TĐKT – Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, chị Hoàng Thị Thạo, Giám đốc Công ty Cổ phần Solavina chi nhánh Đắk Lắk đã ấp ủ ước mơ kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Chị đã lựa chọn cây dược liệu là hướng phát triển ưu tiên của doanh nghiệp mình. Bởi theo chị, phát triển cây dược liệu là con đường mang đến cho người Việt những sản phẩm Việt chất lượng, đảm bảo sức khỏe, con đường để làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp, và tiếp sức giúp bà con miền núi xóa đói, giảm nghèo.
Nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo
Theo thống kê của Viện Dược liệu - Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật và nấm, hơn 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay, hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 80% dược liệu được sử dụng, trong đó 70% - 80% không rõ nguồn gốc. Việc quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều dược liệu đang bị làm giả, nhuộm và bảo quản bằng hóa chất độc hại… đe dọa sức khỏe người bệnh.
Trước thực tế đó, nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo cùng Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Solavina đã dồn mọi tâm huyết trong công cuộc xây dựng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP –WHO, định vị thương hiệu dược liệu Việt trên toàn quốc cũng như các quốc gia trên thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đầu tư và phát triển cây dược liệu ở Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần Solavina đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất thành công 15 loại cây dược liệu phù hợp với các vùng thổ nhưỡng và khí hậu trong cả nước. Trong đó nổi bật là cây cà gai leo và cây nghệ.
Chị Thạo cho biết: “Khi vào đến Tây Nguyên để khảo sát, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng có khả năng đáp ứng được yêu cầu cao về trồng và phát triển cây dược liệu, chúng tôi quyết định đầu tư giống, phân bón, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.”
Solavina coi Tây Nguyên là địa bàn chiến lược để sản xuất cây dược liệu, trước hết là cây nghệ. Tuy nhiên, thay vì đi thu mua sản phẩm có sẵn sau mỗi mùa vụ, Solavina đang xây dựng những vườn nghệ riêng của mình, nhằm có được nghệ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Khi việc mở rộng vùng trồng đã ổn định, công ty tiếp tục xây dựng thêm các xưởng sơ chế phục vụ cho nhà máy chiết suất Curcumin từ nghệ, loại tinh chất có nhiều tác dụng chữa trị bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư và một số bệnh hiểm nghèo khác. Hiện công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ…
Phát triển vùng dược liệu tại Tây Nguyên sẽ góp phần giúp người dân các xã nghèo nơi đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế mới, giải quyết công ăn, việc làm. “Một nhà máy sản xuất, sơ chế nghệ 100 tấn/ngày cần khoảng 25 nhân lực. Công ty sẽ xây dựng tại mỗi một huyện 3 xưởng sơ chế như vậy, từ đó, có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Đến năm 2018, công ty đăng ký triển khai khoảng 3000 ha vùng trồng nghệ tại Đắk Lắk, cùng với đó bao tiêu sản phẩm, bao tiêu đầu ra, hướng dẫn quy trình trồng dược liệu sạch cho bà con.” – Chị Thạo nhấn mạnh.
Với những bước đi vững chắc, ước mơ định vị thương hiệu dược liệu Việt, và mong muốn giúp bà con miền núi xóa đói, giảm nghèo của Solavina nói chung và nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo nói riêng đang dần hiện thực hóa.
Con đường phía trước tuy còn nhiều chông gai, nhưng với bản lĩnh mạnh mẽ, chị Hoàng Thị Thạo luôn tự tin, sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Chị chia sẻ: “Doanh nghiệp ở đâu cũng thế, có nhiều lúc bế tắc trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường... Tuy nhiên, mình xác định phải chủ động trong mọi công việc, như thế mới có thể sẵn sàng đương đầu với thử thách và vượt qua khó khăn. Rất may mắn, trong sự nghiệp của mình, con đường đi khá thuận lợi, có những đối tác, bạn bè anh em luôn sát cánh, cố vấn nên mình rất tự tin.”
Nguyệt Hà