“Đôi chân, cánh tay” của những người khuyết tật
29/12/2017 - 12:26

TĐKT - Bước ra từ những chiến trường ác liệt, trở về đời thường với những thương tật do chiến tranh để lại, nhưng cựu chiến binh Lê Thành Đô (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã vượt qua những khó khăn, trở ngại đó để làm những việc có ích cho đời, trở thành tấm gương sáng về người thương binh tàn nhưng không phế.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày bác sĩ, cựu chiến binh Lê Thành Đô vẫn cần mẫn, say sưa với việc tạo ra những đôi tay, đôi chân giả cho những người khuyết tật nghèo khổ, nhất là những cháu nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Vốn là Trưởng khoa Kỹ thuật Chỉnh hình, Trường Đại học Lao động Xã hội, từng tham gia thực hiện Dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (do Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); rồi làm giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội)… nên ông tích lũy được rất nhiều  chuyên sâu về chỉnh hình.

Mặt khác, bản thân lại là một thương binh với tỷ lệ thương tật 61%, cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường. Hơn ai hết, ông hiểu rõ và cảm thông với những khó khăn, cực nhọc của những người không may mắn khi trên cơ thể bị khuyết đi một bộ phận nào đó. Do vậy, ngay từ khi còn công tác tại bệnh viện trong ông đã nuôi một ước mơ sẽ thành lập một cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cựu chiến binh Lê Thành Đô bên xưởng sản xuất chân, tay giả cho người khuyết tật.

Năm 2006, khi về hưu, ông quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể mà nhà nước phân cho mình và lấy tên là Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật.

Chia sẻ về những ngày đầu thực hiện ước mơ của mình, ông cho biết: Lúc đó, kinh tế gia đình eo hẹp. Trung tâm được lập nên từ những đồng lương hưu, lương trợ cấp cho thương binh của bản thân ông. Tuy nhiên, với quyết tâm trở thành địa chỉ nhân đạo tin cậy cho nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ Lê Thành Đô đã tích cực kêu gọi thêm bạn bè trong ngành và các tổ chức quốc tế từng hợp tác cùng tham gia. Dần dần, ông có thêm nguồn lực để mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị. Đến nay, xưởng sản xuất chân tay giả của ông như một bệnh viện thu nhỏ.

12 năm qua, mỗi người khuyết tật tìm đến với bác sĩ Đô đều có hoàn cảnh khó khăn riêng và tất cả họ đều hạnh phúc khi nhận được món quà vô giá từ ông. Họ đến từ nhiều nơi Bắc, Trung, Nam, với nhiều dạng tật khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mong muốn, có một bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn.

Nói về việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình, bác sĩ Đô cho biết, nếu có đủ điều kiện cùng với những nguyên vật liệu: Nhựa, nhôm, inox, dây thép, dây gai… xưởng có thể sản xuất được từ 50 - 70 dụng cụ cho người tàn tật. Nhưng theo ông, khó nhất là khâu kỹ thuật áp dụng sao cho khéo léo, tinh xảo.

Ông bảo, để làm được một chiếc chân giả mất rất nhiều thời gian. Từ thăm khám cho bệnh nhân đến việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người, ông còn nhiệt tình động viên và tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động sao cho họ phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt tốt nhất.

 “Với tôi, mỗi một bệnh nhân là một sự đặc biệt rồi, họ ở các vùng miền khác nhau, thương tật khác nhau, mỗi người là một câu chuyện xúc động" - ông kể.

Đã có gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng bác sĩ Lê Thành Đô chưa bao giờ tự mãn. Ông luôn tìm tòi, học hỏi thêm để đưa những kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, áp dụng vào xưởng sản xuất của mình.

Trải qua những ngày tháng khó khăn, đến nay, trung tâm đã giúp cho 15 trẻ em làm phẫu thuật chỉnh hình, sản xuất được 835 dụng cụ chỉnh hình (chân tay giả, áo nẹp chỉnh hình,…) cấp miễn phí cho 614 người khuyết tật vận động (ở mọi lứa tuổi). “Thế nhưng nếu không có sự trợ gúp của các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện: UniReach International (Mỹ), YoungSan - ChoyoungKi foundation (Hàn Quốc), Mr. Rodd Man… thì tôi khó có thể giúp được nhiều trẻ khuyết tật như vậy” - bác sĩ Đô chia sẻ.

Không ngừng nghiên cứu, lao động để giúp đỡ người khuyết tật có được cuộc sống tốt hơn, cách an hưởng tuổi già của ông thật đặc biệt và ý nghĩa. “Cho đi không phải để nhận lại”, với bác sĩ Lê Thành Đô, niềm vui lớn nhất là sau khi đến với trung tâm, anh Tùng hơn 30 tuổi ở Hà Nội trở thành một IT giỏi, ông Nguyên (Sài Đồng, Long Biên) hành nghề xe ôm chuyên nghiệp, cô Then (Thường Tín) kiếm được việc làm ổn định ở làng nghề mây tre đan… Niềm vui đó quả thật đơn giản, nhưng thật cao quý và đáng trân trọng.

Những dụng cụ chỉnh hình của người bác sĩ, cực chiến binh già Lê Thành Đô sẽ là niềm động viên vô giá đối với những người khuyết tật và gia đình của họ.

Mai Thảo