Chính trị - Xã hội

Chung kết Hội thi tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017

TĐKT – Ngày 5/10, tại Quảng Ninh, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức Chung kết Hội thi tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017. Tới dự, có: PGS, TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế);  Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Trần Thị Bích Hằng. Hội thi là sự đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 15 đội thi xuất sắc nhất đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hội tụ tại Chung kết Hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017. PGS, TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế);  Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Trần Thị Bích Hằng trao Cờ lưu niệm và hoa cho các đội thi Trải qua 3 phần thi (chào hỏi, kiến thức và năng khiếu), các đội thi đã giới thiệu nhiều mô hình và các hoạt động cũng như kết quả của đơn vị mình trong tuyên truyền, thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc lá. Đồng thời, các đội thi đã thể hiện sự hiểu biết của mình về các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật. Tiết mục dự thi của Sở Y tế Điện Biên Đặc biệt, với hình thức sân khấu hóa, những người thầy thuốc đã khéo léo lồng ghép truyền thông về tác hại của thuốc lá và các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Nhiều tiết mục dự thi mang tính nghệ thuật cao đã làm cho đề tài tưởng chừng khô cứng này trở nên hấp dẫn, dễ nhớ, đi sâu vào lòng người. Tiết mục dự thi của Bệnh viện Phổi Trung ương Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 5 giải A1, gồm các bệnh viện: 71 TW, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, C Đà Nẵng, Chợ Rẫy. Ban tổ chức cũng trao 6 giải A2 cho: Sở Y tế Ninh Bình, Sở Y tế Long An, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Cần Thơ, Sở Y tế Điện Biên; 4 giải A3: Sở Y tế Lâm Đồng, Sở Y tế Thanh Hóa, Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Trung ương. Tiết mục dự thi của Bệnh viện 71 TW. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức, giáo dục, vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Y tế cùng người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng xã hội không hút thuốc lá trong bệnh viện. Đồng thời tạo phong trào thi đua xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành Y tế. Mai Thảo

Khảo sát thực tế công tác quản lý tài nguyên môi trường tỉnh Lào Cai

TĐKT - Nhằm nâng cao nghiệp vụ báo chí viết về môi trường, từ ngày 3/10 – 4/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức đoàn phóng viên đi thực tế về hoạt động quản lý TNMT tại tỉnh Lào Cai. Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền  (Bộ TNMT) làm Trưởng đoàn. Chuyến đi thực tế nhằm tăng cường mối quan hệ giữa ngành tài nguyên và môi trường với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành. Đây cũng là dịp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền có tính chất thực tiễn về cơ chế chính sách, pháp luật về môi trường tại địa phương, góp phần thúc đẩy công tác quản lý Nhà nước ngành TNMT ngày càng tốt hơn. Đoàn công tác làm việc với Sở TNMT tỉnh Lào Cai Tại buổi làm việc, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: việc các phóng viên trực tiếp đến địa phương tìm hiểu về hoạt động của ngành là rất cần thiết nhằm phản ánh kịp thời những vấn đề nóng, nổi cộm, tiêu cực trong xã hội, định hướng dư luận, tháo gỡ khó khăn cho địa phương để góp phần phát triển kinh tế của tỉnh cũng như phát triển bền vững đất nước. Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Lào Cai bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các lĩnh vực về đất đai, đo đạc bản đồ, khoáng sản, bảo vệ môi trường… được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt kết quả tốt. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quan tâm. Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được đẩy mạnh. Tài nguyên khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư khai thác tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến sâu về hóa chất, luyện kim và phân bón phát triển. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Tình trạng khai thác trái phép cơ bản đã được xử lý. Hoạt động vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản (đặc biệt là vận chuyển quặng tại mỏ sắt Quý Xa) đã giảm tác động xấu đến môi trường, hạ tầng giao thông. Tình trạng vận chuyển khoáng sản vượt tải trọng cơ bản đã được kiểm tra, ngăn chặn. Nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có sự chuyển biến rõ rệt. Cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và các đô thị loại VI trở lên trên địa bàn tỉnh đang dần được đồng bộ. Khảo sát hoạt động của Nhà máy tuyển Apatit Bắc Nhạc Sơn, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai Trên cơ sở đó, chất lượng môi trường toàn tỉnh dần được kiểm soát. Môi trường nông thôn có nhiều khởi sắc, bước đầu đã có một số xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chất thải tại các đô thị được quan tâm thu gom, xử lý đồng bộ. Trong sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thải. Cùng với đó, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường, bảo tồn đa dạng được phát huy. Nhiều giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Các văn bản chỉ đạo, điều hành được ban hành kịp thời, đồng bộ, gắn với các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn để định hướng, chỉ đạo thực hiện. Công tác thi đua, khen thưởng luôn được Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện với nhiều hình thức thiết thực.  Năm 2016, Sở TNMT tỉnh Lào Cai đã công nhận 30 sáng kiến cấp cơ sở cho 29 cá nhân; công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho 12 tập thể và 180 cá nhân; công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho 26 cá nhân; tặng giấy khen cho 33 cá nhân có thành tích trong đợt thi đua thứ 4. Kết quả trình khen cao: 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 tập thể, 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TNMT; 1 tập thể và 2 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 2 tập thể được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tới khảo sát thực tế tại: khai trường khai thác quặng của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam; Nhà máy tuyển Apatit Bắc Nhạc Sơn, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai; Nhà máy Đồng Sin Quyền, huyện Bát Xát. Phương Thanh

Hà Nội: Sốt xuất huyết giảm cả số ca mắc và số ca nhập viện

TĐKT- Trong 7 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội liên tục giảm. Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống dịch sốt xuất huyết Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hoàng Đức Hạnh cho biết, dịch SXH ở Hà Nội đang có xu hướng giảm về số ca mắc và số ca nhập viện. Ghi nhận từ ngày 25/9 đến 1/10, Hà Nội có 1.228 trường hợp (giảm 376 trường hợp so với tuần trước). Các quận, huyện trước đó có số ca mắc cao, nhưng đang có xu hướng giảm như: Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Thanh Trì… Tính đến thời điểm này, toàn Hà Nội ghi nhận 31.572 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Hiện còn 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, toàn thành phố đã khống chế được 4.320 ổ dịch SXH (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới), hiện chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động. Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết thêm, Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận 137.997 trường hợp mắc, 30 trường hợp tử vong. Chúng ta mới tạm thời khống chế được dịch SXH, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình SXH sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm, nhất là trong tháng 10, 11 tới nếu không duy trì các biện pháp phòng, chống dịch như thời gian qua. Hồng Thiết  

" Tết Trung thu - Tết của sẻ chia"

TĐKT - Tết Trung thu lại đến gần, tất cả trẻ em trên khắp mọi miền của Tổ quốc đều ước mơ, háo hức mong chờ được xem múa lân, được rước đèn lồng, được ăn bánh dẻo, bánh nướng, được phá cỗ đón trăng cùng gia đình và bạn bè. Nhưng những niềm vui, những mong ước tưởng chừng rất bình dị ấy lại là điều rất xa lạ với các bạn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo đang hàng ngày, hàng giờ phải đối diện với sự sống và cái chết trong các bệnh viện. Có thể ngày hôm nay các bạn nhỏ đang vui cười nhưng biết đâu ngày mai, ngày kia các bạn ấy đã phải tạm biệt thế giới tuổi thơ thực tại của mình về với thế giới cổ tích, huyền thoại nào đó. Với mong muốn mang lại cho các bạn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, các bạn nhỏ đang nằm điều trị tại bệnh viện, các em nhỏ nghèo có một cái Tết Trung thu tràn ngập tình yêu thương và nụ cười trẻ thơ, thắp sáng niềm hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp phía trước, Trung tâm tình nguyện Quốc gia Việt Nam, Câu lạc bộ (CLB) Liên Kết Trẻ tổ chức chương trình "Tết Trung thu - Tết của sẻ chia". Chương trình có sự đồng hành của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội, CLB Tình nguyện trường THPT Việt Đức. Nhóm tình nguyện tích cực chuẩn bị quà Trung thu cho các bệnh nhi Bạn Lê Ngọc Hải , Phó chủ nhiệm CLB tình nguyện Trường THPT Việt Đức Hà Nội chia sẻ: "Năm nay là năm thứ 2 CLB tình nguyện Trường THPT Việt Đức tham gia chuỗi hoạt động của chương trình Tết Trung thu – Tết của sẻ chia, hoạt động rất ý nghĩa, giúp mỗi bạn học sinh, và thành viên trong CLB được trải nghiệm cũng như chia sẻ tới các em có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ những phần quà ý nghĩa, tới các em nhân dịp Trung thu. Thông qua hoạt động chúng em mong muốn các bạn học sinh luôn quan tâm và dành tình cảm nhiều hơn tới các em nhỏ có cuộc sống bất hạnh". Chuỗi hoạt động chương trình Tết Trung thu – Tết của sẻ chia  là một hành trình xuyên suốt mang tới cho các em nhỏ nghèo, các bệnh nhân nhi, trẻ em mồ côi khuyết tật... có một Trung thu tràn ngập tình yêu thương và nụ cười, thắp sáng ước mơ của các em. Khởi động cho chuỗi chương trình diễn ra vào ngày 30/9/2017  tại Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội là hoạt động của hàng trăm các bạn đoàn viên, thanh niên, cùng Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 Phạm Thuỳ Trang, Top 5 người đẹp cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2016 Phùng Bảo Ngọc Vân,  Á Hậu du học toàn thế giới Lê Thị Hương Thảo, người mẫu nhí Đào Ngọc Bảo Hân làm lên hàng nghìn chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, nặn bóng nghệ thuật, làm các sản phẩm trò chơi handmade  đẹp mắt, sáng tạo. Những sản phẩm này chính là tình cảm, tấm lòng yêu thương của anh chị tình nguyện viên dành cho các em bệnh nhi hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Tại mỗi giường bệnh, các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn, giúp các em bệnh nhi gấp con hạc giấy gửi gắm ước mơ, hy vọng, niềm tin về một tương lai phía trước. Nhiều thông điệp yêu thương đã được hạc giấy mang theo: "Hạc giấy à, hãy gửi tới chị Hằng, chú Cuội mong ước của ta là thế này nhé: mong cho tất cả các bạn nhỏ của chúng ta ở trên khắp miền của Tổ quốc đều không bị ốm, phải nằm ở bệnh viện mà khỏe mạnh vui Trung thu với người thân yêu trong gia đình mình"; "Hạc ơi!Ở đây mình muốn được ăn bánh nướng, bánh dẻo, được rước đèn ông sao, được hát, được múa, được phá cỗ, trông trăng"; "Hạc giấy hãy chuyển giúp tớ lời cầu chúc bình an, sức khỏe tới các bệnh nhi đang phải đón Trung thu trong bệnh viện nhé. Mong các bạn mạnh mẽ lên nhé". Các bệnh nhi được được anh chị sinh viên học sinh, cùng các hoa hậu, người đẹp và lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội hướng dẫn vẽ  tranh Trong khuôn viên của bệnh viện, các bệnh nhi nhỏ được anh chị sinh viên, học sinh, cùng các hoa hậu, người đẹp và lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, hướng dẫn vẽ và cùng nhau tham gia vẽ tranh với chủ đề "Sắc màu hy vọng". Những nét bút còn run run, những sắc màu còn vụng về. Nhưng với bệnh nhi đó là một sự cố gắng lớn. Mỗi bức tranh một gam màu, một thông điệp, một ước vọng.  Cũng trong dịp này nhóm ”Chef thiện chiến” cùng với các bạn đoàn viên, thanh niên đã làm hàng trăm chiếc bánh Trung thu tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhân nhi. Anh Vũ Minh Lý - Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia chia sẻ: "Vào mỗi dịp Trung thu, chúng tôi mong muốn các bạn tình nguyện viên, các câu lạc bộ, đội, nhóm hãy thể hiện nhiệt huyết, tinh thần "xung kích, trách nhiệm" của tuổi trẻ cùng với các tấm lòng hảo tâm mang đến cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước có một cái Tết Trung thu thật ấm áp yêu thương, sẻ chia. Mỗi việc làm, hành động của các bạn tình nguyện viên dành cho trẻ em nghèo tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các bạn". Anh Đỗ Đức Duẩn – Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết: "Tết trung thu đang diễn ra trên mọi miền của Tổ quốc. Với tinh thần sẻ chia yêu thương tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhân nhi và các em nhỏ nghèo, trong những ngày qua, chúng tôi đã mang tới những món quà tinh thần ý nghĩa tới các em để các em tận hưởng Tết Trung thu cổ truyền tràn ngập tình yêu thương và nụ cười hạnh phúc. Thông qua chuỗi hoạt động chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp yêu thương, sự sẻ chia và đùm bọc, giáo dục tinh thần tương thân, tương ái tới các em nhỏ cùng trang lứa..." Thục Anh  

Khuyến khích toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy

TĐKT - Sáng 2/10, tại Hà Nội, Triển lãm với chủ đề "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC)" chính thức khai mạc. Đây là hoạt động nổi bật trong “Tuần lễ Phòng, chống cháy nổ” tại Hà Nội (từ ngày 29/9 - 5/10) do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C66 Bộ Công an) và Đại học PCCC tổ chức. Triển lãm được tổ chức từ ngày 2/10 -  4/10 tại Trung tâm Triển lãm ảnh, 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội với quy mô 100 tác phẩm và vật phẩm. Đồng thời, triển lãm cũng được thực hiện trên internet để đông đảo nhân dân cả nước cùng tham khảo, nghiên cứu. Triển lãm ảnh "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” Triển lãm hội tụ những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong các cuộc chiến chống giặc lửa của các chiến sĩ cảnh sát PCCC và toàn dân. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công cuộc PCCC trên cả nước. Cùng với Triển lãm, Hội thi Phòng, chống cháy nổ sẽ được tổ chức vào ngày 3/10 tại Sân huấn luyện cơ sở 2 Đại học PCCC – Lương Sơn, Hòa Bình, với 2 nội dung: thi lý thuyết tìm hiểu về công tác phòng cháy, chữa cháy và thi thể thao chữa cháy kết hợp cứu người, cứu tài sản. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 2  giải nhì trị giá 10 triệu đồng/giảt; 3 giải ba trị giá 5 triệu đồng/giải; giải cho đội có phần thi kỹ thuật chữa cháy xuất sắc nhất, trị giá 5 triệu đồng; giải cho đội có phần thi cứu tài sản xuất sắc nhất, trị giá 5 triệu đồng. Trong những năm qua, công tác PCCC tại các cơ sở đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế. Khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình còn nhiều bất cập, không đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC hiện hành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC. Còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập về quản lý, điều hành công tác PCCC ở những nơi tiềm tàng nguy cơ cháy nổ cao như tại một số chung cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Với loại nhà ở liền kề mặt phố kết hợp kinh doanh, còn thiếu các phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy. Đường dùng cho xe chữa cháy hoạt động không thuận tiện. Quan trọng hơn, những lối thoát nạn thứ 2 còn quá ít, thậm chí không có. Trong khi đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở, người dân trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế, chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Người dân cũng thiếu kỹ năng thoát hiểm hoặc xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu… Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa tốt, còn có hiện tượng buông lỏng quản lý. Tuần lễ Phòng, chống cháy nổ sẽ là một những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công cuộc PCCC. Phương Thanh

Thanh Hóa: Nhiều người dân cần hỗ trợ sau bão số 10

TĐKT  - Trước sức tàn phá của cơn bão số 10 gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh đã có công văn số 11514 báo cáo công tác triển khai ứng phó với bão số 10 năm  2017 và thiệt hại sau bão gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, con số thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 980 tỷ đồng. Để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp rà soát, hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại do bão, mưa, lũ, gây ra và hướng dẫn nhân dân khôi phục lại sản xuất sau bão.   Đoàn kiểm tra thống kê thiệt hại sau bão ở huyện Hoằng Hóa Ngành Giao thông vận tải và UBND các huyện cũng đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm bị sạt lở, bồi lấp trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới, đường giao thông liên xã, đảm bảo giao thông thông suốt. Các địa phương tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các công trình đê điều, bãi sông bị sạt lở do mưa lũ trên các tuyến đê sông Mã, sông Chu và xử lý các tuyến đê bao, bờ bao nuôi trồng thủy, hải sản bị sạt lở 80.000 m2 và bị cuốn trôi 2,6 km của nhân dân, đồng thời hỗ trợ 14,4 tỷ đồng cho các hộ dân có cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại. Tại huyện Hoằng Hóa, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 10 đi qua. Chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão để sớm đón khách du lịch và ổn định sản xuất. Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết: bão số 10 đã gây ra nhiều thiệt hại đối với huyện Hoằng Hóa, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và hạ tầng khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Hiện nay chúng tôi đang động viên nhân dân và doanh nghiệp đầu tư khôi phục lại sản xuất.   Khu du lịch Hải Tiến huyện Hoằng Hóa bị thiệt hại nặng nề sau bão số 10 Tại khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), bão số 10 đã làm tuyến đường và bờ kè chắn sóng ven biển tại các xã Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường dài 4,5 km bị cuốn trôi và biến dạng. Các công trình phụ trợ khác như hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh… bị cuốn trôi, hư hỏng nặng. Ngay sau khi cơn bão đi qua, các nhà đầu tư ở Khu du lịch biển Hải Tiến đã bắt tay vào việc khắc phục hậu quả như chỉnh trang lại hệ thống khách sạn, nhà nghỉ. Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Giám đốc Cty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến: để nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra và khôi phục hoạt động du lịch trước các cơn bão lớn có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quan tâm khôi phục lại cơ sở hạ tầng Khu Du lịch Hải Tiến như kè chắn sóng, tuyến đường vào khu du lịch Hải Tiến… Bão số 10 cũng làm cho hệ thống đê bao nuôi trồng thủy sản tại các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phụ, Hoằng Trường, Hoằng Đông, Hoằng Lưu và bến cá xã Hoằng Thanh bị cuốn trôi với khối lượng 110.000 m3 đất. Ngoài ra, đồng nuôi trồng thủy sản ngoại đê cũng bị thiệt hại nặng nề do nước biển tràn vào với tổng diện tích 1.165 ha, trong đó có 32,17 ha nuôi tôm thâm canh, 1.133 ha nuôi nước lợ quảng canh cải tiến. 12 km bờ biển của biển Hoằng Hóa bị xâm thực sâu vào đất liền từ 30 - 40m. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có chủ trương giao cho UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư dự án xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển Hải Tiến dài 4,5 km bị cuốn trôi, phá hủy. Quế Hoa

Tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật

TĐKT - Ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) và Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) tổ chức Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật". Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá nhu cầu và thực trạng về tiếp cận giao thông đường bộ của NKT; rà soát chính sách, đánh giá cơ chế tổ chức thực hiện; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện vấn đề tiếp cận giao thông đường bộ đối với NKT tại Việt Nam. Để cải thiện việc tiếp cận giao thông đối với NKT, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật: Luật Người khuyết tật Việt Nam, Quyết định 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 về Kế hoạch thực hiện Công ước của Chính phủ; Kế hoạch Hành động của Bộ Giao thông Vận tải số 3350/KH-BGTVT...  Ngành GTVT và các địa phương đã và đang thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia vận tải hành khách công cộng;  duy trì tốt các tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng sàn thấp và cầu nâng phục vụ NKT. Tại các ga có đông hành khách đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ NKT. Hành khách là NKT khi lên xuống tàu đều được nhân viên trên, dưới ga trợ giúp sắp xếp hành lý, chỗ ngồi thuận lợi... Quang cảnh Hội thảo Tuy nhiên, hiện nay, NKT gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ. Ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp NKT, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, vỉa hè, bến xe khách, nhà chờ xe buýt...hầu như không đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng.  Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách về giao thông đường bộ tiếp cận tại Việt Nam, Ths. Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nhận định: hiện nay, cơ chế, chính sách trợ giúp NKT chủ yếu tập trung vào việc miễn giảm giá vé cho NKT và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải, thiếu chú trọng đến nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho các đối tượng trực tiếp hỗ trợ NKT như nhân viên lái xe, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên tại các nhà ga, tiếp viên hàng không... Chính sách miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng mới chỉ áp dụng cho NKT đặc biệt nặng và NKT nặng. Cùng với đó, chưa có những quy định về thống kê số lượng NKT trong lĩnh vực giao thông để quản lý, giám sát và là cơ sở để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Chưa có cơ chế về thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc phát triển hệ thống giao thông tiếp cận. Chưa có chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thiết bị hỗ trợ NKT khi tham gia giao thông. Chưa xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tiếp cận cho từng thành phố, tỉnh nên khó có cơ sở nhận biết, điều chỉnh và bố trí nguồn lực. Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với NKT, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận, có biện pháp đảm bảo cho việc triển khai thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cộng đồng cùng chung tay chia sẻ và thực hiện trách nhiệm xã hội, giúp NKT trong cuộc sống nói chung, trong việc tiếp cận giao thông đường bộ nói riêng. Mở rộng đối tượng NKT được miễn, giảm giá vé. Có các biện pháp để thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển hành khách đảm bảo cho NKT tiếp cận. Tại các bến xe, trạm chờ và phương tiện vận tải hành khách phải có biển báo, thông báo để NKT có thể tiếp cận và sử dụng. Thiết lập các quy định về chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm quy định liên quan đến hỗ trợ NKT tham gia giao thông đường bộ... Phương Thanh

Lễ ra mắt ứng dụng khám, chữa bệnh trực tuyến

TĐKT - Ngày 28/9, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm - VOV FM89 - đã chính thức ra mắt phần mềm ứng dụng VOV-Doctor24 và VOV-Bacsi24, tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến Video Call trên điện thoại thông minh và máy tính. Phần mềm ứng dụng VOV-Doctor24 và VOV-Bacsi24 ra đời với mong muốn góp phần cùng ngành y giảm tải các bệnh viện, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa được khám, chữa bệnh bởi các bác sĩ giỏi, đầu ngành một cách nhanh chóng, đơn giản bằng cách tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến Video Call trên điện thoại thông minh và máy tính. Ứng dụng VOV-Doctor24 và VOV-Bacsi24 được viết và sử dụng dễ dàng trên nền hệ điều hành iOS, Androi, Window, dễ dàng tương thích với smartphone và desktop. Người sử dụng có thể tải ứng dụng miễn phí về điện thoại di động hoặc máy tính và sử dụng. Ứng dụng cho phép tạo tài khoản bệnh nhân và sau đó, người dùng sẽ được bác sĩ tư vấn khám, chữa bệnh. Điểm đặc biệt nhất chính là ứng dụng hỗ trợ 3G, 4G miễn phí các cuộc gọi tư vấn khi không có wifi hoặc đường truyền wifi kém. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ ra mắt Phát biểu tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ Y tế đánh giá cao Đài Tiếng nói Việt Nam đã tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng 2 phần mềm sử dụng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng và máy tính. Ứng dụng này sau khi ra đời, sẽ giúp cho người dân tiện lợi tra cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin với các thầy thuốc về tình hình bệnh tật, cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Bộ trưởng cho biết thêm, ở nhiều quốc gia, những phần mềm tương tự như VOV-Doctor24 và VOV-Bacsi24 mà Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt hôm nay đã được sử dụng rộng rãi và trở thành kênh tư vấn, điều trị và quản lý bệnh hiệu quả. Nhờ phần mềm này, bệnh nhân chỉ phải chi trả một phần chi phí rất nhỏ so với việc đến khám bác sĩ, thậm chí, bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ điều trị và theo dõi trực tiếp. Thông qua phần mềm này, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cơ sở y tế nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người bệnh và cộng đồng và những bất cập của ngành để điều chỉnh các chính sách, quy định phù hợp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hồng Thiết – Phương Thanh

Lễ trao học bổng Năng lượng Tương lai AES-VCM

TĐKT – Ngày 27/9, Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức Lễ trao học bổng Năng lượng Tương lai AES-VCM cho 15 sinh viên xuất sắc đến từ Quảng Ninh đang theo học ngành điện tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK). Dự buổi lễ có: ông David Stone, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương, ông Phạm Hoàng Lương – Phó hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và các sinh viên được nhận học bổng. Học bổng Năng lượng Tương lai AES-VCM là một trong những nỗ lực của Công ty TNHH Điện Lực AES-TKV Mông Dương nhằm góp sức đào tạo, chuẩn bị lực lượng lao động kỹ thuật cao cho Quảng Ninh nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung. Ngoài phần học bổng trị giá 600 đô la Mỹ, mỗi sinh viên sẽ được tiếp nhận nhiều chương trình tập huấn kỹ năng mềm, tiếng Anh và cơ hội tham quan Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 do Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương đầu tư và vận hành.  Phát biểu tại buổi lễ, ông David Stone, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương chia sẻ: “Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao ngay tại địa phương là một trong những trọng tâm của phát triển bền vững mà AES và các bên đối tác của chúng tôi theo đuổi tại thị trường Việt Nam và tất cả các thị trường chúng tôi hoạt động. Học bổng và những kỹ năng mà chúng tôi trang bị cho các sinh viên xuất sắc ngày hôm nay chính là nguồn động lực giúp các em tiếp tục phấn đấu trong học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân để trở thành chủ nhân tương lai của ngành năng lượng Việt Nam và AES là một phần trong đó”. Ngoài chương trình học bổng, Công ty đã triển khai nhiều chương trình phát triển cộng đồng khác, chú trọng vào giáo dục, y tế và bảo vệ mội trường  trong suốt 6 năm qua với tổng trị giá lên tới hơn 7 tỷ đồng. Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương là chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 tại phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Khởi công vào tháng 12/2010, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 có tổng công suất thô là 1.242 MW gồm 2 tổ máy với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Tính từ ngày hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia vào tháng 4/2015,  hai tổ máy của Mông Dương 2 đã đóng góp hơn 12 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia và sẽ đóng góp hơn 7,6 tỷ kWh điện hàng năm. Thục Anh

Tôn vinh và làm rõ giá trị lịch sử của Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947

TĐKT - Chiều 26/9, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Bắc Kạn phối hợp tổ chức Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng "Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - Giá trị lịch sử và hiện thực". Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 2/10 tại tỉnh Bắc Kạn, là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947. Ban tổ chức thông tin tới các cơ quan báo chí Thu - Đông 1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân quy mô lớn tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc, hòng thực hiện âm mưu bắt gọn cơ quan lãnh đạo kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu diệt bộ đội chủ lực, phá hủy tiềm lực kháng chiến để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, áp đặt lại ách thống trị lên đất nước ta. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự điều hành trực tiếp của Bộ Tổng Chỉ huy, quân và dân Việt Bắc và cả nước đã nhanh chóng giành lại thế chủ động, anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tiến công chiến lược của đội quân viễn chinh, lập nên thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tiến trình của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây mở ra một giai đoạn mới, tạo đà đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn để kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ vẻ vang. Có thể nói, Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 là một trong những sự kiện quan trọng trong 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cùng với thời gian, chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông càng thêm sáng chói, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chủ động, khí phách kiên cường và sức sáng tạo của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Để tôn vinh và làm rõ thêm giá trị của chiến thắng, Hội thảo sẽ tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề. Một là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự điều hành kịp thời của Bộ Tổng Chỉ huy, nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 và toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai là, âm mưu và hành động xâm lược, bản chất hiếu chiến, phiêu lưu mạo hiểm, ảo tưởng của thực dân Pháp thông qua kế hoạch tiến công lên Việt Bắc hòng phá căn cứ địa và chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến. Ba là, vai trò của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng vũ trang và nhân dân, trực tiếp là các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cùng quân dân trên các chiến trường phối hợp. Bốn là, tiếp tục phân tích, khái quát và đúc kết những bài học kinh nghiệm thiết thực trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, phục vụ việc hoạch định chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước; chiến lược xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hội thảo sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cả nước; nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tăng cường sức mạnh quốc phòng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phương Thanh

Trang