Yên Mô (Ninh Bình) sôi nổi với phong trào thanh niên lập nghiệp
25/10/2017 - 13:34

TĐKT - Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ của mình. Nhiều tấm gương đoàn viên, thanh viên bước đầu khởi nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực rất cần được nhân rộng.

Vươn lên làm giàu bằng nghề thủ công mỹ nghệ

Khởi nghiệp từ lòng đam mê với ngành thủ công mỹ nghệ, sau hơn 10 năm gắn bó, hiện anh Dương Tiến Dũng đã trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng (Yên Lâm, Yên Mô).

Ý tưởng phát triển nghề thủ công đến với anh Dũng khi anh nhận thấy mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện còn mới lạ trên thị trường, cho thu nhập khá. Bởi vậy, anh quyết tâm tìm hiểu để phát triển kinh lĩnh vực này.

Anh Dương Tiến Dũng bên các sản phẩm mỹ nghệ

Năm 2006, anh mạnh dạn gom góp và vay mượn được số tiền 30 triệu đồng để đầu tư mở cơ sở sản xuất mặt hàng bèo bồng. Khi bắt tay vào thực hiện, anh gặp không ít khó khăn. “Khó khăn lớn nhất lúc đó là tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, tôi chủ động liên hệ với các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành để đàm phán, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất mới thành lập, chưa tạo được niềm tin với các đối tác trong nước, do đó hàng hóa chủ yếu phải xuất đi Trung Quốc.”- anh Dũng chia sẻ.

Khi xuất sang Trung Quốc, mặt hàng của anh được bày bán ở các khu chợ, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt, doanh thu lại không ổn định. Bởi vậy, sau gần 3 năm cơ sở đi vào hoạt động, lợi nhuận thu về chỉ đủ quay vòng, không mở rộng được quy mô sản xuất. Chính khó khăn đó khiến anh quyết định tìm hướng đi mới cho cơ sở sản xuất của mình.

Với tinh thần ham học hỏi, cùng với sự linh hoạt trong kinh doanh, năm 2008, anh quyết định đầu tư thêm vốn, đổi mới mặt hàng kinh doanh từ bèo bòng sang cói xiên. Theo anh, sản phẩm làm từ cói xiên thường sử dụng để trưng bày, trang trí trong gia đình hoặc phục vụ du lịch nên thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Trong 2 năm đầu anh nhận gia công sản phẩm từ các công ty khác để có thời gian quan sát, trao đổi kinh nghiệm. Sau đó, với kiến thức tích lũy được, anh đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, cải thiện năng suất lao động. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của anh đã có những thay đổi tích cực, doanh thu hàng năm đạt khoảng 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động trên địa bàn. Đến năm 2010, anh ký hợp đồng thành công với các đối tác lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Từ đó, anh ngừng gia công hàng hóa mà tập trung sản xuất.

Sau 10 năm miệt mài phấn đấu, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng chính thức được thành lập vào tháng 1/2016. Từ đó đến nay, doanh thu của Công ty luôn đạt mức 22 đến 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao với mẫu mã đa dạng, phong phú: thùng ô van, khay đựng rượu, đĩa ăn, thảm, lẵng hoa... Để mở rộng quy mô kinh doanh, anh đã xây dựng thêm cơ sở sản xuất tại các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp.

Phát triển kinh tế từ nuôi cá chạch sụn

Sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia năm 2012, anh Hoàng Văn Cảnh (thôn Thổ Hoàng, Yên Hòa, Yên Mô) về công tác tại UBND xã Yên Hòa. Bên cạnh công việc tại cơ quan, anh Cảnh luôn ấp ủ xây dựng mô hình kinh tế mới cho riêng mình.

Năm 2015, hưởng ứng phong trào thanh niên lập nghiệp trên toàn tỉnh, anh Cảnh đăng ký tham gia. Gia đình anh là một trong 5 hộ tham gia thí điểm mô hình. Anh được Công ty cổ phần Vinceo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật xử lý ao hồ, chăm sóc cá.

 

Anh Hoàng Văn Cảnh chăm sóc ao cá chạch sụn

Theo anh Cảnh, cá chạch sụn là vật nuôi còn rất mới trên địa bàn, anh được biết đến chúng khi tìm hiểu qua mạng Internet. Để tìm hiểu kỹ và đi sâu vào thực hiện mô hình này, anh đã chủ động liên hệ về thăm quan và học hỏi mô hình tại thị trấn Quỹ (Nam Định). Sau khi đã nắm bắt được đặc điểm và cách nuôi, đầu năm 2016, anh đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo diện tích 1.800 m2 ao và mua con giống.

Anh Cảnh cho biết: Cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính và kỹ thuật nuôi không quá khó. Điều quan trọng là nguồn nước nuôi thả phải đảm bảo vệ sinh bởi chạch sụn là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước ao nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển. Thông thường cứ 10-15 ngày lại thay nước cho ao nuôi hoặc bể nuôi để phòng, tránh dịch bệnh và không được nuôi thả ở mật độ quá dày. Mực nước tốt nhất để chạch sinh trưởng và phát triển đảm bảo là từ 60 đến 70 cm.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cá, cộng với chăm sóc tốt, mô hình cá chạch sụn của anh Cảnh đã cho năng suất cao. Ngay năm đầu tiên, anh thu về gần 4 tạ chạch và bán với giá là 90 nghìn đồng/kg. Anh còn cung cấp con giống cho thị trường với mức giá dao động từ 300 - 700 đồng/con. Cùng với 20 vạn con giống được bán ra, uớc tính thu nhập bình quân cả năm đạt mức trên 70 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng diện tích nuôi chạch sụn, chú trọng vào phát triển con giống, đồng thời hướng dẫn bà con địa phương cùng nhân rộng mô hình, giúp nhau phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân trong xã.”- anh Cảnh chia sẻ.

Tùng Chi