu Giấy tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của một tổ chức chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước hiệu quả; khẳng định vai trò của giai cấp công nhân trong sự phát triển và lớn mạnh của quận. Đại diện các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu quận năm 2017 được khen thưởng Đặc biệt, năm 2017, phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được được đông đảo CNVCLĐ trong toàn quận tham gia hưởng ứng. Đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp công nghệ hữu hiệu, sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị hiện có, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập và làm việc; các đề tài khoa học, công trình sản phẩm đã nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, đem lại giá trị kinh tế - xã hội cao được áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời phong trào đã phát triển ngày càng sâu, rộng thu hút nhiều cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia. Học sinh giỏi vượt khó năm 2017 quận Cầu Giấy được trao học bổng Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận Cầu Giấy xét khen thưởng cho 28 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu. Điển hình : sáng kiến của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, kiến trúc sư Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế kiến trúc Việt Nam đã thiết kế, sử dụng “Giải pháp sáng tạo và cải tiến phần mềm Xrep áp dụng trong thiết kế bản vẽ các đồ án quy hoạch”; ông Nguyễn Việt Hưng, Công ty TNHH Nissan Techno Việt Nam đã có sáng kiến “Tự động hóa công đoạn xử lý thông tin cho hệ thống thực nghiệm điều khiển thông minh trên xe ô tô”; bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trần Thị Ngọc Anh - Giáo viên Trường Tiểu học Dịch Vọng A đã thiết kế bài giảng điện tử E-learning môn Mỹ thuật lớp 5... Tại hội nghị, 28 sáng kiến, sáng tạo đã được UBND quận tặng Giấy khen. Cũng tại hội nghị, 69 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu và 12 học sinh giỏi là con em CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn lao động quận tặng Giấy khen. Hưng Vũ

Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc

TĐKT - Ngày 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đến dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của toàn thể đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước đối với các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Về dự hội nghị có 700 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện hơn chín triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước. Tại Hội nghị, các đại biểu gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của nhiều tấm gương người có công tiêu biểu, những câu chuyện cảm động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là các tấm gương cá nhân, tập thể trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ, thể hiện sự tri ân của các thế hệ đối với những người đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc ngày hôm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các đại biểu người có công Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện; mở rộng đối tượng; mức hỗ trợ ngày càng tăng. Đến nay, chúng ta đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, bệnh binh; hàng trăm nghìn người bị địch bắt, tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học… Đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình chưa được đầy đủ chế độ ưu đãi. Với trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21 ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực của xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và chính sách ưu đãi người có công. Quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công. Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ xác định người có công còn tồn đọng.  Phát triển sâu rộng phong trào Đền ơn, đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 70 đại biểu người có công. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định trao tặng  Bằng khen cho 630 đại biểu người có công. Hồng Thiết

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 22/7, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm đào tạo tiến sĩ văn hóa, nghệ thuật và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Viện là cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của ngành văn hóa, nghệ thuật trong nước. Năm 1991, Viện là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Giáo dục, Đào tạo giao đào tạo hai chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật là Nghệ thuật âm nhạc và Lịch sử văn hóa, nghệ thuật. Tiếp đó, năm 2003, Viện mở 6 chuyên ngành đào tạo thuộc hai khoa Văn hóa học và Nghệ thuật học. Tính đến tháng 7/2017, Viện đã và đang đào tạo 20 khóa nghiên cứu sinh các chuyên ngành với 326 nghiên cứu sinh, trong đó, 165 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp nhà nước hoặc cấp Viện. Nhiều tiến sĩ đã được phong hàm giáo sư, phó giáo sư và có nhiều đóng góp lớn trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của đất nước.   Đại diện lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba 25 năm qua, các thế hệ nhà khoa học và giảng viên của Viện đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Ghi nhận những đóng góp này, tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam vì thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.   Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là nguồn động viên to lớn để đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu tại Viện tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xây dựng Viện trở thành một trung tâm đào tạo tiến sĩ ngang tầm khu vực và châu Á, như "Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Thục Anh

Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT - Ngày 24/7, Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) long trọng tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Được thành lập từ năm 2002 (tiền thân là Khoa Quốc tế Việt - Nga), Khoa Quốc tế đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo với hơn 30 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Australia, Canada, Malaysia...; tổ chức nhiều chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc với nhiều hình thức đào tạo linh hoạt. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Khoa Quốc tế là đơn vị xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cho học viên và sinh viên với chất lượng theo tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, có tính liên thông cao, nội dung, phương pháp giảng dạy tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Khoa Quốc tế Định hướng của Khoa Quốc tế trong thời gian tới là trở thành trường đại học quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, triển khai thực hiện đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập, đạt chuẩn quốc tế cao, đủ khả năng để xuất khẩu các sản phẩm giáo dục với khẩu hiệu hành động “Học tập và sáng tạo cùng thế giới”. Tại buổi lễ, tập thể Khoa Quốc tế đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các năm học 2011 - 2012 đến 2015 - 2016. 2 cá nhân thuộc Khoa được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2 tập thể, 3 cá nhân thuộc Khoa được tặng Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Mai Thảo

Tích cực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghiệp thực phẩm

TĐKT - Sáng 21/7, tại Hà Nội, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (21/7/1967 - 21/7/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng. Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 112/CP ngày 21/7/1967 của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân từ Viện Công nghiệp nhẹ và thực phẩm) với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Công đoàn Viện Công nghiệp thực phẩm Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã gặt hái được nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng như các hoạt động dịch vụ phân tích và giám định thực phẩm. Viện đang bảo tồn và lưu giữ trên 1300 chủng giống vi sinh vật công nghiệp thực phẩm bằng các phương pháp đông khô, lạnh sâu, bảo quản bằng ni tơ lỏng, cấy truyền, bảo quản trong cát. Hằng năm thu thập, bổ sung hơn 100 chủng vi sinh vật có những đặc tính quý. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn: nghiên cứu và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm; chuyển giao các công nghệ mới trong sản xuất bia, rượu vang cho các nhà máy trong cả nước; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp UASB và AEROTEN cho các doanh nghiệp; nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm mới như dầu tỏi, dầu gừng, bột nghệ, bột cần tây, chè lá sen; phát triển và chuyển giao công nghệ bảo quản cam, xoài, vải, măng tươi... phục vụ nhu cầu các tỉnh phía Nam... Hiện nay, Viện đang giới thiệu 28 sản phẩm ra thị trường, thuộc các nhóm: đồ uống chức năng dạng bột tan; dầu chức năng; hương liệu; thực phẩm chức năng; nguyên liệu thực phẩm chức năng và dược phẩm; đồ uống và thực phẩm; chủng giống vi sinh vật; chất tẩy rửa. Từ năm 1998 đến nay, Viện đã và đang đào tạo 16 khóa nghiên cứu sinh theo 2 mã ngành: công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. Đến nay, nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đang giữ các cương vị công tác chủ chốt tại Viện và một số doanh nghiệp sản xuất, cơ quan quản lý của Bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên cả nước.  Hàng năm, Viện tham gia liên kết giảng dạy, đào tạo kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ cho các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội... Ngoài ra, Viện liên tục mở lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm... Với những nỗ lực không ngừng, 50 năm qua, Viện đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện, Công đoàn Viện vinh dự đón nhận  Huân chương Lao động hạng Ba; Viện Công nghiệp thực phẩm đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ; nhiều cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong những năm tới, phát huy truyền thống đã đạt được, Viện sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao tiềm lực, trong đó có cả việc đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao và nâng cấp cơ sở, vật chất phục vụ nghiên cứu. Viện sẽ tập trung nghiên cứu khai thác các hợp chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật và nghiên cứu sử dụng sinh khối vi sinh vật trong chế biến thực phẩm, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ vi sinh vật. Lĩnh vực nghiên cứu khai thác các hợp chất từ tự nhiên cũng sẽ tiếp tục được quan tâm theo hướng chiết tách và bán tổng hợp để nâng cao giá trị các hợp chất tự nhiên và ứng dụng trong thực phẩm, thực phẩm chức năng. Công tác phân tích và giám định thực phẩm sẽ tiếp tục được củng cố. Cùng với đó, Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và tổ chức sản xuất; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên của Viện. Phương Thanh

Trang