TĐKT – Ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) là một trong những tấm gương tiêu biểu, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ V, giai đoạn 2012- 2017 diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Với mô hình dưới nuôi cá lồng, trên thả vịt trời bay ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hàng năm, ông thu nhập lên đến 1 tỷ đồng.
Vốn là hộ dân thuộc diện tái định cư thủy điện Sơn La của xã Chiềng Bằng, khi đến làm ăn, sinh sống ở vùng lòng hồ, gia đình ông Khặn gặp không ít khó khăn. Trước đó, việc làm ăn kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào làm nương, làm vườn; tuy nhiên nơi ở mới lại có ít đất sản xuất, xung quanh mênh mông là nước, đã khiến ông thực sự lo lắng, đứng ngồi không yên.
Thế rồi ông cũng xác định dần trong tư tưởng rằng: cần phải nhanh chóng thích nghi với nơi ở mới, ông tập chèo thuyền, đánh bắt cá, rồi tìm hướng làm ăn. Ông nghĩ, vùng sông nước rất thích hợp với nuôi trồng thủy sản. Nên thường xuyên tìm hiểu, tích lũy những kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy sản; đồng thời tìm hiểu, đăng ký tham dự những lớp tập huấn về nuôi cá lồng của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện Quỳnh Nhai tổ chức.
Năm 2010, sau khi trở thành thành viên của HTX nuôi cá tầm của xã Chiềng Bằng, ông được tham gia nhiều các lớp tập huấn về nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện do Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức. Ông đã tích lũy cho mình được nhiều kiến thức về cách chăm sóc các loại cá lồng trên lòng hồ. Đó cũng là lúc ông và gia đình bắt đầu có cái nhìn mới về một phương thức phát triển kinh tế khác với làm nương rẫy.
Ông Lò Văn Khặn trả lời phỏng vấn của báo chí tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ V, giai đoạn 2012- 2017
Đúng thời điểm đó, ông Khặn được dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La hỗ trợ nuôi thử nghiệm 1 lồng cá đầu tiên ở vùng lòng hồ sông Đà. “Lứa cá đầu tiên cho thu hoạch hơn 600 kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được gần 50 triệu đồng. Món tiền ấy khiến cả nhà mừng đến phát…khóc” ông Khặn kể.
Khởi đầu thuận lợi khiến ông có lòng tin tiếp tục vay Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai 30 triệu đồng đầu tư thêm 4 lồng cá. Ngoài cá rô phi và trắm cỏ ông nuôi cá lăng và cá nheo, đây là những loại cá cho giá trị kinh tế cao.
Vụ thu hoạch cá năm 2012, gia đình ông thu 1 tấn cá lồng, lãi hơn 150 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2014 ông tiếp tục đầu tư tăng số lồng nuôi cá lên 35 lồng và đạt mức thu nhập trên 700 triệu đồng/năm.
Không chỉ nuôi cá, gia đình ông là hộ đầu tiên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chọn làm điểm nuôi thử nghiệm 100 con vịt trời và đã thành công. Hiện, với đàn vịt trời 3.500 con đã cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
“Nuôi vịt trời trên vùng lòng hồ rất thuận lợi. Vịt ít bệnh, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên rất lãi. Tôi làm vó bè đánh bắt cá nhỏ, trộn với nông sản sẵn có quanh vùng như ngô, sắn làm thức ăn cho vịt nên vịt nhanh lớn lắm. Tôi còn cho ấp trứng vịt trời để bán con giống cho các hộ trong vùng. Trừ mọi chi phí, thu nhập ròng từ nuôi cá, nuôi vịt trời mỗi năm của gia đình ông thu gần 1 tỷ đồng” – ông Khặn cho biết.
Hiện nay, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX Chiềng Bằng. Với vai trò là người đứng đầu một tổ chức, bản thân lại là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế vùng lòng hồ, ông Khặn đã chủ động giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình trong xã về vốn cũng như chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng rồi tìm đầu ra cho sản phẩm với mong muốn những người dân vùng tái định cư đều có được cuộc sống sung túc. Kết quả là, đến nay, ông đã giúp đỡ được 7 gia đình khác thoát khỏi cuộc sống khó khăn nhờ thực hiện mô hình kinh tế này.
Ông cho biết, trong 7 gia đình ông hỗ trợ vay tiền không lãi suất để đầu tư nuôi cá lồng, thì có gia đình anh Lò Văn Xôm là khó khăn hơn cả.
Thương anh, ông đã vận động anh ra nhập HTX nuôi cá lồng Chiềng Bằng. Ông đã chủ động cho anh vay 60 triệu đồng không lấy lãi trong vòng 2 năm để anh đầu tư 2 lồng cá. Với sự giúp sức của ông và các hội viên trong HTX, hiện cuộc sống của gia đình anh Xôm đã khấm khá lên nhiều. Từ 2 lồng cá đến nay anh Xôm đã có 26 lồng, ước tính năm 2017 cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
Tuy vậy, khi tâm sự với chúng tôi, ông Khặn khá băn khoăn: Với 47 thành viên và trên 1.200 lồng cá, mỗi năm sản lượng cá thu được từ HTX nuôi cá lồng Chiềng Bằng là khá lớn. Nhưng hầu như HTX phải tự tìm đầu ra qua các nhà hàng, thương lái chuyên mua gom hoặc bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu mà chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm, tạo tâm lý yên tâm, ổn định sản xuất cho chúng tôi.
Ông Khặn cũng hy vọng, thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm đến việc cho vay nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng và tăng số lượng lồng cá giúp người dân có thu nhập ổn định lâu dài.
Thục Anh
Điển hình tiên tiến
Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương được tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la hạng II
TĐKT- Với những nỗ lực cố gắng và sự đóng góp không ngừng, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la hạng II. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua Khen thưởng Trần Thị Hà được trao tặng Huân chương Ít – xa – la hạng III. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHDCND Lào, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào gắn Huân chương Ít-xa-la cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ Việt Nam Phần thưởng này là sự ghi nhận của Nhà nước CHDCND Lào đối với những đóng góp của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Bộ, của nhiều tập thể, cá nhân thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam vào công cuộc xây dựng và phát triển nước CHDCND Lào. Việc trao Huân chương của Nhà nước CHDCND Lào là sự ghi nhận những đóng góp của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Bộ và tập thể Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có thành tích, công lao đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển nước Lào; góp phần quan trọng trong việc tăng cường, xây đắp tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước. Theo đó, Bộ Nội vụ Việt Nam và Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác gắn bó để ngày càng đạt được những kết quả có ý nghĩa thiết thực, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào. Đặc biệt để quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Hồng ThiếtTĐKT - Sáng 2/10, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Petrolimex (PEC) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng tập thể công nhân, viên chức, lao động PEC
Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Petrolimex (PEC) là thành viên Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tiền thân là Công ty Khảo sát thiết kế Bộ Vật tư (nay là Bộ Công Thương); là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn xây dựng các công trình xăng dầu, khí đốt, công trình công nghiệp và dân dụng trên phạm vi toàn quốc.
Vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, đến nay, PEC đã có một cơ ngơi khang trang, thiết bị làm việc hiện đại; đặc biệt là đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư xây dựng đủ sức thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Từ hoạt động thiết kế, công ty đã mở rộng sang lĩnh vực tư vấn, xây dựng các công trình xăng dầu; trong đó, vẫn duy trì mảng thiết kế là hoạt động cốt lõi.
PEC đã thực hiện nhiều dự án quan trọng về kinh tế, quốc phòng. Đặc biệt công ty đã đào tạo, cập nhật các kiến thức mới để thực hiện các dự án cho công trình phân phối xăng dầu, khí đốt và hoá dầu với trình độ khoa học và công nghệ tương đương với khu vực.
Giám đốc PEC được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Chính từ thực tiễn công việc, nhiều cán bộ, kỹ sư của PEC đã trưởng thành, phát triển. Nhiều cán bộ của PEC đã được tín nhiệm, giao đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý của các Tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam (Petrolimex, PetroVietnam). Công ăn việc làm của người lao động được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được từng bước cải thiện, nâng cao.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, PEC vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc PEC Nguyễn Văn Sơn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cá nhân xuất sắc được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Nguyệt Hà
Đại tá Vương Kim Hải: học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất
TĐKT - Phát huy vai trò, trách nhiệm của một cán bộ chính trị trong quân đội, những năm qua, Đại tá Vương Kim Hải, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn tham mưu đề xuất và tổ chức được nhiều mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Anh tâm niệm: mỗi chúng ta phải học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất; có cơ hội là làm ngay, không chờ đến chủ trương hay việc lớn mới làm. Việc làm đó phải thường xuyên, liên tục như hơi thở, cơm ăn, nước uống hàng ngày, với phương châm “góp gió thành bão, tích tiểu thành đại”. Tâm huyết, sáng tạo trong công tác Khi triển khai cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” gắn với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Nghệ An không những quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ theo tinh thần Chỉ thị 788 của Quân ủy Trung ương mà còn coi đây là niềm vinh dự, là tình cảm, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện cuộc vận động ngay trên quê hương Người. Đại tá Vương Kim Hải cho biết: chúng tôi xác định, thực hiện cuộc vận động vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là trưởng cơ quan giúp việc, Đại tá Vương Kim Hải luôn trăn trở, suy nghĩ mình phải làm gì, làm như thế nào để tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ chỉ huy và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động hiệu quả, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong LLVT mà còn thu hút các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia. Đại tá Vương Kim Hải (thứ ba từ trái sang) trao quà động viên gia đình có người tử vong trong mưa lũ Anh nhận thấy một số phong trào thi đua trước đây, thường nặng về hình thức, văn bản hành chính mà thiếu mô hình, cách làm cụ thể nên ít đi vào cuộc sống và hoạt động của bộ đội, không có tính bền vững lâu dài. Rút kinh nghiệm, thực hiện cuộc vận động lần này, Đại tá Vương Kim Hải chú trọng tham mưu xây dựng và triển khai những mô hình, việc làm cụ thể để đem lại hiệu ứng mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Căn cứ vào đặc thù địa bàn rộng, nhiều loại hình đơn vị, nhiều đối tượng, anh đã nghiên cứu, đưa ra 30 mô hình thực hiện trên các mặt công tác, gắn với 4 nội dung cuộc vận động để các cơ quan, đơn vị tham khảo, lựa chọn, đăng ký triển khai. Ở nội dung xây dựng bản lĩnh, chính trị tư tưởng, có các mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Một tập trung, hai đột phá”, “Thực hiện 3 chuyên cần, 5 mẫu mực”… Ở nội dung tăng cường tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, có các mô hình: “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”, “Lịch công tác cá nhân”, “Vườn tăng gia kiểu mẫu”, “Ba nhất, hai không, một công trình”… Ở nội dung tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, có mô hình: “Nâng bước em tới trường”, “Bộ đội của dân”, “Việc tử tế”, “Một địa chỉ, một tấm lòng”… Ở nội dung nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, mưu trí, sáng tạo, quyết chiến quyết thắng, có các mô hình: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… Sau khi có mô hình, anh tham mưu lựa chọn Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghĩa Đàn làm điểm trước, sau đó tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm. Các đơn vị còn lại căn cứ đặc điểm, tình hình, tiềm năng, thế mạnh và tính chất nhiệm vụ của mình, lựa chọn 1 – 2 mô hình phù hợp để đăng ký thực hiện. Trong số đó, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực trong toàn LLVT tỉnh Nghệ An. Nhân rộng những mô hình hay Phát huy truyền thống tương thân tương ái cũng như tình quân – dân gắn bó, Đại tá Vương Kim Hải đã đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai mô hình “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”. Cách làm là phát động mỗi cán bộ, nhân viên mỗi ngày tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ từ 1.000 đ trở lên để bỏ vào hộp tiết kiệm của từng chi bộ. Với quân số gần 3000 cán bộ, chiến sĩ, số tiền thu về trong toàn LLVT tỉnh lên đến gần 90 triệu đồng mỗi tháng. Sau 3 năm thực hiện, số tiền tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng. Số tiền ấy có thể xây dựng được hơn 40 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tương đương với số tiền mua được gần 300 con bò, hoặc gần 3000 xe đạp tặng học sinh nghèo. Mô hình được tuyên truyền và nhân rộng, được bà con nhân dân khắp nơi ghi nhận. Nhiều đơn vị trong quân khu và Học viện Chính trị, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan chính trị… đã về tham quan thực tế để nhân rộng và đưa vào tư liệu giảng dạy. Không dừng lại ở đó, gắn nội dung thực hiện cuộc vận động vào thực tiễn kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh tại địa phương, Đại tá Vương Kim Hải đã tham mưu thực hiện các phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tặng cờ cho ngư dân đi biển” và “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”. Đại tá Vương Kim Hải chia sẻ: mỗi ngư dân bám biển vươn khơi cũng chính là một chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Mỗi chuyến đi biển, lá cờ Tổ quốc vừa là niềm tự hào, vừa thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, với sự khắc nghiệt của thời tiết, việc bảo đảm lá cờ luôn lành lặn và mới cũng là một khó khăn đối với ngư dân đi biển. Từ thực tiễn đó, tôi đã chỉ đạo thành lập đội xung kích thanh niên đi vận động quyên góp ủng hộ; hàng tháng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tặng cờ Tổ quốc và trao quà cho ngư dân. Bằng cách làm sáng tạo, các anh đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà trường, tổ chức, cá nhân… đăng ký hàng tháng tặng một số lượng cờ nhất định (mỗi lá cờ chỉ 25 nghìn đồng). Cách làm này vừa bảo đảm nhu cầu cờ tặng, vừa khơi dậy tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với các tầng lớp nhân dân. Đại tá Vương Kim Hải trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An Hiện nay, hoạt động tặng cờ đã trở thành thường xuyên, được hưởng ứng rộng rãi. Các cơ quan, ban, ngành ủng hộ từ 20 – 50 lá cờ/tháng. Các đoàn thể, tổ chức đăng ký từ 30 – 100 lá cờ/tháng. Các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trường học, cơ sở tôn giáo , có đơn vị ủng hộ từ 40 – 500 lá cờ/tháng. Đến nay, các anh đã tổ chức trao tặng được hơn 10.000 lá cờ và 95 suất quà cho ngư dân tại thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Phong trào đã lan tỏa dần ra khắp địa bàn toàn tỉnh, lên cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các thế lực phản động luôn tìm cách kích động, chia rẽ tình cảm đoàn kết lương - giáo, xúi giục bà con giáo dân chống đối chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đại tá Vương Kim Hải đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”. Cách làm là chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thuộc LLVT tỉnh tiến hành kết nghĩa với các tổ chức Đoàn và Hội của các địa phương vùng giáo, nhất là địa bàn Công giáo toàn tòng. Các anh chỉ đạo Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm điểm kết nghĩa với Hội Phụ nữ xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Hoạt động kết nghĩa được thể hiện trong việc giao lưu, hỗ trợ, giúp chị em vùng giáo ổn định cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Trên cơ sở kết quả bước đầu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của các sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với các tổ chức đoàn thể vùng giáo, nhất là các địa bàn đặc thù, phức tạp về an ninh. Nhờ những mô hình sáng tạo, cụ thể, thiết thực, thời gian qua, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” đã tạo được một khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp tại Nghệ An, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở hải đảo xa xôi đến các huyện miền núi, từ lực lượng thường trực đến lực lượng dân quân tự vệ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, LLVT tỉnh Nghệ An đã được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đại tá Vương Kim Hải vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích trong công tác. Đại tá Vương Kim Hải nghĩ rằng: mỗi tập thể và từng cá nhân chúng ta, nếu ai tâm huyết với công việc, nhận thức được đúng bản chất truyền thống của dân tộc, của quân đội, thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình thì đều có thể tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm hay, mô hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Theo anh, trên cơ sở các nội dung cuộc vận động, từ đặc điểm riêng của mỗi cơ quan, đơn vị, cần cụ thể hóa thành các mô hình, việc làm cụ thể; phát huy tính năng động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân để mọi người đều có cơ hội, có quyết tâm thực hiện. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả. Để cuộc vận động có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ thì phải thường xuyên hâm nóng bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau: gắn trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cơ sở, nhận xét thi đua, khen thưởng. Đặc biệt là khắc phục bằng được tình trạng thỏa mãn, đánh trống bỏ dùi, được chăng hay chớ. Nguyệt HàTĐKT – Hơn 30 năm qua, nhà khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải luôn miệt mài với việc nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm sơn hiệu quả, phục vụ hữu ích cho các công trình xây dựng, cầu đường, cảng biển lớn trên cả nước. Dù năm nay chuẩn bị bước sang tuổi 60, nhưng lúc nào trong con người phụ nữ ấy cũng tràn đầy tình yêu, say mê với nghề.
Đi khắp đất nước, hầu như nơi nào có cầu, có đường…cũng đều có phần đóng góp không nhỏ của PGS, TS. Nguyễn Thị Bích Thủy. Bà là chủ nhân của nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về vật liệu sơn, đóng góp lớn cho Thủ đô và đất nước.
Vốn là người Hà Nội gốc, ngay từ khi học tại Trường THPT Chu Văn An, nữ sinh Nguyễn Thị Bích Thủy đã học rất giỏi, và sau đó tiếp tục chọn theo học đại học tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1980, bà về công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (GTVT).
Mặc dù công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT trong một thời gian khá dài nhưng đến năm 1994, bà mới bắt đầu phát triển nghiên cứu và sản xuất sơn cho các công trình giao thông. Càng làm, càng đi sâu vào nghiên cứu về sơn, bà càng cảm thấy hấp dẫn. Dần dần sơn đã trở thành niềm đam mê nghiên cứu của người phụ nữ ấy. Bà cho ra nhiều sản phẩm sơn có chất lượng, từ sản phẩm sơn có tuổi thọ 5 năm đến sơn có tuổi thọ 10 năm, sơn dung môi, rồi đến sơn công nghệ cao, sơn men cho độ bóng, tăng tính trang trí và khả năng chịu thích ứng với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: nghiên cứu sơn là công việc rất khắc nghiệt, càng vất vả với phụ nữ. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, người làm nghề còn phải đọc nhiều tài liệu, hiểu biết nhiều lĩnh vực liên quan, vừa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vừa phải đi thực tế, đi theo dõi hiện trường để khảo sát mẫu, triển khai sản phẩm nghiên cứu…
PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Thủy được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2013 (thứ hai từ bên trái sang)
Vừa làm người giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, với người phụ nữ ấy, dường như, một ngày 24 tiếng vẫn chưa làm bà thỏa mãn.
“Với tôi, sơn giống như một người phụ nữ đẹp, lúc thì dễ thương, nhưng đôi lúc cũng đỏng đảnh lắm, chỉ cần có một sai sót nhỏ trong nghiên cứu là sẽ hỏng ngay. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, phù hợp, người nghiên cứu phải kiên trì, liên tục cập nhật, rút kinh nghiệm, đi từ thấp đến cao. Mỗi đề tài được nghiên cứu thành công là động lực, niềm tin để nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ra các loại sơn có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn.” – PGS, TS. Bích Thủy chia sẻ.
Nhắc đến bà là nhắc đến hàng dài những công trình mà bà đứng tên chủ đề tài nghiên cứu. Hơn 30 năm qua, PGS, TS Bích Thủy đã trực tiếp chủ trì 32 đề tài, tiêu chuẩn; tham gia 42 đề tài, tiêu chuẩn Nhà nước, cấp bộ và cấp sở, trong đó có trên 10 công trình tiêu biểu đã được áp dụng thực tiễn. Ngoài ra, bà biên soạn và tham gia biên soạn bộ 30 Tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành thuộc lĩnh vực sơn bảo vệ và sơn tín hiệu giao thông; tham gia đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều học viên và nghiên cứu sinh thuộc ngành Hóa cho các cơ sở đào tạo trong nước và Hà Nội: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học GTVT, Viện Kỹ thuật quân sự...
Đối với Hà Nội, bà đã tham gia tư vấn, thẩm định các công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông của thành phố. Cụ thể là đánh giá, nâng cao chất lượng vạch kẻ đường, biển báo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông tại Thủ đô; nghiên cứu, chế tạo những công nghệ vật liệu mới phù hợp trong xây dựng mặt đường bê tông nhựa, vật liệu sơn bảo vệ chống ăn mòn với độ bền cao cho các công trình: cầu Chương Dương, cầu Đuống, các cầu vành đai Đường sắt, cầu Long Biên nhịp 6, sơn duy tu cầu Thăng Long, sơn hệ thống xe hàng cho đóng mới toa xe của nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Bà còn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội “Nghiên cứu chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa trên cơ sở Oligomamid cho công trình giao thông Hà Nội” (năm 2002), đã chuyển giao cho Sở GTVT Hà Nội để áp dụng rộng rãi trong giao thông thành phố, đặc biệt cho duy tu sửa chữa mặt đường. Năm 2012 - 2013, bà chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu chế tạo nhựa đường chất lượng cao trên cơ sở nhựa đường biến tính cao su " của Sở KHCN Hà Nội và 2015 đã chủ trì nghiên cứu cải thiện chất lượng nhựa đường bằng phần tử nano, tạo ra sản phẩm nhựa đường có chất lượng cao tương đương sản phẩm nhập ngoại.
Chia sẻ về một kỷ niệm khi đảm nhiệm sơn duy tu công trình cầu Thăng Long, PGS, TS Bích Thủy kể: năm 2010 - 2012, mặt cầu Thăng Long gặp sự cố, xuất hiện những rãnh sâu, gồ ghề, ảnh hưởng đến giao thông. Vào những đợt sửa chữa, bà thường xuyên có mặt trên cầu từ 21 h hôm trước đến 3 h hôm sau, cùng nhà thầu tìm giải pháp khắc phục. Vậy mà đến giờ làm việc, bà vẫn kịp thời có mặt ở cơ quan để thực hiện nhiệm vụ Giám đốc một viện chuyên ngành.
Nhắc đến bà, người ta còn nhớ nhiều đến một người lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm. Từ năm 2003 - 2013, bà được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ GTVT. 10 năm vừa đảm nhận vai trò của người lãnh đạo, vừa nghiên cứu khoa học, bà đồng thời luôn nỗ lực tìm và đảm nhận các dự án nghiên cứu ứng dụng, cốt để thêm việc làm, thêm thu nhập và đảm bảo đời sống cho anh em của Viện. Vì vậy, đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ mạnh trong lĩnh vực sơn phủ ăn mòn với hơn 10 công nghệ sơn tiên tiến, cạnh tranh được với sơn của các hãng nổi tiếng trên thế giới cùng hệ thống nhà xưởng sản xuất thử nghiệm công suất trên 200 tấn/năm, các trang thiết bị đồng bộ hiện đại.
Hiện tại đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện và tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học. Đồng thời vẫn đang kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học để góp phần đào tạo các sinh viên, kỹ sư trẻ thêm kiến thức thực tiễn về công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước đã được triển khai từ nhiều năm nay trên thực tế Việt Nam.
Với những đóng góp của cá nhân, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ GTVT 3 lần tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành, 4 lần được tặng Bằng Khen; được Bộ Khoa học và Công nghệ 2 lần tặng Bằng khen. Đồng thời, bà cũng gặt hái nhiều giải thưởng: giải nhì Vifotec, Giải thưởng Kovalevskaia 2013; được vinh danh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016; Phụ nữ Việt Nam Tự tin tiến bước... Mới đây, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đã đề xuất PGS TS Nguyễn Thị Bích Thủy là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017.
Hưng Vũ
Huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) sẽ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2
TĐKT – Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập (1977 – 2017), huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội sẽ long trọng tổ chức đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Đó là thông tin được ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 26/9. Báo cáo về thành tích của huyện Sóc Sơn, ông Lê Hữu Mạnh cho biết, những năm qua Sóc Sơn đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh thông tin với báo chí Về kinh tế, Sóc Sơn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 7,4%/năm giai đoạn 1996 - 2000; tăng lên 10,43%/năm giai đoạn 2001 – 2005; 12,37% giai đoạn 2006 - 2010 và 8,71% giai đoạn 2010 - 2015; 9,75% năm 2016. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng từ 2.079,9 tỷ đồng năm 2000 lên 14.271,2 tỷ đồng năm 2010, 15.291,505 tỷ đồng năm 2015 (tăng 7,32 lần so với năm 2000) và 16.908,825 tỷ đồng năm 2016. Đặc biệt, Sóc Sơn là đơn vị tiêu biểu của TP trong công tác giảm nghèo. Từ một huyện có tỷ lệ số hộ đói, nghèo cao, sau 40 năm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 35% năm 1990 xuống còn 20% năm 2000 và 0,6% năm 2005 (theo tiêu chuẩn cũ). Năm 2006, theo tiêu chuẩn mới, huyện đã giảm được 2.244 hộ nghèo. Đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,92%, năm 2016 còn 3,73%. Năm 2017, theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện còn 3.011 hộ nghèo (3,73%), 3.794 hộ cận nghèo (4,69%). Trong 40 năm qua, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Trong đó đáng chú ý là Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn được đầu tư xây dựng mới thành bệnh viện hạng hai với kinh phí 400 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn Quốc gia với hệ thống 5 phòng khám đa khoa khu vực, 26 trạm y tế (100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020), đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các trạm y tế đã được cung cấp và sử dụng tốt những trang thiết bị hiện đại: máy siêu âm, kính hiển vi, máy xét nghiệm... giúp nâng cao chất lượng phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cơ sở. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đảng bộ và chính quyền huyện quyết tâm thực hiện, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương. Tính đến hết năm 2016, toàn huyện tiến hành dồn điền, đổi thửa tại 121 thôn, làng với tổng diện tích trên 10.845 ha. Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, đến năm 2016 toàn huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, 3 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại phấn đấu đạt trên 15 tiêu chí. Với những thành tựu nổi bật, trong 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị và cá nhân của huyện đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua và các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng. Có 5 xã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 12 xã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; toàn huyện có 237 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang, 1 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Huyện được tặng 3 Huân chương Lao động: hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất. Năm 2012, Sóc Sơn được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ngày 22/8/2017, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1627/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Sóc Sơn. Mai ThảoKỷ niệm 30 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang
TĐKT - Ngày 26/9, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1987 - 2017) và khai giảng năm học 2017 - 2018. 30 năm qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đã từng bước xây dựng nền móng cho sự phát triển đa ngành, đa hệ cũng như đón đầu xu hướng phát triển ngành học giáo dục mầm non, tiểu học, THCS khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 25.000 học sinh, sinh viên. Các cán bộ, giảng viên thực hiện thành công 42 đề tài nghiên cứu khoa học và 9 dự án cấp Bộ, trung bình hàng năm nghiệm thu từ 4 đến 7 đề tài cấp cơ sở. Có 435 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu đạt kết quả khá, giỏi. Ông Nguyễn Đắc Tài trao cờ thi đua của UBND tỉnh cho nhà trường Với những thành quả đạt được, Nhà trường đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba do Chủ tịch nước trao tặng, 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 30 Bằng khen của UBND tỉnh, 42 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 11 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Năm học 2017 - 2018, nhà trường có gần 2.500 sinh viên (trong đó có gần 670 tân sinh viên); 156 cán bộ, viên chức, trong đó có 76 giảng viên. Thời gian tới, nhà trường phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, là địa chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế uy tín, đồng thời là trung tâm trọng điểm khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong lĩnh vực bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Nhân dịp này, trường vinh dự đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Khánh Hòa và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạt thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1987 - 2017. Đức MinhTĐKT - Bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã “săn tìm” được khối lượng ảnh nghệ thuật đồ sộ về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, hơn 80 năm miệt mài với bộ môn nghệ thuật ảnh, ông được giới nhiếp ảnh và công chúng nhắc đến là một nghệ sĩ “đam mê” Hà Nội.
Năm nay đã ở tuổi 100, tai phải đeo trợ thính, đôi chân không còn đủ khỏe đưa ông lang thang khắp phố phường Hà Nội cùng với chiếc máy ảnh nữa, nhưng lúc trò chuyện, bàn tay, đôi mắt của ông vẫn rất nhanh nhẹn khi giới thiệu với mọi người về cuốn album “Những khoảnh khắc” với hàng trăm bức ảnh tâm đắc mà ông đã chụp. Các con ông cười hiền “ tuổi cao nên đôi khi bố tôi bị lẫn rồi”. Nhưng nhìn cách ông lần giở mỗi một bức ảnh về Hà Nội được in trong album và kèm theo một câu chuyện tương ứng, mới thấy rằng: có lẽ cái tuổi già cũng không đủ sức mạnh để làm nhạt phai những ký ức về Hà Nội một thời qua lăng kính của người nghệ sĩ ấy.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng kể với phóng viên về những tác phẩm nghệ thuật một thời
Nói ông là nghệ sĩ đam mê Hà Nội quả thật không sai chút nào. Dù đi khắp dặm dài đất nước, đã đặt chân lên đủ 63 tỉnh, thành phố để ghi lại những hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam trên dọc dải non sông nhưng Hà Nội vẫn là nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng dành tình yêu sâu đậm.
Vốn là cháu của danh họa Lê Phổ, nên những kiến thức về nghệ thuật thị giác, những quan điểm về mỹ thuật như màu sắc, đường nét… được nghệ sĩ Lê Vượng tiếp thu sáng tạo trong các bức ảnh nghệ thuật của mình. Các bức ảnh Hà Nội của ông luôn có sắc khí riêng, chất chứa trong đó nhiều yếu tố hội họa, và những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc.
Ông đã ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc khắp Thủ đô Hà Nội từ những năm 1936. Đó là những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, chen chúc, những bức tường lở lói, những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, những cô bán hàng rong thướt tha mặc áo dài, những người phụ nữ nhặt ve chai mặc áo mớ ba mới bảy, những ngôi làng ven đô, những sinh hoạt văn hóa đặc thù của người Tràng An...
Góc phố Hà Nội, cầu Thê Húc, tháp Rùa hay cổng chùa Trấn Quốc trong những bức ảnh đen trắng của ông đều hằn lên đường nét cá tính, chất chứa sự thăng trầm của mảnh đất Kinh kỳ. Kể cả những ảnh ông chụp làm tư liệu - về một góc chùa, một mảnh gốm cổ hay hoa văn trang trí - cũng thấy bóng dáng, hồn cốt Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Những bức “Xuân về”, “Sáng sớm”, “Hoa gạo đầu thôn”… làm nên một phong cách ảnh hội họa về Hà Nội không trộn lẫn của nghệ sĩ Lê Vượng.
Nghệ sĩ Lê Vượng tâm sự: để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục nhiều lần mới mong được một bức ưng ý. Nhưng bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật, còn có một bức ảnh hoàn hảo hay không lại còn phụ thuộc vào hiểu biết, tư duy, tình cảm của người bấm máy. Bởi bức ảnh không chỉ thể hiện tài của người chụp, mà còn thể hiện những giá trị hun đúc được trong cả cuộc đời.
Con trai của ông là nghệ sĩ Lê Cường bảo: là con, chúng tôi may mắn được thừa hưởng gien nghệ thuật của bố. Nhưng hơn hết, ông là tấm gương sáng dạy cho chúng tôi rằng sống là phải có đam mê và xả thân, hết mình vì đam mê ấy.
Nghệ sĩ Lê Vượng đã cầm máy ảnh đi như nghiệp sống của mình. Còn nhớ thời kỳ ông công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 1966), với nhiệm vụ được giao là chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ Việt Nam. Dù ngày ấy, đồng lương của một nhiếp ảnh gia không đủ để trang trải cuộc sống nhưng ông vẫn dành khá nhiều thời gian cho đam mê của mình.
“Cứ bốn hoặc năm giờ chiều, khi thì cùng chiếc xe đạp, khi thì bố đi bộ lang thang, cầm máy ảnh đi chụp khắp nơi Hà Nội. Ống kính của bố dường như nhìn thấy, cảm nhận rõ và nhận thức trước được rằng những lớp rêu phong trên tường, những mái nhà Pháp cổ, mái đình, chùa cổ kính theo thời gian sẽ chẳng còn nữa, cần phải lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau. 54 tuổi nhưng ông vẫn treo mình trên xà ngang để ghi lại kiến trúc của một mái đình cổ … ” - nghệ sĩ Lê Cường chia sẻ.
Ngay cả khi nghỉ hưu (năm 1985), hay khi tuổi già, tình yêu và đam mê nhiếp ảnh vẫn “cháy” trong ông. Sáu, bảy, tám, chín mươi tuổi, ông vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà hay Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi, các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội.
Con gái ông là Tiến sĩ Lê Thiếu Ngân chia sẻ: năm 2007, khi bố tròn 90 tuổi, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, trong một lần tham quan núi Phú Sĩ (Nhật Bản), bố đã nhào chạy ra để chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của mùa tuyết rơi trên đỉnh núi. 90 tuổi, ông vẫn bò dưới gốc cây chụp hất lên về chiếc lá đỏ cuối cùng mùa thu ở Hàn Quốc … Sau này những bức ảnh của ông được Đại sứ quán Hàn Quốc lựa chọn treo trang trọng ở các triển lãm.
Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước: Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967, giải ACCU của Nhật Bản năm 1984; Huy chương bạc cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 35 nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/2005)... Ông có nhiều tác phẩm về Thủ đô và đất nước tham gia triển lãm quốc tế: Rumani, Pháp, Ba Lan, Malaysia, Liên Xô (cũ), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ...
Năm 2012, ông xuất bản cuốn sách ảnh khổ lớn mang tên “Những khoảnh khắc”, có giá trị đối với giới làm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các tác phẩm về Hà Nội có ảnh của ông đã được xuất bản: Thông sử Hà Nội, do GS Phan Huy Lê Chủ biên, UBND Thành phố xuất bản năm 1995; “Văn hóa dân gian Hà Nội” - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1991…
Năm 2016, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội được trao tặng cho ông là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với Thủ đô Hà Nội. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc...
Thục Anh
Sẽ tuyên dương 100 Chủ tịch công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu năm 2017
Theo đó, 100 chủ tịch CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT và ĐT sẽ được lựa chọn để tuyên dương. Lễ Tuyên dương dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017 tại Hà Nội. Mục tiêu của việc tuyên dương nhằm giới thiệu tới đông đảo cán bộ công đoàn, người lao động (NLĐ) và xã hội những điển hình tiêu biểu trong hoạt động công đoàn tại cơ sở, trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ thông qua thực hiện tốt công tác TƯLĐTT và ĐT, từ đó nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong toàn hệ thống. Chủ tịch CĐCS được lựa chọn phải thực sự xuất sắc tiêu biểu, có đóng góp quan trọng, thực chất trong việc thương lượng, ký kết thành công, tổ chức thực hiện hiệu quả TƯLĐTT và ĐT. Ưu tiên chủ tịch CĐCS trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân hoặc doanh nghiệp có từ 1.000 người lao động trở lên hoặc tỷ lệ NLĐ là đoàn viên công đoàn đạt từ 80% trở lên. CĐCS nơi có chủ tịch CĐCS được đề nghị tuyên dương đạt danh hiệu “CĐCS vững mạnh” trong năm 2016. Các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể bao gồm: * Đối với chủ tịch CĐCS được tuyên dương - Là chủ tịch CĐCS năng động, sáng tạo, có đạo đức tốt, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của doanh nghiệp. - Bên cạnh làm tốt công tác TƯLĐTT và ĐT, chủ tịch CĐCS được tuyên dương tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực ở cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và sự phát triển của doanh nghiệp. * Đối với công tác TƯLĐTT - TƯLĐTT được ký kết trong khoảng thời gian các năm 2015, 2016 hoặc 2017 nhưng phải đang còn hiệu lực ít nhất đến hết năm 2017 và được công đoàn cấp trên chấm điểm đạt từ loại B trở lên (theo Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ ngày 21/10/2014 của Tổng Liên đoàn hướng dẫn đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể của CĐCS). - TƯLĐTT được ký kết và thực hiện nghiêm túc là kết qủa của quá trình thương lượng tích cực, chủ động, bền bỉ và giám sát thường xuyên việc thực hiện của ban chấp hành công đoàn, đứng đầu là chủ tịch CĐCS. - Chủ tịch CĐCS chủ trì cùng ban chấp hành CĐCS thương lượng thành công, ký kết được TƯLĐTT cấp doanh nghiệp có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, nhất là các điều khoản về lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, chính sách cho lao động nữ… và được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tại doanh nghiệp. * Đối với công tác đối thoại - Ban chấp hành CĐCS, đứng đầu là chủ tịch CĐCS đã làm tốt công tác phối hợp với NSDLĐ tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3, điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. - Việc đối thoại tại nơi làm việc đã kịp thời giải quyết được những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là những vấn đề lớn, bức xúc, được đông đảo NLĐ quan tâm. * Về tác động của TƯLĐTT và ĐT đối với NLĐ và doanh nghiệp - Việc thực hiện tốt công tác TƯLĐTT và ĐT đã góp phần nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ, giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của họ. - Công tác TƯLĐTT và ĐT tạo động lực để NLĐ tăng năng suất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hưng VũTĐKT - Đến Ấp 4 (xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) hỏi về già làng Lâm Hớ, Bí thư chi bộ ấp 4 ai cũng biết. Ông là người luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, được bà con quý mến, chính quyền tin tưởng.
Ấp 4 có 3 dân tộc gồm Khmer, Stiêng và Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm 92%. Điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn, lạc hậu. Là người có uy tín của ấp, già làng Lâm Hớ luôn thực hiện tốt và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Để tạo niềm tin trong nhân dân, ông kiên nhẫn đến từng nhà, gặp gỡ từng người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của từng người dân trong ấp. Với uy tín của mình, ông nói ai cũng nghe, cũng tin. Bằng nhiều cách, nhiều hình thức, ông đã giải thích, hướng dẫn để dân làng hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Già làng Lâm Hớ tại lễ vinh danh 20 công dân Bình Phước ưu tú nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước
Nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, ông tích cực vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ông đã tự tìm các chuyên gia để học tập cách thâm canh lúa nước sau đó hướng dẫn cho bà con trong vùng. Nhờ vậy, giờ đây đồng bào Khmer trong xã đã biết trồng lúa nước 2-3 vụ/năm, thâm canh tăng vụ trong vườn điều, tiêu và trồng xen các loại cây ngắn ngày; biết áp dụng những kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như sử dụng máy cày, trồng tỉa, bón phân...
Già làng Lâm Hớ đã từng bước giúp người dân bản thay đổi nhận thức từ cách làm kinh tế, tới nếp nghĩ về ma chay, cưới hỏi. Nhận thức của người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ, cưới xin được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây.
“Ở ấp 4, ý thức sinh hoạt của bà con đã đi vào nền nếp. Những việc làm ấy tuy rất nhỏ, nhưng mang ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho con, cháu. Mình là già làng, phải gương mẫu thực hiện, con, cháu mới noi theo.”- Già làng Lâm Hớ chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cũng là người tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội. Hàng năm, ông đều giúp đỡ các gia đình khó khăn từ 20 - 30 triệu đồng, hỗ trợ những hộ nghèo lúa giống để sản xuất, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, mở lớp xóa mù chữ… Gia đình ông còn là thành viên của bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, mỗi tuần góp 400 ngàn đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm khơi dậy lòng dân. Nghe lời ông, nhân dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm đường, tự nguyện, góp tiền làm các tuyến đường bê - tông liên ấp, xã. Riêng gia đình ông đóng góp 17 triệu đồng để xây đập và 100 m mương dẫn nước vào cánh đồng lúa Xơ Đăng gần 10 ha của 4 hộ ở ấp 4; 2,2 triệu đồng mua 11 m3 đá và huy động 15 công lao động để làm đường ở tổ 1…
Có thể nói, cả đời già làng Lâm Hớ là một chuỗi quá trình cống hiến. Tuổi trẻ cống hiến vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, về già tích cực tham gia công tác địa phương. Ông tâm sự: “Được bà con tin yêu bầu làm già làng, tôi rất vinh dự, nhưng cũng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề với bà con. Đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm, bởi tâm huyết, lòng nhiệt thành của tôi không bao giờ tắt”.
Tùng Chi
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 127
- 128
- 129
- 130
- 131
- …
- sau ›
- cuối cùng »